Lâm sản Việt Nam
Trong bài trước, chúng ta đã tả qua các cánh rừng Việt-Nam khác nhau vì hình-thức và vì cây-cối họp thành.Ở đây, chúng tôi đề- cập đến sự quan-trọng của những lâm-sản dồi-dào và rất phong-phú mà rừng Việt-Nam cung-cấp cho ta.
Dĩ-nhiên, lâm-sản chính-yếu là gỗ, dưới mọi hình-thức : từ cây củi dùng trong việc bếp-nước đến cây gỗ dùng đề cất nhà, đóng đồ-đạc, thuyền-bè, thùng, hộp vân vân. . . Gỗ rất nhiều công-dụng và cũng rất nhiều căn-gốc. Chẳng những công-dụng của gỗ khác nhau tùy theo sắc gỗ mà công-dụng của sắc gỗ còn khác nhau tùy theo điều kiện nơi sinh sản loại cây cho ta sắc gỗ ấy. Trong, một vài công dụng như làm chong-chóng máy bay, người ta phải lựa những cây Bằng-lăng hay cây Gội mọc tại những nơi riêng-biệt. Gỗ cây Sao mọc tại trung-nguyên dòn hơn gỗ cây Sao mọc tại đồng-bằng. Có những thứ gỗ dùng đóng đồ-đạc mọc ở vùng này nhiều vân hơn và bóng- láng hơn vùng khác, như gỗ Thông tại Cao-Miên và Bằng-lăng trên Lào. Đại- để, công-dụng của gỗ đều tùy theo tính-chất cốt-yếu của gỗ như :
Tính-chất ngoại-trạng (mặt gỗ, thớ gỗ, màu gỗ, mùi gỗ, vân-vân …) ;
Tính-chất hình-thể (mật-độ, sức co-dãn, sức thấm nước) ;
Tính-chất cơ-khí (sức cứng-rắn, năng-lực chịu sức ép, chịu sức uốn, chịu sức cắt, vân vân. . .) ;
Tính-chất kỹ-thuật (để xử-dụng, cưa-xé, lạng mỏng, vân vân. . .).
Hơn một trăm thứ gỗ Việt-Nam đã được nghiên-cứu trong những phòng thí-nghiệm của Nha Khảo-cứu Sum-Iâm tại Trung-tâm Quốc-gia khảo-cứu khoa-học và kỹ-thuật. Nhờ đó, chẳng những ta đã có thể xác-nhận phẩm-chất một vài thứ gỗ thông-dụng, mà ta còn tìm ra nhiều loại cây còn phong-phú nhưng ít ai biết đến, để dùng trong nhiều việc. Trong lúc những thứ gỗ thông-dụng trở nên hiếm-hoi lần lần, ta cần phải tuyên-truyền rộng-rãi và công-bố một vài luật-lệ và điều-kiện để hợp-lý-hóa sự khai-thác lâm-sản Việt-Nam.
Bây giờ ta thử bàn qua những thứ gỗ chính-yếu mà các hạng rừng Việt- Nam cung-cấp cho ta, và công dụng của những thứ gỗ ấy :
Trước hết là gỗ cây rừng sát. Loại cây của hạng rừng đặc-biệt này rất ít và không được lớn cỡ. Vì thế, công-dụng của những thứ gỗ này chỉ có hạn : cột nhà nhỏ, sườn nhà quê, cừ nền nhà. Những thứ chính ngoài cây Đước và cây Vẹt, có những cây Mấm, Cốc, Dà, Sú, Gia, toàn là những thứ cây ít giá-trị và chỉ dùng tại chỗ thôi. Tuy-nhiên, cần kể cây Bần có khi dùng để đóng thùng và cây Đước rất cứng, đặc-biệt dùng để làm răng cối xay lúa. Nhưng công dụng chính của cây rừng sát là để làm củi và nhất là để làm than. Cho nên rừng sát ven sông Sài-gòn cung-cấp cho dân-chúng đô-thành Sài-gòn — Chợ-lớn những cây củi đòn làm bằng khúc Đước, Sú, Dà lột vỏ, và rừng sát Cà-mau cung-cấp cho ta thứ than Đước rất có giá và rất quan-trọng về kinh-tế, cùng thứ than Vẹt rẻ hơn, mà các thành phố Nam-Việt tiêu thụ rất nhiều. Vào khoảng 1940, xứ Việt-Nam đã sản-xuất mỗi năm hơn 75.000 tấn than trong đó có đến hơn 90% than Đước và Vẹt; qua năm 1953, số sản-xuất chỉ còn có 10.370 tấn, và năm 1954 trong 10 tháng đầu, cũng chỉ sản-xuất được có 11.200 tấn thôi.
