Làng – Đô thị hiện nay và một số đặc điểm về lối sống
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHÂM
(Viện Nghiên cứu văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, rất nhiều vùng vốn là ven đô, là làng trước kia đã bị nuốt vào đô thị, hoặc cận kề đô thị hình thành nên một dạng thức làng – đô thị. Những cư dân ở các làng như vậy phần nhiều không còn là nông dân nữa nhưng họ cũng chưa thể là thị dân và có nhiều sự thay đổi trong lối sống của họ. Từ thực tế nghiên cứu ở một số làng cụ thể như Đồng Kỵ, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), Định Công ( Quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nhân Chính ( Quận Thanh Xuân, Hà Nội),… bài viết đã khái quát một số đặc điểm trong lối sống ở các làng này hiện nay như: lối sống pha trộn nông dân – thị dân, lối sống đề cao sự kết nối cộng đồng , lối sống thu hẹp phạm vi giao tiếp cộng đồng, lối sống cạnh tranh mang tính chất thể diện, lối sống công nghiệp dịch vụ,… và bàn luận về sự thay đổi lối sống đó đã mang đến những vấn đề gì cho các làng quê này.
Từ khoá: làng – đô thị, đặc điểm lối sống, nông dân – thị dân, kết nối cộng đồng, công nghiệp dịch vụ.
ABSTRACT
In the process of rapid urbanization nowadays, many parts which used to be suburbs and villages have been ” transformed ” into the urban or surrounding urban areas to form a kind of urban-villages. Most of residents in such residence are no longer farmers, but they have not completely become the city-dwellers and there have been many changes in their lifestyles. From the practical research in some particular villages such as Dong Ky, Dinh Bang (Tu Son, Bac Ninh), Xuan Dinh (Tu Liem, Hanoi), Dinh Cong (Hoang Mai District, Hanoi), Nhan Chinh (Thanh Xuan District, Hanoi)…etc the article outlines some of the characteristics of the lifestyles in such villages nowadays- a mixture of the lifestyle of the farmers and that of the city-dwellers; the lifestyle which promotes the community connection; the lifestyle which narrows the scope of public communication; the competitive lifestyle of honoring faces; the lifestyle of service industry, … and discusses what problems these lifestyle changes have brought to these villages.
Keywords: urban- village, lifestyle characteristics, farmers – city-dwellers, community connection, the service industry.
x
x x
Nhìn lại chặng đường phát triển của đô thị Việt Nam hơn hai chục năm qua, chúng ta sẽ nhận thấy rõ tốc độ phát triển nhanh chóng và có thể nói là rất “nóng” của đô thị Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… Từ năm 1990, các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó, cả nước mới có khoảng 500 đô thị. Đến năm 2000, con số này lên 649 và năm 2003 là 656, năm 2007 là 700, đô thị và đến nay tăng lên là 754 đô thị. Về dân cư đô thị, tỉ lệ dân số đô thị ở nước ta dưới 40%. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2010 con số này sẽ là 56- 60%, đến năm 2020 là 80% [1]. Xét về tốc độ phát triển và mở rộng đô thị Việt Nam sau 10 năm thì mỗi tháng tăng trung bình một đô thị[2]. Với mức độ mở rộng nhanh chóng như vậy, rất nhiều vùng vốn là ven đô, là làng trước kia đã bị “nuốt vào” đô thị. Có làng bỗng chốc trở thành phố, thành phường (dù trong tâm thức và tên gọi của người dân thì đó vẫn là làng), có làng chưa thành phường, phố trên danh nghĩa hành chính nhưng cũng đã thực sự nằm trong hoặc cận kề đô thị. Những làng quê đang ở các khu vực giáp ranh, trung chuyển, giao thời giữa làng và phố như vậy được chúng tôi gọi là làng – đô thị với sự nhấn mạnh đến tính giao thoa giữa làng và đô thị ở các khu vực này. Những cư dân ở các làng như vậy phần nhiều không còn là nông dân nữa nhưng họ cũng chưa thể là thị dân và vì vậy trong lối sống, một mặt vẫn mang đậm lối sống nông dân nhưng mặt khác lối sống đô thị kiểu “hàng phố” cũng đã dần phổ biến và làm biến đổi không ít cuộc sống của họ.
Lối sống là khái niệm rất rộng với những sắc thái biểu hiện khác nhau nhưng nhìn chung có thể xem lối sống là “tổng thể những hình thái hoạt động của con người, phản ánh các đặc điểm sinh hoạt vật chất, tinh thần của cộng đồng người đã tạo ra lối sống đó”[3, tr.46], hay chính là “những cách suy nghĩ, kĩ năng ứng xử (cách nghĩ, nếp sinh hoạt, thói quen, phong cách học tập, làm việc, giao tiếp, xử sự…) tạo nên cái riêng của mỗi cá nhân hay một nhóm người nào đó”[4, tr.10]. Chúng tôi hiểu rằng không có định nghĩa nào có thể bao quát được hết những biểu hiện vốn phức tạp và đa chiều của khái niệm lối sống song trong bài viết này, chúng tôi đồng tình với việc xác định nội hàm khái niệm như vậy và sẽ cố gắng làm rõ chúng hơn bằng những biểu hiện của lối sống ở một số làng mà chúng tôi đã có dịp nghiên cứu.
Không tham vọng chỉ ra được hết những đặc điểm của lối sống ở các làng – đô thị mà chỉ từ thực tế nghiên cứu ở một số làng cụ thể như Đồng Kị, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), Định Công (Quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nhân Chính (Quận Thanh Xuân, Hà Nội),… chúng tôi khái quát một số đặc điểm trong lối sống ở các làng này hiện nay.
1. Lối sống pha trộn nông dân – thị dân
Những làng quê mà chúng tôi kể đến ở trên chỉ trong khoảng 15 năm trở về trước vẫn còn là những làng quê khá yên bình, nơi mà những người dân cư trú theo kiểu “trong họ ngoài làng”, “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”,… nhưng hiện nay, các làng này đều đã trở thành đô thị hoặc cận kề đô thị, người dân làng bỗng chốc bị “đẩy” ra phố, nhịp điệu mùa trong lối sống nông nghiệp quen thuộc của họ được thay thế bằng nhịp điệu công nghiệp của lối sống đô thị. Họ buộc phải thích nghi với nhịp sống mới, lối sống mới trong khi chưa thể bỏ được nhịp sống cũ, lối sống cũ vốn ăn sâu vào đời sống và tâm thức của họ từ lâu. Chính vì vậy, lối sống pha trộn nông dân – thị dân nổi bật ở những khu vực làng – đô thị này.
