HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỪ LÀNG RA PHỐ
(Nghiên cứu trường hợp cộng đồng nghề ở làng Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh và phố Hàng Đồng, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
NGUYỄN THUỲ LINH
(ThS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
1. Một vài vấn đề lí luận về xu hướng biến đổi văn hoá
Biến đổi văn hoá là hiện tượng phổ biến nhưng nó diễn ra không giống nhau ở mỗi xã hội, mỗi quốc gia và nhỏ hơn nữa là vùng miền lãnh thổ. Đây là một quá trình diễn ra theo hai xu hướng: (1) xu hướng thích ứng: trong quá trình chịu sự tác động của những yếu tố bên ngoài, các thành tố của văn hoá tự vận động vừa giữ bản sắc, vừa thích ứng với điều kiện mới; (2) xu hướng bảo thủ: các thành tố văn hoá không thích ứng với điều kiện mới, khả năng hội nhập kém, bản sắc văn hoá sẽ bị mai một. Trong những thành tố nằm trong quỹ đạo của sự biến đổi văn hoá, làng nghề, phố nghề chịu sự biến đổi khá mạnh mẽ và sâu sắc. Sở dĩ có sự biến đổi như vậy bởi lẽ Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nền kinh tế hàng hoá thâm nhập sâu, rộng vào đời sống của người nông dân cả ở những vùng thành thị cũng như những vùng xa thành thị. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là nhiều làng nghề biến mất do người dân không có nhu cầu sử dụng loại sản phẩm do làng nghề đó sản xuất. Không còn thị trường, làng nghề không còn môi trường để tồn tại – đó là xu hướng bảo thủ. Nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một bởi thị trường co lại do nhu cầu ít ỏi của một bộ phận người sử dụng, các làng nghề muốn tồn tại và phát triển, người thợ thủ công buộc phải thay đổi một số khâu trong quy trình sản xuất, loại hình sản phẩm, mẫu mã, công năng sử dụng,… để phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với quy luật khách quan của quá trình đổi mới tư duy, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa – đó là xu hướng thích ứng.
2. Từ làng nghề lên phố nghề – quá trình chuyển đổi diện mạo văn hoá cộng đồng nghề Đại Bái
Đại Bái thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, là một trong số những làng nghề đúc đồng nổi tiếng của Việt Nam. Theo thời gian, nghề đồng đã có những thay đổi mạnh mẽ. Do tính động của quá trình chuyển đổi dân cư, không gian sống của cộng đồng nghề có sự thay đổi từ làng Đại Bái lên phố Hàng Đồng. Về không gian di cư, cộng đồng nghề Đại Bái có sự chuyển đổi dân cư lên phố Hàng Đồng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cộng đồng nghề Đại Bái di cư đến nhiều nơi như phố Hàng Đồng, phường Trương Định, phường Bạch Mai (Hà Nội). Ngoài ra họ còn di cư vào Cà Mau, Cần Thơ để làm ăn buôn bán. Tuy nhiên hiện nay chỉ có phố Hàng Đồng vẫn còn tập trung 13 hộ gia đình quê gốc Đại Bái kinh doanh mặt hàng đồng. Còn các nơi khác hầu như khi lên phố họ đã chuyển sang làm nghề khác. Vì vậy, bài viết chỉ tập trung vào phố Hàng Đồng – với 13/48 hộ gia đình quê gốc Đại Bái trên phố Hàng Đồng vẫn giữ nghề.
