Khả năng tổ hợp và cơ cấu nghĩa của từ “bụng, dạ” trong tiếng Việt

POSSIBILITY OF COMBINATION AND STRUCTURE
OF THE MEANING
OF WORDS “ABDOMEN, STOMACH”
IN VIETNAMESE

NGUYỄN THỊ TRÀ MY
(Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên)

TÓM TẮT

     Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát, miêu tả và phân tích một cách toàn diện, tỉ mỉ về: Khả năng tổ hợp của vị từ với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể (bụng, dạ); cơ cấu nghĩa bao gồm: nghĩa đen và nghĩa chuyển cũng như nghĩa biểu trưng của các danh từ chỉ bộ phận cơ thể người (bụng, dạ) đặc biệt trong thành ngữ và tục ngữ. Trên cơ sở miêu tả và phân tích sẽ góp phần nhất định vào nghiên cứu và giảng dạy về nhóm các danh từ chỉ bộ phận cơ thể người cũng như các vị từ hữu quan trong tiếng Việt.

Từ khóa: Khả năng tổ hợp, cơ cấu nghĩa, bụng, dạ, tiếng Việt.

ABSTRACT

     In this article, we examined, described and analyzed in a comprehensive, meticulous way about: the ability of the combination with the word only from organs (abdomen, stomach); structure of meanings including denotation and metaphor as well as the symbolism of the nouns for body parts (abdomen, stomach), especially in idioms and proverbs. The description and analysis will contribute to certain research and teaching about the group of nouns for body parts as well as the relevant predicate in Vietnamese.

Key words: combinatorial ability, structure definition, abdomen, stomach, Vietnamese.

x
x x

     Trong kho từ vựng tiếng Việt, số lượng các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể con người rất phong phú, bao gồm hai lớp từ thuần Việt và Hán Việt. Không những thế, người Việt Nam còn ghép các từ ấy lại để thành các từ mới. Chẳng hạn, đã có bụng, ruột, lòng, dạgan, chúng ta lại có các từ ghép: bụng dạ, lòng dạ, ruột gan; đã có mặt, mũimày, chúng ta lại có các từ ghép: mặt màymặt mũi; đã có taychân, chúng ta lại có chân taytay chân… Lượng từ vựng chỉ các bộ phận trên cơ thể vì thế mà tăng vọt; cấu trúc ý nghĩa của chúng nhờ thế mà cũng đa dạng hơn.*

     Theo Nguyễn Thiện Giáp [4; tr478]: Vị từ (verb) là từ biểu thị hành động, trạng thái và đặc trưng của sự vật như: đi, chạy, hiểu, hát, ném, cho, chết, ngủ… Đây là từ loại có tính phổ quát trong hầu hết các ngôn ngữ. Trong các ngôn ngữ biến hình, vị từ có những phụ tố đặc trưng cho chúng và có thể biến đổi theo ngôi, thời, thức, dạng… Nhưng đặc trưng trung tâm của vị từ là trong câu nó phải được kèm theo một hoặc một số danh ngữ, tức là nó đòi hỏi các tham tố…Trong các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, vị từ là từ loại có thể tự mình làm thành một đoản ngữ hoặc làm trung tâm của một đoản ngữ vị từ, trong đó, đoản ngữ vị từ là đoản ngữ có thể làm vị ngữ ở trong câu. Người ta thường chia vị từ thành hai loại là: vị từ nội động và vị từ ngoại động.

1. Danh sách các động từ kết hợp với “bụng, dạ”

     Chúng tôi còn tiến hành khảo sát, phân loại các động từ trong bảng thống kê dựa vào khả năng kết hợp của chúng với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể nói riêng (trong đó có bụng, dạ) và các danh từ khác nói chung:

Bảng 1: Danh sách các động từ kết hợp với “bụng, dạ”

STTĐộng
từ
DT chỉ
bụng, dạ
STT Động từ DT chỉ
bụng, dạ
1 Bấm bụng9 Chột dạ
2 Đau bụng10 Đổi dạ
3 Định bụng11Tạcdạ
4 Tức bụng12 Lót dạ
5 Vácbụng13Ngótdạ
6 Vỡ bụng 14Trởdạ
7 Buộc bụng15Xótdạ
8 Chắc dạ

     Dựa vào khả năng kết hợp của động từ với danh từ nói chung và danh từ chỉ bộ phận cơ thể nói riêng (trong đó có bụng, dạ), chúng tôi chia động từ thành 3 loại sau: Loại 1: Động từ vừa kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ) vừa kết hợp được với các danh từ khác. Loại 2: Động từ không kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ). Loại 3: Động từ chỉ kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ). Theo bảng thống kê trên về các động từ có khả năng kết hợp với bụng, dạ trong từ điển chúng tôi thấy: Có 15 động từ có khả năng kết hợp với bụng, dạ. Trong đó: Có 7 từ kết hợp với bụng; có 8 từ kết hợp với dạ.

