Kế thừa và phát huy các tư tưởng giáo dục giá trị sống từ truyền thống đến hiện đại
Tác giả: Thạc sĩ PHẠM THỊ NGA
(Trường THCS Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình)
TÓM TẮT
Giá trị sống còn được xem là giá trị cá nhân có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách, kĩ năng sống từ khi còn nhỏ kể cả khi tới tuổi trưởng thành. Bài viết tập trung hệ thống hóa các hệ tư tưởng, quan niệm về giá trị sống truyền thống cho tới hiện đại, các nội dung giáo dục, đánh giá giá trị cá nhân ở các nhà trường, các tổ chức, công ty hiện nay.
Từ khóa: Giá trị sống, kĩ năng sống, giáo dục, nhà trường.
x
x x
Kĩ năng sống ở giới trẻ ở Việt Nam đang ở mức báo động cần được quan tâm và có biện pháp giáo dục thiết thực từ nhiều phía. Các tác động tiêu cực do tình trạng thiếu kĩ năng sống xuất hiện hàng ngày trên báo chí: học sinh đánh nhau, thậm chí đánh cả giáo viên, cẩu thả khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, quan hệ tình dục, nạo phá thai, xả rác và phá hủy môi trường, chơi điện tử, nói xấu thầy cô, phụ huynh, bạn bè trên blog, facebook… Các nhà trường, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh đang rất quan tâm và tích cực giáo dục kĩ năng sống cho con em trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ của kĩ năng sống phải xuất phát từ quan niệm sống, giá trị sống. Giá trị sống còn được xem là giá trị cá nhân có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách, kĩ năng sống từ khi còn nhỏ kể cả khi tới tuổi trưởng thành.
1. Giá trị sống theo quan niệm nho giáo
Quan niệm nho giáo về giá trị sống của con người căn bản là: “cung, khoan, tín, mẫn, huệ”. Bách khoa tri thức Việt Nam giải thích: “Cung là khiêm tốn, biết tôn trọng người và tôn trọng công việc, không coi thường, không kiêu ngạo. Khoan là rộng rãi, không riết róng. Tín là nói sao làm vậy, coi trọng lời hứa. Mẫn là nhanh nhẹn, linh hoạt, không lề mề, trì độn, ỳ ra. Huệ là rộng rãi, không bủn xỉn, keo kiệt, cho người không tiếc rẻ, không bớt xén”(1).
2. Giá trị sống theo quan niệm Khổng tử
Khổng Tử cho rằng ai làm được “cung, khoan, tín, mẫn, huệ” người đó có đức nhân. Con người cần hướng tới cả năm đức: “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, còn gọi là ngũ thường, tức là năm đạo đức cơ bản của con người. Khổng Tử rất đề cao đức, “nhân”, ông đã coi “nhân” là đức cao nhất, là cái đích của tự tu dưỡng. Theo sách Luận ngữ, Khổng Tử nói “nhân là yêu người” và “cái mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác; cái mình mong có thì làm cho kẻ khác có”(1). Nghĩa: được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Những người có nghĩa là những người có quan hệ tình cảm thủy chung, không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa, luôn hành động phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định. Chữ lễ trước đây dùng để nói cách thờ thần cho được phúc, tức là chỉ có nghĩa cúng tế, thuộc về đường tôn giáo mà thôi. Sau dùng rộng ra, để chỉ những quy tắc, trật tự trong xã hội mà con người phải tuân theo để có được những tình cảm đạo đức tốt, phù hợp với lẽ phả và có trật tự trên dưới. Tóm lại, đó là những phép tắc phải theo cho đúng khi tiếp xúc với người khác, thường là người trên. Trí là khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán của con người. Tín là đức tin của con người, biết trọng lời hứa và biết tin nhau.
3. Giá trị sống theo truyền thống dân tộc Việt Nam
Người Việt Nam có truyền thống giáo dục đạo đức phong phú, tiếp thu các giá trị nho giáo đồng thời có những giá trị và cách thức giáo dục giá trị mang bản sắc riêng. Cũng là nói về chữ nhân nhưng cách nói của người Việt thật dễ hiểu dễ nhớ: “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.
Hay khi nói về chữ “nghĩa”: “con người sống với nhau có tình có nghĩa, có thủy có chung”, giải quyết vấn đề “có tình có lý”. Chữ lễ được đề cao ở mỗi trường học và trong việc giáo dục con em: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hoặc qua ứng xử trong gia đình: “kính trên, nhường dưới”, “anh em như thể tay chân”. Chữ Trí thể hiện việc khuyến khích học tập, mở mang tri thức, suy xét: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”… Trong quan hệ xã hội con người luôn được nhắc nhở luôn trung tín, giữ chữ tín, tránh bội tín, tuy nhiên cũng không nên cuồng tín: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, “hứa lời thì giữ lấy lời…”(3).
