LÀNG NGHỀ ĐẬU Trà Lâm, thị xã Thuận Thành, tỉnh BẮC NINH – Vấn đề bảo tồn và phát huy

TRÀ LÂM CRAFT VILLAGE, THUẬN THÀNH DISTRICT,
BẮC NINH PROVINCE -PRESERVATION AND DEVELOPMENT

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN HOÀN
(Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh)

TÓM TẮT

     Làng Trà Lâm, xã Trí Quả, thịxã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một làng cổ có nghề làm đậu truyền thống nổi tiếng. Làng nghề này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể năm 2020. Bài viết này của chúng tôi tập trung vào hai nội dung chính: tổ nghề và lịch sử làng nghề đậu Trà Lâm; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng nghề đậu Trà Lâm.

Từ khóa: Làng Trà Lâm, nghề làm đậu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng nghề.

ABSTRACT

     Trà Lâm Village, located in Trí Quả Commune, Thuận Thành District, Bắc Ninh Province, is a famous tofu-making craft village. It was recognized as an Intangible Cultural Heritage by the Ministry of Culture, Sports and Tourism Bắc Ninh Province in 2020. This article focuses on two key messages: the founder and the historical record of the village; the preservation and development of the value of Trà Lâm craft village.

Keywords: Trà Lâm Village, tofu-making, preservation, development of the value of craft village.

x
x x

1. Mở bài

     Làng Trà Lâm, xã Trí Quả, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vốn nằm trong vùng văn hóa Dâu cổ kính, gần với thành cổ Luy Lâu, là trị sở của quận Giao Chỉ đầu công nguyên. Chính vì vậy, làng Trà Lâm xưa sớm đã chịu sự ảnh hưởng của trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế Luy Lâu tạo nên những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc với nhiều công trình văn hóa cùng các phong tục tập quán truyền thống được hình thành trong cộng đồng. Đậu Trà Lâm là sản phẩm nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của cộng đồng dân cư thôn Trà Lâm. Làng nghề này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể năm 2020. Bài viết này tập trung vào hai nội dung chính: lịch sử và tổ nghề làng nghề đậu Trà Lâm; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trịdi sản làng nghề đậu Trà Lâm.

2. Nội dung

     2.1. Lịch sử làng Trà Lâm, truyền thuyết tổ nghềvà quy trình sản xuất đậu truyền thống của làng Trà Lâm

     2.1.1. Lịch sử và truyền thuyết tổ nghề làm đậu làng Trà Lâm

     Bàn về lịch sử làng nghề đậu Trà Lâm, nhà nghiên cứu Pham Cẩm Thượng trong sách Văn minh vật chất của người Việt (2011) cho rằng: “Làng Trà Lâm ở Thuận Thành có nghề làm đậu phụ lâu đời, có lẽ được vài thiền sư Trung Hoa từng ở chùa Bút Tháp gần đó, trong thế kỷ 17, truyền cho”(1).

     Cho đến nay, không còn ghi chép nào nói đến vị tổ nghề của làng đậu Trà Lâm. Theo các cụ cao niên ở địa phương được nghe và được truyền lại thì tổ nghề chính là thiền sư Chuyết Chuyết. Tương truyền vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVII, ven dòng sông Dâu, thiền sư đi từ chùa Phật Tích sang chùa Bút Tháp đã truyền nghề làm đậu cho bà con Trà Lâm và được kế tục từ đó đến giờ. Nếu như tổ nghề đậu Trà Lâm gắn liền với vị thiền sư Chuyết Chuyết thì nghề làm đậu của người dân nơi đây đã xuất hiện từ rất sớm. Điều này cũng không phải không có lý bởi vì, nằm ở vị trí trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta Bút Tháp -Luy Lâu -Dâu, là nơi tập trung các tăng ni phật tử, nguồn thực phẩm chính trong các bữa ăn hàng ngày của họ là đậu phụ, vừng, lạc,… có lẽ đây là yếu tố quan trọng để cho ra đời một làng nghề đậu Trà Lâm. Cũng có thể thiền sư Chuyết Chuyết đã truyền nghề cho dân làng để rồi chính người dân lại cung cấp ngược lại thực phẩm cho cơ sở chùa mình.