     – Phân loại các động từ về khả năng kết hợp với danh từ thường và các từ chỉ bộ phận cơ thể là bụng, dạ như sau:

Bảng 2: Danh sách các động từ và danh từ thường kết hợp với “bụng, dạ”

TT Động từ Danh từ thường DT chỉ bụng, dạ
1 bấm có (dây)
2 đau không
3 định có (vị, thần)
4 tức có (nước, sữa)
5 vác có ( gỗ, củ)
6 vỡ có ( chum, vại )
7 buộc có ( dây, túi)
8 chột không
9 đổi có ( quần áo, xe)
10 tạc có (hình dáng, tượng)
11 lót có ( nồi, ổ)
12 chuyển có (gió, mùa)
13 xót có (của, tiền, con)

     Nhìn vào bảng khảo sát trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau: Chỉ có 2/13 trường hợp động từ chỉ kết hợp được với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể. Đó là các động từ: Đau, chột. Ngoài khả năng kết hợp với bụng, dạ những động từ này còn kết hợp được với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể khác nhưng số lượng rất hạn chế. Chẳng hạn: Đau: bụng, đầu, chân, tay, dạ dày, mắt, xương, lòng, cổ, vai…. Chột: dạ, mắt…

     * Xét loại 1: Động từ có khả năng kết hợp với cả danh từ thường lẫn danh từ chỉ bộ phận cơ thể (bụng, dạ)

     Có 11/13 trường hợp động từ có khả năng vừa kết hợp được với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể vừa kết hợp được với các danh từ khác (xem bảng khảo sát). Chúng tôi xin dẫn ra một số ví dụ cụ thể sau:

1. Từ định: [7; tr325]

     + Định tính, định lượng, định hướng, định danh..: Định chỉ hành động nêu ra một cách rõ ràng, không thay đổi sau khi đã có suy nghĩ, tìm hiểu, cân nhắc.

     + Định bụng: có ý định làm việc gì (gần giống nghĩa của định tâm, định thần)

VD: Tôi định bụng mai sẽ đi Hà Nội.

=> Trường hợp này định mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ hành động nêu ra một cách rõ ràng, không thay đổi sau khi đã có suy nghĩ, tìm hiểu, cân nhắc để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ ý định làm việc gì đó (định bụng)

2. Từ tức: [7; tr1078]

     + Tức nước, tức hơi: Ở trạng thái có vật chứa đựng bên trong bị dồn nén quá chặt đến mức như muốn phá bung ra.

     + Tức sữa, tức ngực: Tức chỉ trạng thái cảm giác có cái gì bị dồn ứ, nén chặt ở một bộ phận nào đó của cơ thể, làm rất khó chịu.

     + Tức bụng: Có cảm giác rất khó chịu khi có điều sai trái, vô lý nào đó tác động đến mình mà mình thấy đành chịu, không làm gì được. (gần giống nghĩa với tức mình).

     VD: Bà ấy nói rất khó nghe. Tức bụng, tôi đành bỏ đi chỗ khác.

     => Trường hợp này tức mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ trạng thái cảm giác có cái gì bị dồn ứ, nén chặt ở một bộ phận nào đó của cơ thể, làm rất khó chịu để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ cảm giác rất khó chịu khi có điều sai trái, vô lý nào đó tác động đến mình mà mình thấy đành chịu, không làm gì được (tức bụng, tức mình).

3. Từ buộc [7; tr90]

     + Buộc lạt, buộc dây, buộc túi…Buộc chỉ hành động làm cho bị giữ chặt ở một vị trí bằng sợi dây

     + Buộc lòng: làm cho hoặc bị lâm vào tình thế nhất thiết phải làm điều gì đó trái ý muốn vì không có cách nào khác ở trong thế vạn bất đắc dĩ phải làm gì.

     + Buộc bụng: góp nhặt, tiết kiệm.

     VD: Chị ấy phải thắt lưng buộc bụng để nuôi thằng con học đại học.

