LIỆT NỮ thời Joseon qua các Văn bản lịch sử
VIRTUOUS WOMEN OF JOSEON ERA MARTYRS THROUGH HISTORICAL TEXTS
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ TRANG
TÓM TẮT
Nhắc đến thời đại Joseon là nhắc đến thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo. Tuy nhiên, với vai trò là Quốc giáo, Nho giáo không chỉ mang lại những tác động tích cực mà còn gây ra không ít hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bài viết sử dụng một số văn bản lịch sử để khái quát hình ảnh của liệt nữ. Từ đó, bước đầu lý giải căn nguyên hình thành nên hiện tượng này, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn những góc khuất chưa được khám phá của thời kỳ ấy.
Từ khóa: Joseon, Nho giáo, liệt nữ, thủ tiết, cải giá.
ABSTRACT
The Joseon era can be referred to as the zenith of Confucianism. However, apart from the positive effects of this teaching, Confucianism also caused noticeable drawbacks, some of which directly affected people’s lives, especially women’s. The article uses a number of historical materials to generalize the image of virtuous women, initially explaining the cause of that phenomenon and helping readers understand more deeply the unexplored corners of that period.
Keywords: Joseon, Confucianism, virtuous woman, faithfulness, remarriage.
x
x x
Đặt vấn đề
Triều đại Joseon thành lập năm 1392 nhờ chiến thắng của thế lực quân sự mới đứng đầu là I Seong Gye (이성계/Lý Thành Quế). Sau khi thiết lập vương triều, Joseon đã xây dựng và phát triển nhà nước theo hình thức nhà nước tập quyền trung ương, chủ trương đức trị theo lý luận và quan niệm của Seongnihak (성리학/tính lý học) và thực hiện một nền chính trị lý tưởng mang tính Nho giáo. Lễ tục của Nho giáo được áp dụng một cách rộng rãi, từ vua quan sĩ phu bên trên tới tầng lớp thường dân bên dưới. Vì thế, Nho giáo cũng ảnh hưởng rất sâu sắc tới đời sống của người phụ nữ thời kỳ này, đặc biệt là tầng lớp phụ nữ yangban (양반/lưỡng ban) quý tộc văn võ. Chính nền chính trị mang nặng tư tưởng Nho giáo này đã tạc nên hình tượng liệt nữ – những người phụ nữ sống phụ thuộc vào đàn ông và sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì họ.
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về phụ nữ thời Joseon ít nhiều có đề cập đến “liệt nữ” như nghiên cứu của Lý Xuân Chung (2015), Nguyễn Thu Vân (2015), Mai Thị Mỹ Trinh (2018), … Nghiên cứu về văn bản lịch sử liên quan đến “liệt nữ”, “nữ huấn” có nghiên cứu của Nguyễn Thị Oanh (2010). Tuy nhiên, các bài viết chưa đi sâu giải thích lý do hình thành hiện tượng liệt nữ cũng như sự biến đổi của hiện tượng này qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, bài viết này sẽ đi vào phân tích và làm rõ điều đó.
1. Giải thích thuật ngữ
1.1. Tiết phụ
Thời kỳ tiền Joseon, chưa có khái niệm liệt nữ, chỉ dùng thuật ngữ tương đương khác là tiết phụ (절부). Theo Kang Myeong Kwan trích dẫn trong cuốn Sự hình thành liệt nữ thì tiết phụ là danh từ “chỉ người phụ nữ không tái giá sau khi chồng chết, tức không tìm đối tượng tình dục mới” (tr. 34). Quan niệm này dạy người phụ nữ rằng, nam giới là đối tượng tình dục duy nhất được công nhận, nên ngay cả sau khi người chồng chết đi, người phụ nữ không được có quan hệ tình dục với bất kỳ người đàn ông nào khác.
Cũng theo tác giả trên, thời kỳ này tiết phụ được dùng chung với nghĩa phu (의부). Nghĩa phu là từ dùng để chỉ “người đàn ông không tái hôn kể từ sau khi vợ chết” (tr. 37). Vì thời tiền Joseon, chế độ mẫu hệ vẫn chưa được thay thế hoàn toàn, người chồng vẫn còn cư trú bên gia đình nhà vợ sau khi kết hôn người phụ nữ vẫn còn vị thế nhất định trong xã hội nên thuật ngữ này vẫn còn tiếp tục được sử dụng trong một khoảng thời gian.
