LÀM TRONG SÁNG TIẾNG VIỆT trong GIAO TIẾP CỘNG ĐỒNG và trong DỊCH THUẬT

TRẦN VĨNH PHÚC
(PGS TS, Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội)

1. Làm trong sáng tiếng Việt trong giao tiếp cộng đồng

     Mỗi dân tộc có một tình yêu và niềm tự hào rất đặc biệt mang tính truyền thống, lịch sử và tính hiện đại rất cao. Đó là tình yêu và niềm tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình. Cha ông ta thời xưa đã từng tự hào và yêu thích văn thơ chữ Hán và chữ Nôm. Người Việt hiện đại tự hào và yêu mến chữ Quốc ngữ thân thương của mình tiếp tục phát triển bền vững đến ngày nay.

     Chỉ nói riêng về ngôn ngữ âm thanh, tiếng Việt khá phong phú, có đầy đủ các âm, từ đơn giản đến phức tạp, như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc,… đặc biệt các âm phức tạp, khó phân biệt và khó phát âm, như: âm “tr” (uốn lưỡi, thí dụ: trâu, trớ trêu) – so sánh với âm “ch” (không uốn lưỡi, td. châu, chớ), “s” (uốn lưỡi, td. sang sông) – so sánh với “x” (không uốn lưỡi, td. xa xôi), “gi” (uốn lưỡi, td. gia đình, giông tố) – so sánh với “d” (không uốn lưỡi, td. da dẻ, dọn dẹp), “h” (không rung thanh quản, td. Hà Nội, hè về) – so sánh với “kh” (rung thanh quản, td. khi, khóc),…

     Hệ thống âm tiết bằng (có thanh ngang, thanh huyền) và trắc (các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng) trong tiếng Việt cũng là một đặc điểm nổi trội, “độc nhất vô nhị”, có khả năng sản sinh ra “vô vàn” từ ngữ phong phú, tinh tế khác nhau, thí dụ: ma – mà – má – mả – mã – mạ.

     Ở thời mở cửa, nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hoá phát triển hiện đại làm phong phú thêm vốn từ vựng, từ đồng nghĩa, đối nghĩa, từ vay mượn từ bên ngoài…

     Tiếng Việt giầu sắc thái tu từ, phong cách từ ngữ đa dạng, đa chiều; chỉ nói riêng nhóm từ ngữ – đại từ nhân xưng trong tiếng Việt đã đủ thấy tính chất phong phú, tinh tế đến từng chi tiết, từng khái niệm, từng khu biệt ý nghĩa và cảm xúc như thế nào. Thí dụ: đại từ nhân xưng ngôi 2 số ít và số nhiều trong tiếng Anh chỉ sử dụng chung một từ “you”, trong tiếng Nga – phân biệt hai từ: “ты” (ngôi 2, số ít) và “вы” (ngôi 2, số nhiều), còn trong tiếng Việt phải dùng đến nhiều đại từ nhân xưng khác nhau để biểu thị chính xác những sắc thái tình cảm, nhận thức khác nhau của người nói với đối tượng tiếp xúc của mình, như: “em”, “chú”, “cô”, “cậu” (sắc thái cung bậc trên dưới về mặt tuổi tác và xã hội), “mày”, “mi”, “mụ”, “ngươi” (sắc thái cáu giận, thô lỗ), “cậu”, “đằng ấy” (ngôn ngữ học sinh cùng lứa tuổi)…

     Tiếng Việt phong phú và trong sáng đến vậy, sản sinh ra những tác phẩm tuyệt đẹp như “Chinh phụ ngâm”, “Kiều”,… nhưng với thời gian, trong dòng xoáy của sự phát triển và đổi thay cuộc sống đến chóng mặt, xuất hiện không ít hiện tượng, khuynh hướng sai lầm trong việc sử dụng tiếng Việt, làm “rác rưởi” tiếng mẹ đẻ.

