Khu di tích Phủ Dầy, nhìn từ góc độ luật di sản văn hóa

PHU DAY MONUMENT SITES – SEEN FROM THE ANGLE
OF THE LAW ON
CULTURAL HERITAGE

Tác giả bài viết: Tiến sĩ ĐẶNG VĂN BÀI
(Cục Trưởng Cục Di sản Văn hoá)

     Điều I Luật di sản văn hoá xác định rõ: Di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quy định nói trên đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận liên ngành, đa chiều và tổng hợp nếu muốn hiểu một cách toàn diện giá trị của khu di tích Phủ Dầy.

SUMMARY

     From a legislative overview, the author reviews Phu Day from different angles, namely the definitions of spiritual belief and superstition, the values of Phu Day and response toward the monument. The article also addresses how to settle issues raised as to how best develop Phu Day, which is one of the centers for religious pilgrimage and cultural tourism in Viet Nam.

x
x x

1.

     1.1 Phần di sản văn hoá vật thể tại khu di tích Phủ Dầy bao gồm các bộ phận cấu thành sau đây:

     – Phần vỏ kiến trúc của các đền, chùa, miếu, phủ còn lại ở làng Kim Thái trong đó có 3 công trình kiến trúc cơ bản nhất là Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương, Khu lăng mộ.

     – Phần nội thất của các kiến trúc bao gồm các đồ thờ tự phục vụ nghi thức thờ phụng, tế lễ.

     – Phần cảnh quan thiên nhiên bao quanh các công trình kiến trúc.

     Cả ba bộ phận đó kết hợp lại thành không gian văn hoá và cảnh quan sinh thái của làng Kim Thái. Đây cũng là khu vực địa lý còn lưu giữ được nhiều dấu vết văn hoá của người Việt cổ.

     Phần di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các thành tố sau đây:

     – Các hình thức biểu diễn truyền khẩu;

     – Các hình thức trình diễn nghệ thuật;

     – Các tập quán xã hội, nghi thức và lễ hội;

     – Kiến thức về thiên nhiên và cách ứng xử với thiên nhiên.

     1.2 Cũng theo quy định của luật Di sản văn hoá thì các giá trị di sản văn hoá phi vật thể được thể hiện dưới dạng:

     – Một không gian văn hoá xác định, ở một địa điểm cụ thể và vào một thời điểm nhất định.

     – Các công cụ, đồ vật, di vật (mà về bản chất, chúng là di sản văn hoá vật thể) được sử dụng trong các hoạt động lễ hội, trình diễn nghệ thuật và nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng.

     – Tập thể cộng đồng cư dân địa phương nơi có di sản văn hoá phi vật thể và đặc biệt là các cá nhân có khả năng sáng tạo, nắm giữ và truyền dạy, phổ biến các giá trị di sản văn hoá phi vật thể.

     Trường hợp Phủ Dầy thì phần giá trị văn hoá phi vật thể bao trùm nhất là lễ hội Phủ Dầy mà dân gian vẫn quen gọi Chợ Viềng, hội Phủ (trò chơi dân gian, rước Mẫu lên chùa).

2.

     Đã có một thời chúng ta hay thiên lệch trong cách ứng xử đối với phần di sản văn hoá phi vật thể trong một khu di tích, đặc biệt là các hoạt động lễ hội truyền thống. Thậm chí có lúc, có nơi nhiều người còn e ngại hoặc phủ nhận, cấm đoán một số hình thức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng mà lễ hội Phủ Dầy cũng là trường hợp điển hình. Nguyên nhân của những sai lầm đó là do chúng ta chưa hiểu rõ, hiểu đúng bản chất văn hoá của các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.

     2.1

     – Trước hết, cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm “tôn giáo, tín ngưỡng” và “mê tín, dị đoan”. Tôn giáo, tín ngưỡng vận hành trên cơ sở của đức tín, niềm tin. Mọi hoạt động của con người đều dựa trên cơ sở của niềm tin vào cái mà mình đã nhận thức, về lâu dài đức tin và niềm tin tôn giáo vẫn là một nhu cầu mang tính bản năng – và phổ biến của nhân loại. Vì thế, bất cứ hiện tượng nào khi đã được coi là nhu cầu của một đối tượng công chúng đông đảo trong xã hội thì đều cần được tôn trọng và đáp ứng một cách có bài bản.

     Trong đời sống thực tiễn, nhiều nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có hiện tượng “hầu bóng” tại các phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh chỉ có thể hiểu được qua các trải nghiệm của từng cá nhân mà chưa thể giải thích một cách cặn kẽ trên cơ sở lý luận của bộ môn văn hoá học thuần tuý (mở hội Hoa trương, thi hát chầu văn và đặc biệt là nghi lễ hầu bóng).

