Khai thác di sản văn hóa biển vào phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh

Thạc sĩ, Nhà báo NGUYỄN THÀNH LUÂN1

TÓM TẮT

     Tỉnh Trà Vinh có đường bờ biển trải dài khoảng 65 km, cùng các cộng đồng dân cư sống tập trung đông đúc ven biển, hệ thống giao thông thủy hiện hữu và các công trình di tích lịch sử; lễ hội, hệ thống phong tục, tập quán phong phú mang đậm đặc trưng văn hóa của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa (chiếm số lượng nhiều nhất). Mặc dù vậy, thời gian qua tỉnh Trà Vinh vẫn chưa khai thác được lợi thế và tiềm năng vô cùng phong phú của các giá trị di sản văn hóa biển vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung và ngành du lịch nói riêng. Trong bài tham luận này, tác giả sử dụng hệ thống lý thuyết về văn hóa biển đã được công bố trong luận văn Thạc sĩ văn hóa tại Đại học Trà Vinh2; các tư liệu thực địa đã công bố qua một số bài báo khoa học đặc đăng tải tại các Hội thảo khoa học do Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, trường Đại học Trà Vinh tổ chức; một số điều tra, phản ánh thực địa của tác giả về hoạt động khai thác giá trị di sản văn hóa biển vào phát triển ngành du lịch của tỉnh Trà Vinh đăng tải trên các nhật báo số ra hàng ngày.

     Điều đặc biệt khi nghiên cứu về văn hóa biển tỉnh Trà Vinh và vai trò của nó đối với phát triển ngành du lịch của địa phương, tác giả nhận thấy nhiều giá trị vật thể và phi vật thể, với các đặc điểm rất rõ nét của một nền văn hóa biển đặc trưng của ba tộc người Việt, Khmer, Hoa. Điều này cũng lý giải cho lịch sử một vùng đất đã trải qua 120 năm hình thành và phát triển, với đặc điểm từ thuở hình thành vùng đất Trà Vinh, đã được người bản địa gọi là xứ Trà Vang (nguồn gốc từ ngôn ngữ Môn-Khmer), có vùng gọi là Trah Păng. Cách gọi dân gian này theo các nhà Khmer học, nhằm phản ánh đặc điểm cảnh quan thuở xa xưa của một vùng đất mới được bồi đắp ở ven sông, ven biển, có nhiều vùng trũng, đầm lầy3. Có thể nói, trải qua quá trình lịch sử văn hóa, văn hóa biển Trà Vinh vừa là nguồn lực quan trọng của địa phương, vừa tạo ra địa thế vững chắc để nhiều thế hệ người Trà Vinh vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, đồng thời tạo ra tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch của địa phương.

     Trong bài tham luận này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, trong đó có đối chiếu, so sánh với quan sát thực địa và phương pháp chuyên ngành của lĩnh vực báo chí – truyền thông (phỏng vấn, phản ánh, ký sự, tường thuật,…) để làm rõ vấn đề nghiên cứu.

Từ khóa: văn hóa biển Trà Vinh, di sản văn hóa biển, du lịch Trà Vinh.

x
x x

1. Vài nét khái quát về di sản văn hóa biển tỉnh Trà Vinh

     Tỉnh Trà Vinh là địa phương thuộc vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long, có đặc diểm về vị trí địa lý bao gồm phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, với hai cửa Cung Hầu và Định An, có 65 km bờ biển nên giao thông đường thủy nên có nhiều điều kiện phát triển4.

     Với địa thế, vị trí nêu trên, các cư dân ven biển tỉnh Trà Vinh còn tạo dụng một nền văn hóa biển phong phú, được ghi chép lại qua hệ thống tài liệu, ghi chép đồ sộ về lịch sử, pháp lý, cũng như các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội khẳng định bề dày văn hóa biển đảo. Trong những năm gần đây, vấn đề văn hóa biển của các tỉnh duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long càng có sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong và ngoài nước, với việc nhiều bài báo, công trình nghiên cứu được công bố hoặc đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền hình, tạp chí chuyên ngành, xuất bản phẩm.

