Lược đồ quan hệ tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam và tiểu thuyết cổ các nước trong khu vực
TRẦN NGHĨA*
Thuyết Hán Nôm Việt Nam, như chúng ta biết, rất phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Có khoảng 40 tác phẩm viết bằng chữ Hán hoặc Hán – Nôm hỗn hợp(1) và chừng 50 tác phẩm nữa viết bằng chữ Nôm(2). Tiểu thuyết chữ Hán thường dùng văn ngôn (văn ngôn văn) hoặc nửa văn ngôn nửa bạch thoại (bán văn bán bạch), bao gồm tiểu thuyết bút ký, tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết công án, tiểu thuyết diễm tình và các loại du ký (công du). Tiểu thuyết chữ Nôm thường dùng văn vần, chủ yếu là thơ lục bát hay Đường luật, phần lớn thuộc loại truyền kỳ hoặc diễm tình.
Để mở rộng phạm vi nghiên cứu mảng tiểu thuyết này, ta có thể tìm hiểu chúng trong mối quan hệ so sánh với tiểu thuyết cổ các nước cùng khu vực mà trước hết là Trung Quốc và thứ đến là Triều Tiên, Nhật Bản, nhóm quốc gia “đồng văn”.
1. Quan hệ giữa tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam và tiểu thuyết cổ, hay đúng hơn, văn học cổ Trung Quốc
Theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, trong số 90 tiểu thuyết Hán – Nôm Việt Nam nói trên, có ít nhất 20 trường hợp chuyển thể (adaptation) từ tác phẩm văn học Trung Quốc. Đó là:
1) Bạch viên tân truyện 白 猿 新 傳 (còn có tên làBạch viên tôn khác truyện 白 猿 尊 恪 傳 VNb.68 (in): truyện thơ Nôm lục bát, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi Viên thị truyện 猿 氏 傳 (?) của Cố Quýnh 顧 炯 (?), Trung Quốc.
2) Bình Sơn lãnh yến diễn âm平 山 冷 燕 演 音 AB.135 (in): truyện thơ Nôm lục bát, gồm 20 hồi, do Phạm Mỹ Phủ 范 美 甫 (chưa rõ tên thật) chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi Bình Sơn Lãnh yến 平 山 冷 燕 gồm 20 hồi của Địch Ngạn Sơn Nhân 荻 岸 山 人 có bản chép là Địch Ngạn Tản Nhân 荻 岸 散 人 tên thật là Trương Thiệu 張邵 có chỗ chép là Trương Vân 張昀), người Trung Quốc đời Thanh.
3) Hảo cầu tân truyện diễn âm好 逑 新 傳 演 音 AB.134 (viết tay): truyện thơ Nôm lục bát do Vũ Chi Đình 武 芝 亭 chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi Hảo cầu truyện 好 逑 傳 còn có tên là Hiệp nghĩa phong nguyệt truyện 侠 義 風 月 傳 gồm 18 hồi của Danh Giáo Trung Nhân 名 教 中 人 (chưa rõ tên thật), người Trung Quốc đời Thanh.
4) Hoa tiên ký diễn âm花 箋 記 演 音 AB.269 (còn có tên là Hoa tiên nhuận chính) 花 箋 潤 正 VNb.72 (in): truyện thơ Nôm lục bát do Nguyễn Huy Tự chuyển thể từ ca bản 歌 本 (còn gọi là xướng bản 唱 本 bản dùng để hát) Hoa tiên ký (Tĩnh Tịnh Trai đệ bát tài tử Hoa tiên ký) 靜 淨 齋 第 八 才 子 花 箋 記 của Trung Quốc, đã được người đời Thanh là Tĩnh Tịnh Trai bình chú.
5) Kim Vân Kiều tân truyện今 雲 翹 新 傳 (còn có các tên như Truyện Kiều 傳 翹 ; Đoạn trường tân Thanh 斷 腸 新 聲); AB.12 v.v…: Truyện thơ Nôm lục bát, gồm 3254 câu, do Nguyễn Du (1766 – 1820) chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện 今 雲 翹 傳 gồm 4 quyển 20 hồi của Thanh Tâm Tài Nhân 青 心 才 人 (chưa rõ tên thật), người Trung Quốc đời Thanh.
