Khảo sát một số tiêu chí phân biệt tùy bút với các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác

To Survey Some Criterias to Distinguish Essays
from some Other Kinds of Prose

TRẦN VĂN MINH
(Bộ Môn Ngữ Văn – Khoa Sư Phạm)

TÓM TẮT

     Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tùy bút tồn tại và phát triển với tư cách một thể loại văn xuôi độc đáo, có đóng góp đáng kể. Rất nhiều cây bút nổi tiếng mà tên tuổi của họ đã gắn liền với thể loại này. Nhưng trên thực tế, vì tính chất trung gian, lưỡng hợp nên không dễ có được một cơ sở lý luận tường minh – như một xác tín về phương diện thể loại – đối với tùy bút. Điều đó đã gây ra không ít khó khăn, bất cập trong việc xác lập một hệ thống tiêu chí để phân biệt và hướng tiếp cận những giá trị cụ thể ở các tác phẩm tùy bút.

     Trong bài viết này chúng tôi cố gắng xác định, hệ thống lại những đặc trưng nghệ thuật của tùy bút. Có thể xem đây như những tiêu chí để góp phần phân định ranh giới giữa tùy bút với các loại hình văn xuôi nghệ thuật khác.

Từ khóa: Tùy bút, Văn xuôi, Thể loại, Trữ tình, Lưỡng hợp, Trung gian.

ABSTRACT

     Essays are a kind of prose which has much contribution to Vietnamese literature, especially in modern time. In terms of Vietnamese literature, essays are firmly asserted to have had a process of development with their specific characteristics within the general rule of development of literature. However, it seems that there has not been any research on essays in respect of both theories and composition.

     On the basic of that, it is possible to make a distinction between essays and other kinds of prose. The solutions include many ideas such as: review the literature concerning different points of view about classification of genre of essays, analyze the problems and suggest some personal solutions. In the end, identify some specific criteria based on typical characteristics of the genre in order to distinct essays with other kinds of prose.

Keywords: Essay, Prose, Genre, Lyric, Indeterminate, Intermediary.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Tùy bút là một thể loại văn xuôi có đóng góp đáng kể vào nền văn học nước nhà, đặc biệt ở thời kỳ hiện đại. Có thể kể ra nhiều tên tuổi lớn thuộc các thế hệ sáng tác khác nhau, có tác phẩm thành công ở thể loại này: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu,…Cũng không ai phủ nhận được giá trị văn chương của những tác phẩm tùy bút tiêu biểu như: Hà Nội băm sáu phố phường, Sông Đà, Đường chúng ta đi, Ai đã đặt tên cho dòng sông,...Từ góc nhìn văn học sử, hoàn toàn có thể khẳng định rằng thể tùy bút đã có một quá trình phát triển với những nét đặc thù riêng, nằm trong quy luật vận động chung của cả nền văn học.

     Mặc dù là một thể văn xuôi mang khá nhiều đặc trưng rõ nét về thể loại, nhưng trên thực tế hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào riêng cho tùy bút. Trong các tác phẩm lý luận văn học, do những biểu hiện có tính chất trung gian, tùy bút bao giờ cũng được nhắc tới với tư cách là một tiểu loại, bằng sự dè dặt nhất định. Quan điểm trong việc phân loại cho tùy bút cũng chưa thấy có sự nhất trí.

     Các tác giả của quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX (2004) xếp tùy bút vào loại ký: “Ký là một loại hình văn học trung gian nằm giữa báo chí và văn học. Ký bao gồm nhiều thể chủ yếu dưới dạng văn xuôi tự sự như: bút ký, hồi ký, du ký, nhật ký, phóng sự, tùy bút và cả hồi ký tự truyện… Theo định nghĩa thì tùy bút là một thể văn có lối viết tương đối phóng khoáng, tự do. Nhà văn tùy theo ngọn bút đưa đẩy có thể viết từ việc này sang việc khác, từ vấn đề này sang vấn đề khác. Ở thể loại này nhà văn có điều kiện bộc lộ những cảm xúc chủ quan của mình về đối tượng được phản ánh, vì thế cái tôi bản ngã có điều kiện bộc lộ hết mình”; “Tùy bút là một thể thuộc loại hình ký có lối viết phóng khoáng, tự do và chủ quan nhất. Nét nổi bật trong tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú ý đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc đời… So với các tiểu loại khác, tùy bút giàu chất trữ tình hơn cả, tuy vẫn không ít yếu tố chính luận và chất suy tưởng triết lý”.

     Trong Từ điển văn học (bộ mới-2004), Nguyễn Xuân Nam khẳng định: tùy bút là “Một thể loại văn xuôi phái sinh từ thể loại ký, gần với bút ký, nhưng cách viết tự do và phóng túng hơn nhiều”. Nguyễn Văn Hạnh trong Lý luận văn học-Vấn đề và suy nghĩ (1998) cũng xếp tùy bút vào hệ thống các thể ký: “Các thể ký chủ yếu có mặt cả trong văn học cổ điển và hiện đại là ký sự, bút ký, tùy bút, du ký, nhật ký”.

