KẾT CẤU VĂN BẢN THEN TÀY (Phần 2)
ĐINH THỊ LIÊN
(Đại học Thái Nguyên)
3.2. Kết cấu đối đáp là dạng kết cấu gồm những lời thoại, gồm hai hay nhiều lượt lời trao đáp, tương tác với nhau, do hai chủ thể cùng thực hiện hành động, thường là loại được gọi là “sát hạch gường sở, đối thoại then hài”. Điều này làm cho Lễ hội Dàng then vừa mang tính chất tôn nghiêm của lễ lại hoà quện với cái vui vẻ, đầm ấm của hội: vừa có tụng niệm, vừa có hát múa lại có cả trò diễn. Ví dụ Then lễ hội bởi có yếu tố lễ nên khác với Then kì yên cầu chúc ở một đặc trưng nổi bật đó là sự hiện diện của kết cấu đối đáp (tuy với số lượng ít 2/21 khúc), tiêu biểu là khúc Toỏng khánh khảo gường, Say (thầy Cả) đứng đầu trong Lễ hội Dàng then để cấp sắc cho gường (then sắp được thăng cấp) được làm then hoặc thăng cấp cho then Dàng. Trong bài này, thầy Cả làm lễ, đưa gường vào nhiều thử thách bằng cách đưa ra một loạt vấn đề có tính chất vấn – đáp để qua đó xác nhận tư cách của gường sở. Kết cấu hỏi – đáp được thầy Cả hỏi xoay quanh những vấn đề liên quan đến nghề then, kết thúc câu hỏi là cụm từ dùng để hỏi là: phải không? đúng không? Người được hỏi chỉ trả lời khẳng định hay phủ định chứ không cần phải giảng giải nhiều lời. Hình thức câu hỏi rất dài, người hỏi càng muốn khẳng định bao nhiêu thì người trả lời càng cương quyết phủ nhận bấy nhiêu. Đặc điểm câu đáp rất ngắn gọn mà rõ ràng, rất lễ độ. Chẳng hạn:
Lặng lặng pây tha đin hạ giới Lẩu khỉn ky căm rắt Trà khỉn tẳt căm thi bấu? (Bấu nao.) Pản lẩu pây đá ma Pản dà pây đá lủc, rụ đây (Bấu đá nao.) Lẳm thư pất, thư cáy đảy òa Sưa thư mu chang nà đảy vuổt bấu? (Khỏi đảy vuột, đảy òa.)… [NL; 505] | Lặng lặng đi xuống vùng hạ giới Chén rượu giữ thật chặt Chén trà đặt lên còn giữ mãi, phải không? (Không phải thế đâu ạ.) Nấu rượu thì mắng chó mèo Nấu rượu lại mắng mỏ con, phải không? (Không phải thế đâu ạ.) Diều hâu bắt vịt bắt gà đi xua đuổi Hổ bắt lợn trong ruộng thì đuổi, có đúng không? (Làm vậy đúng ạ.)… |
Để tăng thêm không khí còn có khúc Đối thoại then hài. Đây là khúc hát mang tính hội rõ nét nhất và cũng là khúc hát thể hiện kết cấu đối đáp nổi bật nhất. Then hài đối thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa một người đàn ông Giang với then. Người Giang kể cho then biết vợ đang dệt vải có bạn bè đến nói chọc ghẹo bằng tiếng lóng. Then giảng giải đó là những câu đố dân gian về khung cửi và dệt vải thôi. Then hỏi người Giang mang túi gì. Người Giang nói tục tĩu. Để tạo ra tính hài, tác giả dân gian đã tạo ra tình huống hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ mà ra. Cái tạo nên sự hài hước chính là nhân vật nói có ý tục tĩu, nhưng qua lời giảng của thầy then mà người xem mới vỡ lẽ họ không hiểu nhau chẳng qua là do bất đồng ngôn ngữ, tiếng cười từ đó òa ra. Qua lời đối đáp, không khí lễ hội càng tưng bừng, hấp dẫn do những tiếng cười sảng khoái vì sự hiểu lầm mang lại. Tục mà giảng thanh tạo nên sự bất ngờ thú vị. Ví dụ như đoạn trích dưới đây:
Then giẳn hò Giang:
– Vặn nẩy mầư pây pua là câu hăn đây lo, tọ mầư tái tẩy ca răng cải vặn nẩy? Hò Giang tốp khảu tẩy, cảng:
– Ối, tống nghè phù quan, tẩy khỏi lẻ cả vầy hoài đeo, vầy luốt đeo.
– Ái, cả tẩy mầư răng mì vầy hoài, vầy luốt vận nẩy à? Vặn nẩy khay ngòi?
– Ờ, khay mí đảy vớ. Mẻn xỉnh nàng tiên mà khay.
