Kiến trúc Thành Cha (Bình Định) qua kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học (1)
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ LẠI VĂN TỚI
(Viện Nghiên cứu Kinh thành)
1. Mở đầu
Thành Cha hay còn gọi là thành An Thành là một trong những thành trì Champa còn lại dấu tích trên mặt đất hiện nay ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn (Bình Định). Thành đã được xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia năm 2003. Thư tịch về tòa thành này không nhiều, vì vậy trước khi có khai quật khảo cổ học năm 2015, 2016, kiến trúc và niên đại của tòa thành này vẫn còn và câu hỏi lớn. Những cuộc điều tra, khảo sát trên mặt đất mới chỉ cho chúng ta biết sơ lược về kích thước các vòng tường thành và ghi nhận sự hiện diện của một số vật liệu kiến trúc và phỏng đoán về sự tồn tại của di tích kiến trúc thành trì và các kiến trúc xây dựng trong thành. Năm 1987, lần đầu tiên tư liệu về thành Cha được công bố. Sau đó, di tích được điều tra khảo sát liên tiếp trong 3 năm 1991, 1992, 19932.
Kết quả khảo sát đã xác định, thành Cha là một tòa thành có quy mô lớn, cấu trúc gồm hai khu độc lập nhưng hòa quyện nhau tạo thành một tổng thể thống nhất. Ở giữa thành Nội còn dấu vết của công trình kiến trúc xưa sụp đổ. Thành được đào đắp kiên cố, bên ngoài có hệ thống hào bao quanh thành nối kết hoàn chỉnh vây 3 mặt, riêng mặt Bắc, sông Côn là con hào tự nhiên. Thành Cha do người Chăm xây dựng và thời gian sau chưa hề bị sử dụng lại. Thành Cha là kinh đô giai đoạn đầu khi nhà nước Champa chuyển về định đô trên vùng đất Vijaya3.
Kết quả điều tra khảo sát trong điều kiện di tích bị xâm hại nặng nề, nên hiểu biết về tòa thành này còn hạn chế, từ đó có nhiều vấn đề đặt ra, như: kiến trúc thành Cha có quy mô, cấu trúc thế nào, các di vật phát hiện trong nội thành thuộc loại hình kiến trúc nào, hình thái kiến trúc, chức năng của các kiến trúc đó ra sao. Kết quả khai quật khảo cổ học tại thành Nội và trên tường thành phía Bắc trong năm 2015, 2016 sẽ giúp giải đáp một phần những vấn đề đặt ra ở trên.
2. Di tích kiến trúc và tường thành qua khai quật khảo cổ học
2.1. Về di tích kiến trúc
Thuộc lớp kiến trúc KT01, đã phát hiện được một mặt bằng kiến trúc nền đền thờ khá hoàn chỉnh, gồm: cửa ở phía Đông, tiếp đó lần lượt là kiến trúc có hệ thống 6 trụ/cột gạch (dạng Mandapa) – sân gạch – mền đền thờ có hố thiêng ở giữa và hệ thống đường gạch bao quanh. Căn cứ vào di vật vật liệu kiến trúc phát hiện tại chỗ có thể phỏng đoán rằng, kiến trúc này có mái lợp bằng ngói âm dương, diềm mái lợp ngói ống trang trí mặt hề, sư tử, trên gắn vật trang trí (sừng bò hoặc trụ gốm hình con tiện). Lớp kiến trúc KT01 có niên đại khoảng thế kỷ IV-VI AD4 . Các kiến trúc thuộc KT02 đều được xây bằng gạch, nằm đè lên lớp kiến trúc KT01 và mở rộng hơn ra xung quanh, bao gồm: 01 máng nước, 04 tường gạch, 03 nền lát gạch và 03 nền tháp gạch. Các nền tháp có chung đặc điểm về hình dáng: thân hình chữ nhật, cửa tháp nhô hẳn ra ngoài về hướng Đông. Lớp kiến trúc KT02 dự đoán có niên đại từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XI. Lớp kiến trúc KT03 là hệ thống các hố móng trụ được đào xuyên qua các lớp kiến trúc KT01 và KT02, được hình thành khi thành Cha không còn đóng vai trò là kinh thành của Vijaya, có ảnh hưởng của kỹ thuật xây móng trụ Đại Việt thời Lê Sơ (?).
Ngoài ra, trong hố thám sát ở góc Tây Bắc thành Nội đã phát hiện được di tích là những đống đổ vật liệu kiến trúc, gồm các loại gạch và ngói. Ngói âm, dương, trong đó có 03 loại hình ngói mới, lần đầu tiên phát hiện trong các di tích Champa ở Bình Định: [i] Ngói âm hình lòng máng, mặt cắt ngang thân hình chữ U có gờ nổi trên lưng; [ii] Ngói dương một đầu to, một đầu nhỏ, ở bụng có đinh chốt và [iii] Ngói ống lợp diềm mái hoặc bờ dải có đầu trang trí lá đề hay cánh sen 4 lớp, cách điệu hình đầu rắn. So sánh với ngói phát hiện tại di tích Prasat Top thuộc khu di tích Angkor, có thể xác định đây là ngói mang truyền thống Khmer, có niên đại thế kỷ XI-XII5.