     Chuyết Chuyết (1590 -1644) sinh ra tại Chương Châu tỉnh Phúc Kiến trong gia đình họ Lý. Các tài liệu gần nhất với thời đại ông ở Đại Việt như Tổ sư xuất thế thực lục Minh Hành biên soạn, Kế đăng lục của Như Sơn thiền sư, văn bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh, Vạn phúc Đại thiền tựbi, Chuyết Chuyết cúng tổ khoa,… đều cho biết, ông tên hiệu là Chuyết Chuyết, tên húy là Viên Văn, là người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, đất Mân Việt, nay thuộc huyện Long Hải tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Đây là địa điểm ngay sát thị trấn Nguyệt Cảng, một trong những bến cảng lớn nhất ở Phúc Kiến và Nam Trung Quốc, đầu mối cho các thương nhân người Hoa di cư buôn bán ra nước ngoài. Chuyết Chuyết lớn lên trong không khí buôn bán sầm uất của phố cảng, tôn giáo và văn hóa Phật giáo thịnh hành. Khi còn nhỏ, cha mẹ Chuyết Chuyết đã sớm mất, khiến ông phải ở với người thím, ông thường đến chùa chiền đọc sách cho yên tĩnh và một lần như thế được Tiệm Sơn trưởng lão khai mở tâm pháp và quy y cửa Phật. Chuyết Chuyết xuất gia khi còn nhỏ khi mới 15 tuổi (đồng chân nhập đạo) và tu hành tại chùa Nam Sơn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của huyện Thanh Chương. Sau khi xuất gia, thụ giới Tỳ khưu (1607 – thời Vạn Lịch), nhận tên húy trong nhà chùa là Viên Văn, tên hiệu là Chuyết Chuyết. Tên húy Viên Văn là cách được đặt theo bài kệ truyền thừa dòng Trí Bản Đột Không. Viên Văn là đệ tử của Tăng Quán đức Đà Đà thiền sư đời thứ 33 dòng Lâm tế chính tông tại chùa Nam Sơn. Tuy nhiên, Chuyết Chuyết không ở lại chùa Nam Sơn, không kế đăng và đã du hóa tha phương. Ông sang Cổmiên quốc, rồi trở về Phúc Kiến và lần thứ 2 dời quê hương, ông trở lại Thuận Hóa. Tại Thuận Hóa, ông bôn du ra bắc và ởlại Thăng Long cũng như Kinh Bắc cho đến cuối đời. Sự nghiệp của ông, không dừng lại ở bôn du, mà dừng lại ở truyền đạo nơi đắt Bắc, tông môn rộng mở, chúng đệ tử mấy chục người, hàng pháp tôn hàng trăm người, tông phong với tổ đình chính là Phật Tích và phụ là Bút Tháp. Chuyết Chuyết đã ghi lại dấu ấn với đời với đạo, với văn hóa Việt nam bằng truyền đạo Lâm tế, từ bài Kệ trí bản đột không đến bài kệ truyền phái 48 chữ của chùa Nam sơn cũng như dòng thiền Lâm tế ở miền Nam -Trung Quốc. Đệ tử thượng thủ của ông như Minh Huyễn, Minh Lương, Minh Hành. Trong đấy, Minh Hành tiếp nối chí thầy xây dựng chùa Bút Tháp rồi chung thân đất đó. Minh Lương là đệ tử gần như cuối cùng, còn trẻ, truyền cho Chân Nguyên, và Chân Nguyên nối chí mở rộng tông phong toàn bộ Lâm Tế tông miền bắc cho đến ngày nay.

