Luật nước và hương ước lệ làng trong đời sống pháp lý của các cộng đồng làng xã Việt Nam
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ LÊ MINH THÔNG
(Ban Tổ chức Trung ương)
I. Hai mặt của một thể chế pháp lý ở làng xã Việt Nam
Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của văn hoá pháp lý Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đều dễ dàng nhận thấy là bên cạnh luật nước, luật làng luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở các làng xã Việt Nam. Luật nước và lệ làng (hương ước) dường như luôn là những hành trang pháp lý cho sự tồn tại, phát triển của các thế hệ người Việt Nam trụ vững và phát triển trong mọi thăng trầm của lịch sử. Điểm lại các giai đoạn phát triển của dân tộc ta suốt mấy nghìn năm qua, đặc biệt từ thuở ông cha dựng nền độc lập, các vương triều Việt Nam đã xây dựng và thực thi nhiều bộ luật lớn, bên cạnh đó vẫn tích cực duy trì, và tôn trọng các hương ước, lệ làng và xem đó là những công cụ điều chỉnh quan trọng để duy trì mối quan hệ giữa quốc gia, dân tộc và các cộng đồng làng xã. Trong các thời kỳ dựng và giữ nền độc lập của nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam, sử sách còn lưu lại danh tính của bốn luật tiêu biểu: Hình thư triều Lý, Hình thư triều Trần, Quốc triều Hình luật triều Lê và Hoàng triều luật lệ của nhà Nguyễn. Cả bốn bộ luật lớn ấy dù các giá trị pháp lý có khác nhau nhưng đều tồn tại, phát huy hiệu lực của mình trên một nền tảng pháp lý có tính cơ bản của các cộng đồng người Việt Nam truyền thống là hương ước, lệ làng. Hương ước, lệ làng là môi trường văn hoá pháp lý đặc thù vừa để phát huy hiệu lực của luật nước và vừa hạn chế luật nước trong mối quan hệ bảo lưu các nét đặc trưng của lối sống cộng đồng ở một quốc gia nông nghiệp.
Có thể thấy rằng phép nước và hương ước, lệ làng là hai mặt của một thể chế chính trị pháp lý lưỡng tính phản ánh mối tương quan của sự thống nhất quốc gia và quyền tự quản của các cộng đồng, làm quân bình sự phát triển của mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi một đơn vị làng xã và của cả quốc gia. Đặc điểm “lưỡng tính” của các thể chế pháp lý chính trị Việt Nam trong các giai đoạn phát triển trước đây có thể xem là kết quả của quá trình đấu tranh để vừa tiếp nhận các ảnh hưởng của tư tưởng pháp lý nước ngoài (mà chủ yếu là ảnh hưởng của tư tưởng pháp lý Nho gia) vừa duy trì bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam. Ở đây, mối quan hệ, hoà hợp giữa thiên – địa – nhân về phương diện pháp lý được cụ thể hoá thông qua mối quan hệ giữa cá nhân – làng – và nước. Con người Việt Nam luôn tồn tại trong mối quan hệ chi phối giữa làng và nước. Do vậy, việc làng, việc nước luôn là mối quan tâm của cả cộng đồng và lợi ích của làng luôn gắn với lợi ích của nước, chúng vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Hai mặt của một đời sống pháp lý này luôn tạo ra thế bình quân không chỉ trong đời sống vật chất, kinh tế, chính trị xã hội mà cả trong đời sống tâm linh của mỗi người, mỗi cộng đồng người Việt. Như vậy, có thể thấy rằng giữa luật nước và lệ làng (hương ước) luôn tồn tại một mối quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Đành rằng để xác định rành mạch, rõ ràng tính thống nhất và mâu thuẫn giữa luật nước và hương ước, lệ làng là một công việc không đơn giản. Tuy nhiên, ở một mức độ tổng quát có thể phác hoạ những mặt sau đây:
1. Luật nước phải dựa vào hương ước, lệ làng mà “thẩm thấu” vào đời sống xã hội.
Tính chất tự trị của các làng xã Việt Nam trong lịch sử về phương diện hình thức tưởng chừng như phong toả quyền lực của Nhà nước trung ương và sự hiện diện của hương ước dường như ngăn chặn khả năng điều chỉnh của luật nước. Nhưng trên thực tế cơ cấu tổ chức bộ máy tự quản của các làng, xã được quy định trong các bản hương ước đều là công cụ “cai trị” của chính quyền nhà nước hoá thân trong các loại cơ cấu như Hội đồng kỳ mục, bộ máy lý dịch. Tương tự như vậy, trong một ý nghĩa nào đó, “hương ước” trong sự phù hợp với phong tục, tập quán và lối sống của từng cộng đồng. Sở dĩ như vậy bởi vì như lời tựa hương ước làng Tây Mỗ đã viết: “Đối với làng tức là đối với nước, vì góp làng lại thành nước, làng là gốc nước, làng có hay thì nước mới thịnh vậy…”. Như vậy, làng là gốc nước và luật nước ban hành chủ yếu là cho các làng và thực hiện ở các làng. Theo lý luận, luật nước là các quy phạm có tính phổ biến và điển hình tạo ra các khuôn khổ pháp lý chung cho sự điều chỉnh. Tuy nhiên, các khuôn khổ pháp lý chừng ấy không thể áp dụng chung cho mọi đối tượng, mọi nơi trong hoàn cảnh làng xã Việt Nam tự trị và khép kín với lối sống và tập tục khác nhau. Để có thể đi vào đời sống, phát huy khả năng điều chỉnh của mình, các quy phạm của luật nước phải tìm cách hoá thân vào các quy định của hương ước, thông qua hương ước để đưa các mục tiêu điều chỉnh của mình đến từng cộng đồng làng xã. Sự thống nhất giữa luật nước và hương ước có thể tìm thấy trong rất nhiều bản hương ước cổ. Ví như: hương ước làng Thổ Khối, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm đã viết: “… Làng có luân lý, ăn ở cho phải đạo có khoán ước ràng buộc cho hợp lệ cũng như Nhà nước có quy thức, luật lệ để khuyên răn, ngăn cấm lòng dân, chính là nghĩa trời đất sinh người đặt nước làm vậy…”. Hoặc hương ước làng Phú Cốc (Hà Tây) cũng xác định: “Từng nghe, nước có trăm điều pháp luật để làm cho chính sự được ngay ngắn, xóm làng có từng ước lệ để mà giúp cho phong tục thêm thuần hậu. Gốc của nước chính là dân này. Trên thuận, dưới hoà, anh em thương kính, phong tục dần thêm tốt đẹp tình người ngày một hợp hoà…”. Như vậy, nhà nước phong kiến đã thông qua hương ước để lồng ý thức hệ chính trị – pháp lý của mình.
Xem xét các hương ước cổ còn lại đến ngày nay ta thấy rằng: Về cơ bản các quy định trong các bản hương ước đều thể hiện tinh thần ý thức hệ Nho giáo. Đó là các quy định về “Tam cương, ngũ thường”, về “tôn ti trật tự” trong các quan hệ có tính thứ bậc trong làng xã.
2. Nhà nước kiểm soát việc xây dựng và thực thi các hương ước lệ làng. Chính yếu tố này đã tạo nên sự gắn kết giữa luật nước và lệ làng.
Về vấn đề này, đạo dụ của Lê Thánh Tông (1442 – 1497) đã quy định:
– “Các làng xã không nên có hương ước riêng vì đã có pháp luật chung của nhà nước.
– Làng nào có phong tục khác lạ thì có thể cho lập khoán ước.
– Những người thảo ra hương ước phải là người có trình độ Nho học, có đức hạnh, có chức phận chính thức, có tuổi tác.
– Khoán ước thảo xong phải được quan trên kiểm duyệt cho phép hoặc bãi bỏ.