     Trước hết, nói về ngôn ngữ âm thanh của tiếng Việt. Dường như ở các lớp đầu của trường phổ thông vẫn dạy học trò cách đọc, ghép đúng các âm khó, như “s”, “tr”, “gi”, “r”, v.v. Song, kết quả thực tế cho thấy, không phải nhiều năm, mà đã hàng thập niên, thế kỉ nay, trong đời sống giao tiếp hàng ngày không chỉ học trò, mà ngay cả các thầy cô giáo dạy chúng, chứ chưa nói đến cả cộng đồng trong xã hội, hiếm thấy ai phát âm đúng những âm khó, nhưng phong phú, tuyệt đẹp trên của tiếng mẹ đẻ; ngược lại, còn gây ấn tượng cho rằng người nào phát âm đúng – uốn lưỡi, nâng lưỡi và bật hơi -, những âm trên là “kiểu cách”, “điệu đà”, muốn “chơi trội” mà thôi, nên không được quần chúng hưởng ứng, làm theo, rồi cứ vậy, thói quen đó tự mất đi khi nào không hay. Kết quả là biến ngôn ngữ Việt thành nghèo nàn, đơn điệu.

    Ngày nay, không ít người, đặc biệt lớp trẻ, sử dụng từ ngữ Việt một cách tuỳ tiện, không theo một quy tắc nào, bịa đặt ra hoặc làm méo mó ý nghĩa của từ, tôn vinh chúng như những “từ mới”, “mốt thượng”, kiểu: bức tranh này “hơi bị đẹp”, mặt hàng kia “hơi bị đắt”; ngồi rỗi “buôn dưa lê” (với nghĩa: lê la, tán gẫu chuyện phiếm); “chân dài” (chỉ các cô gái có thân hình điệu đà, ăn chơi nhảy nhót, hấp dẫn đàn ông), “máu khô” (chỉ tiền bạc), bia tươi ngon đấy, cứ “vô tư” đi, uống nữa đi!; những thành ngữ láy vần vô nghĩa “chán như con gián”, “sành điệu củ kiệu”, v.v.

     Đi trên đường phố Hà Nội ngày nay có thể gặp không ít những biển, nhãn quảng cáo ghi chữ ngược trật tự thông thường, coi như “mốt” lôi cuốn sự chú ý của khách hàng: “Lẩu dê quán”, “Sài Gòn ngân hàng”, “Sinh viên quán”,… Nguyễn Tuân gọi các tranh vẽ tuyệt tác về phố cổ Hà Nội của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là “Phố Phái”, chứ không phải “Phái Phố”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lần phải thốt lên rằng: “Ta là dân Việt, ăn cơm Việt, ở nhà Việt,… mà lại nói như Tây… nghĩ mà buồn lắm thay”.

     Ngôn ngữ luôn gắn liền với cuộc sống: sản phẩm mới, tâm thức mới đòi hỏi những từ ngữ – tên gọi mới phù hợp được sản sinh từ từ cũ – nghĩa mới, như: “mở cửa”, “hội nhập” hay từ mới – nghĩa mới: “a còng”, hay những từ vay mượn của tiếng nước ngoài: net (mạng), internet, mail,… Song, ta cần phân biệt những từ ngữ mới, nghiêm túc và cần thiết cho đời sống xã hội trên với thứ ngôn ngữ méo mó và dị dạng – ngôn ngữ “đường phố”, ngôn ngữ “chát”, “số hoá”, “báo mạng” mà giới trẻ hiện nay sính dùng một cách văng mạng, không có biên tập và kiểm soát và đang xâm nhập vào học đường.

     Xu thế hội nhập khiến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu, lớp trẻ đua nhau học và thực hành tiếng Anh như một phương tiện lập nghiệp. Đó là hiện tượng tốt, cần khuyến khích. Song, mặt khác, ở mọi nơi mọi lúc người ta lạm dụng từ Anh thay thế từ Việt, như tên gọi của nhiều trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: “Top Care” (Sự chăm sóc hàng đầu), “Fashion shop” (Cửa hàng thời trang); tên hiệu các cửa hàng nhỏ, các công ti, hay nhãn hiệu ghi trên các hộp thuốc sản xuất tại Việt Nam: “Quan. Blackberry. 31a Cau Giay” – riêng tên chủ cửa hàng và tên quận ghi bằng tiếng Việt, nhưng là Việt theo kiểu “Tây”, nghĩa là không có dấu thanh; trong tờ quảng cáo in màu đẹp trên giấy tốt của cửa hàng ăn “Punica” những từ mang thông tin chính đều viết bằng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt: “Pose ảnh chụp của bạn khi đang thưởng thức đồ của Punica & up lên facebook… 01 Gift voucher của Punica trị giá 1.000.000đ” (nghĩa các từ “Tây” trên là: kiểu ảnh, đưa lên mạng, hoá đơn quà tặng); thậm chí cả tên một vài chương trình Truyền hình Trung ương cũng ghi toàn bằng tiếng Anh: “Top ten” (mười số hàng đầu) bài hát tháng Ba; người dẫn chương trình “Kết nối” của VTV1 mới đây giới thiệu cảnh quay trong phim mới “Đường lên Điện Biên”: “Hình ảnh sống động hiện lên trên tấm “poster” (trong khi tiếng Việt có từ “áp phích”); bản tin “Thời sự” của VTV1 đưa tin ngày 21/4/2014: “Festival phim Việt Nam tại Hàn Quốc” (trong khi tiếng Việt có từ “liên hoan” thay cho từ “festival”),…

