Khu di tích Tây Thiên (Tam Đảo) từ góc nhìn di sản Khảo cổ học
THE RELIC COMPLEX OF TAY THIEN (TAM DAO)
FROM THE PERSPECTIVE OF ARCHAEOLOGICAL HERITAGE
Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN ĐOÀN
(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
The relic complex of Tay Thien is located in Dai Dinh commune, Tam Dao district, Vinh Phuc province. This is a diverse and rich system of scenic relics, vividly showing the process of interference and integration of various religions and beliefs such as Buddhism, Taoism, Confucianism, Mother Goddess worship and other forms of folk beliefs. The archives of folklore, ethnography or archaeology have shown the presence of various inhabitants of different language families that were present on this land since ancient times. Therefore, Tay Thien – Tam Dao is not only a natural heritage but also contains great tangible and intangible cultural heritage, especially Buddhist heritage. In this article, basing on the results of archaeological research from the past two decades, combined with sources such as folk legends and written records, the author initially assesses the potential of the archaeological heritage of Tay Thien, thereby proposing a plan to preserve and promote the value of this famous relic site in the coming time.
x
x x
Mở đầu
Khu di tích Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Về mặt địa lý tự nhiên, Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo – dãy núi linh thiêng và hùng vĩ bậc nhất trong tâm thức dân gian – có cao độ từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 (dài 11km, rộng 1km) với cảnh quan hết sức nên thơ, hùng vĩ. Trên nền cảnh ấy, cách đây cả ngàn năm, nhiều di tích gắn với những vấn đề lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng đã được dựng nên, như: chùa Tây Thiên, chùa Đồng Cổ, chùa Thiên Ân (đền Thõng), đền Phù Nghì, Đồng Ma, Ao Dứa, đền Thượng, suối Vàng, thác Bạc, đền Cô, đền Cậu, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền… Đây là một hệ thống di tích danh thắng đa dạng, phong phú, thể hiện sinh động quá trình giao thoa, hội nhập của các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng như đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, đạo Mẫu và các hình thức tín ngưỡng dân gian khác. Bên cạnh đó, Tam Đảo còn là vùng chuyển tiếp từ vùng núi Đông Bắc xuống châu thổ Bắc Bộ, nên đây chính là điểm dừng chân của nhiều lớp cư dân từ thời tiền – sơ sử. Những tư liệu văn hóa dân gian, dân tộc học hay khảo cổ học đã cho thấy sự có mặt của nhiều lớp cư dân thuộc các ngữ hệ khác nhau đã từng có mặt trên vùng đất này. Vì thế, Tây Thiên – Tam Đảo không chỉ là di sản thiên nhiên mà còn hàm chứa những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể to lớn, đặc biệt là di sản Phật giáo.
Trong bài viết này, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, kết hợp với các nguồn tư liệu như truyền thuyết dân gian và sử liệu thành văn, chúng tôi bước đầu đưa ra những đánh giá về tiềm năng di sản khảo cổ to lớn của Tây Thiên, từ đó đề xuất phương án bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của khu di tích nổi tiếng này trong thời gian tới.