Ngoài ra do những đặc trưng của nền văn minh lúa nước, truyền thống bất khuất chống giặc ngoài xâm nhiều giá trị sống tốt đẹp được người Việt Nam nuôi dưỡng và truyền từ đời ngày sang đời khác: đoàn kết, yêu nước, tự chù, bất khuất, kiên cường, sáng tạo…
4. Giá trị sống theo tư tưởng tôn giáo(4)
4.1 Đạo Phật
Đạo Phật được xem là tôn giáo lâu đời và có số lượng tín đồ đông đảo nhất có ở Việt Nam. Người Việt chịu sự ảnh hưởng các giá trị sống tích cực của Phật giáo. Các giá trị sống trong 5 điều cần tránh còn gọi là “Ngũ Giới” của đạo Phật được giáo dục không những ở chùa chiền mà còn ở trong các gia đình Phật tử: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối. “Ngũ giới” theo quan điểm nhà Phật có nhiều nét tương đồng với “Ngũ thường” của Khổng Tử.
4.2. Đạo Thiên Chúa
Đạo Thiên Chúa có số lượng tín đồ lớn nhất trên thế giới (>2,1 tỉ người). Thiên Chúa Giáo (còn gọi là công giáo) được các nhà truyền giáo trong đó có người sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ (Alexander Rhode) đưa vào Việt Nam từ thế kỉ thứ 16, hiện nay có số lượng tín đồ lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Phật Giáo). Hệ giá trị sống củaa đạo Thiên Chúa được thể hiện qua: “Mười điều răn của Đức Chúa Trời”, trong đó bao gồm các điều răn mang tính giáo dục đạo đức cao: Thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người.
5. Giá trị sống cho con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã truyền vào tâm thức của người Việt hai chữ Trung, Hiếu: “Trung với nước – Hiếu với dân”. Ba giá trị chung của nhân dân, dân tộc được Bác đề cao, và phản ánh trên các văn bản ở nước ta: “Độc lập-Tự do – Hạnh phúc” như lời Bác ngày 30/05/1946 trước khi lên đường sang thăm Pháp năm 1946: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, Dân ta được hoàn toàn tự do, Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(5).
Đất nước trải qua bao năm chiến tranh, Bác luôn hướng dân tộc tới giá trị Hòa bình và quyết tâm cùng cả nước giành lấy hòa bình. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Bác viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhẫn nhịn nhưng chúng ta càng nhẫn nhịn, thực dân Pháp càng lấn tới và chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”(5).
Với cán bộ nhân viên nhà nước, Bác nhấn mạnh các giá trị “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”: cần: cần cù chăm chỉ; kiệm: tiết kiệm; liêm: thanh liêm, không tham nhũng, ăn hối lộ, vơ vét của dân; chính: chính trực, bảo vệ lẽ phải; lên án cái sai, cái xấu; chí công: công bằng, công tâm; vô tư: không có lòng riêng, thiên vị hay chèn ép người khác.
Quan điểm giáo dục của Bác được thể hiện: Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Các giá trị sống Bác dành giáo dục cho thiếu nhi rất mộc mạc, dễ nhớ qua năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng “1. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, 2. Học tập tốt, Lao động tốt, 3. Đoàn kết tốt, Kỉ luật tốt, 4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt, 5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Những giá trị giáo dục trong thư gửi thiếu niên nhi đồng còn nguyên giá trị ngày nay, không những với thiếu nhi Việt Nam mà còn nhân dân trên thế giới, các tổ chức, các tập đoàn lớn trên thế giới như: Tổ chức văn hóa giáo dục Liên hợp quốc, Chương trình Giáo dục Giá trị sống của Bộ Giáo dục các nước, các tập đoàn như Cocacola Mỹ, Novartis Thụy sĩ, Sanofi Pháp…
6. Giá trị sống theo quan niệm giáo dục của UNESCO
Qua nghiên cứu và thực tiễn giáo dục, UNESCO đã đưa ra 12 giá trị sống cốt lỗi nhất giúp phát triển toàn diện con người bao gồm cả các khía cạnh: Thể chất, tinh thần, tình cảm và trí tuệ bao gồm: 1, Giàn dị; 2, Hoà bình; 3, Hạnh phúc; 4, Hợp tác; 5, Khiêm tốn; 6, Khoan dung; 7, Tự do; 8, Thương yêu; 9, Trách nhiệm; 10, Trung thực; 11, Đoàn kết; 12, Tôn trọng. Chương trình giáo dục giá trị sống UNESCO đã được triển khai ở hơn 80 nước trên thế giới từ năm 1995. Ở Việt Nam, năm 2010, lần đầu tiên ngành giáo dục Hà Nội cho triển khai thí điểm ở một số trường học, được nhiệt liệt chào đón và đem lại các giá trị giáo dục cao(8).