     Về bản chất, tất cả các đối tượng để được xác nhận là di sản văn hoá vật thể hay phi vật thể đều cần có một tiêu chí chung là chúng phải hàm chứa các mặt giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá  và khoa học. Điều đó có nghĩa là sự phân loại, ranh giới giữa di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chỉ là tương đối, suy cho cùng thì một vật cụ thể cũng chỉ là dạng biểu hiện vật chất của các giá trị văn hoá. Nếu không hàm chứa hoặc gắn bó với những giá trị phi vật thể thì đối tượng đó chỉ còn tồn tại như một vật dụng thông thường.

     Trường hợp khu di tích Phủ Dầy thì các đền, chùa, miếu phủ, lăng mộ chỉ là phần vỏ, là không gian vật chất cho các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng được tiến diễn. Ngược lại, di sản văn hoá phi vật thể đặc biệt là lễ hội Phủ Dầy mới là phần hồn, phần lõi cốt, yếu tố tạo lên sức sống, sức hấp dẫn cho khu di tích này. Điều đó cũng có nghĩa là trong điều kiện cư dân nông nghiệp như Việt Nam, chúng ta cẩn phải đặc biệt lưu ý tới yếu tố “tâm linh”, yếu tố “thiêng”, khi xác định mặt giá trị văn hoá phi vật thể trong một di tích, vấn đề ở đây là phải bảo vệ được tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành khu di tích Phủ Dầy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy cả hai mặt giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong di tích.

     Mê tín dị đoan là đức tin và niềm tin của cá nhân đã bị người khác lợi dụng. Cái gì bị lợi dụng thì đều không đưa lại kết cục tốt đẹp. Điều nguy hại hơn cả là khi đức tin bị lợi dụng đến mù quáng và cuồng tín tôn giáo thì rất dễ dẫn tới những hành động bột phát gây mất trật tự công cộng, thậm chí còn nguy hại đến an ninh, chính trị, xã hội nếu ta không nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý linh hoạt. Ví dụ, nếu coi nghi lễ hầu bóng không phải là một tín ngưỡng độc lập mà chỉ là một trong những nghi lễ tiêu biểu và quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, về bản chất hầu bóng là hiện tượng nhập hồn của thần linh vào các ông đồng, bà đồng để cầu mong sức khoẻ và tài lộc, thì đây là nghi lễ rất dễ bị lợi dụng làm cho người ta nghi ngờ chất văn hoá trong lễ hội Phủ Dầy. Điều đó có nghĩa là niềm tin, đức tin tôn giáo cũng có thể bị lợi dụng vào cả hai mục tiêu kinh tế và chính trị. Vấn đề đặt ra là phải bằng chính sách và biện pháp quản lý nhà nước để cho đức tin, niềm tin tôn giáo của công dân hướng tới những mục tiêu và hành vi đúng đắn mà không bị lợi dụng. Hiện tượng mê tín, dị đoan sẽ giảm dần khi trình độ dân trí ngày một nâng cao. Do đó Nhà nước cần có các chương trình giáo dục, tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân hiểu đúng giá trị văn hoá phi vật thể trong các hoạt động lễ hội nói riêng và tôn giáo, tín ngưỡng nói chung để bản thân họ sẽ có định hưởng đúng đắn không bị kẻ xấu lợi dụng đức tin của mình. Mặt khác, cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc những kẻ chuyên lừa phỉnh, lợi dụng niềm tin của công chúng vào mục đích vụ lợi. Nói như thế cũng có nghĩa là chúng ta không thể giải quyết dứt điểm vấn đề mê tín dị đoan chì bằng biện pháp hành chính đơn thuần. Về bản chất, đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá-xã hội cần được ứng xử bằng các biện pháp giáo dục và văn hoá.

     Theo thống kê của các đồng nghiệp ở Bảo tàng thì riêng tỉnh Nam Định đã có 220 phủ thờ “Mẫu Liễu Hạnh” và 72 nơi phối thờ ở chùa, còn nếu thống kê rộng ra trong cả nước thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều đó chứng tỏ tín ngưỡng thờ mẫu là một hiện tượng văn hoá phổ biến có sức lan toả và ảnh hưởng rộng lớn ở Việt Nam, “hầu bóng” cùng với lễ hội diễn ra ở các phủ thờ “Mẫu” là một bộ phận di sản văn hoá phi vật thể có giá trị góp phần làm tạo nên sự đa dạng văn hoá trong bức tranh văn hoá giàu sắc thái của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

     “Mẫu Liễu Hạnh” vị thần được tôn vinh ở khu di tích Phủ Dầy trong tâm thức của người nông dân châu thổ Bắc Bộ đã được thăng hoa lên hàng “Tứ bất tử”: Thánh Tản viên, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử-Tiên Dung và Mẫu Liễu Hạnh. Gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng – Lễ hội Phủ Dầy mà theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì có thể coi là (một “Đại lễ hội” cuối mùa xuân của người dân châu thổ Bắc Bộ với tín ngưỡng tâm linh “Thờ mẹ, Kính cha”).

     Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh lễ hội Phủ Dầy là một hệ thống các nghi lễ và lễ hội kéo dài gắn kết ba tháng xuân mà tập trung nhất từ ngày mồng một đến mồng chín tháng ba âm lịch, Đặc sắc hơn nữa phải kể đến sức hấp dẫn và lan toả của lễ hội Phủ Dầy ở một không gian văn hoá rất rộng lớn có quy mô liên tỉnh. Thậm chí, đây là thiết chế tôn giáo tín ngưỡng duy nhất có người hành hương về thực hành các nghi lễ suốt cả năm. Có thể coi đó cũng là tiềm năng du lịch chưa được khai thác có hiệu quả.

     – Nét độc đáo của khu di tích Phủ Dầy còn ở chỗ nó bao gồm khoảng 20 hạng mục di tích đơn lẻ, nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau tạo thành một quần thể kiến trúc – một thần điện hoàn chỉnh nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Điều này cho ta thấy về bản chất các di sản văn hoá vật thể dù thuộc sở hữu của ai, dù phục vụ những công năng kiến trúc nào như: Phủ Dầy thờ Mẫu, đình thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật, nhà thờ Thiên chúa giáo thờ Chúa Giê su, nhà ở của địa chủ hay của nông dân đều là sản phẩm sáng tạo của những người thợ thủ công tài hoa của dân tộc. Các cha cố, các vị sư, các ông đồng, ông từ chỉ có thể là “người đặt hàng”, người tài trợ cho việc xây dựng các công trình kiến trúc chứ không đóng vai trò “người sáng tạo“. Các bác thợ cả, các tốp thợ nề, thợ ngoã và thợ mộc với trình độ tay nghề cao đến mức tinh xảo và sức sáng tạo bất tận mới là tác giả của các công trình kiến trúc đó. Vì thế, mọi công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu về mặt nghệ thuật cần được đối xử bình đẳng, được trân trọng như nhau mà không nên câu nệ vào chủ sở hữu hoặc công năng kiến trúc cũng như người đang sử dụng chúng.

3.

     Giải quyết vấn đề liên quan tới khu di tích Phủ Dầy chúng ta cần quán triệt những quan điểm định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá đã được cụ thể hoá trong quy hoạch tổng thể do Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin phê duyệt tại Quyết định số 1706/QĐ-BVHTT ngay 24-7-2001.

     Thứ nhất, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích phải bảo đảm tính trung thực của lịch sử hình thành di tích, không được làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, phải giữ gìn nguyên vẹn, không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích, bảo đảm tính nguyên gốc của di tích.

     Thứ hai, bảo tồn, tôn tạo phải gắn với phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của di tích, với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, sự phát triển của các ngành hữu quan.

     Thứ ba, tạo lập sự hài hoà giữa phát triển kinh tế, quá trình đô thị hoá với việc bảo vệ di tích, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép các công trình ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên xung quanh di tích.

     Thứ tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì thế, chủ trương xã hội hoá các mặt hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội.

     3.1

     Do còn thiếu quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Phủ Dầy nên chúng ta rất lúng túng và đôi khi còn có thiếu sót trong việc quản lý khu di tích nói trên. Xuất phát từ quy mô của khu di tích Phủ Dầy gồm khoảng 20 hạng mục kiến trúc khác nhau, trải ra trên một phạm vi không gian khá rộng lại có các hoạt động lễ hội tập trung kéo dài gần 3 tháng với lượng du khách không nhỏ thì việc phối hợp giữa tỉnh, huyện, xã, giữa các ngành hữu quan từ trung ương đến địa phương là vô cùng cần thiết. Hoạt động phối hợp liên ngành chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở một quy hoạch tổng hợp xác định trách nhiệm cụ thể và quyền lợi của các bên tham gia.

     Thứ nhất, hiện trạng không gian kiến trúc cũng như văn hoá ở Phủ Dầy chưa đáp ứng yêu cầu của một khu di tích quốc gia và do đó cũng chưa đủ tiêu chuẩn của một sản phẩm văn hoá-du lịch đặc sắc.

     Khu di tích Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc đẹp, lại là một không gian văn hoá có tính chất “tâm linh”, có “tính thiêng” trong tâm thức của du khách, nhưng ngược lại khi hành hương tới đây ấn tượng để lại cho người ta chỉ là cái “chợ làng” thiếu trật tự ngăn nắp. Ngày nay, nếu muốn quay phim chụp ảnh tuyên truyền về khu di tích Phủ Dầy, các nghệ sĩ sẽ chẳng còn một góc trống nào đủ để thu được nét đẹp kiến trúc bởi vì các loại lều quán chi chít đan xen, bãi đỗ xe sát vào sân phủ. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về ai, thiết nghĩ cũng là câu hỏi cần được giải đáp trong quy hoạch tổng thể.