Tây Thiên qua truyền thuyết và sử liệu thành văn
Theo truyền thuyết dân gian, khu vực Tây Thiên có lịch sử rất xa xưa, từ thời Hùng Vương dựng nước, gắn với các sự kiện và nhân vật về vua Hùng Vương thứ 7, về công lao đánh giặc của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, được sắc phong “Tam Đảo sơn thần, Trụ Quốc mẫu”. Đáng chú ý là, bản Ngọc phả thờ Hùng Vương tại đình Đông Lộ (xã Đại Đình) đề cập đến sự kiện ông Lăng Vỹ và bà Đào Liễu (thân phụ và thân mẫu của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu) thời Hùng Vương đã lên cầu tự ở một ngôi chùa trên núi Tam Đảo. Điều này cho thấy, có thể đạo Phật đã đến vùng Tam Đảo từ những thế kỷ trước Công nguyên. So sánh với các sự kiện ghi chép trong các cổ tịch Trung Hoa về nước ta thì điều đó không phải là không có cơ sở. Thứ nhất, là sách Giao Châu Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán chép rằng, người vùng đất Giao Châu đã trồng hoa Uất kim hương để cúng Phật. Như vậy, ít nhất là từ thế kỉ I trở về trước, Phật giáo đã có mặt ở Giao Châu. Thứ hai, sách Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ (thế kỷ IV) chép rằng ở đông nam huyện An Định có thành Nê Lê, có tháp và giảng đường do A-Dục vương dựng lên vẫn còn. A-Dục vương ở đây tức là Asoka đại đế của Ấn Độ, trị vì trong khoảng giữa thế kỷ III trước Công nguyên. Còn vị trí của thành Nê Lê, theo sử gia Phật học Lê Mạnh Thát cho rằng chính là khu vực Tây Thiên, Tam Đảo. Bởi lẽ, nhiều khả năng Nê Lê là phiên âm từ chữ Phạn nakara, tức là địa ngục. Mà trùng hợp thay, ngay tại chính Tây Thiên, lại có một ngôi Địa Ngục tự, không biết dựng từ thời nào. Hiện nay chùa Địa Ngục được gọi là chùa Tây Thiên, đã ám chỉ rằng, đây chính là khu vực thành Nê Lê, có tháp của A-Dục vương. Như vậy, rất có thể Tam Đảo là nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành, và cái tên Tây Thiên là sự ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo, nơi phát tích Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, ngạc nhiên là địa danh Tây Thiên – Tam Đảo lại xuất hiện khá muộn trong các nguồn sử liệu thành văn của Việt Nam. Nguồn sử liệu thành văn sớm nhất đề cập tới vùng này là văn bia soạn năm Thái Hòa thứ 8 (1450), ghi chép việc tế lễ thần núi Tam Đảo đã được triều đình nhà Lê sơ chú trọng. Theo văn bia này, vào thời Lê sơ, đây đã là chốn danh lam nổi tiếng thờ Phật và nhân thần của người Việt. Ngoài văn bia Thái Hòa (1450), tại đây còn lưu giữ nhiều văn bia và sắc phong liên quan trực tiếp tới khu vực tín ngưỡng tâm linh Tây Thiên – Tam Đảo, ví dụ như: bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) và bia Đức Long năm thứ 2 (1733) thời Lê Trung hưng; thời Nguyễn có bia dựng năm Thành Thái thứ 13 (1901) và các sắc phong năm Minh Mạng thứ 20 (1840), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909), Khải Định năm thứ 9 (1924). Nội dung các bi kí và sắc phong này cho biết khu vực Tam Đảo, Tây Thiên là địa danh nổi tiếng trong lịch sử, rất linh thiêng, đặc biệt đều nhấn mạnh đó là nơi thờ tự Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác.
Đáng chú ý nhất là ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục. Trong tác phẩm này, Tây Thiên được miêu tả khá chi tiết, với diện mạo của danh lam thắng cảnh gắn các di tích, di vật có lịch sử lâu đời, với các địa danh cổ còn lưu đến hôm nay. Theo đó, trên thì có các loại cây quý (hồi hương, quế), dưới chân núi thì có các khe suối (Giải Oan, chảy xuống Sơn Tang – Hương Canh, chảy vào sông Nguyệt Đức), có núi Kim Thiên cao chót vót, sườn núi có chùa Tây Thiên, chùa Đồng Cổ, ở trên cao, có hai pho tượng bằng đồng, có am Vân Tiêu, am Song Tuyền, am Lưỡng Phong, cầu Đái Tuyết… Trước không gian bề thế, linh thiêng với nhiều cổ tích ở khu vực Tây Thiên, Lê Quý Đôn cũng tự đặt câu hỏi không biết chúng xuất hiện tự bao giờ và gốc tích ra sao?
