Kỹ thuật dịch Hán- Việt từ góc độ ngữ pháp

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  LIÊU VĨNH DŨNG
(Khoa Trung Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Huế)

TÓM TẮT

     Dịch Hán-Việt là quá trình chuyển đổi ngôn ngữ từ văn bản nguồn (tiếng Trung) sang ngôn ngữ dịch (tiếng Việt), là một hoạt động giao tiếp liên ngôn ngữ và văn hóa được xác lập trên cơ sở so sánh đối chiếu về các bình diện của ngôn ngữ, văn hóa giữa hai dân tộc hay hai quốc gia. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến mối liên quan, các đặc điểm đặc thù về ngữ pháp của tiếng Hán và tiếng Việt nhằm tìm hiểu về tính hoạt dụng, sắc thái biểu thị khác nhau và tính phức tạp của một số hiện tượng ngữ pháp trong quá trình dịch Hán-Việt nhằm làm rõ ý nghĩa ngữ pháp, khả năng kết hợp, cách sử dụng một số hư từ và câu đặc biệt… cũng như hiện tượng ngữ pháp giống và khác nhau của hai ngôn ngữ để phân tích nhằm tìm ra được kỹ thuật dịch tốt hơn.

Từ khóa: Dịch Hán-Việt, Câu bị động, Câu chữ “被”, Câu chữ “把”.

x
 x x

 

I. Đặt vấn đề

     Dịch Hán-Việt là một trong những kỹ năng hết sức quan trọng đối với người học ngoại ngữ tiếng Trung và tiếng Việt. Kỹ năng này quả thực là không dễ đối với người dạy và học chuyên ngành này, bởi nó đòi hỏi một sự chính xác gần như tuyệt đối về ý nghĩa trong việc truyền đạt từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Chính vì thế, công việc dịch thuật cũng phải có một sự am hiểu sâu sắc (khả năng hiểu và truyền đạt) về cả hai (hoặc nhiều) thứ ngôn ngữ mà mình phải dịch.

     Để đi vào nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ của một dân tộc nào đó, nhất là để chuyển ngữ từ ngôn ngữ của dân tộc này sang ngôn ngữ của một dân tộc khác thì nhất thiết không thể thiếu được ngữ pháp. Bởi lẽ, nó là công cụ cốt yếu để nối kết, kết cấu tạo thành từ, ngữ, phân câu và câu trong ngôn ngữ được biểu đạt. Với ý nghĩa quan trọng ấy, người sử dụng, nghiên cứu ngôn ngữ đều phải lấy ngữ pháp, văn phạm làm cơ sở để xây dựng nền tảng trong dịch thuật cũng như trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy trong dịch thuật không thể không nghiên cứu các hiện tượng ngữ pháp đặc thù trong hệ thống hai ngôn ngữ được chuyển dịch.

     Việc đổi mới giảng dạy và học tập môn Dịch cho chuyên ngành đào tạo Biên, Phiên dịch tiếng Trung ở các trường đại học là việc cần hết sức quan tâm mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Bởi vì dịch thuật là một vấn đề phức tạp, phạm vi thì quá rộng và cũng đầy thử thách. Tuy từ trước đến nay được nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước đã quan tâm về dịch Hán -Việt, nhưng từ góc độ ngữ pháp mà xem xét và nâng thành lý luận thì chưa nhiều lắm. Hy vọng hướng nghiên cứu này sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các đồng nghiệp để có thể nghiên cứu sâu hơn các kỹ thuật dịch Hán-Việt.