6) Lâm tuyền kỳ ngộ 林 泉 奇 遇 , AB.76 (in) đóng chung với AB.75; AB.80; AB.81): truyện thơ Nôm, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú, một bài thơ thất ngôn tuyệt cú và bài Thạch tuyền ca khúc hỏng theo thể hát nói, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi Viên Thị truyện (?) của Cố Quýnh (?), Trung Quốc nói trên.
7) Ngọc Kiều Lê tân truyện 玉 嬌 梨 新 傳, VNb.76 (in): truyện thơ Nôm lục bát, gồm 2926 câu, do Lý Văn Phức 李 文 馥 (1785 – 1849) chuyển thể từ tiểu thuyết trường thiênNgọc Kiều Lê 玉 嬌 梨 (còn có tên là Song mĩ kỳ duyên 雙 美 奇 緣) gồm 20 hồi của Trương Vân 張 昀 , người Trung Quốc đầu đời Thanh.
8) Nhị độ mai diễn ca二 度 梅 演 歌 (còn có các tên như Nhuận chính trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai truyện 潤 正 忠 孝 节 义 二 度 梅 傳; Mai Lương Ngọc 梅 良 玉), VNb.22 (in): truyện thơ Nôm lục bát, gồm 2.826 câu, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ tiểu thuyết trường thiên Nhị độ mai 二 度 梅 gồm 4 quyển, 40 hồi của Tích Âm Đường Chủ Nhân 惜 阴 堂 主 人 (chưa rõ tên thật) người Trung Quốc, đầu đời Thanh.
9) Nhị độ mai tinh tuyển二 度 梅 精 选 B.350 (viết tay): truyện thơ Nôm lục bát, gồm 13 hồi, do Song Đông Ngâm Tuyết Đường 雙 東 吟 雪 堂 chuyển thể từ tiểu thuyết Nhị độ mai 二 度 梅 của Trung Quốc.
10) Nhị độ mai truyện 二 度 梅 傳 (còn có tên là Cải dịch Nhị độ mai truyện 改 譯 二 度 梅 傳 ), AB.149 (viết tay): truyện thơ Nôm lục bát, do Đặng Xuân Bảng 鄧 春 榜 (1828-1910) chuyển thể từ tiểu thuyết Nhị độ mai 二 度 梅 của Trung Quốc.
11) Nữ tú tài tân truyện 女 秀 才 新 傳, AB. 43 (in): truyện thơ Nôm lục bát do tác giả khuyết danh chuyển thể từ tác phẩm Đồng song hữu nhận giả tác chân, Nữ tú tài di hoa tiếp mộc 同 双 友 认 假 作 真 ,女 秀才 移 花 接 木 trong tập phỏng tác thoại bản (nghĩ thoại bản) Nhị khắc phách án kinh kỳ 二 刻 拍 案 憬 奇 gồm 39 thiên của Lăng Mô 凌 蒙 初 (1580-1665), người Trung Quốc, đời Minh.
12) Phan Trần truyện 潘 陳 傳, AB.37 (in): truyện thơ Nôm lục bát gồm 950 câu, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ vở hí khúc Ngọc trâm ký 玉 簪 記 của Cao Liêm 高 濂 đời Minh.
13) Phan Trần truyện trùng duyệt 潘 陳 傳 重 閱 VNv.298 (in): truyện thơ Nôm thất ngôn bát cú, gồm hơn 50 bài, do tác giả khuyết danh chuyển thể hoặc từ truyện thơ Nôm lục bát Phan Trần truyện 潘 陳 傳 của Việt Nam, hoặc từ vở hí khúc Ngọc trâm ký 玉 簪 記 của Trung Quốc.
