Khai thác Không Gian Xanh tại các di tích phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

NCS. BSCK I PHÍ ĐĂNG CẢNH1 , NCS. ThS. DƯƠNG ĐỨC MINH2 , ThS. ĐỖ TÚ QUÂN3

(1 Bệnh viện II Lâm Đồng, 2 Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế
và Du lịch, 3 Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT

     Trà Vinh sở hữu số lượng di tích dày đặc gắn liền với các giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh tiêu biểu của Tây Nam Bộ. Gắn với hệ thống các di tích là không gian xanh với mật độ cây che phủ khá dày đặc và tuổi đời lâu năm. Giữa di tích và cây xanh có mối quan hệ “hữu cơ” đặc biệt tạo nên giá trị thẩm mỹ, điều tiết “vi khí hậu”, có lợi cho sức khỏe và gia tăng cảm xúc tích cực cho du khách. Tác dụng của cây xanh gắn với di tích trong việc khai thác và phát triển du lịch là vấn đề quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu tại Trà Vinh – nơi được mệnh danh là “thủ phủ cây xanh” của Tây Nam Bộ. Việc kiến tạo các hoạt động và dịch vụ du lịch gắn với không gian xanh sẽ góp phần đa dạng hóa và đặc thù hóa dịch vụ du lịch cho tỉnh Trà Vinh. Xuất phát từ quan điểm tiếp cận nói trên, thông qua quá trình điều tra khảo sát thực địa, phỏng vấn sâu các bên liên quan trong phát triển du lịch tại Trà Vinh từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2019, bài viết nhấn mạnh lợi thế và tiềm năng khai thác không gian xanh gắn với các di tích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phục vụ cho việc khai thác và phát triển du lịch bền vững ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại.

1. Khái quát tác dụng của không gian xanh đến tinh thần và thể lý của con người

     Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu cây xanh Canada, một cây khỏe mạnh có thể hấp thụ khoảng 2,5 kg CO2/ năm, một cây trưởng thành có thể hấp thụ từ 3.000 đến 7.000 hạt bụi/ m3 không khí. Một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng O2 cần thiết cho 4 người. Từ nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), sự hiện diện của một cây ở gần nhà giảm 30% lượng không khí ô nhiễm. Một cây trưởng thành hút mất 450 lít nước trong đất rồi lại trả về không khí dưới dạng hơi nước để làm mới không khí. (Nguyễn Thị Thái Thanh, 2009).

     Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh việc sống gần cây xanh sẽ giúp: thai phụ tự nhận thức chủ động bảo vệ sức khỏe tốt hơn; cải thiện chức năng nhận thức và sự phát triển tinh thần, tập trung vào trí nhớ; nhịp tim thấp và giảm nguy cơ đột quỵ; tâm lý thoải mái và suy nghĩ và việc thực hiện các hành vi bạo lực được hạn chế; giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến; giảm suy sụp tâm trí (xa sút trí tuệ) dành cho người lớn tuổi.

     Ở góc độ tâm lý, khi con người tiếp xúc với cây xanh sẽ nhanh chóng phục hồi tâm trạng; hình thành nhận thức về sự an toàn khi tương tác môi trường xung quanh. Riêng với những người có vấn đề về hô hấp khi tiếp xúc với không gian xanh giảm viêm mũi dị ứng, các bệnh lý về mắt và mũi (Michelle C. Kondo, Jaime M. Fluehr, Thomas McKeon và Charles C. Branas, 2018, tr.23). Ngoài ra, không gian xanh còn được cho rất có lợi cho trẻ em trong việc suy nghĩ tích cực, tăng cường trí tưởng tượng và sáng tạo (Carys Swanwick, Nigel Dunnett và Helen Woolley, 2003, tr.104).