     Chuyết Chuyết, với con đường từ Phúc Kiến, sang Cổ Miên, trở về Phúc Kiến, rồi lại sang Thuận Hóa và ra bắc Việt, tạo nên dòng chảy, nốt thăng nốt trầm trong sự biến động của xã hội, không chỉ nhà Minh, mà con Đại việt. Điều đó phần nào lý giải, con đường ông đã đi qua, sóng và gió, người Hoa và thương thuyền, di cư và tông giáo trên vùng biển Á đông. Hiện nay, thôn Trà Lâm có gần 400 hộ làm nghề đậu, chiếm hơn 80% số hộ. Mỗi gia đình nấu từ 15-40 kg đậu tương/ngày, trừchi phí thu lãi từ 100 -150 ngàn đồng/ngày. Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

     2.1.1. Quy trình sản xuất đậu truyền thống Trà Lâm

     Nhìn sản phẩm đậu Trà Lâm có vẻ đơn giản nhưng các công đoạn sản xuất ra nó thì không phải như vậy. Muốn cho sản phẩm được thơm ngon, mịn và bảo quản được lâu thì cần tuân thủ các công đoạn sau đây:

     – Loại bỏ các tạp chất cơ học trong đậu tương: Bước đầu tiên là phải làm sạch các tạp chất cơ học trong đậu tương như: hạt sâu mọt, hạt mốc, hạt lép, rơm hay đất đá có lẫn trong nguyên liệu.

     -Ngâm hạt: Công đoạn này rất quan trọng, tùy theo thời tiết, nếu mùa nóng thì ngâm đỗ chừng khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ, nếu mùa lạnh thì ngâm độ 5 đến 6 giờ. Nếu ngâm quá lâu sẽ khiến lên men, sủi bọt giảm độ ngậy của sản phẩm. Mục đích của việc ngâm hạt giúp cho hạt đậu mềm hơn, dễ tách vỏ, tăng được hiệu suất nghiền, đồng thời cũng cải thiện màu sắc và mùi vị sản phẩm.

     – Đãi vỏ: Khi đãi vỏ cần phải loại bỏ những hạt đỗ ngâm mà không nở, tục gọi là hạt “nhọn”, nếu lẫn phải những hạt này sẽ làm tanh mùi của đậu. Sau khi ngâm, vỏ đậu tương tách khỏi hạt thì tiến hành đãi vỏ để thu về phần lõi hạt.

     – Xay ướt: Sau khi đãi vỏ xong thì cho vào xay ướt để cho kích thước hạt đậu nành giảm đáng kể thành các hạt mịn. Trước đây khi chưa có máy móc, người dân Trà Lâm thường xay đậu bằng những chiếc cối đá, xay bằng cối đá sẽ mịn hơn xay bằng máy.

     – Lọc: Sau khi đã xay ướt xong phải lọc thêm một lần qua túi lọc để loại bỏ bã lọc sau khi nghiền, giúp cho sản phẩm được mịn và màu sắc trắng hơn. Vải lọc cũng phải chọn loại vải có mắt lưới vừa phải, không khít quá cũng không được thưa quá. Nếu mắt lưới quá khít sẽ khiến nhựa của hạt đậu tráng thành một lớp trên bề mặt khiến nước đậu không lọt xuống được; nếu mắt lưới thưa quá thì bã sẽ lẫn xuống theo mắt lưới. Tấm vải được khâu thành một chiếc túi, người làm cho đậu xay xong vào rồi cho thêm nước vào vắt, vắt đến khi thấy nước hơi trong thì thay lần mới.

     – Đun: Công đoạn này cũng hết sức quan trọng. Sau khi vắt xong nước đậu thì sẽ đem đun, chú ý khi đun thấy nước đậu sôi lăn tăn thì phải bắc ra ngay, nếu để bồng lên thì đậu sẽ bị chua, mất độ ngậy.

     – Kết tủa: Công đoạn này thường dùng nước chua tự nhiên. Lượng nước chua cần dùng từ 20 -22% lượng nước đậu cần kết tủa. Giai đoạn đầu cho ½ lượng nước chua, sau 3 phút cho ½ lượng nước chua còn lại, sau 3 phút nữa thì cho hết số lượng nước chua còn lại. Cuối cùng, vừa cho nước chua vừa khuấy nhẹ, đến khi thấy nhiều hoa bông kết tủa thì ngừng cho thêm nước chua.

