LÀNG THƯỢNG HỘI và một số định hướng về việc giữ gìn, phát triển VĂN HOÁ LÀNG
1. Lịch sử làng Thượng Hội
Làng Thượng Hội có tên nôm “Kẻ Gối”, phía Đông Nam tiếp giáp với làng Thượng Cát và Hạ Cát, phía Đông giáp xã Tân Lập, phía Bắc giáp làng Phan Long, phía Nam nằm sát với đường 70, gần với sông Hồng về phía Bắc, làng nằm bên dòng chảy của một nhánh sông Nhuệ bắt nguồn từ Bá Giang chảy xuống. Ngày nay, làng Thượng Hội hiện nay là một trong 4 làng (Thượng Hội, Vĩnh Kì, Phan Long, Thuý Hội) thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ). Để đi tìm lịch sử hình thành làng, ta có thể dựa vào lịch sử, địa danh, gia phả, truyền thuyết,…
Trong cuốn Giới thiệu dòng tộc Phạm Đình thì cụ Thượng thuỷ tổ họ Phạm Đình sinh ra trong một gia đình bậc trung, làm ruộng tại làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 20 tuổi (1012) Thuận Thiên thứ 3 đời vua Lý Thái Tổ cụ đi lính rồi được điều về huyện Từ Liêm làm quan. Năm Giáp Dần, Thuận Thiên thứ 5 (1014) cụ lấy cụ bà họ Văn làng Thượng Hội và lập cư tại đây.
Theo ghi chép lịch sử thì thời hậu Trần, ở những năm cuối thế kỉ XIV (1389-1399) tình hình đất nước rất bất ổn, Thái sư Hồ Quý Ly thực hiện âm mưu cướp ngôi vua Trần. Năm 1407 vì nhà Trần muốn giành lại ngôi báu bèn sang Trung Quốc cầu cứu quân Minh. Vua Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ đã cướp nước ta. Cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt đày sang Kim Lăng Trung Quốc. Văn Đại Thanh (cha đẻ của Văn Dĩ Thành người xã Cối Sơn – Quốc Oai, người sau này được dân làng tôn là Thành Hoàng làng (vốn là người họ Hoa có quê gốc thuộc trấn Hải Dương phải trốn sang vùng đất Ninh Giang ẩn náu ở đó sinh kế làm ăn bằng nghề thợ mộc và thợ rèn. Nhưng do đất Ninh Giang gần với quê hương trang Linh Động. Ông bèn tìm đường đến Đường An huyện, trên đường đi nghe tin làng Phù Ủng tức Ủng Huê đường có dòng họ Phạm đang lũ lượt kéo nhau lên làng Vân Hội thuộc tổng Cối Sơn, huyện Quốc Oai, Sơn Tây tìm đất định cư. Thời cơ đã đến với cụ Thanh, cụ liền tìm đến xin tự nguyện làm gia nhân và cùng cả họ đi tìm đất mới ở huyện Quốc Oai. Khi tới làng Vân Hội – tổng Cối Sơn cụ thấy địa thế đẹp và thuận lợi, bờ bãi mênh mang phù sa màu mỡ, cây cối tốt tươi, bèn chọn mảnh đất Quán Tiên (nay là làng Thượng Hội) có địa thế trên bến dưới thuyền có thể sớm phát triển sau này. Tại đây, cụ và vợ sinh ra Văn Dĩ Thành (1380) tại đất Quán Ma (nay là Miếu Voi Phục thôn Thượng Hội).
Tài liệu địa phương cho biết làng Thượng Hội được khai lập sớm nhất vào đầu thời kì nhà tiền Lý (Lý Nam Đế, 544 – 548), muộn hơn vào thời hậu Trần khoảng cuối thế kỉ XIV. Như vậy, Thượng Hội là một làng cổ, được hình thành cách đây gần 1000 năm, nằm gần với kinh thành Thăng Long xưa và bên dòng chảy của con sông Nhuệ nên rất thuận lợi về giao thông và phát triển buôn bán. Mặt khác, hàng năm nước phù sa sông Hồng được đưa vào bồi đắp những ô trũng tạo nên những cánh đồng màu mỡ, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp. Tranh thủ lúc nông nhàn nhân dân Thượng Hội làm thêm một số nghề thủ công như nghề rèn, nghề dệt vải và có nhiều gia đình buôn bán để phục vụ, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, làng xóm dần ổn định hình thành nên các tổ chức hành chính và xã hội như: Bộ máy quản lí làng xã, các tổ chức xã hội (quần chúng) (họ, giáp, hội tư văn, hội thiện, hội lão, hội nghề nghiệp,…). Chính các tổ chức này là nền tảng đã sáng tạo và duy trì văn hoá cổ truyền của làng.