II. Nội dung

     A. Đặc điểm chính của Dịch Hán-Việt

     1. Dịch Hán -Việt có những đặc điểm khác so với các thứ tiếng khác, đó là về văn hóa con người, sự nguyên tắc, sự tỷ mỉ, chính xác mới có thể giúp cho người dịch có được những kiến thức cơ bản trong dịch Hán -Việt phục vụ cho công việc cũng như học tập và nghiên cứu. Dịch Hán -Việt đạt chuẩn đó là một yếu tố phức tạp, nếu không phải là một người hiểu rõ ngữ pháp tiếng Hán thì việc dịch Hán-Việt đạt chuẩn là một điều rất khó. Bởi vì như chúng ta đã biết: ngôn ngữ truyền đạt ý nghĩ, tình cảm và cảm xúc của con người. Do đó khi dịch từ Tiếng Hán sang tiếng Việt thì ta phải chuyển ngữ được chính xác, trung thành với bản gốc mà vẫn giữ được ý của người viết khi dịch để đạt được 3 yêu cầu: Tín – Đạt – Nhã như nhà nghiên cứu lý luận dịch Trung Quốc đã đưa ra.

     2. Dịch Hán -Việt là thay đổi thứ tự các cấu trúc ngữ pháp trong quá trình dịch như: thực từ, hư từ được sử dụng như thế nào cho đúng, cách đặt câu, cách dùng từ… Bởi vì cách đặt câu trong văn bản gốc và văn bản dịch rất khác nhau, vì vậy văn bản dịch sẽ được điều chỉnh dựa theo nguyên tắc ngữ pháp của văn bản được dịch. Tuy nhiên đặc điểm này không phải tuyệt đối, có thể tìm được mẫu câu tương đồng hoặc gần giống với văn bản gốc để giữ trật tự của câu gốc hay không thì điều này còn có quan hệ mật thiết với trình độ, khả năng tư duy của người dịch.

     3. Tiếng Hán và tiếng Việt do có chung đặc điểm loại hình, nên về mặt từ vựng có nhiều điểm tương đồng về cấu tạo cũng như nội dung ngữ nghĩa. Hơn nữa, trong vốn từ vựng tiếng Việt, tồn tại một số lượng lớn từ Hán Việt, khoảng trên 60%.

     Đây chính là những thuận lợi đồng thời cũng là khó khăn trong dịch Hán Việt. Nhưng xem xét từ góc độ ngữ pháp thì đặc điểm của thực từ và hư từ trong phương thức ngữ pháp của tiếng Hán và tiếng Việt tuy khá giống nhau, đều sử dụng thủ pháp hư từ, nhưng sắc thái biểu thị khác nhau, mức độ phong phú và tính phức tạp cũng khác nhau. Vì thế, trong quá trình dịch Hán Việt, việc làm rõ ý nghĩa ngữ pháp, khả năng kết hợp của các hư từ trong câu của hai ngôn ngữ là vô cùng quan trọng. Ví dụ:

     (1) 其传播之快,吸引力之强是任何一种新技术所丌能比拟的。

     Cách dịch 1: Về tốc độ phát triển và sức hấp dẫn của nó thì không một nền kỹ thuật mới nào có thể bì kịp.

     Cách dịch 2: Không có một ngành kỹ thuật mới nào có thể bì kịp nó về tốc độ phát triển và sức hấp dẫn.

     Dịch câu trên, trước hết chúng ta cần phân tích kết cấu câu trong tiếng Hán, cần phân biệt rõ đó là câu đơn hay câu phức, sau đó tìm ra ý chính của câu, làm rõ quan hệ của từng thành phần trong câu, cuối cùng nghiên cứu xem có thể dịch dựa theo trật tự của câu gốc hay không. Như vậy cần dịch dựa theo nghĩa của từ, trật tự từ và mạch suy nghĩ. Đặc điểm cần chú ý ở đây là phương thức tư duy, kết cấu câu, nghĩa của từ có nhiều điểm tương đồng hoặc gần giống nhau, không cần điều chỉnh nhiều chúng ta cũng có thể dịch song ngữ, mà văn bản dịch cũng phù hợp với thói quen và quy tắc ngữ pháp.

     Như vậy, một câu văn (đoạn văn) có thể dịch dựa theo kết cấu câu văn gốc hay không hoàn toàn được quyết định bởi trình độ song ngữ của người dịch. Cùng một đoạn văn, có người dịch dựa theo trật tự từ của văn bản gốc, có người thì lại làm ngược lại, bởi vì trình độ nắm vững và vận dụng câu văn của mỗi người là khác nhau nhưng vẫn giữ được hàm ý của nguyên văn.