7. Giá trị sống cho trong chương trình giáo dục phổ thông ở một số nước
Australia
Bộ Giáo dục Australia đã lựa chọn và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 10 giá trị sống căn bản là: 1. Chăm sóc, thương yêu, 2. Công bằng, 3. Tự do, 4. Thật thà, đáng tin cậy, 5. Chính trực, 6.Tôn trọng, 7.Trách nhiệm, 8.Thông cảm, 9. Khoan dung, 10. Khái quát(7).
Hoa Kỳ
Các giá trị sống cốt lỗi được tập trung giáo dục cho học sinh trung học cơ sở ở Hoa Kì gồm: Thương yêu, dũng cảm, lịch sự, công bằng, thật thà, tử tế, trung thành, kiên trì, tôn trọng, và trách nhiệm(8).
Singapore
Bộ Giáo dục Singapore đã xác định và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các giá trị sống căn bản cho khối tiểu học và trung học(9).
Các giá trị ở khối tiểu học bao gồm: I. Phân biệt đúng sai, 2. Chia sẻ, 3. Thân thiện, 4. Ham tìm hiểu, 5. Biết diễn đạt cảm xúc, 6. Tự hào về trường lớp, 7. Tạo thói quen lành mạnh, 8. Yêu tổ quốc.
Các giá trị sống được giáo dục ở bậc trung học gồm: 1. Trung thực, 2. Quan tâm chăm sóc người khác, 3. Hợp tác, 4. Làm chủ và sáng tạo, 5. Có đủ tri thức để học lên cao, 6. Tin vào khả năng bản thân, 7. Cố óc thẩm mỹ, 8. Hiểu biết và tin tưởng vào tương lai tổ quốc.
8. Giá trị cá nhân theo đánh giá của các tập đoàn đa quốc gia(10)
Qua tổng hợp và phân tích các hệ giá trị trên, ta có thể thấy các giá trị sống gắn liền với con người từ nhỏ tới khi trưởng thành, từ gia đình đến các công ty, tổ chức. Các nhà trường, những người làm công tác quản lý giáo dục cần xác định rõ các giá trị phù hợp với lứa tuổi cấp học, để thừa kế, phát huy các hệ giá trị quý báu này trong công tác giáo dục thế hệ trẻ đáp ứng được yêu cầu “Đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng” để dân tộc hội nhập, bắt kịp thời đại và vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trọng Kim (2001), Nho Giáo, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội.
2. Đặng Quốc Bảo, Kế thừa các giá trị suy ngẫm về giáo dục, Tạp chí Giáo dục Thủ đô, số 20, tháng 8/2011.
3. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Đặng Hoàng Minh (2011), Giáo dục Giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh THCS, Nxb ĐHQG Hà Nội.
4. Mai Thanh Hải (2006), Các nền tôn giáo trên thế giới và Việt Nam, Nxb Văn hỏa Thông tin.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 3, 4, Trang 161, 480.
6. Diane Tillman (2009), Những giá trị sống cho tuổi trẻ, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
7. http://www.valueseducation.edu.au/values/
8. Giá trị sống ở trường trung học ở Mỹ http:// eric.ed.gov/?id=ED381423.
Nguồn: Tạp chí Quản lý Giáo dục, số 58, tháng 3, năm 2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF bản cứng): Kế thừa và phát huy các tư tưởng giáo dục giá trị sống từ truyền thống đến hiện đại (Tác giả: ThS. Phạm Thị Nga) |
– Ban Tu thư Thánh địa Việt Nam học (https://thanhdiavietnamhoc.com) chuyển nội dung bài viết trên từ tệp PDF (bản cứng) lên Webiste Thánh địa Việt Nam học. Quý độc giả sử dụng nội dung bài viết này, vui lòng ghi rõ: Tác giả bài viết: ThS. Phạm Thị Nga, Nguồn: Tạp chí Quản lý Giáo dục, số 58, tháng 3, năm 2014 ; Trích dẫn từ: Thánh địa Việt Nam học (https://thanhdiavietnamhoc.com) – ngày 15/08/2020. – Ban Tu thư Thánh địa Việt Nam học sẽ tiếp tục đăng tải nhiều bài viết đa dạng chủ đề đến Quý độc giả. – Mọi đóng góp ý kiến, gửi bài viết, v.v…, Quý độc giả vui lòng gửi email đến địa chỉ: thanhdiavietnamhoc@gmail.com để liên lạc với chúng tôi. Xin chân thành cám ơn! |