2. Ứng xử với văn hoá làng
Ngày nay, khi mà nước ta đang tiến vào sự nghiệp đổi mới đất nước thì lại thấy rõ vai trò rất lớn của văn hoá trong đời sống, đặc biệt là ở những vùng thôn quê. Có văn hoá, con người mới biết trân trọng và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại và chính họ lại sáng tạo ra văn hoá mới rồi lại tiếp tục truyền lại cho con cháu và cũng vì chính có văn hoá con người biết sống vì cộng đồng và có cách ứng xử đúng mực với văn hoá truyền thống. Mỗi con người Việt Nam, nếu được sinh ra từ làng quê, khi lớn lên dù đi đâu về đâu, dù làm nghề này hay nghề kia cũng đều mang trong mình tâm thức của làng, lề thói làng, giá trị làng,… đó chính là cái ăn sâu vào văn hoá cá nhân. Trong cuộc sống việc đối phó và thích ứng với tự nhiên đã tạo ra cách ứng xử của con người với văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần.
Đối với văn hoá vật chất: Làng Thượng Hội với vị trí địa lí thuận lợi cho làm nghề nông và giao thông buôn bán, cộng với sự thích ứng với môi trường tạo cho người Thượng Hội có một cơ cấu kinh tế linh động, một quy trình kĩ thuật sáng tạo phù hợp. Một số ngành nghề liên quan đến phương tiện sống được bảo tồn vững chắc, như nghề dệt màn, nghề rèn. Bằng những kinh nghiệm tích hợp qua nhiều thế hệ, người dân có những hiểu biết khá tường tận diện tích, địa thế, đất đai, về mối quan hệ giữa chúng với các điều kiện khác để từ đó tìm ra một thế ứng xử cho mình. Với dòng mạch chủ lưu là hoà vào một cách uyển chuyển chứ không đối lập một cách cứng nhắc với môi trường, địa thế thiên nhiên, lợi dụng và tận dụng nó trong sản xuất và trong đời sống. Thế ứng xử thể hiện ở việc bố trí các ngành nghề và cơ cấu giống cây trồng, ở việc áp dụng những thao tác thích hợp và bằng sức lao động dựa trên kĩ thuật cơ bắp là chủ yếu, tạo ra một hoạt động làm ăn đa dạng với nhiều cách sống khác nhau. Bên cạnh đó, nó còn là sự tạo ra và giữ vững sự cân bằng giữa các ngành nghề, môi trường và điều kiện xã hội để đảm bảo cuộc sống hiện tại cũng như lâu dài của dân làng. Đồng ruộng của làng chủ yếu là đất cát pha, người dân đã biết cách xử lí tổng thể bồi bổ đất đai và thâm canh tăng vụ, ứng dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại vào sản xuất, tạo năng suất cao trong lao động. Theo điều tra của chúng tôi thì 100% các gia đình có tivi, 80% gia đình có điện thoại cố định, 94% gia đình có xe máy, 44% gia đình có máy vi tính. Do đời sống khấm khá, nhiều gia đình trong làng bỏ tiền của ra công đức để tu sửa lại miếu, chùa, nhà thờ họ, giếng nước ngày một khang trang đẹp đẽ. Nhưng có một điều rất đáng buồn trong quá trình đi khảo sát, khi tiến hành hỏi những người trẻ tuổi về truyền thuyết Thành Hoàng làng và sự ra đời của ngôi chùa, hay năm xây dựng nhà thờ họ,… rất nhiều người đều trả lời là không rõ lắm; hoặc nghe nói chứ chưa đọc một tài liệu cụ thể nào. Trong khi đó thì nhu cầu tâm linh của họ càng không thể thiếu. Nhiều người dân nay trở thành thương nhân do nhu cầu của nghề nghiệp nên thường cầu cúng tại nơi thờ các vị thần thánh mong được sự phù hộ cho gia đình và việc kinh doanh của họ.