Chúng tôi đã có đợt khảo sát ở phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) – một kiểu làng – đô thị khá đặc trưng để tìm hiểu rõ hơn về sự pha trộn lối sống nông dân – thị dân ở đây. Đồng Kỵ vốn là một làng quê cổ của xứ Bắc, là làng quê nông nghiệp nhưng rất năng động với nhiều nghề phụ như buôn trâu, dệt lụa, đánh cá, làm mộc. Từ những năm 90 của thế kỉ XX, Đồng Kỵ chuyển hẳn sang làm nghề đồ gỗ mĩ nghệ, năm 2008 trở thành phường của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù mới trở thành đô thị cách đây chưa lâu nhưng vì là làng nghề nên nhịp sống công nghiệp đã trở nên quen thuộc với dân làng. Từ cuối những năm 90 đã có 96% các hộ trong làng có tham gia sản xuất và buôn bán đồ gỗ mĩ nghệ, năm 2003 đã hình thành khu công nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mĩ nghệ ngay trong làng. Vì đã gần như thoát li hoàn toàn sản xuất nông nghiệp nên nhịp sống hiện nay ở Đồng Kỵ đã rất khác với nhịp sống nông nghiệp theo mùa vụ trước kia nhưng toàn bộ các tiết lệ trong năm thì hầu như vẫn giữ nguyên theo nhịp điệu của đời sống nông nghiệp. Dân cư ở đây có sự thong dong hơn trong việc hưởng thụ cuộc sống. Họ biết cách phân bổ thời gian hợp lí cho công việc và các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ cuộc sống. Và chính điều này đã và đang hình thành nên một lối sống, lối sinh hoạt mới ở làng quê này. Lối sống nghĩa tình đậm chất làng quê, lối sống đô thị theo kiểu hàng phố độc lập, lối sống công nghiệp coi trọng tốc độ và hiệu quả, lối sống thị trường coi trọng sự hưởng thụ và sòng phẳng,… tất cả đều đang hiện hữu và trở thành những mảng màu trong bức tranh làng – đô thị thời hiện đại ở Đồng Kỵ . Các nhà ở đây hiện nay đều là nhà sát nhà, tường sát tường, hầu như ít có nhà nào còn kiểu bờ rào, bờ dậu, mà là vườn nhà này nối vườn nhà kia; nhà nào cũng kín cổng cao tường, cửa đóng then cài riêng tư và độc lập, nhất là ở những dãy phố làng mới được qui hoạch, diện tích như nhau, cửa các nhà nhìn về một hướng như nhau, nói vui như một vài người dân làng Đồng Kị là “độc lập từ đất lên đến trời” (ý nói là đất riêng, xây nhà lên đến không gian trên gác cũng phải ngăn cách rõ ràng dù là nhà sát tường nhau). Điều này chi phối và phần nào thể hiện lối sống đô thị độc lập, đề cao sự sở hữu cá nhân và sự riêng tư của không gian sinh sống ở mỗi gia đình. Người dân Đồng Kị. Từ lâu đã có lối sống kiểu đô thị do họ sớm tiếp xúc với đô thị thông qua việc buôn bán ngay tại làng và nhiều người dân trong làng hiện đang sống và buôn bán ở nơi đô thị cả trong nước và nước ngoài. Đã vậy, Đồng Kỵ lại có khu công nghiệp ở ngay trong làng. Một bộ phận không ít hộ gia đình sản xuất và buôn bán trong khu công nghiệp đó khiến cho lối sống công nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến dân cư ở đây. Việc tuân thủ giờ làm việc chặt chẽ hơn, tác phong nhanh nhẹn hơn, con người cũng năng động hơn, hiệu quả lao động cũng được chú trọng hơn,… tất cả những điều này góp phần đẩy nhanh hơn nhịp sống của dân làng theo nhịp sống công nghiệp, nhịp sống đô thị. Tuy nhiên, lối sống “trong họ ngoài làng” vẫn được duy trì phần nào, dân làng vẫn cư xử, giúp đỡ nhau theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, “họ hàng làng xóm cả”, “tình làng nghĩa xóm”, rất hiếm trường hợp doanh nghiệp ở Đồng Kỵ bị phá sản mà lại không vực dậy được. Họ hàng anh em, những người cùng làm nghề sẽ giúp đỡ bằng rất nhiều cách (góp vốn, thu xếp thị trường, cho vay nguyên liệu,…) để doanh nghiệp đó có thể trở lại kinh doanh được. Điều này chắc chắn khó có được ở khu vực đô thị trung tâm. Người dân Đồng Kỵ rất tự hào về lối ứng xử của họ vẫn theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”, tôn trọng tôn ti trật tự trong làng mà trật tự ấy được xác lập trên cơ sở tuổi tác (trọng lão) và sự đóng góp cho làng. Mặc dù hiện nay các gia đình trong làng thường sống trong các không gian khép kín hơn trước nhưng tình làng nghĩa xóm thì không theo đó mà giảm đi, thậm chí rất nhiều người dân ở các làng trong khi nói chuyện với chúng tôi đều khẳng định rằng: ý thức về làng xóm, lối sống tình nghĩa làng quê vốn là truyền thống tốt đẹp bao đời của họ nhưng chính trong điều kiện kinh tế đầy đủ, xã hội phát triển và công việc làm ăn không đến nỗi quá vất vả như hiện nay thì họ lại có điều kiện hơn trước kia rất nhiều để thể hiện lối sống tình nghĩa này. Họ quan tâm thăm hỏi nhau nhiều hơn, đặc biệt là khi các gia đình có các việc hiếu hỉ, đau ốm, họ hỏi thăm nhau rất kịp thời và thường xuyên làm đậm thêm lối sống nghĩa tình vốn có ở các làng này. Vì vậy chính việc làm đám cưới, đám tang, đám giỗ,… to ăn nhiều mâm cũng là một hình thức thể hiện việc dân làng rất quan tâm và tham dự đông vào các việc hiếu hỉ của từng gia đình trong làng. Có thể khái quát về lối sống ở Đồng Kị hiện nay là sự đan xen giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, thị trường và tiểu nông trên nền tảng tương đối vững chắc của lối sống tình nghĩa của làng quê truyền thống. Điều này làm nên nét riêng cho lối sống làng Đồng Kỵ.