     Lớp trẻ hiện nay thường sính “nói đá” từ Anh vào câu tiếng Việt của mình: “yes”, “no”, “oke”,… Một hiện tượng khác ảnh hưởng đến việc đọc và hiểu tiếng Việt bình dân – đó là cách phiên âm các thuật ngữ chuyên môn nước ngoài và họ tên nước ngoài rất tuỳ tiện, chưa có một văn bản chính thức nào quy định thống nhất cách phiên âm trên. Thí dụ, ta nói và viết nhiều từ vay mượn hoàn toàn rập khuôn tiếng Anh, như “festival”, “sputnik” (“спутник”), trong khi, theo chúng tôi, cần chọn lọc những từ vay mượn – quốc tế hoá cần thiết nhất, đặc biệt các thuật ngữ chuyên môn – khoa học rất phổ biến trong hệ ngôn ngữ quốc tế, bằng cách phiên âm ra âm Việt, như từ “vácsin” (“vaccine”), vệ tinh “vinasat -1” của Việt Nam,… còn các từ quốc tế đã được thay thế bằng những từ Việt phổ biến, thì không cần sử dụng từ vay mượn, như: “liên hoan” (“festival”), “vệ tinh” (“спутник”).

    Họ tên người nước ngoài, thí dụ: nhà văn “Чехов” và nhà thơ “Есенин” ở ta phát âm và viết mỗi người một phách: Tsekhov, Esenin (theo quốc tế ngữ), Tsekhov, Esenin (theo tiếng La tinh), Sê – khôp, Trekhôp, Exênhin (theo âm Việt). Cũng xin nói thêm, ngay báo Nhân Dân đăng tin về Tổng thống Nga sang thăm Việt Nam cũng phiên âm theo tiếng La tinh “Putin”, vì thế âm tiết “tin” trong tên họ của Tổng thống Nga phải phát âm cứng, như “tin tức”, trong khi người Nga phát âm đúng họ Tổng thống của mình là “Путин” (“Puchin” – trong tiếng Nga phụ âm cứng “t” đứng trước nguyên âm “i” được mềm hoá, phải đọc mềm thành “chin”, chứ không đọc cứng là “tin”). Theo chúng tôi, cách phiên âm hợp lí và tương đối chính xác hơn cả vẫn là phiên âm theo âm Việt, viết liền, không qua gạch ngang và chỉ ghi thanh dấu khi cần phân biệt với thanh dấu khác – Trekhôp, Exênhin, Brunây,… – dễ hiểu và mang tính quần chúng rộng rãi nhất. Còn phiên âm theo tiếng La tinh hay quốc tế ngữ (Tsekhov, Brunei) vẫn là hiện tượng “đá”, “xen” từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt và người lao động có học vấn thấp cũng như trẻ nhỏ không hiểu, không đọc được, trong khi sách báo của chúng ta dành cho mọi tầng lớp nhân dân, cho toàn dân, chứ không dành riêng cho lớp người có trình độ đại học hay biết ngoại ngữ.