     => Trường hợp này buộc mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ hành động làm cho bị giữ chặt ở một vị trí bằng sợi dây để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ hành động góp nhặt, tiết kiệm (buộc bụng, thắt lưng buộc bụng).

4. Từ đổi [7; tr337]

     + Đổi tiền lẻ: Đổi chỉ hành động đưa cái mình có để lấy cái người khác có, theo thỏa thuận giữa hai bên.

     + Đổi tên, đổi địa chỉ: Đổi chỉ hành động thay bằng cái khác.

     + Đổi tính nét, đổi gió, đổi hướng, đổi đời: Đổi chỉ hành động biến chuyển từ trạng thái, tính chất này sang trạng thái, tính chất khác.

     + Đổi dạ: thái độ bạc bẽo, không chung thủy hoặc phản bội.

     VD: Yêu nhau 5 năm vậy mà hắn đổi dạ để đi theo người khác.

     => Trường hợp này đổi mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ hành động đưa cái mình có để lấy cái người khác có, theo thỏa thuận ngữa hai bên hoặc chỉ hành động thay bằng cái khác hay biến chuyển từ trạng thái, tính chất này sang trạng thái, tính chất khác để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ thái độ bạc bẽo, không chung thủy hoặc phản bội (đổi dạ, đổi lòng, thay lòng đổi dạ)

5. Từ tạc [7; tr883]

     + Tạc tượng, tạc hình dáng, tạc bia: Tạc chỉ hành động tạo ra một hình dạng mỹ thuật theo mẫu đã dự định bằng cách đẽo, gọt, chậm trên vật liệu rắn.

     + Tạc dạ: ghi sâu trong tâm trí không bao giờ quên.

     VD: Những gì mà chị đã làm cho tôi, tôi luôn ghi lòng tạc dạ.

     => Trường hợp này tạc mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ hành động chỉ hành động tạo ra một hình dạng mỹ thuật theo mẫu đã dự định bằng cách đẽo, gọt, chậm trên vật liệu rắn để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ thái độ bạc bẽo, không chung thủy hoặc phản bội (tạc dạ, ghi lòng tạc dạ)

* Xét loại 3: Động từ chỉ kết hợp với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (bụng, dạ):

     Nhóm này gồm 2/13 động từ: Đauchột.

     – Trong các trường hợp trên, động từ đau có các nét nghĩa sau: (1): Có cảm giác khó chịu ở bộ phận bị tổn thương nào đó của cơ thể: đau bụng, đau chân, đau tay, đau mắt….(2): Ốm: đau nặng, đói ăn rau, đau uống thuốc (3): Ở trạng thái tinh thần, tình cảm rất khó chịu: đau lòng (4): Có tác dụng làm cho đau: (vấn đề) đau đầu. [7; tr291]. Như vậy, động từ đau khi kết hợp với danh từ chỉ bộ phận cơ thể bụng mang nét nghĩa thứ (1), (nghĩa đen)

     – Trong các trường hợp trên, động từ chột có các nét nghĩa sau:(1): Có một mắt bị hỏng: chột mắt (2) Cây trồng hoặc gia súc mất khả năng phát triển bình thường: cây cam bị chột (3): Thấy sợ và mất bình tĩnh vì đột ngột cảm thấy điều mình đang giấu giếm hình như có nguy cơ bị phát hiện: chột dạ. [7;tr171]. Như vậy, động từ chột khi kết hợp với danh từ chỉ bộ phận cơ thể dạ mang nét nghĩa thứ (2), (nghĩa bóng).

     Nhận xét: Như vậy, trong hầu hết các trường hợp mà chúng tôi đã khảo sát (11/13 trường hợp) đa số các động từ khi kết hợp với bụng, dạ đều mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển dựa trên nét nghĩa đen khi kết hợp với các danh từ khác.

2. Danh sách các tính từ kết hợp với “bụng, dạ”

     Thống kê các tính từ có thể đi với bụngdạ trong từ điển chúng tôi có bảng thống kê sau:

Bảng 3: Danh sách các tính từ kết hợp với “bụng, dạ”

STT Tính từ DT chỉ
bụng, dạ
STT Tính từ DT chỉ
bụng, dạ
1 Ỏng bụng12 Vững dạ
2 No bụng 13 Ngang dạ
3 Tức bụng 14Nhẹ dạ
4Thực bụng 15 Non dạ
5 Chắc bụng 16Nóng dạ
6Xấu bụng 17Nức dạ
7Tốt bụng 18 Sáng dạ
8 Xuôi bụng 19Tối dạ
9Nặng bụng 20 Ngót dạ
10Yêndạ21 Thối dạ
11Mátdạ22 Chắc dạ

     Dựa vào khả năng kết hợp của tính từ với danh từ nói chung và danh từ chỉ bộ phận cơ thể nói riêng (trong đó có bụng, dạ) chúng tôi chia tính từ thành 3 loại sau:

     Loại 1: Tính từ vừa kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ) vừa kết hợp được với các danh từ khác. Loại 2: Tính từ không kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ). Loại 3: Tính từ chỉ kết hợp được với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (trong đó có bụng, dạ).