Để minh chứng rõ hơn cho lối sống đan xen nông dân – thị dân ở các làng – đô thị, chúng tôi cũng đã khảo sát ở làng Xuân Đỉnh (cũng là xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội). Dù Xuân Đỉnh chưa trở thành phường song làng đã ở vào trung tâm của quá trình đô thị hoá của thành phố Hà Nội. Làng nằm ngay ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, xung quanh đều là các đường giao thông lớn. Trong làng hiện có tới hơn 30 trụ sở của các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội cùng khá nhiều các văn phòng, công ty kinh doanh khác. Dân làng cũng rất đa dạng khi rất đông người dân từ trung tâm thành phố Hà Nội và nhiều nơi khác đến mua đất làm nhà ở đây. Màu sắc đô thị rất rõ nét ở làng quê này. Trong làng có các trục đường chính, các nhà dân đều làm nhà hướng ra trục đường chính này để kinh doanh tạo nên phố trong làng. Các hình thức dịch vụ khám chữa bệnh, thẩm mĩ viện, phòng tập, sân tennis, quán cà phê, quán Internet, bar, nhà hàng, khu mua sắm,… đều đã có mặt ở làng. Gần như 100% các nhà dân ở đây đều đã được xây kiên cố theo kiểu nhà ống ở đô thị với cách đánh số nhà, ngõ ngách như kiểu đô thị, người dân cũng đã quen cách sống đô thị “kín cổng cao tường”, nhịp sống công nghiệp nhanh chóng hơn và gắn với kinh doanh dịch vụ nhiều hơn. Có thể nói, người dân làng Xuân Đỉnh từ hơn chục năm nay đã hội nhập vào đô thị ngày càng sâu sắc song bên cạnh lối sống thị dân thì vẫn tồn tại lối sống mang đậm tính làng, như: dân làng rất chu đáo trong việc thăm hỏi nhau; các phong tục giỗ Tết vẫn theo đúng nếp sống truyền thống ở làng; đám tang hay lễ hội ở làng vẫn thu hút người dân cả làng tham gia; dân làng, nhất là những người cao tuổi cũng thường tụ tập, gặp gỡ, nói chuyện với nhau ở quanh khu vực đình làng hay những khu vực vui chơi giải trí trong làng, người dân trong làng vẫn sống rất “trọng cộng đồng, nặng về tình làng nghĩa xóm”. Ở các làng khác như Đình Bảng, Định Công, Nhân Chính,… chúng tôi cũng thấy được tình hình tương tự. Lối sống của người dân các làng – đô thị này luôn có sự pha trộn giữa thị dân và nông dân do nền tảng vững chắc văn hoá nông nghiệp và sự “đổ bộ” nhanh chóng của đô thị hoá, công nghiệp hoá. Theo đánh giá của chúng tôi, sự pha trộn đó nếu ở đô thị trung tâm sẽ theo chiều hướng thị dân – nông dân, còn ở các làng – đô thị này thì theo hướng nông dân – thị dân, nghĩa là lối sống nông nghiệp, nông dân vẫn thể hiện rõ nét hơn.
Chính vì ở các làng – đô thị vẫn đang diễn ra quá trình chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị nên có sự phân hoá trong lối sống. Sự phân hoá ấy phụ thuộc vào từng khu vực, từng đặc tính của cư dân và thời gian tiếp xúc với đô thị. Không thể bao quát hết được các xu hướng phân hoá trong lối sống của cư dân làng – đô thị nên trong nghiên cứu này, chúng tôi muốn bàn tới hai xu hướng tưởng như trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau nhưng thực sự lại là hai xu hướng phổ biến và song tồn trong lối sống của cư dân các làng – đô thị mà chúng tôi được tiếp xúc. Đó là lối sống đề cao sự kết nối cộng đồng và lối sống thu hẹp phạm vi giao tiếp cộng đồng.
2. Lối sống đề cao sự kết nối cộng đồng
Nếu như sự kết nối mạng lưới ở bất cứ làng quê nào cũng quan trọng thì với những cộng đồng làng – đô thị vùng ven điều này càng trở nên quan trọng. Những cộng đồng này đã không còn là làng quê khép kín và tự trị như trước nữa. Lối sống “hàng phố”, lối sống công nghiệp dịch vụ nhanh chóng, sòng phẳng theo cơ chế thị trường đã đủ thời gian làm thay đổi lối sống của cư dân ở đây. Tuy nhiên, chính trong quá trình chuyển đổi đó, các làng – đô thị lại chứng kiến sự nổi trội của lối sống đề cao sự kết nối cộng đồng. Điều này rất khác với kiểu “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” được xem như đặc trưng của lối sống đô thị.
Ví như ở Đồng Kỵ , chưa bao giờ các loại hình tổ chức, nhóm hội ở Đồng Kỵ lại nhiều về số lượng, đa dạng về lĩnh vực hoạt động, sôi nổi về mức độ hoạt động và tương đối quy củ về hình thức tổ chức và quản lí như hiện nay. Trong cả phường Đồng Kỵ nay và làng Đồng Kỵ trước kia có các nhóm hội liên quan đến di tích, việc tế lễ, hội hè, tín ngưỡng trong làng (Ban quản lí di tích, Ban Khánh tiết, Ban Tư văn, Ban chạ, Ban tế, Đoàn dâng hương, Hội Chân qui); các hội nhóm liên quan đến lứa tuổi (Hội đồng niên, Hội Người cao tuổi, Hội Hưu trí); các hội nhóm liên quan đến nghề nghiệp (Hội Đồng ng , Hội Cựu chiến binh, Hội đồng học, Hội Nghề nghiệp,…); các hội nhóm liên quan đến y tế, giáo dục (Hội khuyến học, Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, Câu lạc bộ các gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan, Câu lạc bộ các gia đình văn hoá,…); các hội nhóm liên quan đến năng khiếu nghệ thuật (Câu lạc bộ tuồng cổ, Câu lạc bộ chèo, Câu lạc bộ quan họ, Câu lạc bộ thơ ca,…); các hội nhóm liên quan đến thể thao (Câu lạc bộ dưỡng sinh, Câu lạc bộ cầu lông, xe đạp thể thao, bóng đá, bóng bàn, phường vật, phường cờ, nhóm đi bộ buổi sáng, nhóm chơi tennis,…); các hội nhóm liên quan đến các thú chơi (Hội Sinh vật cảnh, Phường chọi gà, Câu lạc bộ chơi chim cảnh,…). Ngoài ra, trong phường còn phát triển các nhóm chơi họ, chơi theo từng nhóm nhỏ: nhóm bạn bè, nhóm họ hàng, nhóm hàng xóm, nhóm cùng học, nhóm cùng nghề,… không kể lứa tuổi, nam nữ. Các thành viên trong nhóm đóng góp một số tiền hoặc vàng nhất định theo quy ước của nhóm, ai bốc thăm được thì là người cầm cái và lần lượt những người còn lại trong nhóm sử dụng số tiền đó quay vòng giống như hình thức vay vốn. Trong đa dạng các hội nhóm đó, có những tổ chức, nhóm hội đã được thành lập từ khá lâu, ví như Hội Đồng niên đã có từ những năm 60, Hội Tư văn đã có từ rất xa xưa, Hội Sinh vật cảnh đã có từ những năm 80,… nhưng do nhiều lí do mà ít có những hoạt động hoặc chỉ tồn tại trên hình thức cho đến sau Đổi Mới mới đi vào hoạt động thường xuyên và ngày càng phát triển như hiện nay. Có những nhóm hội mới được thành lập từ sau Đổi Mới cho đến gần đây như Hội Nghề nghiệp mới có từ những năm 90, Câu lạc bộ dưỡng sinh,…Có những nhóm hội không xác định được thời gian ra đời vì nó vốn hoạt động rải rác và không liên tục từ lâu trong làng nhưng trong khoảng chục năm trở lại đây được tập hợp lại, cơ cấu lại, và chính thức hoá ở các cấp thôn xóm hoặc phường. Riêng các tổ chức liên quan đến việc tế lễ, di tích, lễ hội của làng là ổn định từ xưa nhưng đến nay hoạt động của các ban này được tổ chức chặt chẽ với sự tham gia của các cấp chính quyền và đông đảo dân làng và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc quản lí, tu bổ di tích và tổ chức lễ hội trong làng. Tất cả các hội nhóm này được thành lập và hoạt động từ nhu cầu của chính người dân và có những tác dụng tích cực, trực tiếp và tại chỗ đối với cuộc sống của người dân, mạng lưới quan hệ trong làng xóm được thắt chặt hơn trong sự giúp đỡ và quan tâm của cộng đồng. Hình thức của các nhóm hội và cách thức tập hợp, hoạt động như vậy cũng được thấy ở các làng Đình Bảng, Xuân Đỉnh. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các nhóm hội hoạt động tích cực hơn, có tổ chức chặt chẽ hơn, thu hút sự tham gia nhiều hơn của cả những người dân di cư mới đến các làng và theo đó tính cố kết trong cộng đồng làng – đô thị được gia tăng.