Hiện nay, khu di tích danh thắng Tây Thiên đang thu hút khá đông đảo du khách đến tham quan, thưởng lãm, bởi ở đây vừa có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, lại vừa có hệ thống di tích cổ kính ngàn năm. Có thể nói, Tây Thiên có đầy đủ điều kiện để phát triển hai dòng sản phẩm du lịch có tính bền vững nhất, đó là: du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Tuy nhiên, khi đến với Tây Thiên, ta thấy, các đơn nguyên kiến trúc chỉ còn tồn tại dưới dạng phế tích hoặc thay vào đó là các công trình mới được dựng khá khang trang, nhưng dường như chẳng mấy ăn nhập với không gian linh thiêng, hùng vĩ vốn có của nơi này. Đây là một điều đáng tiếc, mà nguyên nhân của nó, có lẽ một phần không nhỏ là do chúng ta chưa thực sự thấu hiểu, hay nói đúng hơn là chưa có đầy đủ cơ sở để nhận diện được một cách đầy đủ về hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo đã từng tồn tại ở Tây Thiên.
Từ thực tế ấy, để có một cái nhìn toàn diện và chân xác về khu di tích Tây Thiên, việc tiến hành nghiên cứu, khai quật khảo cổ học là rất cần thiết. Chỉ có thông qua nghiên cứu khảo cổ học một cách bài bản và hệ thống, trên cơ sở kết hợp nghiên cứu đa ngành và liên ngành, chúng ta mới có thể nhận diện được một cách đầy đủ tính chất, niên đại cũng như quá trình biến đổi mặt bằng qua các thời kỳ lịch sử của các công trình kiến trúc tôn giáo đã từng tồn tại ở khu vực này, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích Tây Thiên một cách hợp lý nhất.
Tây Thiên qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học
Như trên đã nói, những công trình kiến trúc tôn giáo trên mặt đất Tây Thiên hiện chỉ còn là phế tích, những công trình xây mới thì chưa thực sự phù hợp với cảnh quan sinh thái và không gian văn hóa của Tây Thiên. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải tìm về quá khứ, phải lật giở từng “trang sách đất” để tìm hiểu ngọn ngành lịch sử của vùng đất thiêng này. Với tư duy như thế, ngay từ năm 2004, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa – Thông tin Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát quần thể khu di tích và danh thắng Tây Thiên, trong đó có đào thám sát khảo cổ học tại một số địa điểm như đền Thõng và chùa Phù Nghì. Dưới đây là tư liệu của đợt nghiên cứu này, mà qua đó, diện mạo của Tây Thiên đã dần hiện ra rõ nét hơn qua từng nhát cuốc của nhà khảo cổ.
Kết quả khảo sát, đào thám sát khu vực đền Thõng
Di tích nằm trên eo (thõng?) đất trống kẹp giữa hai sườn núi, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 96, phân khu đền Thõng (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), nằm cách đền Thõng khoảng 200m về hướng đông nam, ở độ cao khoảng 250m. Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, vào thời Trần, nơi đây đã từng tồn tại ngôi Thiên Ân Thiền tự. Qua khảo sát địa hình, có thể nhận thấy, mặt bằng di tích phân bố thành 3 cấp nền cao thấp khác nhau, các cấp nền được kè bằng đá thanh và đá núi (đá mồ côi):
+ Cấp nền thứ nhất: ở vị trí cao nhất, với diện tích phân bố khoảng 700m2, bó phía trước nền kè lớp đá núi, đã bị trôi trượt ít nhiều, có xu hướng dốc dần về bắc, phía sau là hõm núi, hai bên tựa vào sườn núi tạo thế tay ngai, liền kề phía trước có mô đất nổi cao hình chữ nhật. Tại cấp nền này, chúng tôi đã tiến hành đào 5 hố thám sát ở các vị trí khác nhau trong khu vực mô đất nổi cao. Qua các hố thám sát, chúng tôi nhận thấy các hố có diễn biến địa tầng khá thống nhất, với vết tích kiến trúc là dấu tích bó nền với các viên đá núi xếp thành hàng tương đối thẳng, nằm ở độ sâu 0,2m trong lớp đất màu xám đen chứa mảnh gốm sứ Việt Nam từ thế kỷ 13 – 14 đến đầu thế kỷ 20, trong đó đậm đặc nhất là vật liệu kiến trúc và gốm sứ thời Trần.