Những khoảng thời gian đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ tổ nghề là năm 1954, năm 1986 và năm 2000. Quan tâm đến mốc năm 1954, chúng tôi muốn nêu bật quá trình chuyển đổi dân cư của người dân Đại Bái khi lên phố Hàng Đồng sinh sống và lập hội, lập phố nghề. Quan tâm đến mốc năm 1986, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những thay đổi trước và sau năm 1986. Những quyết sách của Đảng đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự biến đổi diện mạo các làng nghề, phố nghề và văn hoá cộng đồng nghề. Trước năm 1986, nền kinh tế Việt Nam mang nặng tính tự cung tự cấp, theo phương thức bao cấp từ trung ương xuống địa phương. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trong nền kinh tế không còn hợp với thời kì phát triển kinh tế – xã hội nên bước sang năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò ngày càng quan trọng, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Sau năm 1986, do chính sách mở cửa nền kinh tế, khuyến khích hoạt động buôn bán kinh doanh nên khu phố Hàng Đồng nói riêng cũng như toàn Hà Nội phát triển mạnh mẽ hoạt động buôn bán kinh doanh, sự di dân ồ ạt từ các tỉnh lân cận đến Hà Nội, sự xuất hiện các cửa hàng kinh doanh, đa dạng hoá các phương thức mua bán đã khiến diện mạo phố Hàng Đồng có nhiều thay đổi rõ rệt. Lựa chọn mốc nghiên cứu từ năm 1986 đến nay, chúng tôi nhấn mạnh vào mốc thời gian nghiên cứu từ năm 2000 trở lại đây. Bởi lẽ, từ năm 2000 đến nay, quá trình đô thị hoá mạnh với những biến đổi to lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và kinh doanh mặt hàng đồng do nhu cầu tiêu dùng của người dân thay đổi. Đô thị hoá khiến tâm lí người dân cũng thay đổi. Lợi ích kinh tế chủ quan trước mắt để phục vụ kinh doanh, buôn bán khiến quan hệ cộng đồng bị lỏng lẻo, làm phai nhạt những sinh hoạt văn hoá đã có từ lâu đời.
3. Những thành tố biến đổi của hoạt động sản xuất nghề truyền thống của cộng đồng Đại Bái
3.1. Tại làng Đại Bái
Tại làng Đại Bái hiện có hơn 20 doanh nghiệp và khoảng 700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồng. Các doanh nghiệp ngoài việc tận dụng nguồn nhân lực sẵn có ở địa phương còn thuê nhân công từ các làng khác vào làm việc. Trong các hộ gia đình sản xuất nhỏ thì chủ yếu là nhân công tại gia.
– Thời gian và nguyên liệu sản xuất
Thời gian sản xuất diễn ra quanh năm nhưng đông nhất là giáp Tết, từ tháng 10 cho đến tháng 12 âm lịch. Mặt hàng bán được nhiều nhất vào dịp này là đồ thờ cúng. Trong những năm trở lại đây, nguyên liệu chủ yếu dùng cho sản xuất vẫn là nhôm, đồng, bên cạnh đó còn có kẽm. Đặc biệt, hiện nay có sự pha trộn thiếc với tỉ lệ nhất định làm ảnh hưởng đến độ bền của đồ đúc. Nguồn nguyên liệu là các máy móc, thiết bị của các công ti bị hư hỏng hoặc đồ gia dụng cũ, không sử dụng được nữa được các nhà thu gom mua lại và đem bán. Ngày nay, do nhu cầu đổi mới thiết bị công nghệ cũng như áp dụng máy móc thiết bị hiện đại thay thế công nghệ thủ công nên nguồn cung cấp thiết bị công nghệ không chỉ có ở trong các làng xã mà còn đến từ các tỉnh, huyện khác và nước ngoài. Trước năm 1986, nguyên liệu sơn 100% là nhập từ Thái Lan. Sơn đẹp, có độ bền cao, nước sơn không bị phai màu. Khoảng từ 3 – 5 năm trở lại đây có hàng sơn của Trung Quốc. Tuy giá thành rẻ hơn nhưng màu sắc không được nét và đẹp như hàng sơn của Thái Lan. Hiện nay, ở làng Đại Bái có các cửa hàng bán sơn của Thái Lan và Trung Quốc nên các hộ không cần đi mua sơn ở nơi khác
– Công cụ sản xuất và sản phẩm
Trước đây Đại Bái thường sản xuất bằng các công cụ thủ công, sử dụng sức người là chủ yếu. Ngày nay do có điện khí hoá, làng nghề Đại Bái đã mua sắm máy móc thiết bị vào dây chuyền sản xuất và sản xuất đa dạng các sản phẩm, ngoài các sản phẩm truyền thống là các sản phẩm gia dụng: nồi, xoong, chậu, mâm, ấm và một số sản phẩm nhạc cụ bằng đồng như cồng, chiêng, lệnh, thanh la, lạo bạt và một số sản phẩm mĩ nghệ chạm ghép tam khí. Hiện nay Đại Bái còn liên kết với một số công ti gia công một số chi tiết, công đoạn và sản phẩm cho hàng công nghiệp như công ti khoá Việt Tiệp, công ti khoá Minh Khai, các công ti chế tạo tàu thuỷ.