1.2. Liệt nữ
Theo Đại từ điển bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc (한국민족문화대백과사전), liệt nữ (열녀) là thuật ngữ dùng để chỉ “người phụ nữ sau khi chồng chết thì thủ tiết hoặc khi gặp gian nguy thì giữ gìn chính tiết bằng cái chết.” Tài liệu đầu tiên sử dụng thuật ngữ này là “Jeongjong thực lục” (정종/Định Tông) của bộ sử Triều Tiên vương triều thực lục (조선왕조실록). Thực lục này có viết “trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không thờ hai chồng” (Kang Myeong Kwan, 2009, tr. 42). Sau khi “Liệt nữ truyện” của Tam cương hành thực đồ (삼강행실도) được biên soạn và phổ cập vào năm thứ 14 vua Sejong (세종/Thế Tông-năm 1432), danh từ “liệt nữ” mới được sử dụng một cách chính thức ở nhiều văn bản khác nhau.
Ngoài khái niệm liệt nữ, sử sách khác của Joseon còn sử dụng từ liệt phụ (열부). Trường hợp tiêu biểu cho việc sử dụng này là “Truyện liệt phụ Bae” (배열부전) của I Sung In (이숭인/Lý Sùng Nhân) – người phụ nữ được nhà nước trao thưởng năm 1382, “Truyện Liệt phụ Choi” (최열부씨전) của I Gok (이곡/Lý Cốc) – trao thưởng (정려) năm 1389.
1.3. Cải giá
Cải giá (개가) là từ chỉ hành vi người phụ nữ tiếp tục kết hôn thêm lần nữa sau khi ly hôn với người chồng hoặc tử biệt chồng (Đại từ điển bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc). Một số từ tương đương nghĩa với cải giá đã từng được sử dụng trong thời kỳ này là tái giá (재가), tái tiếu (재초), tái hôn (재혼). Pháp lệnh cấm cải giá bắt đầu nhen nhóm từ năm 1390. Sau khi nhà nước Joseon được thành lập, nhà nước bắt đầu tiến hành soạn thành luật này, tới năm 1485 chính thức đưa vào trong Kinh quốc đại điển (경국대전) – bộ luật cơ bản để cai trị đất nước thời kỳ này. Kinh quốc đại điển có ghi: “Trường hợp là vợ của chức quản lý trên tản ký1 (산기) thì không được tái hôn. Vợ của phẩm quan dưới chức phán sự sau khi chồng chết trong vòng 3 năm không được tái giá” và còn quy định thêm “Con cháu của người phụ nữ không thủ tiết sẽ bị hạn chế việc tham gia thi cử và bổ nhiệm các chức quan” (Lee Sun Gu, 2013, tr. 15). Không những thế, tên tuổi của những người phụ nữ gian dâm hay kết hôn 3 lần trở lên sẽ bị đưa vào Tư nữ án2.
1.4. Thủ tiết
Song song với việc cấm cải giá, triều đình còn ban hành những chính sách khuyến khích thủ tiết. Thủ tiết (수절) là một quan niệm đạo đức, “chỉ hành vi người phụ nữ giữ gìn trinh tiết hoặc tiết khái”. (Đại từ điển Bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc). Kinh quốc đại điển cũng viết “Thiếp của chức quan trên tản ký và vợ hay thiếp của quan viên lục phẩm trở lên nếu tự nguyện thủ tiết thì được xây tinh văn ở đường làng, đồng thời được tuyên dương và trao thưởng” (Lee Sun Gu, 2013, tr. 42). Hàng năm triều đình tiến hành điều tra liệt nữ và báo cáo cho chính phủ trung ương để kịp thời tuyên dương và khen thưởng với mục đích dạy bách tính học tập gương liệt nữ một cách hiệu quả. Quy định cấm cải giá và chính sách khuyến khích thủ tiết là phương tiện tàn ác khống chế tư tưởng hôn nhân của người phụ nữ và gây nên hiện tượng liệt nữ thời kỳ này.
