Khu thắng tích núi Nhồi
Tác giả bài viết: LÊ THỊ THẢO
Núi Nhồi (An Hoạch sơn) nay thuộc địa phận phường An Hoạch và xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là dãy núi đá vôi cao hơn 120m so với mực nước biển, chu vi khoảng 4.000m, diện tích gần 30.000m2 . Ngọn núi chính có cột đá cao khoảng hơn 20m hình mẹ bồng con hướng ra biển, được dân gian hình tượng hóa thành nàng Vọng Phu. Xung quanh đó là núi Đống ở phía Tây, núi Chân Thần ở phía Tây Nam, núi Chồng Mâm (núi Đình Thượng) ở phía Bắc đứng liền kề nhau; cùng với núi Long và núi Mật ở phía Đông, núi Rừng Thông phía Tây Bắc, núi Hàm Rồng phía Đông và núi Vức phía Nam tạo thành một vòng cung ôm lấy thành phố Thanh Hóa.
An Hoạch1 là một làng cổ nấp mình ở phía Đông chân núi. Chưa rõ làng có từ bao giờ nhưng tên An Hoạch cùng nghề chế tác đá nổi tiếng nơi đây đã được nhắc đến trong An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (dựng năm 1100) và nhiều sách sử của các triều đại phong kiến (Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí...). Xa hơn nữa, việc phát hiện hàng loạt di chỉ khảo cổ học thời văn hóa Đông Sơn ở vùng núi Nhồi và lân cận như: núi Nấp, xóm Rú, đồng Vưng, đồng Ngầm, cồn Cấu, bãi Khuýnh, bãi Rắt, đồng Ngang, bãi Phủ, cồn Sồng, cồn Trôi, mả Chùa, Đông Khối, bãi Vác… cho thấy người Việt cổ đã quần tụ ở đây từ rất sớm. Đặc biệt, qua di chỉ núi Nấp sát phía Nam núi Nhồi, với hệ thống mộ táng và đồ tùy táng phong phú (46 mộ táng, 245 hiện vật đồ tùy táng, niên đại cách ngày nay 1.700 năm) cho phép ta khẳng định, đây là những cộng đồng cư dân Việt cổ đầu tiên trong quá trình tràn xuống làm chủ vùng đất thấp, đã quy tụ ở vùng núi Nhồi lập làng, lập nghiệp2.
Tương truyền, núi Nhồi từng là nơi lui tới của các Đạo sĩ thần tiên. Nhà sử học Lê Văn Hưu (1230 – 1322), người Kẻ Rỵ (Đông Sơn, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã đàm đạo, tiêu dao với Đạo sĩ thần tiên về cảnh đẹp3. Sự nổi tiếng của núi Nhồi trước hết được tạo bởi chất đá quý giá, được sử sách ghi nhận là một tài nguyên đặc biệt của người Việt, “sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt. Sau này đục thành khí cụ ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng vang muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi ngàn đời”4. Đá núi Nhồi có kết cấu đặc biệt, màu sắc đa dạng: loại đen tuyền, đỏ, nâu, vàng, xanh lam, xanh vân mây… Trong mỗi mầu chủ đạo trên lại có nhiều độ sắc thái khác nhau, đặc biệt đá đen, đỏ, lam thuộc loại hiếm có, ít thấy ở vùng khác. Đá Nhồi thuộc loại kiến tạo địa chất có từ hàng triệu năm, một phần lộ thiên, một phần chìm trong lòng đất. Độ mềm dẻo rất khác nhau, thường thì đá màu đen, xám vân mịn có độ rắn cao hơn. Do đá mịn, ít hợp chất, liền khối nên độ phong hóa thấp.
Đá núi Nhồi có tiếng là quý hiếm, nên nhiều cánh thợ từ vùng Hà Tây, Ninh Bình, Hải Phòng đều đến khai thác để tạc tượng và đồ mỹ nghệ. Trong sử sách, người Trung Hoa cũng cho khai thác, đưa về nước để chạm khắc các đồ mỹ nghệ cho triều đình.