     4. Dịch tách và dịch ghép: Dịch tách chính là từ 1 câu trong văn bản gốc chúng ta dịch thành 2 hoặc 3 câu. Dịch ghép là từ 2 hoặc 3 câu gốc dịch thành 1 câu. Ví dụ:

     (2) 广宁矿区正计划提高开采量,力争达到年开采量二千万到三千万吨幵随时准备同外国公司实行合作以促进煤炭的开采和销售工作.这种合作是在平等互利的基础上进行的。

     (Khu mỏ Quảng Ninh đang dự tính ra sức nâng sản lượng khai thác lên từ 20 triệu tấn đến 30 triệu tấn mỗi năm và sẵn sàng hợp tác với công ty nước ngoài để đẩy mạnh công việc khai thác và tiêu thụ than trên cơ sở hợp tác và bình đẳng, cùng có lợi.)

     (3) 尹克升同志祝贺越南人民在革新事业中所取得的巨大成就,祝愿我国人民在越南共产党的领导下继续取得更大的胜利。

     (Đồng chí Doãn Khắc Thăng chào mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong công cuộc đổi mới. Đồng chí chúc nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn nữa.)

     Phân tích 2 ví dụ trên có thể thấy được, dịch tách và dịch ghép gồm 2 phương pháp sau:

     a- Thay đổi dấu chấm câu, sau đó mở rộng hoặc rút ngắn câu văn.

     b- Tóm nội dung chính từ văn bản gốc, sau đó biến nội dung đó thành một câu độc lập.

     Dịch tách và dịch ghép chủ yếu là sắp xếp lại câu văn trong văn bản dịch, đảm bảo câu hoàn chỉnh. Thực chất dịch tách chính là tách ra kết cấu câu mới hoàn chỉnh từ văn bản gốc. Dịch ghép chính là gộp kết cấu ngữ pháp, kết cấu câu giữa các bộ phận thành một kết cấu câu hoàn chỉnh.

     5. Xử lí từ trùng lặp: Trong tiếng Hán, có một số câu văn thường xuất hiện từ trùng lặp, ví dụ: “我们要承认困难, 分析困难, 向困难作斗争”. Trong câu này từ “困难” đã bị lặp lại 3 lần, nhưng người Trung Quốc vẫn cảm thấy câu văn đầy đủ và tự nhiên. Xử lí tốt từ trùng lặp là một kỹ năng dịch vô cùng quan trọng trong dịch văn bản tiếng Hán. Từ ví dụ trên có 2 phương pháp để xử lí từ trùng lặp: 1- Bỏ những từ trùng lặp không cần thiết, không có tác dụng bổ sung và nhấn mạnh. 2- Giữ lại những từ trùng lặp quan trọng như từ biểu đạt chính xác ý nghĩa của văn bản gốc hoặc là những từ cần thiết. Ví dụ:

     (4) 谁想吃什么就吃什么。 Ai muốn ăn thì ăn.

     (5) 哪里有困难,哪里有青年。Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.

     Như vậy,kỹ năng dịch dùng để giúp chúng ta khắc phục sự khác biệt giữa văn bản gốc và văn bản dịch. Dùng phương pháp dịch thông qua các hiện tượng ngữ pháp để xử lý văn bản không những chính xác mà còn có thể tái hiện lại một cách chính xác nội dung mà văn bản gốc muốn truyền tải. Vì vậy, thông qua việc học tập, rèn luyện, nắm vững kiến thức ngữ pháp, kỹ năng dịch sẽ giúp ích cho việc dịch tiếng Hán -Việt có hiệu quả tốt hơn.