Then au tính mà tói, xỉnh nàng tiên. Vừa tói tính vừa hát:
– Mởi thâng noọng tiên hoá, tiên bioóc. Mởi noọng lồng khay tẩy ngòi đu, lồng khay tu ngòi nhỏm. Tự mạn bình định. Ké!
Tẩy khay oóc, then tẳng tha:
– Ố, khảng phải lài giầy, them khảng phải bioóc mó. Phải lài mâừ phuối vầy hoài, phải bioóc mầư cảng vầy luốt mó… [NL; 630]
(Then khen anh chàng người Giang:
– Vậy thì mày đi cúng lễ tao thấy tốt đấy. Nhưng mà đeo cái túi gì mà to vậy? Người Giang vỗ vào vai túi nói:
– Ối, túi mang lễ cho then (quan), túi tôi chỉ có vầy hoài (cặc trâu đực), vầy luốt (cặc trâu lòi ra) thôi.
– Ái, cái đẫy mày sao có “cặc trâu đực, cặc trâu lòi ra” thế vậy? Vậy thì mở xem?
– Ờ, mở không được đâu. Phải mời nàng tiên về mở.
Then nâng đàn tính lên gảy, mời nàng tiên. Vừa gảy đàn vừa hát:
– Mời đến em tiên hoa, tiên bioóc. Mời nàng xuống mở túi ra xem, xuống mở cửa ra nhìn. Tự mạn bình định. Cởi!
Túi mở ra, then ngơ ngác:
– Ô, tấm vải hoa thôi, thêm tấm vải nụ (hoa) nữa. Vải hoa (phải lài) mày nói cặc trâu (vầy hoài), vải nụ (phải bioóc) mày nói cặc trâu lòi ra (vầy luốt) thôi…).
Những khúc hát có kết cấu đối đáp, với những câu đối – đáp vừa liên tục vừa gián đoạn đã góp phần làm cho những khúc then thêm uyển chuyển. Bên cạnh đó còn phản ánh được năng lực ứng khẩu khôn khéo và tính hài hước của người Tày.
3.3. Kết cấu trung gian không rõ ràng là kết cấu một chiều mà cũng không hoàn toàn là đối đáp, mà vừa có lời hát vừa tụng niệm vừa đối thoại. Với những khúc hát này, thầy then vừa đóng vai là người diễn xướng, vừa có vai trò thay lời Ngọc Hoàng phán truyền, vừa xuất hiện các nhân vật trao đáp với nhau. Trong 31 khúc hát, có 13 khúc hát có kết cấu thuộc loại này. Dưới đây là ví dụ:
Trong khúc Khảm hải (tiếng Tày có nghĩa là vượt biển) được miêu tả là đoàn quân then vượt biển mênh mông, đường đi dài dằng dặc, để đưa lễ vật lên cống mường trời. Đường đi vất vả, tâm lí tình cảm từng loại người trong khúc hát rất khác nhau.
Mở đầu khúc hát là những lời miêu tả quang cảnh bờ biển mênh mông, lạnh lẽo:
Mừa thâng bến hải há nặm kim Tiên thâng rìm nặm pế Tứ bích nặm hải tế mênh mông Lừa khỉn them lừa lồng khoai khoái Vô số lừa bích ba cai pế Quân quốc kéo rì rọi bến sông Gần cắp nặm mênh mông lai láng… [NL; 566] | (Về đến bến hải hà nước vàng Tiên đến chốn nước biển Bốn bề nước biển mêng mông Thuyền lên thêm thuyền xuống nhanh nhanh Vô số thuyền đậu quanh bờ biển Quân quốc kéo tấp nập bến sông Người với nước mênh mông lai láng…) |
Tiếp theo là những lời miêu tả cảnh các chúa xuống voi, xuống ngựa để nghỉ ngơi, hút thuốc, ăn trầu. Trong lúc đó các thầy truyền bảo viết sớ về Ngân Hà giục quân chèo thuyền (quân suông). Những đoạn này đơn thuần chỉ là lời trần thuật của then. Ở những đoạn tiếp của khúc hát là sự kết hợp giữa miêu tả kết hợp với lời đối đáp của các nhân vật: vợ – chồng, các chúa – yêu tinh,… Kế tiếp khúc hát lại là lời miêu tả đoàn quân then vượt lên các quãng sông đầy hiểm nguy đầy quỷ tà, ma quái, tâm trạng của mỗi người trong đoàn quân ấy được tả rất khác nhau.Và kết thúc khúc hát là những lời ca nêu lên nỗi cực khổ của vợ chồng phu chèo thuyền lúc chia tay được thể hiện dưới những lời than thở của người vợ trẻ lúc hai người còn sống với nhau. Bằng kết cấu đối đáp, lời dặn dò của vợ chồng phu chèo thuyền làm người đọc cũng buồn man mác:
Vỉ pây và hỏi sảo Vỉ tẻ sắng đắc đạo thuổn gằm Dậu thân bấu vần răng gỏi vẻng Sắng se rằng nộc én Sắng se đén lài va Khỏi pây nhằng đảy mà là hoạ … Sinh mà bấu chắc án pi bươn Sinh lồng bấu giú rườn tó ké Khuốp pi bấu muối khẩu vẻ lồng đin Răng roọng hất rườn kin đuổi tản?… [NL; 581, 582, 583] | (Anh đi chăn vắt lên sào Anh còn dặn đạo lí hết lời Dẫu thân chẳng ra gì sẽ chết. Dặn để tổ chim én Dặn để cái đèn hoa Tớ đi còn được về là hoạ … Sinh về không biết đếm năm tháng Sinh về không ở nhà đến già Quanh năm không hạt thóc giống xuống đất Sao gọi là có gia đình với họ?…) |
Sự kết hợp giữa những đoạn then có tính chất đối đáp với đoạn then có tính chất một chiều làm cho kết cấu những khúc then biến đổi linh hoạt thành một lễ then không đơn điệu mà rất hấp dẫn, sinh động.