Nghề chế tác đá ở Nhồi là một trong những nghề thủ công có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, phát triển liên tục, không đứt quãng, đến ngày nay vẫn được duy trì. Sự xuất hiện nghề chế tác đá ở núi Nhồi có mối liên hệ biện chứng với truyền thống chế tác đá của cư dân đồng bằng sông Mã, từ thời đại đồ đá cũ (di chỉ núi Đọ, núi Nuông, Quan Yên) đến thời đại đá mới (di chỉ Đa Bút), thời đại đồ đồng (di chỉ Đông Khối, Bản Nguyên). Đặc biệt, di chỉ Đông Khối – một công xưởng chuyên chế tác rìu đá với quy mô lớn, tồn tại trong một thời gian dài cho thấy sự phát triển của kỹ thuật chế tác đá ở nơi đây từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Đời Tấn (265 – 420), Phạm Ninh là Thái thú Dự Chương thường sai người lấy đá nơi đây để làm khánh5. Chính quyền đô hộ nước ta thời Tùy – Đường cũng thường sai quân dân lấy đá này dùng vào việc xây thành.
Tài liệu thành văn sớm nhất ghi lại sự phát triển của nghề chế tác đá núi Nhồi là bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, dựng năm 1100, qua sự kiện “Thái úy Lý công sai một thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm”6. Tuy nhiên, nghề chế tác đá ở núi Nhồi chắc hẳn đã ra đời từ trước đó rất lâu. Theo nhà sử học Phạm Tấn (Thanh Hóa), việc Thái úy Lý Thường Kiệt sai người dò núi tìm đá có lẽ chính là việc cho đi tìm những thợ đục đá lành nghề, mà rất có thể đó là những người Việt gốc Chăm (gồm những tù binh mà thời bình Chiêm của Lê Hoàn ở thế kỷ X và của Lý Thái Tông cùng Lý Thường Kiệt mang về vào năm 1065 để khai khẩn đất hoang, lập ra các trang ấp ở Thanh Hóa và nhiều nơi trong nước). Sở dĩ có nhận định như vậy là vì ở làng Nhồi hiện nay vẫn có một nhóm cư dân khá đông mang tên họ Lôi (tức họ Lồi độc chệch) gốc Champa7.
Sang thời Trần, nghề chế tác đá ở đây đã nổi tiếng đến mức triều đình sai thợ đá An Hoạch mở cửa hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai để lấy tiền của chôn ở đó khi trước”8. Cuối thời Nguyễn, theo Robequain, ở An Hoạch có tới 300 hộ làm nghề đục đá. Mặc dù đại bộ phận dân làng đều có ruộng, nhưng tất cả các gia đình đều làm đá9. Triều đình nhà Nguyễn phải ghi nhận thợ đá ở làng Nhồi “là sở trường hơn cả”10. Nghề này đã đem lại cho các thợ đá làng An Hoạch một khoản thu nhập đáng kể, đến nỗi nhà Nguyễn có quy định riêng một mức thuế mà người thợ nơi đây phải đóng góp11.
Lịch sử phát triển làng nghề đá mỹ nghệ đầu tiên ở Việt Nam là làng An Hoạch, sau này các làng nghề đá khác xuất hiện, như: làng nghề ở núi Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương), làng đá ở núi Thét (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), làng đá Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)… Nhiều tư liệu lịch sử cho thấy, các làng nghề chế tác đá trên có liên quan đến làng đá An Hoạch ở Thanh Hóa12.
Từ xưa, làng Nhồi đã có nhiều nghệ nhân chế tác đá được cả nước biết đến, như Lê Văn Lộc, Lê Nguyễn Diệu13 (những người khắc bia tiến sĩ ở Hà Nội), Lê Đình Nhang, Lỗi Xuân Kỳ, Nguyễn Thừa Bân, Nguyễn Hữu Cần (những người thợ đá tạo tác các lăng Gia Long, Tự Đức ở Huế). Nghệ nhân Lê Văn Ngũ, tác giả của chiếc khánh đá hiện đang lưu giữ ở Trúc Lâm thiền viện tại Pháp. Ông từng tham gia xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục chế chùa Bút Tháp, phục chế đầu rồng đá Lam Kinh. Ông là người thợ chạm khắc đá tài hoa còn sót lại của làng Nhồi xưa14.