3.2. Sự biến đổi từ làng Đại Bái ra phố Hàng Đồng
Những bậc cao niên sống trong khu phố kể lại rằng: thuở xưa phố Hàng Đồng làm nghề sản xuất đồ đồng rất sầm uất, vì đây gần như là nơi cung cấp duy nhất mâm, xoong, nồi, chảo đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Ban đầu chỉ là những vật dụng thông thường, sau này những người thợ gò đồng trong phố cải tiến, làm cả những mâm giả cổ bằng đồng, quả cầu đồng, đĩa mĩ nghệ dùng để trang trí rồi tới cả cồng, chiêng,…
Tuy nhiên, ngày nay các hộ sản xuất chỉ được làm những công việc đơn giản như: sửa chữa, đánh bóng đồ đồng, bọc đồ đồng trên mọi chất liệu chứ không được sản xuất quy mô trên phố vì nếu làm vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước, không khí và ô nhiễm tiếng ồn do các hộ thường dùng các loại hoá chất như nitơ, axít sulfuric và ôxi đất đèn để tẩy rửa trong quá trình sản xuất.
4. Những thành tố biến đổi của hoạt động kinh doanh nghề truyền thống của cộng đồng Đại Bái
4.1. Phương thức kinh doanh
4.1.1. Tại làng Đại Bái
Trước thời kì đổi mới, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh của làng Đại Bái gồm các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, tổ sản xuất,… Sau thời kì đổi mới, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh của làng chỉ bao gồm ba loại hình sản xuất đó là hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp. Hợp tác xã Hợp Thành chuyên đúc và gia công các chi tiết khoá. Hợp tác xã Quyết Thắng và Hợp tác xã Tân Tiến chuyên gò đúc cán đồng nhôm các loại.
Hoạt động kinh doanh ở Đại Bái rất phát triển. Cả hai dãy mặt đường đi ở làng bắt đầu từ Cống Đoan xuống xóm Trại có hơn 100 cửa hàng bán mặt hàng đồng. Họ bán những mặt hàng gia đình tự sản xuất được và nhập những mặt hàng khác từ trong làng ra để bán. Ngoài ra họ còn nhập hàng từ Đài Loan, Trung Quốc, tuy nhiên những mặt hàng nhập từ nước ngoài về chiếm số lượng ít.
– Sự biến đổi từ làng Đại Bái ra phố Hàng Đồng
Trước năm 1986, trên phố Hàng Đồng có hai phương thức kinh doanh: thứ nhất là sản xuất tại quê gốc Đại Bái sau đó mang ra phố Hàng Đồng để bán. Thứ hai là: sản xuất, bán tại phố hoặc chuyển đến vùng miền khác để bán. Sau năm 1986 chỉ còn tồn tại một hình thức kinh doanh cũ là sản xuất tại quê gốc Đại Bái và mang ra phố bán. Thêm vào đó là nhập hàng đồng các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia. Mặt hàng nhập từ nước ngoài chiếm gần một nửa bên cạnh những mặt hàng sản xuất tại quê gốc.