    Theo bảng thống kê trong từ điển tiếng Việt về các tính từ có khả năng kết hợp với bụng, dạ, chúng tôi thấy:

     – Có 22 tính từ có khả năng kết hợp với bụng, dạ. Trong đó: Có 9 từ kết hợp với bụng; Có 13 từ kết hợp với dạ.

     – Phân loại các tính từ về khả năng kết hợp với danh từ thường và các từ chỉ bộ phận cơ thể là bụng, dạ như sau:

Bảng 4: Danh sách các tính từ và danh từ thường kết hợp với “bụng, dạ”

STT Tính từ Danh từ thường DT từ bụng, dạ
1 Ỏng không
2 No có (cơm, nước)
3Tức có (hơi, nước)
4Thực có (cảnh, tình)
5Chắc có (hạt, chân)
6Xấu có (áo, xe)
7Tốt có (áo, mũ)
8Nặng có (thùng, nước)
9 Xuôi có (gió, cơm)
10Yên có (sóng, nước)
11Mát có (gió, tay)
12Vững có (nhà, cầu)
13Ngang có (tài, sức)
14 Nhẹ có (bàn, ghế)
15Non có (chuối, mướp)
16Nóng có (không khí, nước)
17Nức có (danh, tiếng)
18Sáng có (đèn, trăng)
19 Tối có (trời, đèn)
20Ngót có (rau)
21 Thối có (rau, quả)

     Nhìn vào bảng khảo sát trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:

     * Xét loại 1: Tính từ có khả năng kết hợp với cả danh từ thường lẫn danh từ chỉ bộ phận cơ thể (bụng, dạ)

     Có 20/21 trường hợp tính từ có khả năng vừa kết hợp được với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể vừa kết hợp được với các danh từ khác (xem bảng khảo sát). Một số ví dụ cụ thể như sau:

1. Từ thực [7; tr937]

     – Thực: thực là có thật, có thể nhận biết trực tiếp bằng giác quan.

     VD: Cảnh vật như thực, như hư.

     – Thực bụng: chân thành, cư xử tốt với người khác.

     VD: Anh ấy rất thực bụng với tôi.

     => Trường hợp này thực mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ việc chỉ trạng thái của sự vật thực sự tồn tại, có thể nhận biết được bằng các giác quan để chuyển sang nghĩa bóng chỉ sự chân thành, thành thật của một người nào đó (thực bụng, thực lòng).

2. Từ yên [7; tr1168]

     – Yên vị: Yên là ở trạng thái không động đậy, xê xích hoặc thay đổi vị trí, tư thế.

     – Sóng yên: Yên là ở trạng thái ổn định, không có biến động, xáo trộn, rắc rối.

     – Yên dạ: Ở trạng thái tâm lý không có điều gì phải lo lắng cả (gần giống yên lòng, yên tâm)

     VD: Con cứ yên dạ lên đường nhập ngũ.

     => Trường hợp này yên mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển: từ trạng thái không động đậy, xê xích hoặc thay đổi vị trí, tư thế, không có biến động, xáo trộn, rắc rối để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ trạng thái tâm lý không có điều gì phải lo lắng cả (yên dạ).

3. Từ mát [7; tr612]

     – Gió mát, nước mát: Mát là có nhiệt độ vừa phải, không nóng, nhưng cũng không lạnh, gây cảm giác dễ chịu.

     – Mát tay: Mát là có cảm giác khoan khoái dễ chịu, không nóng bức.

     – Thuốc mát: Mát là có tác dụng làm cho cơ thể không bị nhiệt, không bị rôm sảy, mụn nhọt.

     – Mát dạ: hả hê, vui thích trong lòng do được thỏa ý (gần giống mát lòng, mát lòng hởi dạ, mát mày mát mặt, mát dạ hả lòng).

     VD: Con giỏi giang, cha mẹ mát lòng mát dạ.

