Hướng dẫn PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG THUYẾT MINH Nhiệm vụ Nghiên cứu khoa học-Công nghệ cấp Bộ
Tác giả bài viết: Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học LƯU TRẦN TIÊU
(Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)
Lời mở:
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ số 21/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000; căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 201/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về Quy chế Quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 11/2007/QĐ-BKHCN ngày 04 tháng 6 năm 2007 ban hành “Quy định tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp nhà nước”.
Căn cứ quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định của Chính phủ về Quy chế quản lý hoạt động khoa học xã hội và nhân văn; đồng thời vận dụng “Quy định thuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp nhà nước” của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 3 năm 2012 “Quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Việc quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm 2 cấp: Cấp Bộ và cấp cơ sở, từ 2 nguồn vốn: Vốn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của Bộ và không sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch cần giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn, được thực hiện dưới các hình thức: Chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở là những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch cũng được thực hiện dưới các hình thức: Đề tài, dự án và hoạt động thông tin khoa học…, do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phê duyệt đưa vào thực hiện để giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết, các mục tiêu phát triển của đơn vị.
Tôi xin lưu ý là, việc tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học là nhằm tạo cơ sở khoa học, đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, quản lý, làm chuyển biến nhận thức của xã hội, giải quyết những nhiệm vụ, những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra để phát triển sự nghiệp của ngành, của đơn vị; đồng thời cũng là cơ hội để nâng cao trình độ nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ cũng như đầy thách thức. Đối với những người có trình độ chuyên môn, trực tiếp hoặc tham gia công tác đào tạo đại học và sau đại học, có điều kiện và nguyện vọng làm ứng viên chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, thì một trong nhiều tiêu chuẩn mang tính bắt buộc của hai chức danh nêu trên là: Đối với chức danh Giáo sư, ít nhất phải làm chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu hoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu; đối với chức danh Phó Giáo sư: ít nhất phải làm chủ nhiệm 2 đề đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu.
Từ sau khi ban hành Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy định tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp nhà nước”, hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có bước phát triển mới. Bộ đã tăng cường chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học trong các đơn vị thuộc Bộ; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở. Đặc biệt, về mặt tổ chức, Bộ đã thành lập Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tham mưu, giúp Bộ trưởng, đưa công tác quản lý khoa học và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ đi vào nền nếp.
Nhìn lại những năm gần đây, chúng ta có thể nhận ra một số đơn vị có nhiều cố gắng và bước đầu đã có kinh nghiệm trong việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đăng ký, xây dựng thuyết minh, tham gia tuyển chọn, xét chọn và tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở: Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Tp. Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch v.v…
Tuy vậy, nghiêm túc đánh giá, cũng còn rất nhiều các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các đơn vị sự nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa quan tâm đúng mực, thậm chí “đứng ngoài” việc đề xuất, đăng ký, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở và nhất là đề tài, dự án cấp Nhà nước lại càng hiếm hoi.
Cách đây hơn hai tháng, Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013. Theo tôi được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chẩn bị dự thảo Nghị định và các văn bản hướng dẫn để lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương. Chắc chắn là sẽ có nhiều đổi mới và thay đổi trong việc quản lý, đề xuất, xác định, tuyển chọn, xét chọn, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Trong khi chưa có hướng dẫn mới, thì Thông tư số 03/2012/TTBVHTTDL ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn có hiệu lực thi hành để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ trong thời gian tới.
Về “Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp Bộ”
Thông tư số 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 3 năm 2012 quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn khá cụ thể việc tổ chức, tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện tham gia và hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó yêu cầu quan trọng nhất, quyết định có được tuyển chọn, xét chọn hay không là ở chất lượng khoa học của Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học.
“Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp Bộ” gồm 24 mục theo mẫu mà tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì thực hiện đề tài cần nghiên cứu kỹ để thể hiện đúng yêu cầu đối với từng mục.
Tuy nhiên, với tư cách là người trong những năm qua được mời chủ trì Hội đồng tuyển chọn, xét chọn, thẩm định nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, tôi xin gợi ý cách thể hiện ở một số mục mà tôi thấy nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký chưa nghiên cứu kỹ để thể hiện đúng yêu cầu đặt ra; còn những mục khác không phức tạp lắm, trong Thuyết minh đề tài đã hướng dẫn khá cụ thể. Đề nghị tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu kỹ để thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra.
