Làng xưa xanh ngắt bóng Dừa (Phần 1)
I
Tuổi thơ tôi trôi qua một cách lặng lẽ với câu hát quen thuộc của nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao : Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ ngân… Rồi tầm mắt được mở rộng khi tôi từ biệt lũy tre làng mình để đến với lũy tre của nhiều làng khác, tôi vẫn đinh ninh rằng, khắp vùng châu thổ Bắc Bộ này chỉ có những làng quê trầm mặc dưới bóng tre xanh cùng với vòng quay tuần tự của thiên nhiên và mùa vụ, Một duyên may trong đời tôi được sống và gắn bó với một vùng cù lao quanh năm bập bềnh sóng nước ở châu thổ sông Cửu Long. Những làng quê ở ba dải cù lao của vùng đất Bến Tre mà tôi từng đến khác hẳn với cái làng nhỏ của tôi nơi trung châu Bắc Bộ: không hề có lũy tre bao bọc quanh làng, mặc dầu tỉnh có một cái tên gắn bó với loài cây nhiều nhất ở Bắc Bộ: Bến Tre. Trải dài theo kinh rạch, các xóm ấp chỉ có dừa và dừa, cơ man là dừa. Thế rồi, chả biết từ khi nào, những câu thơ của nhà thơ liệt sĩ xứ dừa lại thành máu thịt trong tôi:
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
(Lê Anh Xuân)
mặc dù tự trong sâu thẳm tâm thức, câu hát của Văn Cao chưa bao giờ phai nhạt trong tôi. Bởi mang trong mình điều đinh ninh ấy về các làng quê nơi châu thổ sông Hồng, nên tôi hơi ngỡ ngàng khi được giao viết về làng văn Yên Sở, mà được thông báo: “làng này có rất nhiều dừa ?”. Anh bạn làm ở Sở Văn hóa xứ Đoài, cười cười bảo tôi: Bởi chúng tôi thấy ông toàn viết về xứ dừa, nên đề nghị ông viết về làng dừa này!”. Thực bụng, lúc đầu tôi chưa tin lời anh, bởi trong ký úc của tôi, lại hiện về câu hát của nhà thơ, nhà nhạc sĩ đa tài Văn Cao: Làng tôi xanh bóng tre. Nhưng tôi cũng không dám cãi lại, bởi chưa tận mắt nhìn thấy. Biết đâu?!
II
Niềm bán tín bán nghi ấy tan biến trong tôi khi tôi đứng trên bờ sông Đáy lộng gió. Tôi sững sờ, trước mặt tôi là một làng quê, không một ốc đảo dừa giữa vô vàn những đảo có tre xanh ngút ngàn. “Đây là làng Yên sở!” – Anh bạn cùng đi bảo tôi như thế. Quả tình, đó là một làng quê hiền hòa chìm trong bóng xanh ngắt của nhũng cây dừa vút cao. Không hề có lũy tre thân thuộc làng tôi như cố nhà văn, nhà báo Thép Mới từng viết trong lời thuyết minh phim Cây tre Việt Nam, cũng không hề có những vườn cây ăn qua lâu năm như các làng nơi châu thổ Bắc Bộ mà tôi từng đi qua. Tôi đi vào trong làng, hai bên đường là những thân dừa cao vút, với nỗi nhớ da diết một làng quê ở Bến Tre. Không phải mọi khi tôi không nhớ miền đất tôi từng gắn bó mười ba năm trời, mà những cây dừa cao vút ở làng Yên Sở này cứ xui tôi nhớ về xứ ấy. Tôi ngỡ như mình đang đi trên đất ba cù lao, để hỏi như nhà thơ Lê Anh Xuân từng hỏi: Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi? ngỡ như mình gặp lại một làng quê xứ dừa. Vẫn những nếp nhà quen thuộc vói mọi làng quê khác ở châu thổ Bắc Bộ, nhưng là dưới bóng dừa, cơ man là dừa. Tôi chợt nhớ đến đoạn viết về làng Yên Sở trong cuốn Làng xã ngoại thành Hà Nội: “Yên Sở còn là xứ sở của dừa, dừa ở dây nhiều và ai cũng biết, tương truyền rằng dừa làng Giá – tức làng Yên Sở – N.C.B ghi chú – đã bán ở Thăng Long từ thuở xưa, chỗ mà nhân dân họp chợ bán dừa thành tên gọi chợ Dừa (tức Ô Chợ Dừa ở nội thành)(1). Và trước mặt tôi là những vườn dừa, khoảng cách giữa hàng nọ và hàng kia tới 4-5m. Một cụ già trong làng bảo tôi: trước năm 1954, ai có một cây dừa được thu hoạch, coi như có một sào ruộng, có 10 cây dừa coi như có một sào ruộng. Có những nhà có tới hàng trăm gốc dừa!”