Rừng tràm chỉ cung-cấp cây Tràm. Cây lớn dùng tại chỗ để cất nhà (cột, sườn, vân vân…). Cây nhỏ dùng làm củi nấu bếp và củi chụm tàu. Cây tràm cỡ trung-bình thì thường dùng làm cừ nền nhà. Cừ này đã nồi tiếng và ta quen gọi chung là « cai-cong ». Cừ tràm đóng xuống đất bùn thì bền-bỉ đời đời. Ta có thề nói không ngoa-ngoắt rằng phần nhiều nhà cửa tại Sài-gòn — Chợ-lớn và những thành-phố tại Lục-tỉnh đều xây cất trên rừng tràm, vì nền nhà toàn dóng cừ bằng cai-cong.
Nhưng nguồn-lợi chính-yếu của rừng Việt-Nam là các thứ gỗ của rừng không ngập-lụt, nghĩa là rừng rậm và rừng thưa. Những gỗ thông-dụng nhất để cất nhà, đóng đồ-đạc làm thuyền bè rất quan-trọng trong nền kinh-tế Việt- Nam ; bằng chứng là những con số sản-xuất về lâm-sản sau đây : năm 1953, 275.000 thước khối gỗ và hơn 426.000 thước củi đã được khai-khẩn ; 10 tháng đầu năm 1954 những con số đó lên đến 218.500 thước khối gỗ và 330.000 thước củi. Hơn nữa, những số ấy chưa hẳn đúng với số khai-thác thực-sự ; số đó chỉ là số mà sở Thủy-Lâm đã kiểm-soát được thôi. Một số lớn hơn trốn-tránh được sự kiểm-soát của sở Thủy-Lâm như những cây do dân-cư các làng lập trên lâm-phần đã đốn để xài riêng hoặc những cây đốn lâu hoặc những cây dọn trong những vùng thiếu an-ninh nên không thề kiểm-soát được. Trước cuộc biến-động, trên toàn xứ Việt-Nam hơn 672.500 thước khối gỗ và hơn 2.000.000 thước củi đã được kiềm-soát chánh-thức.
Trên thị-trường bất-cứ loại cây gì đốn làm củi, cũng gọi là cũi thôi. Nhưng cây gỗ thì, trái lại, có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo loại cây đã cung cấp-gỗ. Đề tiện-bề cho nhân-viên Thủy-lâm kiểm soát, luật-lệ hiện-hành đã chia cây gỗ làm 5 hạng, theo giá-trị hoặc sự hiếm-hoi của các loại cây ấy.
— Gỗ hảo-Hạng : là những gỗ quí dùng đóng đồ-đạc vì nó đẹp và hiếm. Những thứ gỗ quí nhất tại Bắc-Việt là Lát-hoa, Gụ. Tại Nam-Việt, nhiều thứ gỗ đó hơn ; gỗ qúi như Cẩm-lai, Trắc, Sơn, Mun : gỗ nhiều vân như Gõ-đỏ, Dáng-hương, Cẩm-thi và Muồng. Kể gỗ hiếm-hoi, ta nên kể Rã- hương và Huỳnh-đường cùng gỗ Bơ-mu (Pemou) và Xa-mu (Samou) là 2 thứ gỗ thông rất quí mọc tại thượng-du Bắc-Việt mà người Trung-hoa dùng để đống xăng (hòm).
— Gỗ hạng nhất : đặc-biệt vì ít bị mối mọt lâu mục hư, có năng-lực chịu- đựng được sức nặng nên rất quí trong việc cất nhà bền-bỉ. Tại Bắc-Việt là Chò- chỉ, Nghiến và nhất là Lim, rất cứng và rất chắc nhưng lại làm mục đinh, sắt ; tại Nam-Việt là Căm-xe, Cà-chắc, Sến, Gõ-mật là gỗ dùng làm cột chùa rất đẹp, Làu-táo, Vấp và nhất là Sao, rất có giá trọng việc cất nhà bền-bĩ và đóng tàu-bè và làm cầu tại các xưởng thủy-binh. Có những thứ rất cứng nên ta gọi là gỗ sắt như Nghiến, Cà-chắc và Vấp (cho nên tên khoa-học cây Vấp là Mesua ferrea).