14) Phù dung tân truyện 芙 蓉 新 傳, AB.68 (in): truyện thơ Nôm lục bát, gồm 1120 câu, do Cư sĩ Trúc Lâm (chưa rõ tên thật) ở Tứ Kỳ Hải Dương chuyển thể từ tác phẩm Thôi Tuấn Thần xảo ngộ phù dung đồ 崔 俊 臣 巧 遇 芙 蓉 圖 (?) của Trung Quốc.
15) Tây du truyện 西 遊 傳 , AB.81 (in, đóng chung với AB.75, AB.78, AB.80): truyện thơ Nôm lục bát, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ hồi nói về Đường Tăng bị Sơn Quân (tức hổ) ăn thịt nhờ Đại Thánh hóa phép cứu sống trong tiểu thuyết thần ma trường thiên Tây du ký 西 遊 記 gồm 100 hồi của Ngô Thừa Ân (1500 ? – 1582 ?), người Trung Quốc đời Minh.
16) Tây sương truyện 西 廂 傳: truyện thơ Nôm lục bát, gồm 1744 câu, do Lý Văn Phức chuyển thể từ tạp kịch Tây sương ký 西 廂 記 của Vương Thực Phủ 王 实 甫 (1260 ? – 1336 ?) người Trung Quốc đời Nguyên.
17) Tì bà quốc âm tân truyện 琵 琶 國 音 新 AB.272 (viết tay); truyện thơ Nôm lục bát do Kiều Oánh Mậu 乔 塋 懋 (1854 – 1912) chuyển thể từ vở kịch nam hí Tì bà kýcủa Cao Minh 高 明 (1301 ? – 1371 ?), người Trung Quốc đời Nguyên.
18) Tô Công phụng sứ 苏 公 奉 使 Truyện Nôm, gồm 24 bài thơ thất ngôn bát cú, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ Tô Vũ truyện 苏 武 傳 trong Hán thư 汉 书 của Ban Cố 班 固, người Trung Quốc đời Đông Hán.
19) Vuơng Tường 王 嬙 truyện Nôm, gồm 39 bài thơ thất ngôn tuyệt cú, do tác giả khuyết danh chuyển thể từ Hung Nô truyện匈 奴 傳 trong Hán thư 汉 书 của Ban Cố 班 固, người Trung Quốc đời Đông Hán, hay từ Vương Chiêu Quân biến văn 王 昭 君 遍 文 của tác giả khuyết danh, người Trung Quốc đời Đường.
Đặc điểm của số tác phẩm Việt Nam trên đây là vay mượn cốt truyện từ tiểu thuyết văn xuôi, hí khúc, thoại bản, ca bản, truyện ký hoặc biến văn của Trung Quốc rồi chuyển thể thành tiểu thuyết chữ Nôm thể lục bát, thất ngôn bát cú hay thất ngôn tứ tuyệt. Chúng vừa mang tính chất dịch thuật (translation), lại vừa mang tính chất cải biên (adaptation). Mục tiêu của người biên soạn một mặt nhằm giới thiệu cho độc giả trong nước một tác phẩm văn học nước ngoài, mặt khác, muốn thông qua đó gửi gắm nỗi niềm riêng của tác giả.(3)
Bên cạnh các tiểu thuyết chuyển thể bằng chữ Nôm, ta còn gặp những tiểu thuyết mô phỏng (imitation) bằng chữ Hán. Loại này thường khởi đầu bởi một tác phẩm mô phỏng thành công, trở thành mẫu mực về mặt thể loại, rồi tiếp đó, đến lượt chúng có thể lại khai sinh ra những tác phẩm bản địa cùng tính chất. Có thể kể:
1. Công dư tiệp ký公 馀 捷 記 , A.44 (viết tay): do Vũ Thuần Phủ 武 纯 甫 (tên thật là Vũ Phương Đề 武 芳 提) soạn, phỏng theo loại tiểu thuyết bút ký (cũng gọi là tiểu thuyết chí nhân) của Trung Quốc, như Duyệt vi thảo đường bút ký 悅 微 草 堂 笔 記 của Kỷ Vân 纪 昀 người đời Thanh chẳng hạn.
