Kiến trúc đặc trưng khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội ở thành phố Huế

Tác giả bài viết: VÕ SỸ CHÂU; Thạc sĩ  LÊ VĂN THANH HÙNG*
(*Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

1. Đặt vấn đề

     Nếu Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến, Sài Gòn là hòn ngọc viễn Đông, thì thành phố Huế là xứ sở mộng mơ, là mảnh đất cố đô vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ kính, dịu dàng, đắm thắm như thể thời gian vẫn luôn đi chậm lại nơi đây. Thành phố Huế luôn được nhắc đến với tư cách là một trung tâm văn hóa – du lịch lớn trong cả nước, với hệ thống kiến trúc đặc sắc. Bên cạnh hệ thống kiến trúc đồ sộ triều Nguyễn thì ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều loại hình loại hình kiến trúc độc đáo khác. Tiêu biểu phải kể đến khu vực phố cổ Chi Lăng – Gia Hội, một thời là nơi tập trung các công trình kiến trúc nhà ở – thương mại có giá trị. Hiện khu phố cổ này vẫn còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà cổ được thiết kế mang lối kiến trúc Hoa – Ấn – Việt; những đình chùa, hội quán – phủ đệ; những làng nghề, những nét văn hóa làng xã và nhiều di tích lịch sử khác rất có giá trị đối với dòng chảy văn hóa Huế. Nơi đây được ví như: “Một Hội An giữa lòng thành phố Huế”.

     Bài viết này tập trung phân tích nét đặc trưng kiến trúc truyền thống của khu phố cổ Chi Lăng góp phần nhận diện loại hình kiến trúc độc đáo này và làm cơ sở đề xuất những giải pháp nhằm trùng tu, bảo tồn và khai thác hiệu quả phục vụ phát triển du lịch địa phương, đồng thời góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch văn hoá Huế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Huế đang xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, và công tác khôi phục các khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh là một trong những nhiệm vụ hướng đến. Vấn đề này đã được chính quyền địa phương đưa ra trong hội nghị gần đây nhất vào tháng 01-2020 về quán triệt, triển khai và đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị Huế theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản quốc gia.

2. Sơ lược quá trình hình thành khu phố cổ thương mại Chi Lăng – Gia Hội

     Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khu phố cổ Gia Hội được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố cổ Gia Hội đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc. Đến nửa thế kỷ XIX khu phố thị này dịch chuyển dần lên phía chợ Dinh Gia Hội và tồn tại cho đến ngày nay. Có thể khẳng định, khu phố cổ Gia Hội là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Hoa trong một giai đoạn lịch sử gắn liền với mảnh đất kinh thành Huế.

     Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển đô thị Huế từ nửa sau thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, chúng ta thấy phần “thị” ở phía Đông Bắc của phần “đô” đã từng bước dịch chuyển theo hướng ngược dòng sông Hương, từ giang cảng Thanh Hà lên Bao Vinh, rồi Gia Hội, và cuối cùng là Đông Ba (tức là khu chợ Đông Ba, phố Trần Hưng Đạo và phố Phan Đăng Lưu hiện nay). Như vậy cũng có nghĩa là phần “thị” đã tiến càng sát phần “đô” hơn để phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân. Xét về các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế và xã hội, đây là một sự dịch chuyển tự nhiên của trung tâm thương mại lớn nhất của đô thị Huế. Nhưng xét về mặt địa danh, tên gọi phố Gia Hội chỉ là tên gọi sau cùng của một địa bàn vốn mang tên Chợ Dinh.

3. Loại hình kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội

      Được hình thành từ sau thời các chúa Nguyễn, trải qua giai đoạn phát triển lịch sử vùng đất Cố Đô đã tạo nên sự đa dạng các công trình kiến trúc từ những công trình mang kiến trúc truyền thống đến những công trình kiến trúc pháp và hiện đại. Ngoài ra nơi đây một thời là nơi tập trung sinh sống và buôn bán của người Hoa chính yếu tố đó đã tạo nên những ngôi nhà cổ của người Hoa và người Ấn,… cùng với đó là các công trình kiến trúc cộng đồng phục vụ cho đời sống văn hóa của người Hoa sinh sống nơi này chùa Diệu Đế, Thanh Bình Từ Đường, Chùa Diệu Quang,… Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt về các loại hình kiến trúc cộng đồng của khu vực này với các vùng khác của vùng khác của Huế.