     => Trường hợp này mát mang nghĩa chuyển: từ có nhiệt độ vừa phải, không nóng, nhưng cũng không lạnh, gây cảm giác dễ chịu, khoan khoái để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ sự hả hê, vui thích trong lòng do được thỏa ý (mát dạ, mát lòng, mát lòng hởi dạ, mát mày mát mặt, mát dạ hả lòng).

     4. Từ vững [7; tr1135]

    – Ghế vững, nhà vững…: Vững là có khả năng giữ nguyên vị trí trên mặt nền hoặc giữ nguyên tư thế mà không dễ dàng bị lung lay, bị ngã, bị đổ.

     – Vững tay lái, vững tay nghề: Vững là có năng lực đương đầu với những hoàn cảnh bất lợi để thực hiện như bình thường nhiệm vụ, chức năng của mình.

     – Vững bụng, vững dạ: cảm thấy có được điều kiện để yên tâm làm việc gì, không có gì phải lo ngại, mặc dù có khó khăn lớn (gần giống vững tâm, vững dạ, vững lòng).

      VD: Đi đêm trong rừng, nhưng có hai người cũng vững dạ hơn.

     => Trường hợp này vững mang nghĩa chuyển: từ có khả năng giữ nguyên vị trí trên mặt nền, giữ nguyên tư thế mà không dễ dàng bị lung lay, bị ngã, bị đổ hoặc có năng lực đương đầu với những hoàn cảnh bất lợi để thực hiện như bình thường nhiệm vụ, chức năng của mình để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ trạng thái cảm thấy có được điều kiện để yên tâm làm việc gì, không có gì phải lo ngại, mặc dù có khó khăn lớn (vững dạ, vững tâm, vững dạ, vững lòng)

5. Từ non [7; tr734]

     – Cỏ non, mầm non, da non: Non là ở giai đoạn mới mọc, mới sinh ra, chưa phát triển
đầy đủ.

     – Đậu non, gạch non, non lửa: Non là dưới mức chuẩn, dưới mức yêu cầu phải đạt được.

     – Non dạ: yếu về bản lĩnh, tinh thần, thiếu can đảm, hay lo sợ (gần giống non gan).

     VD: Trông tướng thế mà non dạ.

     => Trường hợp này non mang nghĩa chuyển: từ ở giai đoạn mới mọc, mới sinh ra, chưa phát triển đầy đủ hoặc dưới mức chuẩn, dưới mức yêu cầu phải đạt được để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ yếu về bản lĩnh, tinh thần, thiếu can đảm, hay lo sợ (non dạ).

6. Từ nhẹ [7; tr716]

     – Gió nhẹ, nhẹ tay, nhẹ chân: Nhẹ là có cường độ, sức tác động yếu, hoặc dùng sức ít, không mạnh.

     – Đồ ăn nhẹ: Nhẹ là không gây cảm giác nặng nề, khó chịu cho cơ thể hoặc tinh thần.

   – Bệnh nhẹ, lỗi nhẹ: Nhẹ là ở mức độ thấp, không dẫn đến hậu quả tai hại, không nghiêm trọng.

     – Nhẹ dạ: có tính dễ tin người, thiếu chín chắn, nên thường bị lừa.

     VD: Anh ta trót nhẹ dạ nên bị mắc mưu.

     => Trường hợp này nhẹ mang nghĩa chuyển: từ có cường độ, sức tác động yếu, hoặc dùng sức ít, không mạnh hoặc ở mức độ thấp, không dẫn đến hậu quả tai hại, không nghiêm trọng để… chuyển sang nghĩa bóng chỉ có tính dễ tin người, thiếu chín chắn, nên thường bị lừa (nhẹ dạ, nhẹ dạ cả tin).

     * Xét loại 3: Tính từ chỉ kết hợp với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (bụng, dạ):

     Chỉ có 1/21 trường hợp tính từ chỉ kết hợp được với các danh từ chỉ bộ phận cơ thể. Đó
là tính từ: ỏng.

     Ỏng bụng: có 2 nét nghĩa sau: (1): Bụng phình to không bình thường, do có bệnh (bụng ỏng đít beo). (2): (Đặt trong ngữ cảnh cụ thể, chỉ người phụ nữ): người phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai: bụng ỏng [7; tr751.] Trong ngữ cảnh trên bụng ỏng mang nghĩa chuyển (nét nghĩa 2).