2.2. Về di tích tường thành
Địa tầng tường thành trên vách Tây, theo cấu tạo các lớp đất, màu sắc và diễn biến di tích, di vật khảo cổ trong các lớp đất, có thể nhận biết được 07 lớp. Trong đó đáng chú ý là ngay từ lớp 1 đã phát hiện những cụm gạch vụn và những viên gạch vỡ; ở lớp 2 xuất lộ di tích tường gạch (TG01) và cụm gạch đổ (C3); trong lớp 4 xuất lộ những vệt than nằm cùng bình diện, giữa lớp 4 và lớp 5 xuất lộ di tích cụm gốm thô và khuyên tai đá và lớp 5 có hiện tượng trũng võng ở giữa. Tất cả đều xuất lộ ở nửa hố khai quật tường thành phía Nam (bên trong); cuối lớp 6 – đầu lớp 7 đất bị laterite.
Nghiên cứu tổng thể các lớp đất, chúng tôi cho rằng, lớp 2 có thể là lớp cuối cùng do người Chăm xây đắp thành. Di tích tường gạch xuất lộ ở 1/3 chiều rộng của thường thành về phía Nam (mặt trong) đã tạo nên sự khác biệt trong cấu trúc các lớp đất giữa phía Bắc và phía Nam tường. Từ lớp 3, đáy của các lớp đất khá phẳng, cho thấy, các lớp đất đắp được san phẳng, đầm nện khá kỹ. Đất trên vách là khối liền, đông đặc khá thuần và cứng chắc; những dải than đen trong bình diện lớp 4 có thể đánh dấu giai đoạn cuối của đợt đắp thành đầu tiên, khi chưa xuất hiện tường gạch, thuộc giai đoạn châu Vijaya (?). Vì lý do nào đó, có thể hoả hoạn hoặc do sinh hoạt của thợ xây dựng thành. Hiện tượng võng đất ở lớp 5 có thể phản ánh thời gian giãn cách giữa các đợt đắp thành và là kết quả đi lại trên mặt thành. Lớp 6, 7 đất có hiện tượng bị laterite nhẹ, khi khô đất cứng rắn, cho thấy thành được xây dựng trên đất gốc, nằm ở độ sâu khoảng 1m do với mặt đất hiện tại. Sự phân chia các lớp đất đắp thành rất phù hợp với các di tích, di vật phát hiện trong mỗi lớp/mỗi giai đoạn.
Trong hố khai quật phần phía Nam đã phát hiện các di tích văn hóa Champa và văn hóa Sa Huỳnh muộn. Các di tích văn hóa Champa xuất lộ từ lớp đào 2 đến cuối lớp đào 4 và đều liên quan đến di tích tường gạch. Di tích tường gạch (TCH16.H02.TG01), xuất lộ ở cuối lớp 2 – đầu lớp 3, tại vị trí cách vách hố khai quật phía Nam khoảng 2m. Di tích xuất lộ chỉ còn 1 lớp gạch, gồm 9 viên không nguyên vẹn. Đất bên dưới tường không có dấu vết gia cố. Đây là dấu vết lớp cuối cùng tường gạch xây bên trong (phía Nam) tường thành còn lại.
Tường gạch xây khá quy chuẩn, chiều rộng (Bắc – Nam) 74cm, chiều dài (Đông – Tây) còn 70cm. Lớp gạch còn 9 viên, trong đó có 2 viên nguyên (dài 28,5cm, rộng 22cm và dài 30cm, rộng 20cm), còn lại là gạch vỡ lớn, dài 26cm – 11cm, rộng từ 10cm – 21,5cm. Gạch xây tường cùng một loại là gạch hình chữ nhật, màu đỏ, không trang trí hoa văn, tương tự như gạch ở các cụm gạch và trong các hố khai quật ở trung tâm thành Nội, trên Gò Giữa (gò Ông Tỵ).
Di vật phát hiện chủ yếu trong các lớp đất đắp thành ở phần hố phía Nam (phía Nam tường gạch) bao gồm: gạch, ngói, đồ đất nung, đồ gốm thô, sành, đều không còn nguyên vẹn. Trong đó, gạch phát hiện chủ yếu trong lớp đào 1, 2, 3; đồ đất nung và đồ sành phát hiện trong lớp 4; đồ gốm thô kiểu Sa Huỳnh muộn trong lớp 5, 6.
3. Quy mô, cấu trúc thành Cha
3.1. Quy mô
Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, tường thành về cơ bản còn giữ được hình dáng như mô tả của Bảo tàng Bình Định năm 1993. Tuy nhiên, hiện trạng tường thành đã thay đổi nhiều do việc hệ thống hóa kênh mương thủy lợi và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tường thành Ngoại phía Nam và phía Đông đã trở thành đất “thổ cư” của nhân dân 02 xóm An Xuân và An Định thuộc thôn An Thành, đã phá vỡ cơ bản hình dáng, kết cấu vốn có của tường thành.