     B. Một số đặc điểm ngữ pháp cần chú ý khi chuyển dịch

     Ngữ pháp là toàn bộ những quy tắc về từ và cách dùng từ để sắp xếp thành câu văn hay lời nói. Phạm vi nghiên cứu các hiện tượng ngữ pháp trong tiếng Hán và tiếng Việt lại quá rộng, nhưng nếu không am hiểu ngữ pháp thì không thể nói đúng, dịch 2 ngôn ngữ này một cách thấu đáo và chuẩn xác. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ phân tích một số ít đặc điểm cần chú ý trong quá trình chuyển dịch, đó là một vài hiện tượng ngữ pháp của hư từ, một số dạng câu đặc biệt…để minh chứng điều cần quan tâm trong quá trình chuyển dịch mà thôi.

     1. Trật tự từ

     Trong tiếng Hán rất coi trọng thứ tự từ và hư từ vì nó chiếm một vị trí quan trọng. Trước hết, thứ tự từ không giống nhau khiến cho ý nghĩa biểu đạt không giống như:“我喜欢他”“他喜欢我”;“丌很好”“很丌好”. Thứ 2 việc dùng hoặc không dùng hư từ và việc dùng các hư từ không giống nhau cũng khiến ý nghĩa biến đổi đi như: “看书”“看的书”;“我把他摔倒了”“我被他摔倒了”。

     Ngoài ra ngữ pháp tiếng Hán còn có những nét đặc thù riêng như: số lượng từ rất phong phú, các sự vật khác nhau thì đi với các lượng từ khác nhau. Sự hoạt dụng của bổ ngữ, động từ ngoài việc có thể đi cùng với các bổ ngữ để biểu thị thái độ lúc đó như “了” “着” “过” còn thường kết hợp được sử dụng với các bổ ngữ ấy. Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến việc tổ từ đơn, song âm tiết.Ví dụ như có thể dịch “进行学习”( tiến hành học tập) tuy nhiên không thể dịch là“进行学”(tiến hành học) theo thói quen trong tiếng Việt; có thể nói “美丽富饶的宝岛” “又美又富的宝岛”nhưng ta thường không dịch là “美、富的宝岛”.

     2. Một số hư từ

     Tìm hiểu cách dùng một số hư từ để thấy được cách hiểu đúng sai trong quá trình dịch: Hư từ là lớp từ công cụ ngữ pháp mà nếu không hiểu rõ được thì chúng ta khó đọc hiểu và dịch được các văn bản Hán ngữ thể hiện dưới mọi phong cách dạng thể từ cổ đại đến cận đại và cả hiện đại. Bởi vì, hư từ là những từ không biểu thị ý nghĩa thực tại. Tác dụng chủ yếu của hư từ là biểu thị quan hệ ngữ pháp, là phương tiện quan trọng giúp thực từ tổ hợp thành đoản ngữ hoặc câu. Hư từ không thể làm thành phần câu, không thể một mình tạo thành câu. Sau đây thử phân tích một vài phó từ để thấy được cách dùng của hư từ phải được sử dụng trong dịch cho chính xác. Ví dụ:

     (6) 在这里,我们有什么问题也来问老师。(Ở đây chúng tôi có vấn đề gì cũng đến hỏi thầy giáo.)

     (7) 什么时候老师也关心我们。 (Lúc nào thầy giáo cũng quan tâm chúng tôi.)

     (8) 我生病的时候,谁也来看我。 ( Lúc đau ốm ai cũng đến thăm tôi.)

     Từ 也 làm phó từ biểu thị đồng dạng hoặc nhấn mạnh hai sự việc song song với nhau. theo nghĩa gốc được biểu đạt của các ví dụ (6) (7) (8) khi dịch sang tiếng Hán nên chuyển đổi thành dùng都 (đều) để hợp với văn phong của Hán ngữ hơn. Bởi vì trong tiếng Việt 也 và 都đều có thể dùng chung một từ là “cũng”.

     Tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ phân tích tính, ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu không phải là thông qua sự biến đổi hình thái của từ mà thông qua trật tự từ, hư từ, chức năng ngữ pháp từ để chỉ ra mối quan hệ ngữ nghĩa khác nhau. Tác dụng của hư từ rất quan trọng trong dịch thuật. Ví dụ:

     (9) 因为你我整夜没合眼。 (Tại anh tôi thức suốt đêm.)

     (10) 越南工人阶级因此而成长起来。 (Do đó giai cấp công nhân Việt Nam trưởng thành.)

     Ví dụ (9) và (10) trong tiếng Hán phải dùng các kết cấu” 因……而”,”由于……所以”,”凭着:,”靠着”… mới có thể lột tả được ý nghĩa của chữ “mà” vì trong tiếng Việt thường do các từ liên kết vì, do, tại, với… biểu thị nguyên nhân, mục đích hoặc điều kiện. Ví dụ:

     (11) 我们已经向他商量过这件事了。(Chúng tôi đã thương lượng với họ việc này rồi.)

     (12) 我们要向同学们通知。 (Chúng ta nên thông báo cho các bạn.)

     Trong 2 ví dụ trên, giới từ 向 (hướng) biểu thị phương hướng động tác, ví dụ 向领导反映情况 (phản ánh tình hình với cấp trên) có phương hướng động tác của (cấp dưới đối với cấp trên). Động từ 商量 (thương lượng, bàn bạc) trong ví dụ(11)không có chỉ phương hướng trên dưới, không dùng 向 (hướng) dẫn đến đối tượng, vì vậy khi dịch nên thay đổi cách dùng dẫn đến đối tượng bằng giới từ 跟 (với) hoặc 同 (cùng). Đối tượng động từ vị ngữ 通知 (thông báo) trong tiếng Hán có thể trực tiếp đứng sau động từ vị ngữ làm tân ngữ, không cần phải dùng giới từ 向 (hướng). Do đó ví dụ (12) khi dịch nên dịch thành 我们通知同学们 (chúng tôi thông báo cho các bạn) như vậy sẽ chính xác hơn. Ví dụ:

     (13)我会跟你一起上城。

     Trong ví dụ (13) các giới từ “với” và “cùng” là những giới từ dùng để biểu thị đối tượng cùng tham gia vào một hành động hay hoạt động nên có chức năng tương đương nhau. Do vậy có thể có 3 cách dịch như sau:

     1: Tôi sẽ đi với anh lên thành phố.

     2: Tôi sẽ đi cùng anh lên thành phố.

     3: Tôi sẽ đi cùng với anh lên thành phố.

     3. Dạng câu đặc biệt

     Từ, từ ngữ, câu… trong ngữ pháp tiếng Hán và tiếng Việt đều có sự khác biệt, vì vậy khi tiến hành dịch chúng ta luôn gặp phải không ít khó khăn nên cần phải có kỹ năng dịch nhất định. Tuy cấu trúc của thành phần câu tiếng Hán và tiếng Việt cơ bản giống nhau. Thành phần nòng cốt gồm: chủ ngữ, vị ngữ. Thành phần phụ của câu gồm:định ngữ, trạng ngữ và bổ ngữ (trong tiếng Việt) và định ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, tân ngữ (trong tiếng Hán). Điều khác biệt lớn nhất và cũng là trở ngại của quá trình dịch Hán-Việt chính là những câu đặc biệt. Câu“đặc biệt” mang ý nghĩa là trái ngược với “thông thường”, vậy nên “câu đặc biệt” ở đây không phải chỉ xét trên một khía cạnh nào đó mà phải căn cứ vào đặc điểm khác nhau của nó như cú pháp, ngữ nghĩa…mới dịch đúng được. Sau đây chúng ta thử xem xét đặc điểm của một số câu đặc biệt:

     3.1. Câu bị động

     “Xét về loại hình câu, câu bị động trong tiếng Hán và tiếng Việt đều dựa trên việc có hay không dấu hiệu hình thức bị động để phân làm hai loại: một loại không có bất kỳ một ký hiệu (tiêu chí) nào được gọi là câu bị động về mặt ý nghĩa; một loại khác có giới từ biểu thị như “叫,被,让” loại câu này còn gọi là câu chữ 给”[6].