     Theo Quing Li (2019): “Ở những nơi có cây xanh, con người làm việc hiệu quả, năng suất và sáng tạo hơn” (Quing Li, 2019, tr.267); “Thiên nhiên rất tốt cho sự phát triển tâm lý và thể chất ở trẻ” (Quing Li, 2019, tr.306). Tác giả này cũng đã liệt kê khi tiếp xúc với cây xanh (tắm rừng) thì giúp cho con người sẽ: (i) làm giảm nồng độ hormone căng thẳng cortisol và adrenaline; (ii) ức chế hệ thần kinh giao cảm hay phản ứng chiến đấu hoặc trốn chạy (iii) thúc đẩy hệ thần kinh phó giao cảm hay phản ứng nghỉ ngơi và hồi phục (iv) làm giảm huyết áp và tăng biến thiên nhịp tim (Quing Li, 2019, tr.77).

     Tựu chung lại, cây xanh có vai trò quan trọng trong việc tăng cường, cải thiện sức khỏe cho con người ở tất cả các độ tuổi. Chính không gian xanh là thành tố quan trọng góp phần gia tăng cảm xúc cho du khách và tạo thêm ấn tượng cho điểm đến.

2. Phân tích các giá trị của không gian xanh gắn với hệ thống di tích tại tỉnh Trà Vinh

     Trà Vinh có số lượng di tích khá dày đặc. Trong tổng số hơn 530 di tích của Trà Vinh có đến 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Cụ thể 15 di tích cấp quốc gia là: Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Chùa Phước Minh Cung; Chùa Giác Linh (chùa Dơi); Khu khảo cổ Lưu Cừ II; Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu; Chùa Bodhiculàmani (ấp Sóc); Chùa Bodhisalaraja (Kom Pong); Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh; Chùa Ba Si (chùa PySeyVaRaRam); Chùa Teakhinasakor Ta Lôn (chùa Cái Cối); Đình miếu Cồn Trứng và Lăng Ông Cồn Tàu; Địa điểm Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch; Minh Đức Cung (chùa Ông Bổn). Và 27 di tích cấp tỉnh: Chùa Phước Mỹ (Bà Sở); chùa Bào Môn; Khu căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh; Miếu Tiền Vãng; chùa Long Thành; chùa Satharam VanTa (Tà Rom); đình An Mỹ (Bà Trầm); chùa Sattharinadi Pro Khup (Trà Khúp); đình Phước Lộc; đình Phú Đức; Nhà cổ Huỳnh Kỳ; Chùa Chrôi Tan Sa (Bãi Xào Giữa); Chùa Can Snom (Căn Nom); Chùa Vel Lac (Lạc Hòa); Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ; Đình Hội Hữu; Lầu Bà Cố hỷ Thượng động Nương nương; Chùa Pnô Om Pung (Sirivansaràma); Ban An ninh Trà Vinh; Chùa Ô Mịch; chùa Chông Bát; Đình Khánh Hưng; Đình Minh Thuận; Chùa Krapoumchhouk chral (chùa Chà); Chùa Phnô Sanke Thmây (Chùa Mé Láng); Đình Long Đức; Đồng khởi Mỹ Long(Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, 2019, tr.13).

     Gần như tại Trà Vinh, điểm di tích nào cũng có số lượng cây xanh ngay tại di tích hoặc xung quanh di tích rất đáng kể. Đặc biệt, nhiều nơi tuổi đời của hệ thống cây xanh lên đến hàng trăm năm. Hệ thống cây xanh gắn với các điểm di tích gần 30 chủng loại, đa số là cây Sao, cây Dầu.

     Hệ thống cây xanh Trà Vinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ, điều tiết khí hậu, chuyển tải các thông điệp văn hóa tâm linh (cụ cây, cây thiêng, cây ước nguyện,…) cho hệ thống di tích tại Trà Vinh.

Biểu đồ 1. Số lượng di tích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
(Nguồn: Ban Quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh, 2019)

     Ước tính trong năm 2019, có khoảng: 144.212 lượt khách (trong đó có 1.191 lượt khách nước ngoài) tham quan tại các điểm di tích của Trà Vinh (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Trà Vinh, 2019, tr.12).