– Khi khoán ước đã cho phép áp dụng, ai không tuân theo quan trên sẽ bị trị tội…”.
Sự kiểm soát của nhà nước đối với việc soạn thảo hương ước, thi hành hương ước cho thấy mặc dù “nước có luật nước, làng có luật làng” nhưng luật làng không thể vượt ra khuôn khổ luật nước và về thực chất là hình ảnh cụ thể của luật nước trong các điều kiện đặc thù của mỗi làng.
3. Hương ước, lệ làng về phần mình không chỉ là sự biểu hiện cụ thể của luật nước mà còn là sự bổ sung quan trọng cho luật nước.
Luật nước dù cụ thể đến mấy cũng không thể bao quát được tất cả các đặc thù của quan hệ làng xã. Đặc biệt là các làng xã cổ truyền Việt Nam bên cạnh các đặc điểm có tính phổ quát mỗi làng xã lại có các đặc điểm riêng của mình. Do vậy, mỗi một cộng đồng làng xã cụ thể luôn cần đến các quy định cụ thể gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện cho mọi thành viên trong làng, phản ánh được nhu cầu tổ chức và phát triển vủa mỗi làng, xã cụ thể. Trong ý nghĩa ấy, hương ước là phương tiện, công cụ bổ sung quan trọng cho khả năng điều chỉnh của luật nước. Vai trò bổ sung, hỗ trợ của hương ước cho luật nước thể hiện:
– Hương ước biến các quy định chung của pháp luật thành các quy định cụ thể của làng.
Hương ước đơn giản hoá các quy định của luật nước, không chỉ làm cho ý thức hệ pháp luật của Nhà nước trở nên gần gũi và thâm nhập vào hệ tư tưởng làng xã, vào tâm lý và lối sống của mỗi người thường dân, mà còn làm cho luật nước trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng. Với lối hành văn dung dị, có vần, có điệu theo kiểu dân gian, hương ước đi vào đời sống người dân một cách tự nhiên. Do vậy, mà tinh thần của luật nước thấm sâu vào đời sống cộng đồng mà ít cần đến các phương tiện tuyên truyền, phổ biến ồn ào, tốn kém.
– Hương ước góp phần biến cải khuôn khổ cứng nhắc, các quy tắc có tính nghiêm khắc lạnh lùng của luật pháp thành cái uyển chuyển, linh động và biến hoá trong lối hành xử của các cộng đồng. Ở hương ước, lệ làng, ta nhận thấy các tinh thần khoan dung, độ lượng và uyển chuyển, hoá giải cái khô cứng, hà khắc, đôi khi là tàn bạo của luật pháp.
– Hương ước đưa ra nhiều quy định cụ thể bổ khuyết vào các lỗ hổng của pháp luật, trong các mối quan hệ cụ thể của cuộc sống làng xã. Các vấn đề như chia ruộng đất công, lão quyền, nam quyền, phụ quyền, trưởng quyền, an ninh làng xã, đời sống tâm linh của cộng đồng… Thường là những vấn đề được quy định chung chung trong luật nước lại rất cụ thể trong các hương ước.
4. Tính cưỡng chế của các hương ước dựa vào tính cưỡng chế của luật nước.
Thật ra, hương ước sở dĩ có hiệu lực điều chỉnh khá cao đối với các công việc và quan hệ trong khuôn khổ các làng không chỉ ở chỗ chúng phù hợp với các đặc điểm về phong tục, lối sống và tâm lý của người dân trong xã, còn là ở chỗ tính cưỡng chế của chúng suy cho cùng luôn được đảm bảo bởi tính cưỡng chế của luật nước. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các quy định về xử phạt. Các hình thức chế tài, xử phạt được quy định trong các hương ước về thực chất đều xuất phát từ các chế tài đã được xác định trong các hương các Quốc triều: hình luật của các vương triều trước đây. Các hình thức phạt quy định trong các hương ước là sự cụ thể hoá về phạm vi, mức độ trong mối quan hệ với luật nước và được chính quyền nhà nước chấp nhận, bảo trợ. Do vậy, có thể thấy rằng đằng sau các chế tài (của hương ước là các chế tài của luật nước). Nhờ đó hương ước có được sức mạnh điều chỉnh, dù rằng không phải lúc nào nó cũng được người dân tự giác tuân theo và người ta tuân thủ các quy định của hương ước đôi lúc không phải là nó có lợi cho họ mà do sự sợ hãi bị trừng phạt từ phía bộ máy thực thi luật nước, “khi khoán ước đã cho phép áp dụng, ai không tuân theo quan trên sẽ trị tội” như đã khẳng định trong đạo dụ của Lê Thánh Tông.
