HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI ẤN tại TPHCM

NGUYỄN THỊ TÂM ANH (1)
NGUYỄN TRƯƠNG TRƯỜNG GIANG (2)
(1) ThS, Khoa XHH – CTXH – ĐNA, Trường ĐH Mở TP HCM
(2) Trường ĐH Mở TP HCM

     Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có mối quan hệ lâu đời. Hiện nay, đa số người Ấn ở Việt Nam tập trung cư trú tại TPHCM. Họ đã có quá trình định cư cả trăm năm tại thành phố phương Nam này. Do vị trí địa lí thuận lợi, nằm gần biển và có nhiều cảng biển nên Sài Gòn – TPHCM nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại sầm uất ngay từ những năm đầu của thế kỉ XIX.

     Sự di dân của những cộng đồng này không chỉ góp phần đa dạng hoá thành phần tộc người mà còn điểm tô thêm những gam màu phong phú cho bức tranh văn hoá vùng đất Sài thành.

1. Vài nét về lịch sử hình thành cộng đồng người Ấn tại TP HCM

Người Ấn ở Sài Gòn thường được cư dân bản địa gọi là người Chà hoặc đôi khi là Chà Và. Cộng đồng gốc Ấn này có nhiều nhóm địa phương khác nhau.

     Nhóm Chà Bombay là nhóm người Ấn có gốc tại thành phố Bombay, Delhi, Benares. Họ đến Sài Gòn từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX. Họ là những chuyên gia thực thụ trên thương trường tơ lụa và có một số chi điếm quan trọng ở một số thành phố khác. Là những thương nhân giàu có, nhóm Bombay này lập ra những bang hội kinh doanh rất phát đạt ở Sài Gòn xưa. Họ chính là cộng đồng xây dụng nên đền Hindu giáo Gurnagar trên đường An Dương Vương, khu vực Chợ Lớn.

     Thứ hai là nhóm Chà Chetty. Nhóm này được biết đến nhiều với hoạt động cho vay. Đa số thành viên nhóm này có quốc tịch Pháp và do đó nhận được sự ưu đãi rất lớn từ chính quyền thực dân như “những người châu Á không phải Việt Nam”. Họ cho vay, thế chấp nhà cửa, ruộng đất một cách hợp pháp. Họ cũng là tầng lớp giàu có và cũng đã xây nên những ngôi đền Hindu giáo đầu tiên nguy nga trên đất Sài Gòn.

     Tầng lớp bình dân người Ấn sống chan hoà cùng dân nghèo thành thị. Cuối thế kỉ XIX, họ chuyên hành nghề đánh xe ngựa chở khách, về sau, họ chuyển sang chăn nuôi bò, dê. Nhiều người trong số họ lấy vợ Việt, sống với nghề nấu cà ri gia truyền.

     Đại bộ phận bà con gốc Ấn định cư lâu dài ở TP HCM hiện nay là những người Ấn lai. Họ là kết quả của những cuộc hôn nhân giữa người Ấn với người Việt hay người Ấn với người Khmer. Ngày nay, những người Ấn chính gốc đến Sài Gòn trong một thời gian ngắn để làm việc hoặc kinh doanh rồi họ lại trở về nước, không định cư ở Việt Nam.

     Bên cạnh những nhóm Ấn theo Hindu giáo cũng có những nhóm khác theo đạo Islam hay Sikh. Họ sống tập trung quanh thánh đường. Nhóm người Sikh trước đây sống ở quận 1 quanh thánh đường trên đường Tôn Thất Thiệp. Nhóm người Ấn theo Islam giáo quy tụ quanh những thánh đường ở Đông Du, Chợ Lớn, v.v.

     Từ giữa thế kỉ XIX, sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, số người nước ngoài, trong đó có người Ấn, đến Sài Gòn tăng dần. Theo thống kê thì vào năm 1898 với diện tích 780 ha và trong khoảng 30.000 người ở Sài Gòn thì có đến gần 1000 người Ấn Độ, cụ thể là 505 người Ấn Độ và 405 người Ấn quốc tịch Pháp (3).