     – Ép khuôn: Khi nước đậu đã kết tủa, người làm phải khéo léo gạn bớt nước trong đi. Nước gạn ra được đổ riêng vào một chiếc chum khác để gây chua, tạo nước chua để thực hiện công đoạn kết tủa cho mẻ đậu sau. Sau đó cho vải gạt vào trong khuôn, vuốt cho phẳng phiu rồi múc nước đậu đã kết tủa vào, đóng nắp khuôn lại rồi dùng một chiếc đòn ngang được buộc đá hay vật nặng ở 2 đầu và bắt đầu ép. Công đoạn này diễn ra trong khoảng 10 phút thì được. Xong rồi thì nhấc khuôn đậu vừa ép xong ra bàn để nắn lại cho đậu vuông vắn, đẹp mắt, chờ đậu nguội thì cắt thành từng miếng đậu nhỏ. Nếu muốn bảo quản đậu được lâu thì cần ngâm đậu vào nước và phải thay nước liên tục.

     2.2. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trịdi sản làng nghề đậu Trà Lâm

     2.2.1. Giá trị của di sản của làng nghề đậu Trà Lâm

     Sản phẩm đậu do người dân Trà Lâm sản xuất được gọi là “đậu gù Trà Lâm”. Đậu gù Trà Lâm khiến người ta ấn tượng bởi kích thước của mỗi bìa đậu thường rất to, dầy. Đây là món ăn dễ chế biến, có thể ăn sống, rán giòn ăn với rau kinh giới, cầu kì hơn thì có món đậu nhồi thịt sốt cà chua,… Khi thưởng thức thì đậu có vị thanh mát, bùi và ngậy. Ngoài ra, làng nghề đậu Trà Lâm còn có hai sản phẩm phụ là tào phớ và sữa đậu nành cũng được nhiều người ưa chuộng.

     Đậu Trà Lâm nức tiếng một vùng nên có một thị trường tiêu thụ khá rộng. Không chỉ cung cấp cho nhân dân địa phương mà còn cung cấp cho thành phố Hà Nội và các vùng lân cận như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang,…

     Làng nghề đậu Trà Lâm là nghề phụ lâu đời của làng. Vì thế, ở mỗi làng nghề xưa nay, tự nó đã có sẵn hai yếu tố cơ bản: truyền thống văn hóa, truyền thống nghề nghiệp. Hai yếu tố ấy hòa quyện, không tách rời tạo nên văn hóa làng nghề.

     Văn hóa làng nghề đậu Trà Lâm hội tụ tất cả những thuần phong mĩ tục, sinh hoạt làng xóm, đoàn kết cộng đồng, tinh hoa nghề nghiệp, tài năng nghệ nhân.

     Trên bình diện kinh tế, xã hội nghề làm đậu Trà Lâm cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì những người làm nghề sống bằng nghề nghiệp của mình. Sản phẩm làm nghề là sản phẩm hàng hóa; mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân. Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

     2.2.2. Hiện trạng của di sản văn hóa phi vật thể làng nghề đậu Trà Lâm và các giải pháp bảo tồn và phát huy

     a. Hiện trạng:

     Làng nghề đậu Trà Lâm cũng như nhiều làng nghề khác, trong quá trình vận hành và phát triển đều có hai mặt: tích cực và hạn chế. Vấn đề cần đặt ra là ta phải đánh giá, nhìn nhận khách quan mặt được, mặt chưa được để có những phương án phù hợp đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