     Về khái niệm văn hóa biển được GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm đưa ra đầu tiên trong tham luận “Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” diễn ra tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 15/06/2011. Trong đó, văn hóa biển được tác giả định nghĩa là hệ thống các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại lấy biển làm nguồn sống chính. GS. Trần Ngọc Thêm nhận định mọi dân tộc có thể được coi là có văn hóa biển khi và chỉ khi văn hóa biển là một thành tố hữu cơ không thể thiếu của vốn văn hóa dân tộc. Nền văn hóa biển ấy bắt nguồn từ trong hoạt động sáng tạo văn hóa trong một thời gian dài của cư dân vùng duyên hải sống trong sự tương tác trực tiếp với biển, hình thành bởi tác động của các tục lệ biển, các giá trị và các biểu tượng văn hóa hữu hình và vô hình khác. Trong khi đó, quan niệm của GS. Ngô Đức Thịnh về Văn hóa biển cận duyên (ven biển) là một hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị rút ra từ những hoạt động sống của con người trong môi trường ấy, cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen5,… của con người tương thích với môi trường biển.

     Về các giá trị di sản văn hóa biển, được UNESCO chia thành hai dạng thức di sản, là di sản văn hóa vật thể và di sản phi vật thể. Trong đó, khi xét vào bối cảnh văn hóa biển của tỉnh Trà Vinh, được thể hiện rất đa dạng ở loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ âm linh, tiền hiền ở các khu vực dân cư ven biển, các loại hình văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân ven biển, nghệ thuật tạo hình, ca dao, tục ngữ, sinh hoạt văn hóa làng nghề truyền thống ven biển, ẩm thực biển6,… Ở một nghiên cứu khác, tác giả cũng có những khảo sát liên quan đến vấn đề giới, có tác động đến quá trình hình thành các sắc thái văn hóa mang tính đặc trưng của một số cộng đồng dân cư ở tỉnh Trà Vinh7. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, với nền tảng văn hóa của ba dân tộc chính Khmer, Việt, Hoa đã tạo nên một nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng ở một địa phương duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long.

     Các giá trị tài nguyên văn hóa biển này đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ven biển tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, các di sản vật thể văn hóa biển tỉnh Trà Vinh còn được thể hiện đậm nét qua các di sản địa chất – tự nhiên vùng biển; di sản tư liệu về chủ quyền biển, sẽ được tác giả phân tích sâu trong phần nội dung tiếp theo.

2. Các giá trị di sản văn hóa biển đóng góp vào phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh

     2.1. Vai trò của di sản văn hóa biển tỉnh Trà Vinh

     Di sản văn hóa biển tỉnh Trà Vinh thể hiện ở các giá trị về vật thể và phi vật thể và có vai trò quan trọng, là chất liệu cho các quy hoạch trung hạn và dài hạn về phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh hiện nay. Đối với hệ thống các di sản vật thể văn hóa biển tỉnh Trà Vinh được thể hiện qua các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật trong văn hóa biển. Trong số này, chúng tôi từng thực hiện các bài viết về biển Ba Động, một danh thắng nổi tiếng nằm ở xã Long Hòa của thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nơi đây có vị trí nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền) và Định An (sông Hậu), trong khi có địa thế nhìn chính diện ra biển Đông. Hiện nay để tận dụng tiềm năng của di sản này thì Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh có nhiều chính sách, chủ trương phát triển du lịch, kinh tế biển Ba Động, bên cạnh đó ngành văn hóa – thể thao và du lịch của thị xã Duyên Hải cũng đã xúc tiến các hoạt động để quảng bá hoạt động văn hóa – du lịch ở đây trong vài năm trở lại đây8. Ngoài ra, Trà Vinh cũng có có các bãi biển trải dài với lượng hải sản đa dạng, thị xã Duyên Hải còn có hệ thống giao thông kết nối địa kinh tế khá tốt với các vùng miệt vườn cây trái trù phú trong đồng bằng, trong đó vùng hiện còn khá nguyên sơ, bao gồm các hệ sinh thái mặt nước, thảm động thực vật phong phú còn đóng vai trò quan trọng về kinh tế biển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