Như vậy, có thể thấy trong then phổ biển nhất vẫn là những khúc hát có kết cấu một chiều (gồm 16 khúc hát), ở mức ít hơn là kết cấu trung gian (gồm 13 khúc) và ít phổ biển hơn cả là kết cấu đối đáp (2 khúc). Những khúc hát dài ngắn đan xen nói lên phần nào về lối nói năng linh hoạt của người Tày. Bên cạnh đó, người Tày còn thể hiện sự sáng tạo phong phú trong cách thể hiện rất hấp dẫn. Sự đan xen kết hợp giữa lời miêu tả, tự sự với lối đối đáp ngắn gọn, cương quyết pha lẫn sự hài hước… làm cho lễ then vừa linh thiêng vừa sinh động tưng bừng như ngày hội. Ba dạng kết cấu (một chiều, đối đáp và trung gian) làm cho then Tày luôn hấp dẫn, lôi cuốn. Ngoài ra, những khúc hát có yếu tố cốt truyện li kì về số phận con người, về lịch sử người Tày, về các vị thần khiến cho người nghe hồi hộp, theo dõi rất chăm chú.
4.
Kết cấu trong một tác phẩm Then vô cùng phong phú. Qua tìm hiểu, có thể có một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, ba dạng kết cấu đặc trưng trong then là một chiều, đối đáp, trung gian được kết hợp linh hoạt trong then (trong đó kết cấu một chiều là phổ biến hơn cả, 16/31 khúc hát) làm cho then mang dáng vẻ một loại hình nghệ thuật mang tính nguyên hợp rõ nhất và thiên hướng kể lể;
Thứ hai, có thể thấy trình tự diễn xướng trong nghi lễ then nói chung tuân theo mô thức nhất định mà các thầy cúng gọi là “khoa” và có liên quan đến điều này là kết cấu văn bản. Điều đó góp phần làm nên tính trình tự của nghi lễ từ đầu đến cuối, từ thấp đến cao, có trước có sau theo thứ tự: mở đầu, nội dung và kết thúc nghi lễ. Kết cấu của văn bản then góp phần chuyên chở và làm nổi bật cốt truyện, mang đến tính hài, vừa khắc hoạ hình ảnh lại vừa tạo nên tính nhạc, làm cho nhiều khúc then giống như câu chuyện kể nhiều tình tiết, đa dạng và đa thanh, hấp dẫn, li kì và ngoài ra còn mang đậm chất linh thiêng huyền bí.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Nhã Bản, Đặc trưng của cấu trúc ngữ – nghĩa của thành ngữ – tục ngữ trong ca dao, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2005.
2. Nông Quốc Chấn, Then một số hình thức biểu diễn tổng hợp Tày – Nùng, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1978.
3. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
4. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Từ điển văn học, NXB Thế giới, Hà Nội, 2004.
5. Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá tín ngưỡng Tày – Nùng, Viện Văn hoá Dân gian Việt Nam, Hà Nội, 1997.
6. Hoàng Ngọc La (chủ biên), Văn hoá dân gian Tày, Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên, Thái Nguyên, 2002.
7. Hoàng Văn Ma – Lục Văn Pảo Từ điển Tày – Nùng – Việt, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
8. Nguyễn Xuân Nam, “Kết cấu”, Từ điển Văn học – 2 tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983.
9. Nông Thị Nhình, Nét chung và riêng trong diễn xướng hát Then của Tày – Nùng, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2004.
10. Lục Văn Pảo, Bộ Then tứ bách, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1996.
NGỮ LIỆU
1. Triều Ân, Then Tày những khúc hát, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000.
Xem lại: KẾT CẤU VĂN BẢN THEN TÀY (Phần 1)