     3.1. Các loại hình kiến trúc chính

     Là một đô thị mới được phát triển trên một đô thị cổ, phố Chi Lăng – Gia Hội tập trung nhiều loại hình công trình kiến trúc khác nhau, từ nhà ở kinh doanh thương mại đến công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị. Một số loại hình kiến trúc tiêu biểu ở khu phố này có thể kể đến là:

     3.1.1. Kiến trúc nhà ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ thương mại

     Thực tế cho thấy đây có lẽ là loại hình kiến trúc đặc trưng nhất của khu vực Chi Lăng – Gia Hội. Các công trình này được phân bố dọc theo tuyến đường Chi Lăng với các loại hình kiến trúc đa dạng, từ truyền thống đến những công trình mang dáng dấp kiến trúc Pháp, và các kiểu nhà hiện đại,… Sự đa dạng hình thức kiến trúc qua các thời kỳ cho thấy được bề dày lịch sử phát triển của khu phố này. Qua quá trình khảo sát các công trình kiến trúc nhà ở kết hợp với thương mại dịch vụ ở khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội, chúng tôi nhận thấy một số kiểu kiến trúc xét trên công năng sử dụng tiêu biểu sau:

     – Công trình nhà ở thương mại truyền thống: Đây là những công trình kiến trúc truyền thống có giá trị còn được bảo tồn. Các công trình này được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống 3 gian có chái hoặc không chái, xây dựng 1 tầng hoặc 2 tầng. Kiểu kiến trúc của các công trình này mang những nét tương đồng với những ngôi nhà ở phố cổ Hội An (Quảng Nam).

     – Công trình nhà ở thương mại dịch vụ ảnh hưởng của kiến trúc Pháp: Đây có lẽ là kiểu kiến trúc xuất hiện ở giai đoạn trước năm 1945. Hầu hết các công trình ở thể loại này vẫn được xây dựng dựa trên hình thức nhà ba gian truyền thống nhưng có sự cải biên ở vật liệu và hoa văn trang trí. Hình thức mặt ngoài kiến trúc sử dụng các kiểu cột trang trí cầu kỳ với các phào chỉ được đắp nổi, các phù điêu trang trí mang phong cách kiến trúc Đông Dương. Hệ cửa vòm với các khung trang trí cũng là điểm nhấn của các loại công trình này. Vật liệu sử dụng là tường bê tông, hệ cửa hai lớp,… đây là những đặc điểm thường thấy ở các công trình kiến trúc Pháp ở Huế.

     – Công trình nhà ở thương mại dịch vụ hiện đại: Đây là nhưng công trình kiến trúc được xây dựng sau năm 1975. Đối với loại hình kến trúc này, các hình thức kiến trúc cổ đã bị loại bỏ, thay vào đó là các kiểu nhà hiện đại từ 2 đến 3 tầng. Hầu hết các công trình này được xây dựng tùy theo ý thích của gia chủ, do đó không có sự đồng nhất về hình thức kiến trúc, tạo nên bộ mặt khá lộn xộn ở khu phố hiện nay và làm mất dần hình ảnh đặc trưng vốn có của khu vực này.

     3.1.2. Kiến trúc công trình công cộng trong khu vực phố cổ Gia Hội

     Hệ thống công trình công cộng (như trường học, y tế, nhà văn hóa, bưu điện,…) tập trung dọc đường Chi Lăng. Hầu hết các công trình được xây dựng mới.

     – Công trình giáo dục bao gồm các trường học như trường mầm non, trường THCS…: Đây là những công trình phục vụ cho mục đích dân sinh, hình thức kiến trúc hiện đại, hầu hết mới được xây dựng.