– Gỗ hạng nhì : năng-lực cơ-khí tiềm-tàng, lại thêm có nhiều cho nên rẻ và rất thông-dụng. Tiếc thay, hạng gỗ này chịu nắng mưa không được lâu và hay bị mối mọt thành thử công-dụng chỉ có hạn : dùng cất nhà thì chỉ dùng trong nhũng bộ phận có che lợp và dùng đóng đồ-đạc thì chỉ những đồ mộc thường thường thôi. Tại Bắc-Việt có cây Giẻ và cây Xoan. Tại Nam- Việt trên thị-trường buôn-bán cây gỗ thì gỗ hạng nhì rất quan-trọng : gỗ được khai-thác nhiều nhất là các loại Dầu dùng trong rất nhiều công-việc, rồi đến Bằng-lăng, Vên-vên, Huỷnh. Sau cuộc biến-động, công-cuộc khai-khẩn gỗ hạng nhì rất quan-trọng cho nền kỉnh-tế này, đã bị ngừng-trệ tại các khu rừng đồng-bằng Nam-Việt. Người ta phải khai-thác những gỗ hạng nhì khác xưa nay ít thông- dụng như những gỗ Thông trên Cao-nguyên Đồng-nai : thông hai lá và thông ba lá (nhất là thông ba lá vì thứ gã này tính-chất thuần-nhất hơn thông hai lá và có ít nhựa hơn). Phẩm-chẩt hai loại thông này đã bắt-đầu được công- nhận và cần được tiếp-tục tiêu-thụ, nếu những gỗ khác tại đồng-bằng dừng cạnh-tranh ráo-riết vì gỗ đồng-bằng rẻ hơn nhờ chuyên-chở ít tốn-kém.
– Gỗ hạng ba là những gỗ trắng, mềm và nhẹ, chỉ dùng trong những công-việc tạm thời, đóng thùng, hộp, vân vân. . . vì hạng gỗ này rẩt dễ bị mối mọt và năng-lực cơ-khí rất kém.
– Gỗ tạp gồm tất cả gỗ các loại cây không có tên trong bảng chính- thức của 4 hạng gỗ vừa kể trên. Thường thường là những cây nhỏ cở, chỉ dùng làm đồ lặt-vặt trong nhà, hay dùng làm củi thôi. Hạng gỗ tạp này và một ít gỗ hạng ba là hai hạng gỗ của phần đông cây cối chen-chúc trong rừng rậm Việt-Nam, thường cho những chất để làm giấy (cellulose) chưa hề dùng đến. Nhưng ta cũng hy-vọng ở những phương-pháp tối-tân hiện đương được nghiên-cứu tại các xứ nhiệt-đới để có thể một ngày gần đây, nước Việt- Nam cũng biết dùng đến nguồn-lợi phong-phú ấy trong những ngành kỹ-nghệ tân-tiến xử-dụng gỗ mới, gỗ tốt, gỗ ép, bột gỗ làm giấy và rất nhiều kỹ-nghệ hóa-học khác dùng gỗ hay bột gỗ làm nguyên-liệu.
Ngoài gỗ là lâm-sản chính-yếu của rừng, còn vô-số lâm-sản khác gọi là lâm-sản phụ, tất-cả họp thành nguồn tài-nguyên rất phong-phú và quan-trọng mà Bsơn-lâm đã đóng góp cho kinh-tế Việt-Nam.
Rừng sát, ngoài củi và than, còn cung-cấp lá để lợp nhà và vỏ cây để thuộc, da và đề nhuộm. Cây dừa nước cung-cấp những tàu lá dài để lợp nóc, đóng vách hay đóng trần nhà tại thôn-quê, hoặc để lợp mui ghe và mui xe bò. Số lá sản-xuất rất quan-trọng : 7.300.000 tàu lá trong năm 1953 và 6.500.000 tàu lá trong 10 tháng đầu năm 1954. Và cây thì dùng trong những liều-công-nghệ sản-xuất da thuộc và dùng để nhuộm lưới câu. Vỏ Đước và vỏ Dà thông-dụng hơn hết và có dến 25% tính-chất thuốc thuộc da. Tỉếc thay giá vốn nó quá đắt vì việc chở-chuyên rất tốn kém : ước chừng 5.700 thước đã được khai-thác trong năm 1953 ; 3.750 thước trong 10 tháng đầu năm 1954 ; sánh với lối 18.000 thước ước-lượng có thể khai-thác được, và vỏ những cây củi-đòn bóc ra đều bỏ phí tại chỗ.
Rừng tràm cung-cấp một sản-phẩm hảo-hạng có tính-chất không dẫn sức nóng, dùng trong rất nhiều công-việc. Vỏ Tràm rất dày, do nhiều lớp mỏng như bấc họp thành, dùng tại chỗ để làm đuốc chai bằng nhựa cây Dầu và để trét thuyền. Vỏ Tràm, được chế-tạo theo phương-pháp đàng-hoàng, thành chất-khối hảo-hạng có một hệ-số không dẫn sức nóng tốt hơn bấc thường. Ngoài ra, lâm-sản-phụ của rừng tràm còn có :
- dầu « khuynh-điệp » nấu bằng lá tràm tại Trung-Việt ;
- giây « choai » là giây các loại choai bò leo ;
- lá « mật-cật» là một thứ lá gồi dùng để làm vách nhà, nón lá ; — và nhất là rễ « Mốp » rất nhẹ (mật-độ của rễ khô là 0.040 và rễ ướt là 0.650) dùng làm phao câu, nón, phao nổi dùng trên các tàu bè nhưng số sản-xuất rất ít, phần vì thứ cây này rất hiếm, phần vì thời-cuộc (năm 1953 và 1954 đã khai-thác được 150 thước, sánh với 2.000 thước trong năm 1942).