     Theo đánh giá của ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đang hướng đến việc phát triển bền vững giữa văn hóa và kinh tế biển, nhất là tăng tính kết nối các tỉnh Tây Nam bộ trong việc nhận diện nguồn lực phát triển và khả năng liên kết vùng để kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch, dự báo xu thế nhu cầu hưởng thụ du lịch của du khách nội địa và quốc tế. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của tiểu vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh9.

     2.2. Di sản văn hóa biển đóng góp vào phát triển du lịch Trà Vinh

     Trước hết, Trà Vinh có bờ biển dài trên 65 km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Trải qua quá trình lịch sử, văn hóa, các cộng đồng dân cư ven biển chạy dọc theo tuyến hàng hải quan trọng này của tỉnh Trà Vinh đã hình thành nên các khu vực văn hóa đa dạng, bao gồm hệ thống các tập tục, tín ngưỡng dân gian, đặc điểm về truyền thống đánh bắt hải sản (gần bờ, xa bờ) rất phong phú, đa dạng. Đáng chú ý, nhờ các điều kiện tự nhiên rất quan trọng, trong đó từ Trà Vinh đi Bến Tre, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh đều phải theo tuyến sông Tiền, từ biển Đông đi qua ven biển Trà Vinh đến cảng Cần Thơ và được coi là tuyến vận tải đường thủy chính của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để thông thương với quốc tế. Nếu biết tận dụng tốt lợi thế về các giá trị vật thể văn hóa biển và điều kiện, tiềm năng về du lịch văn hóa thì tỉnh Trà Vinh có lợi thế để đưa kinh tế biển lên một tầm cao mới trong thời gian tới10.

     Hiện nay, tại huyện ven biển Duyên Hải cũng còn bảo tồn và gìn giữ nhiều di tích lịch sử – văn hóa biển điển hình vô cùng phong phú và hầu như còn nguyên bản, phân bố rộng khắp trong các khu dân cư. Đó là hệ thống các đình, chùa, nhà thờ, dinh, miếu, lăng tẩm cổ kính, với phong cách kiến trúc độc đáo của người Khmer, người Việt, với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, có những kiến chúc chùa Nam tông Khmer đã trải qua hàng trăm năm tuổi. Trong số này, có các di tích lịch sử – văn hóa như di tích từ thời Pháp về phát triển khu du lịch biển ở ấp Nhà Mát (thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) và ấp Cồn Cù (thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải). Ngoài ra, gần 3 thế kỷ trước, những ngư dân vùng Bình Thuận vào định cư tại đây đã mở ra nghề đi biển và cũng chính họ đã mang theo địa danh Ba Động, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ cho vùng đất mới. Giai đoạn về sau chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII đã để lại các tên làng có từ tố “Long” như Trường Long Hòa, Long Vĩnh, Long Hữu, Long Toàn… và cũng để lại luôn ngôi mộ Quận chúa như một bí ẩn lịch sử mấy trăm năm ở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh. Từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Nam bộ, tuyến rừng ven biển Duyên Hải cũng là căn cứ của nghĩa binh Đề Triệu, Phan Tôn – Phan Liêm, Lê Tấn Kế – Trần Bình… Toàn bộ quá trình này đã tạo dựng cho các cộng đồng dân cư ven biển tỉnh Trà Vinh có được truyền thống văn hóa biển với nhiều giá trị đặc trưng, tạo ra lợi thế để tỉnh Trà Vinh xây dựng chiến lược riêng cho phát triển kinh tế biển.

