Liên tưởng trong THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT có YẾU TỐ CHỈ VỊ

NGUYỄN THỊ HUYỀN
(CN, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

1. Dẫn nhập

     Từ chỉ vị là một hiện tượng phổ quát trong các ngôn ngữ. Các từ chỉ vị cơ bản trong tiếng Việt cũng giống như trong hầu hết các ngôn ngữ khác, đều có thể định nghĩa được thông qua sự cảm nhận vị giác của con người. Xét về mặt ngữ nghĩa, các nghĩa gốc (nghĩa đen) của các từ chỉ vị cơ bản thường cụ thể và mang tính biểu trưng cao nhờ mối liên hệ giữa vị với các vật đại diện của nó. Do vậy, nghĩa đen của các từ này thường được vận dụng rất nhiều trong đời sống của con người. Biểu hiện rõ nhất chính là sự xuất hiện rất phổ biến của chúng trong các thành ngữ, đặc biệt là các thành ngữ so sánh, kiểu như: ngọt như mía lùi, chua như dấm, cay như ớt, đắng như bồ hòn,… Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát một số thành ngữ có yếu tố chỉ vị cơ bản trong tiếng Việt như: ngọt, đắng, chua mặn.

2. Liên tưởng trong các thành ngữ có yếu tố so sánh

     Theo Hoàng Văn Hành [3, tr. 92], trong thành ngữ so sánh, thành phần biểu thị quan hệ so sánh và cái so sánh “như B” là bộ phận bắt buộc và ổn định trên cả cấu trúc bề mặt cũng như cấu trúc bề sâu. Sự lựa chọn từ ngữ biểu thị quan hệ so sánh và đặc biệt là sự lựa chọn từ ngữ biểu thị cái so sánh mang tính dân tộc sâu sắc.

     Trong tiếng Việt có nhiều từ ngữ biểu thị quan hệ so sánh: như, tày, như thể, như thể là, tựa, tựa như, là, v.v.; song trong thành ngữ so sánh thì thường chỉ dùng như tày.

     Cấu trúc thành ngữ so sánh có yếu tố chỉ vị trong tiếng Việt được thể hiện dưới dạng:

A + ngọt, đắng, chua, mặn + như + B (danh từ, ngữ danh từ/ngữ vị từ)

     Trong đó: A là chủ thể so sánh, B là vật được so sánh.

     Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, khi miêu tả các vị, người ta không chỉ định hình một vị nào thông qua duy nhất vật mẫu điển hình được ghi nhận trong từ điển. Sự liên tưởng về vị của người sử dụng ngôn ngữ có thể thông qua các vật mẫu khác, hoặc cụ thể hơn vật mẫu điển hình hoặc không có liên hệ gì với vật mẫu điển hình.

     2.1. Liên tưởng về vị ngọt

     Trong tiếng Việt, nhắc tới vị ngọt là người ta hay liên tưởng ngay đến các vật mẫu là đường hay mật. Do vậy, trong các cấu trúc so sánh, người dùng thường liên tưởng đến các vị xoay quanh hay có quan hệ với vị của đường hay mật. Có thể chia các cấu trúc so sánh của từ chỉ vị ngọt thành các nhóm sau:

       2.1.1. Cụ thể hoá vị của đường, mật

       Bên cạnh cấu trúc so sánh “ngọt như đường”, “ngọt như mật”, tiếng Việt còn có những liên tưởng so sánh cụ thể hoá vị của đường, mật, như: ngọt như đường phèn, ngọt như đường cát, ngọt như mật ong, ngọt như mật mía, ngọt như mật hoa,… Ví dụ:

          1/ Mận Hoà An nổi tiếng xưa nay. Đặc biệt là loại mận da đỏ hồng, đặc ruột, hột nhỏ, vị ngọt như đường phèn. [1]

          2/ Cuối cùng mọi người quyết định lấy chất vị ngọt như đường cát của loạt trái này để gọi là xoài cát.

          3/ Maple syrup, không hiểu nhiều bạn đã ăn qua chưa nhưng quả thật nó rất ngon. Ăn có vị caramel, lại ngọt như mật ong nhưng không quá sắc.