– Các mặt hàng bày bán
Trước kia, người dân ở Đại Bái chuyên bán các mặt hàng gia dụng, như xoong, nồi, siêu,… Từ khi đổi mới, làng Đại Bái mở rộng sản xuất và bày bán những mặt hàng thờ cúng cao cấp bằng đồng để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường. Hàng hoá được bày bán chủ yếu là các sản phẩm như: bộ đồ thờ: lư hương, đỉnh đồng, hạc đồng; tranh đồng với các chủ đề: tùng, cúc, trúc, mai, cảnh đồng quê, vinh quy bái tổ,…; chữ đồng với các chữ: Phúc, Lộc, Thọ,… Sản phẩm mĩ nghệ của làng nghề rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Bên cạnh các sản phẩm thủ công truyền thống (tranh đồng, đồ thờ cúng, chiêng đồng), các cơ sở sản xuất còn tập trung vào các sản phẩm cao cấp được chế tác công phu và tinh xảo như: tượng Bác Hồ, tượng doanh nhân, trống đồng, chuông đồng,…
Với diện tích cửa hàng rộng nên các mặt hàng được bày biện rất ngăn nắp. Các loại tranh đồng thường được treo trên tường theo hàng lối. Đồ thờ cúng như: lư hương, hạc đồng loại nhỏ thường được đặt trong các tủ kính. Còn lại các bát hương bằng đồng, tượng người được bày ngay dưới sàn nhà. Các vật dụng hàng ngày và chiêng đồng được treo ngay ngoài cửa bán hàng.
4.1.2. Tại phố Hàng Đồng
Khi lên phố Hàng Đồng, số lượng, mẫu mã cũng như cách bày bán các mặt hàng trên phố Hàng Đồng phong phú hơn ở Đại Bái.
Về số lượng, các mặt hàng được bày bán trên phố đa dạng và phong phú hơn. Ngoài những sản phẩm được nhập từ Đại Bái lên như: bát hương, hạc, lư hương, lọ hoa, hoa sen, tranh, đồ phong thuỷ, chiêng cụ, đồ thờ cúng, đồ đồng nội thất cao cấp, đồng xu, chuông, đồ đồng phục vụ đời sống hàng ngày (các loại nồi xôi, nồi nấu rượu, nồi bánh cuốn, chõ,…), kim loại đồng, đèn, điếu, giá để chân li, quầy bar, vật tư kim loại màu,… còn có các đồ trang sức bằng đồng như: đồng hồ, vòng tay. Ngoài ra là các sản phẩm bằng chất liệu nhôm, cao su, đá: chuông gió, đồ chưng cất rượu, khảm trai.
Về mẫu mã, các mặt hàng khá đa dạng. Có mặt hàng đồ đồng tự gò và đồ đồng nhập ở bên ngoài. Màu sắc có thể làm theo yêu cầu của khách hàng: màu đen, màu vàng, tăng độ bóng,… Mỗi một loại mặt hàng thì lại có nhiều loại hoa văn trang trí khác nhau: hoa văn nhiều hoặc ít, hoa văn hình quạt, hình sò từ thời thượng cổ; hay hoa văn hình rồng phượng (rồng chầu mặt nguyệt, lưỡng long chầu nguyệt,…).
Về cách bày bán, mỗi hộ kinh doanh lại có một cách bày bán các mặt hàng khác nhau. Do diện tích cửa hàng chật hẹp nên cách bày biện không theo trình tự bắt buộc và không cố định mà tuỳ theo ý muốn của mỗi gia đình. Thường thì những sản phẩm đặc trưng của mỗi cửa hàng sẽ được bày ở bên ngoài. Một số hộ còn nhận thêm các việc khác như: sửa chữa, đánh bóng đồ đồng, bọc đồ đồng trên mọi chất liệu, thiết kế và lắp đặt trang thiết bị, nội thất bằng đồng,…
Sự chuyển đổi các mặt hàng kinh doanh chứng tỏ sự mai một trong nghề truyền thống mà nguyên nhân ở đây, bằng việc kết hợp với phương pháp phỏng vấn chúng tôi được biết: ngày nay do kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm mới ra đời, đồ đồng được thay thế bằng các vật liệu khác như: nhôm, inox, sắt,… Thêm vào đó, giá đất đắt nên các hộ gia đình không còn xưởng sản xuất tại chỗ như xưa. Nhà nước đánh thuế cao trong khi đó việc buôn bán đồng bị ế ẩm, trì trệ. Chính vì thế, việc truyền nghề bị mai một khiến cho văn hoá phố nghề biến đổi như một điều tất yếu khó có thể tránh khỏi.