     Nếp sống của cư dân ven biển tỉnh Trà Vinh thể hiện tinh thần cố kết cộng cư, mang đậm nét văn hóa sông nước miệt vườn (đặc trưng của văn hóa Nam bộ). Bằng công khó nhọc của bao thế hệ khai hoang, khẩn đất, ngày nay các vùng dân cư ven biển Trà Vinh ngoài nghề truyền thống về đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy hải sản, còn có các địa bàn trồng lúa nước, cho thấy các giá trị ảnh hưởng của văn hóa lúa nước (đặc trưng chung của văn hóa truyền thống Việt Nam). Con nước không chỉ mang mầm sống cho cây trái, mà còn là “mẻ lưới tự nhiên” cung ứng nguồn sản vật dồi dào. Từ hoàn cảnh sinh sống trong không gian và môi trường văn hóa biển rất đặc trưng như vậy, đã tạo nên đặc tính cố hữu của cư dân vùng đất này và được duy trì một cách rõ nét đến hôm nay. Đó là cách sống cởi mở, mến khách và gần gũi, thân thiện của các cộng đồng dân cư sống chung, bao gồm chủ yếu các dân tộc chiếm đa số, là Khmer, Việt và Hoa.

     Nhờ đặc điểm địa hình đa dạng, với hệ thống kênh rạch dày đặc đổ ra biển, đã tạo dựng các đặc trưng của văn hóa biển, văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn cho vùng đất Trà Vinh. Do đó, ngoài khai thác các lợi thế kinh tế biển, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra lợi thế về tài nguyên nông nghiệp có thể tận dụng cho phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. Về giá trị này, Tiến sĩ Tạ Duy Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch) đã có nghiên cứu chỉ ra việc sống tập trung cạnh các kênh rạch lớn đổ ra biển, cùng hệ thống di sản văn hóa lâu đời của các cộng đồng dân cư này sẽ giúp Trà Vinh có cơ hội tận dụng để phát triển du lịch nông ngiệp. Dù vậy, chuyên gia này cũng chỉ ra thực tế là du lịch nông nghiệp vẫn chưa được khai thác hiệu quả ở địa phương này. Chẳng hạn, ở An Giang đi đầu trong khai thác du lịch nông nghiệp thu hút được 42.848 lượt khách du lịch, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế với tổng doanh thu gần 4,4 tỷ đồng chỉ trong giai đoạn ngắn. Dù vậy, theo nhà nghiên cứu này thì con số nêu trên còn rất khiêm tốn thể hiện việc khai thác chuỗi giá trị của tình này đối với tài nguyên du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Cũng trong tình trạng tương tự, tỉnh Trà Vinh là một địa phương có nhiều lợi thế và du lịch nông nghiệp nhưng việc khai thác cảnh quan sinh thái và sinh kế nông nghiệp (nghề trồng cây, nghề tạo kiểng,…),…vẫn chưa tạo được khởi sắc. Ngoài ra, việc đầu tư, nâng cấp và cải thiện đối với hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp còn hết sức hạn chế; quá trình xây dựng đề án dài hạn cho du lịch nông nghiệp cũng chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức; một số địa bàn thiếu nền tảng giao thông và thiếu hẳn các trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch, kèm theo năng lực hạn chế từ nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển;…11

     Một đặc điểm cũng dễ nhận biết ở các cộng đồng cư dân ven biển Trà Vinh là sự tập trung dày đặc các công trình, thiết chế văn hóa tôn giáo đặc trưng của người Khmer. Đáng chú ý, Trà Vinh có di tích chùa Phật (Vàm Rây) nằm dài 54m, đến nay được công nhận là ngôi chùa có tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Từ các di tích này, thời gian qua tỉnh Trà Vinh có các nỗ lực để khai thác cho phát triển kinh tế – du lịch của địa phương, như việc xây dựng “Làng Văn hóa – Du lịch Khmer”. Giá trị lịch sử – văn hóa của công trình văn hóa giúp giới thiệu một cách trực quan và sinh động văn hóa Khmer, bao gồm nghệ thuật diễn xướng dân gian, tín ngưỡng – tôn giáo, nghề truyền thống, đời sống sinh hoạt, sản xuất,… đến với du khách trong và ngoài nước. Theo đánh giá của ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, mật độ phân bố tài nguyên du lịch văn hóa của Trà Vinh nói riêng và bốn địa phương duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long đã đem đến lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế ven biển của mỗi địa phương12.