5. Hương ước không chỉ bị quy định bởi luật nước mà về phần mình, hương ước cũng chi phối mạnh mẽ đến luật nước.
Sự tác động trở lại của hương ước đối với luật nước có thể được khái quát trên các điểm sau:
– Hương ước phản ánh lợi ích, ý chí, nguyện vọng của các cộng đồng làng xã buộc các chính quyền nhà nước phải tính đến trong việc ban hành và thực thi luật nước. Điều này có nghĩa là bộ máy nhà nước khi xây dựng và ban hành pháp luật đều phải xử lý mối quan hệ lợi ích của nhà nước và lợi ích của các cộng đồng làng xã. Trong bối cảnh các làng xã Việt Nam trước đây là “một tiểu triều đình” thì lợi ích của các cộng đồng làng xã chi phối mạnh mẽ lợi ích của nhà nước. Do vậy, luật nước chỉ có thể phát huy hiệu lực và “thẩm thấu” vào đời sống khi chúng tương đồng trên những nội dung cơ bản về quan hệ lợi ích được xác định trong các hương ước.
– Các tư tưởng chính trị – pháp lý và đạo đức được đề xuất và xác định trong các hương ước không hoàn toàn là sản phẩm của tư tưởng pháp lý, đạo đức nho giáo vốn là cơ sở tư tưởng của luật nước phong kiến trước đây. Trong một ý nghĩa nào đấy từ mạch nguồn văn hoá của các thế hệ người Việt Nam, các tư tưởng chính trị, pháp lý và đạo đức nảy sinh từ thực tiễn đời sống làng xã thể hiện sâu sắc bản sắc văn hoá dân tộc. Vì lẽ đó, các tư tưởng chính trị, pháp lý ở làng xã Việt Nam trở nên một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên diện mạo của đời sống pháp luật Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hoá pháp lý Việt Nam. Nếu quy luật “tam giáo đồng nguyên”1 hoá giải cuộc sống tinh thần và tâm linh con người Việt, thì các tư tưởng pháp lý – chính trị ở làng xã Việt Nam đã góp phần làm cho các bộ “quốc triều hình luật” của các Vương triều Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp lý nho giáo vẫn giữ được bản sắc văn hoá pháp lý Việt Nam, tiếp thu luật của các vương triều Trung Hoa phong kiến nhưng vẫn là pháp luật phản ánh đúng đời sống kinh tế – văn hoá và tâm linh của dân tộc Việt Nam.
6. Luật nước và hương ước lệ làng không chỉ thống nhất và tác động lẫn nhau mà còn mâu thuẫn với nhau.
Tính mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa luật nước và hương ước thể hiện trên các phương diện:
– Luật nước luôn có thiên hướng khẳng định sự quản lý (cai trị) có tính tập trung, thống nhất, hạn chế quyền tự chủ của làng xã. Ngược lại, hương ước có xu hướng xác lập và củng cố quyền tự chủ, tự quản cộng đồng. Do vậy, về phương diện hình thức, hương ước luôn được quan niệm là sự biểu hiện quyền “tự trị” của các làng xã cổ truyền Việt Nam. Hương ước đa số các làng đều khẳng định: “… nước có luật nước, làng có hương ước riêng…”, hoặc “nhà nước có pháp luật quy định, còn dân có điều ước riêng…”. Về phần mình, không phải lúc nào chính quyền nhà nước cũng hoan nghênh “hương ước”, mà ngược lại tìm nhiều cách để hạn chế hương ước, kiểm soát hương ước. Trở lại đạo dụ của Lê Thánh Tông ta thấy: “Các làng xã không nên có khoán ước riêng vì đã có pháp luật chung của nhà nước…”, “khoán ước thảo xong phải được quan trên kiểm duyệt cho phép hoặc bãi bỏ”.