     Thời gian trôi qua, hoàn cảnh người Việt và người Ấn cũng đã thay đổi. Mối quan hệ giữa hai cộng đồng này ngày càng tốt đẹp vì sự gần gũi, thân thiện mà những thế hệ người Ấn mới mang lại. Trong các đền đài Hindu giáo, không chỉ có người Ấn đến lễ bái mà còn thấy không ít người Việt và cả người Hoa, người Khmer.

     Đến giữa thế kỉ XX, số lượng người Ấn Độ ở Sài Gòn tăng lên nhiều và dần dần hình thành nhóm cộng đồng rõ rệt. Người Chà Bombay, người Ấn bán vải lụa ở đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo) và hai bên chợ Bến Thành. Người Chà (gồm cộng đồng người theo Hindu giáo, Islam giáo) thường buôn bán vải và lụa ở đường Hàm Nghi, Lê Lợi, Đồng Khánh và trong chợ Bến Thành. Ở khu vực Chợ Lớn, người Chà có cửa hàng bán vải lụa ở đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) và trong chợ Bình Tây. Họ cũng bán kẹo, bánh ngọt, rượu, đồ cổ, mỹ nghệ và trang sức. Một số người Chà làm nghề chế tác đồ trang sức và có cửa hàng trên đường Tôn Thất Hiệp, khu vực này có nhiều nhà hàng phục vụ món cà ri dê, gà và các loại bánh ngọt đặc biệt. Có khá nhiều nhà hàng Ấn Độ nằm trên đường Cây Mai, gần một nhà thờ Islam giáo trên đường Nguyễn Trãi (Chợ Lớn).
__________
(3) Sơn Nam (1998), Đất Gia Định xưa, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh.

2. Hoạt động thương mại của cộng đồng người Ấn tại TPHCM

     2.1 Hoạt động kinh doanh vải

     Ngày nay, hoạt động buôn bán trang phục – vải của cộng đồng người Ấn tại TP HCM không còn sôi nổi như trước nữa, có thể kể đến của hiệu vải Tô Hoàng Tân (tên Việt Nam), Sultane (tên tiếng Ấn). Những thế hệ Ấn kiều sau này mở cửa hàng ở đường Đồng Khởi để buôn bán vải – trang phục Ấn Độ như: cửa hàng Cashmere house hay Cashmir trên đường Đồng Khởi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

     Cashmere là một loại len siêu mềm và cực kì đắt đỏ được tạo ra từ giống dê Cashmere. Một sợi len đạt chuẩn phải có đường kính ít nhất 18,5 mm và chiều dài ít nhất 3,175 cm. Cashmere được biết đến với sự đa dạng và khả năng thích ứng của nó. Cashmere tự nhiên có ba màu khác nhau: xám, nâu và trắng. Loại len này có thể được xe thành sợi mỏng hay dày, có thể dệt thành vải nhẹ hoặc nặng tùy theo nhu cầu sử dụng. Cashmere cũng có độ ẩm cao, cho phép bản thân nó có khả năng điều chỉnh độ ẩm tương đối của môi trường. Điều đó khiến Cashmere thích ứng tốt với mọi khí hậu. Ở những vùng rất lạnh, một chiếc áo dày, hay lượt khăn Cashmere mỏng cũng đủ khả năng giữ ấm cơ thể. Mặc dù từ Cashmere được dùng để chỉ chung các loại len siêu mềm, nhưng len Cashmere 100% nguyên chất phải được bắt nguồn từ dê Cashmere – đây là giống dê sống chủ yếu ở vùng cao nguyên châu Á như Ấn Độ.

