LỄ HỘI VIỆT NAM – Nhìn từ góc độ THÍCH ỨNG và HỘI NHẬP VĂN HÓA
TS. ĐINH THỊ DUNG1
(1Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM)
TÓM TẮT
Biến đổi giá trị là một hiện tượng và là xu thế tất yếu trong thời gian văn hóa. Lễ hội Việt Nam nói chung là một giá trị quan trọng trong không gian văn hóa Việt Nam. Theo vận động và phát triển của lịch sử lễ hội Việt Nam cũng phải có những biến chuyển nhất định, để phù hợp với nội dung và tính chất của thời gian lịch sử – văn hóa. Đó chính là một trong nhiều nguyên nhân làm cho môi trường lễ hội Việt Nam, đã và đang hấp dẫn thu hút nhiều ngành phát triển, cũng như góp phần tăng cường hội nhập và giao lưu văn hóa thế giới trong bối cảnh hiện đại.
Lễ hội trong sự vận động biến đổi của thời gian văn hóa là một vấn đề quan trọng, giúp nhận diện rõ hơn những thích ứng và biến đổi mang tính quy luật các giá trị văn hóa ở nước ta. Qua đó văn hóa Việt Nam nói chung và lễ hội Việt Nam nói riêng, ngày càng được phát triển theo hướng đa dạng hóa, hiện đại và bền vững.
Từ khóa: lễ hội, thích ứng và phát triển.
x
x x
Mở đầu
Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường xu thế mở cửa và hội nhập với thế giới, lễ hội Việt Nam là một tiềm năng mà qua đó có thể giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đa dạng và độc đáo cho thế giới.
Mấy nghìn lễ hội các loại trong một năm ở nước ta tạo nên môi trường hấp dẫn thu hút nhiều ngành phát triển. Đồng thời, qua việc khai thác văn hóa lễ hội nếu chú ý đến các yếu tố đặc thù, sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử – văn hóa truyền thống hay văn hóa tộc người trên đất nước Việt Nam. Từ đó, những giá trị văn hóa Việt Nam ngày càng được phát triển theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa.
Hiện tại Việt Nam ngày càng khôi phục nhiều các loại lễ hội truyền thống. Tính cả năm “nước ta có tới khoảng 9000 lễ hội thuộc đủ các loại và các cấp”2. Một số lượng lễ hội thu hút khá đông người tham gia vui chơi kéo dài và đây cũng là cơ hội để mọi người có thể sử dụng thời gian rãnh rỗi của mình hợp lý. Tuy điều này ít nhiều trong một vài trường hợp đã tạo nên một hiệu ứng ngược là “lãng phí tiền của và thời gian mà hầu như ít xảy ra ở các nước phát triển”3. Nhưng nhìn từ góc độ thích ứng và hội nhập văn hóa, chúng tôi cho rằng vẫn có những lý giải hợp lý khách quan.
Khi xu thế hội nhập và toàn cầu hóa gia tăng, đòi hỏi Việt Nam phải dần biến đổi để tạo lập một môi trường văn hóa mới. Biến đổi môi trường văn hóa tất nhiên sẽ dẫn tới biến đổi các thành tố và bình diện văn hóa trong đó có lễ hội và các giá trị lễ hội. Sự tồn tại và phát sinh thêm nhiều các dạng thức, loại hình lễ hội tự nó đã phản ánh sự biến đổi theo hướng thích ứng xã hội và hội nhập văn hóa.
1. Vài vấn đề về lý luận
Theo H. Spencer, nhà nghiên cứu tâm lý học người Anh (1820- 1903), thì “con người cũng như các loài động vật chỉ tồn tại trong môi trường sống, khi biết thích ứng”4. Theo đó, con người sẽ thích ứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến sự thích ứng của con người đối với môi trường xã hội. Sự thích ứng với hoàn cảnh lịch sử công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước, lễ hội cũng phải có những thay đổi như là điều kiện để phát triển trong thời gian văn hóa hiện đại.