     Một số câu mà chủ ngữ là người hoặc sự vật chịu sự tác động của động tác nên về hình thức thì loại câu này không khác gì loại câu mà chủ ngữ là chủ thể phát ra động tác nhưng ý nghĩa bị động rất rõ ràng, còn tiếng Việt thì dùng “bị” và “được”. Cho nên khi dịch loại câu này chủ ngữ nên là một sự vật nào đó được xác định rất rõ ràng. Ví dụ:

     (14) 信已经写好了。Thư đã viết xong. ( Thư đã được viết xong.)

     (15) 杯子打破了。Cái tách [bị đánh] vỡ rồi.

     (16) 刚买来的东西都放在这儿了。Mấy thứ vừa mua [được] đặt ở chỗ này.

     Câu bị động trong tiếng Hán chủ ngữ chịu sự chi phối của hành vi động tác, phần chủ động phát ra động tác lại là tân ngữ của giới từ “叫,被,让”. Ví dụ:

     (17) 窗子都被风吹开了。Các cửa sổ đều bị gió thổi mở tung ra.

     (18) 困难一定会被我们克服的。Khó khăn nhất định phải bị chúng ta vượt qua. Nên dịch là: “Khó khăn này chúng ta nhất định phải khắc phục” mới hợp với văn phong tiếng Việt hơn.

     (19) 我的自行车让(叫/被)人借走了。Xe đạp tôi bị người ta mượn rồi.

     Các ví dụ trên cho thấy khi dịch loại câu này ra tiếng Hán, cần chú ý các điểm sau :

     a. Động từ vị ngữ của loại câu nầy phải là động từ cập vật. Về ý nghĩa có thể chi phối được chủ ngữ.

     b. “被,叫,让” cùng với phần chủ động sau nó tạo thành ngữ giới tân làm trạng ngữ.

     c. “被” được dùng nhiều trong cả viết và nói. “叫,让” thường dùng trong khẩu ngữ. Tân ngữ sau “被”có thể có có thể không, còn sau “叫,让” bắt buộc phải có tân ngữ (nếu không biết hoặc không thể nói ra thì dùng “人”).

     3.2. Câu chữ “被”

     “Câu chữ “被” là câu mà trước động từ vị ngữ dùng giới từ “被” (叫,让), chủ ngữ đặt ở đầu câu là người và sự vật chịu sự tác động của động tác”[6]. Ví dụ:

     (20) 他被大家选为班长了。(Anh ấy được mọi người bầu làm lớp trưởng)

     (21) 张教授被人请去做报告了。(Giáo sư Trương được mời đi báo cáo rồi)

     Câu chữ “被” của tiếng Hán có thể biểu thị ý nghĩa không may, không như ý, biểu thị sắc thái trung tính và cả sắc thái vui vẻ, như ý; trong khi đó câu chữ “bị” của tiếng Việt biểu đạt sự không may, không như ý đối với chủ thể chịu tác động, còn câu chữ “được” thì biểu thị sắc thái trung tính hoặc biểu cảm như ý, như mong đợi.

     Câu chữ “bị”, câu chữ “được” của tiếng Việt còn có thể biểu thị quan hệ chủ động, trong tình huống biểu thị quan hệ chủ động, câu chữ “bị/được” không có câu chủ động tương ứng. Câu chữ “被” trong tiếng Hán thì không có cách dùng như vậy. Bởi vậy khi dịch loại câu này phải xem xét động từ vị ngữ không phải là động từ đơn giản mà cần có cả trợ từ trạng thái “了”,”着, bổ ngữ, tân ngữ, động từ chỉ khả năng ngyện vọng… để nói rõ kết quả mức độ thời gian… của động tác

     3.3. Câu chữ “把”

     Câu chữ “把” là câu có kết cấu dùng giới từ “把”, hình thức kết cấu của nó là: (chủ ngữ) + 把 + tân ngữ của “把” + động từ + thành phần khác. Tân ngữ của câu vị ngữ động từ trong tiếng Hán thường nằm phía sau động từ, tuy nhiên trong câu chữ “把” thì tân ngữ lại được đưa lên trước động từ nhằm nhấn mạnh phương thức và kết quả của hành động. Ví dụ:

     (21) 他们把病人送到医院去了。(Họ đã đưa người bệnh đến bệnh viện rồi.)