Hình 1: Vải Cashmere
Ảnh: Nguyễn Trương Trường Giang, năm 2014.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Ngoài Cashmere còn có len Pasmina, cũng là một loại len quý. Loại len này rất mịn và tốt. Đây là một loại vải len cũng làm từ một giống dê bản địa, đặc biệt ở dãy Himalaya, những con dê này được nuôi dưỡng thương mại và sản xuất quần áo Pashmina. Các sản phẩm Pashmina thường rất mềm, trọng lượng nhẹ, dùng để làm khăn choàng.

Hình 2: Vải Pasmina
Ảnh: Nguyễn Trương Trường Giang, năm 2014.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Ngoài buôn bán các loại vải truyền thống – trang phục Ấn Độ, cộng đồng người Ấn tại TP HCM còn buôn bán các mặt hàng handmade, jacket, hoặc một số loại thảm truyền thống được nhập khẩu từ Ấn Độ.

Hình 3: Một số loại sản phẩm được cộng đồng người Ấn bày bán tại đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM.
Ảnh: Nguyễn Trương Trường Giang, năm 2014.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

2.2 Hoạt động kinh doanh trang sức truyền thống

     Trang sức truyền thống Ấn Độ là một phần không thể thiếu trong văn hoá Ấn Độ, có nguồn gốc từ nền văn hoá cổ xưa. Trang sức bằng vàng được sử dụng phổ biến và rộng rãi, đóng vai trò quan trọng trong các phong tục tập quán, văn hoá và vấn đề làm đẹp của cả nam giới lẫn nữ giới (4).

     Vòng tay Choodiyan: là một loại trang sức được làm từ vàng và đá quý. Đây là một loại vòng đeo tay truyền thống của Ấn Độ, được người phụ nữ mới lấy chồng ở Ấn Độ đeo. Theo tập tục, phụ nữ Ấn Độ đeo vòng tay Choodiyan thì sẽ không làm bất cứ công việc nào trong nhà cho đến khi họ tháo những vòng tay này ra.

Hình 4: Vòng tay Choodiyan.
Nguồn: http://phunepal. blogspot. com/2013/04/trang-diem-va-trang-suc-cua-phu-nu- o.html
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Vòng đeo bắp tay Baaju band: đây cũng là một loại trang sức khá phổ biến đối với phụ nữ Ấn Độ, vòng đeo bắp tay này được đeo khi mặc những bộ trang phục ngắn tay. Đây là loại trang sức sử dụng phổ biến ở vùng Rajasthan- Bắc Ấn trong các nghi lễ cưới xin ở Ấn Độ. Chất liệu phổ biến của vòng đeo này cũng là vàng, đồng hoặc đính kim cưong.

Hình 5: Vòng đeo bắp tay Baaju band
Nguồn:
http://diaryofvietnamese- indianwife. blogspot. com/2010_12_10_archive. html
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Chuỗi đeo Mangal Sutra: là một loại vòng cổ truyền thống của người Hindu ở Ấn Độ, là một trong những món đồ trang sức quý nhất của những người phụ nữ đã có chồng ở Ấn Độ. Vòng cổ người phụ nữ Ấn đeo suốt cuộc đời hôn nhân của mình. Đây là chuỗi đeo cổ có ý nghĩa bảo vệ người phụ nữ khỏi những cái ác và đánh dấu sự hợp nhất giữa người chồng và vợ khi kết hôn. Thông thường, những mặt dây chuyền truyền thống được làm bằng chất liệu là vàng hoặc đồng.

Hình 6: Chuỗi đeo Mangal Sutra
Nguồn: http://phunepal. blogspot. com/2013/04/trang-diem-va-trang-suc-cua-phu-nu- o.html
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Một cửa hiệu trang sức Kashmir trên đường Đồng Khởi chuyên buôn bán các loại trang sức truyền thống Ấn Độ như: vòng tay Choodiyan, chuỗi đeo cổ Magal Sutra, vòng đeo trên bắp tay Baajuband hoặc những vòng cổ, khuyên tai, nhẫn… Chủ cửa hàng cho biết , hầu hết những loại trang sức này được làm chủ yếu bằng đá quý, hoặc kim loại. Đa số những mặt hàng trang sức này được nhập khẩu từ Ấn Độ.