4.2. Quan hệ mua bán
Về người bán, qua thực tế đã quan sát ở Đại Bái và phố Hàng Đồng cho thấy: quan hệ mua bán đã được hình thành từ lâu đời bởi từ lâu nơi đây đã buôn bán đồ đồng. Đa số chủ cửa hàng thường vui vẻ, niềm nở, ân cần tư vấn cho khách về các mặt hàng, cư xử khéo léo nhã nhặn với khách mua hàng để có thể gây ấn tượng tốt nhất. Tuy nhiên, ở trên phố vẫn có những người bán hàng có thái độ không tốt khi có khách vào. Họ rất ân cần niềm nở chào đón nhưng khi khách không hài lòng với món đồ hoặc không tìm được món đồ phù hợp ưng ý thì người bán hàng lại có thái độ khó chịu và cằn nhằn với khách đi mua hàng. Tuy nhiên, những người bán hàng có thái độ đó không nhiều. Ngoài ra, tình trạng hét giá cao, thách giá đối với các mặt hàng đồng vẫn thường xảy ra để có thể kiếm được lợi nhuận tối đa trong khi kinh doanh.
Về người mua, người mua có thể là người đã có những hiểu biết nhất định về mặt hàng đồng hoặc chưa có một hiểu biết gì về mặt hàng này. Nhiều khách hàng có thái độ hoà nhã nhưng cũng có nhiều khách hàng nóng tính, hay cằn nhằn mặc cả lên xuống hay chê bai khiến cho người bán hàng khó chịu, khi đó quan hệ mua bán diễn ra rất khó khăn. Như vậy, quan hệ mua bán giữa người mua và người bán cũng có lúc tốt đẹp có lúc không tốt đẹp dẫn tới xung đột, nhưng đa phần những người dân tại Đại Bái và phố Hàng Đồng rất biết chiều và làm vừa lòng khách nên việc gây xung đột với khách mua hàng rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên vài năm trở lại đây người dân ít chuộng đồ đồng một phần do giá cả đắt, đồ đồng gia công thì mẫu mã không phong phú, đồ đồng nhập ngoài tuy mẫu mã phong phú nhưng chất lượng lại không đảm bảo, hoặc có nhiều vật liệu khác có thể thay thể đồng như nhôm, inox, nhựa,… khiến cho việc kinh doanh mặt hàng đồng trở nên khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc làm nghề khác nên những cửa hàng bán đồ đồng ngày một ít đi. Người mua hàng ít dần, người bán và sản xuất đồng cũng giảm.
5. Đánh giá xu hướng biến đổi của văn hoá cộng đồng nghề Đại Bái qua thành tố hoạt động sản xuất và kinh doanh
Để đánh giá được sự biến đổi văn hoá cộng đồng nghề làng Đại Bái từ làng ra phố diễn ra theo chiều hướng nào, chúng tôi đi sâu phân tích và có những kết luận cụ thể qua bảng dưới đây:
Bảng 1: Các thành tố biến đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh
nghề truyền thống của cộng đồng Đại Bái
Sau khi phân tích, chúng tôi nhận thấy: văn hoá sản xuất và kinh doanh của cộng đồng nghề Đại Bái biến đổi theo cả hai xu hướng, vừa thích ứng, vừa bảo thủ. Thích ứng ở chỗ đa phần mặt hàng đồng nhập vào mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của người tiêu dùng mà giá thành lại rẻ hơn. Các đồ trang sức bằng đồng luôn là sự lựa chọn của các du khách. Nhiều cửa hàng ở phố Hàng Đồng cho biết, hiện nay các đồ trang sức hay đồ lưu niệm làm bằng đồng ở con phố này được rất nhiều khách nước ngoài ưa chuộng. Họ rất ưa thích những vật dụng trang trí giả cổ, được làm khéo léo, tỉ mỉ. Càng là những mặt hàng gia công thì lại càng được nhiều du khách đón nhận. Tuy nhiên, sự nhập hàng ồ ạt các sản phẩm đồng từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia khiến cho sản phẩm đồng Đại Bái đứng trước sự cạnh tranh rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến làng nghề. Các xu hướng biến đổi bảo thủ hoặc hai chiều đòi hỏi các nhà quản lí và cộng đồng nghề Đại Bái phải có những giải pháp thiết thực để bảo tồn.
