Lễ hội cầu Ngư của các làng biển Quảng Nam – Đà Nẵng

Tác giả bài viết: NGUYỄN XUÂN HƯƠNG*

     Lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hoá thường niên, náo nức, trang trọng của cộng đồng cư dân làm nghề biển từ Quảng Bình vào đến Nam Bộ. Bài viết này phác họa lễ cầu ngư truyền thống ở vùng biển Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, như góp thêm sắc màu vào bức tranh văn hoá biển Trung Bộ và Nam Bộ.

     Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, lễ hội cầu ngư là lễ hội cầu mùa, mà đường dây tạo ra nó chính là niềm tin của ngư dân về sự phù trợ của ngư thần: Ngư Ông – cá voi. Cá voi, một động vật có thật ngoài biển khơi và có mối quan hệ mật thiết với nghề biển, nên được dân biển suy tôn, thiêng hóa thành phúc thần. Lễ cầu mùa – cầu ngư là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được mùa biển.

     Người dân vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng quan niệm Ngư Ông không chỉ là một vị thần biển – ân nhân của người đi biển, mà còn là vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của cộng đồng làng biển. Đó là thành hoàng của làng vạn. Họ tin rằng có hai vị thần ngư: một thần sống, gọi là ông Sanh với danh thần Đông Hải Ngọc Lân, một thần đã hoá thiêng (chết) gọi là ông Tử với danh thần Nam Hải Ngọc Lân. Ông Sanh là thần hộ mạng của người đi biển; Ông Tử là phúc thần bảo trợ cho cuộc sống của vạn làng. Dân biển gọi cá voi bằng những danh xưng tôn kính như: đức Ngư Ông, đức lịnh Ông, ngài, song thông dụng nhất là Ông. Nơi thờ tự cá Ông gọi là lăng Ông. Ở Quảng Nam Đà Nẵng, các vạn làng đều có lăng Ông. Lăng Ông vừa là nơi trú sở của thần ngư, vừa là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong đó có lễ hội cầu mùa – cầu ngư.

     Lễ hội cầu ngư cổ truyền của các làng biển Quảng Nam và Đà Nẵng là lễ tế thần Nam Hải Ngọc Lân. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, gắn với niềm tin và ước vọng được thần hộ trì cho làng vạn “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”. Nếp xưa để lại, thường niên, các làng biển đều tổ chức hai lễ tế thần là lễ Xuân và lễ Thu. Trong đó, lễ tế Xuân được đặc biệt coi trọng, tổ chức lớn gọi là đại tế.

     Tiết xuân tế thần Nam Hải Ngọc Lân thường từ trung tuần tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch. Nghi thức cúng tế tương tự nghi thức cúng đình hàng năm. Nhân sự thực hiện cuộc tế là một ban Khánh Tiết do vạn làng cử, gồm các bậc cao niên, đức độ, gia đình trọn vẹn, hoà thuận và không mắc tang. Người đứng Chánh tế phải tập quỳ lạy hàng tháng trước đó. Phải ăn chạy, dọn mình sạch sẽ 3 ngày trước lễ tế. Khi lễ thần, nếu lạy sai sẽ bị vạn làng bắt vạ.

– Lễ tế thần Nam Hải tiến hành trong hai ngày với các lễ và hội:

– Lễ vọng (lễ cáo – tiên thường).

– Lễ nghinh ông Sanh (rước ông Sanh – Đông Hải Ngọc Lân về nhập điện chứng lễ tế Ông Tử – Nam Hải Ngọc Lân).

– Lễ tế Cô hồn.

– Lễ Chánh tế.

– Lễ xây chầu Bã Trạo và hát Bội.

     Trong ngày lễ tế thần – cầu ngư, quang cảnh lăng Ông được trần thiết rực rỡ, trang nghiêm, cờ Đại, cờ Ngũ Hành cắm dọc hai hàng trước cổng lăng, bến cá, đường thôn được quét dọn sạch sẽ. Các ghe thuyền đậu neo tại bến. Chủ ghe khăn đóng áo dài tham dự lễ tế.

     Ngày đầu tiên là lễ vọng. Lễ bắt đầu vào lúc sáng sớm, với mục đích cáo giỗ và cầu xin thần Nam Hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Lễ vọng cử hành nghiêm trang, dâng đủ 3 tuần rượu và đọc văn cúng.

