Lễ hội ARIÊU PIING của NGƯỜI PACÔ

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
(Giáo viên trường THPT A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế)

1. Đặt vấn đề

     Người Pacô ở Việt Nam cùng với người Pahy được xem là nhóm địa phương của dân tộc Tà ôi. Địa bàn cư trú chủ yếu ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) và một phần ở huyện Đắc Krông, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Hiện tại người Pacô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 20.000 người, sinh sống tập trung ở các xã: Hồng Thượng, Hồng Quảng, Phú Vinh, Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hồng Kim, thị trấn A Lưới, Bắc Sơn, Đông Sơn, Hồng Trung, Hồng Vân và Hồng Thủy.

     Văn hóa truyền thống của người Pacô được thể hiện qua trang phục, dân ca, dân nhạc, dân vũ cũng như quy mô, quy trình tổ chức các lễ hội và tập quán cúng tế, trong đó đáng chú ý nhất là lễ hội Ariêu piing.

     Lễ hội Ariêu piing hay còn được gọi là lễ dời mả thường tổ chức từ 5 năm đến 10 năm một lần. Bởi vì đến thời gian đó xương cốt của người quá cố đã khô sạch. Nhà mồ cũng đã cũ nát cần thay lại nhà mồ mới đẹp đẽ khang trang hơn. Đây là lễ hội lớn linh thiêng nhất của cộng đồng, cho nên họ rất thận trọng trong khâu chuẩn bị và chọn thời gian thuận lợi nhất để tiến hành tổ chức. Thông thường lễ hội này diễn ra vào mùa hè, là thời điểm nắng ráo rất thuận lợi cho việc chuẩn bị các nguyên vật liệu cho các món ăn, thức uống đặc biệt để tiếp đãi khách cũng như nguyên vật liệu để dựng nhà mồ mới.

2. Các bước tiến hành trong lễ hội Ariêu piing

     2.1 Làng họp bàn và đi mời khách (Tâng hung veel – Tân teeng)

     Trước khi tổ chức, trưởng thôn cùng dân làng cử một người cao tuổi, có uy tín, thông hiểu về phong tục tập quán, giỏi về đối nhân xử thế, được xưng là già làng (Arieyh veel) để lo việc. Sau khi được chọn ra thì già làng có trách nhiệm tập hợp lại các gia đình, dòng họ cùng nhau bàn bạc kĩ lưỡng từ cách thức tổ chức, lễ vật cúng tế, địa điểm để dựng lán trại (Ân trạap), chôn cọc nêu, số lượng khách được mời, lương thực thực phẩm đều được tính toán đầy đủ.

     Cách thức mời khách ở lễ Ariêu piing cũng có những quy định rõ ràng:

+ Đối với khách là con cháu họ hàng trong gia tộc, dòng họ thì người đi mời phải là trưởng họ, bố hoặc mẹ.

+ Đối với khách của làng kết nghĩa thì đích thân già làng phải đi mời.

     2.2 Lễ tẩy rửa sự ô uế và tục gọi hồn người đã mất (Axa arah – Pa xool ku mụui)

     Đây là một nghi lễ rất quan trọng không thể thiếu được trong các lễ hội lớn nhỏ của người Pacô, đặc biệt là trong lễ hội linh thiêng này. Nó như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch mọi tội lỗi nhơ bẩn do con cháu gây nên. Các vật tế trong nghi lễ này là 1 con heo, 1 con gà. Trước tiên già làng túm lấy hai chân con gà đập mạnh vào cột nêu và khấn cầu xin các vị thần, tổ tiên, người đã mất mong tha tội cho những nhuốc nhơ mà tất cả các thành viên trong làng đã từng gây ra.

     Sau khi khấn xong, con gà đó không được ăn thịt mà vứt xuống suối với ý nghĩa làm cho trôi đi tất cả mọi xui xẻo, rủi ro ô uế. Sau đó chọc tiết con heo bôi vào cột nêu gọi là để tạ lỗi với thần sân (Âng kưm) với tổ tiên, người đã mất nhằm cầu xin các vị vui lòng tha thứ bỏ qua cho con cháu. Phần huyết tuơi còn lại thì được già làng chia đều cho các trưởng họ, sau đó trưởng họ và các chủ gia đình về bôi vào các cột nhà của mình. Trong lúc thực hiện nghi lễ này, tất cả con cháu trong làng không ai được đi vắng mà tập trung đầy đủ trong nhà. Điều mà người Pacô kiêng kị nhất trong thời gian diễn ra lễ hội đó là trai gái đang yêu nhau tuyệt đối không được quan hệ bất chính, bởi vì họ quan niệm rằng, đây là một điều nhơ bẩn, ô uế nhất. Nếu điều này xảy ra thì phải nói ra ngay, nếu không cả làng sẽ bị trừng phạt, gây ra đau ốm, chết chóc.