Đối với hệ thống hào nước: Hào thành Ngoại phía Bắc là sông Côn với 02 bàu nước lớn là bàu Bà Ký và Bàu Đá, tuy đã thu hẹp, nhưng vẫn còn đầy nước quanh năm, còn lại các hào phía Nam, phía Đông và Tây đều được cải tạo thành ruộng trồng lúa nước. Các cửa nước nối hào thành Nội với hào thành Ngoại và với sông Côn còn 04 cửa: cửa cạnh gò Cột Cờ nối với sông Côn qua Bàu Đá; cửa Mương Hoả nối với hào thành Ngoại, cửa Tây Nam thành Ngoại nối với sông Côn qua Bàu Đục (?) và cửa Đông có tên dân gian là “Hầm Ông Lộc” thoát nước ra bàu Sen rồi thông với sông Côn tại thôn Trường Cửu.
Kế thừa nguồn tài liệu nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên toàn bộ khu vực phân bố của thành và đo, vẽ, chụp ảnh thành Cha bằng phương tiện và kỹ thuật hiện đại, như: Đặt hệ thống lưới tọa độ cục bộ cho toàn khu vực thành Cha, trong khung ô vuông 9m2 (mỗi cạnh 3m); Đo chiều dài, rộng của thành bằng máy trắc đạc (Thủy bình) và độ cao của thành (máy Topcom GPT. 7500 Serier), đồng thời xác định kích thước của hệ thống đường nước hay hệ thống hào thành; Chụp ảnh thành Cha từ trên cao bằng kỹ thuật Flycam. Từ hình ảnh có được, đối chiếu với các bản vẽ trước đây nhằm xác định chính xác phạm vi phân bố, hình dáng, hiện trạng của các tường thành, hào nước.
Căn cứ vào kích thước tường thành Ngoại, thành Cha có diện tích 55.700m2. Kích thước thành Ngoại: tường thành phía Nam: dài 954m, chân rộng 29 – 30m, mặt rộng 25m; cao từ 0,90m – 2,287m6; tường phía Bắc: dài 1.010m, chân rộng 7 – 15m, mặt rộng 5 – 10m, cao 0,132m – 2,825m; tường phía Đông dài 345m, chân rộng 29 – 30m, mặt rộng 25m, cao 0,850m – 0,905m; tường phía Tây (còn lại) dài 440m, chân rộng 15m, mặt rộng 10m, cao 0,521m7.
Kích thước tường thành Nội: điện tích thành Nội 16.400m2; tường thành phía Nam dài 355m, chân rộng 5 – 10m, mặt rộng 5 – 7m, cao 0,810m; tường phía Bắc dài 405m, chân rộng 7 – 15m, mặt rộng 5 – 10m, cao 0,132m; tường phía Đông dài 310m, rộng chân 10 – 15m, mặt rộng 10 – 12m, cao 0,539 – 1,205m; tường phía Tây (còn lại) dài 470m, chân rộng 7 – 10m, mặt rộng 5 – 7m, cao 0,754 – 1,146m.
3.2. Cấu trúc
– Cấu trúc tường thành
Thành Cha được xây dựng trên khu vực đất cao bên bờ Nam sông Côn, dựa vào điều kiện tự nhiên trong vùng. Tường thành phía Bắc uốn theo dòng sông Côn và sông Côn là ngoại hào. Các gò đất trong khu vực cũng được tận dụng và tích hợp vào tường thành và là một bộ phận của hệ thống tường thành, như gò Cột Cờ, gò Son, gò Bờ Tể, gò Cây Me, gò Giữa hay gò ông Tỵ. Nếu các gò đất cao được lợi dụng để đắp thành thì các bàu nước, dộc nước, lạch/mương nước cũng được lợi dụng để xây dựng hệ thống hào nước ở trong và ngoài thành, như bàu Bà Ký, Bàu Đá, Bàu Tron, Bàu Sen, Bàu Thị, Bàu Đục, Dộc Đìa, Dộc Mọi, Đồng Sạ, Đồng Máng, Mảng Sâu, Mương Hoả,…
Vì vậy, cũng như nhiều di tích thành Champa khác, thành Cha không có hình dạng cân đối, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định, vững chắc, kiên cố. Không những thế, với khúc uốn bên cạnh sông sâu nước cả, bờ đầm, bàu, dộc quanh năm đầy nước đã khiến cho các tường thành càng hiểm yếu, gây rất nhiều khó khăn cho việc thâm nhập từ ngoài vào và rất thuận lợi cho các hoạt động tác chiến từ trong ra. Với hệ thống hào nước trong và ngoài thành, không chỉ thuận lợi cho quân đội tác chiến, vận động bằng đường thuỷ mà còn là đường giao thông thuận tiện lên phía Bắc và xuống phía Nam, đồng thời nó còn có chức năng tiêu thoát nước phục vụ đời sống hàng ngày cho một vùng sản xuất rộng lớn ở trong và ngoài thành.