     – Công trình chợ thương mại, dịch vụ: Nhắc đến khu vực phố Chi Lăng người ta thường biết đến khu chợ Dinh*. So với “Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại” thì khu chợ Dinh ngày nay nhỏ bé hơn và khiêm nhường hơn.

     – Công trình Y tế như trạm xá, UBND phường,…: Các công trình làm việc trụ sở ủy ban, các trạm y tế phục vụ dân sinh. Các công trình này hầu hết tập trung dọc tuyến đường chính Chi Lăng. Các công trình này mới được xây dựng.

     3.1.3. Kiến trúc công trình tôn giáo tín ngưỡng trong khu vực phố cổ Chi Lăng – Gia Hội

     Vào đầu thế kỷ XIX, khi Huế trở thành kinh đô của nước Việt thống nhất dưới thời Nguyễn, người Hoa kiều tập trung đến khu phố ở phía đông Kinh thành làm ăn sinh sống rất đông. Khi đó con đường Chi Lăng đã trở thành địa điểm có cộng đồng người Hoa sinh sống nhiều nhất ở Huế từ trước đến nay hình thành nên các tuyến phố thương mại dọc theo tuyến phố này. Các công trình kiến trúc người Hoa trên trục đường nơi đây đẹp không thua gì ở phố cổ Hội An. Thậm chí cảnh quan và nội thất vẫn nguyên vẹn y như lần đầu xây mới. Một số loại hình công trình tôn giáo có thể kể đến ở đây là:

     – Đền, Chùa và Hội quán: Xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng của người dân sinh sống nơi đây chủ yếu là người Hoa, nên các công trình này mang dấu ấn văn hóa cộng đồng người Hoa. Họ xây dựng các đền, chùa rất công phu, uy nghi và tráng lệ, tiêu biểu như: đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông, Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến (và mấy năm gần đây là Hội quán Quảng Triệu). Ngoài ra, nhà thuốc Bắc Hòa Thạnh Đường và các xóm người Hoa xung quanh các di tích tâm linh nói trên đã tạo nên một “khu phố Tàu” rất riêng ở khu vực này.

     – Phủ, Đệ nhà Nguyễn: Bên cạnh các công trình đền, chùa,… được xây dựng, tuyến đường Chi Lăng có rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và tư gia của các quan đại thần nên dân gian mới gọi là phố chợ Dinh. Ở đường Chi Lăng hiện vẫn còn một số phủ đệ, như: Phủ Thọ Xuân (con trai thứ 3 của vua Minh Mạng), Phủ Thoại Thái Vương (con thứ 4 của vua Thiệu Trị), Phủ Hòa Thạnh Vương (con thứ 37 của vua Minh Mạng), Phủ Quảng Biên Quận Công (hoàng tử thứ 51 của vua Minh Mạng).

     – Một số công trình tín ngưỡng khác (nhà thờ họ, Thiên chúa giáo…): Con đường Chi Lăng còn là tuyến đường có nhiều công trình kiến trúc tâm linh của người Việt như Thanh Bình Từ Đường, trụ sở Thiên Tiên Thánh giáo của Việt Nam, nhà thờ Trần Hưng Đạo và nhà thờ họ Kim Hoàn.

     3.2. Loại hình kiến trúc đặc trưng

     Trong các loại kiến trúc trong khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội nêu trên thì đặc trưng nhất là loại hình kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với thương mại dịch vụ. Đây là loại hình công trình kiến trúc chiếm số lượng lớn và được phân bố chủ yếu dọc theo trục đường Chi Lăng. Đặc điểm của loại hình kiến trúc này là mang đậm nét đặc trưng kiến trúc truyền thống tương tự như tuyến phố Bao Vinh hay tuyến phố cổ Hội An. Như đã trình bày, công trình nhà ở truyền thống kết hợp với thương mại ở khu vực đường Chi Lăng – Gia Hội bao gồm hai hình thức chính là nhà 1 tầng và nhà 2 tầng.