+ Cấp nền thứ hai: nằm liền kề và thấp hơn 1,5m so với cấp nền thứ nhất, phân bố trong khoảng diện tích khoảng 700m2, có xu hướng mở rộng về phía đông nam. Khảo sát mặt bằng hiện trạng cho thấy có hai dấu vết kiến trúc. Dấu vết kiến trúc thứ nhất nằm ở chính giữa cấp nền, có diện tích khoảng 35m2 (7 x 5m), xung quanh được bó khá quy chuẩn bằng các tảng đá núi, xuất lộ trên bề mặt, cao khoảng 0,5m. Dấu tích kiến trúc thứ hai có hình chữ nhật, nằm chếch về phía đông nam cấp nền, diện tích khoảng 84m2 (12 x 7m), nằm thấp hơn so với xung quanh khoảng 1m, bao quanh nền là một tường đá xếp cao khoảng 0,7m.
Chúng tôi đã mở hai hố thám sát ở góc tây bắc và phía đông của cấp nền để tìm hiểu diễn biến địa tầng. Theo đó, ở độ sâu 0,2m, trong lớp đất xám đen chứa đồ gốm sứ men trắng vẽ lam Việt Nam, niên đại thế kỷ 17 – 18. Từ độ sâu 0,3 – 0,7m, trong lớp đất nâu xám và vàng nhạt, chứa khá đậm đặc các loại vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ đặc trưng thời Trần. Vật liệu kiến trúc khá phong phú, gồm: ngói lợp, mô hình tháp trang trí cánh sen, hoa cúc và xoắn móc, diềm trang trí, ốp trang trí được làm từ đất sét, độ nung cao, màu đỏ gạch. Gốm sứ là các đồ gia dụng như bát, đĩa, chậu…, với các dòng men nâu, men ngọc, men trắng.
+ Cấp nền thứ ba: thấp hơn cấp nền thứ hai khoảng 2m, trong phạm vi khoảng 800m2, xung quanh còn khá rõ bờ kè bó nền sử dụng đá mồ côi. Trên cấp nền này, chúng tôi đã mở một hố thám sát ở góc phía nam của nền. Trong lớp đất màu xám đen ở độ sâu 0,2m, di vật xuất lộ là gốm sứ thời Trần và ngói mũi thời Nguyễn. Tuy nhiên, dấu tích kiến trúc ở cấp nền này không rõ.
Trong quá trình khảo sát, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi còn phát hiện được con đường cổ dẫn lên di tích, men theo một dòng chảy nhỏ. Dựa vào địa hình tự nhiên mà người xưa đã xếp những thanh đá để tạo các bậc lên xuống. Những bậc không liên tục mà nằm ngắt quãng tuỳ theo địa hình của sườn núi. Đường theo hướng đi lên, khi gặp cấp nền thứ ba thì rẽ theo đường núi để vào di tích, men theo khe nước chảy, dài khoảng 50m. Con đường này chắc còn dài hơn nữa, song do rừng cây quá rậm rạp nên không thể xác định con đường sau khi nối vào di tích có còn tiếp tục phát triển lên phía đỉnh núi hay không?