     Sáng hôm sau là lễ nghinh ông Sanh, tức lễ rước Đông Hải Ngọc Lân thần về ngự tại điện thần để chứng lễ tế thần Nam Hải. Sau đó là lễ đi nghinh thỉnh Cô Bác (Cô hồn) và các vị tiền vãng ngụ tại các đình, lăng, miếu, về lăng Ông phụ hưởng.

     Tiếp theo là lễ tế Cô hồn tại sân lăng Ông. Lễ vật cúng Cô hồn gồm: một bát cháo thánh (cháo hoa), một bát to gạo, muối, bỏng nổ nhiều sắc, một đĩa khoai, một đĩa sắn, ít bánh oản và một mâm trầu rượu với hương đăng và đồ vàng mã. Khởi sự tế, vị Chánh tế gõ ba hồi mõ, sau đó dâng ba tuần rượu và đọc văn tế. Xong, thức cúng được tung ra khắp nơi để thí thực Cô hồn khuất (chết) và Cô hồn sống.

     Lễ Chánh tế được tiến hành vào lúc nửa đêm về sáng. Thức cúng gồm đầu heo, hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, bánh tráng, bát muối sống. Phần tế với các nghi thức dâng hương, dâng rượu và đọc văn tế ca ngợi công đức thần Ngư, cầu xin thần ban cho vạn làng vụ muà bội thu, thuyền ra đi xuôi chèo mát mái, khi trở về tôm cá đầy khoang. Sau đó, ngư dân làm lễ xuống thuyền đầu năm, mở màn cho một năm đánh bắt với ước vọng và niềm tin được mùa.

     Lễ xây chầu Bã trạo là nghi lễ bắt buộc, cố định, mở màn cho buổi hát thờ, đã trở thành tục lệ trong kỳ đại tế thần Nam Hải. Ở xứ Quảng, hát Bã Trạo vừa là một bộ phận của nghi lễ/diễn xướng nghi lễ tổng hợp, bao gồm các yếu tố hát làm chủ đạo và múa với đạo cụ là mái chèo, vừa là một lối hát dân gian độc đáo. Đội hình trình diễn bao gồm các con trạo (tay chèo), thường là nam giới, dưới sự điều khiển của bốn ông tổng: tổng mũi (tổng tiền), tổng thương (tổng khoang), tổng lái, tổng khậu (tổng hậu). Tất cả được dàn sắp theo hình chiếc thuyền đưa linh chèo đưa đức Ngư Ông phiêu diêu miền cực lạc. Nội dung suốt quá trình hát là tạ ơn và ca tụng công đức Ngư Ông, cầu xin Ông phù hộ cho làng vạn có cuộc sống bình an, sung túc. Ví như bài “Mười cầu” của làng Mân Thái, thành phố Đà Nẵng chẳng hạn.

    Tổng thương tán: Như chúng dân dây, miền duyên hải ra khơi vào lộng, chí những mong tìm kế sinh nhai, ngài trấn nơi biển rộng gành dài, người ngộ biến ra tay cứu độ, cứu độ khỏi vòng hoạn nạn, công ơn này đoàn vạn nào quên. Nay vạn dân hội kỵ chư thần, tạm chèo quế chèo hầu lễ tế, cốt mười cầu ngư nghệ niên phong.

     (Sau đó, cứ một câu xướng của tổng lái – một cầu, hai cầu,… mười cầu thì Bã Trạo/ con chèo xô theo một câu cho đến hết Mười cầu).

Một cầu mật võng đại đăng

Cá to cá nhỏ dăng dăng bằng đời

Hai cầu mành lớn nghề khơi

Nước êm gió thuận thảnh thơi thay là

Ba cầu nghề nhỏ mành chà

Đắc tài đắc lợi trẻ già vui ưa

Bốn cầu lưới căng lưới sưa

Lênh đênh giữa biển đẩy đưa cá vào

Năm cầu lưới quét lưới cào

Tiền ngàn bạc vạn dồi dào vui thay

Sáu cầu câu bủa câu tay

Thả mồi cá đớp vui vầy hôm mai

Bảy cầu lưới cước lưới hai

Bủa đâu đặng đó ai ai cũng dùng

Tám cầu te trủ lưới dùng

Làm ăn thịnh lợi thong dung thanh nhàn

Chín cầu mành nục lưới gang

Trăm nghề thịnh vượng giàu sang vui vầy.

Mười cầu rớ giả chài tay

Nơi nơi phát đạt tháng ngày sinh nhai.

