Hồi ức MÊ-KÔNG
Tác giả bài viết: ĐĐ.ThS. THÍCH BỔN HUÂN(*)
(Phạm Minh Tâm)
Có thể nói trong đời sống đa số người dân Việt, tuổi thơ mỗi người đều gắn bó với một dòng sông nào đó, bởi vì vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Việt Nam tương đối đặc thù, phần lớn đất đai là các đồng bằng ruộng lúa phì nhiêu chằng chịt các sông ngòi. Đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, người dân nơi đây có đời sống sinh hoạt; lao động; trồng trọt; chăn nuôi và buôn bán v.v… đều gắn bó với một dòng sông quê, bởi hạ lưu Mê-kông chảy qua với trữ lượng nước khổng lồ chia thành những chi lưu chằng chịt đã tạo nên những cánh đồng bạt ngàn mầu mỡ thẳng cánh cò bay với tiềm năng kinh tế về nông nghiệp; ngư nghiệp và công nghiệp là vô hạn.
Tôi cũng có một thời niên thiếu gắn bó cùng dòng sông quê xanh mát, yên ả chảy qua thôn xóm thanh bình với nhiều kỷ niệm đáng yêu như: thả diều; thổi sáo; tắm sông; câu cá; trượt bùn v.v… cùng lũ bạn nghịch ngợm nhưng hồn nhiên, chẳng bao giờ thắc mắc về nguồn gốc con sông quê này từ đâu, vì sao có con nước chảy vào rồi chảy ra mỗi ngày hai lượt lớn ròng. Mãi đến khi bước chân vào giảng đường đại học nơi Sài Gòn hoa lệ, tôi mới hân hạnh được nghe thầy ‘Huy Ngoan’ nói rõ về nguồn gốc dòng sông Mê-kông vĩ đại, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hải của vùng tây bắc Trung Hoa, chảy qua 6 quốc gia với chiều dài là hơn 4880 km, trong đó phần trên lãnh thổ Trung Hoa là hơn 2400 km, phần còn lại hơn 2400 km trải dài từ Lào; Myanma; Thái Lan; Campuchia vào Việt Nam rồi ra biển Đông. Từ những bài học khái lược về Mê-kông, tôi mới hình dung ra được con sông Lấp Vò quê tôi lại là một dòng chảy quan trọng trong vô số dòng chảy được Mê-kông nuôi dưỡng.
1. Dòng sông quê Lấp Vò
Với việc tìm hiểu về Mê-kông, người viết mới biết được sông Lấp Vò, dòng sông gắn bó với tuổi thơ, là một dòng chảy quan trọng nối 2 con sông lớn thuộc hạ nguồn của Mê-kông, đó là sông Tiền và sông Hậu, cửa Bắc của sông Lấp Vò chảy ra cầu Mỹ Thuận (trước kia là phà Mỹ Thuận), nó chạy dọc theo quốc lộ 80 đi qua thành phố Sa Đéc, rồi qua thị trấn Lấp Vò và ra cửa Nam tại bến phà Vàm Cống trên sông Hậu, dòng sông Hậu chở nặng phù sa chảy qua các bến phà như: phà An Hoà phà tại Tp. Long Xuyên; phà Vàm Cống tại huyện Lấp Vò, phà Cần Thơ (ngày nay là cầu Cần Thơ) v.v… Được biết đến năm 2017, 2 bến phà An Hoà và phà Vàm Cống sẽ được lùi vào dĩ vãng như các bến phà Mỹ Thuận; Rạch Miễu; Cần Thơ; Cổ Chiên v.v… để nhượng quyền giao thông cho 2 chiếc cầu Vàm Cống và cầu An Hoà đang được xây dựng thật hoành tráng bắc qua sông Hậu nhằm kết nối xuyên suốt những tuyến đường giao thông trên các tỉnh miền Tây Nam bộ, giúp cho những chuyến xe tấp nập giao thương không còn chịu cảnh ách tắc bởi kẹt phà và tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế các tỉnh phía nam phát triển lên một tầm cao mới.