Một biểu hiện nữa của việc đề cao sự kết nối mạng lưới là sức mạnh của dòng họ được phát huy triệt để trong đời sống hiện tại. Về cơ bản, Đồng Kỵ vẫn theo mô hình tập hợp dân cư theo dòng họ, theo giáp, có giáp có nhiều dòng họ, có giáp chỉ tập trung một dòng họ nhưng lối sống tình nghĩa “trong họ ngoài làng” vẫn rất được tôn trọng và chi phối rất nhiều cuộc sống của dân làng, một người có thể rất thành công với các vị trí xã hội ở bên ngoài nhưng trong dòng họ người đó vẫn phải duy trì đúng tôn ti trật tự, vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các công việc của dòng họ. Ngoài việc tham gia đóng góp quỹ họ, giỗ họ, sửa chữa các di tích của dòng họ, mỗi người dân làng còn tuân theo những phong tục riêng của dòng họ, từ việc tế lễ, chăm sóc mộ tổ, nhà thờ họ, đóng góp giúp đỡ con em trong họ học hành, giúp đỡ những người trong họ làm ăn cho đến việc thực hiện những nề nếp, quy định riêng của từng dòng họ. Chẳng hạn, riêng họ Chử quy định mức phúng viếng, mừng đỡ trong các đám tối thiểu tương đương giá trị 1kg thịt, còn lại tuỳ tâm ai có hơn thì mừng hơn. Ở Đình Bảng, Xuân Đỉnh, Định Công, các dòng họ cũng đang có những hoạt động rất sôi nổi tạo ra sự gắn kết, ngoài việc chăm lo các công việc của dòng họ như giỗ họ, chăm sóc từ đường, mộ tổ, lập quỹ khuyến học,… các dòng họ còn lo việc tìm hiểu nguồn gốc dòng họ, thành lập ra ban liên lạc dòng họ, ban đại diện dòng họ, viết lịch sử dòng họ, tìm ra các chi phái trong họ đã thất lạc,… tất cả nhằm mục đích kết nối chặt chẽ hơn và tạo dựng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn của dòng họ đến với đời sống của người dân, ví như họ Trịnh ở Định Công, họ Nguyễn Thạc ở Đình Bảng, họ Đỗ, Nguyễn, Dương, Phùng ở Xuân Đỉnh,… đã làm rất tốt những việc này.
Nhiều người dân Đồng Kỵ , Đỉnh Bảng, Xuân Đỉnh đã chia sẻ với chúng tôi rằng chưa có thời kì nào mà các tổ chức hành chính cùng các tổ chức xã hội lại được củng cố và hoạt động mạnh mẽ như thời kì này. Mỗi người dân cùng một lúc thuộc về nhiều vị trí khác nhau và có mối liên quan khó tách rời nhau về rất nhiều mặt: sự liên kết địa vực như cùng xóm, ngõ, là hàng xóm, sự liên kết họ hàng thể hiện ở việc dòng họ được củng cố và ngày càng có sức mạnh chi phối đời sống cá nhân của mỗi thành viên, nếu không họ hàng thì giữa những người dân làng còn hàng loạt các mối quan hệ “rây mơ rễ má” khác nữa. Ngoài ra còn có một sự liên kết rất quan trọng nữa là sự liên kết lợi ích được thể hiện ở nhiều mặt như mở ra những định hướng làm ăn, tạo việc làm, trợ giúp nhau trong kinh doanh, buôn bán, hỗ trợ nhau về vốn,… Theo một số doanh nghiệp, gia đình ở các làng này cho biết họ rất ngại và cũng ít vay vốn ngân hàng để đầu tư cho kinh doanh mà chủ yếu là thu xếp trong anh em, bạn bè, họ hàng. Hình thức trợ giúp này giảm thiểu những khó khăn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu khi làm ăn chưa lãi hoặc lãi ít không phải trả lãi ngân hàng cao và cũng giảm thiểu nhiều nguy cơ nếu có rủi ro,…Ví như, hình thức thu xếp vốn trong mạng lưới rất phổ biến ở Đồng Kỵ là hình thức chơi họ. Nhóm họ có thể là một nhóm đồng niên, nhóm cán bộ, nhóm giáo viên, nhóm cùng ngõ, nhóm cùng trường học,… vì họ chơi theo các nhóm nhỏ và đã thân quen với nhau nên nhìn chung là khá an toàn. Theo kết quả điều tra của chúng tôi năm 2008 thì ở Đồng Kị có đến 61% số người được hỏi tham gia từ hai hoặc ba hội nhóm. Điều này khiến cho mạng lưới của từng cá nhân cũng như mạng lưới của làng đều được củng cố và chúng đan xen dày đặc làm nên tính cố kết bền chặt trong làng. Đây là nền tảng vững chắc đảm bảo cho việc làng quê dù đã trở thành đô thị, đã phát triển thành một khu công nghiệp nhưng tính chất làng vẫn chi phối rất nhiều. Mạng lưới xã hội đan xen dày đặc trong các làng – đô thị này vẫn được duy trì và ngày càng tạo ra sức mạnh, dù có làng đã chính thức trở thành đô thị.
Việc tích cực tham gia các nhóm hội, việc phục hưng sức mạnh của dòng họ trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị mới, đô thị vùng ven một mặt thể hiện sức mạnh chi phối của nền tảng văn hoá truyền thống ở những làng quê xưa đối với cuộc sống của các cư dân đô thị mới hôm nay. Mặt khác cũng thể hiện bản năng “tự vệ” của những nông dân trong thời kì đầu trở thành thị dân, họ chưa thể thích ứng ngay với lối sống thị dân và chưa thực sự là thị dân nhưng họ cũng không còn là nông dân làm nông nghiệp như trước nữa nên họ rất cần một điểm tựa giúp cho cuộc sống vật chất và tinh thần của họ ít bị xáo trộn nhất. Sự kết nối mạng lưới cộng đồng chặt chẽ và lợi ích mà họ nhận được từ sự tham gia và duy trì mạng lưới đó đã giúp quá trình chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị, từ nông dân thành thị dân của họ có được sự cân bằng hơn.