     Khác hẳn với các ý kiến trên, trong quyển Lý luận văn học (1987) Trần Đình Sử lại dứt khoát xếp tùy bút vào loại trữ tình: “Tác phẩm trữ tình không phải chỉ có thơ trữ tình, mặc dù nó là tiêu biểu nhất. Ngoài thơ trữ tình còn có tùy bút, thơ văn xuôi, ca trù, từ khúc,…Tùy bút là thể loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên tưởng, cảm xúc mà tả người, kể việc”.

     Trong quyển Tam diện tùy bút (2007), Trần Thanh Hà lại quan niệm rằng “Tùy bút thuộc thể ký, vì vậy nó cũng mang những đặc điểm cơ bản của thể loại này… Xét từ gốc gác và bản chất, ký không nhằm thông tin thẩm mỹ mà thông tin sự thật… Thế nhưng tùy bút không nhằm thông tin sự kiện mà thông tin tâm trạng. Trong tùy bút, sự thật bên ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ mà chủ yếu là chủ thể bộc lộ nội tâm… Điều này làm cho tùy bút đậm chất trữ tình và chỉ có thể xếp nó vào loại trữ tình” . Xem tùy bút là một thể loại linh hoạt, không thể quy kết thỏa đáng vào một loại hình nghệ thuật nào, tác giả đã phần nào tiếp cận được gốc gác và bản chất vấn đề. Tuy nhiên, ở các phần tiếp theo tác giả tập sách lại tập trung nhiều hơn vào việc tiếp cận tùy bút như một kiểu bút pháp lệch chuẩn độc đáo, có thể xuất hiện trong nhiều dạng thức khác nhau (tuỳ bút triết học, tùy bút khoa học, tùy bút văn học).

     Do chưa có được sự đồng thuận từ cơ sở lý luận nên việc xác định thể loại cho những tác phẩm cụ thể cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Đơn cử một ví dụ: thông thường, người ta quen gọi Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam là tùy bút, nhưng cũng có lúc nó được xem là bút ký (Đinh Quang Tốn trong Thạch Lam – về tác giả và tác phẩm-) hoặc “một thứ biến khảo song có nhiều tính chất nghệ thuật” (Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên). Mặt khác, có một thực tế đúng mà chưa đủ là: hễ nhắc tới tùy bút hình như không ít người chỉ biết mỗi Nguyễn Tuân – vị tổ sư của một môn phái mà ở Việt Nam rất hiếm môn đệ! (Phan Ngọc trong Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học).

     Rõ ràng cần phải có một xác tín về tùy bút, trước hết ở phương diện thể loại, để trên cơ sở đó mà vạch ra một đường biên – tất nhiên, cũng chỉ là tương đối – giữa nó với các thể văn xuôi nghệ thuật khác; góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề tiếp theo như: tìm hiểu nguồn gốc, quá trình phát triển, và những đặc trưng thẩm mỹ của tùy bút. Đây là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp vì tính chất trung gian, lưỡng hợp của tùy bút (giữa tự sự với trữ tình, giữa thơ với văn xuôi, giữa khách quan với chủ quan…) có thể khiến cho mọi cố gắng để tìm ra một sự phân định rạch ròi đều trở nên bất cập hoặc không thỏa đáng.

2. Giải quyết vấn đề

     Phân loại là một thao tác không thể thiếu trong quá trình nhận thức các hiện tượng phong phú đến phức tạp của thế giới khách quan, trong đó có văn học. Tác phẩm văn học bao giờ cũng tồn tại như một chỉnh thể thống nhất trọn vẹn của các yếu tố ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Văn chương là một lĩnh vực có vẻ khá phóng túng, tôn trọng tự do sáng tác của người nghệ sĩ, nhưng sự thống nhất ấy lại luôn diễn ra theo những quy luật nhất định, trong sự chi phối của thể loại. Thể loại văn học – với ý nghĩa đó – là khái niệm dùng để chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung thì có một kiểu hình thức nhất định.

     Thể loại không phải là khái niệm hoàn toàn thuộc về mặt hình thức của tác phẩm. Nó là hình thức bên trong, gắn liền với những nội dung loại hình: “Nói tới thể loại là nói tới một cách tổ chức tác phẩm, một kiểu tái hiện đời sống và một kiểu giao tiếp nghệ thuật” (Lê Ngọc Trà – 2005) Như vậy, thể loại tồn tại trong những yếu tố lặp đi lặp lại, ổn định, bền vững của cấu trúc tác phẩm. Hoàn toàn có thể căn cứ vào những yếu tố ấy để xây dựng một hệ thống tiêu chí khoa học cho việc xác định thể loại văn học. Theo các nhà lý luận văn học (L.V.Cherets trong Dẫn luận nghiên cứu văn học; Trần Đình Sử trong Lý luận văn học), việc phân loại tác phẩm văn chương cần căn cứ vào những đặc điểm thẩm mỹ ở 05 bình diện sau đây:

– Loại văn học (tự sự, trữ tình, kịch…)

– Hình thức lời văn (văn vần, văn xuôi, văn biền ngẫu…)

– Cảm hứng, tình điệu (anh hùng ca, bi ca, lãng mạn…)

– Nội dung thể loại (lịch sử dân tộc-phong tục, thế sự, đời tư…)

– Dung lượng (đoản thiên, trường thiên,..)