     Nhận xét: Trong 21 trường hợp xét trên, chỉ có 1/21 trường hợp là tính từ chỉ đi với bụng, dạ còn lại đều có thể đi với cả danh từ thường lẫn bụng, dạ. Ở các trường hợp này hầu hết đều mang nghĩa bóng, nghĩa chuyển để chỉ một trạng thái tâm lý nào đó, hoặc trạng thái cảm xúc nào đó.

3. Một số thành ngữ, tục ngữ có chứa các từ bụng, dạ

     Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các thành ngữ, tục ngữ có chứa các từ “ bụng, dạ” trong cuốn Tuyển tập thành ngữ, tục ngữ Việt Nam [2]. Kết quả thu được như sau:

Bảng 5: Một số thành ngữ, tục ngữ có chứa các từ “bụng, dạ”

(Vui lòng xem file PDF đính kèm bên dưới)

     Từ bảng thống kê trên ta thấy có 65 câu thành ngữ, tục ngữ có chứa từ bụng, dạ, trong đó gần như toàn bộ bụng, dạ đều mang nghĩa chuyển, nghĩa bóng. Khi ở tầng nghĩa chuyển, nghĩa bóng, bụng, dạ thường được dùng với nghĩa biểu trưng cho trạng thái tình cảm, cảm xúc, tâm lý (tiêu cực lẫn tích cực) của con người.

Kết luận

     Mỗi bộ phận cơ thể con người đều đảm nhận một hoặc một số chức năng nhất định nào đó và thể hiện một số tính chất đặc trưng nào đó. Bụng, dạ cũng nằm trong số đó. Từ chức năng và đặc trưng mà bụng, dạ đảm nhận, đứng từ góc độ ngôn ngữ học, bài viết này thống kê và nghiên cứu về ý nghĩa biểu trưng của nó khi kết hợp với các vị từ khác nhau.

     Qua khảo sát thống kê và phân tích ý nghĩa cụ thể, người viết nhận thấy, hầu hết bụng, dạ khi kết hợp với các vị từ khác cũng như khi xuất hiện trong thành ngữ, tục ngữ đều được dùng với nghĩa bóng, nghĩa chuyển. Lớp nghĩa này về cơ bản được xây dựng trên ý nghĩa thực tế mà nghĩa đen thể hiện. Song khi được dùng với nghĩa chuyển, chúng thường mang ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, trạng thái tâm lý nào đó của con người. Cụ thể hơn, trạng thái tâm lý tình cảm đó thường để chỉ bản chất tốt xấu, tấm lòng, những suy nghĩ bên trong của con người chứ không chỉ tình cảm đơn thuần như yêu, ghét, thù hận…Đúng như nhận xét của GS.TS Nguyễn Đức Tồn [6; tr. 305]. Chức năng chỉ bộ phận cơ thể có thể có 2 trường hợp: Bụng và dạ là những bộ phận quan trọng của cơ thể con người. Đó là những bộ phận nằm bên trong cơ thể đảm nhiệm chức năng tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết,… Cũng bởi nằm bên trong cơ thể, không lộ ra ngoài nên ở khía cạnh nào đó chúng được coi là “bí hiểm” hơn, khó có thể cân đong đo đếm hơn. Bên cạnh đó, với quan niệm cho rằng tình cảm con người cũng là những gì ẩn chứa bên trong, là cao đẹp song cũng không thể xác định chính xác. Bởi vậy, sử dụng các vị từ kết hợp với bụng, dạ ngoài việc mang các nghĩa đen thông thường, chúng được chuyển hóa sang nghĩa bóng, nghĩa chuyển nhằm biểu đạt ý nghĩa chỉ tình cảm, trạng thái tâm lý của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hoàng Phê (chủ biên), (2008) Từ điển tiếng Việt.

[2]. Tuyển tập Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb. VHTT, 2002.

[3]. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, (2004), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb. Giáo Dục.

[4]. Nguyễn Thiện Giáp, (2010), 777 khái niệm ngôn ngữ học, Nxb. ĐHQG HN.

[5]. Lý Toàn Thắng, Ngôn Ngữ Học Tri Nhận, (2009), Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (tái bản có sửa chữa và bổ sung), Nxb Phương Đông.

[6]. Nguyễn Đức Tồn, (2008), Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Nxb KHXH.

[7]. Viện Ngôn ngữ học, (2006), Từ điển tiếng Việt. Nxb TT từ điển học.

Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ 96(08): 187 – 194

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khả năng tổ hợp và cơ cấu nghĩa của từ “bụng, dạ” trong tiếng Việt
(Tác giả: Nguyễn Thị Trà My)