          Như vậy, cùng là cảm nhận vị ngọt như vị của đường, mật, nhưng tuỳ vào vật được so sánh mà vị ngọt có sự khác nhau. Cùng so sánh có vị như đường nhưng khi nói “ngọt như đường phèn” là người nói muốn liên tưởng đến vị ngọt dịu, mát, còn “ngọt như đường cát” là liên tưởng đến vị ngọt sắc. Hay cùng nói đến vị của mật, nhưng vị của “mật ong” có một chút khác biệt so với “mật mía” và cũng không giống như vị của “mật hoa”. Trong khi đó, mật mía cũng là một dạng chất ngọt như mật ong, nhưng là sản phẩm chiết xuất từ cây mía và so với mật ong thì mật mía vị thanh, mát hơn và thường được sử dụng trong chế biến thức ăn. Chính vì vậy, vật thể liên tưởng “ngọt như mật mía” thường là các món ăn.

          Việc lựa chọn vật liên tưởng quy định đến vật thể so sánh. Khi so sánh với vị của đường, thì vật thể thường là các vật có hình khối như các loại quả, trong khi đó, khi liên tưởng đến vị của mật thì vật thể được so sánh thường ở dạng chất lỏng.

           2.1.2. Liên tưởng bằng các vật mẫu khác

           Ngoài những thành ngữ so sánh vị ngọt với đường, mật và các vị cụ thể khác của đường, mật, khi miêu tả vị ngọt, tiếng Việt còn sử dụng rất nhiều yếu tố liên tưởng khác để diễn đạt những cảm nhận khác nhau, những dụng ý khác nhau, như: ngọt như mía, ngọt như mía lùi, ngọt như kẹo, ngọt như kem, ngọt như cam thảo,… Ví dụ:

          1/ Viên kẹo trong miệng nó tan rất nhanh nhưng cái vị ngọt như mía và thoang thoảng hương hoa bưởi như còn luẩn quẩn đâu đó trong hốc mũi.

          2/ Vị của hóp tươi ngấm vào cơm thơm cộng thêm mùi thơm của lá dong tạo nên vị ngọt như mía lùi.

          3/ Mật rắn không đắng như mật các loài động vật khác, nếm vào hơi đắng nhưng sau có vị ngọt như cam thảo.

          Khi liên tưởng về vị ngọt trong các thành ngữ so sánh, ngoài việc cảm nhận bằng vị giác như trong các ví dụ trên, thì người Việt còn cảm nhận bằng các giác quan khác như thính giác, thị giác, cảm giác, v.v.

          – Cảm nhận bằng thính giác. Ví dụ:

          Cô dạy nhạc có giọng nói êm như nhung, ngọt như đường phèn.

          – Cảm nhận bằng thị giác

          Với hình tượng so sánh “ngọt như mía lùi”, “ngọt như mật ong” hay “ngọt như kem”, người

          Việt dùng để miêu tả gương mặt, ánh mắt, nụ cười ngọt ngào, xinh đẹp, quyến rũ. Ví dụ:

          1/ Rihanna nổi tiếng với đôi mắt ngọt như mật ong… đó là nhận xét của người hâm mộ về đôi mắt của các mĩ nhân Hollywood.

          2/ Nữ tài tử Hollywood với gương mặt ngọt như mía lùi, 28 tuổi, là người đàn bà đầu tiên được mệnh danh “sexiest” hai lần bởi Esquire.

          3/ Trong trái tim cô nàng có giọng hát trong vắt và nụ cười ngọt như mật này có đến… 4 người đàn ông cơ đấy.

        2.1.3. Liên tưởng với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống (theo lối ví von)

        Ngoài liên tưởng dựa vào các vật mẫu mang vị ngọt, người Việt còn liên tưởng đến nhiều những hiện tượng, sự vật trong cuộc sống khi muốn diễn đạt những cảm nhận về cảm giác ngọt và thường thông qua những sự vật, hiện tượng thân thương, đáng yêu và tích cực trong cuộc sống, như: lời ru, ánh mắt, ánh nắng, nụ hôn, tình yêu, giọt sương, tiếng suối, tiếng chim hót, tiếng sáo, tiếng nhạc, v.v. Chẳng hạn như:

          1/ Dòng sông thì có lúc trong, lúc đục, chỗ cạn chỗ sâu, lắm lúc ồn ào giận dữ trong bão táp mưa sa nhưng cũng có khi cũng hiền hoà dịu ngọt như lời ru.

          2/ Tôi còn nhớ cảm giác khi tôi nâng trên tay những chiếc lá thu ngọt ngào như ánh mắt trẻ thơ.