Như vậy, qua kết quả các hố đào thám sát, có thể xác định dấu tích của công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần. Về mặt phong thủy, công trình này toạ lạc trên địa thế lý tưởng, điển hình của dạng kiến trúc chùa thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm, với mặt trước hướng ra phía tây nam nơi có thung lũng cánh đồng Thõng, hai bên là hai sườn núi tạo thế tay ngai, phía sau dựa vào dãy núi Tây Thiên, trước mặt là nơi hợp lưu các khe suối nhỏ ở hai bên đổ vào rồi chảy xuôi về cánh đồng Thõng.
Mặt bằng di tích được phân thành ba cấp rõ rệt, các cấp nền đều được kè bằng đá thanh và đá mồ côi, vốn là loại nguyên liệu tại chỗ, được sử dụng khá phổ biến vào thời Trần, như vết tích kiến trúc thời Trần ở Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), Yên Tử (Quảng Ninh), Mã Yên, Hàm Long, đền Hả (Bắc Giang). Một số đoạn khá nguyên vẹn, còn lại đã bị xô lệch, được người dân địa phương xếp thành đống lớn trong quá trình canh tác nương rẫy. Trên cấp nền thứ nhất và cấp nền thứ hai có dấu tích của các nền kiến trúc với bình đồ hình chữ nhật, hình vuông, cùng phế liệu kiến trúc và đồ gốm sứ thời Trần.
Các hiện vật thu thập được trong các hố đào, nhất là hố đào ở cấp nền hai, khẳng định rõ sự tồn tại của kiến trúc chùa thời Trần cũng như sinh hoạt tôn giáo nơi đây. Vật liệu kiến trúc và gốm men cho thấy, quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ thế kỷ 13 – 14 đến thế kỷ 19 – 20 nhưng tập trung với số lượng lớn nhất là thời Trần.
Có thể vào thời Lê sơ, ngôi chùa đã bị đổ nát. Vào thời Lê Trung hưng di tích đã được xây dựng nhỏ với việc phát hiện được một số mảnh ốp trang trí kiến trúc màu xanh xám rất đặc trưng của giai đoạn này. Đến thời Nguyễn, di tích mới được xây dựng lại, với chứng cứ là trên bề mặt di tích cũng như trong địa tầng hố đào phát hiện được rất nhiều mảnh ngói lợp có niên đại khoảng thế kỷ 19 – 20. Các kết cấu kiến trúc của ngôi chùa có lẽ đều được làm bằng tre gỗ, mái lợp ngói vì hầu như chưa phát hiện được móng gạch và chân tảng.
Kết quả khảo sát, đào thám sát khu vực Phù Nghì
Di tích nằm bên hữu ngạn suối Tây Thiên, cách đền Cô về phía đông khoảng 500m theo đường chim bay, cách trụ sở Ban Quản lý Di tích Tây Thiên khoảng 5km về phía tây nam. Di tích đã bị hoang phế từ lâu và được người dân phát hiện khi đi rừng. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng, nơi đây vốn tồn tại một ngôi chùa cổ. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, di tích nằm trên đỉnh núi, mặt bằng phân bố khá rộng, khoảng gần 5.000m2, được phân thành 5 cấp nền, thoải dần từ phía đông sang phía tây, ba mặt đông, bắc và tây được bao bọc bởi con suối Trường Sinh và sườn núi phía nam. Toàn bộ di tích theo trục hướng đông – tây, phía trước nhìn ra một khe nước lớn đổ vào suối Trường Sinh. Hai bên tạo thế tay ngai, bên tả là sườn núi, bên hữu ở mỗi cấp nền có một bờ đất rộng khoảng 4 – 5m, cao khoảng 2 – 3m bao bọc.
+ Cấp nền thứ nhất: nằm trên vị trí cao nhất, diện tích 1.058m2, trên cấp này lại chia ra làm 3 cấp nền nhỏ có hướng thoải dần từ phía bắc về nam. Hố thám sát được mở theo hướng đông – tây, đã xác định dấu tích là mảnh ngói thời Nguyễn và bó nền, sử dụng đá mồ côi trên cấp nền nhỏ thứ hai.