Người thợ đá An Hoạch tham gia nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở khắp mọi miền đất nước trong các thời kỳ lịch sử, với nhiều loại sản phẩm độc đáo. Không chỉ sản xuất công cụ đồ đá, đồ gia dụng, mỹ nghệ bằng đá, mà thợ đá An Hoạch còn là nghệ sĩ điêu khắc tài ba, tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc đá độc đáo: xây dựng các chùa lớn thời Lý, Trần ở Bắc Bộ15, lăng Phạm Huy Đỉnh ở Đông Hưng, Thái Bình (theo gia phả quận công Phạm Huy Đỉnh); lăng Võ Hồng Lượng ở Ân Thi, Hưng Yên (theo gia phả quận công Võ Hồng Lượng); lăng tẩm các vua Nguyễn ở Huế16; khu lăng mộ Lam Kinh; nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) ở cuối thế kỷ XIX (1876)17, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thế kỷ XX…
Là nơi thắng địa, núi Nhồi quần tụ nhiều di tích với mật độ đậm đặc. Chùa Báo Ân là ngôi chùa cổ nhất nơi đây, khởi công từ mùa hạ năm Kỷ Mão (1099), đến mùa hạ năm Canh Thìn (1100) thì hoàn thành. Tuy hiện nay chùa không còn nhưng vẻ đẹp của nó đã được lưu lại trong An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký: “Giữa đặt tượng Phật, dưới đặt tượng Bồ Tát, sắc ánh như vàng, đẹp như tranh vẽ… Mái tường rực rỡ là nhờ một sớm nét đan thanh điểm xuyết, trăm năm khí tượng, mãi mãi thơm tho. Phía trước hướng về phương Nam, giáp huyện Cổ Chiến, đồng ruộng san sát, xanh tốt như mây. Phía sau liền gò Tường Phượng, bên cạnh vút đồi Bạch Long, dòng sông trong chảy ngang, hình thành một giải. Bên tả thông tới cõi ngung di, trong khoảng giới hạn cách ngăn, xa vén cõi Phù Tang, tiếp đón ánh mặt trời mới mọc. Bên hữu suốt tới đô Muội Cốc, trấn át ngọn núi cao, tiễn ánh tà dương thoáng lướt qua khe cửa. Gò đá cửa ngoài, hai bóng vút cao chóp núi; hoa thơm bên suối, xa xa phảng phất hương nồng”.
Dưới chân núi Nhồi là ngôi chùa cổ Hinh Sơn. Ngôi chùa này nằm trong hang đá nên còn có tên gọi là chùa Hang. Tất cả các cấu trúc trong chùa cùng các vật làm đồ thờ cúng đều được làm bằng đá, với một nghệ thuật độc đáo.
Cách chùa Hinh Sơn khoảng 100m có chùa Tiên Sơn, còn gọi là chùa Quan Thánh nằm trên núi Khế. Chùa được xây dựng năm Hoằng Định thứ 10 (1609), đến năm 1756, quan trấn thủ Thanh Hóa là Lê Trung Nghĩa cho tu bổ lại, sai thợ tạc trên vách hang núi các tượng Quan Vân Trường, Chu Xương, Triệu Tử Long, Trương Phi và chân dung ông cùng vô số hình voi, ngựa. Đây là hệ thống phù điêu trên vách đá độc nhất vô nhị và thuộc loại có chất lượng nghệ thuật tạo hình khá điển hình ở cuối thế kỷ XVIII.
Trên đỉnh núi Đống có đền thờ Cao Sơn, còn gọi là đình Thượng. Đây là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng Nhồi xưa, nơi thờ Thành hoàng “Ông tổ nghề đục đá”. Do quá trình khai thác đá, hiện nay đình Thượng không còn điện thờ, đứng chơ vơ trên một trụ đất đá còn sót lại của một mỏm núi cao trên 10m. Tuy nhiên, những di vật còn lại gồm hai voi, hai ngựa, hai quản mã cho thấy trình độ chạm khắc đá tinh tế, cầu kỳ, khả năng thao diễn cao của người thợ đá nơi đây, xứng đáng đại diện cho nền điêu khắc tượng thờ ở các đền, chùa thế kỷ XVIII.