          3/ Chúng mình muốn thể hiện một tình yêu thật đẹp và ấm áp như tia nắng lung linh, nhẹ nhàng như những làn gió thoảng, trong veo như những giọt sương và ngọt ngào như nụ hôn của đôi lứa.

__________
[1] Các ví dụ trong bài viết được trích từ Kho cơ sở dữ liệu tiếng Việt của phòng Từ điển Ngữ văn – Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và tư liệu trên mạng Internet.

     2.2. Liên tưởng về vị đắng

     Sự liên tưởng và so sánh về vị đắng không đa dạng và phong phú như vị ngọt. Bên cạnh các vật mẫu so sánh như bồ hòn, mật, thuốc kí ninh thì trong tiếng Việt còn liên tưởng đến vị của một số vật mẫu có chứa vị đắng khác nữa như mướp đắng, ngải cứu, cà phê không đường hay sô cô la,… trong các cấu trúc đắng như mật, đắng như bồ hòn, đắng như thuốc kháng sinh, đắng như khổ qua (mướp đắng), đắng như ngải cứu, đắng như sô cô la, đắng như cà phê không đường, v.v.

     Ngoài liên tưởng dựa vào các vật mẫu mang vị đắng, người Việt còn liên tưởng đến những điều bất hạnh, không may, không được suôn sẻ trong cuộc sống khi muốn diễn đạt những cảm nhận về cảm giác đắng, chẳng hạn:

     1/ Có lẽ, những giọt nước của biển cũng không mang vị mặn đến xót xa và cay đắng như giọt nước mắt mẹ.

     2/ Tự nhiên tôi nhớ tới mùi vị của Lục Trà Chanh: Đắng như nỗi đau khổ của hai kẻ yêu nhau, chát như chông gai trong cuộc sống, chua như sự thổn thức của con tim.

     2.3. Liên tưởng về vị chua

     Ngoài hai vật mẫu là chanh và giấm (chua như chanh, chua như giấm) như các từ điển dùng để xác định vị chua trong cách định nghĩa, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ và nhất là trong các thành ngữ so sánh, tiếng Việt dùng nhiều vật mẫu khác, để liên tưởng đến vị chua, như: chua như mẻ, chua như khế, chua như me, chua như axit,… Cũng tương tự như vị ngọt và đắng, các thành ngữ so sánh về vị chua, ngoài việc miêu tả cảm giác chua qua cơ quan vị giác, còn miêu tả những cảm giác khác qua các cơ quan cảm giác khác như thính giác, thị giác.

     – Biểu thị cảm giác thính giác: hầu hết các thành ngữ so sánh về vị chua đều biểu thị nghĩa về giọng nói cao the thé, đôi khi biểu hiện sự ghê gớm, mang lại cảm giác khó chịu cho người nghe. Ví dụ:

     1/ (…) chỉ cần bê nguyên xi chất giọng chua như giấm, cách nhấn nhá đài từ cùng dáng đi đặc biệt không đụng hàng là lấy được vô khối nụ cười của công chúng.

     2/ Đang loay hoay, tim Phương giật thót khi có bàn tay gõ nhẹ vào vai Phương. Vội quay lại, Phương giở giọng chua như me.

     – Biểu thị cảm giác thị giác: ngoài biểu thị vị chua và giọng nói the thé, nghe khó chịu, thành ngữ “chua như giấm” còn biểu thị vẻ mặt, nụ cười cau có, khó chịu. Ví dụ:

     1/ Năm con ngựa vừa đi được một quãng thì đã bị sụt tới quá gối, không tài nào đi được nữa. Những tên vệ binh và hai tên người nhà đều mặt chua như giấm.

     2/ Cái miệng đã móm, lại còn nở một nụ cười chua như giấm thay cho câu trả lời… của anh ta, là dấu hiệu cho biết “có chuyện lớn”.

     – Biểu thị cảm giác khứu giác. Ví dụ:

     Lão bận một cái sơ mi lụa nhuộm màu nâu già, lúc nào cũng bốc ra mùi hôi khét lẹt và chua như mẻ.

     2.4. Liên tưởng về vị mặn

     Khi nói về vị mặn, tiếng Việt cũng có nhiều sự liên tưởng khác nhau, như: mặn như nước biển, mặn như nước mắt, mặn như giọt mồ hôi hay mặn như máu,… Ví dụ:

     1/ Biển ngàn đời vẫn thế, vẫn mặn chát, mặn như nước mắt của kẻ thất tình.