. Tôi lại nhớ đến lời của một học giả người Pháp mà tôi cứ đinh ninh chỉ đúng với những xứ sở nhiều dừa như Bến Tre, Bình Định trong công trình nghiên cứu về dừa Việt Nam với nhan đề Những đồn điền dừa (Les plantations des cocotieras); Chỉ cần 100 cây dừa và 1 cây mít thì một người An Nam có thể tạm sống đủ. Đương nhiên, đấy là nhu cầu của người dân cách đây dăm bảy chục năm, sống với nền kinh tế tự cấp tự túc. Thật ra, cũng khó mà trả lời cây dừa ở đây có tự bao giờ và từ đâu đến. Khi khai quật di chỉ xóm Chùa, thôn Vân Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, các nhà khoa học cho biết: “trong diện tích 1000 mét vuông, đã tìm thấy 300 ngôi mộ thuyền nằm sâu trong lòng đất từ 2, 5 đến 3m. Quan tài đều làm bằng thân cây dừa, đường kính từ 40-50cm, dài từ 2,5 đến 2,7m. Đầu hướng ra biển”(2). (…) Nhưng khi nói đến nguồn gốc cây dừa trên dải đất hình chữ S này, người ta hay nghĩ tới sự gắn bó của nó với nước Chămpa cổ. Thời ấy, nước này có thị tộc Dừa và thị tộc Cau. Khi giải thích về vùng Bùng-Sấu-Giá lại trổng rất nhiều dừa, giáo sư Trần Quốc Vượng, khẳng định: “Các tù binh Chăm bị bắt đều thuộc thị tộc Dừa (bắc Chămpa, trong khi nam Chămpa (Nha Trang – Phan Rang thuộc thị tộc Cau). Đến nơi an tháp mới như làng Giá-Dừa (Giá, Da), họ đã trồng dừa để “nhớ lại và nhắc lại’’ cảnh quan miền quê hương cũ và để an ủi tâm linh họ.
Ở đây tôi và các nhà khảo cổ học ĐHTHHN đã tìm thấy những “giếng cổ” kiểu Chăm. Và những “ốc đảo” (colonats) giữa biển Việt đã dần dần Việt hóa trên diễn trình lịch sử hòa hợp Việt- Chăm, song đã để lại “dấu ấn” trong các xóm đừa, trong các thổ ngữ là lạ của dân Cổ Nhuế-Sấu-Giá và cả vùng Phùng, cùng với một vài cái họ “là lạ” như họ “Cấn” từ Sấu Giá đến Phùng Bùng-Lại Thượng” (1). Điều ấy là đúng, bởi Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ: “Vua – tức Lý Thái Tông từ Chiêm Thành về… ngày hôm ấy, bề tôi dâng hơn 5000 chiến tù và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các chiến tù đều ghép theo bộ thuộc cho ở từ trấn Vĩnh Khang thắng đến châu Đăng (túc là Qui Hóa sau này) đặt hương ấp, phỏng theo danh hiệu cũ của Chiêm Thành(2). Cũng giáo sư Trần Quốc Vượng giải thích: “Vĩnh Khang theo Thiền uyển tập anh chép nhiêu lần là miền Từ Liêm. Hoài Đức nay và “thẳng đến Đăng Châu” là vùng Quốc Oai, Quảng Oai, Tam Nông, Hưng Hóa ngày nay(3).
Nhắc lại nhũng điều ấy để thấy cây dừa đã hiện diện với làng Yên Sở đã bao nhiêu đời nay, làm thành một nét riêng của Yên Sở so với những làng quê khác. Thử làm một sự so sánh, có lẽ tuổi đời của cây dừa trên đất Yên Sở cũng chả kém với tuổi đời của cây dừa trên đất Bến Tre. Bởi lẽ, dấu ấn khai phá của người Việt tại vùng đất ấy, cũng chưa hơn ba chục thập kỷ là bao, cũng có thể cây dừa có mặt tại nơi ấy từ trước đó, nhưng sự khai thác của người Việt với cây dừa thì chưa hơn được số năm tháng kia. Bao đời nay, người dân làng Yên Sở gắn bó với cây dừa. Mọi chặng đường trong cuộc đời của con người, cây dừa vẫn là một người bạn đồng hành thân thiết. Đường làng rợp bóng dừa xanh, che mát tuổi thơ của những đứa con sinh thành trên đất Yên Sở, làm thư giãn người lão nông sau những giờ phút mệt nhọc nơi chân ruộng. Việc chăm sóc cây dừa, nói khác đi là sự ứng xử với một loài cây, một thiên nhiên, chính là nét văn hóa của làng dừa. Cũng là đất bãi ven sông nhưng ở nơi khác cây dừa không phát triển mạnh, không bảo tồn và sinh trưỏng được tốt. Nói đâu xa, ngay những làng cùng nằm ven sông Đáy này, cây dừa cũng không sinh thành, phát triển để thành một loài cây “chủ” của sinh thái cảnh quan. Trong các cách chữa “bịnh” cho cây dừa, tôi đặc biệt chú ý tới một phương thuốc mà người dân Yên Sở dùng để trị một loại bịnh của loài cây dễ trồng, khó chăm này. Đó là bịnh sâu dừa mà người dân xứ ba cù lao Bến Tre gọi là bịnh dừa bị