– Luật nước có xu hướng xác lập sự thống nhất của không gian pháp lý trong phạm vi toàn quốc gia. Hương ước, lệ làng tạo ra tính khép kín đối với cuộc sống của các làng xã, sự chia cắt không gian pháp lý không chỉ trong mối quan hệ giữa nước và làng mà cả trong các quan hệ giữa các làng xã trong xã hội cổ truyền Việt Nam.
– Mâu thuẫn giữa luật nước và hương ước lệ làng được biểu hiện tập trung qua câu “phép vua thua lệ làng”. Thật ra “phép vua thua lệ làng” phản ánh tính mâu thuẫn không chỉ giữa các quy định của luật nước và các quy tắc của hương ước trên phương diện nội dung mà còn đặc biệt thể hiện trên phương diện thực thi luật nước.
Dĩ nhiên, các quy định của luật nước phù hợp với lợi ích của cộng đồng làng xã, hoặc được hương ước hoá đều dễ dàng đi vào đời sống cộng đồng và vấn đề “thua” hay “thắng”
không đặt ra.
Chỉ các quy định nào của luật nước xâm hại đến lợi ích cục bộ của làng xã, đặc biệt xâm hại đến các lợi ích của các thế lực chức sắc địa phương thường bị vô hiệu hoá và không được tuân thủ. Trong những trường hợp này, bộ phận chức dịch trong làng thường lợi dụng hương ước để trốn tránh nghĩa vụ trước nhà nước, đục khoét dân làng.
Trong thực tiễn đời sống pháp lý ở làng xã cổ truyền Việt Nam, quan niệm phép vua thua “lệ làng” đã tạo ra các điều kiện cho sự thể hiện các tác động tiêu cực của bản thân các hương ước. Bởi lẽ, hương ước về cơ bản là một hiện tượng văn hoá độc đáo với rất nhiều các giá trị tích cực đã góp phần giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội, thuần phong, mỹ tục với các quy định mang tính cách địa phương đặc thù nhiều sắc thái. Bên cạnh đó, hương ước chứa đựng không ít các quy tắc mang tính tiêu cực thể hiện tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái trên cơ sở “tâm lý làng” và bởi tư duy, hành động theo kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”, “ở đình nào chúc đình ấy”, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào, làng ấy thờ”, ít quan tâm đến lợi ích của làng khác và lợi ích của cả nước. Chính cái “tâm lý làng” với đầy rẫy các quy tắc về hệ thống đẳng cấp, ngôi thứ trong làng, về các hủ tục cưới xin, ma chay, khao vọng, hội hè đã được giới chức dịch trong làng bao đời lợi dụng để trói buộc người nông dân vào hằng hà vô số các nghĩa vụ, trách nhiệm, cấm đoán và hạn chế, tạo nên một lối sống chỉ theo lệ làng, coi thường luật nước theo đúng ý nghĩa “phép vua thua lệ làng”2.