2. Văn bản phổ cập hiện tượng liệt nữ
Thời Joseon có rất nhiều tư liệu đề cập tới vấn đề phụ nữ và liệt nữ như Nữ tắc (여칙), Nữ giới (여계), … Ngoài tư liệu viết (sách) như trên, còn có các tư liệu lịch sử khác về liệt nữ như kinh điển, luật, điển chế, luận ngữ, tranh vẽ, truyện kể, thơ ca, … Tuy nhiên, bài viết chỉ lựa chọn ba loại văn bản tiêu biểu dùng để phổ cập hiện tượng liệt nữ thời kỳ này là Tiểu học, “Liệt nữ truyện” của Tam cương hành thực đồ và Nội huấn. Thứ nhất, những văn bản này thể hiện rõ nội dung liên quan tới hành thất, đạo lý người phụ nữ phải giữ gìn trong ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo và những yếu tố hình thành nên hiện tượng liệt nữ. Thứ hai, những văn bản này có sự can thiệp của nhà nước trong việc biên soạn, in ấn, ban hành và phổ cập nên phản ánh rõ ý đồ chính trị của bộ máy nắm quyền.
2.1. Tiểu học
Tiểu học (소학) là một loại hình sách giáo dưỡng được biên soạn vào đời Tống (Trung Quốc) năm 1187 để dạy cho trẻ nhỏ trên dưới 8 tuổi. Chưa xác định Tiểu học du nhập vào bán đảo Triều Tiên lúc nào, chỉ biết tên của tài liệu này được đề cập lần đầu tiên trong Thực lục của Teajong (태종/Thái Tông) năm 1404. Tiểu học được đưa vào sử dụng bắt buộc trong thi cử năm 1426, chú giải vào năm 1523 đời vua Jungjong (중종/Trung Tông) và tới đời vua Seonjo (선조/Tuyên Tổ) mới được dịch nghĩa.
Phụ nữ thời kỳ này không được học ở trường hay tham gia khoa cử. Vì thế, Tiểu học là tài liệu giảng dạy dành cho nam giới. Sau này, khi tài liệu này được chuyển ngữ qua hangeul (한글/chữ Hàn) thì nữ giới mới tiếp cận được. Nội dung của Tiểu học giải thích mang tính triết học về sự tồn tại của nữ giới, mối quan hệ và ranh giới giữa nam và nữ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, những đạo lý người phụ nữ phải gìn giữ như tam tòng chi đạo, thất cử chi ác, quy định cấm cải giá và chính sách khuyến khích thủ tiết,…
Tiểu học trích dẫn những câu nhấn mạnh việc giữ gìn tiết khái của người phụ nữ như “Con người thì ai mà không chết, nhưng việc giữ tiết khái còn quan trọng hơn cả việc cứu lấy mạng sống” hay “Nếu mất tiết khái thì cảm thấy xấu hổ trong lòng, không thể nào sống đường đường trong trời đất được nữa, dù có sống phỏng có ích gì” (Kang Myeong Kwan, 2009, tr. 112).
2.2. “Liệt nữ truyện” của Tam cương hành thực đồ
Tam cương hành thực đồ là tài liệu được chọn lọc, biên soạn và ghi chép hành thất của trung thần, hiếu tử, liệt nữ làm hình mẫu tam cương của quân-thần, phụ-tử, phu-phụ trong thư tịch sử sách của Joseon. Tam cương hành thực đồ được phổ cập vào năm thứ 16 vua Sejong (세종/Thế Tông-1434) và ban bố rộng rãi từ trung ương tới địa phương vào năm thứ 9 vua Myeongjong (명종/Minh Tông-1554), tới năm 1560 thì được hoàn thiện lần cuối.
“Liệt nữ truyện” (열녈전) trong Tam cương hành thực đồ là cuốn sách được biên soạn theo “Cổ kim liệt nữ truyện” du nhập từ nhà Minh vào năm Teajong thứ 4 (1404) và hoàn tất quá trình biên soạn vào tháng 6 năm Sejong thứ 14 (1432).