Thành Nội có dạng hình thang vuông, tường thành Nội phía Bắc tích hợp vào tường thành Ngoại, lấy sông Côn làm ngoại hào. Hào thành ở ba phía Nam, Đông, Tây đã bị san lấp thành ruộng, chỉ còn dấu vết. Theo khảo sát của chúng tôi, hào thành Nội phía Nam có tên dân gian là dộc Mọi, nó hoà nước với lạch nước từ sông Côn, qua cửa nước tường thành phía Tây8 chảy vòng qua góc Tây Nam thành Ngoại rồi men theo phía ngoài tường thành Ngoại dẫn nước đến góc Tây Nam thành Nội. Từ đây, lạch nước chảy chéo theo hướng Đông Bắc đến cửa nước giữa tường thành Ngoại phía Đông (Hần Ông Lộc).
Cho đến nay, không có tài liệu nào nói đến hào của tường thành Nội phía Đông. Thực trạng vẫn còn dấu vết hào nước bên ngoài tường thành Nội phía Đông. Đó là mương nước nhỏ chạy men bên ngoài tường thành Nội phía Đông theo chiều Bắc Nam, nối hai cửa nước ở giữa thành Ngoại phía Bắc (dưới gò Cột Cờ) và thành Ngoại phía Nam (Đồng Gieo). Như vậy, các hào nước của thành Nội được liên thông với hào nước thành Ngoại và nối với sông Côn ở phía Bắc và phía Tây tạo thành hệ thống đường thuỷ liên hoàn rất thuận lợi cho thuỷ quân, đồng thời là đường giao thông thuận tiện trong thành với ngoài thành qua sông Kôn.
– Khu vực kiến trúc tôn giáo
Khai quật thành Cha năm 2015, 2016 đã phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc tôn giáo trong khu vực trung tâm thành Nội, có niên đại từ thế kỷ IV-VI đến thế kỷ VII-IX9. Ngoài ra, trên tường thành Ngoại, ở 2 góc Tây Nam và Đông Bắc còn có các miếu. Các tài liệu trước đây khi nói về các di tích khảo cổ học trong thành Cha đều mô tả về phế tích kiến trúc trong khu vực gò đất cao nằm ở trung tâm thành Nội (gò Giữa hay gò Ông Tỵ) hoặc ở gò Bờ Tể (góc Tây Bắc thành Nội)10, chưa có tài liệu nào đề cập đến các di tích kiến trúc tôn giáo phân bố trên các tường thành. Mặc dù những kiến trúc này có niên đại muộn, nhưng chắc hẳn chúng có liên quan chặt chẽ đến sự hình thành, tồn tại của toà thành này và là bộ phận quan trọng của thành Cha11.
Trong đợt điều tra, khảo sát năm 2015, chúng tôi đã nghiên cứu 03 miếu thờ, trong đó 2 miếu thuộc xóm An Định và 01 miếu thuộc xóm An Lạc.
Miếu Bà toạ lạc trên khu đất bằng phẳng tại xóm An Định (thôn An Thành), nằm kề bên góc Tây Nam của thành Ngoại. Mặt bằng kiến trúc gồm 02 phần: sân và miếu, đều mở cửa quay hướng Nam lệch Đông 250.
Cửa miếu có bức đại tự (An Miếu Bình) ở trên và câu đối hai bên cửa, viết chữ Hán ca ngơi phong cảnh và cho biết đây là miếu Bà, thờ nữ thần trông coi và giữ “An Bình” cho khu vực góc Tây Nam thành Cha. Miếu Ông còn gọi là miếu thôn An Định, toạ lạc trên một khoảnh đất ở đầu thôn An Định. Mặt bằng kiến trúc và kết cấu kiến trúc giống với miếu Bà, chỉ khác là quy mô lớn hơn và có thêm hiên trước miếu. Tư liệu chữ Nôm tại miếu là 2 đôi câu đối ở trụ cửa hiên và hai bên cửa gian thờ chính (giữa), cho biết, người thờ trong miếu có công lớn được tôn thờ là Thành hoàng làng12.
Hai miếu, quy mô khác nhau, nhưng mặt bằng tổng thể và kết cấu các bộ phận kiến trúc của hai miếu đều giống nhau. Do đó chúng tôi cho rằng, chúng có cùng niên đại, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu XX.
Miếu Gò Cây Me toạ lạc trên khu đất cao ở góc Đông Bắc thành Ngoại, có tên dân gian là Gò Gạch. Trên khu đất này, vào thời Nguyễn mở chợ có tên là Trường Võ phục vụ nhân dân 3 xã Nhơn Lộc, Nhơn Khánh và Nhơn Hoà buôn bán, trao đổi hàng hoá và nông sản. Miếu Gò Cây Me có mặt bằng kiến trúc giống miếu Bà. Nội dung bức Đại tự và câu đối hai bên cho biết, đây là miếu thôn An Lạc (nay là 1 trong 4 xóm của thôn An Thành) thờ Thần linh, thổ địa canh giữ đất xóm An Lạc, được xây dựng vào năm 1958.