3. Giải pháp tận dụng di sản văn hóa biển vào phát triển du lịch Trà Vinh

     Các di sản văn hóa biển, bao gồm hệ thống các công trình, thiết chế văn hóa – tín ngưỡng, tôn giáo Khmer và hệ thống đa dạng tài nguyên văn hóa biển của các cộng đồng dân tộc bản địa đã định hình từ sớm ở Trà Vinh (tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ âm linh, tiền hiền ở các khu vực dân cư ven biển, các loại hình văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân ven biển, nghệ thuật tạo hình, ca dao, tục ngữ, sinh hoạt văn hóa làng nghề truyền thống ven biển, ẩm thực biển,…) sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để tận dụng vào các chiến lược phát triển du lịch, kinh tế biển mang tính đặc thù của tỉnh Trà Vinh, với tầm nhìn dài hạn đến 2050. Bên cạnh đó, các giải pháp về liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được tính đến trong hợp tác phát triển của Trà Vinh và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long.

     Qua nghiên cứu hệ sinh thái văn hóa biển tỉnh Trà Vinh, chúng tôi mạnh dạn khuyến nghị một số giải pháp để tận dụng vào quá trình phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh như sau:

     Một là, trong chính sách vĩ mô, các quy hoạch chung có tầm nhìn dài hạn của tỉnh Trà Vinh cần xác định và nhận diện được vị thế địa kinh tế – văn hóa trong tiểu vùng duyên hải phía Đông nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Điều này thể hiện ở việc các đề án quy hoạch phát triển du lịch của địa phương cần nhắm đến các cụm trung tâm, bao gồm các khu vực tập trung dân cư ven biển, có các cơ sở về phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, cảng sông – cảng biển,…

     Hai là, quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh cần xây dựng được các sản phẩm văn hóa – du lịch (công trình, thiết chế văn hóa, làng nghề, ẩm thực, công trình tín ngưỡng – tôn giáo bản địa,…). Đây phải là các sản phẩm có yếu tố hấp dẫn, độc đáo và duy nhất, nguyên bản có tính đại diện về tài nguyên văn hóa – du lịch của mỗi cụm cộng đồng dân cư ven biển của tỉnh Trà Vinh. Mục đích để xây dựng được đặc trưng riêng có của vùng đất trong thu hút đầu tư, cũng như tận dụng tài nguyên văn hóa biển vào phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Trong đó, mỗi vùng cần xây dựng sản phẩm văn hóa – du lịch mang tính chủ đạo, đặc thù mà Trà Vinh có thế mạnh, chẳng hạn như các di tích lịch sử – văn hóa mang đậm văn hóa Khmer và Nam tông Khmer; du lịch sông nước; nghỉ nhà dân (homestay), tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng,… Đáng chú ý, với 65 km tiếp giáp biển Đông thì tỉnh Trà Vinh có tiềm năng tận dụng văn hóa biển rất lớn vào phát triển kinh tế – du lịch biển. Cụ thể, tận dụng hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng với hệ thống cù lao Long Nhị, Long Hòa, Hòa Minh, Tân Quy với hệ thống rừng ngập mặn có hệ động thực vật phong phú. Bên cạnh đó, thế mạnh của văn hóa biển Trà Vinh với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ven biển, như các lễ hội truyền thống của ba dân tộc (có số lượng dân số lớn) gồm Kinh, Khmer và Hoa, như Lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Chol Chnam Thmay (Khmer); lễ Vu Lan Thắng Hội (người Hoa). Đặc biệt, nét đặc trưng và điểm nhấn để phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo của Trà Vinh cần dựa vào hệ thống tài nguyên văn hóa – du lịch tâm linh với hệ thống các chùa Khmer và văn hóa lễ hội đặc trưng của người Khmer; gắn kết giữa du lịch xanh tại khu du lịch biển Ba Động với các cù lao và du lịch văn hóa dân tộc Khmer.