     – Về mặt tích cực: Làng nghề làm đậu Trà Lâm tuy được coi là nghề phụ nhưng thực chất lại mang về hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân. Đối với làng nghề làm đậu Trà Lâm, hiện nay, thôn có gần 400 hộ làm nghề đậu, chiếm hơn 80% số hộ. Mỗi gia đình nấu từ 15-40 kg đậu tương/ngày, trừ chi phí thu lãi từ 100 -150 ngàn đồng/ngày. Làm đậu phụ thu lãi, phần bã còn lại là nguồn thức ăn tiện tích, kích thích tăng trưởng đối với chăn nuôi lợn thương phẩm. Có thời điểm cả thôn nuôi đến 6.000 con lợn các loại, trung bình mỗi hộ nuôi từ10-50 con, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

     –Về mặt hạn chế: Phát triển làng truyền thống kết hợp chăn nuôi gia súc đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Thế nhưng câu chuyện về bảo vệ môi trường sinh thái trong khu dân cư đang trở thành nỗi âu lo, bức xúc của chính quyền địa phương. Quanh thôn, cống thoát nước đặc quánh một mầu đen đặc, hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm chủ yếu là người dân đổ nước thải chăn nuôi ra cống tràn lan, kéo dài. Tình trạng trên đã gây ra không ít phiền toái với nhân dân địa phương và du khách ngoại tỉnh khi đến thăm làng nghề.

     b. Các giải pháp bảo tồn và phát huy:

      – Cần có định hướng phát triển sản xuất theo quy mô lớn: Đa phần việc sản xuất đậu Trà Lâm đều là nhỏ lẻ, tự phát. Chính quyền địa phương nên có những định hướng sản xuất tập trung theo quy mô lớn, xưởng sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

     – Kết hợp sản xuất gắn với chăn nuôi: Để tránh lãng phí nguyên liệu thừa khi sản xuất cần có biện pháp tận dụng thức ăn cho chăn nuôi. Ví dụ đối với nghề sản xuất đậu phụ, người dân có thể tận dụng bã thừa khi xay hạt để làm thức ăn chăn nuôi cho lợn và gia súc. Như vậy vừa đạt hiệu quả về kinh tế lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh.

     – Áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất: Đa phần số hộ dân ở hai làng nghề nêu trên sử dụng phương pháp sản xuất thủ công truyền thống nên năng suất thấp, cung không đáp ứng cầu. Ngày nay khoa học kĩ thuật đã phát triển, địa phương nên có những chính sách khuyến khích các hộ dân làm nghề nên trang bịmáy móc hiện đại để giảm bớt thời gian, giản tiện các khâu trong quá trình sản xuất và giảm chi phí để nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

     – Kết hợp văn hóa du lịch với văn hóa ẩm thực: Thuận Thành là vùng đất cổ với mật độ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh dày đặc như: Đền thờ Kinh Dương Vương thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, chùa Dâu -xã Thanh Khương, chùa Bút Tháp -xã Đình Tổ, đền Sĩ Nhiếp -xã Gia Đông, thành cổ Luy Lâu -xã Thanh Khương, làng tranh Đông Hồ-xã Song Hồ,… Tất cả những địa điểm trên đây đều là những điểm đến lý tưởng của du khách yêu thích khám phá di sản văn hóa. Đây cũng là cơ hội để thị xã Thuận Thành quảng bá những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến các du khách như đậu Trà Lâm, nem Bùi, tương Đình Tổ,… những món ăn nhẹ nhàng mà mang đậm hương vị hồn quê. Khách du lịch có thể mua các sản phẩm này về làm quà cho người thân và gia đình sau mỗi chuyến đi, thương hiệu đậu gù Trà Lâm cũng nhờ thế mà bay xa.