     Tục gọi hồn người đã mất là một nghi lễ không kém phần quan trọng, bởi vì khi đi bốc mộ, có thể gặp được những ngôi mộ sau 5 năm bị bỏ mặc trong rừng sâu, núi thẳm mà xương cốt vẫn còn nguyên vẹn. Ở nghi lễ này già làng cùng các trưởng họ phải chuẩn bị một mâm cúng gồm: 1 con heo, 1 con gà trống. Trong khi khấn họ phải hết sức cẩn thận, lựa lời nhẹ nhàng, tế nhị nhất để cho người quá cố vui vẻ. Qua nghi lễ này già làng báo cho người quá cố biết là con cháu sẽ làm nhà mồ mới, rước hài cốt người quá cố về làng, cầu mong người quá cố phù hộ cho con cháu sức khỏe để tiến hành tổ chức lễ hội được suôn sẻ.

     2.3 Dựng nhà mồ mới và trang trí hoa văn cho nhà mồ (Chooh piing – Taraan piing)

     Khi lễ gọi hồn kết thúc, già làng phân công các trưởng họ cũng như những thanh niên khoẻ mạnh lên rừng tìm vật liệu như gỗ, lồ ô, vỏ ốc, đá Krơu, dây mây, để làm nhà mồ và quan tài nhỏ. Sau khi đã tìm kiếm đầy đủ, các loại vật liệu này được đưa về tập trung ở đầu làng. Tại đó với sự chỉ đạo của già làng họ cùng nhau đục đẽo chạm trổ các thư như: quan tài nhỏ (giống như cái tiểu), tượng nhà mồ, mái lợp, hoa văn trang trí…

     Sau khi khung nhà mồ đã đục đẽo xong, già làng cùng các trưởng họ bắt đầu đi chọn khu đất để làm nhà mồ. Khu đất để dựng nhà mồ cách làng không xa, khoảng chừng một cây số hay gần hơn, nơi đó phải cao ráo, có con đường lớn chạy qua để người quá cố được vui vẻ và con cháu tiện đến chăm sóc, mỗi dòng họ được qui định một dãy riêng trong khu chung của làng đó. Họ cùng nhau phát quang, đào đất để làm móng cho nhà mồ, chiều cao của móng nhà phải đúng 1m. Trong quá trình làm nhà mồ thì tuyệt đối không được mượn đất của dòng họ khác, không lấy đất tơi xốp đắp lên mà phải bạt đất đồi xuống. Sau đó chọn lấy phần đất bền chắc và tạo thành móng theo hình khối tròn, còn chiều rộng thì tùy theo số lượng chiếc tiểu đựng xương cốt, ống nứa linh hồn người quá cố của mỗi họ, hay mỗi nhà. Có những gia đình, dòng họ có nhiều hài cốt thì ngôi nhà mồ sẽ dài từ 10m đến 20m.

     Sau khi nhà mồ được dựng xong thì những nghệ nhân Pacô sẽ tiến hành việc trang trí hoa văn, đẽo tượng để làm đẹp thêm ngôi nhà mồ đó. Hoa văn được trang trí chủ yếu dùng ba màu trắng, đen và đỏ.

+ Màu trắng được lấy từ vỏ ốc suối nướng thành tro hòa với nước đặc sệt tạo thành chất như vôi cho ra màu trắng.

+ Màu đen lấy từ than của loại củi tốt nhất.

+ Màu đỏ lấy từ hòn đá suối được giã nhuyễn.