     Tùy bút là “một thể loại văn xuôi”(Từ điển văn học, bộ mới -2004) nên hoàn toàn có thể khảo sát đặc điểm loại thể của nó dựa trên những nguyên tắc chung. Để rồi từ kết quả đó, có cơ sở mà đúc kết thành những tiêu chí xác đáng cho việc nhận diện tùy bút trong hệ thống thể loại văn học.

     2.1 Về loại hình của tùy bút

     Trước hết, cần xác định rõ tùy bút thuộc loại hình nào. Có thể nhận thấy nổi lên hai quan điểm vừa có nét tương đồng vừa có chỗ chưa nhất trí với nhau về vấn đề này: 1- Tùy bút là một tiểu loại văn xuôi giàu chất trữ tình, nhưng phái sinh từ ký (một loại gần với tự sự); 2- Tùy bút là một thể văn xuôi thuộc loại trữ tình. Cả hai quan điểm trên đều thừa nhận sự tồn tại thường trực của yếu tố trữ tình trong tùy bút, nhưng cách nhìn nhận về vai trò của yếu tố tự sự thì có điểm khác nhau.

     Xếp tùy bút vào thể ký, các nhà nghiên cứu theo quan điểm thứ nhất muốn chú ý đến sự tồn tại của tự sự như là yếu tố thứ nhất trong tác phẩm: “Nét nổi bật trong tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự việc cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú ý đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc đời” (Lê Dục Tú – 2003); “Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách phóng khoáng, tự do, theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là ký, là ghi chép, nhưng không chỉ ghi chép sự việc, mà ghi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết khi tiếp xúc với thực tế” (Nguyễn Văn Hạnh – 1998); “Ở thể ký, người ta chia ra các thể nhỏ như: phóng sự, bút ký, ký sự, hồi ký…và trong đó còn có thể chia ra các thể nhỏ nữa như tùy bút được phát triển từ bút ký” (Trần Thanh Hà – 2007).

     Có người tỏ ra quan tâm đặc biệt đến tính chất tự biểu cảm của tùy bút, nhưng vẫn cho rằng nó có gốc gác từ ký: “Một thể loại văn xuôi phái sinh từ thể ký, gần với bút ký…Nhà văn dựa vào sự lôi cuốn của cảm hứng, có thể nói từ sự việc này sang sự việc khác, từ liên tưởng này sang liên tưởng kia…để bộc lộ những cảm xúc, những tâm tình, phát biểu những suy nghĩ, những nhận xét về cuộc đời và con người…Bản ngã của nhà văn được thể hiện trong tùy bút gần như trong thơ trữ tình. Tùy bút là thể giàu chất trữ tình nhất trong các loại ký” (Từ điển văn học, bộ mới – 2004). Theo định hướng này, khi hướng dẫn giảng dạy tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân (chương trình lớp 12, bậc THPT), người biên soạn đã đề nghị giáo viên tập trung phân tích trước vẻ đẹp của hình tượng dòng sông Đà và hình tượng ông lái đò trong tư cách người anh hùng lao động, người nghệ sĩ tài hoa. Còn việc khám phá cái mạch trữ tình của tác giả đối với đất nước và con người Việt Nam, hình như được đặt xuống hàng thứ yếu.

     Ưu điểm của cách phân loại này là đã lưu tâm trước hết đến sự hiện diện của các yếu tố khách quan trong tùy bút, bởi phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống là yêu cầu cốt tử của tác phẩm ký (cho dù có phân thành ký tự sự và ký trữ tình thì về cơ bản ký vẫn được coi như gần với loại tự sự hơn). Nhưng rõ ràng ở trường hợp này, yếu tố trữ tình đã không còn giữ vai trò thực sự quan trọng để làm nên sắc thái riêng cho thể loại tùy bút. Xếp tùy bút vào cùng hệ thống với các tiểu loại khác của ký (bút ký, phóng sự, ký sự, nhật ký, hồi ký…) cũng có nghĩa mặc nhiên chấp nhận sự thất thế của nó trong việc phản ánh hiện thực với tính thời sự nóng hổi.