Đối với cả nước thì cái tên Lấp Vò có lẽ không có gì đáng chú ý cho lắm, tuy nhiên điều thú vị là danh từ này lại được dùng để chỉ đến 5 đối tượng: tên một huyện (trước kia là huyện Thạnh Hưng); tên một thị trấn; tên một con sông; tên một ngôi chợ, và tên một cây cầu nằm ngay thị trấn. Thưở nhỏ, nhà tôi nằm cạnh chiếc cầu đúc có tên Lấp Vò này, sau hơn 20 năm bôn ba lập nghiệp chốn Sài Thành, giờ có dịp trở lại thăm quê xưa với nhiều sự đổi thay phát triển về nhiều mặt, và chiếc cầu mang tên Lấp Vò vẫn hiên ngang đứng đó. Từ Tp. HCM đi về các tỉnh như: Ang Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau v.v… trên quốc lộ 80 chạy dọc ven sông Lấp Vò, khi đến cầu Lấp Vò là biết ngay đã đến thị trấn Lấp Vò, toạ lạc ngay trung tâm thị trấn là ngôi chợ Lấp Vò thật khang trang với việc giao thương mua bán hàng hoá rôm rả của một khu thị tứ sầm uất.
Với một cái tên lại được chỉ cho 5 đối tượng, đã khiến tôi tìm hiểu xem vì sao cái danh từ Lấp Vò lại được sử dụng cho nhiều đối tượng như vậy!? Theo Hội khoa học lịch sử của tỉnh Đồng Tháp thì nhà nghiên cứu Nguyên Phẩm đã chỉ ra hai nguồn tư liệu liên quan đến địa danh này.
– Nguồn tư liệu dân gian:
“Có truyền thuyết cho rằng vào thời nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ (1777-1789), trước và sau khi Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Hồi Oa (Nước Xoáy-Long Hưng), thì rạch Lấp Vò là một thuỷ đạo vô cùng quan trọng trong việc di chuyển quân của Nguyễn Ánh bằng ghe thuyền từ sông Tiền sang sông Hậu. Để phục vụ cho việc di chuyển thường xuyên này, hai bên bờ sông xuất hịên nhiều cơ sở sửa chuyển ghe thuyền, trong đó khâu chủ yếu là sản xuất, nấu ra dầu chai, một thứ dầu dùng để trét, xảm các đường ráp nối, hoặc kẻ nứt chung quanh ghe thuyền, mà tiếng nhà nghề gọi là lấp dò (dò là chỗ nứt trong ghe). Người chuyên làm công việc này được gọi là thợ lấp dò. Vì thế nên con sông được mang tên Lấp Vò (dò bị viết thành vò).
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng tên Lấp Vò xuất phát từ tiếng Khmer “Srok tak por” (xứ Lấp Vò). Tak por phát âm theo tiếng Việt thành Lấp Vò. Nhưng hai tiếng tak por không có nghĩa là lấp dò ghe thuyền, mà có nghĩa “nước sôi”.
– Nguồn tư liệu thành văn:
Trong bộ “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895, viết: Lấp vò là xảm trét ghe thuyền. Trong sách “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh ký, in năm 1866 cũng viết: “Người làm nghề trét, xảm ghe xuồng gọi là thợ lấp vò”. Theo Vương Hồng Sển, trong sách “Tự vị tiếng Việt Miền Nam”, thì Lấp Vò cũng có nghĩa là sửa chửa, o bế lại vật gì đã hư hỏng. Trong khi đó, trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, ở mục Sơn xuyên, viết:
“Cường Thành giang (sông Cường Thành): tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu giang, rộng 12 tầm, sâu 18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưởi. Bờ phía nam có Du giang, chảy ra sông lớn, cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây chợ búa đông đúc (gọi là chợ Lấp Vò). Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông Qua giang (Cái Bí), sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn (sông Hậu); nhánh phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa: nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra sông Tiền giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân (Nước Xoáy), ra ông Sa Đéc, rồi cùng thông với Tiền giang. Hai bên đều có ruộng vườn và dân cư”(1).