     Đan xen với phần tế cá Ông là các sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống, đặc trưng của dân biển xứ Quảng. Không kể hát Bã Trạo – một hình thức diễn xướng tổng hợp, vừa mang tính nghi lễ, vừa mang tính chất hội (vui),thì còn có những hình thức mang đặc điểm của hội, như: hát Hò khoan đối đáp, đua ghe, lắc thúng v.v… Các sinh hoạt văn hóa này là những hoạt động giải trí, giải toả, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng vạn trước khi bước vào vụ mùa mới, Hò khoan là một làn điệu dân ca ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Người dân xứ Quảng, trong đó có dân biển, rất thích Hò khoan. Gọi là hát Hò khoan đối đáp vì đây là lối hát hò mà người tham gia diễn xướng phải ứng tác tại chỗ, gọi là khiến tại. Từ lối hát đối đáp giao duyên nam nữ ở các làng quê xứ Quảng xưa, hát Hò khoan đã được kế thừa và trở thành một thành tố hội của lễ cầu ngư. Lời hát Hò khoan ca ngợi tình yêu đôi lứa; phản ảnh công việc nông tang hoặc lao động trên sông biển.

     Trong lễ hội cầu ngư, hát Hò khoan thường trình diễn ở sân lăng Ông. Người xem ngồi xung quanh, ở giữa là các “diễn viên” hò khoan ngồi đối diện theo từng cặp, say sưa hò đối đáp trong tiếng hò reo, cổ vũ của mọi người. Hát Hò khoan hấp dẫn bà con ngư dân bởi việc khiến tại kịp thời mà thông minh, hóm hỉnh của bên nam, bên nữ. Thí dụ như câu hát đối đáp sau đây:

Gặp anh ba đây bậu mới hỏi anh ba rằng, bấy lâu nay làm ăn có khấm khá hay vẫn sát da như bọn mình.

Bậu hỏi thì qua đây trả lời, bấy lâu nay làm ăn khấm không khấm, khá không khá nhưng vẫn đu đưa như mọi ngày động.

     Còn đua ghe, lắc thúng, đó là hình thức sinh hoạt văn hoá – thể thao truyền thống tiêu biểu của cư dân biển xứ Quảng. Vào dịp tế thần Nam Hải, ngư dân thường tổ chức đua, gọi là bơi đua, với mục đích làm vui lòng thần thánh, Cô Bác, đồng thời rèn luyện tay chèo vững vàng trên sóng nước. Bơi đua có hai hình thức là đua gheđua thúng.

     Về đua ghe, cơ bản cũng giống như các cuộc đua thuyền hay bơi chải của người Việt ở các nơi. Ghe đua hình thoi, bằng gỗ, màu đỏ. Mũi ghe vẽ cặp mắt to, tròng trắng. Mỗi ghe khoảng 20 đến 30 tay chèo, gọi là một phổ đua. Trang phục của các tay chèo đồng một màu. Phổ nào thắng cuộc xem như là điềm báo vận may sẽ đến với làng vạn. Nhưng thua cũng không sao, thần linh vẫn chứng giám phù hộ.

     Trước khi đua, đội trưởng các phổ ghe đua phải vào lăng lạy thần Nam Hải, cầu xin cho phổ đua thắng cuộc. Theo lệ, tất cả các phổ đua phải đua hai giải là giải rượu (còn gọi là giải cúng) và giải chính. Giải rượu có tính chất thăm dò, thử tài nhưng rất quan trọng. Vì, nếu phổ nào đoạt giải thì có nghĩa là đã mang đến sự may mắn cho làng vạn mình trong năm đó. Do đó, giải rượu còn mang ý nghĩa cầu may mà cũng là cầu mùa.

     Giải chính của đua ghe mới khẳng định cuộc đua là cuộc thi đấu thực sự. Đường đua dài từ 1,5 km đến 2 km, dọc bờ biển, hướng vào ba tiêu: tiêu trên, tiêu dưới và tiêu rốn. Lệnh đua là một hồi trống dài âm vang. Cờ lệnh phất lên, từ bến, các ghe xuất phát trước bàn án rồi vòng qua tiêu rốn, hướng lên tiêu trên, xong lại vòng trở về tiêu rốn để xuống tiêu dưới. Cứ thế đua đủ ba vòng theo quy định, rồi lại vòng qua tiêu rốn để về bến. Các ghe về nhất nhì được coi là thắng cuộc. Đua ghe trong lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hoá thể thao truyền thống, thể hiện ước vọng có sức khỏe, tinh thần đoàn kết lái – bạn; tạo sự phấn khích, hấp dẫn, náo nhiệt trong ngày hội cầu mùa của cộng đồng dân biển.