     Thông qua kết quả phỏng vấn sâu du khách, theo đánh giá của du khách ấn tượng thường gặp của du khách về du lịch Trà Vinh là địa phương có lớp phủ thực vật với nhiều loài cây quý hiếm và “mảng xanh đô thị” có sức hấp dẫn riêng biệt và thú vị. Các địa điểm di tích nhận được sự ấn tượng của du khách nơi có bầu khí trong lành là: Đền thờ Bác Hồ, Quần thể Ao Bà Om, Chùa Lò Gạch, Cây Dầu Dù gần 700 tuổi5… Đặc biệt, thành phố Trà Vinh được xem là “thành phố ở trong rừng” gần như là địa bàn lưu trú lại của nhiều đoàn du khách khi đến với Trà Vinh với sự sở hữu gần 14.000 cây xanh.

     Thành phố Trà Vinh, có hơn 800 cây cổ thụ từ 100 đến 300 năm tuổi ở các tuyến phố được quản lý đặc biệt, gần 1.300 cây cao từ 12m trở lên, hơn 5.800 cây cao từ 6m đến dưới 12m, còn lại là cây xanh dưới 6m và cây kiểng. Nhiều tên đường được gắn với tên cây như đường Cây Dù Dầu (Sơn Thông); đường Hàng Me (19 Tháng 5); đường Cây Sao (Lê Thánh Tôn) hay đường Cây Dầu Lớn (Nguyễn Thị Minh Khai)6

3.Thực trạng bảo tồn và khai thác các giá trị gắn với không gian xanh tại các di tích phục vụ cho du khách trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

     Tại các khu di tích của thành phố Trà Vinh nói riêng và toàn tỉnh nói chung, vấn đề bảo tồn không gian xanh được thực hiện rất nghiêm túc và có nhiều giải pháp đột phá nhằm bảo vệ tích cực mảng xanh của địa phương.

     Năm 2016, tỉnh Trà Vinh mời các chuyên gia ở Hà Lan, Australia, Viện giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp) và Đại học Nông lâm (thành phố Hồ Chí Minh) đến khảo sát, tìm nguyên nhân rừng cổ thụ suy kiệt và đề xuất các giải pháp bảo tồn các cây quý.

     Số lượng cây già cỗi và có nguy cơ suy kiệt ở Trà Vinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân chính là “do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa dẫn đến nước ở gốc cây không thẩm thấu xuống rễ. Ngoài ra, chăm sóc cây không đúng, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước trầm trọng, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng ngày càng nặng…”7.

     Trước thực tế này giải pháp cứu cây được thực hiện là “cải tạo mở rộng bồn gốc cây, thay lớp đất mặt và bón phân, khử trùng; lắp đặt các ống nhựa rộng 0,12 m, dài 1,5 m tại mỗi gốc cây nhằm trữ nước khi tưới để thẩm thấu xuống rễ trong mùa khô; truyền dịch dinhdưỡng trực tiếp cho cây; chăm sóc, vén tàn, gỡ ký sinh trên thân cây”8.

     Bên cạnh đó, địa phương tích cực trồng mới các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

“Năm 2017 tại thành phố Trà Vinh trồng mới 1.386 cây bao gồm các loại: sao, dầu, giáng hương, kèn hồng, bằng lăng dọc theo các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Đáng, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ,… Năm 2018, tại thành phố Trà Vinh trồng mới 975 cây bao gồm các loại: sao, dầu, giáng hương, kèn hồng, bằng lăng dọc theo các tuyến đường quốc lộ 60, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn,…
(Kết quả phỏng vấn sâu đại diện Ông Phạm Tiết Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đô thị Trà Vinh ngày 19/12/2019)

     Công tác tuyên truyền bảo vệ di tích và cây xanh được thực hiện rốt ráo và tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương. Nhiều cây xanh được thiêng hóa và được tôn là “cụ cây” và được người dân chiêm bái thờ cúng bày tỏ sự kính trọng và gửi gắm các ước nguyện của mình đến với các “cụ cây”. Một trong những “cây ước nguyện” tiêu biểu đang được du khách thường xuyên đến chiêm bái và gửi gắm ước vọng là “cây ước nguyện” tại chùa Lò Gạch (ấp Ba Se A – xã Lương Hòa – huyện Châu Thành).

     Tuy nhiên, ở một số sự kiện lớn của địa phương việc người dân di chuyển bằng xe gắn máy trên đường đất quanh khu vực Ao Bà Om ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ thống cây xanh lâu đời tại khu vực này.