Từ các nguồn tư liệu trên, cho chúng ta biết được cái tên Lấp Vò ra đời khá sớm, trước cuộc nội chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn với Nguyễn Ánh (1777), do cư dân ngụ hai bên bờ sông có nhiều người làm nghề sửa chữa ghe thuyền, nên con sông mới có tên này. Sông Lấp Vò là đường thủy quan trọng nối liền sông Tiền và sông Hậu, được Nguyễn Ánh khai thác khá hiệu quả trong cuộc nội chiến, ông đã nhờ con sông này để vừa tránh né quân Tây Sơn do các chi lưu chằng chịt của nó, vận chuyển quân lương và dùng làm nơi tu bổ ghe thuyền, chiêu mộ quân sĩ và thu mua lương thực nuôi quân.
Thị trấn Lấp Vò từ xưa đã có dân cư khá đông đúc, giao thương phát triển, dưới bến sông tấp nập ghe thuyền chuyên chở nông thuỷ sản rất phong phú và đa dạng. Chợ Lấp Vò được hình thành rất sớm là một minh chứng cho sự phồn thịnh của khu thị tứ sông nước này và càng làm cho sông Lấp Vò thật sự có giá trị.
2. Nguồn phát tích Mê-Kông
Sông Lấp Vò quê tôi nối thông với sông Tiền và sông Hậu vốn là 2 nhánh lớn thuộc hạ lưu của dòng Mê-kông đi qua 6 quốc gia với nhiều cái tên khác nhau. Theo sự khảo sát của đoàn làm phim “Mê- kông Ký Sự”(2) do đài truyền hình Tp. HCM thực hiện thì Mê-kông có chiều dài 4880 km, bắt nguồn từ đỉnh núi Mai Lý cao 6740 mét, đây là một ngọn núi rất cao quanh năm tuyết phủ trắng xoá thuộc địa phận tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, một năm chỉ có khoảng 30 ngày nhìn thấy ánh mặt trời, những giọt nước tinh khiết trên đỉnh núi tuyết này là yếu tố quan trọng tạo nguồn chảy đầu tiên cho dòng sông này với cái tên Tử Khúc, khi đi xuống hướng Tây nam với một quãng đường dài nó lại được đổi tên thành Trác Khúc, dòng Trác Khúc chảy qua một quãng dài qua Tp. Xương Đô thuộc khu tự trị Tây Tạng và làm đường biên giới giữa Tây Tạng với tỉnh Vân Nam của Trung Hoa dài khoảng 30 km, sau đó lại kết hợp với dòng Ngang Khúc tạo nên dòng sông Lan Thương chảy qua thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam, rồi đi dần về hướng Tây nam qua Tp. Đại Lý, trải qua chặng đường dài hơn 2400 km trên đất nước Trung Hoa, Lan Thương bắt đầu cuộc hành trình mênh mang đi qua 5 quốc gia khác, với cái tên Mê-kông nó đi qua các quốc gia khác đó là: Lào; Myanma; Thái Lan; Campuchia, rồi chảy vào Việt Nam tại thị xã Tân Châu Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp, bờ phía nam là Tp. Châu Đốc, sau đó được chia thành 2 nhánh lớn, nhánh lớn thứ nhất có tên là Sông Tiền chảy qua Tp. Cao Lãnh về Tp. Mỹ Tho qua Bến Tre đến Trà Vinh chia thành 6 nhánh rồi đổ ra biển. Nhánh lớn thứ 2 có tên là sông Hậu, chia nhánh từ thị xã Châu Đốc đi qua Tp. Long Xuyên thuộc tỉnh Ang Giang rồi về Tp. Cần Thơ qua Sóc Trăng chia thành 3 nhánh rồi đổ ra biển, phần hạ nguồn của Mê-kông tại Việt Nam được chia thành hai dòng sông lớn, đó là sông Tiền và sông Hậu có 9 nhánh đổ ra biển, cho nên vùng đồng bằng phía nam còn được gọi là “Đồng bằng Sông Cửu Long”.