     Hoa văn trên nhà mồ thường có 4 loại, mỗi loại được trang trí vào mỗi bộ phận nhất định như: ở cột được trang trí hình móc câu. Đà trên và đà dưới được trang trí hình con rồng. Đà ngang đà dọc được trang trí hình xương cá. Cột đỡ mái thì được trang trí hình đuôi con châu chấu, hình cuộn tròn cả hai đầu. Khung nhà mồ được chạm trổ tỉ mỉ, vẽ hoa văn màu trắng, đen, đỏ rực rỡ khi được đặt lên trên nền móng cao ráo vững chắc nhìn vừa đẹp mắt vừa thể hiện sự linh thiêng và uy nghiêm. Bên ngoài nhà mồ hoặc các cột chống đỡ nhà mồ được đẽo những thân tượng gỗ to, chắc chắn, trên thân tượng là những khuôn mặt có thể vui, buồn tùy theo cảm hứng của nghệ nhân điêu khắc.

     2.4 Các nghi lễ liên quan đến việc bốc mộ

       a) Lễ bốc mộ (Rộ ku mụui)

       Thời gian đi bốc mộ phải vào buổi sáng sớm tinh mơ, trước khi bốc, già làng và các trưởng họ cũng phải khấn vái cầu xin cho hài cốt của người quá cố được toàn vẹn và dễ dàng tìm thấy.

       Hài cốt được bốc xương cốt lên, trừ trường hợp người chết đó không còn tìm thấy xương cốt được nữa hay người đó bị chết vì bệnh nguy hiểm dễ bị lây truyền như: lao, hủi, là người ta chỉ gọi hồn bằng cách trải chiếu gần ngôi mộ và khấn gọi hồn.

       Nếu có con vật nào đậu vào chiếc chiếu đó thì lập tức bắt ngay bỏ vào cái ống nứa, ống nứa đó cũng được liệm cẩn thận bằng tấm chiếu Alợơ. Đối với trường hợp còn xương cốt thì được rửa bằng rượu sau đó liệm lại bằng tấm thổ cẩm hay bằng vải bình thường tuy theo điều kiện của mỗi gia đình, sau đó được đặt vào chiếc tiểu nhỏ.

       Khi những người đi bốc mộ ở nơi xa về, người nhà của các dòng họ lần lượt chuyển hài cốt, linh hồn về tập kết ở đầu làng, sau khi  tất cả đã đầy đủ già làng mới tiến hành làm lễ tiếp theo.

       b)Lễ cúng sân bãi và lán trại (Pa cheen Âng kưm Ân trạap)

       Tại lán trại lúc này già làng cùng các trưởng họ tiến hành nghi lễ cúng sân bãi và lán trại, mâm lễ là một con gà và một con heo đã luộc chín. Già làng khấn vái xin thần sân, thần lều ma được cho các linh hồn vào trú ngụ trong thời gian diễn ra lễ hội. Lều ma này khá rộng, chứa khoảng 50 người được dựng cách xa nhà chính chừng 500m.

       c) Lễ nhận lỗi – chịu phạt và mời người quá cố vào (Nhin phạt ka vô – Ku mụui)

       Ở nghi lễ này mỗi họ phải chuẩn bị một mâm cúng riêng gồm heo, gà đã luộc chín sau đó các trưởng họ rứt từng miếng thịt gà vung lên trời và khấn nhận lỗi từng linh hồn một, linh hồn nào chết trước thì nhận lỗi trước không phân biệt tuổi tác, địa vị. Sau đó cúng con heo gọi để chịu phạt rồi khấn, sau khi đã nhận, phạt riêng thì đích thân già làng tiến hành nhận, phạt linh hồn của người quá cố chung cả làng.

     Khi lễ nhận phạt kết thúc già làng các trưởng họ mời người quá cố vào bằng một lời mời:

“Hỡi tất cả linh hồn, người quá cố
xin đừng ngại ngần xấu hổ
xin đừng xa mặt cách lòng
xin được vui lòng mát dạ mà nhanh chân bước vào làng
cho con cháu được vây quanh hầu hạ”

       d) Lễ rước linh hồn người chết vào lều ma (Amoor Ku mụui)

       Đây là bước chính, mang tính linh thiêng nhất của lễ hội tiếng chiêng trống với giai điệu Xi xỉa bắt đầu nổi lên. Tất cả con cháu trong làng đứng ở hai bên đường chào đón, từng dòng họ lần lượt khiêng những chiếc tiểu đi vào trong lán trại.

       Trong quá trình khi rước vào lán trại, thi hài người quá cố đó không kể tuổi tác hay địa vị, người nào chết trước thì được rước vào trước. Những chiếc tiểu của các dòng họ không được bỏ chung chạ mà được già làng và các trưởng họ qui định sẵn, mỗi dòng họ được sắp đặt ngăn nắp ở từng dãy, hay một góc riêng của bên trong lán trại chung đó. Riêng linh hồn chết xấu thì mỗi họ làm một lán nhỏ riêng, khoảng cách giữa lán trại lớn chung khoảng 2m.