“Liệt nữ truyện” gồm tất cả 110 câu chuyện. Truyện từ 1~95 dẫn dụng từ sử sách về liệt nữ của Trung Quốc, các truyện từ 96~100 là tập hợp các trường hợp liệt nữ của Silla (실라), Goryeo (고려) và thời tiền Joseon. Trong số 110 sự kiện được trích dẫn, có tới 83 trường hợp liệt nữ chọn cái chết. Loại hình cái chết cũng khá đa dạng: chồng chết nên chết theo chồng; cứu chồng trong cơn hỏa hoạn hay thú dữ rồi bị chết; bị trộm cướp hoặc cưỡngdâm và bị sát hại, hoặc đối mặt nguy cơ bị cưỡng đoạt nên chọn cái chết vinh quang. Những trường hợp là phụ nữ bị ép tái giá sau khi chồng chết vẫn kiên quyết chọn con đường thủ tiết một cách cực đoan như tỏ ra đau khổ quá mức; sống bên cạnh mộ chồng, không tắm rửa, không thay quần áo; tự nguyện chăm sóc chồng hay cha mẹ chồng mắc bệnh tật một cách cực đoan như nếm phân đoán bệnh, lấy máu hay cắt bớt bộ phận nào đó của cơ thể mình để làm thuốc chữa bệnh, … Việc truyền bá những câu chuyện, những hình tượng phụ nữ này nhằm đạt mục đích của bộ máy cai trị – đàn ông là muốn người phụ nữ phải phục tùng, sống lệ thuộc vào họ và sẵn sàng hi sinh vì họ.
2.3. Nội huấn
Nội huấn (내훈) là tài liệu giáo dục được hoàng hậu Sohye (소혜/Chiêu Huệ) biên soạn để giáo huấn phụ nữ, ban hành lần đầu tiên vào năm 1475, ban hành lần 2 năm 1573 thời vua Seonjo (선조/Tuyên Tổ) và ban hành lần 3 vào năm 1610 đời vua Kwang Hwa Gun (광해군/Quang Hải Quân) sau chiến tranh Nhâm Thìn Oa loạn. Vào tiền kỳ, Nội huấn hầu như không được ứng dụng rộng rãi vì chưa bối cảnh phù hợp cho phụ nữ áp dụng. Bước vào hậu kỳ Joseon, khi không gian cư trú sau kết hôn đã chuyển hẳn sang nhà chồng, cùng với nội dung cụ thể, gần gũi và áp dụng thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày bằng ngôn ngữ đã được dịch giải (hangeul), Nội huấn được sử dụng rộng rãi để giáo huấn phụ nữ và có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử.
Nội huấn có tất cả 116 tiểu mục, trong đó dẫn dụng của Tiểu học là 79 tiểu mục, dẫn dụng của “Cổ kim liệt nữ truyện” là 15 tiểu mục. Nội dung chính của Nội huấn là giáo huấn về đời sống hôn nhân cũng như gia đình như hiếu thân, hôn lễ, mẫu nghĩa, liêm kiệm, … Nhìn chung, đây cũng là một phương tiện để bộ máy cai trị sử dụng giáo huấn người phụ nữ để họ trở thành người con hiếu thảo với cha mẹ, người vợ đảm đang, người con dâu ngoan hiền và người mẹ lý tưởng, giúp đàn ông chuyên tâm vào công việc bên ngoài xã hội.
3. Lịệt nữ thời Joseon qua các giai đoạn
3.1. Từ đầu kỳ Joseon (1392) tới trước Nhâm thìn Oa loạn (1591)
Tiền kỳ Joseon là thời kỳ chuyển giao tư tưởng từ Phật giáo là quốc giáo (nhà nước Goryeo) sang tư tưởng Nho giáo là quốc giáo. Liệt nữ thời kỳ này được phản ánh qua các sử liệu như sau:
Triều Tiên vương triều thực lục (조선왕조실록) là sách sử biên soạn và ghi chép theo thứ tự lịch sử của 25 đời vua trong vòng 472 năm (1392-1567) từ thời I Tae Jo (이태조/Lý Thái Tổ) tới đời vua Cheoljong (철종/Triệt Tông). Nội dung của các thực lục đều có ghi chép các trường hợp liệt nữ được nhà nước công nhận. Trong tác phẩm sử liệu đồ sộ này có tất cả 144 sự kiện liên quan tới 289 liệt nữ.