     Cách phân loại thứ hai – xếp dứt khoát tùy bút vào loại trữ tình – tuy có khắc phục được những điểm bất cập của cách thứ nhất, nhưng trên thực tế rất khó tránh khỏi một cực đoan khác. Theo quan điểm này, trữ tình là yếu tố thứ nhất, là cái mạch chính để làm nên diện mạo riêng cho tùy bút: “Tùy bút là loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả mình theo dòng liên tưởng, cảm xúc mà tả người, kể việc. Cái hay của tùy bút là qua sự bộc lộ những cảm xúc, nhận xét, suy tưởng của tác giả, làm hiện lên một nhân cách, một chủ thể giàu có về tâm tình, sắc sảo về trí tuệ. Các sự vật, hiện tượng, con người được nhắc đến là để làm cơ sở, nguyên cớ, khêu gợi một cái tôi suy nghĩ và trữ tình” (Trần Đình Sử – 1987). Như vậy trong tùy bút, các yếu tố khách quan dù xuất hiện ở cấp độ nào cũng chỉ để làm nền chứ không thể tự thân có ý nghĩa; chỉ là cơ sở, nguyên cớ để khêu gợi lên cái hiện thực thứ hai – hiện thực tâm hồn của người nghệ sĩ.

     Văn chương bao giờ cũng phải mang tính khuynh hướng, thể hiện rõ nhất ở cách người nghệ sĩ tiếp cận và phản ánh hiện thực. Đằng sau mỗi bức tranh đời sống bao giờ cũng thấm đẫm những vui buồn, suy tư, day dứt rất chủ quan, nhất là trong tác phẩm thuộc loại trữ tình. Nhưng riêng với tùy bút – một thể loại thường khi xuất hiện những chất liệu còn phập phồng hơi thở của cuộc sống thực – thì việc xếp yếu tố khách quan xuống hàng thứ yếu, chỉ có ý nghĩa như một phương tiện để giãi bày, có vẻ chưa thỏa đáng. Bản thân các chi tiết, sự kiện, số phận,…đã tồn tại như một cấp độ ý nghĩa về nhận thức nhiều khi hết sức sâu sắc và có mối liên hệ nội tại với cái mạch trữ tình của tác phẩm. Đến với tùy bút chống Mỹ của Nguyễn Tuân, đâu phải độc giả chỉ muốn biết về thế giới tâm hồn của riêng người nghệ sĩ trong những năm tháng gian khổ mà vĩ đại đã được bộc bạch như thế nào. Chính hiện thực những năm tháng khốc liệt ấy, trước hết, đã là một đối tượng thẩm mỹ để khám phá, thưởng thức.

     Mặt khác, dù có màu sắc trữ tình đậm đà, tùy bút vẫn chưa hội đủ điều kiện để được công nhận là một thể văn xuôi thuộc loại trữ tình. Bởi theo V.E. Khalizep (1998), trong tác phẩm trữ tình “không có sự tái hiện mở rộng và chi tiết về các sự kiện, hành vi và quan hệ qua lại của con người…Như vậy là trong trữ tình, người ta trực tiếp thể hiện yếu tố chủ quan của đời sống con người”. Hêghen cũng đã khẳng định tính chất trực tiếp của tự biểu cảm là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình: “Anh ta (nhà thơ trữ tình) có thể tìm kiếm sự kích thích sáng tạo và tìm kiếm nội dung ở bên trong bản thân mình, tập trung vào những tình thế, trạng thái, xúc cảm và dục vọng nội tại của trái tim và tinh thần mình. Ở đây bản thân con người trong đời sống nội tâm chủ quan của nó trở thành tác phẩm nghệ thuật”. Trong khi đó, biểu cảm ở tùy bút thường ít nhiều có màu sắc gián tiếp, thông qua những bức tranh đời sống.

     Vậy thì thể tùy bút nằm ở đâu trong hệ thống phân loại văn học truyền thống? Có lẽ đặt nó ở vị trí trung gian giữa tự sự và trữ tình là phù hợp nhất. Bởi vì các loại hình văn học không bao giờ tồn tại một cách tách biệt với nhau, với những ranh giới không thể vượt qua. Các cách phân loại văn học khác nhau cũng chỉ mang tính tương đối (Arixtôt chia làm ba loại: tự sự, trữ tình và kịch; ở Việt Nam xuất hiện nhiều cách chia khác nhau: chia ba – truyện, thơ và kịch; chia bốn – tự sự, trữ tình, kịch và ký; chia năm – tự sự, trữ tình, kịch, ký và chính luận), bởi không một lý thuyết phân chia màu xám nào có thể bao quát được trọn vẹn sự đa dạng, xanh tươi của loại thể văn học. Các thể loại trung gian, không thể quy hẳn về một phía nào luôn xuất hiện như một hiện tượng tất yếu; đó là trường hợp của thơ – văn xuôi, kịch – thơ, tùy bút, bút ký…

     L.V. Cherets (1998) có đề xuất cách tiếp cận, nhận diện các thể loại trung gian một cách thật xác đáng: “Nhiều khi các tác phẩm tự sự về cơ bản bao gồm những đoạn mang tính chất trữ tình: những suy nghĩ mang tính cảm xúc của tác giả xâm nhập vào câu chuyện về các biến cố…Văn học đã biết không ít tác phẩm mà yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình được kết hợp ở mức ngang quyền như nhau. Người ta gọi chúng là những tác phẩm tự sự – trữ tình”. Ở các thể loại như thế, yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình không tồn tại theo kiểu luân phiên, xen kẽ mà xuyên thấm, hài hòa với nhau trong một chỉnh thể độc đáo. Sự cân bằng giữa hai yếu tố này chỉ có ý nghĩa tương đối, định tính; nhưng lại là một trong những căn cứ có ý nghĩa, giúp công việc phân định, nhận diện tùy bút được thuyết phục hơn.