– Khu dân cư
Kết quả khai quật thành Cha năm 2015, 2016 cho biết, trước khi thành Cha được xây dựng, khu vực đất cao bên bờ sông Côn, hiện là Gò Giữa hay Gò Ông Tỵ ở trung tâm Thành Nội đã phát hiện được lớp văn hoá Sa Huỳnh muộn ở dưới, giữa là lớp cư trú và trên cùng là lớp các kiến trúc Champa. Như vậy, trước khi thành Cha được xây dựng, khu vực này đã được cư dân văn hoá Sa Huỳnh muộn (thế kỷ 2 – 3 AD) chọn làm nơi cư trú13 và sau đó là lớp cư dân Champa cư trú và xây dựng các kiến trúc tôn giáo (từ thế kỷ IV-VI đến thế kỷ VII-IX)14.
Các tư liệu và nghiên cứu trước đây mô tả rất ít về tình hình dân cư bên trong và ngoài thành Cha. Kết quả khai quật khảo cổ năm 2015 – 2016 mới cung cấp tư liệu xác định được khu vực phân bố khá đậm đặc các kiến trúc tôn giáo ở trung tâm thành Nội, chưa phát hiện được các loại hình kiến trúc khác, như cung điện, lầu gác phục vụ triều đình Vijaya,…
Hiện nay, phía Tây và Tây Nam thành Cha là các thôn An Định, Kim Long, một vùng đất cao rộng lớn có dân cư đông đúc và trù mật. Trên tường thành phía Đông và phía Nam của thành Ngoại, dân cư đã cư trú kín, nhà cửa và nhiều công trình dân dụng thô sơ và kiên cố đã được xây dựng. Theo thống kê, trên 2 tường thành này có tới 64 hộ dân định cư ổn định. Dĩ nhiên, cùng với sinh sống là các hoạt động xây dựng, sản xuất đã làm biến dạng cơ bản hiện trạng vốn có của các tường thành này.
– Khu vực sản xuất
Vào khoảng những năm 1990, phía Đông thành là thôn Trường Cửu, một khu quần cư rộng hàng ngàn mét vuông nằm ven sông Côn, đã phát hiện di chỉ lò gốm Trường Cửu. Sau 24 năm phát hiện, di chỉ được điều tra và khai quật vào năm 2014. Kết quả đã thu được nhiều kết quả khoa học quan trọng cho thấy, Trường Cửu là một trung tâm sản xuất gốm Champa có quy mô lớn, có niên đại vào thế kỷ XIV-XV, nằm cạnh thành Cha – kinh đô của vương triều Vijaya, góp phần minh chứng rõ hơn lịch sử sản xuất và xuất khẩu đồ gốm Trường Cửu nói riêng, gốm cổ Bình Định Nói chung. Nếu xét về không gian và thời gian, chúng ta có thể thấy Trường Cửu có mối quan hệ rất quan trọng với kinh đô Vijaya trong lịch sử. Bởi lẽ, Trường Cửu là khu sản xuất gốm nằm ở phía Đông Bắc của thành Cha, cách tường thành Ngoại chỉ gần 100m. Việc sản xuất nhiều loại gốm kiến trúc ở đây có thể phục vụ cho việc xây dựng các cung điện trong thành Cha đương thời. Tuy nhiên, những dấu tích kiến trúc phát hiện được ở thành Cha trong các cuộc khai quật năm 2015, 2016 được xác định niên đại từ thế kỷ IV-VI đến thế kỷ VII-IX. Vì vậy, niên đại của các lò gốm Trường Cửu, mối quan hệ giữa Trường Cửu với thành Cha và các khu vực sản xuất khác xung quanh kinh đô Vijaya cần tiếp tục được đầu tư nghiên cứu.
4. Kỹ thuật xây dựng và niên đại thành Cha
4.1. Kỹ thuật xây dựng
– Kỹ thuật xây dựng tường thành
Dựa vào kết cấu địa tầng, tình hình phân bố các di tích, di vật trong các lớp hố khai quật tường thành Ngoại phía Bắc, như sự xuất lộ của các cụm gạch, di tích tường gạch, lớp than đen, hiện tượng trũng võng mặt thành, hiện tượng laterite ở lớp cuối,… đã giúp xác định được kỹ thuật đắp thành và các giai đoạn đắp thành.