     (22) 他把那把椅子搬到外边去了。(Nó đã đem cái ghế đó ra bên ngoài.)

     Ở ví dụ (21) (22) loại câu này dùng nhấn mạnh ảnh hưởng của chủ ngữ đối với tân ngữ và tân ngữ phải là một đối tượng cụ thể đã biết, không phải là đối tượng chung chung bất kỳ. Ví dụ:

     (23) 我应该把这篇课文翻译成英文。(Tôi phải dịch bài học này ra tiếng Anh)

     Chữ 把 báo hiệu cho biết ngay sau nó là tân ngữ, trong tiếng Việt không có kiểu câu tương đương. Bởi vậy cần chú ý đặc điểm của nó khi dịch ra tiếng Việt. Nhưng trong tiếng Việt lại không có hình thức câu như vậy, nên khi dịch câu chữ “把” sang tiếng Việt, ta chỉ có thể dùng hình thức kết cấu thông thường khác là Chủ ngữ +Vị ngữ +Tân ngữ để biểu đạt.

     Như vậy, nếu như những câu không có đủ điều kiện để sử dụng câu chữ “把” mà lại dùng “把” để biểu đạt thì sẽ dẫn đến dịch sai. Bởi vì loại câu này không dùng với động từ diễn tả sự chuyển động.Ví dụ: phải dịch: 学生进教室去了。 (Học sinh đi vào lớp). Chứ không được dịch là: 学生把教室进去了。

     Ngoài ra tân ngữ phải là một đối tượng cụ thể đã biết, không phải là đối tượng chung chung bất kỳ.

     (25) 我应该把这篇课文翻译成英文。(Tôi phải dịch bài học này ra tiếng Anh.)

     (26) 你别把衣服放在那儿。(Anh đừng để quần áo ở đó chứ.)

     Thông qua một số ví dụ như đã phân tích trên về hư từ và câu đặc biệt cho thấy các yếu tố ngữ pháp và từ vựng đóng góp hơn 50% cho một bản dịch thành công, còn lại sự khác biệt về văn phong, văn hóa giữa hai ngôn ngữ cũng như kinh nghiệm sống, kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu… đóng góp phần non nửa mà thôi mới thấy được các thành phần ngữ pháp giúp người dịch tự tin hơn trong dịch thuật đó là dịch chuẩn, dịch chính xác.

4. Một số điểm cần lưu ý trong quá trình chuyển dịch nhìn từ góc độ ngữ pháp

     1. Nắm vững quy tắc ngữ pháp cơ bản dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt để đảm bảo dịch đúng nguyên văn cần chú trọng các thành phần ngữ pháp trong câu, cũng như cần phải xem xét mối quan hệ giữa từ, câu và ngữ cảnh để dịch được chính xác.

     2. Phương thức cấu tạo ngữ pháp của tiếng Hán và tiếng Việt có điểm giống nhau là đều sử dụng thủ pháp hư từ, song tính hoạt dụng, sắc thái biểu thị khác nhau, mức độ phong phú và tính phức tạp cũng khác nhau.Vì thế, trong quá trình dịch Hán-Việt, việc làm rõ ý nghĩa ngữ pháp, khả năng kết hợp của các hư từ của hai ngôn ngữ là cần phải quan tâm để có bản dịch hoàn hảo.

     3. Phân biệt sự khác nhau giữa ngữ pháp tiếng Hán và tiếng Việt để sử dụng chính xác các hư từ, thực từ, các loại câu đặc biệt trong dịch thuật là yếu tố quan trọng không thể thiếu được cho một bản dịch.