3. Lợi ích kinh tế
Chúng ta đều thấy rõ giá trị và lợi ích kinh tế to lớn mà Mê-kông đã mang lại cho 6 quốc gia Châu Á mà nó chảy qua, ngoài Trung Quốc ra, trong đó có 5 quốc gia đều là thành viên của khối Asian như: Lào; Myanma; Thái Lan; Campuchia và Việt Nam. Dòng sông không chỉ là nguồn nước quan trọng dùng để cung cấp cho vùng đồng bằng rộng lớn, mà còn chuyên chở phù sa với trữ lượng khổng lồ bồi đắp cho những cánh đồng bạt ngàn thêm mầu mỡ phì nhiêu, đem lại hiệu quả thu hoạch nông sản và thuỷ hải sản cao nhất nước.
Nguồn nước của Mê-kông còn là nguồn động lực tự nhiên vô hạn cho rất nhiều nhà máy thuỷ điện hoạt động tạo nguồn điện cung cấp cho hàng trăm triệu dân 6 nước ven bờ. Mê-kông còn là môi trường cho các loài cá nước ngọt sinh sản đa dạng và phong phú về chủng loại.
Mê-kông không chỉ là đường thuỷ vận chuyển hàng hoá trong nước mà còn huyết mạch quan trọng cho tàu bè giao thương qua lại giữa các nước trong khu vực. Dòng sông còn là nguồn mạch lưu truyền, giao lưu văn hoá phong phú của các dân tộc, trong đó đặc biệt và nổi trội nhất là nền văn hoá tâm linh tín ngưỡng Phật giáo của các dân tộc.
Mê-kông còn là môi trường tự nhiên tuyệt vời để nuôi trồng thuỷ hải sản xuất khẩu ra các nước trên thế giới mang nhiều lợi ích kinh tế về cho đất nước, dòng sông còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt thiết yếu cho hàng trăm triệu dân với nguồn lợi thuỷ hải sản dồi dào vô tận.
4. Các giải pháp chung cho Mê-Kông
Ngày nay, khi có dịp về thăm lại quê xưa, thị trấn Lấp Vò đã phồn thịnh hơn xưa rất nhiều, con sông Lấp Vò còn đó nhưng đã bị ô nhiểm nguồn nước bởi dòng sông xanh mát ngày nào dồi dào nguồn lợi thuỷ hải sản, giờ đây đã gần như đã cạn kiệt, không còn nhìn thấy những cặp ghe chài nổ máy đua nhau kéo lưới trên sông suốt đêm khi nguồn cá Linh từ Mê-kông đổ về mỗi khi đến mùa đánh bắt. Vì vậy, người viết thiết nghĩ các “Uỷ ban sông Mê-kông Quốc gia” của các nước cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau cùng nổ lực thực thi chương trình của “Uỷ hội Mê-kông – MRC”(3) (Hội đồng liên hiệp các quốc gia về Mê- kông) nhằm bảo vệ Mê-kông giảm sự ô nhiễm bởi khối lượng nước thải từ các nhà máy xí nghiệp và nước sinh hoạt đổ ra, Các quốc gia có Mê-kông chảy qua phải thống nhất với nhau về bộ quy tắc ứng sử với các điều khoản chung cho việc bảo vệ Mê-kông. Trước tiên là bảo vệ nguồn nước sạch cho người dân sinh hoạt; bảo tồn sự đa dạng sinh học các loài thuỷ hải sản; bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên trong sạch cho các loài động thực vật phát triển, đồng thời tìm cách bảo hộ các loài thuỷ động vật quý hiếm sinh sống trên sông đang có nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ môi trường nước sạch và khai thác dòng sông một cách hiệu quả và mang tính lâu dài vì lợi ích chung của cả khu vực thuộc tiểu vùng Mê-kông.