Thành được xây dựng trong hai đợt. Đợt 1, đắp từ chân đến độ cao khoảng 2m, tương đương với lớp 5, 6. Đợt 2, để gia cố thành vững chắc, người Chăm đã xây tường gạch ở phía trong tường thành, cao khoảng 1,20m, sau đó đắp mở rộng về phía Nam và đắp cao ở phía Bắc với độ cao bằng mặt tường gạch. Tường thành được đắp bằng đất sét pha cát vàng thuần khiết, được tuyển chọn, xử lý khá kỹ và không lẫn tạp chất. Gạch vụn có ở các lớp đất gần mặt thành hiện nay là do tường gạch đổ và bị vỡ vụn theo thời gian và tác động của con người. Qua điều tra khảo sát các vòng thành cho thấy, gạch vỡ và gạch vụn, chỉ có trên mặt thành và bờ thành phía trong (phía Nam). Hiện tượng này đúng với kết quả khai quật.
Khi đắp thành, người xưa đã lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên. Các gò đất được tích hợp vào tường thành, các đoạn sông, lạch nước, cửa nước đều được tận dụng làm hào và cửa nước của hệ thống hào nước và đều nối với sông Côn. Thành Ngoại Phía Bắc có đoạn uốn lượn theo dòng chảy của Sông Côn; góc Tây Nam của thành Ngoại, được đắp uốn theo một dòng chảy từ sông Côn hoà vào hào nước giữa thành Nội và thành Ngoại ở phía Nam, có tên dân gian là Dộc Mọi đến cửa nước phía Đông (Hầm Ông Lộc) chảy ra Đầm Sen đầu thôn Trường Cửu rồi hòa vào nước sông Côn. Đây là kỹ thuật đắp thành lợi dụng triệt để điều kiện tự nhiên sẵn có để vừa tiến kiệm được công sức, vừa tạo cho tường thành vững chắc.
– Kỹ thuật đào hào
Quan sát hệ thống hào thành Cha, chúng ta dễ dàng nhận thấy, sông Côn được lợi dụng làm ngoại hào của thành Ngoại phía Bắc. Một dòng chảy nhỏ từ sông Côn đến góc Tây Nam thành Ngoại, được lợi dụng làm hào ngoại cho đoạn tường thành ở đây. Hầm Ông Lộc, Bàu Sen giữa tường thành Ngoại phía Đông được lợi dụng làm cửa nước chảy ra sông Côn qua thôn Trường Cửu. Như vậy, hào thành Cha có những đoạn lợi dụng dòng chảy tự nhiên sẵn có, có đoạn được đào đất đắp tường thành. Bên ngoài thành Cha, hiện nay còn nhiều địa danh liên quan đến hệ thống hào thành. Từ phía Tây đến phía Bắc, có 5 bàu nước: Bàu Sen, Bàu Đục, Bàu Bà Ký, Bàu Tron và Bàu Đá. Như vậy, trong kỹ thuật đắp tường thành, người Chăm đã đồng thời thực hiện hai công việc một lúc: vừa đào hào, vừa đắp tường thành. Quan sát đất đắp thành qua hố khai quật tường thành phía Bắc, là đất pha cát màu vàng, hạt to. Loại cát này hiện còn ở những bãi ven bờ hoặc nổi thành bãi lớn giữa lòng sông Côn. Do vậy, các bàu nước này có thể được hình thành do quá trình đào đất đắp tường thành Ngoại.
Mặc dù hệ thống hào của thành Nội cơ bản không còn, đều đã trở thành ruộng trồng lúa hoặc khu đất trũng, nhưng những tên dân gian có thể giúp chúng ta hình dung được các hào bên ngoài thành Nội. Mương Hoả bên ngoài tường thành Nội phía Đông, hoà nước với Dọc Mọi (hào nước bên ngoài tường thành Nội phía Nam), nối với hệ thống hào thành Ngoại qua cửa nước giữa tường thành phía Nam và nối với sông Côn ở phía Bắc qua cửa nước dưới gò Cột Cờ.
4.2. Niên đại
Hiện nay thành Cha chưa được xác định niên đại tuyệt đối, nhưng thông qua nghiên cứu nguyên liệu, kỹ thuật đắp và diễn biến các lớp đất đắp thành qua mặt cắt hố khai quật thường thành phía Bắc, đặc biệt là 2 hiện tượng: [i] Mức độ trũng võng của mặt đất lớp 5 cho thấy, có thể thành giai đoạn I đã đắp xong, nhưng do hoạt động đi lại trên mặt đã làm lún trũng mặt thành. [ii] Lớp đất lẫn than đen ở cuối lớp 4, có thể do hoả hoạn hoặc có thể do hoạt động xây dựng hệ thống tường gạch dọc tường thành, mở đầu cho việc đắp thành giai đoạn II.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thành Cha được đắp vào 2 giai đoạn. Giai đoạn sớm (I) là lớp thành đắp dưới chân tường gạch (tương đương với lớp đào 5, 6), trong chứa gốm thô, khuyên tai đá Sa Huỳnh muộn và đồ đất nung Champa sớm, với niên đại đoán định khoảng thế kỷ IV-VI AD, khi đó thành còn thuộc châu Vijaya. Niên đại này tương đương với lớp kiến trúc KT01 khai quật tại trung tâm thành Nội (gò Ông Tỵ). Giai đoạn II (muộn) là lớp thành được gia cố bằng tường gạch và các lớp đất đắp mở rộng về phía Nam và đắp phủ trùn cao ở phía Bắc (tương đương với lớp đào 2, 3, 4), niên đại khoảng thế kỷ VII-IX, khi thành Cha đóng vai trò là kinh đô ban đầu, khoảng thời gian người Chăm chuyển đô từ Quảng Nam vào Bình Định năm 1000.