     4. Khi dịch cần nắm chắc các thành phần ngữ pháp của hai ngôn ngữ để sắp xếp thành một văn bản đúng với văn phong của hai ngôn ngữ đó, đồng thời phải thận trọng cân nhắc từng câu chữ để chắc chắn rằng nó đã rất chuẩn cả về sử dụng từ, ngữ pháp của câu cũng như nội dung của bản dịch.

     5. Cần so sánh, đối chiếu kết cấu ngữ pháp quan trọng nhất của câu (cho mỗi ngôn ngữ cần dịch) cũng như các hư từ và kết cấu đến nhỏ nhất để có thể có những câu dịch chưa đạt chuẩn về văn phong, nhưng ít ra nó không có sự sai nào về ngữ pháp và cách dùng từ.

IV. Kết luận

     Việc tìm tòi và nghiên cứu kỹ thuật dịch Hán-Việt từ góc độ ngữ pháp là điều rất cần thiết cho người dạy và học chuyên ngành Biên, Phiên dịch. Bởi vì nghiên cứu kỹ về cấu trúc ngữ pháp mới đó có thể đưa ra được những kỹ xảo, thủ pháp dịch Hán-Việt có hiệu quả.

     Dịch là một kỹ năng khó trong học ngoại ngữ nói chung cũng như trong tiếng Hán và tiếng Việt nói riêng, nên cần xem môn dịch chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, là cuộc chiến với câu chữ và văn phạm. Nói cách khác dịch thuật được hiểu là là hoạt động chuyển đổi cách diễn đạt giữa hai ngôn ngữ “thứ nhất” và ngôn ngữ “thứ hai” (ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích). Vì vậy chúng ta cần lưu ý tầm quan trọng của cả hai ngôn ngữ. Nếu trình độ ngôn ngữ nguồn không tốt có thể dẫn tới việc hiểu “nguyên bản” không được trọn vẹn và khả năng diễn đạt sang ngôn ngữ đích chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm chất lượng dịch thuật.

     Việc dịch từ Hán sang Việt ở nước ta cũng có một lịch sử lâu đời và để lại nhiều dịch phẩm hay. Trong quá trình lịch sử dịch từ Hán sang Việt các dịch giả, các nhà nghiên cứu dịch thuật, chuyên gia đầu ngành tuy có thảo luận và đã đưa ra một số tiêu chí để chỉ đạo công việc dịch thuật, nhưng cho đến nay giới nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy tuy rất quan tâm đến hoạt động dịch từ Hán sang Việt vẫn chưa có dịp đúc kết kinh nghiệm, nâng lên thành lý luận về dịch thuật nhìn từ góc độ ngữ pháp. Hy vọng trong thời gian không xa chúng ta sẽ có nhiều bài viết, tác phẩm bàn đến nghệ thuật dịch Hán-Việt một cách sâu sắc hơn, làm cho nền dịch thuật nước nhà ngày càng có những bước phát triển mới hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Triệu Vĩnh Tân ( Phan kỳ Nam dịch). Ngữ pháp tiếng Hoa đại cương, Nxb Trẻ, 1994.

     [2] 黄伯荣、廖序东. 现代汉语(上册)[M]. 北京:高等教育出版社,2007.

     [3] 齐沪扬. 对外汉语教学语法[M]. 上海:复旦大学出版社,2005.

     [4] 思果. 翻译新究[M]. 台北:大地出版社,2007.

     [5] 杨艳. 从词性和语义发展的角度试析被字句中“被”字词性[J]. 湖北函授大学学报,2011,04:139-140.

     [6] 赵玉兰. 越汉翻译教程[M]. 北京:北京大学出版社,2007.

Trích tệp PDF từ: Đại học Quốc Gia Hà Nội- Trường Đại học Ngoại ngữ

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Kỹ thuật dịch Hán- Việt từ góc độ ngữ pháp (Tác giả: ThS. Liêu Vĩnh Dũng)