Đối với văn hoá tinh thần: Đời sống văn hoá tinh thần của người dân được thể hiện rất rõ qua: Phong tục – tập quán, lễ hội làng, việc mừng thọ. Phong tục – tập quán của làng rất coi trọng tình nghĩa và sự gắn bó trong quan hệ gia đình. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa con cái với cha mẹ, ông bà được chú trọng, được nâng lên thành đạo – đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Đây là quan hệ có tính chất cội nguồn – quan hệ chủ đạo của mọi mối quan hệ trong gia đình. Từ mối quan hệ này, phong tục tạo ra các quy định đối với tổ tiên, ông bà và nâng lên thành đạo thờ ông bà tổ tiên: “Khôn ngoan nhờ ấm cha ông – Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ”. 79% số người được hỏi cho biết gia đình thường cúng trong các ngày giỗ gia tiên và một số lễ tiết khác trong năm: ngày rằm, mồng một, rằm tháng giêng, lễ Thanh minh, lễ Đoan ngọ, rằm tháng 7, Trung thu, lễ cơm mới, cúng ông Công ông Táo, cúng giao thừa. Giữa anh chị em trong gia đình: “Chị ngã em nâng”. Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt được: “Cắt dây bầu dây bí – Chẳng ai cắt dây chị dây em”. Tâm lí ứng xử giữa những người cùng làng, cùng xã: hàng xóm, láng giềng gắn bó tự nhiên như tạo nên sự gắn kết xóm giềng, làng xã rất bền chặt. Điều này được thể hiện trong cách giao tiếp, trong làm ăn, buôn bán và bị chi phối bởi cách ứng xử “lấy cái cảm tình mà đặt lên hàng đầu”, hay “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Phong tục cưới xin, tang ma ở Thượng Hội vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, nhưng trong các lễ đã có sự thay đổi cho phù hợp với thời kì mới. Tuổi kết hôn tuân thủ theo quy định của Nhà nước, nữ 18 tuổi, nam 20 tuổi trở lên. Của hồi môn của cha mẹ cho con gái khi đi lấy chồng, tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình. Đối với nhà trung bình thì cho vài tạ thóc, với các gia đình khá giả thì cho xe máy, cho vàng. Nhiều gia đình thực hiện việc cưới xin theo nếp sống mới, gạt bỏ tục cài kim vào áo cô dâu, tục đặt hoả lò cho cô dâu bước qua, vợ chồng lạy nhau trong lễ hợp cẩn. Bỏ tục nạp cheo cho làng thay vào đó là việc khuyến khích đôi trai gái công đức tiền hoặc hiện vật cho các di tích, hoặc cho các công trình phúc lợi góp phần thiết thực phục vụ cuộc sống của dân làng. Trong tang ma các nghi thức đã được giản tiện hơn so với trước kia, đặc biệt là vẫn duy trì sự quan tâm động viên của làng, gia đình có người chết được lĩnh 500.000 đồng tiền tuất.
Lễ hội làng: Bên cạnh hình thức sinh hoạt tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng còn hướng về đề tài nông nghiệp, cầu xin Thành Hoàng cho nghề nông thịnh đạt mùa màng bội thu. Hội làng trở thành dịp vui và trách nhiệm chung của tất cả mọi người dân từ già tới trẻ bởi trong lễ hội họ vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên vừa là khán giả. Khi tham gia lễ hội thì bản thân người đó không chỉ mang trong mình một trách nhiệm mà còn có cả quyền lợi, quyền lợi ở đây là được “thành hoàng làng ban phát lộc”, thế nên mới có câu: “một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần”. Lễ hội hàng năm có số người tham dự là 75%, số người không tham gia là 10%, số người năm đi năm không là 15%. 93% người dân ý thức được rằng hội làng là để giữ gìn truyền thống văn hoá của làng. Mặc dù điều kiện làng đã thay đổi và tuy chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km nhưng nhịp sống văn minh của thủ đô chưa đủ sức làm thay đổi tâm thức lễ hội của người dân làng Thượng Hội.