     Để chốt lại vấn đề đặt ra: “làm trong sáng tiếng Việt trong cộng đồng”, chúng tôi thấy cần gióng lên tiếng chuông báo động về những hiện tượng sai lệch, méo mó trong sử dụng và phát triển tiếng Việt và sự thiếu vắng một văn bản pháp quy mới, chỉ dẫn cách sử dụng đúng tiếng Việt. Mặc dù đã có lẻ tẻ một vài văn bản, như “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1984), song còn bỏ qua nhiều hiện tượng tiếng Việt quan trọng và cần sự đầu tư tập trung cúa các nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước soạn thảo văn bản pháp quy mới, toàn diện về tiếng Việt hiện đại (kể cả luật viết, phát âm tiếng Việt, viết biển quảng cáo cửa hàng tư nhân), nhằm sử dụng và phát triển tiếng Việt một cách đúng hướng, làm trong sáng ngôn ngữ của một dân tộc có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến. Đồng thời, báo chí cần khôi phục lại chủ đề các bài báo, như: “Dọn vườn”, “Gạn đục khơi trong”, “Ngôn ngữ và đời sống”, các bài “xã luận” bàn về ngôn ngữ, kịp thời uốn nắn các dòng ngôn ngữ méo mó, tự phát, phát huy những nhân tố ngôn ngữ mới, sáng tạo, trong sáng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững ngôn ngữ dân tộc.

2. Làm trong sáng tiếng Việt trong dịch thuật

     Với quá trình tiếp nhận hàng thế kỉ văn hoá và văn học nước ngoài trên đất Việt, đặc biệt của Trung Hoa cổ đại, nước Pháp (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX), Nga – Xô viết (từ những năm 60 – 80 thế kỉ trước), Tây Âu và châu Mĩ La tinh (thời mở cửa hiện nay) hình thành một ngôn ngữ dịch thuật Việt khá hoàn chỉnh và là đóng góp không nhỏ vào sự phát triển giao lưu văn hoá giữa các dân tộc và làm phong phú thêm tiếng Việt.

     Ngôn ngữ dịch thuật có những đặc thù riêng của nó:

     1. Tính chuẩn xác của ngôn ngữ dịch, với chức năng cơ bản – ngôn ngữ dịch (B) chuyên chở ngôn ngữ nguồn (A), ngữ nghĩa dịch (B) chuyển tải ngữ nghĩa nguồn (A).

     2. Tính dân gian và tính hình tượng nghệ thuật của ngôn ngữ dịch – phản ánh trung thực và sinh động cái đẹp, mĩ cảm của ngôn ngữ nguyên tác.

     3. Sự giao thoa yếu tố văn hoá – đất nước học của ngôn ngữ nguyên tác và ngôn ngữ dịch. Những dẫn chứng và đối chiếu dịch thuật dưới đây của chúng tôi giới hạn trong khuôn khổ ngôn ngữ Nga – Việt.

     Tên truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn M. Sôlôkhôp “Số phận con người” (“Cудьба человека”) trong một những bản dịch đầu tiên ở miền Nam trước 1954 dịch sai lệch là “Định mệnh củamột người”. Định mệnh (tiếng Nga là предопределение) không đồng nghĩa với “số phận”; thêm nữa, các từ “của một” là thừa, vì nếu nhấn mạnh “của một người” trong tiếng Nga người ta thường thêm từ “один” – “Судьба одного человека”. Mặt khác, tính cách và số phận của nhân vật chính trong truyện – Anđrây Xôkôlôp – điển hình cho hàng triệu nhân dân Xô viết trong cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống phát xít Đức, không phải số phận của riêng một người Nga nào.

     Hay tên tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” (“Тихий Дон”) trong một bản dịch đầu tiên dịch là “Dòng sông Đông êmđềm chảy” bao gồm chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ phương thức, thuộc loại câu miêu tả, diễn giải, không mang tính chất một nhan đề. Cách dịch thế này cũng không thể gọi là dịch đúng.

     Tên truyện ngắn “Thằng con nhà hư đốn” (“Нахалёнок”, được cấu tạo bởi từ “нахал” – kẻ hỗn láo, thô lỗ) lại được dịch thành từ khác hẳn, nghĩa khác hẳn – “Đứa con hoang” (tiếng Nga là: внебрачный, незаконнорождённый).

     Câu “Похмелись, Андрюша, только больше не надо…” trong “Số phận con người” qua bản dịch của một NXB dịch nghịch nghĩa là: “Ăn cho tỉnh đi anh…, lần sau đừng thế nữa”. Từ “похмелись” trong nguyên tác có nghĩa ngược lại: “uống cho say đi”, anh Anđriusa, chỉ có từ nay thì thôi, đừng uống nữa…”.