Cách núi Nhồi 1.500m về phía Tây – Bắc là lăng Quận Mãn, quy mô dài 100m, rộng 35m theo hướng Đông chếch Nam 200. Số lượng tượng chầu, đồ thờ ở lăng Mãn Quận công nhiều hơn hẳn so với nơi khác. Tại đây, có đến 4 bia đá lớn, loại hai mặt (gồm 3 bia Hậu thần và 1 bia Sinh từ). Linh thú khá nhiều loại, bao gồm: 2 voi, 2 ngựa, 2 tượng hổ, 2 rồng thềm bậc. Đồ thờ có hai hương án, một sập đá, một ngai đá. Tượng chầu có hai quản tượng, hai quản mã, sáu võ sỹ. Mỗi tượng người có y phục và vũ khí khác nhau, đều được khắc tên hiệu riêng bên ngực phải18, có lẽ để phân biệt với tượng ở lăng Chúa. Phong cách tạo khối, diễn tả y phục, vũ khí, đặc biệt là diễn tả cá tính chân dung các nhân vật ở các tượng này đã đạt trình độ khá cao, chất lượng nghệ thuật tạo hình thuộc loại tiêu biểu ở thế kỷ XVIII. Chắc chắn lợi thế về kỹ thuật, về chất lượng nghệ thuật tạo hình của lăng Mãn Quận công phụ thuộc không phải chỉ ở vị thế thân chủ mà còn ở vị thế lăng của một Quận công nằm ngay trên quê hương núi Nhồi, nơi có làng An Hoạch và những người thợ đá nổi tiếng lâu đời.
Ngay dưới chân núi Nhồi, trong bán kính 200m từ lăng Mãn Quận công, người ta phát hiện nhiều di vật đá được đục dở dang: bia ký, đầu tượng Phật, tượng lính chầu, voi ngựa,… chứng tỏ trong lịch sử, nơi đây là một đại công trường chế tác đá nghệ thuật. Điều này giải thích hiện tượng các công trình chạm khắc đá ở khu vực núi Nhồi có chất lượng tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc đá thế kỷ XVII – XVIII. Xa hơn một chút, từ 10 – 30km là các di tích: đền thờ Thánh Lưỡng (Hai Út), lăng Lê Thời Hiến, Lê Thời Hải (huyện Triệu Sơn), đền Mưng (Nông Cống), nhà thờ Hoàng Bùi Hoàn, nhà thờ Bùi Sỹ Lâm, chùa Kênh (Quảng Xương), phủ Voi (thành phố Thanh Hóa), với khá nhiều hiện vật chạm khắc đá, là một chứng minh về không gian phát triển nghề chạm khắc đá truyền thống của vùng này. Không chỉ giới hạn ở các sản phẩm tượng thờ, bia ký, đồ thờ mang ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng, giải quyết các nhu cầu tâm linh của xã hội đương thời, mà các sản phẩm bằng đá nơi đây còn có cả đồ dân dụng, phổ biến như: cối xay, bàn nghiền, chậu, bồn hoa… đến các hàng mỹ nghệ trang trí khác, như vòng đeo tay, cốc, chén, ấm nước… rất được ưa chuộng qua nhiều thời kỳ, bởi chất liệu đá đa dạng và lại được thể hiện dưới tài nghệ của những nghệ nhân tài ba ở làng Nhồi.
Khu vực núi Nhồi là một danh thắng đã xếp hạng di tích nghệ thuật – thắng cảnh cấp quốc gia. Với phong cảnh sơn thủy hữu tình và những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc điêu khắc vừa phong phú, vừa độc đáo, có thể coi khu vực này là một “bảo tàng điêu khắc đá” độc nhất vô nhị của xứ Thanh. Vấn đề đặt ra là: nguồn nguyên liệu đá ở núi Nhồi là quà tặng của tự nhiên nhưng không phải là vô tận. Hiện nay, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn nguyên liệu quý giá này đang được đặt ra cấp thiết. Hơn nữa, trước sự phát triển của kinh tế thị trường, nếu muốn bảo tồn và phát huy làng nghề chế tác đá cần phải theo hướng nào? Tại sao nghề đá nơi đây vốn có một thời kỳ huy hoàng kéo dài suốt thời trung đại, đến nay lại tàn lụi trong khi ở những làng đá xuất hiện sau như Ngũ Hành sơn, Ninh Vân đang rất phát triển? Đó là những mối quan tâm, đồng thời là nội dung cần được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ./.