     Bên cạnh tìm đến “không gian xanh” để thỏa mãn nhu cầu tâm linh thì du khách chủ yếu chụp hình dưới tán cây khi đến các điểm di tích vì giá trị cảnh quan và giá trị thẩm mỹ của từng cá thể cây hoặc quần thể cây. Các hoạt động này diễn ra khá đơn điệu và chưa tạo nhiều ấn tượng đột phá cho du khách. Gần như thông tin và chỉ số về cây không được giới thiệu, đây là vấn đề quan trọng khiến cho việc cảm nhận sâu sắc về điểm đến của du khách bị hạn chế.

     Tại một số công trình tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là các ngôi chùa Khmer số lượng cây xanh lâu năm rất nhiều vừa tạo cảnh quan hùng vĩ cho ngôi chùa vừa thu hút lượng lớn các loài chim sinh sống tăng giá trị hấp dẫn cho điểm đến như chùa Cò (Trà Cú)9và chùa Hang (Châu Thành). Chính quần thể hệ cây xanh và chim tạo sự hứng khởi cho du khách. Tuy nhiên, tại các không gian này các đài ngắm phục vụ quan sát chim dành cho du khách chưa được đưa vào khai thác sử dụng nên cũng chưa phát huy hết lợi thế tổ hợp gắn kết cảnh quan thẩm mỹ của hệ sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu cho du khách.

     Tựu chung lại, công tác bảo tồn cây xanh và các cá thể loài cộng cư với cây xanh được triển khai rất nghiêm túc tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch đi kèm để khai thác các “giá trị xanh” gắn với di tích còn đơn điệu và chưa tạo nên các sản phẩm/dịch vụ/hoạt động thật sự ấn tượng để phục vụ cho du khách.

4. Đề xuất kiến tạo các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch gắn với không gian xanh tại các di tích phục vụ cho du khách trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

     Trong bối cảnh hiện nay, vì tốc độ đô thị hóa ngày càng cao nên xu hướng du lịch đến các khu vực có cảnh quan sinh thái tự nhiên đang được gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và địa bàn tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 2015 – 2020, lượng khách đến Trà Vinh tăng liên tục, cụ thể:

Biểu đồ 2. Khách du lịch đến Trà Vinh giai đoạn 2015- 2019
(Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, 2019)

     Trong giai đoạn 2015 – 2019, khách du lịch đến Trà Vinh có lưu trú chiếm tỷ trọng khá lớn. Riêng năm 2019, khách lưu trú là 683.488 lượt (chiếm 67% tổng lượt khách). Đây là lợi thế lớn để Trà Vinh kiến tạo thêm các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và thực
hành các trải nghiệm “du lịch chậm” tại địa phương.

     Một trong những lợi thế để kiến tạo thêm dịch vụ du lịch nhằm khai thác và phát triển du lịch gắn với các điểm di tích tại Trà Vinh là tận dụng “giá trị xanh” của địa phương.

     Trong giới hạn bài viết này, nhóm tác giả đề xuất các nhiệm vụ tận dụng “giá trị xanh” gắn với di tích nhằm tạo không gian thụ hưởng và thỏa mãn nhu cầu của du khách như sau:

     (1) Thu thập tư liệu, hệ thống hóa và số hóa dữ liệu cây xanh gắn với hệ thống di tích nhằm giới thiệu một cách phổ biến, chính xác và cập nhật về thông tin của quần thể cây xanh và các cá thể cộng cư với cây xanh tại các khu di tích đến với du khách;

     (2) Xây dựng chương trình du lịch chuyên đề “Đến Trà Vinh rinh giá trị”: điểm nhấn là kiến tạo dịch vụ thực hành “tắm cây” nhằm cải thiện và tăng cường sức khỏe;

     (3) Lựa chọn và kiến tạo “không gian ký ức dành cho du khách” gắn liền với hệ thống cây xanh tại các di tích có tính hệ thống và kết nối đồng bộ giữa thế giới thực và thế giới ảo nhằm gia tăng cảm xúc cho du khách;

     (4) Lựa chọn và kiến tạo không gian mẫu về việc tìm hiểu quần hệ cây xanh và các cá thể cộng cư tại các điểm di tích;