     Câu thơ dịch “Đừng dạy con nguyện cầu giữa đêm khuya

Thế là hết, chẳng bao giờ nhỏ lại”

(И молиться не учи меня. Не надо!

К старому возврата больше нет)

     trong bài thơ nổi tiếng của Exênhin “Thư gửi mẹ” (tập “Thơ Exênhin”, NXB Văn học, tr. 109) không chuẩn xác về nghĩa từ và ý thơ: “thế là hết” không đồng nghĩa với từ “не надо” (“không cần”) trong nguyên tác, nghĩa là: vẫn có điều kiện để cầu nguyện, chứ chưa “hết”, nhưng bây giờ cầu nguyện là vô vọng, vô nghĩa, bởi không còn đường trở về với “thời cũ” (к старому), với “nước Nga xưa cũ”. Thêm nữa, từ “nhỏ lại” – có thể là lỗi biên tập sót từ “trở lại”, song trên thực tế, muốn hay không muốn, nó cũng làm “vô nghĩa hoá” câu thơ. Và vẫn thiếu hẳn ý chính, quan trọng nhất của câu thơ Exênhin: “trở lại đâu?” – cái thời “cũ” (к старому), nước Nga “xưa cũ” ở đây không được nhắc đến. Một trong cách dịch đúng là:

     “Xin mẹ đừng dạy con cầu nguyện nữa

Chẳng cần đâu! Lối cũ hết đường về”

     Một chi tiết dịch thuật khác ở đây cần lưu ý để diễn giải ý rành rọt, chính xác đến từng chi tiết hơn: nếu nói “chẳng bao giờ” trở lại, có thể hiểu theo 2 ý – a) không bao giờ có thể, không thể trở lại (ý câu thơ nguyên tác) và b) có thể, nhưng “không thèm” trở lại. Hơn nữa, câu thơ đầu không cần thiết phải thêm các từ phụ, hỗ trợ của dịch giả: cầu nguyện “giữa đêm khuya”, bởi cấu trúc của nó đã hàm đủ âm tiết, kiểu: “Xin mẹ đừng dạy con cầu nguyện nữa”.

     Ở hai câu tiếp:   “Nếu có Chúa, chỉ mẹ thôi là Chúa

Cứu hồn con, ban ánh sáng, niềm vui

(Ты одна мне помощь и отрада

Ты одна мне несказанный свет)

     Người “mẹ’ trần tục, ruột thịt và rất đỗi yêu thương của nhà thơ Exênhin không nên dịch phóng là “chúa” (бог), mặc dù hình ảnh người mẹ ghi sâu trong tâm khảm nhà thơ như một “Đức Chúa”. Còn ý “tình nâng đỡ”, “chỗ dựa hỗ trợ” (помощь) của mẹ đối với nhà thơ ở đây không chỉ là sự “cứu” vớt tâm hồn, mà còn là “niềm động viên, khích lệ” nhà thơ và người mẹ không chỉ “ban ánh sáng”, mà “là nguồn ánh sáng tràn trề, tuyệt vời” (несказанный свет); thay vì “niềm vui” (отрада) có người dịch là “niềm tin” (вера) cũng không chuẩn xác.

     Câu thơ “Не грусти так шибко обо мне” (Chớ buồn nhiều như thế, nghĩ về con) qua bản dịch từ Diễn đàn nước Nga.net, tr. 7: “Đừng buồnkhổ vuvơ vì con nữa” dịch giả đã nhầm lẫn từ “buồn nhớ” (грусти) của Exênhin với từ “buồn khổ” (печаль, печалиться), từ “rất nhiều” (шибко

     – phong cách dân giã) của Exênhin với từ “vu vơ” (бессмысленно).

     Câu thơ dịch trong tiểu thuyết – thơ “Epghênhi Ônheghin” của Puskin (chương 3, đoạn 32 – u già thuật lại câu chuyện của mình lúc 13 tuổi đã đi lấy chồng trẻ hơn mình như thế nào):

     “Мне с плачем косу расплели Да с пеньем в церковь повели” “Bà thì sợ, chỉ còn than với khóc Và đứng yên cho người ta tết tóc

     Xét về phạm trù diễn đạt cũng như phạm trù nội dung thông báo của từ trên là chưa đầy đủ và thiếu chuẩn xác: người đọc có thể hiểu hai từ “tết tóc” chỉ là để trang điểm cho cô dâu đẹp trong ngày cưới thôi, chứ không ai chú ý đến tết tóc kiểu gì – búi tó hay tóc đuôi gà…, trong khi hai từ Nga đã gọi rõ tên “tết tóc đuôi sam” (косу расплели). Đó là một từ mang đậm nội dung đất nước học Nga mà không thể bỏ qua được, nó phản ánh một tập tục truyền thống cổ xưa của người Nga: cô gái trước khi được dẫn đến nhà thờ làm lễ thành hôn, phải tết tóc thành hai đuôi sam.