     Ba là, Trà Vinh cần tăng cường việc hợp tác, liên kết vùng trong phát triển ngành du lịch, mà rõ ràng cụ thể nhất chính là tiểu vùng duyên hải phía Đông, vốn đã hình thành các liên kết tương đối sớm từ vài thập niên gần đây. Bằng các hành động cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vình cần thực hiện hóa chiến lược này bằng các hành động cụ thể để liên kết phát triển bền vững với các tỉnh Bến Tre – Vĩnh Long và Tiền Giang. Trong bài toán cụ thể về liên kết tận dụng tiềm năng tài nguyên văn hóa biển, tác giả khuyến nghị việc liên kết về quảng bá du lịch, thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ biển, trong đó cần tích hợp thành một không gian tiểu vùng vừa có tính đặc thù vừa có tính thống nhất trong đa dạng của mỗi vùng dân cư ven biển thông qua các hoạt động triển lãm, hội chợ du lịch, các lễ hội văn hóa truyền thống,…

     Bốn là, quy hoạch phát triển ngành du lịch gắn với hoạt động kêu gọi đầu tư, tạo lợi thế và động lực rõ rệt, nhất là các tiềm năng về tài nguyên văn hóa biển đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Trà Vinh. Muốn vậy, ngoài cơ chế chính sách đặc biệt thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa – du lịch cần phải song song với các ưu đãi về phát triển kinh tế – xã hội nói chung của địa phương trong những năm tới đây.

     Năm là, trong tận dụng di sản văn hóa biển vào phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh cần thường xuyên, tích cực khuyến khích việc phát hiện các mô hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh để tạo ra các nét mới, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, vừa kích thích đầu tư vào du lịch – dịch vụ tại các cụm cộng đồng dân cư ven biển. Các mô hình cần hướng đến thân thiện với môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang là vấn đề và thách thức chung đối với Trà Vinh và các tỉnh ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

__________
1
Báo Đại Đoàn Kết – Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2 Nguyễn Thành Luân (2017): Di sản văn hóa biển qua hoạt động truyền thông của báo Đại Đoàn Kết, Luận văn Thạc sĩ – Trường Đại học Trà Vinh.

3 Báo Thanh Niên: Hành trình từ Trái tim đến vùng sâu vùng xa miền Đông và vùng sông rạch ĐBSCL, cập nhật ngày 09 tháng 9 năm 2019. Nguồn dẫn từ:
https://thanhnien.vn/gioi-tre/hanh-trinh-tu-trai-tim-den-vung-sauvung-xa-mien-dong-va-vung-song-rach-dbscl-1124092.html.

4 Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Trà Vinh (2019): Điều kiện tự nhiên tỉnh Trà Vinh, cập nhật ngày 21 tháng 11 năm 2019.

5 Nguyễn Thành Luân (2017): Di sản văn hóa biển qua hoạt động truyền thông của báo Đại Đoàn Kết, Luận văn Thạc sĩ – Trường Đại học Trà Vinh.

6 Nguyễn Thành Luân (2018): Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua loại hình tín ngưỡng dân gian, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa và văn học Nam bộ trong thời kỳ hội nhập – Trường Đại học Trà Vinh, NXB Khoa học Xã hội, tr.25-26.

7 Nguyễn Thành Luân (2016): Giáo dục giới tính trong trường học – Nhìn từ mô hình các nước và một số khuyến nghị đối với các trường học tại Trà Vinh, Đại học Trà Vinh, tr.80-89.

8 Nguyễn Thành Luân (bút danh Lê Anh, 2018): Phát triển du lịch biển Tây Nam Bộ – Tiềm năng chờ được đánh thức, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 21 tháng 11 năm 2018.