     Từ góc nhìn từ nguyên học cũng tìm thấy những giả thiết có giá trị khoa học, góp phần vào việc phân định loại hình của tùy bút. Phải chăng từ Hán Việt tùy bút – trước khi được dùng để định danh cho một thể loại văn chương hiện đại – đã ra đời trên cơ sở Thuyết Văn Bút thời Lục triều, trong lý luận văn học cổ điển Trung Quốc? Vào buổi sơ khai của việc phân loại, các nhà lý luận Trung Quốc đã chia văn chương thành 2 loại: loại có vần và loại không vần. Ở chương Tổng thuật của tác phẩm Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp có viết: “Kim chi thường ngôn, hữu Văn hữu Bút, dĩ vi vô vận giả Bút dã, hữu vận giả Văn dã” (Ngày nay thường nói: có Văn có Bút, cho không vần là Bút, có vần là Văn). Thời Lưu Tống, trong Nhan Quang Lộc tập, Nhan Diên Chi lại chia văn chương ra làm 3 loại: Ngôn, Bút, Văn. Trong đó, Bút có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả truyện ký.

     Vì những lý do nêu trên, có lẽ không thể tiếp tục hiểu một cách giản đơn rằng bút là ngòi bút và tùy bút là “tùy theo ngòi bút đưa đẩy”. Tại sao có tạp văn, tạp bút mà không có tùy văn ? Vì Văn vốn để chỉ những thể loại có vần, trữ tình nên không cần tuỳ nữa. Như vậy, tùy bút cần được hiểu là những tác phẩm văn xuôi (không vần, gần với tự sự), viết theo mạch cảm xúc chủ quan (gần với trữ tình). Nói cách khác, tùy bút là một thể văn xuôi thuộc loại tự sự – trữ tình. Vấn đề có thể sẽ phức tạp hơn khi vận dụng quan điểm này để khảo sát những tác phẩm cụ thể. (Ví dụ: làm sao để phân biệt tùy bút với bút ký – một thể loại ký cũng thường mang không ít màu sắc trữ tình? ). Nhưng thiết nghĩ, không thể vì muốn có được một sự tường minh về lý thuyết mà lại gò ép thực tiễn sinh động vào những khuôn mẫu không thực sự phù hợp.

     2.2 Về hình thức lời văn

     Hình thức lời văn của tùy bút bao giờ cũng uyển chuyển, linh hoạt, có sự hài hòa giữa chất thơ và trần thuật. Bởi các thể loại trữ tình thường thích hợp với văn vần hơn. Văn xuôi, nếu được sử dụng làm phương tiện để trữ tình, phải đầy chất nhạc, chất họa, chất thơ. Lời văn, giọng điệu tùy bút thường rất đẹp, trong sự hài hòa giữa phong cách cá nhân độc đáo với âm hưởng chung của thời đại. Có lẽ đây là phương diện đậm đà màu sắc trữ tình và chủ quan nhất. Cái tôi – người trần thuật trữ tình quán xuyến toàn bộ tác phẩm, dù không phải lúc nào cũng xuất hiện trực tiếp. Không ai có thể nhầm lẫn giữa giọng nhỏ nhẹ, đôn hậu, trĩu nặng ưu tư của Thạch Lam với giọng uyên bác, tài hoa, nhuốm chút ngông nghênh, kiêu bạc của Nguyễn Tuân; giữa giọng tình tứ, mơ màng đến huyền ảo của Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng rắn rỏi, gân guốc, hùng tráng mà thi vị của Nguyễn Trung Thành, giọng thủ thỉ hiền lành mà rất cương quyết của Nguyễn Thi;…

     Liên tưởng, so sánh, tương phản, đối lập…là những thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong tùy bút. Nhà văn xuất phát từ những sự vật, hiện tượng có thực trong đời sống, rồi phát huy năng lực tưởng tượng để mở rộng biên giới cảm xúc, suy tưởng; để gửi gắm vào trang viết một thông điệp có ý nghĩa nhân sinh nào đó. Điều đặc biệt thú vị là: nếu những người trẻ tuổi, chưa dồi dào vốn sống vẫn có thể sáng tác thơ trữ tình thì muốn viết tùy bút, rất cần một sự từng trải và lịch lãm. Nếu thơ trữ tình chỉ cần cho nhu cầu giãi bày, cảm thông, chia sẻ thì tùy bút còn phải tạo được sự tin cậy, ngưỡng vọng nơi độc giả.