+ Cấp nền thứ hai: nằm thấp hơn cấp nền thứ nhất 3,5m, diện tích 1.125m2, phía cuối cấp nền này, nơi tiếp giáp với cấp nền thứ nhất, có hai đường đi xếp đá mồ côi men theo địa hình. Trên cấp nền phát hiện nền kiến trúc, kích thước 15,5 x 10m chạy theo hướng đông – tây. Hố thám sát được mở ở góc tây bắc của nền, trong đó tìm thấy dấu tích 2 bó nền bằng đá núi cách nhau 0,6m và ngói mũi thời Nguyễn ken dày thành từng lớp trong lớp đất màu nâu xám, ở độ sâu từ 0 – 0,3m.
+ Cấp nền thứ ba: nằm thấp hơn cấp nền thứ hai 3,5m, phía cuối cấp nền này có đường bậc xếp đá dẫn lên cấp nền thứ hai, nhìn tổng thể, cấp nền có hình chữ U quay ngược, trên có hai cấp nền nhỏ được kí hiệu là nền A và nền B. Nền A, có hình chữ L úp ngược, phần nhô ra phía trước dài 13 m, diện tích khoảng 800m2. Nền B, là doi đất chạy dọc, thoải dần theo hướng đông – tây, tiếp giáp cấp nền thứ ba, diện tích khoảng 400m2. Nền B thấp hơn nền A khoảng 0,7m. Khi quan sát kỹ mặt bằng này thấy xuất lộ vết tích nền kiến trúc, qua địa tầng hố thám sát, các di tích, di vật nằm rải rác, niên đại chủ yếu thời Trần, thời Lê và Nguyễn, phản ánh quá trình tồn tại rõ nét từ thế kỷ 13 – 14 đến đầu thế kỷ 20.
+ Cấp nền thứ tư: hình chữ Đinh, diện tích khoảng 800m2 thấp hơn cấp nền ba 1,5m. Hố thám sát được mở ở góc tây bắc, chỗ tiếp giáp giữa nền B của cấp nền thứ ba với cấp nền thứ tư. Đây là vị trí nằm giữa hai cấp nền, độ dốc lớn, địa tầng xáo trộn mạnh, hiện vật tìm thấy là do nước cuốn trôi, tập trung vào đây, khung niên đại kéo dài từ thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn.
+ Cấp nền thứ năm: thấp hơn cấp nền thứ tư 3,5m, diện tích khoảng 600m2, hình chữ nhật dài 38m x 16,5m. Phía trước cấp nền này là khe suối khá lớn dẫn nước dẫn vào suối nguồn Trường Sinh. Tại cấp nền này không tìm thấy vết tích kiến trúc.
Kết quả nghiên cứu tại khu vực Phù Nghì cho thấy có đủ cơ sở để xác định dấu tích của các công trình kiến trúc tôn giáo, phân bố trong khu vực rộng lớn, khoảng 5.000m2, với 5 cấp nền rõ rệt. Trên mỗi cấp nền đều tồn tại các đơn nguyên kiến trúc với quy mô kích thước khác nhau, dấu tích bó nền sử dụng đá thanh và đá mồ côi mang đặc trưng kiến trúc thời Trần, cùng với đó là các phế liệu kiến trúc, như: gạch, ngói, đồ gốm sứ, sành, gốm men có niên đại từ thời Trần, thời Lê và Nguyễn. Nhiều khả năng ngôi chùa này được xây dựng từ thời Trần, tiếp tục được sử dụng thời Lê sơ nhưng hầu như không xây dựng hay sửa chữa thêm. Đến thời Lê Trung hưng thì được sửa sang, xây dựng nhỏ. Bước sang thời Nguyễn, các đơn nguyên kiến trúc được mở rộng và tiến về phía trước.