     Xét về công năng, kiểu nhà ở thương mại 2 tầng nơi đây được người dân xây dựng nhằm thích ứng với điều kiện thường xuyên bị lũ lụt, nó được cải biên từ kiểu nhà 1 tầng để làm nơi cư trú và cất giữ hàng hóa trong mùa mưa lụt, do đó cấu trúc mặt bằng của hai loại nhà này có những điểm tương đồng cơ bản như sau:

     Thứ nhất, về cấu trúc tổng mặt bằng chính của công trình chia làm 3 phần. Phần lớn khu vực trước nhà tiếp giáp với đường giao thông chính toàn bộ được sử dụng để kinh doanh thương mại; tiếp đến là khu vực sân giữa (giếng trời), bao gồm giếng nước, cây xanh làm không gian đệm và cuối cùng là không gian ở phía sau cùng dùng để ở. Sự phân chia không gian này tạo nên bố cục mặt bằng đan xen giữa không gian ở và vườn, khơi gợi một nét kiến trúc vườn truyền thống vừa gần gũi vừa độc đáo. Các công trình ở đây được xây dựng dựa trên hệ kết cấu chịu lực chính là hệ thống kết cấu gỗ được chạm khắc tinh xảo, các chi tiết hoa văn truyền thống tương tự như các công trình nhà vườn truyền thống khác ở Huế. Các công trình ở đây được bố trí liền kề nhau hình thành nên tuyến phố thương mại.

     * Về công trình nhà trước

     Hầu hết các được phát triển theo hình thức nhà 3 gian với hệ kết cấu cấu chịu lực chính với các chi tiết kiến trúc tương tự như nhà truyền thống ở Huế, tuy nhiên khác với các kiểu nhà truyền thống thì phần hiên của các ngôi nhà này thường hẹp hơn.

     Đối với loại nhà 1 tầng thì phần gian giữa nhà ngoài chức năng thương mại còn dùng để thờ cúng tổ tiên, một số mẫu nhà phần mái phía trước còn được nâng lên làm phần gác lửng để cất trữ hàng hóa trong mùa mưa lụt.

     Đối với loại nhà hai tầng thì phần ban công hẹp, một số nhà không có phần ban công kể cả những công trình chịu ảnh hưởng của kiến trúc pháp sau này, các chi tiết kiến trúc Pháp được cách điệu đơn giản hơn để phù hợp với kiểu công trình thương mại.

     *  Nhà cầu và sân giữa

     Nhà trước và nhà sau cách nhau một khoảng sân trong, phía bên trái hoặc phía bên phải của sân trong này là một công trình cầu nối nối giữa nhà trước và nhà sau gọi là nhà cầu. Thông thường, tùy theo khẩu độ của nhà cầu mà kết cấu khác nhau, các nhà cầu thường được dựng lên từ các hệ cột có kết cấu độc lập với nhà trước và nhà sau khác với những ngôi nhà ở Hội An kiến trúc nhà cầu chỉ thiết kế 1 tầng tuy nhiên hiện nay một số nhà qua quá trình sử dụng đã bị cải biên thành 2 tầng. Phần mái của nhà cầu được đặt theo chiều dài của nhà và hướng về phía sân trong. Phần sân trong này không chỉ có tác dụng là tạo khoảng xanh trong nhà mà còn có chức năng phân chia không gian giữa nhà trước – nhà sau giữa khu động (buôn bán) – khu tĩnh (Nơi nghỉ ngơi) đồng thời điều hòa vi khí hậu và lấy ánh sáng cho phần giữa của ngôi nhà.

     * Về công trình nhà sau

     Nhìn chung về phần cấu trúc mặt bằng và bộ phận chịu lực của nhà sau hoàn toàn giống nhà trước làm chức năng sinh hoạt của gia chủ.

     Thứ hai, không gian thờ cúng tổ tiên giữ vị trí quan trọng, trung tâm trong ngôi nhà. Đối với loại nhà 1 tầng, khu vực thờ cúng tổ tiên thường đặt ở gian giữa của loại nhà 3 gian; còn đối với loại nhà 2 tầng thì khu vực thờ cúng được đặc ở gian giữa tầng 2 của ngôi nhà.