Bảo vệ di sản văn hoá đặc sắc của các dân tộc sinh sống ven bờ Mê-kông, góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm những đặc trưng văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em trên 6 quốc gia này.
Đưa ra các giải pháp hiệu quả khắc phục ô nhiễm nguồn nước sạch, xây dựng kế hoạch bảo vệ lợi ích chung mang tính vĩ mô và lâu dài cho Mê-kông trước những tác động xấu của việc công nghiệp hoá hiện đại hoá ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mê-kông và vô số những dòng chảy khác thông lưu với dòng sông vĩ đại này.
Kết luận
Ngày nay, để khai thác hết tiềm năng và lợi ích to lớn của Mê- kông cũng như khắc phục những hạn chế tự nhiên của nó nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế về nhiều mặt, tạo điều kiện cho cả nước nói chung và Nam bộ nói riêng, phát triển một cách bền vững và mang tính lâu dài, những cây cầu lớn đã và đang được liên tiếp bắc ngang sông Tiền và sông Hậu một cách kiên cố như: cầu Mỹ Thuận; cầu Rạch Miễu; cầu Cổ Chiên bắc qua sông Tiền, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, ngoài ra còn có cầu Vàm Cống và cầu An Hoà đang được xây dựng bắc qua sông Hậu tại bến phà Vàm Cống tỉnh Đồng Tháp và Tp. Long Xuyên tỉnh Ang Giang (dự kiến hoàn thành vào năm 2017).
Mê-kông là dòng sông Phật giáo, khi tận mắt xem các tập phim “Mê-kông Ký Sự”(4) do Đài truyền hình Tp. HCM thực hiện thật công phu, người xem mới hiểu rõ về nguồn gốc, giá trị và lợi ích to lớn về nhiều mặt mà Mê-kông đem lại cho hàng trăm triệu dân sinh sống trên 6 nước ven bờ. Đặc biệt là giá trị đời sống tinh thần, văn hoá và tâm linh đậm đặc chất Phật giáo, nó đã mang đến cho người dân đời sống tinh thần bình an đặc chất Phật giáo, và đời sống kinh tế ấm no sung túc.
Mê-kông là con sông vĩ đại với tiềm năng vô cùng to lớn, vì vậy tất cả người dân sinh sống trên các quốc gia có dòng Mê-kông chảy qua cùng với những người có trách nhiệm phải có ý thức về một cách nhìn mới và toàn diện, khảo sát và đánh giá lại các giá trị do Mê-kông mang lại, qua đó vạch ra những kế hoạch khả thi nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ môi trường nước sạch, khai thác hiệu quả các tiềm năng của Mê-kông một cách bền vững và lâu dài, bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá vô cùng phong phú của các vùng dân cư đa sắc tộc, đa văn hoá, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế về mọi mặt, nhằm nâng cao mức sống cho hàng trăm triệu dân trên 6 quốc gia thuộc tiểu vùng Mê-kông ngày một tốt đẹp hơn.
__________
(*). ĐĐ.ThS. Giảng viên HVPGVN tại Tp. HCM, NCS Trường ĐHSP Thượng Hải, TQ. NCS Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM. Trợ lý đoàn làm phim Mê-kông ký sự do Đài Truyền hình Tp. HCM sản xuất.
1. http://hkhls.dongthap.gov.vn.
2. www.youtube.com/Me Kong Ky Su.
3. www.mrcMê-kông.org.
4. www.youtube.com/Me kong Ky Su.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. www.youtube.com/Mê-kông Ky Su
2. http://hkhls.dongthap.gov.vn (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp)
3. www.googlemap.com
4. www.mrcMê-kông.org
5. www.wikipedia.org/wiki/Mê-kông
Nguồn: Phật giáo vùng Mê-Kông: Di sản & Văn Hóa
NXB Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Hồi ức MÊ-KÔNG (Tác giả: ĐĐ.ThS. Thích Bổn Huân (Phạm Minh Tâm)) |