1. Về mục tiêu của đề tài (Mục 9 Thuyết minh đề tài).
Yêu cầu của mục này là phải bám sát và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đặt hàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, Hội đồng tuyển chon, xét chọn thường đánh giá thấp 2 cách thể hiện :
– Chép nguyên xi định hướng mục tiêu theo đặt hàng;
– Lẫn lộn giữa định hướng mục tiêu và nội dung của đề tài, thay định hướng mục tiêu bằng những nội dung cần thể hiện của đề tài.
Yêu cầu của mục này là phải viết ngắn gọn, bám sát định hướng mục tiêu theo đặt hàng, nhưng cần cụ thể hóa một số vấn đề cần nghiên cứu đối với từng mục tiêu. Không nên đề ra quá nhiều mục tiêu của một đề tài nghiên cứu, thông thường chỉ cần 3 hoặc 4 mục tiêu là được.Ví dụ: Khi nghiên cứu về văn hóa truyền thông đại chúng ở nước ta hiện nay, đề tài do TS. Đặng Thị Thu Hương (Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện nêu 3 mục tiêu và cụ thể hóa một số vấn đề cần nghiên cứu đối với từng mục tiêu, xin giới thiệu để chúng ta tham khảo:
1. Làm rõ cơ sở lý luận về văn hóa truyền thông đại chúng và cơ chế tác động của văn hóa truyền thông đại chúng đối với xã hội. Để cụ thể hóa định hướng mục tiêu này, cần làm rõ những vấn đề như:
– Làm rõ khái niệm truyền thông đại chúng, văn hóa tuyền thông đại chúng, công nghiệp văn hóa, công nghệ truyền thông…;
– Hệ thống hóa các lý thuyết về vai trò và cơ chế tác động của truyền thông đại chúng, của văn hóa truyền thông đại chúng đối với xã hội;
– Những tác động tích cực và tiêu cực của hệ thống thông tin đại chúng trong điều kiện kinh tế thị trường v.v…
2. Đánh giá thực trạng văn hóa truyền thông đại chúng ở nước ta hiện nay. Để cụ thể hóa định hướng mục tiêu này, cần làm rõ thêm:
– Thực trạng của các loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo viết, báo mạng,…;
– Làm rõ những thành công và hạn chế, nguyên nhân thành công và hạn chế của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay;
– Làm rõ những tác động và ảnh hưởng của truyền thông đại chúng và văn hóa truyền thông đại chúng đối với xã hội ngày nay v.v…
3. Đề xuất các định hướng và giải pháp tăng cường phát huy vai trò của văn hóa truyền thông đại chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa định hướng mục tiêu này, cần làm rõ:
– Nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng cơ chế, chính sách dể tăng cường công tác quản lý, khuyến khích sáng tạo, phát huy vai trò của văn hoá truyền thông đại chúng đối với xã hội;
– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp và phương thức quản lý có hiệu quả phù hợp đối với truyền thông đại chúng – một lĩnh vực rất đặc thù trong bối cảnh toàn cầu hóa;
– Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp truyền thông đại chúng v.v…
2. Về tổng quan tình hình nghiên cứu (Mục 11.1 Thuyết minh đề tài).
Yêu cầu của mục này là mô tả, phân tích, đánh giá đầy đủ, rõ ràng mức độ thành công, hạn chế của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan và nhưng kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài., trong đó phải nêu được:
– Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài;
– Tình hình nghiên cứu ở trong nước;
– Liệt kê danh mục (xếp thứ tự alphabet theo tên tác giả) các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài đã nêu trong phần Tổng quan (nêu cụ thể tên tác giả, tên công trình, năm xuất bản).
Khi viết về tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài, có thể tách riêng tình hình nghiên cứu ở nước ngoài và tình hình nghiên cứu ở trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có nhiều đề tài khi viết tổng quan theo các chủ đề khác nhau, thì từng chủ đề dẫn ra cả công trình nghiên cứu ở cả trong nước và cả ở nước ngoài. Viết tổng quan theo cách nào là tùy thuộc vào từng đề tài và cách tiếp cận của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì thực hiên đề tài. Tuy nhiên, dù viết theo cách nào cũng phải phân tích, đánh giá mặt thành công và hạn chế của của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài mà mình đăng ký.