Chú thích:
1- Còn có các tên khác như: Nhuệ thôn, Nhồi Thượng, Nhồi Hạ.
2- Hà Mạnh Khoa (2009), Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã, Nxb. Từ điển bách khoa, Tr. 91 – 92, đã khẳng định: “khu vực núi Nhồi là một trọng điểm của đồng bằng sông Mã thời bấy giờ, là một trong những làng xã đầu tiên của vùng đất này được hình thành vào thời đại đồ đồng”.
3- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2010), Trần Gia Linh (nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn), Di sản tên Nôm các làng văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb. Dân trí, Tr. 258.
4- Thơ văn Lý – Trần, tập 1 (1997), Nxb. Khoa học xã hội, H, Tr. 130.
5- Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Tr. 252.
6- Tức 19 năm Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn Thanh Hóa (1082 – 1101).
7- Phạm Tấn, Lý Thường Kiệt qua văn bia, sắc phong
(http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/178796/LyThuong-Kiet-qua-van-bia-sac-phong-ky-2.html).
8- Ngô Sĩ Liên (1985), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, H, Tr. 181.
9- Robequain, Tỉnh Thanh Hóa, bản dịch tiếng Pháp lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa.
10- Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Tr. 252.
11- Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tập 4, Tr. 396 – 397 ghi rõ: Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), triều đình quy định nghề đá ở thôn Nhuệ phải chịu thuế “Mỗi người thợ đá nộp 8 phiến, mỗi phiến dài 8 thước, bề mặt 8 tấc, dày 8 tấc, dân đinh già cả, tàn tật chịu một nửa”. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848), có quy định: “Hạng tráng đinh (20 tuổi trở lên) nộp đá xây 10 phiến dài 1 thước, bề mặt 5 tấc, dầy 2 tấc, dân đinh già cả, tàn tật nộp một nửa”.
12- Văn bia xã Quán Khái (huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Thủy tổ nghề đá Non Nước là cụ Huỳnh Bá Quát, thợ đá Thanh Hóa… Cụ và một số đồng hương đã đưa gia đình vào vùng Non Nước định cư lâu dài. Họ từng biết đến thắng cảnh Non Nước và cũng là nguồn nguyên liệu đá cẩm thạch khi họ phục vụ xây dựng dinh thự của các chúa Nguyễn trên đất Quảng Nam. Bây giờ, bia tiền hiền nơi đây còn ghi thạch tượng Quán Khái Đông Huỳnh Bá Công thuỷ khai và bổn xã Huỳnh Bá tộc lập. Đến thời các vua Nguyễn xây dựng kinh đô tại Huế, làng Quán Khái đã đông đúc hơn và trở thành một trong những nguồn cung cấp lính thợ giỏi cho triều đình.
13- Trên 82 bia tiến sĩ ở Văn miếu – Quốc Tử giám (Hà Nội) có lưu lại tên 5 người thợ khắc bia là: 1. Phạm Thọ Ích thợ đá người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm; 2. Hoàng Quang Trạch, xã trưởng xã Gia Đức, huyện Thủy Đường; 3. Lê Nguyễn Diệu, sinh đồ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn; 4. Bá hộ Lê Khắc Thực; 5. Lê Văn Lộc, thợ đá người thôn Nhuệ, xã An Hoạch, huyện Đông Sơn.
14- Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết (2010), Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, H, Tr. 880.
15- Chu Quang Trứ (2002), Tượng cổ Việt Nam và truyền thống dân tộc, Viện Mỹ thuật, Tr. 434 – 435.
16- Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam thực lục, tập XXIV, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 354 – 355.
17- Toà Giám mục Phát Diệm (1998), Lịch sử nhà thờ đá Phát Diệm, Toà Giám mục Phát Diệm – Ninh Bình, Tr. 09 – 34.
18- Hàng tượng bên trái tính từ trong ra có tên: Đinh lực sĩ, Tráng lực sĩ, Dũng lực sĩ, tượng thứ tư bị mất chữ, tượng thứ năm là Lung vũ sĩ; hàng tượng bên phải gồm: Chiến lực sĩ, Phấn lực sĩ, Cường lực sĩ, Uy lực sĩ, Vũ lực sĩ.
Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, số 1 (42), năm 2013
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Khu thắng tích núi Nhồi (Tác giả: Lê Thị Thảo) |