__________
(4) Lê Duy An và cộng sự, Xuất khẩu trang sức vàng cao cấp sang Ân Độ, http://www.doko.vn/luan-van/chien-luoc-xuat-khau-trang-suc-vang-cao-cap-vao-an-do-213784, 21/12/2013, trang 1-2-6.

2.3. Hoạt động kinh doanh ẩm thực

     So với việc kinh doanh vải – trang sức Ấn Độ thì việc buôn bán ẩm thực dường như phát triển hơn rất nhiều. Dọc theo các con đường lớn khu vực quận 1 như: Hồ Tùng Mậu, Hai Bà Trưng, Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn, v.v. không khó bắt gặp những quán ăn mang đậm chất Ấn Độ. Cà ri là món ăn không thể thiếu và không thể không nếm thử khi đến với ẩm thực Ấn Độ. Món cà ri được chủ các quán ăn, nhà hàng Ấn Độ làm rất công phu với rất nhiều bí quyết về nguyên liệu, công thức chế biến. Thông thường món cà ri không thể thiếu thịt (tùy khẩu vị từng người mà có thể dùng các loại thịt khác nhau, trừ thịt heo và bò), rau củ quả, bột cà ri, nước dừa. Họ cũng thường cho sữa vào để phục vụ khách đến từ châu Âu.

     Trước năm 1975, người Chà Châu Giang (tức người Chăm, Chăm Pa) được đánh đồng gọi là người Chà Ấn . Người Chà Châu Giang có một món ăn gọi là cơm nị mà ngày nay khi vào các nhà hàng Ấn Độ bạn sẽ dễ dàng bắt gặp và nó đã trở thành một phần trong ẩm thực Ấn Độ.

     Cơm nị được người Ấn nấu khá công phu. Cơm nị được nấu từ một loại gạo đặc trưng được trồng ở Ấn Độ gọi là gạo Pasmati. Đây là một loại gạo rất đắt,  1 kg có giá khoảng 85.000 – 200.000 đồng. Bên cạnh đó, hương vị không thể thiếu là hạt bội (Yalanda). Đây là một loại hạt có hình dạng giống hạt bưởi, chỉ được trồng ở Ấn Độ, loại hạt này rất thơm. Thực khách ăn cơm nị lấy một cái đĩa lớn trộn cơm với cà ri và ăn bốc.

Hình 7: Nhà hàng Ganesh tại đường Lê Thánh Tôn- quận 1- thành phố HCM
Ảnh: Nguyễn Trương Trường Giang, 2014.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập ảnh tone màu sepia.

     Trải qua quá trình hình thành và phát triển tại TP HCM, ẩm thực Ấn Độ đã có rất nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung, vẫn mang màu sắc đặc trưng của hương vị Ấn Độ.

Kết luận

     Cộng đồng người Ấn đến Việt Nam và mang theo nền văn hoá của mình. Họ xây dựng đền, thánh đường để làm trung tâm cố kết nội bộ cộng đồng. So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore, số lượng người Ấn ở TP HCM khá khiêm tốn, tuy vậy, cộng đồng người Ấn ở đây cũng đã đóng góp trong việc quảng bá văn hoá, thu hút vốn đầu tư từ Ấn Độ, góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Geetesh Sharma do Thích Trí Minh dịch (2012), Những dấu vết văn hoá Ấn Độ tại Việt Nam, văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Phan Quang (1998), “Góp thêm tư liệu Sài Gòn- Gia Định từ năm 1859 đến năm 1945”, Nxb Trẻ thành phố Hồ Chí Minh.

3. Sơn Nam (1998), Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Lê Duy An và cộng sự, Xuất khẩu trang sức vàng cao cấp sang Ấn Độ, http://www.doko.vn/ luan-van/chien-luoc-xuat-khau-trang-suc-vang-cao-cap-vao-an-do-213784, 21/12/2013.

Nguồn: Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt
Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn

Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)