Để có thể hiểu rõ hơn diện mạo, hình thái kiến trúc ở khu vực Tây Thiên chúng ta có thể tham khảo thêm bộ sưu tập hiện vật ở đây. Đó là nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc đặc trưng thời Trần, song lại có những nét khác biệt phản ánh rõ tính chất bản địa của chúng. Chúng ta biết rằng, một trong các đặc điểm để nhận biết các loại vật liệu kiến trúc thời Trần đó là sự tinh luyện về nguyên liệu, xương mịn, màu đỏ tươi như son, đặc biệt là sắc độ rất đều do nhiệt độ nung được người xưa khống chế xử lý ở trình độ cao. Trong khi đó, nhóm vật liệu kiến trúc Tây Thiên lại có màu đỏ ngả vàng, đỏ sẫm, nếu thoáng nhìn ta có cảm giác chúng là sản phẩm của thời kỳ sau, khoảng thế kỷ 17 – 18. Tuy nhiên, các đặc điểm về loại hình cùng với các đồ án, mô-típ trang trí cho thấy rõ chúng có niên đại thời Trần. Các mô-típ trang trí đặc trưng thời Trần chủ yếu là các loại trang trí: rồng, phượng, cánh sen (tạo khối, trang trí dạng phù điêu, đắp nổi, khắc lõm…), loại hoa 4 cánh (đắp nổi, trổ thủng..) đều hiện diện trong bộ sưu tập vật liệu kiến trúc Tây Thiên. Qua so sánh, đối chiếu với các tài liệu tại các địa điểm khác, có thể khẳng định, những hiện vật này chính là phần còn lại của các công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần đã từng tồn tại ở nơi đây, được sử sách và truyền thuyết dân gian nhắc tới.
Ngoài hai đợt thám sát nêu trên, ở khu vực Tây Thiên còn phát hiện được nhiều di tích, di vật khảo cổ khác. Ví dụ như tại khu vực đền – chùa Thượng, trong năm 2003, Bảo tàng Vĩnh Phúc đã phát hiện bia mộ của các vị Võng Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư và Giác Linh Ngã, cùng với các phế tích tháp mộ thời Trần. Năm 2005, tại khu vực chùa Đồng Cổ, các cán bộ của Sở Văn hóa – Thông Tin Vĩnh Phúc đã phát hiện dấu vết ngôi chùa cổ từ thời Trần, tồn tại đến thời Lê. Tại khu vực chùa Chi Vố (chùa Nát) cũng phát hiện được vết tích kiến trúc của thời Lê Trung hưng. Những phát hiện này cho thấy dấu vết của các di tích thời Trần ở Tây Thiên rất rõ nét.
Một vài nhận xét và đề xuất
1. Như vậy, qua những gì vừa trình bày, từ truyền thuyết dân gian, tư liệu thư tịch cho tới khảo cổ học, chúng ta đã phần nào nhận rõ dần diện mạo của khu di tích Tây Thiên. Không còn nghi ngờ gì nữa, ít nhất là từ thời Trần, Tây Thiên đã là một trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt, với sự hiện diện của nhiều đại danh lam ở khu vực này. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ, đặc biệt là việc xác minh Tây Thiên là nơi Phật giáo có mặt sớm nhất ở nước ta, như sử gia Lê Mạnh Thát từng gợi ý. Để có thể làm sáng tỏ những vấn đề này, rất cần thiết có một chương trình nghiên cứu tổng thể, với việc điều tra, khai quật khảo cổ học hệ thống kết hợp với các phương pháp liên ngành, đa ngành phù hợp, cụ thể như sau:
– Điều tra, khảo sát đánh giá giá trị, hiện trạng thông qua các di tích và di vật. Nghiên cứu, khai quật nhằm khôi phục các mặt bằng kiến trúc, xác định quy mô, kích thước, công năng sử dụng, thông qua tài liệu địa tầng lý giải quá trình tồn tại và diễn biễn các lớp kiến trúc.