6. Một vài đề xuất bảo tồn hoạt động sản xuất và kinh doanh nghề đồng truyền thống trong giai đoạn hiện nay
Đứng trước nguy cơ mất dần chỗ đứng của các sản phẩm đồng truyền thống, chúng ta cần phải đưa ra những đề xuất cụ thể để phát triển nghề sản xuất và kinh doanh đồng. Nhóm giải pháp hướng đến hai mục tiêu:
– Phát triển sản phẩm
Với chính sách phát triển kinh tế nhiều ưu đãi như hiện nay, việc buôn bán của người dân đã không còn gặp nhiều khó khăn như thời kì trước năm 1986 nên có thể nói, rào cản về kinh tế đã không còn. Vấn đề de doạ lớn nhất đến sự phát triển của làng nghề Đại Bái và cả trên phố Hàng Đồng hiện nay là sự mai một dần của các mặt hàng truyền thống. Kéo theo đó sẽ là sự nhạt dần các mối quan hệ với làng nghề gốc. Về vấn đề xuất hiện ồ ạt các mặt hàng nhập khẩu, qua quá trình phỏng vấn các hộ dân sinh sống và buôn bán tại phố Hàng Đồng, nhiều người cho biết, hiện nay, các mặt hàng từ Trung Quốc, Đài Loan đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường bởi mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lí. Trong khi đó, cách đây khoảng chục năm, các sản phẩm được buôn bán trên phố Hàng Đồng chủ yếu là từ Đại Bái chuyển lên. Để khắc phục vấn đề này, trước hết phải có chiến lược cụ thể cho sự phát triển, đẩy mạnh kinh doanh trên phố Hàng Đồng và sản xuất ở quê gốc Đại Bái. Nếu nguồn hàng tại đây ổn định, mẫu mã đa dạng thì các hộ dân buôn bán ở phố Hàng Đồng không còn phải phụ thuộc vào các mặt hàng của Trung Quốc, Đài Loan nhiều như hiện nay nữa.
Ở đây, phát triển sản phẩm có thể hiểu là phát triển một cách quy mô về quy trình sản xuất lẫn mẫu mã sản phẩm. Mặt hàng nhập từ nước ngoài có ưu thế về mẫu mã, giá cả rẻ, bóng đẹp, độ bền màu cao hơn. Trong khi đó mặt hàng ở Đại Bái một năm phải đánh bóng lại một lần, mẫu mã không nhiều. Muốn cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu, người dân phố Hàng Đồng cũng như quê Đại Bái phải có những bước tiến đáng kể trong việc tạo ra những mẫu mã mới, phục vụ liên tục nhu cầu của thị trường. Quá trình phỏng vấn người dân Đại Bái và khu phố Hàng Đồng cho thấy, một số mặt hàng về đồng nổi lên trong những năm gần đây như chữ đồng thúc nổi, tranh bằng đồng,… là các mặt hàng được ưa chuộng nhất. Những mặt hàng này chủ yếu là do người dân Đại Bái và một số hộ dân ngay tại Hàng Đồng làm. Các mặt hàng của Việt Nam được đánh giá vượt trội hơn về mức độ tinh xảo và chất liệu đồng đẹp, ít pha tạp. Đặc biệt là các mặt hàng gia công đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ thì tay nghề của người thợ Việt Nam hơn hẳn so với các sản phẩm được sản xuất hàng loạt của Trung Quốc.
Khách hàng đến với phố Hàng Đồng còn có thể đặt riêng những mẫu mã theo ý thích của mình. Những mẫu mã này sẽ được gửi về Đại Bái để làm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Khi chúng tôi về Đại Bái, có rất nhiều khách từ các nơi đến đây để nghiệm thu sản phẩm mình đã đặt đúc. Các sản phẩm làm theo yêu cầu cũng rất đa dạng, từ những sản phẩm dùng trong gia đình cho đến những bức tượng công phu được đặt trong chùa đều do bàn tay khéo léo của những người thợ Đại Bái làm ra. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, một người dân sống tại làng Đại Bái thì Hàng Đồng là một môi trường kinh doanh tốt, tạo nhiều cơ hội làm ăn phát triển cho các hộ dân ở làng Đại Bái. Ngược lại, nhờ có tay nghề thợ vững vàng ở quê gốc mà các hộ kinh doanh ở phố Hàng Đồng rất yên tâm với chất lượng các mặt hàng của mình.