9 Nguyễn Thành Luân (2018): Phát triển ‘Con đường bích họa’ tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 17 tháng 11 năm 2018. Nguồn dẫn từ:
http://daidoanket.vn/du-lich/phat-trien-con-duongbich-hoa-tieu-vung-duyen-hai-phia-dong-dbscl-tintuc422923.

10 Nguyễn Thành Luân (2019): Khơi dậy tiềm năng vùng biển Tây Nam bộ, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 17 tháng 11 năm 2019. Nguồn dẫn từ:
http://daidoanket.vn/kinh-te/khoi-day-tiem-nang-vung-bien-tay-nam-botintuc453313.

11 Nguyễn Thành Luân (2019): Khơi dậy tiềm năng vùng biển Tây Nam bộ, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 17 tháng 11 năm 2019. Nguồn dẫn từ:
http://daidoanket.vn/kinh-te/khoi-day-tiem-nang-vung-bien-tay-nam-botintuc453313.

12 Dương Hoàng Sum, Trần Minh Thanh, Võ Thanh Tuấn (2018): Định hướng liên kết và phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Định hướng liên kết và phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL, NXB Nông Nghiệp, tr.3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Thanh Niên (2019): Hành trình từ Trái tim đến vùng sâu vùng xa miền Đông và vùng sông rạch ĐBSCL, cập nhật ngày 09 tháng 9 năm 2019. Nguồn dẫn từ:
https://thanhnien.vn/gioi-tre/hanh-trinh-tu-trai-tim-den-vung-sau-vung-xa-mien-dong-vavung-song-rach-dbscl-1124092.html.

2. Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Trà Vinh (2019): Điều kiện tự nhiên tỉnh Trà Vinh, cập nhật ngày 21 tháng 11 năm 2019.

3. Dương Hoàng Sum, Trần Minh Thanh, Võ Thanh Tuấn (2018): Định hướng liên kết và phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Định hướng liên kết và phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL, NXB Nông Nghiệp.

4. Nguyễn Thành Luân (2018): Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua loại hình tín ngưỡng dân gian…, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa và văn học Nam bộ trong thời kỳ hội nhập – Trường Đại học Trà Vinh, NXB Khoa học Xã hội.

5. Nguyễn Thành Luân (2017): Di sản văn hóa biển qua hoạt động truyền thông của báo Đại Đoàn Kết, Luận văn Thạc sĩ – Trường Đại học Trà Vinh. Nguồn dẫn đến tài liệu:
https://opac.tvu.edu.vn/pages/opac/wpid-detailbib-id-26749.html.

6. Nguyễn Thành Luân (2016): Giáo dục giới tính trong trường học – Nhìn từ mô hình các nước và một số khuyến nghị đối với các trường học tại Trà Vinh, Đại học Trà Vinh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tuyên truyền về lồng ghép giới trong các trường ĐH, CĐ, THPT trên địa bàn thành phố Trà Vinh”.

7. Nguyễn Thành Luân (2019): Khơi dậy tiềm năng vùng biển Tây Nam bộ, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 17 tháng 11 năm 2019. Nguồn dẫn từ:
http://daidoanket.vn/kinh-te/khoiday-tiem-nang-vung-bien-tay-nam-bo-tintuc453313.

8. Nguyễn Thành Luân (2018): Phát triển Con đường bích họa tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 17 tháng 11 năm 2018. Nguồn dẫn từ:
http://daidoanket.vn/du-lich/phat-trien-con-duong-bich-hoa-tieu-vung-duyen-hai-phiadong-dbscl-tintuc422923.

9. Nguyễn Thành Luân (bút danh Lê Anh, 2018): Phát triển du lịch biển Tây Nam Bộ – Tiềm năng chờ được đánh thức, báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 21 tháng 11 năm 2018.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2017): Báo cáo tổng kết chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh năm 2017.

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2018): Báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2017 và kế hoạch phát triển năm 2018.

Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khai thác di sản văn hóa biển vào phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh
(Tác giả: Thạc sĩ, Nhà báo Nguyễn Thành Luân)