Các nền văn hóa trên thế giới luôn vận động trong sự giao lưu và tiếp biến văn hóa. Điều này, dẫn đến hệ quả là các thành tố văn hóa phải thích ứng theo và chịu lực tác động của hoàn cảnh dẫn đến biến đổi. Trong hoàn cảnh hiện tại có thể nhận rõ là hệ giá trị truyền thống đang có những thay đổi. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến sự biến đổi văn hóa (trường hợp lễ hội). Điều kiện vật chất cho phép con người thực hiện những nhu cầu giải trí và thỏa mãn nhu cầu tâm linh thuận lợi hơn. Cho đến nay xu thế toàn cầu hóa đã phát triển và có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực đời sống của nhân loại, bối cảnh này đã tác động trực tiếp vào quá trình biến đổi hệ giá trị ở Việt Nam trong đó có biến đổi lễ hội như là một giá trị.
2. Sự thích ứng và phát triển trong bối cảnh hội nhập của xã hội hiện đại
Lễ hội luôn mang tính “động” và đặt trong một hệ tọa độ không gian – thời gian – chủ thể văn hóa nhất định. Có thể biểu diễn cụ thể hệ tọa độ trên, qua những điều kiện kinh tế – xã hội – lịch sử văn hóa trong từng không gian nhất định, để từ đó thấy được nguồn gốc sự biến đổi của lễ hội: Sự biến đổi của lễ hội truyền thống phụ thuộc vào sự thay đổi của những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội (thế giới quan vô thần hay hữu thần, năng suất lao động, thể chế tài chính, cơ cấu thời gian rỗi, phát triển dân số, tính di động xã hội, nhu cầu du lịch,…), mong muốn của chính cộng đồng có lễ hội (bảo tồn hay phát triển để mang lại danh dự và lợi ích cho cộng đồng)5. Lễ hội là một giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và thích ứng của mình, nên lễ hội luôn được biểu hiện trong thời gian và không gian văn hóa của nó, chịu sự ảnh hưởng và tác động của đặc điểm bối cảnh cũng như theo yêu cầu của chủ thể văn hóa. Theo thời gian, lễ hội tiếp nhận, biến đổi và phát triển bằng cách đan xen vào mình những cái mới, hay loại bỏ những yếu tố cũ không còn phù hợp,…
2.1. Những nhân tố dẫn đến sự biến đổi
Đời sống xã hội đương đại sẽ tạo ra lễ hội đương đại với những khác biệt do biến đổi theo thời gian và không gian văn hóa. Lễ hội hiện nay là ứng xử, hoạt động của chủ thể hiện đại trong quan hệ với truyền thống văn hóa lịch sử, quan hệ với ký ức huyền thoại, với ông bà tổ tiên,…
Không gian văn hóa không phải là một không gian đóng kín không phát triển với những đường biên “cứng”. Nếu trước đây không gian văn hóa của lễ hội diễn ra hầu hết là trong phạm vi làng xã, nông thôn Việt Nam, thì hiện nay nó đã được mở rộng đều khắp, tạo sự liên kết chặt chẽ trong cả nước từ thành thị đến nông thôn. Nhìn từ thời gian văn hóa cho thấy lễ hội trước đây hầu hết gắn với làng. Các lễ tiết trong làng là hoạt động quan trọng của cả cộng đồng, là cơ hội mà người dân được vui chơi, rảnh rỗi để gặp gỡ, trao đổi tâm tình với nhau trong một không khí lễ hội vui vẻ cởi mở,… Những nông dân trong thời gian nông nhàn với nhu cầu cảm tạ và cầu xin thần linh một mùa màng bội thu, phong đăng hòa cốc,… đã tổ chức lễ hội làng và như vậy lễ hội bao giờ cũng gắn với một cộng đồng dân cư nhất định… Lễ hội gắn bó với từng làng quê, các làng quê khác nhau ngày hội làng cũng khác nhau6. Thời gian lễ hội trước đây thường diễn ra trong khoảng nông nhàn.
Trong xã hội công nghiệp, lễ hội không chỉ phản ánh quy tắc lề thói của cộng đồng trong nước mà còn biểu hiện sự kết nối với các cộng đồng bên ngoài. Lễ hội hiện nay không chỉ là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mà còn là thời gian tiếp xúc giao lưu văn hóa với các cộng đồng bên ngoài, biểu hiện những quy tắc ứng xử với các cộng đồng bên ngoài, phản ánh sự hội nhập quốc tế.
Hiện nay, nhận thức và tổ chức thực hiện, cũng như sự tham gia cộng đồng vào lễ hội có những biến chuyển cơ bản và toàn diện, dưới tác động của sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như tương thích với nhịp điệu gấp gáp khẩn trương trong nhịp sống.
Chúng ta biết là trong vòng vài chục năm qua, những tiến bộ về khoa học công nghệ, văn hóa, kinh tế,… đã làm cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và tính chất xã hội. Không gian và thời gian sống của nhân loại đã và đang được tái cấu trúc theo một trật tự của toàn cầu hóa. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nói cách khác, cách mạng khoa học kỹ thuật đã tác động sâu sắc đến văn hóa nói chung và văn hóa lễ hội của từng nền văn hóa nói riêng. Ví dụ như trong các lễ hội đã có sự hỗ trợ của âm thanh điện tử, các chất liệu hiện đại cũng được trang trí cho không gian lễ hội, để bảo đảm cho an toàn trong một số chùa người ta dùng nến điện, hương điện thay cho nến sáp, hương đốt cháy,… Tính chất và nội dung thời đại thay đổi, chính vì vậy mà chúng ta không thể tổ chức hay tham gia lễ hội theo cách của mấy chục năm về trước. Mặt khác, lễ hội luôn có tính lịch sử cho nên trong những hoàn cảnh khác nhau thì lễ hội sẽ có những biến đổi khác biệt. Thời chiến tranh (trước 1975), hay thời bao cấp sau 1975, các loại lễ hội được tổ chức với những hình thức đơn giản hoặc không được tổ chức,…
2.2. Những biểu hiện biến đổi của lễ hội Việt Nam trong thời hiện đại
– Sự gia tăng về số lượng lễ hội
Do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do đặc điểm hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước ta trong thời kỳ chiến tranh và khó khăn thời hậu chiến, nên cả một thời gian dài lễ hội không được/không thể quan tâm và tổ chức, có nhiều lễ hội cổ xưa đã biến mất khỏi đời sống văn hóa của chúng ta. Từ ngày đổi mới và mở cửa, lễ hội phục hưng và phát triển nhanh chóng: “Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên tổ chức những lễ hội, những sự kiện văn hóa hoành tráng trong các dịp lễ, Tết hoặc trong các dịp kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân và phục vụ phát triển du lịch”7.
Số lượng lễ hội đã có (truyền thống) và lễ hội mới xuất hiện trong thời gian văn hóa hiện đại gia tăng một cách đột biến, “chỉ riêng trong tháng giêng, cả nước có 1000 lễ hội, trong đó 65 lễ hội cấp quốc gia…”8.
Cùng với sự phát triển về số lượng lễ hội, là sự phát triển thêm nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,… trên khắp cả nước nhằm đáp ứng cho nhu cầu lễ hội của người dân. Nhiều khu “du lịch tâm linh” đã, đang được xây dựng ngày càng nhiều trên khắp cả nước. Tiêu biểu như ở thành phố Huế, tuy đã có nhiều cơ sở du lịch tâm linh như Điện Hòn Chén, Đền thờ Huyền Trân công chúa,… nhưng hiện nay Huế cũng có thêm nhiêu khu du lịch hấp dẫn du khách đến đông đảo như khu Phật đài Quan Thế Âm nằm trên một ngọn núi bên cạnh ngã ba Bằng Lãng là nơi có nhiều nhà sư, Phật tử và du khách lui tới để chiêm bái, cầu nguyện, phóng sanh với hy vọng hòa bình, hạnh phúc, khu du lịch này được xây dựng 1969, trùng tu năm 1999. Khi mới xây dựng núi còn hoang vu và gần như trơ trụi, chỉ lơ thơ cây bụi, không có nước dùng, đường lên trơn trượt đá sỏi, xung quang vắng hoe. Cảnh sắc ngày nay đã được tôn tạo nhiều và khác trước, núi không còn trơ trọi mà được bao phủ bởi bạt ngàn màu xanh của rừng thông. Hàng năm khách thập phương tham quan, chiêm bái ngày càng nhiều, Quan Âm Phật đài đã trở thành một địa danh nổi tiếng linh thiêng trở thành một điểm du lịch tâm linh ở đất cố đô khi có lễ hội mùa xuân hay lễ hội Phật giáo.
Số lượng lễ hội phát triển mang tính “bùng nổ” như hiện nay, được một số nhà nghiên cứu nhận định là “bất bình thường”. Tuy nhiên, theo chúng tôi lễ hội được tổ chức là xuất phát từ nhu cầu của người dân và tùy theo điều kiện kinh tế để thực hiện và tham gia. Lễ hội khi được tổ chức dù có ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng (theo hai hướng) nhưng luôn mang tính tự nguyện. Khi lễ hội đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh, giải trí vui chơi và cả hưởng thụ của người dân, thì xét một cách khách quan lễ hội vẫn có những đóng góp nhất định và có vai trò thúc đẩy cuộc sống phát triển. Nói cách khác khi nào con người còn cần, còn có nhu cầu thì lễ hội vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.
Ngoài việc khôi phục nhiều loại lễ hội, chúng ta biết còn có nhiều lễ hội được phục dựng lại trong thời hiện đại như Lễ tế đàn Nam Giao (Huế), Lễ hội Truyền lô và vinh quy bái Tổ, Lễ Quang Trung lên ngôi hoàng đế tại núi Bân (Huế), Lễ hội Xuân kỳ, Thu tế,… Ðể phục vụ các “lễ hội đương đại”, nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống, đã được phục dựng, tái hiện rất quy mô, góp phần làm cho “bức tranh lễ hội” ở Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng9.
Nhìn chung, nhiều loại lễ hội đã góp phần làm kho tàng đồ sộ mấy nghìn lễ hội các loại hàng năm của cả nước ta trở nên vô cùng phong phú. Đây là một thay đổi gắn liền với điều kiện và nhu cầu của người dân trong quan hệ liên kết cộng đồng bên trong và bên ngoài nền văn hóa của mình.
– Quy mô, phạm vi tổ chức lễ hội
Nhìn một cách tổng quát thì quy mô và phạm vi của các loại lễ hội ngày càng lớn và mang tính quốc gia hơn, (có thể chứng minh qua một số lễ hội như lễ Vu Lan, lễ cúng ngày cô hồn ngày 23/5 âm lịch ở Huế trở thành ngày lễ cúng đường phố lớn nhất nước,…) hầu như lễ hội hiện nay không còn giới hạn trong phạm vi làng, hoặc những cộng đồng địa phương nữa: Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, không chỉ là một dân tộc mà là nhiều dân tộc, có cả du khách nước ngoài tham dự10. Có nhiều lễ hội thu hút đông đảo cộng đồng và du khách nước ngoài như lễ hội chùa Hương (Hà Tây), Hội đền Gióng (Hà Tây), Hội đền Hùng (Phú Thọ),… Sự phát triển của truyền thông, viễn thông, tin học cùng với quá trình toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho lễ hội dân tộc, các tộc người vươn xa hơn phạm vi truyền thống của mình như lễ hội Đua bò ở An Giang. Một số giá trị văn hóa của phương Tây và thế giới được tiếp nhận rộng rãi và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Đây cũng là tiền đề làm cho phạm vi lễ hội lan tỏa không chỉ trong nội bộ của một nền văn hóa, mà đã tham gia vào một sân hội rộng lớn hơn mà chúng ta gọi là toàn cầu. Thực tế thì hiện nay nhiều lễ hội đã được phát huy và hội nhập, như lễ Phật Đản, lễ hội đón năm mới,… Như vậy, về cơ bản chúng tôi nhất trí với ý kiến rằng: “Có sự biến đổi về quy mô: Xưa, đại đa số người dân quê không bước ra khỏi lũy tre làng trong suốt cuộc đời của mình. Họ bằng lòng với quy mô và hình thức lễ hội của làng mình. Nay, tính di động xã hội của người dân cao, phương tiện giao thông phát triển, nhu cầu khám phá, du lịch tăng mạnh,… lễ hội có xu hướng mở rộng quy mô để đón du khách thập phương và về hình thức, họ cũng có những cải tiến cho phù hợp với thời đại. Đặc biệt, nhiều lễ hội được lãnh đạo các địa phương (cấp tỉnh) quan tâm, đã được nâng cấp về quy mô và hìnhthức tổ chức”11.
– Nội dung và tính chất lễ hội
Nội dung của các lễ hội ngày càng phong phú và được phát triển bởi nhiều nội dung mới mang đặc điểm thời đại: Ví dụ, nếu trước đây qua lễ hội chúng tôi nhận thấy các giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng thể hiện, như tôn vinh các anh hùng, nhân vật lịch sử mà ở Việt Nam (chủ yếu ở tộc người Kinh) hệ thống này rất đa dạng trên tất cả các lĩnh vực. Đó là, các vị có công khai sơn phá thạch, lập làng, dựng nước,… các vị có công dựng nước, giữ nước như các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ông Gióng, Trần Hưng Đạo hay những người cứu dân giúp nước như Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Kho,…12. Ngày nay hệ thống đó được bổ sung rất nhiều anh hùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ,… của đất nước ta. Khi lễ hội biểu hiện công lao của các nhân vật được cử lễ, thì cũng có nghĩa là giá trị của cộng đồng được ghi nhận đề cao. Điều đó còn mang nội dung giáo dục truyền thống văn hóa sâu sắc, cũng như có tác dụng liên kết và thể hiện sức mạnh bản sắc cộng đồng bền chặt, đặc biệt trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế như hiện nay.
Bên cạnh những yếu tố nội dung được bổ sung, thì cũng có một số yếu tố mai một đi theo thời gian, như nghi thức đốt nhiều vàng mã, giấy hình nhân. Ví dụ điển hình về sự biến mất một vài lễ hội, lễ tục trong đời sống văn hóa đương đại đó là: lễ hội Tắt đèn ở làng La (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Lễ hội này diễn ra từ ngày mùng 7 tới ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm. Trong lễ hội này đền được tắt trong khoảng 1 giờ, trai gái già trẻ muốn sờ soạng làm gì nhau thì tự do. Nếu sau lễ hội cô gái nào có thai thì làng không phạt vạ, không bị coi là vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, cổ tục này ngày càng mai một dần và biến mất hẳn trong đời sống xã hội hiện đại. Hiện nay các lễ hội như lễ hội Làng giờ không còn cấm kỵ nữ giới tham gia cúng bái nữa… Nội dung chủ yếu của lễ hội trước đây tập trung vào tín ngưỡng cầu mùa và tưởng nhớ công lao của các anh hùng, danh nhân, các vị thần, Phật, thánh,… Về cơ bản lễ hội ngày nay vẫn bao hàm những nội dung đó và thêm vào nhiều đối tượng cúng bái, tưởng niệm mới.
Đặc biệt là những lễ hội tôn giáo thì quy mô và tính chất được mở rộng theo hướng hội nhập rõ nét nhất. Ví dụ như năm 2008 Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật Đản với 4.000 đại biểu chính thức của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự tạo nên một lễ hội tôn giáo lớn mang tính toàn cầu. Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc năm 2014 tại Việt Nam, một sự kiện tôn giáo quốc tế lớn thu hút sự tham dự của hàng nghìn chức sắc, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới…
Có thể nhận thấy tính chất của lễ hội ngày càng đậm tính thế tục hơn so với trước kia và gắn với các giá trị văn hóa hiện đại. Có nghĩa là gắn với các hoạt động kinh tế, buôn bán trao đổi, hay các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí được tổ chức với sự hỗ trợ của máy móc phương tiện kỹ thuật mới (chiếu phim, ca nhạc, giao lưu với các nhân vật nổi tiếng,…) Loại lễ hội này hướng tới mục tiêu phát huy giá trị vật chất – kinh tế của văn hóa để phục vụ công cuộc phát triển… Ở đây có sự giao lưu giữa các giá trị truyền thống và hiện đại13. Nói cách khác là lễ hội ngày nay được bổ sung rất nhiều những nội dung mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, như lễ hội du lịch, lễ hội trái cây,… Đây là những lễ hội mới tổ chức trong những năm gần đây kèm với các dịch vụ vui chơi, ẩm thực,… để tăng cường sự giao lưu quốc tế, Việt Nam còn tổ chức những lễ hội mang sắc màu “đa văn hóa” như Festival Huế,… thu hút nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật nước ngoài đến Việt Nam để trình diễn giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau.
– Xu hướng phát triển lễ hội
Lễ hội Việt Nam hiện tại được xã hội hóa mạnh mẽ và mang tính đại chúng cao cũng như được hỗ trợ bằng công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Người Việt Nam đã nhanh nhạy tiếp thu xu hướng thực dụng hiện đại của lễ hội trên thế giới, biến lễ hội thành một công cụ văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển 14. Di sản, hay lễ hội trong thế giới ngày nay không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để phổ biến các giá trị của cộng đồng, để thu hút vật lực trong nước và cả ngoài nước và có như thế lễ hội mới có thể tồn tại để thực hiện nhiều chức năng quan trọng của mình như giáo dục truyền thống, nhân cách, chuyển giao giá trị,…
– Thực tế cho thấy xu hướng phát triển của lễ hội theo cơ chế kinh tế thị trường hiện nay không có gì xấu hay tiêu cực như một vài quan điểm hiện có, nếu có thì đó chỉ là những hiện tượng không mang tính phổ biến chủ yếu và cần được chấn chỉnh cũng như trách nhiệm của bộ phận quản lý tổ chức lễ cần quan tâm hơn như: hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, lễ hội lại có mục đích quảng cáo cho các thành thị và địa phương, hoặc là nơi cầu may rủi, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức...15. Thông qua lễ hội để quảng bá cho địa phương hay Việt Nam, hoặc là để đẩy mạnh các loại hình du lịch, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư,… là xu hướng tích cực nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Riêng những cá nhân mưu cầu lợi ích bản thân, cầu thăng quan tiến chức,… mà không tổn hại gì đến cộng đồng, chúng tôi thiết nghĩ là nhu cầu chính đáng không có gì sai trái.
– Những biến đổi theo hướng thích ứng và phát triển của lễ hội Việt Nam phản ánh sức sống, sự vươn lên của chủ thể Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Biến đổi không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn mà là cách tân cho phù hợp với tư duy, nhận thức quan niệm, trình độ ngày nay, ví dụ Bài văn tế trong các nghi lễ không còn sử dụng dày đặc Hán tự… mà thay vào bằng tiếng Nôm, đọc lên ai cũng hiểu…16.
Thực tế sự biển đổi còn đến từ nhiều phương tiện vật dụng được sử dụng trong lễ hội, như nhạc cụ, trang phục, những tiện ích mà khoa học kỹ thuật đưa lại (như máy tụng kinh, quay phim, máy chiếu, truyền hình trực tiếp,…).
Ngoài ra, còn có xu hướng tích hợp lễ hội truyền thống và lễ hội mới vào thành một, ví dụ lễ hội Hai Bà Trưng ở một số vùng miền, tỉnh thành phối hợp với Ngày Quốc tế Phụ nữ, 8/3 dương lịch mở chung thành một lễ hội. Ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh: Lễ hội Hai Bà Trưng diễn ra ở cấp Thành phố và khắp các quận, huyện, phường, xã do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Tổ chức lễ các cấp phối hợp tổ chức, có tên gọi là Lễ hội chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lấy ngày 8/3 dương lịch hàngnăm làm thời điểm mở Lễ hội17.
Vấn đề thương mại hóa quá mức của lễ hội cũng là một sự biến đổi của lễ hội ngày nay trong so sánh với lễ hội của ngày trước… Tuy vậy, theo chúng tôi những gì thuộc về thương mại chính đáng trong lễ hội phải được khuyến khích, ngược lại nếu không chính đáng phải bị trừng phạt18. Ở đây, có thể hiểu chính đáng là sự thu phí, dịch vụ gởi xe, hay mua vé vào khu lễ hội với giá cả phù hợp, các dịch vụ trong lễ hội được thực hiện đàng hoàng, hạn chế thấp nhất tình trạng “chặt chém” du khách hay người tham gia lễ hội…
Ngoài các lễ hội cổ truyền, Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều lễ hội có tính quốc tế như lễ hội Giáng sinh, lễ hội Năm mới (Tết Dương lịch), lễ hội Tình Nhân (Valentine’s Day 14/2), Festival Huế hai năm tổ chức một lần,… Hoặc những lễ hội giao lưu văn hóa như: Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Đức,… theo xu thế hội nhập, không chỉ có ý nghĩa về mặt giao lưu văn hóa mà còn có ý nghĩa chính trị – xã hội quan trọng trong quan hệ quốc tế đương đại.
Nhìn chung, lễ hội là một dạng thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc hoặc của tộc người. Lễ hội tồn tại và phát triển qua thời gian văn hóa và trong những không gian văn hóa cụ thể của một nền văn hóa. Bất kỳ chủ thể của nền văn hóa nào cũng có những lễ hội của riêng họ, và mọi lễ hội đều có những biến đổi qua tiến trình lịch sử. Lịch sử luôn luôn vận động biến chuyển mà lễ hội luôn gắn liền với bối cảnh lịch sử, không thể tách lễ hội ra khỏi lịch sử được cũng như lễ hội đã là một bộ phận của lịch sử vậy.
3. Kết luận
Tóm lại, lễ hội là một giá trị văn hóa Việt Nam, là di sản tinh thần mà con người Việt Nam tích lũy qua hàng ngàn năm, tạo nên truyền thống mang dấu ấn bản sắc Việt Nam với cấu trúc chủ thể đa tộc người. Qua tiến trình thời gian, chủ thể văn hóa Việt Nam ngày càng có nhiều sáng tạo bổ sung và làm giàu có, phong phú hơn cho lễ hội.
Lễ hội vì thế có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc. Ngày nay khi đất nước đang quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, tìm hiểu việc biến đổi lễ hội theo hướng thích ứng và hội nhập là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Từ sự biến đổi của lễ hội ngày nay, chúng ta thấy rõ hơn nguồn lực sáng tạo của cộng đồng trong vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính điều này đã tạo cho lễ hội truyền thống những thay đổi phù hợp với từng thời kỳ lịch sử chứ không hoàn toàn giữ nguyên xi hình hài thuở nguyên thủy. Chính nhờ sự thích nghi đó mà lễ hội luôn luôn được mọi người đón chờ với tấm lòng háo hức từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác19.
__________
2 Nguyễn Văn Dân (2009), Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, NXB KHXH, Hà Nội, tr.113, 199.
3 Nguyễn Văn Dân (2009), Sđd, tr.113, 199.
4 Vũ Dũng (2011), Tâm lý xã hội – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Từ điển Bách khoa, tr.202.
5 https://sites.google.com/site/buiquangthangvicas/home/festivals/pgs-ts-bui-quang-thangtruyen-thong-la-cai-moi-da-la.
6 Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, tr.97.
7http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_vanhoa_ndct/_mobile_traodoiykien/item/19507102.html.
8 Nguyễn Văn Dân (2009), Sđd, tr.113, 199.
9http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_vanhoa_ndct/_mobile_traodoiykien/item/19507102.html
10 http://baodulich.net.vn/Cac-xu-huong-bien-doi-le-hoi-hien-nay-15-596.html.
11 https://sites.google.com/site/buiquangthangvicas/home/festivals/pgs-ts-bui-quang-thangtruyen-thong-la-cai-moi-da-la.
12 Hoàng Lương (2002), Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc,
NXB ĐHQG Hà Nội, tr.15.
13 Nguyễn Văn Dân (2009), Sđd, tr.113, 199.
14 Nguyễn Văn Dân (2009), Sđd, tr.113, 199.
15 http://baodulich.net.vn/Cac-xu-huong-bien-doi-le-hoi-hien-nay-15-596.html.
16 Nhiều tác giả (2013), Văn hóa một số vùng miền ở Việt Nam, NXB Văn hóa – Thông tin, tr.251.
17 Huỳnh Quốc Thắng (chủ biên) (2007), Khai thác lễ hội và các sự kiện góp phần phát triển du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, tr.46.
18 https://sites.google.com/site/buiquangthangvicas/home/festivals/pgs-ts-bui-quang-thangtruyen-thong-la-cai-moi-da-la.
19 Hoàng Lương (2002), Sđd, NXB ĐHQG Hà Nội, tr.21.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dân (2009), Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, NXB KHXH, Hà Nội.
2. Vũ Dũng (2011), Tâm lý xã hội – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Từ điển Bách khoa.
3. Nhiều tác giả (2013), Văn hóa một số vùng miền ở Việt Nam, NXB Văn hóa – Thông tin.
4. Hoàng Lương (2002), Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc, NXB ĐHQG Hà Nội.
5. Huỳnh Quốc Thắng (chủ biên) (2007), Khai thác lễ hội và các sự kiện góp phần phát triển du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ.
6. https://sites.google.com/site/buiquangthangvicas/home/festivals/pgsts-bui-quang-thang-truyen-thong-la-cai-moi-da-la.
7. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.
8.http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_vanhoa_ndct/_mobile_traodoiykien/item/19507102.html
9. http://baodulich.net.vn/Cac-xu-huong-bien-doi-le-hoi-hien-nay-15-596.html.
Nguồn: Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 366, tháng 12/2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)