Trước Công dư tiệp ký, đã có Nam Ông mộng lục 南 翁 夢 录 của Hồ Nguyên Trừng 胡 元 澄 cũng thuộc loại tiểu thuyết bút ký, nhưng tác phẩm này sáng tác ở nước ngoài, mãi về sau người trong nước mới biết đến, ảnh hưởng do vậy không lớn. Chỉ sau khi Công dư tiệp ký ra đời, nhiều cây bút tiểu thuyết Việt Nam mới mô phỏng và viết các tác phẩm như Công dư tiệp ký tục biên 公 餘 捷 記 續 編 của Trần Quý Nha 陳 貴 衙 , Vũ trung tùy bút 雨 中 隨 筆 của Phạm Đình Hổ 范 廷 虎, Mẫn Hiên thuyết loại 敏 軒 說 類 của Cao Bá Quát 高 伯 适 , Hàn giang danh tướng liệt truyện 翰 江 名 將 烈 傳 của Đinh Gia Nghi 丁 家 宜 Bà tâm huyền kính lục 婆 心 悬 鏡 錄 của Trần Tân Gia 陳 新 家
2. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện 岭 南 摘 怪 烈 傳 , A.2914 (viết tay): do Vũ Quỳnh 武 琼 viết lại và bổ sung thêm trên cơ sở sáchViệt điện u linh tập 越 甸 幽 靈 集 của Lý Tế Xuyên 李 濟 川 và nhất là sách Lĩnh Nam chích quái lục 錄 có người nói là của Trần Thế Pháp 陳 世 法. Các sách này đều phỏng theo loại tiểu thuyết chí quái của Trung Quốc, như Sưu thần ký 搜 神 記 của Can Bảo 干 寶 người thời Đông Hán chẳng hạn.
Sau khi sách của Vũ Quỳnh ra đời, nhiều tác phẩm mô phỏng ông lần lượt xuất hiện, như Lĩnh Nam chích quái liệt truyện 岭 南 摘 怪 烈 傳 của Kiều Phú 乔 富 , Lĩnh Nam chích quái loại tục 岭 南 摘 怪 類 續 của Đoàn Vĩnh Phúc 段 永 福 Lĩnh Nam chích quái tục bổ 岭 南 摘 怪 續 补 của Vũ Khâm Lân, Lan Trì kiến văn lục 兰 池 見 聞 錄 của Vũ Trinh 武 禎 , v.v…
3. Truyền kỳ mạn lục 傳 奇 漫 錄 VHv.1491 (in): do Nguyễn Dữ 阮 嶼 soạn, phỏng theo Tiễn đăng tân thoại 煎 燈 新 話 của Cù Hựu 瞿 佑 , người Trung Quốc đời Minh.
Sau Truyền kỳ mạn lục, ở Việt Nam có những tác phẩm mô phỏng Nguyễn Dữ như Truyền kỳ tân phả 傳 奇 新 譜 của Đoàn Thị Điểm 段 氏 點, Tân truyền kỳ lục 新 傳 奇 錄 của Phạm Quý Thích 范 貴 適, Thánh Tông di thảo 聖 宗 遺 草 của tác giả khuyết danh, Vân nang tiểu sử 雲 囊 小 史 của Phạm Đình Dục 范 廷 煜 , v.v…
4. Hoàng Lê nhất thống chí 皇 黎 一 統 志 còn có tên là An Nam nhất thống chí安 南 一 統 志, VHv.1296 (viết tay): do Ngô gia văn phái 吳 家 文 派 soạn, phỏng theo loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi của Trung Quốc, đặc biệt là Tam Quốc diễn nghĩa 三 國 演 義 (tên đầy đủ là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa 三 國 志 通 俗 演 義) của La Quán Trung 羅 貫 中, người đời Minh.