Đông quốc dư địa thắng lãm (동국여지승람) là sách địa lý – tự nhiên – xã hội – văn hóa được biên soạn năm 1481, chỉnh sửa lại năm 1528. Tài liệu này có ghi chép tất cả 47 liệt nữ.
Đông quốc tân tục tam cương hành thực đồ (동국신속삼강행실도) là cuốn lễ thư được các văn thần thời Joseon biên soạn dựa vào Tam cương hành thực đồ theo mệnh lệnh của vua vào năm 1615, phát hành năm 1617. Cuốn lễ thư này ghi chép khoảng 140 liệt nữ. Liệt nữ thời kỳ này là những phụ nữ sau khi chồng chết thì từ chối tái giá, chọn con đường thủ tiết và phụng dưỡng cha mẹ chồng (mặc dù thời kỳ này phụ nữ vẫn sống bên gia đình cha mẹ ruột); mặc đồ tang của chồng trong vòng 3 năm trời; chồng chết thì chết theo chồng hoặc khi chồng gặp gian nguy thì hi sinh tính mạng để cứu chồng; chống cự khi bị cưỡng hiếp và bị sát hại hoặc chết để không bị cưỡng hiếp; … Nhìn chung liệt nữ thời kỳ này hầu như mô phỏng theo những câu chuyện đã được truyền đạt thông qua sử sách để phù hợp với lễ nghi Nho giáo, chưa mang tính tự phát như thời hậu kỳ.
2.2. Thời kỳ Nhâm thìn Oa loạn (1592) đến trước Bính Tý Hồ loạn (1635)
Nhâm Thìn Oa loạn (임진왜란) là cuộc xâm lược của người Nhật gây ra đối với người Joseon kéo dài 7 năm (1592~1598). Trong thời kỳ này, người dân nói chung và phụ nữ nói riêng phải trải qua vô cùng khó khăn và thử thách. Vì thế, tư tưởng của phụ nữ cũng thay đổi so với trước đây, thay vì chọn con đường thủ tiết hay hành động tiết liệt để thực hiện đúng theo quy phạm của Nho giáo, hành động của họ mang tính tất yếu và tính chất của liệt hành cũng tàn khốc và man rợ hơn trước.
Sử sách ghi chép liệt nữ thời kỳ này có Đông quốc tân tục tam cương hành thực đồ (đã nêu ở nội dung trên) với số liệu ghi chép của riêng thời kỳ này là là 441 liệt nữ và 253 hiếu tử. Số lượng liệt nữ tăng cao vì phụ nữ trong chiến tranh phải đối mặt với nguy cơ bị quân địch cưỡng hiếp và họ quyết định chọn con đường tự sát, hoặc chống cự để không bị làm ô nhục và chết. Trước sự chống cự đó, quân địch dùng những thủ đoạn rất dã man như đục mắt, lột da mặt, chặt tay chân phụ nữ. Cái chết của họ vì thế cũng thảm thương hơn nhiều. Tuy nhiên, hành động táo báo của phụ nữ đã chứng tỏ những tư tưởng đàn ông muốn truyền bá đã ăn sâu vào tâm tưởng của người phụ nữ, họ hành động như vậy vì không còn con đường nào khác để lựa chọn.
2.3. Thời kỳ sau Bính Tý Hồ loạn (1636~1910)
Bính tý Hồ loạn (병자호란) là cuộc chiến tranh với quân Thanh xảy ra vào tháng 12 tới tháng 1 năm 1636. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của vua Injo (인조/Nhân Tổ) sau 45 ngày đêm cầm cự trong Nam Hán Sơn Thành (남한산성) (Ban biên soạn Hàn Quốc học, 2005, tr. 130).