     2.5 Lễ đâm trâu và nuôi linh hồn người quá cố (Chật ti rịa – Chiem ku mụui)

     Cũng như ở lễ hội khác lễ đâm trâu là điểm nhấn của lễ hội, trước khi tiến hành lễ đâm trâu tất cả con cháu, bạn bè và khách vẵng lai tập trung đầy đủ xung quanh sân, giai điệu chiêng trống nổi lên rộn ràng. Già làng và các trưởng họ cùng bạn bè láng giềng bắt đầu nhảy múa vũ điệu lễ hội đâm trâu, mỗi bước nhảy, điệu múa này đều ẩn chứa ý nghĩa: Vui mừng được gặp lại người quá cố sau một thời gian dài xa cách, thể hiện tấm lòng thành kính đối với người đã khuất, nhảy múa hát hò cho người quá cố được vui lòng mát dạ, vui mừng và tạ ơn bạn bè láng giềng xa gần đã đến chung vui, chia buồn cùng lễ hội.

     Sau gần 2 tiếng đồng hồ nhảy múa, già làng ra hiệu dừng lại để chuẩn bị đâm trâu. Trước tiên già làng tiến hành đâm vật tế của làng trước, sau đó các trưởng họ lần lượt đâm vật tế của mình, sau mỗi lần vật tế ngã xuống là họ thực hiện ngay xong một điệu múa.

     Tục tế sống xong xuôi họ bắt đầu làm thịt, họ chọn lấy những miếng thịt ngon nhất, đầy đủ các bộ phận của vật tế và xâu từng xâu nướng lên. Phần cơm cúng tế cũng được chọn từ gạo, nếp, đặc sản thơm ngon nhất như: Ra dư, Cu da, A venh, Cu hom. Sau khi đã nấu chín họ nắm từng nắm nhỏ rồi gói vào lá chuối tươi non, mỗi linh hồn được dọn lên 1 xâu thịt, 1 gói cơm.

     Mỗi ngày họ nuôi người quá cố 4 lần vào 5 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ tối và 12 giờ đêm, mỗi bữa nuôi già làng qui định thống nhất vào một giờ nhất định, cấm không ai nuôi riêng lẻ. Các vị khách, bạn bè của gia đình cũng phải thức cả ngày lẫn đêm để thay phiên nhau đánh trống chiêng cho người quá cố. Tiếng Ra roi nỉ non da diết của người già với nhau, với tiếng khóc kể lệ đau đớn của người thân, bạn bè của người quá cố tất cả những hình ảnh âm thanh ấy đã tạo cho không khí lễ hội Ariêu piing vừa sôi động rôm rả vừa buồn đau sầu thảm.

     2.6 Chia tay người quá cố, lễ tiễn khách (Ka lôyh ku mụui – Pa chòo tâm mooi)

     Ngày cuối cùng của lễ hội Ariêu piing, vào buổi sáng sớm già làng và các trưởng họ tiến hành làm lễ tiễn đưa người quá cố với lời khấn:“Lễ hội Ariêu piing đến đây đã hết, mời tổ tiên người quá cố về nhà mồ mới cho vui lòng mát dạ. Cầu mong tổ tiên người quá cố phù hộ cho làng bản con cháu khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, tránh được rủi ro đau ốm để con cháu lại có điều kiện làm nhà mồ mới cho người quá cố to đẹp hơn”.

     Nghi lễ vừa kết thúc là lúc mọi người bắt đầu khiêng người quá cố ra khỏi lán trại, lần lượt người nào chết trước thì được khiêng ra trước họ khiêng đi rất nhẹ nhàng đến nhà mồ. Khi đến nhà mồ, người chết lành được đặt vào trước và được ở ngôi nhà mồ to hơn, còn người quá cố chết xấu thì được đặt ở nhà mồ nhỏ, nằm sau nhà mồ lớn khoảng 3m, mỗi họ làm từ 1 đến 2 cái nhà mồ như vậy. Khi người quá cố đã nằm yên trong nhà mồ họ mới bỏ vào tất cả đó dùng cần thiết cho người quá cố như chén, chiếu, xoong, gùi…và một lần nữa họ lại khấn: “Đây là nơi tổ tiên, người quá cố an nghỉ, đã có nhà mồ mới khang trang sạch đẹp cầu xin tổ tiên người quá cố hãy vui lòng mát dạ, phù hộ che chở cho con cháu luôn mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt hơn”.