Rừng rậm và rừng thưa thì, ngoài gỗ cây, còn cung-cấp cho ta rất nhiều lâm-sản phụ quan-trọng.
Tre là một sản-phẩm phụ rất thông-dụng tại thôn-quê Việt-Nam, đến đỗi đồng-bào miền quê trung-châu vì ở xa rừng, phải trồng tre để mà dùng. Tre có hai thứ : tre đực tức là « Tre » cành tròn và dài, dày và mắt cứng, dùng để cất nhà ; tre cái tức là « Nứa », yếu hơn, mỏng hơn và thưa mắt, dùng làm giấy tại Đáp-Cầu ngoài Bắc-Việt, bột giấy làm tại Việt-Trì. Mỗi loại tre có nhiều thứ, công dụng đều khác nhau. Tre thường mọc từng khu riêng-biệt ven sông-ngòi hay trên đất rẫy, hoặc mọc từng đám trong rừng. Việc khai-thác tre rất lớn-lao cho đến năm 1945 (ước-chừng 1.200.000 thước khối mỗi năm). Trong những năm chinh-chiến, tre dùng thế sắt để làm sườn bê- tông xi-măng.
Mây cũng là một lâm-sản phụ dùng đề làm bàn ghế nhẹ và để đan rổ-rá, vân vân… Cũng như tre, mây có nhiều thứ, nhiều cỡ và nhiều công-dụng, Hơn 70.000.000 cọng mây đã đốn được trong năm 1940, nhưng mấy năm sau này chỉ đốn được lối 1.000.000 cọng.
Những sản-phầm phụ-thuộc khác củạ rừng Việt-Nam là ; nhựa cây, dầu cây lấy trong loại cây Dầu rừng già Nam-Việt, nhất là Dầu-con-rái và Dầu-song nàng, và dầu chai dùng để trét ghe thuyền, làm sơn mã (vernis) và làm đuốc chai. Lọc nấu kỹ-lưỡng, dầu cây có thể cung-cấp cho ta một thứ dầu để chạy máy Diesel. Trong thờỉ-kỳ chiến-tranh, dầu cây lọc nấu được dùng trong rất nhiều việc như làm sơn, xà-bông, bò-hóng, dùng đốt đèn và làm thuốc trừ nấm độc, vân vân…
Cùng một loại với nhựa cây, mủ thông hai lá lọc nấu thành dầu thông và bạch-tùng-dư (colophane). Những khu rừng thông để dùng cạo mủ tại Đồng-nai-Thượng, trước 1945 cung-cấp mỗi năm ước-chừng 4.000 tấn mủ thông sống ; qua năm 1953 và 1954 sụt xuống chỉ còn được vài trăm tấn.
Một ít thứ cây khác cũng có nhựa, như nhựa cô-ban (copal), nhựa đa- ma (damar), nhựa béc-ca (gutta percha), thư-hoàng (gomme gutte), cánh-kiến (benjoin). Sau hết, ta phải kể : củ nâu để nhuộm quần-áo là một lâm-sản phụ mà đồng-bào thôn-quê miền Bắc rất thích dùng ; những vỏ cây để thuộc da ít được khai-thác ; những lá gồi và hằng- hà lâm-sản phụ-thuộc vặt-vãnh thường dùng tại chợ để làm thuốc chữa bịnh vân vân . . . . Độc-giả nào muốn biết thêm về khoản này, xin xem quyển sách nóỉ về « Dược-thảo Cao- Miên, Lào và Việt Nam » do ông Petelot scạn và Trung-tâm Quốc-Gia Khảo-cứu Khoa-học và Kỹ-thuật xuất-bản.
x
x x
Chúng tôi vừa nói sơ-lược về nguồn tài-nguyên phong-phú của rừng Việt- Nam, di-sản của quốc-gia rất cần được khai-thác cho có phương-pháp và chừng-mực, ngỏ-hầu bảo-tồn di-sản ấy cho được vĩnh-viễn, cũng như một người chủ gia-đình biết giữ cho lâu-bền gia-sản của tiền-nhân đề lại đó là nhiệm vụ và vai tuồng chính-yểu của lâm-học-gia, mà chúng tôi sẽ đề-cập dến trong bài sau.
_________
(1) Tài liệu của Nha khảo-cứu, Canh nông và Lâm-sản tại Trung tâm Quốc- gia khảo cứu khoa-học và kỹ-thuật.
Nguồn: Văn hóa Nguyệt San, số 7, tháng 10,11/ năm 1955
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Lâm sản Việt Nam |