     “Bà thì sợ, chỉ còn than với khóc

Lôi bà đi tết tóc hai đuôi sam

Tới nhà thờ trong điệu hát ngân vang” (TVP)

     Một vài đối chiếu dịch thuật trên, có lẽ, cũng đủ nói lên tầm quan trọng của sự giao thoa, gắn kết chặt chẽ và tinh tế giữa ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ nguyên tác, giữa yếu tố văn hoá – đất nước học của ngôn ngữ nguồn (tức nguyên tác) và ngôn ngữ dịch.

     Mọi người đều biết, mỗi dịch giả có ngôn ngữ dịch riêng của mình, sắc thái và phong cách dịch của mình. Bên cạnh đó, nghệ thuật dịch thuật đòi hỏi sự thường xuyên khám phá sáng tạo, phát hiện cái đẹp, cái cốt lõi, hạt nhân ngữ nghĩa của mỗi từ vựng, mỗi cấu trúc lời nói – thơ, văn xuôi của tiếng nước ngoài được chuyển dịch, chuyển mã sang tiếng Việt.

     Nhiều độc giả Việt Nam đã từng xao xuyến đọc bài thơ tình nổi tiếng của Puskin “Tôi đã yêu em” (“Я вас любил”) – một bài thơ – tự thú về mối tình đẹp “ngọt ngào và chân thực”, song cũng đượm nét buồn đau khổ của con tim cháy bỏng một tình yêu đơn phương:

     “Я вас любил: любовь ещё, быть может,

В душе моей угасла не совсем”

(“Tôi đã yêu em: tình yêu, có thể,

Cho đến nay chưa hẳn chết trong tôi”)

    Câu thơ cháy bỏng như một kỉ niệm, một hồi ức xưa, dịu dàng mà buồn vợi, dường như đã phủ lớp thời gian, cứ thức dậy trong tâm hồn nhà thơ và trong thơ ông. Động từ Nga “любил” Puskin sử dụng ở thời quá khứ, chứ không ở thời hiện tại là có dụng ý của nó, truyền đạt hết ý thơ Puskin trong không gian thời gian, nhấn mạnh một mối tình “đã yêu” và đã mất, nhưng đến nay không sao dập tắt nổi trong con tim tiếp tục đau khổ và bị dày vò của nhà thơ. Vậy là, theo tôi, chuyển tải cái hồn của động từ quá khứ trên của Puskin cũng phải theo cái mạch “quá khứ” ấy: “đã yêu” – “Tôi đã yêu em”.

     Trong nhiều trường hợp, một từ ngữ trong văn bản nguồn (nguyên tác) có thể được chuyển dịch, chuyển mã bằng nhiều từ tương ứng khác nhau của ngôn ngữ dịch. Giữa các từ dịch tương ứng của động từ Nga “угасла” – “đã tắt”, “tàn lụi”, “tàn phai” – riêng tôi, muốn thể nghiệm ngôn từ dịch – chuyển mã một cách mạnh mẽ hơn, làm toát lên bằng hết tính chất éo le, đau khổ của mối tình “đã mất”, mà còn vấn vương, không “chết” trong con tim nhà thơ đa tình, một từ mang tính hình tượng nghệ thuật “dữ dội” hơn một chút: từ “chết” chẳng hạn – mối tình “chưa hẳn “chết” trong tôi”:

     “Tôi đã yêu em: tình yêu, có thể,

Cho đến nay chưa hẳn chết trong tôi” (TVP)