     2.3 Về cảm hứng, tình điệu thẩm mỹ

     Là một thể loại trung gian nên tùy bút thừa hưởng ưu thế của cả hai loại hình nghệ thuật (tự sự và trữ tình). Nó dung hợp được trong nội dung và hình thức tất cả các dạng thức cảm hứng, tình điệu thẩm mỹ khác nhau.

     Nhưng nổi rõ nhất, thường trực và có ý nghĩa quyết định để tạo nên sắc thái riêng cho tùy bút chính là cảm hứng lãng mạn. Phạm vi của cảm hứng lãng mạn, theo Bêlinxki: “là toàn bộ cuộc sống bên trong, cuộc sống tinh thần của con người, cái mảnh đất bí ẩn của tâm hồn và trái tim mà từ đó vút lên những khát vọng mơ hồ vươn tới sự tốt đẹp và cao cả khi con người cố gắng tìm sự thỏa mãn cho mình bằng những lý tưởng do huyễn tưởng sáng tạo nên”. Lãng mạn là cảm hứng chủ đạo trong tùy bút. Nhà văn thường quan sát, cảm nhận thật kỹ lưỡng, tinh tế những điều đang diễn ra, rồi phát huy trí tưởng tượng và năng lực tiên cảm tiên giác để vẽ nên viễn cảnh tươi sáng, tốt đẹp hơn về con người và cuộc đời. Hiện thực có thể còn bề bộn, u tối, nhưng người viết tùy bút tài ba hoàn toàn có thể phả vào đấy nhiệt tình, niềm tin và thắp lên hy vọng để tiếp thêm nghị lực cho con người. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tùy bút đặc sắc như Đường vui, Tình chiến dịch của Nguyễn Tuân, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành đã có sức cổ vũ mạnh mẽ, bởi nó truyền được đến hàng triệu con người Việt Nam ngọn lửa hừng hực của lòng căm thù, của ước mơ và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng.

     Cảm hứng bi kịch cũng xuất hiện khá thường xuyên trong tùy bút, nhất là mảng sáng tác về đề tài thế sự, đời tư. Loại cảm hứng này nảy sinh khi có mâu thuẫn giữa những khát vọng có màu sắc lý tưởng, cao cả với thực tế tầm thường, đơn điệu, phũ phàng. Trong khi bộc lộ tâm trạng, người nghệ sĩ dễ bị rơi vào trạng thái bất an nếu cái Đẹp, cái Thiện bị thất thế hoặc có nguy cơ bị vùi dập. Những tác phẩm tùy bút trước 1945 của Nguyễn Tuân (Chiếc lư đồng mắt cua; Tùy bút I; Tùy bút II; Tóc chị Hoài; Võng ngô đồng,…) thực chất là sự giãi bày bi kịch tinh thần của người trí thức dân tộc trong bối cảnh xã hội bế tắc.

     Cảm hứng anh hùng bao hàm sự khẳng định chiến công lớn lao của một cá nhân hoặc cả tập thể, khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến công đó đối với sự phát triển lịch sử. Đối tượng khơi gợi cảm hứng anh hùng là chất anh hùng của hoàn cảnh thực tại. Nằm trung gian giữa tự sự và trữ tình nên tùy bút vừa in đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ vừa phải ghi nhận đầy đủ những biến cố lớn lao có ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Cảm hứng anh hùng chính là biểu hiện trội lên của yếu tố tự sự, khẳng định ở tùy bút một nét diện mạo của tác phẩm ký. Trong những giai đoạn đất nước bị ngoại xâm, vận mệnh cộng đồng bị đe dọa, cảm hứng anh hùng thường mang khuynh hướng sử thi. Các tác phẩm tùy bút thời kỳ này tập trung ca ngợi tư thế và hào khí cả dân tộc, trong vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi – Nguyễn Tuân; Dòng kinh quê hương – Nguyễn Thi). Nhưng không chỉ có hành động đấu tranh chống kẻ thù từ bên ngoài mới làm nảy sinh cảm hứng anh hùng. Cách thức giải quyết những xung đột âm thầm mà quyết liệt bên trong, để từ đó con người có thể tự nguyện gánh vác các nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm cao cả với Tổ quốc – cũng thường được tùy bút ngợi ca trong cảm hứng anh hùng.

     Ngoài ra, các dạng cảm hứng như: cảm hứng lịch sử, cảm hứng châm biếm, cảm hứng hài hước,…ở các mức độ khác nhau, cũng đều thấy có xuất hiện, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho phương diện cảm hứng, tình điệu của thể loại tùy bút.