     (5) Xây dựng “chuỗi giá trị du lịch xanh” kết nối giữa không gian xanh của di tích với các không gian xanh khác của Trà Vinh như “cánh đồng xanh”, “vườn dừa xanh”, “vườn cây ăn trái xanh”, …

5. Kết luận

     Việc khai thác các “giá trị xanh” thực sự không mới trong bối cảnh phát triển du lịch trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, việc tận dụng lớp phủ thực vật tại di tích tại Trà Vinh để kiến tạo dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu, tạo ấn tượng cho du khách và góp phần vào công tác bảo tồn là hướng khai thác nên được quan tâm nghiên cứu nhằm góp phần đa dạng hóa và đặc thù hóa sản phẩm du lịch cho địa phương. Với lợi thế vượt trội về “mảnh xanh đô thị” cũng như các quần hệ thực vật phong phú, Trà Vinh đã tạo ấn tượng nhất định cho du khách dựa vào thế mạnh này. Căn cứ vào xu thế dịch chuyển ngày càng nhiều, nhu cầu “du lịch chậm” ngày càng lớn, việc khai thác không gian xanh để phục vụ cho du khách là bước đi hợp lý hứa hẹn gia tăng giá trị cảm xúc và chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường dành cho du khách gần xa khi đến với Trà Vinh.

__________
4 Kết quả phỏng vấn sâu 12 đại diện du khách Việt Nam và quốc tế (Canada, Pháp và Mỹ) từ tháng 5 – tháng 12

5 Độ tuổi này được ước tính theo quan điểm của người dân địa phương.

6 http://daidoanket.vn/xa-hoi/tra-vinh—do-thi-xanh-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long-tintuc45429 (Truy cập ngày 17/12/2019)

7 https://vnexpress.net/thoi-su/truyen-dich-cuu-1-000-co-thu-trong-do-thi-mien-tay-3820184.html (Truy cập ngày 18/12/2019)

8 https://vnexpress.net/thoi-su/truyen-dich-cuu-1-000-co-thu-trong-do-thi-mien-tay-3820184.html (Truy cập ngày 18/12/2019)

9 Còn gọi là Chùa Phnô Đôn tại ấp Cây Da, xã Đại An. Diện tích vườn chim của chùa khoảng 6 ha, ước lượng khoảng có đến 10 vạn cá thể cò và chim (Kết quả khảo sát thực địa tháng 7 năm 2019).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh. (2019). Hệ thống bảng biểu thống kê số lượng di tích các Huyện/Thị/Thành trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

2. Carys Swanwick, Nigel Dunnett and Helen Woolley. (2003). Nature, Role and Value of
Green Space in Towns and Cities: An Overview. Built Environment 29(2):94-106, June
2003.

3. Michelle C. Kondo, Jaime M. Fluehr, Thomas McKeon and Charles C. Branas. (2018).
Urban Green Space and Its Impact on Human Health. International Journal of Environmental Research and Public Health:1-28, 3 March 2018,

4. Nguyễn Thị Thái Thanh. (2009). Cây xanh đô thị. Tạp chí Xây dựng số 01/2009.
Dẫn theo
http://www.cuwc.edu.vn/Phong_KhoaHoc_TinTuc.aspx?page=tintuc&idtintuc=72&mado
nvi=13&manoidung=1306 (truy cập ngày 18/12/2019)

5. Qing Li, Nguyễn Ngà dịch. (2019). Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật, Nxb. Công Thương.

6. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh. (2019). Báo Cáo Hoạt Động Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Năm 2019 Chương Trình Công Tác Năm 2020.

7. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh. (2019). Số liệu thống kê các số liệu về du lịch Trà Vinh giai đoạn 2015 – 2019.

8. https://vnexpress.net/thoi-su/truyen-dich-cuu-1-000-co-thu-trong-do-thi-mien-tay3820184.html (Truy cập ngày 18/12/2019).

Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”, Trang 35-42.

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khai thác Không Gian Xanh tại các di tích phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Tác giả: NCS. BSCK I Phí Đăng Cảnh, NCS. ThS. Dương Đức Minh, ThS. Đỗ Tú Quân)