Có thể có nhiều cách viết phần tổng quan tình hình nghiên cứu. Ở đây, tôi xin nêu một vài cách thể hiện để tham khảo:
1. Viết khái quát về tình hình nghiên cứu trong nước và ở nước ngoài thuộc lĩnh vực của đề tài; trên cơ sở đó phân tích, đánh giá từng công trình cụ thể, rút ra những kết quả nổi bật, những điểm mới của công trình đó, đồng thời cũng có thể nhận ra những gì mình cho là quan trọng nhưng công trình đó không đề cập đến, kể cả những quan điểm, nhận định mà mình không đồng tình hay không thỏa đáng.
2. Đối với các đề tài về lịch sử, về văn hóa diễn biến qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau thì có thể viết tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài theo từng giai đoạn lịch sử (thời kỳ tiền-sơ sử, thời đại phong kiến dân tộc, thời cận-hiện đại; theo triều đại hay theo khung niên đại).
Toàn bộ các công trình thuộc lĩnh vực của đề tài viết từ xưa tới nay về từng giai đoạn lịch sử đó cần được phân tích, đánh gia.
3. Căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu của đề tài đã được xác định, có thể viết tổng quan, đánh giá các công trình nghiên cứu trong nước và ở nước ngoài thuộc lĩnh vực của đề tài theo từng chủ đề. Ví dụ, khi nghiên cứu về tác động của tiếp biến và hội nhập văn hóa đến phát triển của đất nước, thì có thể viết tổng quan theo từng chủ đề hay vấn đề như đề tài của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim (Đại học quốc gia Hà Nội):
– Các vấn đề lý thuyết, lý luận về tiếp biến, hội nhập văn hóa;
– Những xu hướng lớn của giao lưu, tiếp xúc văn hóa;
– Tổng kết kinh nghiệm lịch sử về tiếp biến và hội nhâp văn hóa;
– Đánh giá thực trạng tiếp biến và hội nhập văn hóa và tác động của nó đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của nước ta hiện nay;
– Phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy tính tích cực của quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa đến phát triển ở Việt Nam hiện nay.
4. Tổng quan tình hình nghiên cứu ở trong nước và ở nước ngoài thuộc lĩnh vực của đề tài theo các nhóm tư liệu và phân tích, đánh giá những kết quả và hạn chế của từng công trình theo từng nhóm tư liệu, như đề tài “Nghiên cứu bảo tồn sự đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch miền núi phía Bắc Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Thi Huệ (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) làm Chủ nhiệm:
– Các công trình về địa lý, địa lý du lịch, về vùng văn hóa, văn hóa vùng và phân vùng văn hóa;
– Các công trình viết về dân tộc học, văn hóa, tộc người, địa chí các tỉnh miền núi phía Bắc;
– Một số công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa;
– Các công trình nghiên cứu về du lịch, phát triển du lịch bền vững của các nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước.
3. Luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài (Mục 11.2 Thuyết minh đề tài).
Nội dung của mục này không khó viết, nhưng đa phần không thỏa mãn được người thẩm định. Ở đây không cần phải viết dài, đưa vào quá nhiều nội dung của đề tài, mà điều quan trọng nhất là cách lập luận thuyết phục được người đọc “tâm phục khẩu phục” về sự cần thiết, tính cấp bách cần thực hiện đề tài; đồng thời không quên nêu ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn của đề tài. Thông thường một đề tài nghiên cứu khoa học xã hôi và nhân văn thường phải giải quyết 3 vấn đề lớn: Những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp khắc phuc, thúc đẩy phát triển. Từng vấn đề đều có những thành công, nhưng cũng còn nhiều bất cập, cả về mặt lý luận, nhận thức thực tiễn và những giải pháp phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế như hiện nay. Cần biết cách lập luận, luận giải, chứng minh rằng, đề tài này cần phải đưa vào thực hiện.
4. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng của đề tài (Mục 12 Thuyết minh đề tài).
Đây là vấn đề mà nhiều đề tài hay nhầm lẫn giữa phương pháp luận, phương pháp tiếp cận (hay cách tiếp cận) và phương pháp nghiên cứu.