     2.4 Về nội dung thể loại

     Bằng ưu thế riêng của một thể loại nằm ở vị trí trung gian, hầu như tùy bút có thể can dự vào tất cả mọi phương diện, mọi lĩnh vực đời sống. Từ những nội dung liên quan tới lịch sử, văn hóa, phong tục dân tộc cho tới những nội dung mang tính chất thế sự, đời tư; từ ngoại cảnh đến tâm cảnh; từ quá khứ đến hiện tại, tương lai;…tất cả đều là đối tượng cảm nhận và thể hiện của tùy bút. Mang đặc điểm của thể ký, trong tùy bút cũng có hư cấu. Nhưng nếu hư cấu trong các thể loại tự sự có thể xuất hiện ở tất cả các cấp độ: từ đề tài, nhân vật, chi tiết đến tình huống, cốt truyện, tư tưởng,…thì ở tùy bút, hư cấu chỉ được sử dụng trong khi người nghệ sĩ cố gắng bộc lộ đến kỳ cùng những cung bậc cảm xúc hoặc mãnh liệt, rõ nét hoặc nắm bắt những khoảnh khắc tâm trạng bàng bạc, thoảng qua. Nghĩa là, nếu hư cấu trong tự sự nhằm ảo hóa, lạ hóa đối tượng phản ánh thì ở tùy bút, nó giúp hình tượng hóa, hiện thực hóa thế giới tâm hồn con người.

    Trong Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh (1972), tùy bút được giải nghĩa là: tùy thời mà biên chép. Nghĩa là, tùy bút có thể bao quát những vấn đề lớn lao có ý nghĩa chính trị, liên quan đến sự tồn vong của cả cộng đồng. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, tùy bút đã tự nguyện xung trận, cơ động như những thể khác của ký. Những tập tùy bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân như: Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Dòng kinh quê hương của Nguyễn Thi,…đã vẽ nên những bức hoành tráng về Tổ Quốc và Dân Tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước; góp phần khẳng định sức sống bất diệt của con người Việt Nam ngay chính trong sự hủy diệt man rợ của kẻ thù.

     Đối với những vấn đề có tính chất thế sự, đời tư, tùy bút càng tỏ rõ ưu thế của một thể loại văn xuôi đậm chất chủ quan. Tư tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ sẽ có điều kiện bộc lộ khi thông qua việc tái hiện, miêu tả mà khẳng định các nguyên tắc chuẩn mực trong đời sống sinh hoạt, bộc lộ các quan điểm về văn hóa, truyền thống và đề xuất những giải pháp hữu hiệu để gìn giữ những giá trị cộng đồng. Đặc biệt, thể loại tùy bút đã ghi dấu được thành tựu rực rỡ khi khai thác đề tài từ vốn văn hóa dân tộc. Có lẽ vì ở lĩnh vực này bản ngã của người viết tùy bút ít chịu sự câu thúc từ những áp lực xã hội, nên được thả sức bộc lộ bằng cảm hứng nhân văn chân thành nhất. Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Cốm Vòng, Giò lụa, Phở, Xoè, Cho giặc Mỹ ăn một cái tết Ta của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những trang tuyệt bút, đã bất tử hóa các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, gợi lên niềm tự hào vô hạn về dân tộc Việt Nam – một dân tộc nhân hậu, tài hoa, kiên cường, bất khuất.

     2.5 Về dung lượng

     Dung lượng của tác phẩm tùy bút ở mức độ trung bình, thường xuất hiện dưới dạng tập tùy bút. Không kể lại toàn bộ câu chuyện, không dựng lại bức tranh toàn cảnh (như truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết), không chú tâm xây dựng cốt truyện (cả ở những tùy bút dài hơi như Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam), tùy bút chỉ chú trọng thể hiện những khoảnh khắc tâm trạng, những cung bậc của dòng cảm xúc. Kể chuyện, nếu có, cũng chỉ là những mẩu chuyện nhỏ, tản mạn, không có kết cấu thật chặt chẽ.

Đặc điểm này có lẽ đã được quy ước từ những trang viết có hơi hướng tùy bút đầu tiên. Ở phương Tây, quyển Tiểu sử song song của Pluytarch – nhà viết sử, nhà triết học-đạo đức người Hy Lạp (được dịch và giới thiệu vào khoảng năm 1513-1593), gồm 46 mẩu chuyện dựng lại tiểu sử, hành trạng của các nhân vật danh tiếng ở Hy Lạp và La Mã cổ đại (gần giống với Thiền uyển tập anh ở Việt Nam). Tác phẩm này đã có ảnh hưởng nhiều đến Montaigne – nhà triết học, nhà văn Pháp thời Phục hưng – khi nhà văn này sáng tác tập Tùy bút (Essais) vào tháng 7 năm 1580. Tác phẩm Tùy bút “…không có kết cấu chặt chẽ. Tác giả trình bày những quan điểm triết học của mình bằng tư duy hình tượng, với văn phong mềm mại, uyển chuyển” (Từ điển văn học, bộ mới – 2004). Khi tra cứu cách giải thích từ Essay trên Internet, hầu hết các định nghĩa đều thống nhất với nhau ở một đặc điểm: đây là “Một sáng tác văn chương ngắn gọn, súc tích” (Ví dụ: A relatively brief literary composition, usually in prose, giving the author’s views on a particular topic – tài liệu số 18; A short literary composition that reflects the author’s outlook point – tài liệu số 19). Ở Việt Nam, các tác phẩm Vũ trung tùy bút (của Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) cũng là những tập hợp từ nhiều mẩu truyện tản mạn được ghi chép bằng một ngòi bút phóng túng, không lệ thuộc vào khuôn mẫu.