3. Lối sống thu hẹp phạm vi giao tiếp cộng đồng
Bên cạnh xu hướng đề cao sự kết nối cộng đồng thì ở các làng – đô thị cũng phổ biến xu hướng thu hẹp phạm vi giao tiếp cộng đồng, nhất là ở những vùng mà cơn lốc đô thị hoá tràn qua quá nhanh, người dân dường như ngơ ngác giữa phố thị và vội vã hoà nhập, vội vã trở thành đô thị khi có được những hành trang cần thiết để thành thị dân.
Đất đai tăng giá chóng mặt, tiền đền bù đất đủ cho người dân xây những ngôi nhà khang trang và những ngôi nhà kín cổng cao tường đó đã khép lại rất nhiều mối quan hệ cộng đồng, tình làng nghĩa xóm vốn là các giá trị truyền thống ở làng quê. Cửa đóng then cài, không còn mấy ai qua lại nhà nhau nói chuyện hay cùng nhau làm những công việc thường ngày nữa, cảnh “đèn nhà ai nhà nấy rạng” vốn xa lạ ở làng quê xưa thì nay trở nên phổ biến.
Sự phân hoá giàu nghèo nhanh chóng len lỏi vào các làng – đô thị khiến cho những con người vốn là hàng xóm của nhau trước kia giờ thành ra những đẳng cấp khác, khiến cho họ khó còn có thể giao tiếp với nhau được nữa, thậm chí còn nảy sinh mâu thuẫn ghét nhau do lối sống khoe của, hưởng thụ thái quá của một số người giàu mới nổi.
Tình cảm láng giềng, trong họ ngoài làng và các sinh hoạt cộng đồng ở các làng – đô thị cũng có phần giảm sút do ngày càng có nhiều dân cư từ nhiều nơi khác đến, nhất là từ các đô thị trung tâm đến mua đất làm nhà tạo nên sự cách biệt giữa dân chính cư và ngụ cư cùng hàng loạt những sự cách biệt về lối sống, nghề nghiệp, mức độ quan tâm tới cộng đồng,…
Không ít tệ nạn xã hội theo bước chân những “trọc phú sành điệu” hay đám thanh niên rủng rỉnh tiêu tiền đền bù đất vào những đô thị vùng ven khiến cho tình hình an ninh trở nên phức tạp, không còn những “dậu mồng tơi xanh rờn” nữa, mà là những bức tường kiên cố ngăn cách giữa các gia đình với những con chó dữ canh gác nhà đã ít nhiều làm nên khoảng cách giữa những con người nơi đây; không còn cảnh làng quê đầm ấm ra khỏi nhà không cần khoá cửa, đến đầu làng hỏi tên ai nhà ai thì cả làng ai cũng biết, hiện nay nhà nào nhà ấy của đóng suốt ngày, phải đề cao cảnh giác vì nạn mất cắp mất trộm phổ biến. Người dân cũng không dám mở rộng giao tiếp với người lạ vì “biết tin ai bây giờ” như lời một người dân ở làng Xuân Đỉnh chia sẻ sau khi bị mất trộm vì mở cửa cho một nhân viên tiếp thị.
Một vấn đề bức xúc nhất góp phần quan trọng hơn cả tạo nên lối sống thu hẹp phạm vi giao tiếp cộng đồng chính là vấn đề đất đai. Đồng Kị hay Đỉnh Bảng ở Bắc Ninh, Xuân Đỉnh ở Hà Nội đều là những làng quê có tỉ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp và đất ở sang đất dự án, đất khu công nghiệp, khu đô thị rất cao, ví như Xuân Đỉnh được xem là làng có tỉ lệ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cao nhất trong huyện Từ Liêm. Khi đất trở nên đắt giá, dân chúng lao vào cơn lốc tận dụng thậm chí chiếm dụng tối đa đất công, tranh chấp nhau từng mét đất và điều này trở thành nguyên nhân của những sự mất đoàn kết từ trong gia đình cho tới hàng xóm láng giềng và cả cộng đồng. Xoay quanh vấn đề đất đai mà biết bao chuyện đã xảy ra, anh em xích mích nhau, con cái khó chịu với cha mẹ, hàng xóm cãi nhau, nhiều khi chỉ vì vài hàng gạch ngăn cách, mấy mét ngõ chung hay cái bờ ruộng vốn trước đây là của chung thì nay có thể trở thành nguyên nhân của những vụ xích mích, kiện tụng, thậm chí đánh chém nhau,… Nhiều vụ án đã xảy ra, những bi kịch gia đình, làng xóm rất đau thương liên quan đến tranh chấp đất. Khi trong cộng đồng đã có những tranh chấp như vậy, người dân sẵn tư tưởng không khoan nhượng với từng mét đất thì rất khó có thể đối thoại được với nhau, chưa nói đến những sinh hoạt cộng đồng đầm ấm hay duy trì lối sống nghĩa tình, tương trợ lẫn nhau, “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Lối sống ít sự giao tiếp còn thể hiện ngay trong từng gia đình khi con cái trưởng thành không còn muốn ở chung với cha mẹ nữa, tỉ lệ gia đình hạt nhân đã chiếm phần lớn thay thế cho những gia đình mở rộng trước kia. Nếu có gia đình nào con cái còn ở với bố mẹ cũng mỗi người mỗi phòng, rất ít còn sự giao tiếp. Không còn cảnh gia đình ấm cúng quây quần như trước kia nữa khi con cái bận rộn cũng ít về thăm bố mẹ, anh chị em ruột cũng mải lo làm ăn mà ít qua lại thăm hỏi nhau, đó là chưa nói tới việc nhiều gia đình anh em bố mẹ, con cái mâu thuẫn nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau. Trong bối cảnh xáo trộn như vậy, người dân ít có nhu cầu thăm hỏi nhau, nói chuyện với nhau mà họ thường chọn cách khép mình lại với tâm lí “chuyện nhà mình chưa xong, lo chuyện nhà khác cho mệt, thời buổi này mình có muốn lo cũng không được” như một người dân ở Xuân Đỉnh cho biết.
Không còn chia sẻ được lợi ích với nhau, không còn có chung nghề nghiệp, chung sự gắn bó với mảnh đất đã thân thiết từ lâu đời, không còn sự tin tưởng lẫn nhau trong làng xóm, thậm chí trong gia đình khiến cho người dân ở các làng – đô thị sống thu mình, khép kín, ngại giao tiếp cộng đồng, ngại va chạm và họ dường như trở nên lạc lõng chính giữa ngôi nhà mình, giữa nơi quê hương mà họ đã nhiều đời gắn bó.
4. Lối sống công nghiệp dịch vụ
Nếu như lối sống công nghiệp dịch vụ đã rất phổ biến ở các đô thị trung tâm từ lâu thì với các làng – đô thị lối sống này mới bắt đầu xuất hiện và vẫn chưa đủ thời gian để thay thế hoàn toàn lối sống nông nghiệp tự cung tự cấp vốn phổ biến ở các làng quê này trước kia. Người dân ở các làng – đô thị này khi tham gia vào quá trình đô thị hoá và trở thành đô thị buộc phải thay đổi lối sống, không chỉ làm quen và thích nghi dần với nhịp sống công nghiệp mà còn phải thích nghi với một nền kinh tế dịch vụ kéo theo rất nhiều sự thay đổi. Đất nông nghiệp không còn để họ có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm; ao hồ, đồng ruộng, vườn tược cũng không còn cho họ nguồn thức ăn phong phú như trước;… Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày họ buộc phải sử dụng đa dạng các loại dịch vụ. Chính việc sử dụng dịch vụ như vậy đã đưa dân cư ở các khu vực này tiếp xúc nhanh hơn với kinh tế thị trường.