5. Kết luận
Kết quả các cuộc khai quật thành Cha năm 2015, 2016 đã cung cấp nhiều tư liệu vô cùng quan trọng giúp cho việc xác định niên đại các lớp kiến trúc trong Nội thành, từ thế kỷ IV-VI (lớp kiến trúc KT01) đến thế kỷ VII-IX (lớp kiến trúc KT02) hoàn toàn phù hợp với 2 giai đoạn đắp thành. Đây là hai giai đoạn mở đầu và phát triển triển của thành Cha hay nói cách khác, từ lúc khu vực này còn là châu Vijaya đến khi trở thành kinh đô đầu tiên của vương quốc Vijaya.
Kết quả khai quật tại thành Nội còn phát hiện được 03 loại ngói âm, dương mới, mang phong cách Khmer, được xác định niên đại vào thế kỷ XI-XII15. Phát hiện này rất phù hợp với tư liệu lịch sử ghi chép về thành Cha giai đoạn này16.
Với diện tích khai quật 900m2 là chưa nhiều so với diện tích của thành Cha (55.700m2) và quy mô rộng lớn của trung tâm kinh đô Vijaya (thành Nội 16.400m2). Hố khai quật tường thành Ngoại phía Bắc chỉ rộng 2m, còn quá khiêm tốn so với tổng chiều thành Ngoại (chu vi) là 2.749m. Kết quả khai quật là rất khả quan, đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng xung quanh thành Cha, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp theo. Đó là: [i] Quy mô, cấu trúc của các kiến trúc được xây dựng ở trong và ngoại thành dựa trên phát hiện các di tích kiến trúc và chức năng của chúng; [ii] Về dân số học, nguyên liệu đắp thành, khối lượng đất đắp, lực lượng đắp, vai trò của vua và triều đình Vijaya trong thiết kế, chỉ huy, tổ chức, huy động lực lượng, cung cấp dụng cụ, phương tiện đắp, khả năng duy trì, bảo vệ kinh đô,… [iii] Sự vắng mặt của những kiến trúc cung điện, lầu gác là nơi làm việc và nghỉ ngơi của vua quan, triều đình Vijaya và những nơi đô hội, sầm uất của kinh đô? [iv] Theo dòng sông Côn, quan hệ giữa hệ thống các di tích đền – tháp ở Núi Cấm, tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn ở phía Tây với khu di tích thành Cha ở Trung tâm và với cảng Thị Nại ở phía Đông. Đây là trục phát triển truyền thống của các kinh thành/kinh đô Champa còn thấy ở nhiều nơi trong không gian phân bố của văn hóa Champa, chẳng hạn như ở dọc sông Thu Bồn, với các di tích: Cửa Đại Chiêm, thành Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn.
Những vấn đề đặt ra ở trên cho thấy rằng, công cuộc nghiên cứu về kiến trúc thành Cha nói riêng, đầy đủ hơn về diện mạo của kinh đô Vijaya và vị trí vai trò của nó trong lịch sử Champa cần phải đầu tư nghiên cứu.
___________
1. Bài viết là một phần trong công trình: Lại Văn Tới (2018), “Thành Cha (Bình Định) – kết quả khai quật và nghiên cứu mới”, trong Thông báo khoa học 2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành, H.: Nxb. KHXH, tr. 32 – 53.
2. Lê Đình Phụng (1988), “Thành Chas (Nghĩa Bình cũ)”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1988, H.: Nxb. KHXH; Lê Đình Phụng (1993), “Vài ý kiến về thành cổ Champa ở Bình Định”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 49-66.
3. Lê Đình Phụng (2002), Di tích văn hoá Champa ở Bình Định, H.: Nxb. KHXH.
4. Lại Văn Tới và nnk (2017), “Thành Cha (Bình Định) – kết quả khai quật và nghiên cứu năm 2015”, trong Thông báo khoa học 2016, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, H.: Nxb. KHXH, tr. 9 – 32.
5. Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia Nara (2012), Báo cáo khảo sát di tích phía Tây Prasat Top thuộc dự án nghiên cứu địa điểm Angkor trong lịch sử. Nxb, Digital Adve rtising, Camhbosia.
6. Độ cao tường thành so với cao độ giả định.
7. Đây là số đo chiều dài thành đến thời điểm tháng 11-2015. Theo số đo trước đây, tường thành phía Tây dài 243m, mặt rộng 15 – 21m, cao 1,5 – 2,3m [Đinh Bá Hoà (2017), “Vị trí thành Cha (Bình Định) qua chứng cứ khảo cổ học”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2016, H.: Nxb KHXH, tr. 559 – 562].