II. Phát huy các giá trị của hương ước, tạo dựng môi trường pháp lý mới ở nông thôn Việt Nam
Mối quan hệ giữa luật nước và hương ước lệ làng trong lịch sử văn hoá pháp lý Việt Nam, cho thấy rằng, vượt lên các hạn chế tiêu cực, về cơ bản luật nước luôn gắn bó với lệ làng, vừa chi phối lệ làng, vừa chịu sự chi phối của lệ làng. Chính sự tương tác qua lại giữa pháp luật và hương ước đã tạo nên bản sắc văn hoá pháp lý Việt Nam. Do vậy, sẽ là phiến diện và không công bằng nếu cho rằng, ngày nay sự biến đổi mạnh mẽ các mặt của đời sống nông thôn Việt Nam, vấn đề hương ước chỉ còn là câu chuyện lịch sử. Ngược lại, bất chấp các biến đổi thăng trầm của thời gian, các giá trị tích cực của hương ước xưa vẫn là những mạch ngầm ẩn dưới tầng sâu của văn hoá dân tộc và không hề dứt, mặc dù có một thời tưởng đã bị lãng quên. Chính vì vậy, trong thời gian qua nhiều địa phương, nhiều làng đã rộ lên phong trào xây dựng hương ước.
Hương ước xưa đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống làng xã Việt Nam. Vai trò ấy có thể khái quát trên các bình diện sau:
– Tổ chức và quản lý các mặt của đời sống làng xã, duy trì trật tự, kỷ cương, tạo ra môi trường ổn định và an toàn cho cả cộng đồng làng xã.
– Nuôi dưỡng, vun đắp ý thức cộng đồng, tinh thần bất khuất, tinh thần tự chủ, tự lực cho mỗi thành viên và toàn bộ cộng đồng làng xã.
– Tạo lập một cuộc sống dân chủ, gần con người với tự nhiên, gần cá nhân với cộng đồng.
– Duy trì và phát huy thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hoá cộng đồng, củng cố các giá trị đạo lý và nhân bản.
– Củng cố, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó tương thân, tương ái trong mỗi gia đình, dòng họ và trong toàn bộ cộng đồng.
– Xây dựng ý thức cộng đồng làng xã, gắn ý thức cộng đồng làng xã với ý thức quốc gia.
Với ý thức “gạn đục khơi trong”, các giá trị tích cực của hương ước đã được khẳng định cần được tiếp thu. Đồng thời cần kiên quyết khắc phục, loại bỏ các hạn chế và tiêu cực của chúng.
Điều cơ bản trong phong trào xây dựng hương ước mới không chỉ là tiếp tục phát huy các giá trị tích cực của hương ước cổ, mà quan trọng hơn cả là phần đặt mục tiêu và nội dung hương ước mới trong mối liên hệ hữu cơ với nhiệm vụ cải cách pháp luật và dân chủ hoá nông thôn ngày nay. Về phần mình, quá trình cải cách pháp luật, dân chủ hoá nông thôn cũng phải đặt trong mối liên hệ với quá trình xây dựng và thực hiện hương ước mới tại các làng xã Việt Nam. Do vậy, một lần nữa, vấn đề về mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước lại đang được đặt ra ở một tầm nhận thức mới, ở cấp độ phát triển mới.
Trong ý thức này, việc xây dựng môi trường pháp lý mới ở nông thôn nước ta cần tính đến các yếu tố sau:
1. Các thể chế pháp luật, đặc biệt các ngành luật có quan hệ đến phát triển nông thôn cần tính đến sự đa dạng, phức tạp và nghịch lý của nông thôn Việt Nam.
Có thể thấy rằng, nông thôn Việt Nam hiện nay là một bức tranh khá đa diện. Đặc điểm kinh tế – xã hội văn hoá và tâm lý xã hội ở từng vùng, từng khu vực, từng xã đang đưa các làng, xã vượt ra các khuôn khổ, dáng dấp đơn điệu vốn được xác lập trong cơ chế tập trung bao cấp và chủ động tìm kiếm con đường phát triển của mình. Thực trạng xã hội nông thôn hiện nay đang phản ánh một xu hướng có tính hai mặt: cuộc sống nông thôn đang vừa tạo ra những điều kiện để tái sinh kinh tế tiểu nông, tái sinh tâm lý làng xã, phục hồi những thiết chế cổ truyền đã bị lụi tàn hoặc phá bỏ, đồng thời lại thúc đẩy sự giải toả nền kinh tế tiểu nông bằng việc phát triển kinh tế hàng hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Thực trạng có tính song đề của nông thôn nước ta đòi hỏi sự cải cách pháp luật, phải tạo ra một môi trường pháp lý mới để tạo tiền đề cho sự “hồi sinh” các giá trị truyền thống vốn đã được kiểm nghiệm qua các hương ước lệ làng, kiên quyết loại bỏ các mặt tiêu cực của chúng; đồng thời tạo cơ sở để nông thôn Việt Nam thực sự bước vào cơ chế kinh tế – xã hội mới văn minh và hiện đại. Trên cơ sở môi trường pháp lý mới ấy xây dựng nông thôn Việt Nam với cơ cấu làng xã vừa thống nhất, vừa đa dạng.