     – Xây dựng mô hình du lịch làng nghề: Sau khi thực hiện được những giải pháp nếu trên, địa phương cần chú ý đến việc xây dựng mô hình du lịch làng nghề gắn liền với du lịch văn hóa, thương mại. Gần đây, ngành du lịch nước ta đặc biệt quan tâm đến loại hình du lịch làng nghề. Một số công ty, trung tâm du lịch của nhà nước hay liên doanh với nước ngoài đã bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động các tua du lịch làng nghề theo những tuyến du lịch văn hóa và thương mại. Khách trong nước và quốc tế trong những chuyến đi ấy đã tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm ẩm thực theo lối truyền thống. Không chỉ ngạc nhiên, thán phục trước sự khéo léo, tài hoa của người thợ, mà họ còn hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Đối với khách du lịch thì họ sẽ mua một vài sản phẩm về làm quà cho người thân, bạn bè. Còn đối với các nhà doanh nghiệp, các thương nhân thì tại đây họ có thể tìm được các cơ hội đầu tư, đối tác, bạn hàng.

      – Cần chú trọng đến việc truyền nghề cho thế hệ kế cận:Trên địa bàn thị xã Thuận Thành hiện có 6 khu công nghiệp được quy hoạch đã và đang đi vào hoạt động: KCN Thuận Thành 1, KCN Thuận Thành 2, KCN Thuận Thành 3, cụm công nghiệp Thanh Khương, cụm công nghiệp Xuân Lâm, cụm công nghiệp Hà Mãn -Trí Quả. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng mọc lên rất nhiều khu công nghiệp do vốn đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Việc hình thành các khu công nghiệp đã giải quyết được việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, chủyếu là lao động trẻ. Với sức hút về kinh tế từ thu nhập ở mức lương được nhận ở các khu công nghiệp nên hiện nay số lao động trẻ có xu hướng chuyển dần từ các nghề sản xuất truyền thống làng xã sang làm ở các khu công nghiệp. Chính vì vậy cần có những chính sách cụ thể giúp các làng nghề giữ vững và phát triển một cách ổn định, bền vững.

3. Kết luận

     Vốn sớm nằm ởvịtrí trung tâm về chính trị- văn hóa – xã hội từ thời xưa nên người dân Thuận Thành sớm đã hình thành nhiều làng nghề truyền thống. Trải qua trường kì lịch sử, đến nay trên địa bàn thị xã Thuận Thành còn tồn tại các làng nghề thủ công truyền thống như: tranh dân gian Đông Hồ, cá con Mão Điền, tơ tằm Đại Mão, sản xuất đồ tre ở thị trấn Hồ, đậu Trà Lâm, nem Bùi. Do bối cảnh toàn cầu hóa, xu thếhội nhập quốc tế và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên hiện tượng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với các làng nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, Trà Lâm là một trong sốít địa phương của tỉnh Bắc Ninh nói chung, thị xã Thuận Thành nói riêng còn duy trì được nghề thủ công truyền thống. Có thể nói, văn hóa ẩm thực là bộ phận quan trọng để cấu thành nên văn hóa vùng miền. Đậu Trà Lâm cùng với các sản vật khác của thị xã Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh như: gà Hồ, nem Bùi, bánh cuốn Mão Điền,… đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo cho địa phương này. Đồng thời đây sẽ là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, phát triển kinh tế bền vững. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề sản xuất đậu truyền thống Trà Lâm nói riêng và các làng nghề ẩm thực truyền thống nói riêng của thị xã Thuận Thành là việc làm rất cấp thiết và có ý nghĩa lâu dài đối với địa phương.

__________
1. Phan Cẩm Thượng (2011).Văn minh vật chất của người Việt. Nxb.Tri thức, tr. 276.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1.Nhất Thanh(2020). Đất lề quê thói. Nxb. Hồng Đức.

     2. Pham Cẩm Thượng (2011).Văn minh vật chất của người Việt. Nxb.Tri thức.

     3.Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2011). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb.Giáo dục.

     4. Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt (2017). Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục. Nxb.Thanh Hóa.

     5. Trần Quang Nam (Chủbiên (2016). Khu di tích Luy Lâu, Giá trị lịch sử văn hóa và vấn đề bảo tồn. SởVăn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.

     6. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh (2015).Du lịch văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; 
Số 71/ Tháng 4 (2023)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Làng nghề đậu Trà Lâm, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – Vấn đề bảo tồn và phát huy (Tác giả: Nguyễn Văn Hoàn)