4.1. Về phương pháp luận:
Phương pháp luận là hệ thống lý luận về các phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn; là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc tìm kiếm, xây dựng, lựa chọn và vân dụng các phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn. Vì vậy, khi nghiên cứu về văn hóa và con người, các nhà nghiên cứu thường vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, quan điểm của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và con người. Đó là phương pháp luận chứ không phải là phương pháp tiếp cận hay phương pháp nghiên cứu.
4.2. Về phương pháp tiếp cận hay cách tiếp cận:
Có rất nhiều phương pháp tiếp cận được sử dụng vào nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực văn hóa và con người như: Phương pháp tiếp cận liên ngành, phương pháp tiếp cận thành tố văn hóa, phương pháp tiếp cận giao thoa văn hóa, phương pháp tiếp cận trường hợp, phương pháp tiếp cận khu vực, phương pháp tiếp cận định lượng văn hóa, thuyết tương đối về văn hóa, phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp tiếp cận môi trường xã hội, phương pháp tiếp cận sinh thái nhân văn, phương pháp tiếp cận tâm lý học dân tộc và tâm lý học xã hội…
Đặc biệt, trong công trình “Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012) GS. Dương Phú Hiệp (Chủ biên) đã giới thiệu rất nhiều phương pháp tiếp cận không gian văn hóa:
– Không gian văn hóa và chiều cộng cảm của của không gian văn hóa;
– Chiều nhân bản của không gian văn hóa;
– Chiều hoạt động sáng tạo của không gian văn hóa;
– Chiều lịch đại của không gian văn hóa;
– Thuyết tương tác biểu trưng và ý nghĩa của nó trong nghiên cứu các chiều kích của không gian văn hóa;
– Không gian văn hóa truyền thống và sự phát triển.
Tùy yêu cầu và nội dung của từng đề tài mà áp dụng các phương pháp tiếp cận phù hợp với đối tượng nghiên cứu để đạt được mục tiêu đặt ra.
4.3 Về phương pháp nghiên cứu:
Trong nghiên cứu văn hóa và con người, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng mỗi đề tài lại phải lựa chọn sử dụng những phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng nghiên cứu để dạt mục tiêu đặt ra. Những phương pháp chung thường được sử dụng là: Phương pháp nghiên cứu định tính (nghiên cứu lý thuyết), phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp nghiên cứu tình huống, phương pháp điều tra định hướng giá trị, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia, phương pháp dự báo, phương pháp quan sát, phương pháp thống kê – so sánh, phương pháp thống kê toán học SPSS (để xử lý số liệu), phương pháp phân tích SWOT (điểm mạnh – điểm yếu – thời cơ – thách thức). Khi nghiên cứu về con người, người ta còn sử dụng phương pháp Trắc nghiệm điều tra nhân cách NEO PI-R…
5. Về nội dung nghiên cứu (Mục 13 Thuyết minh đề tài).
Các nội dung nghiên cứu cần được xác định rõ ràng, có tính hệ thống, logic, phù hợp với mục tiêu đề ra. Mỗi một nội dung cần kèm theo các chuyên đề nghiên cứu.
Chẳng hạn, khi xây dựng nội dung nghiên cứu đề tài về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta có thể hình thành nhiều nội dung cụ thể của đề tài với số lượng phù hợp (có thể là 5-6 hoặc 7-8…đối với đề tài cấp Nhà nước) để đạt được những yêu cầu định hướng mục tiêu đặt hàng. Từng nội dung cụ thể đó lại cụ thể hơn nữa bằng nhiều chuyên đề. Tôi xin giới thiệu một số vấn đề (có điều chỉnh) trong công trình nghiên cứu về bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam của GS. Ngô Đức Thịnh làm ví dụ về cách hình thành các nội dung của một đề tài nghiên cứu khoa học để chúng ta tham khảo:
Nội dung 1
Một số vấn đề lý luận về giá trị văn hóa truyền thống
Chuyên đề 1: Một số khái niệm liên quan đến vấn đề giá trị văn hóa truyền thống;
Chuyên đề 2: Lý thuyết về giá trị, định hướng giá trị;
Chuyên đề 3: Phương pháp luận nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống;
……………
Nội dung 2
Tổng quan tình hình nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam
Chuyên đề …: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề Nội dung 1)
……………
Nội dung 3
Hệ giá trị tổng quát văn hóa truyền thống Việt Nam
Chuyên đề …: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề 2)
……………
Nội dung 4
Giá trị văn hóa truyền thống trong một số lĩnh vực đời sống vật chất
Chuyên đề…: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề 3)
…………….