Trước Hoàng Lê nhất thống chí ở nước ta cũng đã xuất hiện loại tiểu thuyết này rồi, như Hoan châu ký 歡 州 記 của Nguyễn Cảnh Thị 阮 景 氏 , Nam triều công nghiệp diễn chí 南 朝 功 業 演 志 của Nguyễn Bảng Trung 阮 榜 中, nhưng do hoàn cảnh đặc thù của chúng (Hoan Châu ký thoát thai từ một bản tộc phả, Nam triều công nghiệp diễn chí còn bó hẹp trong phạm vi Nam Hà) nên ảnh hưởng có thể nói chưa nhiều. Riêng Hoàng Lê nhất thống chí sau khi ra đời, đã trở thành đối tượng mô phỏng của Ngô Giáp Đậu 吳 甲 豆 khi viết tiểu thuyết lịch sử Hoàng Việt long hưng chí 皇 越 龍 興 志 và Vũ Xuân Mai 武 春 梅 khi viết tiểu thuyết lịch sử Hoàng Việt xuân thu 皇 越 春 秋 .
5. Các tác phẩm Đào hoa mộng ký 桃 花 夢 記 của Nguyễn Đăng Tuyển 阮 登 選 vàHoa viên kỳ ngộ 花 圓 奇 遇 , Việt Nam kỳ phùng sự lục 越 南 奇 逢 事 錄, Ngọc Thân huyễn hóa 玉 身 幻 化 của các tác giả khuyết danh… đều phỏng theo loại sách “diễm tình” hay “tài tử giai nhân”, trai anh hùng gái thiền quyên… kiểu Bình Sơn Lãnh yến, Hảo cầu truyện, Hoa tiên ký, Kim Vân Kiều truyện, Ngọc Kiều Lê, Nhị độ mai v.v… của Trung Quốc. Chúng phần lớn thuộc loại sách tài tử 才 子 書 mà nhiều tác giả Việt Nam đặc biệt thích chuyển thể và mô phỏng.
6. Ở Điểu thám kỳ án鳥 探 奇 案 của Trương Văn Chi 張 文 芝 và Thượng Kinh ký sự 上 京 記 事 của Lê Hữu Trác 黎 有 棹 dấu vết mô phỏng tiểu thuyết cổ Trung Quốc tuy không rõ rệt bằng 5 trường hợp trên, nhưng cũng không thể nói hoàn toàn đứng ngoài phạm vi ảnh hưởng của tiểu thuyết nội dung, vẫn phảng phất một thứ Bao Công án 包 公 案 hay Thi Công án 施 公 案, trong đó đặc biệt ca ngợi những viên quan thanh liêm, mưu trí, lấy việc “trừ bạo an lương” làm thiên chức của mình.
Đặc điểm chung của số tác phẩm vừa nêu là vay mượn phương thức chuyển tải (thể loại, văn liệu…) và trong một vài trường hợp, còn học tập và kỹ thuật trình bày (kỹ xảo) nữa của tiểu thuyết cổ Trung Quốc để trực tiếp phản ánh thực tế Việt Nam, cùng tư tưởng tình cảm của các tác giả trước những bức xúc của thời cuộc mà họ đang nếm trải.
2. Quan hệ giữa tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam và tiểu thuyết cổ Triều Tiên, Nhật Bản
Với Triều Tiên và Nhật Bản, chúng ta không có quan hệ văn học trực tiếp như với Trung Quốc. Tuy nhiên, từ góc độ văn học so sánh, vẫn có thể phát hiện trong tiểu thuyết cổ thuộc ba nước không ít những mặt tương đồng.
1. Cũng như Việt Nam, các nước Triều Tiên và Nhật Bản đều có nền tiểu thuyết cổ vừa phong phú, vừa đa dạng, bao gồm tiểu thuyết viết bằng chữ dân tộc, tiểu thuyết viết bằng chữ Hán và tiểu thuyết viết bằng chữ Hán xen lẫn với chữ dân tộc.