đuông. Vườn dừa nào chỉ cần có một cây bị đuông thì coi như hỏng cả vườn. Người dân Yên Sở trị bệnh này bằng cách bắt cóc đập chết ép muối, buộc vào bẹ dừa, sâu dừa, tức con đuông sẽ bị tiêu diệt. Đó chính là một cách ứng xử với thiên nhiên. Văn hóa, xét cho cùng là thái độ ứng xử của một cộng đồng (ứng xử tập thể), hay một cá thể (ứng xử cá nhân) trước thiên nhiên, xã hội và chính mình. Biến cây dừa thành loài cây “chủ” ở đây, phải chăng đó là nét văn hóa riêng biệt của cư dân Yên Sở. Nói khác đi là một thái độ ứng xử với thiên nhiên của cư dân, đã khiến cho loài cây vốn không thân thiện với khí hậu và thổ nhưỡng Bắc Hà thành loài cây chính. Hơn thế, việc chế biến các món ăn liên quan đến cây dừa cũng lại là một nét ứng xử. Tôi ngỡ ngàng khi biết Yên sở có bánh gai gói bằng lá dừa. Nghe cô gái làm ở đài truyền thanh xã kể, tôi đã lặng người bởi thức dậy trong tôi một kỷ niệm khó quên với chiếc lá dừa. Ngày tết năm ấy không có lá dong gói bánh chưng cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà của những lưu dân xứ Bắc “đời chót”, theo kinh nghiệm của một người bạn quê Thanh Hóa, chúng tôi đã lấy lá dừa làm khuôn bánh, để gói bánh chưng, những lưu dân xứ Bắc “đời đầu”, tức lưu dân Việt Nam Bộ, gói bánh tét hình tròn và dài bằng lá chuối, còn tôi và bạn bè tôi – những lưu dân xứ Bắc “đời chót” vẫn giữ thói quen gói bánh chưng hình vuông, không có lá dong, chúng tôi lấy lá dừa làm khuôn, để có những chiếc bánh chưng xinh xinh trong Tết xa nhà. Thật ra, đó cũng chỉ là một cách ứng xử. Thành thử, tôi cứ ngồi yên để nhìn cô gái Yên Sở bẻ lá dừa làm khuôn bánh gai, khác vùng Ninh Giang, Hải Hưng gói bánh gai bằng lá chuối, ứng xử với cây dừa, để biến nó thành vật hữu ích, người Việt ở đâu cũng là giống nhau. Chiếc bánh gai lá dừa làng Yên Sở nức tiếng một dải xứ Đoài. Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết của các gia đình Yên Sở, dù gia chủ giàu hay nghèo, bao giờ cũng phải có bánh gai gói bằng lá dừa, và người dân nơi đây còn dùng cơm dừa để làm nhân bánh nếp (bánh dợm). Tôi lại nhớ, người dân Việt Nam Bộ gói bánh ít / bánh dợm (bánh nếp) bằng nhân dừa, cơm dừa nạo nhỏ, băm kỹ, làm thành nhân bánh. Phải chăng, chính đây là nét ứng xử riêng biệt của làng Yên Sở. Xét cho cùng, sự ứng xử ấy, chính là nét văn. Giữa bao la của các làng châu thổ Bắc Bộ, người Yên Sở vẫn có cái riêng của mình trong ứng xử với thiên nhiên, với một loài cây rất Yên Sở.
Nói vậy, không có nghĩa tôi đã quên Yên Sở từng là đất có nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa, và cây lúa Yên Sở vẫn có vị trí xứng đáng. Xã hội nông thôn cổ truyền với quan niệm dĩ nông vi bản, đương nhiên, cây lúa có vị trí hạng nhất, nhưng làng nào chả vậy, khắp các làng của vùng châu thổ Bắc Bộ này. Nếu phải cố tìm một nét riêng trong ứng xử với thiên nhiên, phải chăng, cây dừa trên đất này, đã đem đến, hay nói đúng hơn buộc người dân Yên Sở có cách ứng xử riêng.
________
(1) Nxb Hà Nội, 1985, tr. 318.
(2) Theo Nguyễn Văn Ba trong tham luận khoa học Dừa Bến Tre, kỷ yếu hội thảo khoa học Địa chí Bến Tre, tài liệu đánh máy, tr. 322.
(1) Bài Làng Bùng – Trạng Bùng (vài dòng cảm nghĩ), Tạp chí Văn hóa thể thao Hà Tây, số 2/1999, tr. 68.
(2) Bản dịch của Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb KHXH, H. in lần 2, 1972, tập 1, tr. 224.
(3) Bđd, tr. 68.
Yên Sở, mùa thu 1993
(Làng nghề, làng văn, tập 2, Sở văn hóa thông tin Hà Tây, 1994)
Trích dẫn từ: Văn hóa Dân gian Việt Nam – Những phác thảo,
Nguyễn Chí Bền, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, năm 2003
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp. Kính mời đón xem: