Lễ Vu lan trong đời sống của người dân Cần Thơ

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH
(Bảo tàng Thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT

     Lễ Vu lan có ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc, là sự kết hợp giữa yếu tố đạo đức và ý nghĩa xã hội. Bắt nguồn từ truyện tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, lễ hội Vu lan đã thể hiện rất rõ tấm lòng hiếu kính của con cái đối với đấng sinh thành. Với người dân Cần Thơ lễ Vu lan có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đặc biệt là tư tưởng đạo hiếu. Chữ hiếu đó còn được mở rộng ra: hiếu với dân tộc, với đất nước với nhân dân.

1. Nguồn gốc lễ Vu lan

     Thành phố Cần Thơ là một đô thị trẻ, đời sống người dân từng bước được nâng lên theo hướng hiện đại. Cần Thơ cũng là nơi tụ hội của nhiều dân tộc Việt, Hoa, Khmer vì vậy, Phật giáo ở Cần Thơ cũng phát triển mạnh mẽ. Theo khảo sát 350 phiếu ở TP. Cần Thơ thì đã có 63% là tín đồ Phật tử, 32% là đạo Ông bà (chưa theo tôn giáo nào) và 5% là các tôn giáo khác (Thiên Chúa, Tin Lành, Hòa Hảo…). Vì thế hoạt động văn hóa tâm linh tinh thần của người dân nơi đây đa dạng phong phú. Trong đó lễ hội Vu lan là lễ hội truyền thống của Phật giáo hàng năm được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy kết hợp với lễ xá tội vong nhân của dân gian thu hút đông đảo người dân ở Cần Thơ tham gia. Lễ hội Vu lan là sự khẳng định về đạo hiếu của con người trong xã hội. Tư tưởng đạo hiếu ấy đã tác động rất lớn tới bổn phận, trách nhiệm của những người con Cần Thơ đối với ông bà, cha mẹ, người đã nuôi nấng dạy dỗ mình nên người.

     Vu lan xuất phát từ Ấn Độ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn đang tại thế. Ngài Mục Kiền Liên vốn là một vị thần thông bậc nhất trong số mười đại đệ của đức Phật ngay sau khi chứng quả A La Hán đã phóng tuệ nhãn tìm kiếm người mẹ quá cố của mình. Với lực quán sát tới tận cõi âm, Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ mình bị đọa vào địa ngục thành quỷ đói bị treo ngược. Lúc này, Mục Kiền Liên đã dùng sức thần thông để đem cơm đến cho mẹ nhưng mẹ ngài không thể ăn được vì bị treo ngược và cổ họng thì chỉ nhỏ như chôn kim. Và khi đưa cơm vào miệng thì cơm hóa thành lửa. Mục Kiền Liên đau đớn vô cùng liền bạch với Đức Phật xin chỉ cách cứu mẹ. Cảm động trước đại hiếu của đệ tử Mục Kiền Liên, Đức Phật đã thuyết Kinh Vu lan với đại ý như sau: Những ai muốn báo hiếu cho cha mẹ và người thân đã qua đời thì đến ngày rằm tháng Bảy vốn là ngày mãn hạ của chư tăng, ngày hoan hỷ của chư Phật chư Tăng vì kết thúc một khóa hạ, học thêm phần giáo lý, tăng một tuổi đạo, tăng trưởng thêm thiện căn, nhân ngày ấy nên đem cơm chay và các đồ chay để cúng dường chư tăng, nhờ vào sức lành các ngài hội lại mới có thể độ cho người quá cố được siêu thoát. Mục Kiền Liên đã làm theo lời Phật dạy sau đó quán sát thấy mẹ mình đã thoát khỏi cảnh quỷ đói bị treo ngược ở chốn đia ngục và được tái sinh lên cõi thiên nhân. Noi gương đại hiếu Mục Kiền Liên, hàng năm cứ đến ngày rằm thángBảy các tín đồ Phật tử các nơi nô nức tổ chức ngày lễ Vu lan với cầu mong tổ tiên, ông bà, cha mẹ sẽ được thoát khỏi tội lầm với những hoạt động: cúng dường trai tăng, tụng kinh, phóng sanh, thí thực…

2. Ý nghĩa của lễ hội Vu lan

     Kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng, rằm tháng Bảy -ngày lễ Vu lan luôn là ngày lễ quan trọng trong năm của Phật giáo, theo khảo sát vào dịp lễ này có đến 76% người tham dự lễ Vu lan trong khi các lễ khác của Phật giáo chiếm ít hơn (lễ Phật Đản: 18%). Mùa Vu lan là dịp để mọi người cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sinh về Tây phương cực lạc, còn những người còn cha còn mẹ thì cầu mong cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh, an vui, sống hạnh phúc dài lâu cùng con cháu. Không biết tự bao giờ, báohiếu đã trở thành trách nhiệm và bổn phận của mỗi con người, một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, góp phần để củng cố đạo lý của gia đình, dòng họ, dân tộc và còn chính là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của con người Việt Nam nói chung người dân Cần Thơ nói riêng.

     Giá trị nhân văn cao cả của lễ này còn được thể hiện ở sự thương cảm sâu sắc, chân thành với các vong linh chết nơi đất khách quê người, nơi chiến trận, những người chết trẻ, những kẻ thấp hèn… Để có quan niệm trên trước hết phải khẳng định người Việt cho rằng chết không phải là hết. Người Việt đã phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển; đã phải trường kỳ, thường xuyên chống lại giặc ngoại xâm, do vậy những mất mát hy sinh của người Việt là không nhỏ, và trong đó không ít người bỏ mạng mà không có ai thờ cúng. Do vậy việc cúng cô hồn là một nhu cầu của chính những người đang sống, một nhu cầu vừa mang giá trị tâm linh vừa mang giá trị nhân văn cao cả.

     Việc tổ chức các nghi thức của lễ hội Vu lan nói riêng và lễ hội Phật giáo nói chung là cơ sở để chúng ta bảo vệ những giá trị tốt đẹp, tích cực của Phật giáo. Từ đó biến lễ Vu lan của Phật giáo không chỉ ở phạm vi gia đình mà mở rộng ra ngoài xã hội như: hoạt động từ thiện, thăm các trại mồ côi, bệnh viện… giúp đỡ người khác, sống vì cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

     Như vậy, lễ hội Vu lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính không những với cha mẹ đã khuất mà còn cả với cha mẹ hiện tiền, con cái trở về bên cha mẹ, có những cử chỉ, hành động việc làm để bày tỏ sự biết ơn tới công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một nét đẹp truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam. Đồng thời lễ hội Vu lan giúp chúng ta tiếp cận được ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân bản của văn hóa Phật giáo và triết lý sống của dân gian, đó chính là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”…

3. Ảnh hưởng lễ hội Vu lan đến đời sống người dân Cần Thơ

     3.1.Về giá trị lịch sử:

     Đối với các dân tộc Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, một dân tộc mà đạo Phật đã gắn bó suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm thì ngày Vu lan của Phật giáo đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc là một điều tự nhiên và tất yếu. Thuở ban đầu lễ Vu lan được hội tụ, ươm mầm từ nơi chốn thảo am, từ những mái Chùa rồi lan dần lan dần để rồi thâm nhập hòa tan và thấm sâu vào mạch sống của dân tộc. Từ lâu, lễ hội Vu lan đã trở thành thuần phong mỹ tục, nếp sinh phong văn hóa độc đáo giàu tính nhân văn, mang đậm tình người, làm đẹp thêm cho cuộc đời, mang lại đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, lễ Vu lan đã ngự trị trong tận cùng tâm thức của người con đất Việt dù người ít học hay ở tầng lớp nào trong xã hội ít nhiều cũng hiểu Vu lan là cơ hội tốt, là dịp để báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ còn sống và cúng bái, tưởng niệm ông bà cha mẹ đã mất. Trước hết, họ là những người bình thường theo đạo Phật, noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên cầu nguyện cho cha mẹ siêu sanh tịnh độ. Từ đây lễ này đã tác động đến nhiều thành phần trong xã hội và lan tỏa khắp nơi. Từ Vua quan cho đến thường dân là tín đồPhật giáo thì đến dịp Vu lan là thành tâm báo hiếu cho cha mẹ, bà con quyến thuộc cửu huyền thất tổ, nội ngoại xa gần đều sớm sinh về miền cực lạc. Do đó, Vu lan còn gọi là ngày Xá tội vong nhân tức là ngày nhờ sức oai thần của chư Tăng chú nguyện mà mọi chúng sinh đều ra khỏi u đồ trong ý nghĩa tâm linh, giàu chất nhân văn.

     Thời Lý Trần, Phật giáo hưng thịnh trở thành quốc giáo,lúc này lễ Vu lan được tổ chức hoành tráng và quy mô hơn, điều này hoàn toàn có cơ sở vì các Vua thời này đều là những Phật tử thuần hành rất hiếu tâm với ông bà và hiếu đạo Phật pháp mà sử sách ghi lại rất cụ thể trong Đại việt sử ký tục biên, hay trên các Châu bản triều Nguyễn mà ngày nay vẫn còn lưu giữ tại trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (thành phố Đà Lạt). Nguyễn Lang nhận định “Sách Pháp sự đạo tràng ấn hành năm 1299 thế nào cũng chứa đựng một khoa nghi về chẩn tế”(1). Chẩn tế là khoa nghi ghi lại phương thức cứu độ dành cho những âm linh, cô hồn, hương hồn nhờ năng lực của chư Phật chư Bồ tát và Hiền thánh Tăng cùng sự thành tâmthiết lễ cúng dường của người hiện hữu mà sớm tiêu trừ nghiệp chướng, thác sinh về miền cực lạc và điều này chúng ta không khỏi ngạc nhiên có nhiều đàn chẩn tế được tổ chức quy mô vào thời Lý, Trần do Hoàng đế hay các quan Đại thần đứng ra làm tổ chức vớimục đích cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái. Như vậy, từ sự tích báo kiếu của Mục Kiền Liên xuất phát từ bản kinh Vu lan Bồn, việc cầu siêu cứu độ cha mẹ đời này hay đời khác không chỉ mang tính chất thiêng liêng gói gọn trong nhà chùa mà nâng tầm lên ý nghĩa của quốc gia -dân tộc. Việc tổ chức đại lễ Vu lan mang tầm cỡ như thế có ý nghĩa sâu xa, nhất là góp phần quy tụ các thành phần trong xã hội đồng tâm hướng về một mối, tạo sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau, hướng tâm sống thiện, làm thiện để báo đáp tứ ân: ân cha mẹ (là ơn sinh thành dưỡng dục), ân Thầy cô (ơn dạy dỗ những kiến thức, những điều hay, lẽ phải), ân quốc gia xã hội (ơn đảm bảo, giữ gìn môi trường sống hòa bình, ổn định) và ân chúng sinh, đồng bào (ơn những người đã sản xuất ra của cảivật chất để cho chúng ta tồn tại, phát triển).

     Đến thời Nguyễn các vị Vua rất chú trọng đến yếu tố tinh thần, tâm linh của dân tộc. Theo sử sách triều Nguyễn ghi nhận Vua Minh mạng đã 5 lần tổ chức đại trai đàn mang tầm cỡ quốc gia. Từ đó theo vòng quay và những biến động của lịch sử, đến đầu thế kỷ XXI, lễ hội Vu lan không chỉ duy trì và tiếp thu giá trị truyền thống của cha ông mà còn không ngừng tùy duyên biến chuyển để thích nghi với đời sống hiện đại.