     Chia tay với người quá cố, họ trở lại lán trại để tiến hành một nghi lễ cuối cùng của lễ hội là tiễn khách ra về. Trước tiên, già làng cùng các trưởng họ làm lễ tiễn khách là các già làng của các làng kết nghĩa. Khi thực hành nghi lễ, bên khách đại diện một người, mâm lễ bao gồm: 1 mâm cơm đầy đủ các món đặc biệt. Đối với khách Khơi, trong mâm lễ có 1 con gà luộc, 1 ống đựng rượu. 1 Ađiên bánh A koát, một tấm chiếu Alợơ, một tấm vải dzèng. Sau đó, họ tiến hành theo thứ tự, trong chị em gái ai đi lấy chồng trước thì phải làm lễ cho người đó trước, cứ lần lượt như vậy cho đến người đi lấy chồng cuối cùng, mỗi gia đình khách Khơi được dọn một mâm lễ riêng, mỗi gia đình như vậy chỉ đại diện một người để làm lễ.

     Sau khi tiến hành lễ cho khách Khơi xong, trưởng họ, chủ gia đình tiếp tục làm lễ cho khách Ânnoo, mâm lễ cho khách Ânnoo khác hơn mâm lễ của khách Khơi ở chỗ họ chỉ dọn 1 con heo nhỏ đã luộc chín, 1 chiếc chiếu, tấm vải hoặc 1 bộ áo quần, 10 cái chén, nếu có tiền thì dọn cả tiền. Ngoài mâm lễ đó, nếu có điều kiện cho thêm nhiều hơn cũng được.

     Các vị khách không mời mà đến là Ra doók, thì làng không làm nghi lễ này, bởi vì đây là những vị khách không mời mà đến thì không cần tiễn mà họ phải tự đi.

     2.7 Chia tay lễ hội (Zi zaar)

     Là một nghi lễ khá đơn giản, mỗi gia đình chỉ cần chuẩn bị sẵn một cặp bánh A koát, hay một nải chuối hoặc một cây mía. Già làng phân công từ 4 đến 5 người, trong những người đó có một người đeo chiếc gùi to, họ đi đến từng nhà bằng động tác nhảy nhót, cái đầu thì nghiêng qua nghiêng về, số người còn lại thì đánh trống chiêng và hú điệu múa Ya ya. Họ không vào nhà mà đứng ngoài cửa nghiêng miệng gùi để cho người nhà bỏ lễ vật vào chiếc gùi đó, khi chiếc gùi đã đầy ắp lễ vật họ đem về đổ tại sân làng và tập trung ăn hết tại đó chứ không được đem về nhà.

3. Thay lời kết luận

     Lễ hội Ariêu piing là lễ hội lớn và linh thiêng nhất của người Pacô, đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp mang ý nghĩa sâu sắc, nghĩa tình thiêng liêng giữa người sống với người đã khuất được lưu truyền từ đời này sang đời khác và ngày nay vẫn được lưu giữ và duy trì. Tuy rằng thời gian tổ chức được rút ngắn lại tính từ lễ hội chính thức, trước đây diễn ra 4 ngày 3 đêm thì nay chỉ 2 ngày 1 đêm để thực hành tiết kiệm, nhưng các nghi lễ tập quán, các bước tổ chức vẫn được thực hiện đầy đủ chặt chẽ, không bỏ sót một nghi lễ nào.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Nguyễn Khánh Phong – Ta Dưr Tư (2011): Tục đi sim của người Pacô xưa. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1.2011.

2. Trần Nguyễn Khánh Phong: Tiếp cận truyện cổ của người Pacô. Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3.2010.

3. Trần Nguyễn Khánh Phong: Tết cổ truyền của người Pacô. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1 (331). 2012.

4. Thành Phiên: Hai món ăn độc đáo của người Tà ôi – Pacô. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Một số kết quả mới trong việc nghiên cứu văn hóa dân gian Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, 6. 2011.

Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập
Hình: Lễ hội Ariêu-ping của đồng bào Pa-kô.  Nguồn: dantri.com