     2/ Chỉ tiếc là tôi vụng về nên câu thơ không đủ mặn như giọt mồ hôi của bà mẹ Hà Nhì lúc mùa vụ vội vàng.

3. Liên tưởng trong các thành ngữ không có yếu tố so sánh

     Khi tham gia vào cấu trúc thành ngữ, nghĩa của các từ chỉ vị cũng có sự thay đổi, sự thay đổi đó thể hiện ở việc chuyển từ việc biểu thị vị giác sang biểu thị các mặt, các lĩnh vực trong cuộc sống để phục vụ nhu cầu giao tiếp của con người.

     Trong khi từ chỉ vị ngọt mang nghĩa tích cực như sung sướng, hạnh phúc, tốt đẹp thì các từ chỉ vị còn lại như đắng, chua hay mặn đều mang nghĩa, biểu thị sự khổ sở, vất vả,… mà con người phải chịu. Chẳng hạn như: chia ngọt sẻ bùi (cùng chia sẻ, tận hưởng những sung sướng, hạnh phúc), cơm dẻo canh ngọt/cơm lành canh ngọt (cảnh sung sướng, hạnh phúc), chia cay sẻ đắng (cùng thương yêu, đùm bọc, chia sẻ những lúc khó khăn, vất vả), cà chua mắm mặn (cảnh ăn uống kham khổ), đồng chua nước mặn (đất đai xấu, khó làm ăn), ăn cay nuốt đắng (cố chịu những khổ cực để có dịp phục thù), ngậm đắng nuốt cay (nhẫn nhục chịu đựng những điều cay đắng, khổ nhục mà không dám kêu ca, oán thán), trăm đắng ngàn cay (nhiều nỗi đau đớn, tủi nhục), v.v. Ví dụ:

     1/ Tổng Bí thư nhắc các cháu thiếu nhi tỉnh Hà Tây vui đón Tết Trung thu nhưng đừng quên chia ngọt sẻ bùi với các bạn thiếu nhi vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu hậu quả của bão – lũ.

     2/ Gặp phải cảnh mẹ chồng cay nghiệt, cô Hoẻn cắp áo trốn nhà ra đi, đoạn tuyệt với anh chồng lưng đen, khố bện, từ giã cái cảnh cà chua mắm mặn, với cái đời chân lấm tay bùn.

     3/ Những người này hầu như không có tài sản gì đáng kể, họ xuất thân từ những vùng đồng chua nước mặn, quanh năm vật lộn với miếng ăn.

     Bên cạnh đó, các từ chỉ vị còn biểu thị ý nghĩa cực cấp, như: ghét cay ghét đắng/ ghét ngon ghét ngọt (rất ghét), tiếc cay tiếc đắng (rất tiếc, đầy vẻ xót xa), chết cay chết đắng (chết lặng trong lòng, không thể nói ra được), mất mặn mất nhạt (thô bạo, riết róng, không nể nang gì).

4. Kết luận

     Từ những quan sát và phân tích nêu trên, có thể nhận thấy: Để định nghĩa các từ chỉ vị trong từ điển giải thích, các nhà biên soạn từ điển thường dùng vật mẫu điển hình – là vật thường được người ta liên tưởng ngay khi nhắc tới vị đó để làm cơ sở giải thích. Chẳng hạn, cay thường được định nghĩa là: có vị như vị của ớt, của hạt tiêu; chua được định nghĩa là có vị giống như vị của chanh, của giấm, v.v. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là trong các thành ngữ so sánh có yếu tố chỉ vị, vật liên tưởng lại phong phú hơn nhiều. Sự liên tưởng về vị của người sử dụng ngôn ngữ có thể thông qua rất nhiều các vật khác trong đời sống, hoặc cụ thể hơn, hoặc trừu tượng hơn, thậm chí là không có mối liên hệ gì với vật mẫu điển hình.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

2. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

3. Hoàng Văn Hành, Tuyển tập Ngôn ngữ học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

4. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2010.

5. Đào Thản, Ngọt “Ghi chép tư liệu”, Ngôn ngữ, số 1, 1973.

6. Nguyễn Như Ý – Hoàng Văn Hành – Lê Xuân Thại – Nguyễn Văn Khang – Phan Xuân Thành, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.