Nội dung 5
Giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần
Chuyên đề …: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề 4)
……………….
Nội dung 6
Thực trạng biến đổi hệ giá trị văn hóa truyên thống trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Chuyên đề …: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề 5)
………………
Nội dung 7
Bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội đương đại
Chuyên đề …: (… là số nối tiếp số cuối của các chuyên đề 6)
Xin lưu ý:
– Đối với đề tài cấp nhà nước, chỉ nên xây dựng khoảng 80 chuyên đề là vừa; đối với đề tài cấp bộ, chỉ nên khoảng mươi mười lăm chuyên đề là vừa.
– Các chuyên đề thuộc đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có 2 loai: Chuyên đề loại 1 (hiện nay tối đa là 12 triệu 1 chuyên đề dành cho chuyên đề có tiến hành khảo sát, điều tra số liệu) và chuyên đề loại 2 (hiện nay tối đa là 8 triệu 1 chuyên đề dành cho chuyên đề chỉ nghiên cứu lý thuyết. Việc quyết định có bao nhiêu chuyên đề loại 1, bao nhiêu chuyên đề loại 2 thuộc thẩm quyền của Tổ thẩm định nội dung, dự toán kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ trúng tuyển chọn, xét chọn theo các quy định hiện hành.
Trên cơ sở những nội dung đã được xác định, cần hình thành các chương mục dự kiến của đề tài. Theo tôi, nếu hướng đề tài như như trên, có thể kết cấu thành 4 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận và tổng quan tình hình nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
– Một số vấn đề lý luận về giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
– Tổng quan tình hình nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Chương 2: Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
– Hệ giá trị văn hóa tổng quát.
– Giá trị văn hóa truyền thống trong một số lĩnh vực đời sống vật chất.
– Giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần.
Chương 3: Thực trạng biến đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
– Bối cảnh trong nước và quốc tế, cơ hội và thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
– Sự biến đổi một số giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam nhìn từ hai chiều tích cực và tiêu cực.
Chương 4: Bảo tồn, làm giàu và phát huy giá tri văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội đương đại.
– Tính tất yếu của quy luật bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
– Định hướng giải pháp nhằm bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
6. Về Dạng kết quả dự kiến của đề tài (Mục 18 Thuyết minh đề tài).
Dự kiến kết quả của đề tài gồm 3 dạng kết quả: Dạng kết quả I, Dạng kết quả II và Dạng kết quả III. Mỗi dạng kết quả có nhiều ô vuông, cam kết sản phẩm gì thì tích vào ô vuông tương ứng và phải thực hiện cho được. Trong khá nhiều hồ sơ tham gia tuyển chọn, xét chọn, một số hồ sơ không tích vào một ô nào, nếu có cũng chỉ tích vào một, hai ô là không đủ. Những gì không có điều kiện thực hiện được thì không nên cam kết. Ví dụ, đối với đề tài cấp Bộ, trong 2 năm khó mà có được một chuyên khảo, hoặc là việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng không khả thi. Trong trường hợp này chỉ nên cam kết là tham gia đào tạo sau đại học là được.
7. Về yêu cầu khoa học đối với sản phẩm dự kiến tạo ra (Mục 19 Thuyết minh đề tài)
Ngoài bài báo khoa học, viết sách, giáo trình…, quan trọng nhất là Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt và Bản kiến nghị. Xin lưu ý là Bản kiến nghị không để chung trong phần giải pháp như lâu nay một số đề tài đã làm mà tách ra thành Bản kiến nghị riêng./.
Trích tệp PDF từ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
“Hội nghị – Hội thảo tập huấn về công tác nghiên cứu khoa học năm 2013”
Download file (PDF): Hướng dẫn phương pháp xây dựng thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – Công nghệ cấp Bộ (Tác giả: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu) |