Trên cơ sở của những yếu tố văn hoá truyền thống, trong giai đoạn đổi mới của đất nước làng tiến hành tổ chức các hoạt động văn hoá theo định hướng “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”; với một hệ thống các thiết chế như: nhà văn hoá, thư viện, hệ thống truyền thanh. Bên cạnh đó làng còn lập ra các đội văn nghệ, đội cầu lông, đội đánh cờ, tích cực tham gia cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” do Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhằm xây dựng nông thôn mới, thực hiện Nghị định 87/CP, tạo môi trường văn hoá – xã hội lành mạnh ở từng địa bàn dân cư, đẩy mạnh phong trào ‘Xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá’. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá được gắn liền với việc triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Chính quyền địa phương quan tâm phục hồi loại hình văn hoá truyền thống hát Chèo Tàu thất truyền từ lâu và năm 1998 xây dựng Câu lạc bộ Chèo Tàu.
3. Việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hoá phục vụ cuộc sống hiện đại
Văn hoá vật thể:
Đình, miếu, lăng, chùa là các di sản văn hoá vật thể rất có giá trị trong phạm vi của làng dưới sự quản lí của Nhà nước. Trong các năm qua, Nhà nước có kế hoạch đầu tư sửa chữa chống xuống cấp, cụ thể làng được cấp 31 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh để tu sửa một số hạng mục di tích có tính cấp bách. Ngoài ra, các di tích cũng nhận được sự tự nguyện công đức, bảo vệ và giữ gìn của nhân dân như: nhà thờ họ Phạm Đình (đóng góp của các đinh trong họ), ngôi nhà cổ (gia đình cụ Mỉnh tự bỏ tiền), miếu Voi Phục, chùa cổ Thiện Linh, lăng Văn Sơn,… Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hết các giá trị của các di sản văn hoá này chính quyền xã cần lập hồ sơ xin xếp hạng để ngôi nhà trăm năm tuổi này có được kinh phí trùng tu tôn tạo, giữ cho ngôi nhà bền vững lâu dài và để bảo quản các di tích một cách hiệu quả cần phải thảo ra một chương trình nghiên cứu khoa học, thiết kế và thực thi kĩ thuật, người làm công tác này phải có sự hiểu biết sâu rộng về chất liệu kiến trúc, môi trường thiên nhiên, về những nguyên nhân gây nên sự huỷ hoại giúp chúng ta tạo ra những phương pháp bảo tồn phù hợp. Để việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hoá vật thể có hiệu quả cần chú ý tới các yếu tố mà các nhà chuyên môn nhấn mạnh như: Các văn bản pháp lí của quốc gia về bảo vệ di sản văn hoá nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng; Các thiết chế văn hoá là cơ quan thường trực được giao quyền quản lí tài sản văn hoá; Các phương pháp bảo quản (các hình thức bảo quản); Các tổ chức quần chúng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Bốn yếu tố cơ bản trên đây đều rất cần thiết và quan trọng tác động một cách đồng bộ với các đối tượng là di tích lịch sử văn hoá nhằm mục đích bảo vệ cho di tích tồn tại lâu dài, khai thác phục vụ xã hội hiện đại.
Văn hoá phi vật thể:
Đối với lễ hội làng: Sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình xã hội đã và đang tác động mạnh đến các lễ hội, đặt ra yêu cầu tìm hiểu quy luật phát triển của lễ hội trong thời đại ngày nay nhằm chủ động phát huy tác dụng nhiều mặt của nó trong đời sống tinh thần của người lao động. Lịch sử sẽ sàng lọc những gì không phát huy vai trò trong tiến trình của xã hội. Việc loại bỏ những tập quán lạc hậu trong lễ hội, những hình thức thể hiện nặng lễ giáo phong kiến là điều không tránh khỏi. Phần lễ đã giảm bớt những nghi thức rườm rà câu nệ dài dòng cổ xưa, làm cho thời gian tế rút ngắn lại nhưng vẫn đảm bảo được tính thiêng liêng và long trọng. Phần hội được tăng thêm nội dung hoạt động văn hoá, thể thao hiện đại, có nội dung gần gũi với các hoạt động diễn xướng, vui chơi của hội hè xưa. Văn tế bằng chữ Hán cần dịch chuyển sang tiếng Việt gần gũi với con người hiện đại. Trang phục của những người tế lễ, diễn xướng, các đồ tế khí, vật tế lễ cũng không nên câu nệ như trước. Trong lễ hội mới cần phải bảo lưu nguyên vẹn một số yếu tố cũ, đồng thời một số yếu tố khác phải cải biến, nâng cao như xây dựng hệ thống nghi lễ mới,… Đặc biệt là cần gắn lễ hội cùng với các di tích lịch sử văn hoá với hoạt động du lịch thu hút khách thập phương.