3. Kết luận

     Có thể khái quát đặc điểm mang tính loại hình của tùy bút ở mấy nét chính sau đây: 1- Là một thể loại trung gian, mang khá đầy đủ những phẩm chất của cả hai loại: tự sự và trữ tình; 2- Lời văn rất uyển chuyển, linh hoạt, hài hòa giữa chất thơ và trần thuật; 3- Nội dung phong phú, đa dạng, bao quát được nhiều lĩnh vực đời sống; đặc biệt có ưu thế trong việc tôn vinh các giá trị văn hóa; 4- Dung hợp được hầu hết các dạng thức cảm hứng, tình điệu thẩm mỹ; 5- Tùy bút không có cốt truyện, dung lượng thường ở mức trung bình, đủ để diễn tả cảm xúc, suy tư, liên tưởng được gợi lên từ những sự việc, những trạng huống tản mạn; Trong quá trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, ở mỗi giai đoạn thường có một vài thể loại nổi trội lên, sao cho đáp ứng thỏa đáng nhất yêu cầu và tính chất của hoàn cảnh lịch sử. Với tùy bút tình hình có vẻ hơi khác: một cách lặng lẽ, vừa xông xáo vừa điềm tĩnh, nó thích nghi được cả trong thời chiến lẫn thời bình, cả sử thi hoành tráng lẫn thế sự đời thường – nên đã góp được phần đáng kể để làm phong phú, rạng rỡ thêm diện mạo của nền văn học dân tộc.

     Để tùy bút có cơ sở tồn tại ngang hàng, bình đẳng với những thể loại khác trong gia đình văn học, thiết nghĩ cần nghiên cứu, khảo sát tường tận hơn về nguồn gốc phát sinh, về tiến trình phát triển với những quy luật, thành tựu nổi bật cũng như về đặc trưng thẩm mỹ của nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bùi Công Hùng – Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại – Nxb Văn hóa-Thông tin – H-2000.

Đào Duy Anh (biên soạn), Hàn Mạn Tử (hiệu đính) – Hán Việt từ điển giản yếu – In lần thứ 3, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn-1972.

Đoàn Lê Giang (biên soạn và dịch thuật) – Tư tưởng lý luận văn học cổ điển Trung Quốc – Đại học Quốc gia Tp. HCM -2004.

Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) –Từ điển văn học, bộ mới – Nxb Thế giới – H-2004.

G.N. Pôxpêlôp (chủ biên) – Dẫn luận nghiên cứu văn học – Những người dịch: Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà – Nxb Giáo Dục, H-1998.

Hoàng Ngọc Hiến – Tập bài giảng nghiên cứu văn học – Nxb Giáo Dục, H-1997.

Hoàng Ngọc Hiến – Văn học… gần và xa – Nxb Giáo Dục, H-2003

http://www.nde.state.ne.us/READ/FRAMEWORK/glossary/general a-e. html; ngày 15-11-2007

http://www.Pwlgc.com/moodle/mod/glossary/view.php; ngày 15-11-2007

Lại Nguyên Ân (biên soạn) – 150 thuật ngữ văn học – Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2003.

Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) – Từ điển thuật ngữ văn học – Nxb Giáo Dục, H-1992.

Lê Ngọc Trà – Lý luận và văn học (tái bản) – Nxb Trẻ, Tp HCM-2005.

Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương – Lý luận văn học- vấn đề và suy nghĩ – Nxb Giáo Dục, H-1998.

Phan Cự Đệ (chủ biên) – Văn học Việt Nam thế kỷ XX – Nxb Giáo Dục, H-2004.

Phan Ngọc – Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học – Nxb Trẻ, Tp HCM-2000.

Phạm Thế Ngũ – Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tái bản) tập 1 – Nxb Đồng Tháp – 1996.

Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình – Lý luận văn học – Nxb Giáo Dục, H-1997.

Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam – Lý luận văn học, tập 2 – Nxb Giáo dục, H1987.

Trần Thanh Hà – Tam diện tùy bút – Nxb Tri Thức, H-2007.

Vũ Tuấn Anh – Lê Dục Tú – Thạch Lam – về tác gia và tác phẩm – Nxb Giáo Dục, H-2003.

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Cần Thơ, 2007:8, 6-15

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khảo sát một số tiêu chí phân biệt tùy bút với các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác (Tác giả: Trần Văn Minh)