     3.2.Về giá trị tâm linh

     Ở Cần Thơ, người Việt và người Hoa cho rằng ngày Rằm tháng Bảy (15/7 âm lịch) là ngày“mở cửa ngục”để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, và một ít tiền vàng, mã, do vậy ngày này là ngày xá tội vong nhân. Khi thực hiện lễ này người Việt cũng nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho Gia Tiên Tiền Tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh Gia Tiên nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành. Giá trị nhân văn cao cả của lễ này còn được thể hiện ở sự thương cảm sâu sắc, chân thành với các vong linh chết nơi đất khách quê người, nơi chiến trận, những người chết trẻ, những kẻ thấp hèn…Người ta cho rằng chết không phải là hết vì vẫn còn đó vong linh, vong hồn và chính những vong linh, vong hồn ấy cũng cần được quan tâm, được che chở, được giải thoát. Và những cư dân nơi đây đã phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển; đã phải trường kỳ, thường xuyên chống lại giặc ngoại xâm, do vậy những mất mát hy sinh của người dân là không nhỏ, trong đó không ít người bỏ mạng mà không có ai thờ cúng. Dovậy việc cúng cô hồn là một nhu cầu của chính những người đang sống, một nhu cầu vừa mang giá trị tâm linh vừa mang giá trị nhân văn cao cả. Và có nhiều hoạt động như cúng dường trai tăng, phóng sinh, tụng kinh, làm từ thiện đã được nhiều gia đình ở Cần Thơ thực hiện với mong muốn chia sẻ sự quan tâm, lòng yêu thương của mình đến vạn vật, mọi người xung quanh.

     3.3.Về giá trị văn hóa

     Lễ hội Vu lan của Phật giáo diễn ra vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm trùng với ngày xá tội vong nhân theo truyền thống dân gian của người Việt Nam. Đây là dịp để tất cả mọi người con tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ sau những tháng ngày mãi lo cho cuộc sống của bản thân mình, bị cuốn theo vòng quay của cuộc sống và đã có lúc xao nhãng đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Truyền thống Vu lan theo điển tích của Phật giáo bắt nguồn từ câu chuyện cảm động của Mục Kiền Liên –một trong Thập Đại đệ tử của Đức Phật, đã thỉnh theo lời Phật tiến hành pháp hội Vu lan để cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đó, vào dịp rằm tháng Bảy, tại các chùa Phật giáo Bắc truyền lại tổ chức lễ hội Vu lan kèm theo nghi thức “bông hồng cài áo” là biểu trưng cho đạo làm con và tình nghĩa cha mẹ.

     Giống như nhiều địa phương trong cả nước, trong tiềm thức của người dân Cần Thơ coi lễ Vu lan như mùa báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ ông bà tổ tiên những người đã có công sinh thành nuôi dưỡng. Vì thế vào dịp tháng 7 âm lịch mỗi người con tìm cách về nhà bên cha mẹ, dành thời gian quan tâm săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Trong quan niệm của Phật giáo, Vu lan báo hiếu là báo hiếu đối với cha mẹ không chỉ ở kiếp này mà còn nhiều kiếp khác bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi. Chính vì nhìn nhận ở góc độ đó nên mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau đều này chúng ta mở rộng báo hiếu ra phạm vi tất cả chúng sinh.

     Khi tìm hiểu về ảnh hưởng của lễ hội Vu lan đến người dân ở Cần Thơ chúng tôi đã thăm dò ý kiến của 350 người dân trong thành phố trong đó có cả các Tăng Ni, các tín đồ Phật tử cho rằng lễ Vu lan ảnh hưởng rất nhiều đến đạo đức người dân Cần Thơ: 53% cho rằng Vu lan góp phần giáo dục đạo đức, 14% mang giá trị văn hóa cao và 28% nhắc nhở con người biết báo ân trong cuộc sống. Khi trò chuyện, phỏng vấn với các cụ già, nhiều người dân đã khẳng định rằng đây là một lễ hội lớn không còn là lễ của Phật giáo nữa mà là lễ của cả cộng đồng.

     Trong cuộc sống hàng ngày, người dân Cần Thơ luôn đề cao phẩm chất đạo đức, coi đó là tiêu chí cho mọi hành động. Trong quan hệ con người với con người, giáo lý nhà Phật về đạo hiếu, về ân tình cha mẹ đã thẩm thấu trở thành những tiêu chí, những thang bậc để đánh giá đạo đức, để con người nhìn nhận người tốt, kẻ xấu, điều nên làm hay không nên làm, hình thành trong mỗi người dân những tình cảm đạo đức, tri thức hòa quyện cùng với những chuẩn mực đạo đức truyền thống vốn có của người Việt như: lòng yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước, sống có tình có lý, sống thiện, sống tốt, nhân hậu, vị tha, bao dung độ lượng, đoàn kết, gắn bó, yêu lao động, yêu hòa bình, ghét cái ác và phê phán những hành động trái với lương tâm. Chính điều này đã giúp cho người dân Cần Thơ thực hiện hành vi của mình trong mối quan hệ xã hội, quan hệ đạo đức trở nên đúng đắn hơn, chuẩn mực hơn góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