Đối với hát Chèo Tàu: một loại hình dân ca nghi lễ cổ, đang phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất. Năm 1969, những người có tâm huyết với nghệ thuật truyền thống đã tập trung khôi phục lại lễ hội và nghệ thuật hát Chèo Tàu. Đặc biệt là những cụ già – những người được chứng kiến và tham gia trực tiếp vào lễ hội năm 1922 đã truyền lại những làn điệu cổ cho lớp trẻ. Năm 1998, sự ra đời của câu lạc bộ hát Chèo Tàu là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên cần tuyên truyền vận động các cán bộ văn hoá nhận thức rõ về việc cần bảo tồn, duy trì phát triển hình thức hát Chèo Tàu, đưa Chèo Tàu vào những sinh hoạt văn hoá thường kì của quần chúng nhân dân, để người dân ai cũng biết đến làn điệu này với tư cách là một giá trị văn hoá dân gian đặc sắc của làng quê Xứ Đoài. Nên tổ chức biểu diễn các bài hát Chèo Tàu phục vụ nhân dân nhân dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, tổ chức các cuộc thi hát dân ca Chèo Tàu cho các lứa tuổi. Để khai thác một cách có hiệu quả các làn điệu Chèo Tàu, cần chú trọng đến các nghệ nhân vì số nghệ nhân còn rất ít mà phần lớn lại đã cao tuổi, nếu không vốn dân ca sẽ bị mai một và quên lãng theo thời gian. Bên cạnh đó cần có phương pháp lưu truyền lâu bền bằng việc in ấn, xuất bản tài liệu về hát Chèo Tàu, với cách này hi vọng sẽ đáp ứng tốt được nhu cầu tìm đọc, thưởng thức của quần chúng.
Đối với hương ước: Có kế hoạch dịch và giới thiệu các bản hương ước cổ cho dân làng hiểu hơn về những phong tục tập quán của làng xưa đồng thời chọn lọc những quy ước hay đưa vào hương ước mới của làng.
Đối với sinh hoạt dòng họ: Duy trì sinh hoạt trong tất cả các họ vì như vậy sẽ tạo được sự gắn bó nhau giữa các thành viên trong họ. Trong các buổi sinh hoạt tránh ăn uống ồn ào lãng phí. Khoản quỹ họ nhàn rỗi nên sử dụng vào việc có ích giúp đỡ những gia đình trong họ có khó khăn.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể theo chúng tôi trước hết là bằng hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước, bằng việc xã hội hoá công tác này. Thực tế đã ghi nhận rằng những đạo sắc phong của các triều đại trước đây là hình thức bảo lãnh, bảo trợ của Nhà nước đối với di tích, còn việc quản lí trông coi, tu bổ trực tiếp là do nhân dân. Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về giá trị, về các văn bản pháp quy của Nhà nước là điều kiện tiên quyết cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.
4. Một số định hướng về việc giữ gìn và phát triển văn hoá làng
4.1. Phát triển kinh tế làng là nền tảng để duy trì và nâng cao văn hoá của người dân. Nếu không chú ý đúng mức đến văn hoá thì sự phát triển kinh tế – xã hội không bền vững
Trong thời kì đổi mới hiện nay, chúng ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Vì thế việc phát triển kinh tế làng xã phải gắn với việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong trồng trọt và chăn nuôi, nhanh chóng đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, phát triển nghề truyền thống, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đầu ra nhằm thu hút lao động dư thừa,… Khi kinh tế làng phát triển thì nó là nền tảng để duy trì văn hoá cổ truyền và mở mang tri thức cho người dân tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá.
4.2. Chú trọng sự nghiệp giáo dục, tuyên truyền (nâng cao dân trí, để nâng cao văn hoá)
Hiện nay ở làng còn có sự chênh lệch khá lớn về kiến thức, tri thức văn hoá ở các xóm do sự khác nhau trong thu nhập, kinh tế của các gia đình, bên cạnh đó là ý thức học hành của một số người dân chưa cao. Do đó chính quyền địa phương cần có chủ trương, kế hoạch đầu tư cho giáo dục, xây dựng các trường sở khang trang bằng ngân quỹ của địa phương và đặc biệt kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm; phát động phong trào thi đua học hành ngay trong phạm vi làng, lập thêm quỹ khuyến học trong các dòng họ.