Trong trường hợp làng Đồng Kỵ , Đình Bảng, Xuân Đỉnh, với sự đa dạng các thành phần kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ,… trong đó mảng dịch vụ ngày càng phát triển, kể cả việc làm nông nghiệp (còn rất ít) cũng đã có sự chi phối và can thiệp rất nhiều của yếu tố dịch vụ (thuê người cấy, cày, gieo mạ, gặt). Kinh tế thị trường đã mang đến cho các làng này sự phát đạt trong các loại hình dịch vụ và người dân cũng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với lối sống dịch vụ và sòng phẳng, cần cái gì đi mua cái đó, không còn kiểu nhà nọ chạy sang nhà kia xin cái này, vay cái kia như trước nữa. Điều đó đã hình thành nên một lối sống mới, một cách tư duy mới gắn với sự nhanh nhạy và bình đẳng của thị trường. Nhìn vào hệ thống chợ và sự xuất hiện của rất nhiều các hình thức dịch vụ ở Đồng Kỵ sẽ thấy được người dân nơi đây đang thích nghi với lối sống công nghiệp, dịch vụ nhanh như thế nào. Chợ chính của Đồng Kị trước kia họp theo phiên ở sân đình. Từ năm 1996, cùng với việc tu bổ khu di tích chợ làng chuyển ra và được xây dựng mới ở xóm Bằng như hiện nay, hình thức chợ phiên không còn nữa, chợ họp cả ngày với sự đa dạng của các loại hàng hoá. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có nhiều chợ nhỏ hơn ở đầu các ngõ xóm và ở khu công nghiệp. Làng Xuân Đỉnh cũng như vậy, cả làng hiện có 4 chợ chính họp suốt ngày, rất nhiều các chợ tạm hay các điểm mua bán tự phát dọc các đường làng, ngõ xóm. Ở các làng, các mặt hàng từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng rất đa dạng ở chợ, thức ăn chín (chế biến sẵn) ngày càng nhiều, thực phẩm tươi sống người bán hàng cũng làm sạch sẽ hoặc sơ chế theo yêu cầu của người mua, hàng hoa quả bày bán đầy chợ, hầu như loại trái cây nào ở thành phố có thì ở chợ này cũng có, hoa tươi cũng đã bắt đầu bày bán không chỉ trong các ngày lễ mà cả ngày thường. Các quán ăn từ bình dân đến cao cấp, hàng quà xuất hiện ở chợ và khắp trong các làng ngày càng nhiều chứng tỏ nhu cầu của dân làng ngày càng lớn đối với loại hình dịch vụ này. Bên cạnh đó, các hàng rong xuất hiện ngày càng nhiều, dân làng có thể ngồi tại nhà có thể mua được đủ thứ quà bánh, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Văn hoá chợ gắn với thói quen tiêu dùng mới và đặc biệt là thói quen sử dụng nhiều loại hình dịch vụ xuất hiện ở các làng – đô thị này. Các ngày lễ tết, các đám cưới, đám giỗ,… hiện nay dân làng phần nhiều đặt sẵn, thậm chí cả những ngày tết như mồng 3 tháng Ba, rằm tháng Bảy vốn trước kia nhà nào trong làng cũng làm bánh nhưng nay còn ít nhà tự làm, họ đi mua vừa nhanh lại vừa hợp với nhu cầu sử dụng. Rất nhiều loại hình dịch vụ trước kia được coi là chỉ có ở nơi đô thị lớn, đô thị trung tâm nhưng hiện nay đều đã xuất hiện ngay trong làng như: quán café Internet, dịch vụ Internet, khách sạn, nhà nghỉ, spa,…tất cả hình thành nên một mạng lưới dịch vụ ngày càng dày đặc và trở thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu đối với đời sống của người dân ở các làng – đô thị hiện nay. Hình ảnh phổ biến khi đến các làng – đô thị này là những quầy hàng san sát mọc thành phố trong làng, đường làng thành phố chợ như ở, những con đường rộng rãi vươn dài tới tận thôn, làng, kéo theo nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ vui chơi giải trí xuất hiện ở khắp nơi trong các làng. Như vậy, kinh tế dịch vụ – thương mại không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, đóng góp vào thu nhập của người dân mà còn làm thay đổi lối sống theo kiểu thị dân, kiểu công nghiệp ở các làng – đô thị.
5. Lối sống cạnh tranh mang tính chất thể diện
Như chúng tôi đã phân tích, sự kết nối mạng lưới thông qua việc củng cố, gia tăng vai trò của dòng họ. Sự sôi nổi của các nhóm hội đã là một sự lựa chọn thông minh của cư dân làng – đô thị khi đối mặt với sự chuyển đổi nông thôn – đô thị, nông dân – thị dân. Tuy vậy, quá trình tham gia vào những mạng lưới cộng đồng đó cùng với tâm lí đề cao thể diện “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” vốn ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân ở các làng quê đã dẫn đến không ít sự cạnh tranh vì nhu cầu thể diện, nhu cầu thể hiện bản thân, gia đình, dòng họ ở những làng – đô thị này. Đã vậy, khi làng trở thành đô thị, khi dân làng có điều kiện kinh tế hơn trước thì nhu cầu thể diện này càng lớn.
Nhìn trên bình diện chung thì quan hệ làng xóm trong các làng vẫn giữ được tính chất của làng quê xưa: đoàn kết, nghĩa tình. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế phát triển hiện nay sự đoàn kết, nghĩa tình này còn được củng cố hơn trước cả về tình cảm và vật chất, mạng lưới xã hội trong làng cũng có xu hướng bền chặt hơn do thường xuyên được củng cố và làm mạnh bằng nhiều hình thức. Tuy vậy, cũng không quá khó để nhận ra một số mâu thuẫn đã nảy sinh trong quan hệ làng xóm và đã xuất hiện những sự cạnh tranh mang tính chất thể diện trong cộng đồng. Những điều này tuy không lớn và chưa làm thay đổi quá nhiều những quan hệ xã hội của cộng đồng song nó giống như sóng ngầm và không thể nói là không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân trong các làng.