     So với đua ghe, đua thúng cũng không kém phần hấp dẫn. Ghe thúng là một ngư cụ thuận lợi để ngư dân di chuyển từ bến ra tàu thuyền, còn có tên là thúng chai hoặc bọng bơi. Trong ngày hội, nó trở thành một dụng cụ thể thao của cá nhân để thi tài thi khéo.

     Đua thúng có hai kiểu là bơi thúnglắc thúng. Bơi thúng do một người ngồi trong thúng, dùng hai tay cầm hai mái chèo ngắn quạt nước liên tục, điều khiển thúng về đích. Còn lắc thúng khác bơi thúng ở chỗ người lắc không được ngồi, mà phải đứng khom lưng, dùng hai tay giữ vành thúng rồi vừa nhún vừa lắc. Giữ thúng cho thăng bằng đã khó, còn phải nhún và lắc sao cho thúng về đích trong thời gian nhanh nhất, lại càng khó hơn. Nó đòi hỏi người điều khiển phải nhanh nhẹn, thông minh, khéo léo. Tư thế lắc thúng trông xa giống như đang phi ngựa trên nước, trông rất vui mắt. Nếu không có tài điều khiển thì cả người lẫn “ngựa” dễ dàng bị lật xuống biển. Và lúc đó, trên bờ lại vang lên những tiếng cười giòn giã, thích thú. Lắc thúng là một tiết mục độc đáo, hấp dẫn, không bao giờ thiếu trong lễ hội cầu ngư của ngư dân xứ Quảng.

     Gắn bó với cư dân biển, tín ngưỡng cá Ông và lễ hội tế thần góp phần tạo sự yên ổn trong tâm linh cá nhân và cộng đồng. Nghề biển cực kỳ khó nhọc và vất vả. Để sinh tồn và phát triển, con người phải dám đương đầu với sóng gầm, gió dữ. Phải có đủ tố chất để chịu được cuồng phong của biển cả. Chính hiện thực cuộc sống khó khăn, vất vả đã hun đúc nên những đức tính dũng cảm, cương trực, phóng khoáng, nhân hậu trong cộng đồng người lấy nghề biển làm sinh nghiệp. Song, trong đời sống tâm linh, sự yên ổn về tâm lý cũng có ảnh hưởng lớn đến năng xuất đánh bắt. Do đó, cũng từ hiện thực cuộc sống, dân biển đã tìm được một vị thần “Mang tiếng cá lòng đâu phải cá. Tài sóng êm gió lặng cũng tày trời. Chẳng phải người mà lòng tốt hơn người. Đức rộng ơn dày không kém Phật” (lời hát Bã Trạo), để gửi gắm niềm tin, ước muốn được thần phù trợ cho cộng đồng có cuộc sống phồn thịnh.

     Cũng như cư dân các vùng biển từ Nam Trung Bộ trở vào đến Nam Bộ, các làng biển ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã hóa thiêng một động vật hiện hữu, có thật ở biển; xác tín và tôn thành thần linh trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng. Lập lăng miếu thờ phụng, mở lễ hội tế thần – cầu mùa, đấy như một phương thức để khải thị tâm thức biển của cư dân ở một vùng biển giàu tài nguyên nhưng cũng đầy bão tố.

     Lễ hội cầu ngư, với tính chất nêu trên, đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng – văn hoá cộng đồng của cư dân biển, hàm chứa những giá trị văn hoá – nhân văn. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đậm sắc biển, được phô diễn trong ngày hội tế thần. Đó còn là một cách điều tiết đời sống tâm lý của cá nhân và cộng đồng sau một năm vật lộn với biển để mưu sinh. Các sinh hoạt văn hoá trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin để bước vào vụ mùa mới. Lễ hội cầu ngư còn là dịp để cộng đồng dân biển tri ân các thế hệ tiền nhân – những người có công trong việc phát triển nghề cá.

     Hàm chứa trong lễ hội cầu ngư là ý nghĩa và giá trị nhân sinh, là ý chí và tinh thần hướng biển của cư dân vùng biển xứ Quảng đương đại.

Nguồn: Văn hóa du lịch Đà Nẵng, năm 2011, số Xuân Nhâm Thìn, trang 28 – 29, 35

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)