     Toàn bộ các kiểu kiến trúc này đều được xây dựng bởi kết cấu chính bằng gỗ, riêng đối với loại nhà 2 tầng thì hệ thống cột gỗ lớn hơn, thường là loại gỗ nhóm 1 như lim, tếu…; ngoài ra gỗ mít cũng được sử dụng khá nhiều. Móng các loại nhà này được xây dựng chủ yếu bằng gạch hoặc đá. Phần chân đế trụ được sử dụng bằng đá xanh cứng và được điêu khắc trang trí tỉ mỉ. Các cấu kiện gỗ được lắp ghép bằng mộng, không dùng đinh, các khớp nối bằng gỗ hoặc tre. Phần mái được lợp bằng các loại mái liệt nhiều lớp từ 3-5 lớp tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Vì hệ kết cấu này đặt trên nền móng cố định nên loại nhà này có hệ mái khá thấp nhằm hạn chế gió bão và mưa hắt. Nhiều yếu tố độc lập được thiết kế phù hợp với yêu cầu sử dụng, nhất là nhu cầu cho kinh doanh buôn bán, đã tạo nên nét đặc trưng kiến trúc tuyến phố nơi đây. Toàn bộ các nhà độc lập liên kết với nhau đã hình thành nên một tuyến phố cổ đẹp và thơ mộng trong khu thương mại sầm uất thời bấy giờ.

4. Kết luận

     Có thể thấy rằng, khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội là nơi tập trung đa dạng các loại hình kiến trúc, mà nhà ở thương mại tạo nên nét đặc trưng riêng, lưu dấu quá trình phát triển đô thị Việt Nam từ thời Nhà Nguyễn đến nay. Nếu biết khai thác các giá trị đặc trưng của các công trình sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách như cách mà phố cổ Hội An đã làm được.

     Tuy nhiên, cho đến nay, khu phố cổ này vẫn đang đối diện với sự xuống cấp và thậm chí mất dần. Thực tế này đòi hỏi phải có nhiều phương án bảo tồn, chống xuống cấp và phát huy giá trị khu vực này một cách hợp lí, đặc biệt là các công trình nhà ở thương mại vốn là cơ sở làm tiền đề để góp phần phát triển du lịch Huế trong tương lai.

__________
*. Có giả thiết cho rằng thời nhà Nguyễn khu vực này là đất lập phủ phòng, đệ trạch của các ông hoàng bà chúa, dinh thự của các quan lại trong triều. Trong số đó có Dinh Ông. Dinh Ông là tư thất của Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (1813 – 1883) dưới triều Tự Đức. Vì không ăn cánh với hai quan Phụ chánh Đại thần khác là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nên Trần Tiễn Thành đã xin về nghỉ tại Dinh Ông. Cũng có giả thiết cho rằng Theo thư tịch cũ, ngày xưa ở cuối phố này có chợ phục vụ cho binh lính gọi là Dinh thị hạ ấp. Có thể từ cái chợ Dinh ấy mà về sau ra tên phố Chợ Dinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bạch Thị Thu Hà (2020), Khai thác tiềm năng du lịch văn hoá tại khu vực phố cổ Bao Vinh – Chi Lăng – Gia Hội (Huế).

     Đồ án bảo tồn của sinh viên khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học Huế.

     Đỗ Bang (2006), “Phố cảng Thanh Hà – Bao Vinh trung tâm thương mại Phú Xuân – Huế thế kỷ XVII-XVIII-XIX”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.

     Trần Thị Quế Hà (1996), Kiến trúc phố cổ Hội An Việt Nam, H.: Nxb. Thế giới.

     http://tapchisonghuong.com.vn

     https://thethaovanhoa.vn

     http://visithue.vn

     https://blog.traveloka.com/vn/cac-diem-du-lich-hue.

Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa miền Trung 2022,
Chuyên đề Di sản kiến trúc truyền thống, Nhà xuất bản Đại học Huế

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Kiến trúc đặc trưng khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội ở thành phố Huế
(Tác giả: Võ Sỹ Châu; ThS. Lê Văn Thanh Hùng)