8. Theo mô tả của Lê Đình Phụng (2002), nay cả tường thành và cửa nước phía Tây đều không còn.
9. Lại Văn Tới (2017), Tlđd.
10. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Thành cũ An Thành tục gọi là thành Bắc ở thôn An Thành, phía Đông huyện Tuy Viễn, do người Chiêm Thành xây dựng, nay đã đổ nát, dấu cũ vẫn còn” [QSQ triều Nguyễn (1992), Đại Nam Nhất thống chí, Huế: Nxb. Thuận Hoá. tr. 37]. Hồ sơ di tích mô tả: với những vết tích còn lại trong lòng thành An Thành như gạch ngói sụp lở, các kiến trúc trong lòng thành, đặc biệt là các phù điêu trang trí bằng đá, đất nung, ngói ống đã phần nào phản ánh quy mô và vẻ hoành tráng một thời của tòa thành này trong lịch sử [Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (2001), Hồ sơ di tích, tr. 9]. Theo Lê Đình Phụng, chính giữa thành Nội là dấu vết của công trình kiến trúc xưa sụp đổ. Tại đây, ngoài gạch và vật liệu xây dựng chủ yếu, còn có các thành phần kiến trúc đá, các thanh lanh tô ngang cửa, ngõng cửa đục lỗ tròn, đặc biệt trong đống gạch đổ nát còn tìm thấy một phù điêu thể hiện nữ thần bán thân khá đẹp, một tượng tròn thể hiện một vũ nữ múa… Chứng tỏ đây là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, được trang trí đẹp.
11. Xem thêm: Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Champa, H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
12. Lại Văn Tới (2017), Tlđd.
13. Trong lớp văn hoá Sa Huỳnh đã phát hiện di tích mộ táng dùng nồi vò úp nhau.
14. Lại Văn Tới (2017), Tlđd; Lại Văn Tới (2018), “Thành Cha (Bình Định) – kết quả khai quật và nghiên cứu mới”, trong Thông báo khoa học 2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành, H.: Nxb. KHXH, tr. 32 – 53.
15. Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia Nara (2012), Tlđd; Lại Văn Tới (2018), Tlđd.
16. Đào Duy Anh (1963), “Tình hình nước Chiêm Thành trước sau thế kỷ X (theo chính sử Trung Quốc)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 51, tr. 23-28.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(2005), Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Thuận Hoá – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.
Bảo tàng tổng hợp Bình Định (1993), Lý lịch di tích, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
Đào Duy Anh (1963), “Tình hình nước Chiêm Thành trước sau thế kỷ X (theo chính sử Trung Quốc)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 51 tháng 6, tr. 23-28.
Đinh Bá Hoà (2017), “Vị trí thành Cha (Bình Định) qua chứng cứ khảo cổ học”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2016, H.: Nxb KHXH, tr. 559 – 562.
Hà Bích Liên (1992), “Thành trì Champa ở Vijaya”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr. 41 – 47.
Lại Văn Tới (2018), “Thành Cha (Bình Định) – kết quả khai quật và nghiên cứu mới”, trong Thông báo khoa học 2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành, H.: Nxb. KHXH, tr. 32 – 53.
Lại Văn Tới, Đặng Thị Khương, Đào Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Hiếu, Đinh Bá Hoà, Nguyễn Văn Ngọc (2017), “Thành Cha (Bình Định) – kết quả khai quật và nghiên cứu năm 2015”, trong Thông báo khoa học 2016, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, H.: Nxb. KHXH, tr. 9 – 32.
Lê Đình Phụng (1988), “Thành Chas (Nghĩa Bình cũ)”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1988, H.: Nxb. KHXH.
Lê Đình Phụng (1993), “Vài ý kiến về thành cổ Champa ở Bình Định”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 49-66.
Lê Đình Phụng (2002), Di tích văn hoá Champa ở Bình Định, H.: Nxb. KHXH.
Lê Đình Phụng (2015), Đối thoại với nền văn minh cổ Champa, H.: Nxb. KHXH.
Lê Đình Phụng, Nguyễn Tiến Đông (1992), “Phát hiện gốm trang trí ở Thành Cha (Bình Định)”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1991, H.: Nxb. KHXH.
Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Chăm Pa, H.: Nxb. VHTT.
QSQ triều Nguyễn (1992), Đại Nam Nhất thống chí, Huế: Nxb. Thuận Hoá.
Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia Nara (2012), Báo cáo khảo sát di tích phía Tây Prasat Top thuộc dự án nghiên cứu địa điểm Angkor trong lịch sử. Nxb, Digital Adve rtising, Camhbosia.
Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa miền Trung 2022,
Chuyên đề Di sản Kiến trúc truyền thống, Nxb Đại học Huế
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Kiến trúc Thành Cha (Bình Định) qua kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học – Tác giả: PGS.TS Lại Văn Tới |