Tăng cường công tác giáo dục truyền thống và tuyên truyền giới thiệu giá trị về di sản văn hoá làng để người dân hiểu hơn về các giá trị văn hoá của làng mình và từ đó có ý thức trong việc bảo vệ giữ gìn phát huy các truyền thống cha ông để lại.
4.3. Đề cao lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc xây dựng làng văn hoá
Nền kinh tế thị trường phát triển và quá trình đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ cao đã đang và sẽ làm thay đổi bộ mặt của làng và giá trị văn hoá truyền thống. Do đó phải đề cao lòng tự hào về các di sản đang có và trách nhiệm của mỗi người dân trong sự nghiệp hiện đại hoá nông thôn, xây dựng làng văn hoá. Cụ thể là phát huy ý thức cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được đến trường, bài trừ các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình, ổn định lâu dài đời sống kinh tế,…
4.4. Cơ quan chuyên môn và địa phương cần nghiên cứu và bổ sung vào chế tài quản lí và khai thác văn hoá làng cho phù hợp và hiệu quả hơn
Chính quyền địa phương cần có chủ trương đầu tư thích đáng kinh phí cho các hoạt động văn hoá trong điều kiện cho phép, tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, chất lượng sống của người dân được nâng cao.
Cán bộ phụ trách về văn hoá của làng chủ yếu làm việc có tính chất kiêm nhiệm. Do đó cần nâng cao trình độ về văn hoá và quản lí cho đội ngũ này.
Cần phải có phương pháp quản lí chặt chẽ khu di tích không để người dân lấn chiếm, hàng năm tu bổ nơi thờ tự, nhất là các di tích lịch sử, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm đồng thời kích thích tính tự chủ, tự quản trong hoạt động văn hoá ở làng. Xây dựng làng văn hoá phải đảm bảo kế thừa, chọn lọc, khôi phục phát huy văn hoá truyền thống, có đầu tư thích đáng tiền cho hoạt động của câu lạc bộ Chèo Tàu để câu lạc bộ được hoạt động thường xuyên và tích cực hơn.
Lãnh đạo địa phương cần động viên khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể tích cực trong các phong trào của làng, xã. Bên cạnh đó cần xử lí những hành vi vi phạm của cá nhân cũng như các gia đình trong việc không chấp hành những quy ước của làng.
5. Kết luận
Trong thời kì nước ta đang tiến hành đổi mới đất nước, việc nhận thức đúng đắn về vị trí và vai trò của văn hoá trong đời sống xã hội có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một đường hướng cơ bản trong chiến lược xây dựng nước Việt Nam thành một “nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà trong đó “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”. Nhiệm vụ này có thể thành công khi có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với việc cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Những định hướng trên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở làng Thượng Hội nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung. Thực tế thì trong gần 30 năm qua cùng với sự chuyển biến tích cực chung của đất nước, làng Thượng Hội đã có nhiều thay đổi để hoà nhịp với cuộc sống mới, được thể hiện qua cách ứng xử của con người với văn hoá vật chất và tinh thần. Trong những thay đổi của làng về cơ bản vẫn bảo lưu được những nét đẹp trong văn hoá truyền thống, nhưng bên cạnh đó cần bổ sung những yếu tố văn hoá tiến bộ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân hiện nay.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Giới thiệu dòng tộc Phạm Đình thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, Hà Tây, 2005.
2. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên), Làng văn hoá cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.
3. Vũ Duy Mền, Tìm lại làng Việt xưa, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006.
4. Nguyễn tộc gia phả kí, bản khắc gỗ lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Duy lập tháng 2, niên hiệu Thành Thái năm thứ 7.
5. Quy ước làng Thượng Hội, Uỷ ban nhân dân xã Tân Hội, Hà Tây, 1996.
6. Tài liệu điền dã tại làng Thượng Hội (năm 2007 và tháng 2, 3 năm 2008).
7. Nguyễn Hữu Thu, Hội chèo vùng Gối, NXB Hội Văn nghệ Hà Nội, Hà Nội, 1982.
ĐẶNG HOÀNG HẢI 1
___________
1. ThS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.