     Trong bài thơ “Saganê”của Exênhin có một hiện tượng ngôn ngữ khá lí thú và hấp dẫn đối với nhiều nhà Ngữ học Việt Nam: đó là cách dịch động từ “взять” (nghĩa gốc là “lấy”) ở câu thơ “Эти волосы я взял у ржи” trong các bản dịch khác nhau: “Mái tóc anh đây lấy từ cây lúa”, “Mái tóc này anh mượn đồng lúa mạch” và bản dịch của chúng tôi: “Mái tóc này anh cấy từ mạch đen” (TVP). Trong trường hợp này, theo chúng tôi, cần vận dụng yếu tố “hiện thực nghệ thuật” để lí giải, giải mã cái hiện thực khách quan của từ ngữ Exênhin nói riêng và tiếng Nga nói chung: “взял у ржи” (lấy từ cây lúa mạch đen) – nên dịch là “lấy” hay “mượn” hay “vay” hay “cấy”? Hình ảnh cây lúa mạch đen trên đồng nội Riadan đã ăn sâu vào tâm trí và tình cảm của Exênhin đến mức mái tóc quăn, đen của mình cũng mang đậm hình ảnh cây lúa mạch đen ấy và gợi nhớ da diết, nó thấm sâu vào máu thịt nhà thơ, hoá thân vào con tim lẫn mái tóc của nhà thơ rồi. Bởi vậy, chúng tôi không chọn ngữ nghĩa hiện thực của động từ “взял” – “lấy”, “mượn”, “vay”,… – mà chọn ngữ nghĩa hình tượng, nghệ thuật của từ này: “cấy” từ mạch đen.

     Bài thơ “Mái tóc xanh” của Exênhin với những câu thơ ngắn gọn 3 – 4 từ giàu nhạc điệu trẻ trung được dịch giả – nhà thơ Tế Hanh chuyển tải qua những câu thơ dịch cũng 3 – 4 từ súc tích, cô đọng: “cho xem bí mật”, “tâm hồn của cây” – đủ nói lên suy tư, nỗi niềm giấu kín của cây dương non và câu 4 từ: “tiếng buồn thu đầy” đủ làm rộn lên tiếng nhạc “xào xạc” đầu thu, đượm nét u buồn trữ tình của cành lá bạch dương trong thơ Exênhin.

     “Открой, открой мне тайну

Твоих древесных дум Я

     полюбил печальный

     Твой предосенний шум”

     “Cho xem bí mật

Tâm hồn của cây

Tôi yêu tha thiết

Tiếng buồn thu đầy”

     Trong khi một số dịch giả khác có những câu dịch dài 8 – 9 từ (“Hãy kể ta nghe những bí mật đời mình. Những ý nghĩ giấu trong từng thớ gỗ”) khó chuyển tải được rõ nét nhạc điệu trẻ trung, sức gợi cảm mạnh của những câu thơ ngắn Exênhin.

     Phải nói rằng dịch thơ phù hợp với luật âm tiết và luật gieo vần của thơ nước ngoài quả không dễ chút nào, tuy không đòi hỏi chặt chẽ, tuyệt đối, nhưng nếu làm được – đã là một thành công lớn, đáng khích lệ. Khi dịch tiểu thuyết – thơ “Epghênhi Ônheghin” của A. Puskin, dịch giả Thái Bá Tân đã cố gắng dịch theo đúng “khổ thơ Ônheghin” (“онегинская строфа”) rất riêng biệt và độc đáo của Puskin, gồm 14 câu thơ theo luật Iamba với 4 nhóm âm tiết: ba đoạn 4 câu (đoạn 1 gieo vần abab, đoạn 2 – aabb, đoạn 3 – abba) và một đoạn cuối 2 câu (gieo vần aa).

     Kết luận lại, đối với việc dạy và học ngoại ngữ cũng như trong dịch thuật việc quan sát, tìm hiểu và vận dụng thực hành ngữ nghĩa – cấu trúc đối chiếu giữa các văn bản ngoại ngữ và văn bản tiếng mẹ đẻ dựa trên nguyên tắc của mối quan hệ không tách rời giữa ngôn ngữ và văn hoá – đất nước học, của sự kết hợp và phân biệt phạm trù diễn đạt và phạm trù nội dung, thông báo của từ vựng trong ngôn ngữ của dân tộc bản ngữ bao giờ cũng là một việc làm cần thiết, có ích, trực tiếp hỗ trợ và bảo đảm tính chính xác, tính chuẩn mực và tính hình tượng nghệ thuật của ngôn ngữ nước ngoài mà ta đang sử dụng và tiếp cận trong quá trình dịch thuật.