Với Đồng Kỵ , Đình Bảng, Xuân Đỉnh, Định Công,… do quá trình phát triển rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng hơn một thập kỉ mà diện mạo làng quê cũ đã thay đổi rõ rệt: việc buôn bán trong làng nhộn nhịp, việc xây dựng, mở rộng làng, những dự án, quy hoạch, đền bù đất, buôn bán đất,… trở thành những câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý và đầu tư của dân làng. Chính từ những câu chuyện này mà nhiều mâu thuẫn, nhiều sự cạnh tranh nảy sinh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai, việc xây dựng và những gì liên quan đến quyền lợi của cá nhân hoặc nhóm. Nhà nào cũng muốn có được chỗ đất đẹp để xây nhà, mở xưởng, mở cơ sở kinh doanh, xây nhà cũng nhìn xem các nhà khác xây thế nào để mình cũng phải làm không kém. Nhiều khi dân làng tranh giành các suất thuê đất ở khu công nghiệp, ở mặt đường làng khá là quyết liệt, nhiều khi dân làng xây nhà to đẹp cũng chỉ để thoả mãn nhu cầu thể diện mà không hẳn xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế.
Dòng họ như chúng tôi đã phân tích ở trên đã có sự phục hồi và phát huy được những giá trị truyền thống trong sự cố kết cộng đồng. Sự cố kết này được đẩy mạnh thêm khi các dòng họ hiện nay ngày càng tham gia tích cực vào các hoạt động văn hoá xã hội như củng cố các nhà thờ họ, viết gia phả, mở rộng phạm vi liên kết họ hàng (không chỉ trong làng, xã, huyện mà còn cả vùng miền, quốc gia và quốc tế), khuyến học, giúp đỡ hỗ trợ đầu tư kinh doanh,… Tuy nhiên, sự cố kết dòng họ nhiều khi cũng tạo ra những sự cục bộ, bè phái, cạnh tranh, đầu tư thái quá vào các hoạt động gây thanh thế cho dòng họ, đẩy quá cao vai trò của dòng họ,… Trong thực tế, các làng – đô thị hiện nay có những dòng họ lớn, dòng họ nhỏ, dòng họ đã định cư lâu đời ở làng, dòng họ định cư muộn hơn, dòng họ có nhiều người đỗ đạt và làm cao, dòng họ có ít người đỗ đạt hơn và ít làm cao hơn,… Điều này là thực tế thường thấy ở nhiều làng nhưng có một số chuyện đã xảy ra xung quanh thực tế này: dòng họ này nhìn dòng họ kia trong sự đố kị và cạnh tranh, một vài dòng họ chi phối không ít tình hình chính trị trong làng,…
Việc công đức vào các di tích hiện nay đã trở thành công việc thường xuyên của người dân ở các làng – đô thị nhưng đôi khi việc công đức đó cũng tạo ra những sự cạnh tranh, giành nhau quyền được thể hiện trước cộng đồng. Trong nội bộ dân, nhiều cá nhân, dòng họ hoặc nhóm đều muốn để lại dấu ấn của mình ở các di tích, ví dụ những người tham gia vào các Ban tổ chức lễ hội, ban Quản lí di tích, Ban Khánh tiết,… trong các làng mỗi năm đều cố gắng tu sửa và công đức một thứ gì đó vào di tích, lễ hội để lưu lại dấu ấn của mình trong một năm phụng sự việc làng, ban của năm sau nhìn các ban năm trước, và rồi hầu như ban nào và năm nào cũng có dấu ấn để lại cho cộng đồng. Các cá nhân, các dòng họ trong làng cũng vậy, người này nhìn người kia, dòng họ này nhìn dòng họ kia trong việc công đức. Điều này có những mặt tích cực không thể phủ nhận song nhiều khi cũng tạo ra những sự ganh đua và va chạm trong nội bộ dân làng.
Ở các đô thị vùng ven, tính chất làng vẫn rất đậm đặc, những sự bàn tán, nhòm ngó nhau, lan truyền thông tin rất nhanh chóng theo cơ chế phi chính thức, rồi những sự nặng nề của việc thể hiện bản thân, gia đình, dòng họ trong các dịp lễ tết, đám thứ,… đã tạo ra gánh nặng về thể diện không chỉ cho những người đang sống trong cộng đồng mà còn cho những người đi xa khỏi cộng đồng mỗi dịp về lại.
Sự nhìn ngó nhau, cạnh tranh nhau về thể diện ở các đô thị vùng ven không chỉ trong nội bộ các phường, các tổ dân phố vốn là các làng, thôn trước kia mà còn xảy ra giữa các phường, các làng với nhau. Ví như làng này xây đình lớn, cổng làng to hay mua sắm những đồ tế khí hoành tráng phục vụ cho lễ hội, tổ chức lễ hội có nhiều đoàn dâng hương, có trang phục đẹp,… thì các làng khác cũng cố gắng làm theo như vậy không cần biết có hợp lí về tài chính và nhu cầu sử dụng hay không. Như vậy quan hệ trong làng, trong phường cùng một số sự cạnh tranh không tốt đã xuất hiện và có nguy cơ ngày càng rõ rệt trong cộng đồng thuộc đô thị vùng ven thời hiện đại. Lối sống quá coi trọng thể diện trước cộng đồng bên cạnh mặt tích cực là động lực thúc đẩy người dân cố gắng sống và lao động tốt thì cũng trở thành nỗi lo lắng cho người dân và nhiều khi tạo ra sự “vinh quang giả tạo” rất đáng lo ngại trong cộng đồng.
6. Lối sống hưởng thụ tức thời, hấp thu quá nhanh mặt trái của đô thị hóa
Mặc dù nền tảng văn hoá truyền thống ở các làng quê đã giúp cư dân ở các đô thị vùng ven có được những chỗ dựa tinh thần tốt để bước vào quá trình tái cấu trúc lại văn hoá trong bối cảnh đô thị nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ dân cư của khu vực này thay đổi lối sống quá nhanh, chuyển đột ngột từ lối sống chậm của làng quê thành lối sống nhanh đô thị, từ lối sống ky cóp, tiết kiệm sang lối sống hưởng thụ, và đặc biệt là bộ phân dân cư này tiếp thu quá nhanh những mặt trái của đô thị và tạo ra những cách sống tương đối lệch lạc. Trở thành thị dân một cách quá nhanh, những người nông dân chưa hết ngơ ngác giữa phố thị, chưa hết bàng hoàng vì bỗng nhiên nhận được số tiền đền bù đất lớn mà cả đời lao động nông nghiệp của họ chưa bao giờ mơ tới, rồi cũng bỗng nhiên những mảnh đất vườn tược, ruộng nước, ao tù,… của họ bỗng trở nên có giá “tấc đất tấc vàng” khiến cho giấc mơ đổi đời của họ trở thành hiện thực một cách nhanh chóng và bất ngờ. Lối sống hưởng thụ ngay lập tức đến với họ khi họ chưa có nhiều sự chuẩn bị hay hiểu biết về nó.
Theo kết quả điều tra của Đại học Kinh tế quốc dân trên địa bàn Hà Nội cho thấy 57% nông dân dùng tiền đền bù đất đai để xây nhà, chỉ có 1% đầu tư cho nghề mới và 3% cho học nghề [5]. Trong khi đi khảo sát ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Tây Hồ (Hà Nội), quận 2 (Tp. Hồ Chí Minh), chúng tôi cũng nhận thấy tình hình tương tự. Rất nhiều người dân sau khi nhận tiền đền bù đất hoặc bán đất chỉ còn biết xây nhà, mua xe, mua sắm tiện nghi, chi tiêu sinh hoạt cao theo hướng sử dụng dịch vụ, gửi tiết kiệm,… Sau thời gian khoảng một vài năm số tiền đó hết, không có công việc ổn định, ruộng để trồng cấy không còn,… người dân rơi vào khủng hoảng không biết tương lai sẽ ra sao và rất nhiều những bi kịch đã xảy ra mà trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói tới rất nhiều.