     Không chỉ làm việc thiện, việc tốt mà người dân Cần Thơ còn quan niệm việc quan trọng nhất, thiết thực nhất đó chính là có hiếu với cha mẹ. Sự báo hiếu ấy không chỉ thực hiện trong ngày lễ Vu lan mà nó còn phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ. Người dân Cần Thơ dù ở lứa tuổi nào, địa vị nào cũng đều có những việc làm để thể hiện sự kính trọng, tình yêu thương đối với cha mẹ mình đặc biệt là vào ngày lễ Vu lan. Đó cũng là một trong những nét đẹp tiêu biểu trong lối sống của người dân từ ngàn xưa đến nay.

4. Kết luận

     Lễ Vu lan là một hình thức sinh hoạt tôn giáo của đạo Phật nhưng đã mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên bình diện tâm linh -văn hóa của con người. Đó là lễ hội của tình thương, lòng từ bi, ban vui và cứu khổ. Có thể nói lễ hội Vu lan có tác động lớn đến tâm linh và cuộc sống của người dân Cần Thơ. Lễ Vu Lan không chỉ là lễ của riêng Phật giáo, mà giờ đây đã trở thành ngày lễ chung của mọi người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục -mùa báo ân, báo hiếu –hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất trong dòng chảy của thời gian, của văn hóa tình người. Rỏ ràng tâm hiếu là tâm Phật, không một ai mà không do cha mẹ sinh ra, thế nên không một ai mà không tiếp nhận được cái đẹp, cái hay trong ý nghĩa và giá trị của lễ hội Vu lan mang lại.

     Trong quá trình tồn tại và phát triển, lễ Vu lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm đã in đậm trong tâm thức của mỗi người Cần Thơ và trở thành lễ hội của “tri ân và báo ân”, phản ánh đúng truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Cuộc sống luôn vận động, con người cũng theo đó biến chuyển để hòa nhịp vận hành của xã hội. Chính nếp sống theo tinh thần hiếu đạo xuất phát từ ý niệm của lễ Vu lan –báo hiếu là sợi dây thân ái kết nối gia đình, bà con huyết thống ở một đời trong một gia đình, ở họ tộc thắt chặt với nhau bằng tình đồng bào, tình nhân loại. Và lễ Vu lan không những tác động ảnh hưởng đến nhận thức của người dân Cần Thơ mà cả những giá trị tích cực của lễ Vu lan -báo hiếu đã tác động trực tiếp đến thực tiễn đạo đức. Giá trị lớn nhất của lễ Vu lan mang lại con người chính là nếp sống hạnh phúc và an lạc và mang đầy giá trị “văn hóa tình người”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Nguồn sách báo, tạp chí:

     Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1994), “Tập văn Vu lan, số 30”, NXB: Ban văn hóa Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

      Kinh Vu lan.

      Nguyễn Lang, 2003, “Việt Nam Phật giáo sử luận”, NXB Khoa học xã hội.

      Nguyệt San Giác Ngộ, “Vu lan mùa hiếu”, số 269 (tháng 8/2018).

      Nguyệt san Giác Ngộ, Vu lan mùa hiếu hạnh, số 281 (tháng 8/2019).

      Thích Nhật Từ (2013), “Chữ hiếu trong đạo Phật”, NXB Hồng Đức.

      Vũ Thế Ngọc, (2008), “Lễ Vu lan và Văn tế thập loại chúng sinh”, NXB Phương Đông

     2. Nguồn Internet:

      “Nguồn gốc lễ Vu lan và nghi thức bông hồng cài áo”,
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguon_goc_le_vu_lan_va_nghi_thuc_bong_hong_cai_ao.html

      “Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu –rằm tháng 7 âm lịch”,
https://baodautu.vn/nguon-goc-y-nghia-ngay-le-vu-lan-bao-hieu—ram-thang-7-am-lich-d68913.html

Nguồn: NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỒI

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ Vu lan trong đời sống của người dân Cần Thơ (Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Oanh)