– Đặt khu di tích Tây Thiên trong một bối cảnh rộng hơn, để tìm hiểu mối quan hệ của nó với các loại hình di tích khác, ví dụ như: di chỉ cư trú, di tích giếng cổ, hay lò sản xuất gốm…, bởi một quần thể di tích như vậy không thể tồn tại tách biệt với dân cư và hoạt động sản xuất.
– Cần thiết có nghiên cứu, đối sánh, đặt các di tích kiến trúc khu vực Tây Thiên trong hệ thống các di tích kiến trúc Việt Nam, nhất là kiến trúc Phật giáo thời Trần; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, vị trí vai trò của hệ thống chùa Phật giáo thời Trần ở Tây Thiên trong mối liên hệ với các trung tâm Phật giáo khác như Yên Tử, Thăng Long; sự hình thành, quá trình phát triển của hệ thống chùa Tây Thiên trong lịch sử kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.
– Cùng với khảo cổ học, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành và đa ngành, như: sử học, văn hóa dân gian, dân tộc học, Hán – Nôm, du lịch…, để từng bước khôi phục diện mạo sinh hoạt văn hoá, tôn giáo ở Tây Thiên trong suốt quá trình tồn tại.
2. Từ những nhận thức khoa học trên đây, chúng tôi xin nêu ra một số đề xuất để góp phần bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của khu di tích danh thắng Tây Thiên:
– Tam Đảo – Tây Thiên là một trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của Vĩnh Phúc, với thế mạnh là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Tuy nhiên, thương hiệu của khu di tích danh thắng này hiện nay chưa thực sự được nâng lên xứng tầm với những giá trị của nó. Du khách đến Tây Thiên chủ yếu là khách trong nước, mà cũng chỉ tập trung tại một khu vực trong bán kính không quá 100km, đi về trong ngày. Do đó, cần phải đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh của Tây Thiên – Tam Đảo với du khách trong và ngoài nước.
– Năm 2004, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã được xây dựng. Đây là một thuận lợi lớn cho ngành văn hóa du lịch của Vĩnh Phúc. Tây Thiên – với tư cách là một trung tâm Phật giáo lớn trong lịch sử cũng như hiện tại – cần phải phát huy hơn nữa sự tỏa sáng của Thiền viện Trúc Lâm với Phật tử, nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Cần phải có những chính sách phù hợp để gắn Thiền viện với hoạt động du lịch, văn hóa.., từ đó tạo ra sự lan tỏa của Thiền viện ngày một xa hơn.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa và bảo vệ môi trường. Công tác giáo dục tuyên truyền này hướng đến người dân và du khách, giúp cho họ hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường của khu di tích danh thắng này. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và tạo ra các hành vi ứng xử có văn hóa và thân thiện với môi trường.
– Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với khu di tích danh thắng Tây Thiên. Ta biết rằng, ở nhiều khu di tích, đặc biệt là các khu di tích thu hút đông khách tham quan, các hoạt động tự ý xây thêm các công trình mới thường hay diễn ra, xâm phạm đến cảnh quan môi trường và giá trị di tích. Do đó, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý cần phải tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Xuân Lân 2000. Địa chí Vĩnh Phúc (Sơ thảo), Sở Văn hóa, Thông tin – Thể thao Vĩnh Phúc xuất bản.
Lê Mạnh Thát 2003. Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Tập I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa – Thông tin Vĩnh Phúc 2006. Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Thiên, Tam Đảo – Vĩnh Phúc (Kỷ yếu Hội thảo khoa học).
Trích dẫn tệp PDF từ: baotanglichsu.vn
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Khu di tích Tây Thiên (Tam Đảo) từ góc nhìn di sản Khảo cổ học – Tác giả: Nguyễn Văn Đoàn |