2. Xác định lại toàn bộ các đối tượng điều chỉnh của pháp luật trong các mặt của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong phạm vi làng xã.
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ các quan hệ xã hội vốn mấy chục năm qua do luật pháp nhà nước trực tiếp điều chỉnh để phân loại nhằm thu hẹp đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật. Hay nói cụ thể hơn pháp luật chỉ nên điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản có tính phổ biến và điển hình đối với toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong tất cả các loại hình làng xã. Những quan hệ nào không có tính điển hình cho tất cả làng xã, thể hiện các đặc điểm của từng loại cộng đồng có thể dành cho sự điều chỉnh bởi các loại quy phạm xã hội khác, trong đó có các quy phạm thuộc hương ước – lệ làng. Điều này có nghĩa là cần đa dạng hoá các phương thức và mô hình điều chỉnh đối với các quan hệ nảy sinh trong cuộc sống cộng đồng làng xã, trong đó thừa nhận hương ước với các giá trị văn hoá truyền thống là một nguồn điều chỉnh quan trọng đối với các quan hệ làng xã, đặc biệt là các làng xã có tính cổ truyền ở nước ta. Như vậy luật pháp phải thực hiện hai cấp độ điều chỉnh: cấp độ thứ nhất là điều chỉnh trực tiếp đối với các quan hệ xã hội có tính cơ bản và phổ biến nảy sinh trong các mặt của đời sống chính trị – kinh tế ở cơ sở. Cấp độ thứ hai là điều chỉnh gián tiếp thông qua sự điều chỉnh của hương ước. Ở cấp độ này, tinh thần luật pháp phải thông qua các quy phạm hương ước mà “thẩm thấu” vào đời sống của làng xã.
3. Thừa nhận hương ước trong tư cách là một nguồn điều chỉnh đối với một số quan hệ xã hội trong đời sống làng xã, pháp luật phải tạo không gian cho sự điều chỉnh này.
Cơ sở pháp lý của không gian này chính là sự thừa nhận quyền tự quản của cộng đồng làng xã. Hương ước xưa sở dĩ có được vai trò to lớn trong việc củng cố, giữ gìn các giá trị văn hoá – xã hội có tính rường cột của các làng là bởi chúng được xuất hiện trên cơ sở một chế độ tự quản khá lớn của các làng. Thiếu chế độ tự quản, hương ước không có đất tồn tại. Do vậy, thừa nhận và quy định chế độ tự quản của làng xã là điều kiện có tính quyết định để “hồi sinh” theo nghĩa tích cực của hương ước. Dĩ nhiên, việc xác định tính chất, mức độ và phạm vi của quyền tự quản đối với các đơn vị cơ sở nước ta là công việc rất phức tạp và khó khăn. Tính phức tạp và khó khăn trong việc xây dựng chế độ tự quản gắn liền bởi một loạt các yếu tố cần phải được giải mã nhưng cho đến hôm nay lời giải đáp vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đó là:
– Tự quản gắn liền với cơ cấu làng xã có tính cổ truyền với các đặc điểm gắn kết với dòng họ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống và thế giới tâm linh. Nhưng làng xã ngày nay trải qua nhiều biến động và về cơ bản đã bị đánh mất các yếu tố gắn kết có tính cổ truyền. Làng xã ngày ngay ở nhiều địa phương chỉ còn thuần tuý là một đơn vị có tính quần cư – hành chính đơn thuần.