Trong và sau chiến tranh, quân Thanh hầu như không sát hại mà chọn việc bắt phụ nữ làm tù binh để lấy tiền chuộc của triều đình Joseon. Vì thế, Đông quốc tân tục tam cương hành thực đồ không có ghi chép nào về liệt nữ thời kỳ này. Một tài liệu khác là Injo (인조/Nhân Tổ) thực lục thì ghi nhận 193 liệt nữ được khen thưởng. Tuy nhiên, việc kiểm tra tính xác thực, tính trùng lặp của những trường hợp này vẫn còn gặp khó khăn nên số liệu này chưa được công nhận một cách chính thức (Kang Myung Kwan, 2009, tr. 333~336).
Theo Kang Myeong Kwan, việc phụ nữ bị bắt làm tù binh của quân Thanh đã trở thành một vấn đề lớn. Thứ nhất, nhà nước phải bỏ tiền ra để chuộc tù binh (phần lớn là phụ nữ) trở về và mất khoảng một năm trời để xử lý việc đó.
Thứ hai, nhiều phụ nữ sau khi được chuộc về bị gia đình nhà chồng từ chối vì họ cho rằng người phụ nữ đó đã bị “ô uế” và yêu cầu địa phương cho phép ly hôn. Sự việc được đưa lên triều đình phán xử. Tới năm 1667, nhà nước mới quyết định cho phép vợ chồng ly hôn.
Thứ ba, sau khi ly hôn, theo Kinh quốc đại điển, nếu người phụ nữ tái hôn thì con cháu của họ sẽ không được tham gia thi cử cũng như bổ nhiệm quan chức. Điều này lại dấy lên một làn sóng phản đối và yêu cầu triều đình sửa đổi quy định đó. Cuối cùng, triều đình quyết định chỉ cho phép con cháu họ được bổ nhiệm vào các chức quan thông thường của địa phương (Kang Myeong Kwan, 2009, tr. 339~344).
Kết thúc hai cuộc chiến lớn, Joseon bước vào giai đoạn hậu kỳ, ảnh hưởng của Nho giáo lên tới đỉnh điểm. Phụ nữ sau khi kết hôn cư trú hoàn toàn bên gia đình nhà chồng và họ không còn được thừa kế tài sản bên gia đình cha mẹ ruột, việc thờ phụng cũng chuyển hết cho đàn ông nên vị thế của người phụ nữ ngày càng trở nên thấp kém hơn so với đàn ông, buộc họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông.
Thời kỳ này, phụ nữ trẻ nếu có chồng chết, họ cho rằng “chỉ sống thủ tiết thờ chồng thôi thì chưa đủ làm nên tiết liệt nên họ đã tự mình chối bỏ ánh nhật nguyệt của ngày xanh mà nguyện theo chồng vào trong nấm mồ sâu. Dù nhảy vào lửa hay trầm mình xuống nước, uống thuốc độc hay thắt cổ tự tử họ vẫn coi như vào nơi lạc địa” (Lim Hyung Take, 2018, tr 68). Vì thế, số lượng liệt nữ lại tăng nhanh và trở thành một vấn nạn. Tới đời Jeongjo (정조/Chính Tổ) năm thứ 21 (1797), việc khen thưởng liệt nữ chỉ dừng lại ở những người chết theo chồng. Việc khảo sát, báo cáo và khen thưởng cũng phát sinh nhiều bất cập, thậm chí gia đình của liệt nữ phải chi tiền hối lộ mới được đưa vào danh sách khen thưởng của nhà nước.
Park Ji Won (박지원/Phác Chỉ Nguyên), nhà tư tưởng cấp tiến của phái Silhak (실학/Thực học) thời Joseon, là nhân vật đầu tiên lên tiếng phê phán cái chết của liệt nữ. Ông cho rằng việc chọn cái chết vì liệt hành là phi đạo đức, bởi vì khi thực hiện liệt hành trong mối quan hệ với chồng, họ đã bỏ mặc những nghĩa vụ – đạo lý với cha mẹ ruột, cha mẹ chồng và con cái.