Người dân các đô thị ven đô vốn là nông dân nên ngay cả khi họ đã trở thành thị dân thì nhiều người trong họ vẫn duy trì cách hiểu tương đối sai về đô thị. Họ nghĩ đến đô thị là nghĩ đến sự ăn chơi, hưởng thụ các giá trị vật chất, sống nhanh sống gấp, hình thức hào nhoáng,… Chính vì vậy, ngay khi có tiền họ lao vào cách sống như vậy để chứng tỏ mình là thị dân, là tay chơi, là sành điệu. Họ không ý thức được họ trở thành những “phú ông” lạc lõng với cả cuộc sống đô thị và nông thôn. Không khó để quan sát được thú ăn chơi và tiêu tiền của các “phú ông” ven đô khi họ đã không tiếc tiền và công sức cho những cuộc chơi để trưng diện xe đẹp, trang phục và đồ dùng đắt tiền,… Họ cũng không bỏ qua bia rượu, gái mại dâm, cờ bạc,… và rồi đón nhận một kết thúc không có hậu và một tương lai mờ mịt cho bản thân và gia đình.
Đáng quan ngại hơn cả là thanh niên ở các đô thị vùng ven được coi như tầng lớp ảnh hưởng sâu đậm hơn cả lối sống hưởng thụ. Nhận tiền đền bù đất hoặc bán đất, không ít thanh niên làng thực sự mất thăng bằng đến mức choáng ngợp và lao vào các thú vui để trở thành những tay chơi “sành điệu”. Hình ảnh không mấy xa lạ ở các “phố làng” hay ven các đường cao tốc mới mở là những thanh niên đầu tóc lởm chởm đủ các thứ màu nhuộm ngồi trên những chiếc xe máy phân khối lớn rồ ga phóng vun vút ngay trên đường làng hay tụ tập trong các quán cóc, nằm dài trong những hàng gội đầu thư giãn, túm tụm trong các chiếu bạc đang mọc lên nhan nhản trong làng. Nạn ăn nhậu, chơi bời thâu đêm, karaoke, vũ trường, cá độ, cờ bạc, đua xe,… đã trở thành thú chơi của một bộ phận không nhỏ thanh niên khu vực đô thị vùng ven. Và hậu quả thì hầu như ai cũng nhìn ra là tiền bạc sẽ nhanh chóng hết nhưng lối sống hưởng thụ, chơi bời đã khiến đám thanh niên này khó dừng lại được và rồi những vụ trộm cắp, cướp giật, lừa gạt xảy ra thường xuyên với cả những trẻ vị thành niên, trong đó không hiếm những vụ án gia đình đau lòng như con giết cha mẹ, ông bà, vợ giết chồng,… Sự hấp thụ quá nhanh lối sống buông thả, những mặt trái của lối sống công nghiệp, đô thị của thanh niên đô thị vùng ven đã làm đảo lộn không ít cuộc sống của những khu vực đô thị mới này.
Lối sống đề cao sự hưởng thụ tức thời còn thể hiện bằng việc các đô thị vùng ven dập khuôn mô hình phát triển của các đô thị lớn mà không quan tâm đến sự phù hợp với không gian và văn hoá làng quê. Một số khu vực đô thị vùng ven vốn là những làng quê truyền thống Bắc Bộ với hình ảnh quen thuộc của cây đa, bến nước, luỹ tre hay làng quê Nam Bộ với những dòng sông, cánh đồng, vườn cây trái bát ngát nay đã không còn mà được thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại, nhà ống khép kín với kiến trúc ta chẳng ra ta, Tây chẳng ra Tây, màu sắc loè loẹt, không hợp với khí hậu. Những ngôi nhà gỗ, nhà đất hay nhà vườn thoáng mát xưa kia được thay thế bằng nhà bê tông với sự lạnh lùng của các bức tường và cánh cổng sắt nặng nề lúc nào cũng cửa đóng then cài. Từng làng xã hay bây giờ là phường không còn nét đặc trưng khác nhau nữa, không còn những dấu ấn văn hoá, lịch sử lâu đời nữa mà tất cả trở nên đồng dạng, nhấp nhô những mái chóp tôn xanh đỏ, lấp loáng bình inox và loè loẹt những màu sơn. Trong những không gian lạnh lùng và lộn xộn đó, lối sống của con người không thể không thay đổi và đó là điều đáng suy nghĩ trong quá trình đô thị hoá hiện nay.
Không có khả năng đề cập đến toàn bộ những sự thay đổi biểu hiện trong lối sống đô thị Việt Nam đầu thế kỉ 21 nhưng chỉ với một vài biểu hiện trong lối sống của cư dân đô thị vùng ven, chúng tôi đã phần nào chỉ ra quá trình thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhiều mức độ thay đổi khác nhau, có sự thay đổi mang lại động lực tốt cho quá trình phát triển đô thị và đất nước, có sự thay đổi làm cản trở quá trình phát triển đó, cũng có những sự thay đổi tiềm ẩn nhiều những hệ lu đáng báo động trong xã hội. Tất cả tạo nên thách thức lớn cho đô thị Việt Nam trong việc tìm ra những mô hình và giải pháp hiệu quả cho phát triển và mở rộng đô thị hiện tại và tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các số liệu trong mục này lấy từ các bài viết: – Đô thị hoá ở Việt Nam – từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân
http://www.cefurds.com/index.php?option=com_content&task=view&id=264&Itemid=36
– Đô thị Việt Nam: Mười năm phát triển và những giải pháp cho thời kì mới
http://forum.duytan.edu.vn/sites/index.aspx?p=forum_thread&forum=445&thread=589
2#p0
– Đô thị hoá, qua các con số
http://www.vntrades.com/tintuc/name-News-file-article-sid-36035.htm
2. Trung bình 1 tháng tăng thêm 1 đô thị
http://www.baomoi.com/Info/Trung-binh-1-thang-tang-them-1-do-thi/148/3453699.epi
3. Hoàng Vinh (1996), Một số vấn đề lí luận văn hoá thời kì đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Trần Kiều, Vũ Trọng Rỹ, Hà Nhật Thăng, Lưu Thu Thủy (2001), Thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức, tư tưởng cính trị, lối sống cho thanh niên học sinh, sinh viên trong chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
5. Làng ven đô: Nhịp mừng, nhịp lo…
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/phong_su_ky_su/210852/lang-ven-273onh7883p-m7915ng-nh7883p-lo.htm
Trích dẫn tệp PDF từ http://www.slideshare.vn/
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Làng – Đô thị hiện nay và một số đặc điểm về lối sống (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm) |