     Thứ hai, thời gian qua nhờ có công đức của thập phương, một số hạng mục di tích bước đầu đã được tu bổ, bảo quản, tôn tạo tương đối tốt. Bên cạnh đó, một số hạng mục phụ trợ mới được dựng lên, nhưng lại không theo một định hướng quy hoạch thống nhất, nên chưa phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung, thậm chí có hạng mục không đạt yêu cầu và chắc chắn tương lai sẽ bị tháo gỡ, xây lại. Và như thế sẽ gây lãng phí tiền bạc của dân và làm nảy sinh những thắc mắc và mâu thuẫn không đáng có trong nội bộ làng xã.

     Thứ ba, các di tích là thiết chế tôn giáo tín ngưỡng đa phần là sở hữu của toàn dân do nhân dân đóng góp công sức xây dựng mà thành, rồi cũng nhờ có dân mà được bảo dưỡng, tu bổ thường xuyên. Vậy thì vấn đề quản lý chống thất thoát tiền công đức do dân đóng góp để sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích theo quy định của Luật di sản văn hoá cũng cần được xem xét. Một lần nữa cần khẳng định các vị thủ từ, thủ tự tại đình, đền, chùa, miếu, phủ chỉ là những người đại diện cho dân trông nom di tích và thực hành các nghi lễ cần thiết chứ không bao giờ là chủ sở hữu di tích. Tiền công đức do dân đóng góp với mục đích phục vụ nhu cầu hương, hoa, oản quả, đèn nhang và đặc biệt phải được dùng vào việc tái đầu tư bảo dưỡng, tu bổ di tích chứ không phải là tài sản của một cá nhân và càng không nên coi đó là nguồn kinh phí bổ sung cho ngân sách của địa phương. Vì thế không thể khoán trắng cho các vị thủ nhang tự quyền thu, chi miễn là có đóng góp một phần cụ thể vào ngân sách xã hàng năm là được. Ngoài ra còn có hiện tượng đấu thầu bãi trông xe, dịch vụ chụp ảnh, hàng quán v.v… để tạo ra nhiều nguồn lợi. Nếu không quản lý tốt nguồn lực do dân đóng góp tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng thương mại hoá di tích và sẽ rất khó khắc phục tình trạng mê tín dị đoan, lợi dụng niềm tin của công chúng vào mục đích vụ lợi.

     3.2

     Hệ thống văn bản pháp quy do Nhà nước ban hành đã xác định rõ những đình hướng lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng ở mỗi địa phương, mỗi khu vực di tích cụ thể lại có những đặc thù riêng biệt, do vậy vẫn cần phải xây dựng quy chế quản lý ở khu di tích Phủ Dầy. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mà UBND tỉnh có thể phân cấp, phân công trách nhiệm cho sở Văn hoá-Thông tin, huyện, xã và thậm chí cho thôn những nhiệm vụ cụ thể. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng là, thành tích thì ai cũng muốn nhận, còn khi xảy ra các hiện tượng vi phạm di tích, mất cắp cổ vật, mất trật tự an ninh xã hội thì lại né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đặc biệt là phải khắc phục tình trạng giành nhau quản lý nguồn thu hoặc quyền quản lý các hoạt động dịch vụ tại di tích chỉ vì mục đích vụ lợi. Vì thế, quy chế cũng phải xác định rõ cơ chế thưởng phạt phân minh. Ai có công cần được động viên khen thưởng kịp thời bằng nhiều hình thức, ai vi phạm cũng phải bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

     Tóm lại, những chuyển biến theo xu hướng đổi mới, tiến bộ ở khu di tích Phủ Dầy 10 năm qua là thành tích đáng khích lệ. Song, những mặt cònn tồn tại cũng không phải là nhỏ. Vấn để đặt ra là chúng ta có dám nhìn thẳng vào sự thật để đưa ra những giải pháp thích hợp phát huy mặt ưu điểm đã đạt được và khắc phục kịp thời những thiếu sót hay không? Điều mong mỏi nhất là địa phương phải nhanh chóng xây dụng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Phủ Dầy và quy chế quản lý khu di tích này theo đúng tinh thần nội dung quy định của Luật Di sản văn hoá.

Nguồn: Tạp chí Di sản Văn hóa, số 7, năm 2004

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khu di tích Phủ Dầy, nhìn từ góc độ luật di sản văn hóa
(Tác giả: TS. Đặng Văn Bài)