– Làng xưa trong góc chiếu của hương ước được xem là một cấp đơn vị có tính hành chính độc lập, gắn liền với khái niệm xã. Làng ngày nay không còn là đơn vị hành chính độc lập và gắn liền với khái niệm thôn. Do vậy, làng chỉ là một bộ phận của xã, một xã có nhiều làng. Quy mô xã khá lớn với nhiều làng đã làm mai một đi ngày càng nhiều các yếu tố làng truyền thống. Trong lúc xã từ góc chiếu của luật pháp là một đơn vị cơ sở chứ không phải là làng, do vậy tính tự quản cần được xác định ở xã hay ở làng. Câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tự quản trong ý nghĩa truyền thống của “dân chủ làng xã” thường gắn liền với hai thiết chế cơ bản về phương diện tổ chức: Thiết chế quan phương và các thiết chế phi quan phương. Mấy chục năm qua, các thiết chế làng xã ở nước ta về cơ bản “quan phương hoá”. Ngoài các cơ cấu chính quyền xã, các tổ chức chính trị, xã hội, kể cả các cơ cấu tổ chức tại các thôn, ấp đều được nhà nước hoặc là tổ chức hoặc là hỗ trợ trên tất cả các phương diện hoạt động, do vậy tổ chức, hoạt động của các tổ chức này tuy ở các mức độ khác nhau nhưng đều mang tính nhà nước. Trong lúc lẽ ra các thiết chế này phải thật sự trở thành công cụ tự quản của các cơ cấu cộng đồng, thật sự mang tính chất “phi quan phương”.
4. “Dân chủ ở cơ sở” đang được triển khai tại các làng xã Việt Nam đã và đang tạo ra những bước phát triển quan trọng trong quá trình dân chủ hoá nông thôn.
“Dân chủ ở cơ sở” với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Kết quả mấy năm thực hiện cơ chế dân chủ ở làng xã cho thấy đã có rất nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống dân chủ ở làng xã. Tuy nhiên, quy chế dân chủ với các quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng vẫn đang dừng ở những quy định chung có tính phổ biến cho tất cả các đơn vị cơ sở. Do vậy, các quy định trong quy chế dân chủ cần phải được “thẩm thấu” vào các quy ước của thôn, hoá thân thành các quy định cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng thôn, ấp mới có thể phát huy tiếp tục được ý nghĩa và vai trò của mình. Cần thấy rằng, quy chế dân chủ ở cơ sở trong tư cách là một văn bản pháp luật đang điều chỉnh mối quan hệ giữa công quyền và công chúng trên địa bàn cơ sở, chứ không điều chỉnh mối quan hệ giữa công chúng với công chúng trong tư cách là một biểu hiện của chế độ tự quản như các hương ước. Trong sinh hoạt cộng đồng cấp thôn nếu chỉ dừng lại ở các quy định của quy chế dân chủ, sinh hoạt dân chủ ở cấp thôn sẽ trở nên xơ cứng, hình thức. Do vậy, quy chế này phải được “hoá thân” vào các quy định của hương ước.
________
1. Ba hệ tư tưởng: Phật, Nho, Đạo cùng song song tồn tại trong tiến trình vận động lịch sử tư tưởng phong kiến Việt Nam: Xem: Cao Xuân Huy: Tư tưởng phương Đông – Gợi những tầm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.21-23.
2. Bùi Xuân Đính: Hương ước về quản lý làng xã, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1998, tr.137- 53.
(VNH3.TB7.851)
Trích dẫn tệp PDF từ: http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Luật nước và hương ước lệ làng trong đời sống pháp lý của các cộng đồng làng xã Việt Nam (Tác giả: PGS.TS Lê Minh Thông) |