Còn Jeong Yak Yong (정약용/Đinh Nhược Dung), cũng là nhà tư tưởng lỗi lạc phái Silhak, lần đầu tiên phê phán sự hủy hoại cơ thể để thực hiện hành vi liệt nữ của phụ nữ. Ông cho rằng hủy hoại thân thể là hành động mâu thuẫn với việc thực hành đạo lý hiếu nghĩa với những người thân trong gia đình và cần phải trừng phạt phù hợp.
Nhờ những tư tưởng tiến bộ cùng với xu thế phát triển của lịch sử khi Joseon tiến gần hơn thời cận đại, tư tưởng của phụ nữ cũng thay đổi nên số lượng liệt nữ giảm xuống và giảm dần trong tiến trình lịch sử.
Kết luận
Liệt nữ thời Joseon không phải là một hiện tượng tự nhiên của xã hội mà chính là đứa con bất đắc dĩ được sinh ra một cách có ý đồ của tầng lớp thống trị. Nhà nước Joseon đã không ngừng biên soạn và phổ cập những tài liệu giáo dục liên quan đến hình ảnh người phụ nữ sống tôn thờ chồng hoặc hi sinh vì chồng như Tiểu học, Liệt nữ truyện, Nội huấn. Đây là những văn bản phổ cập hiện tượng liệt nữ một cách hiệu quả đã được giới cầm quyền sử dụng. Ngoài ra, nhà nước còn ban hành quy định cấm cải giá và chính sách khuyến khích phụ nữ thủ tiết thờ chồng. Vì thế, liệt nữ không chỉ được phổ biến cho tầng lớp lưỡng ban quý tộc bên trên mà còn lan rộng ra tầng lớp thường dân bên dưới và tạo nên một hiện tượng hi hữu trong lịch sử bán đảo Triều Tiên. Nghiên cứu về hình ảnh phụ nữ thời Joseon khá nhiều nhưng nghiên cứu về “liệt nữ” còn chưa đa đạng. Với ý nghĩa đó, hi vọng bài viết sẽ góp phần nghiên cứu trọn vẹn hơn hình ảnh phụ nữ thời Joseon.
__________
1. Một chức quan bậc chính tam phẩm thuộc ban Võ thời Joseon.
2. Một văn bản ghi chép để lên án những hành vi xấu của người phụ nữ như gian dâm, tái hôn nhiều lần, …
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học (2005). Lịch sử Hàn Quốc. Việt Nam: NXB ĐHQG Hà Nội.
Im Da Eun (2017). Nghiên cứu việc khen thưởng Liệt nữ Nhân Thìn Oa loạn trong năm Tiên tổ – Kwang Hwa Gun. Hàn Quốc: Luận văn Thạc sĩ trường ĐH Myeongji Im Hyung Taek (Trần Thị Bích Phượng dịch) (2018). Tuyển tập văn học cổ điển Hàn Quốc. Việt Nam: NXB Văn hóa – Văn nghệ.
Kang Myeong Kwan (2009). Sự ra đời của Liệt nữ. Hàn Quốc: NXB Tolbegae.
Kang Yeong Suk (2010). Nghiên cứu Liệt nữ truyện của Hàn Quốc. Hàn Quốc: Luận văn Tiến sĩ trường ĐH Yeongnam.
Lee Sun Gu (2013). Biểu hiện tổ chức gia đình của Joseon. Hàn Quốc: NXB Neomu Books.
Webside: Đại từ điển bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc
열녀 (2021). Truy cập ngày 23/11/2021 từ
http://encykorea.aks.ac.kr/Contents/SearchNavi?keyword=%EC%97%B4%EB%85%80&ridx=0&tot=62
개가 (2021). Truy cập ngày 23/11/2021 từ
http://encykorea.aks.ac.kr/Contents/SearchNavi?keyword=%EA%B0%9C%EA%B0%80&ridx=0&tot=140
수절 (2021). Truy cập ngày 23/11/2021 từ
http://encykorea.aks.ac.kr/Contents/SearchNavi?keyword=%EC%88%98%EC%A0%88&r
idx=0&tot=14
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Số 02/02-2022
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Liệt nữ thời Joseon qua các văn bản lịch sử (Tác giả: Nguyễn Thị Trang) |