– Phát triển nguồn nhân lực
Thực tế, các cửa hàng ở phố Hàng Đồng hiện nay chỉ còn những bậc cha chú còn làm nghề. Sống giữa phố xá tấp nập khó có thể đòi hỏi lớp trẻ theo nghề truyền thống của cha ông. Nhưng cũng có nhiều thanh niên ở Đại Bái lên phố Hàng Đồng lập nghiệp. Tuy họ không trực tiếp làm nghề trên con phố này nhưng cũng có đem theo nghề lên phố, có thể tự làm khâu hoàn thiện các sản phẩm trong lúc bán hàng rỗi rãi như thúc nổi trên tranh, thúc chữ, dát đồng,… Những hộ gia đình buôn bán mặt hàng đồng ở trên phố Hàng Đồng cho biết, từ đời cha ông họ đã biết nghề đồng, có gia đình có tới 5 đời làm nghề đồng. Không vì chỉ buôn bán các mặt hàng về đồng mà họ không quan tâm đến các khâu làm ra sản phẩm mà trái lại, họ càng có nhu cầu cao về việc hiểu cũng như thuần thục các bước làm ra một sản phẩm bằng đồng. Chính việc hiểu này giúp họ có kiến thức trong kinh doanh, chủ động hơn với các mặt hàng mình chọn lựa để buôn bán. Tuy nhiên, để lớp trẻ ngày nay theo nghề là một điều rất khó bởi đây là nghề rất vất vả. Nhưng với lợi thế là gắn bó rất chặt chẽ với làng nghề Đại Bái, phố Hàng Đồng hàng năm vẫn đón nhiều người thợ trẻ tuổi ra thành phố lập nghiệp, buôn bán. Từ đó, nghề đồng ở con phố này vẫn được gìn giữ và phát triển. Khi phỏng vấn, nhiều thanh niên ở độ tuổi trên 20 đã có thể nói được rất cụ thể quy trình làm đồng, hiểu và yêu nghề làm đồng truyền thống. Vậy có thể coi người gốc Đại Bái là nguồn nhân lực chính cho nghề làm đồng truyền thống.
Thêm vào đó, muốn phát huy những giá trị sẵn có của làng nghề thì trước hết phải quan tâm đến nghệ nhân. Ở Đại Bái hiện nay còn có 3 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu, họ chính là những nhân tố quan trọng lưu giữ và bảo tồn nghề truyền thống. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền dạy nghề tránh thất truyền nghề làm đồng truyền thống, các trung tâm dạy nghề cần liên kết với những nghệ nhân giỏi ở làng nghề tham gia xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với đầu ra các sản phẩm được buôn bán tại các phố lớn như Hàng Đồng.
Có làm được như vậy, chúng ta mới hi vọng hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống nói riêng cũng như những thành tố văn hoá cộng đồng nghề nói chung ngày càng được gìn giữ và phát huy trong bối cảnh xã hội hiện nay.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đỗ Thị Hảo, Làng Đại Bái – Gò Đồng (huyện Gia Lương, Hà Bắc), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 1987.
2. Nguyễn Thị Hiền, Giải pháp phát triển làng nghề Đại Bái Bắc Ninh, Luận văn, Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. Mai Thế Hiển (chủ biên), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, NXB Hà Nội, 2003.
4. Tô Duy Hợp – Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng – Lí thuyết và vận dụng, NXB Văn hoá Thông tin, 2000.
5. Vũ Ngọc Khánh, Từ điển văn hoá dân gian, NXB Văn hoá Thông tin, 2002.
6. Lê Hồng Lý, Làng nghề, phố nghề Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hoá, Văn hoá dân gian, số 1, 2007, tr. 25-29.