Hãy nói trước hết về Triều Tiên. Theo Tàng thư các đồ thư Hàn quốc bản tổng mục lục, Triều Tiên hiện có khoảng 80 tác phẩm tiểu thuyết sáng tác bằng Hàn văn hoặc Hán – Hàn kết hợp(4). Tiểu thuyết viết bằng Hán văn còn dồi dào hơn. GS. Lâm Minh Đức ở trường Đại học Phụ Nhân, Đài Loan cho biết: chỉ tính số tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên do ông sưu tầm được, cũng đã tới “mấy trăm vạn chữ”(5). Nếu sưu tầm được toàn bộ, theo ước tính của GS. Chan Hing Ho ở CNRS Paris, con số dễ chừng lên đến “một nghìn vạn chữ”, nghĩa là gấp ba khối lượng và Lâm Minh Đức hiện có trong tay(6).
Với Nhật Bản, tình hình cũng thật rôm rả. Tiểu thuyết sáng tác bằng chữ Kama hoặc chữ Kama xen lẫn với chữ Hán thường được gọi là “vật ngữ” 物 語, có nghĩa là chuyện kể (cố sự), từ hình thức thuyết xướng (vừa nói, vừa hát) phát triển thành tác phẩm văn học. Vật ngữ chủ yếu bao gồm nhiều nhất là loại tiểu thuyết truyền kỳ, rồi đến tiểu thuyết thơ ca, tiểu thuyết tình yêu, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết chiến ký… ra đời từ thời Bình An (794 – 1192) cho đến thời Thất Đinh (1336 – 1573), với những tác phẩm nổi tiếng như Nguyên thị vật ngữ 源 氏 物 語, Y thế vật ngữ 伊 勢 物 語 Trúc thủ vật ngữ 竹 取 物 語, Bình gia vật ngữ 平 家 物 語 v.v…
Tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản tuy không nhiều bằng tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên, nhưng cũng đạt tới một số lượng rất đáng kể. Theo sự tìm hiểu của GS. Vương Tam Khánh trường Đại học Văn hóa Đài Loan, ở Nhật Bản hiện có khoảng 80 tác phẩm tiểu thuyết viết bằng chữ Hán, trong đó ông đã khảo sát kỹ được 32 trường hợp(7).
2. Triều Tiên có nhiều tác phẩm cải biên từ văn học cổ Trung Quốc, điểm này cũng rất giống với Việt Nam. Các tác phẩm sau đây của Triều Tiên, soạn bằng Hàn văn hoặc Hàn – Hán kết hợp, có thể xem như là những tiểu thuyết dịch, chuyển thể hoặc cải biên từ tác phẩm văn học cổ Trung Quốc:
a) Bao Công diễn nghĩa包 公 演 義, bản viết tay, 9 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc từ Bao công án 包 公 案 (còn gọi là Long Đồ công án 龍 图 公 案 ), tiểu thuyết Công án của tác giả khuyết danh, người Trung Quốc đời Minh.
b) Bình Sơn lãnh yến平 山 冷 燕 , bản viết tay, 10 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc từ tác phẩm cùng tên, gồm 20 hồi của Trương Vân, người Trung Quốc đời Thanh.
c) Bình yêu ký平 安 記, bản viết tay, 9 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc từ Bình yêu truyện 平 安 傳, nguyên tác của La Quán Trung 羅 貫 中 gồm 20 hồi, với tên gọi ban đầu là Bắc Tông tam toại bình yêu truyện 北 宋 三 遂 平 妖 傳 sau được Phùng Mộng Long 馮 夢 龍, người Trung Quốc đời Minh tăng bổ, cải biên thành tiểu thuyết trường thiên Bình yêu truyện gồm 40 hồi.
d) Dương môn trung nghĩa lục杨 門 忠 義 錄, bản viết tay, 32 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc từ Dương gia phủ diễn nghĩa 楊 家 府 演 義 (tên đầy đủ là Dương gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa 楊 家 府 世 代 忠 勇 通 續 演 義), tiểu thuyết lịch sử gồm 8 quyển, 58 tắc, do tác giả khuyết danh, người Trung Quốc đời Minh soạn.
e) Hồng lâu mộng紅 樓 夢, bản viết tay, 24 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc tác phẩm cùng tên (còn gọi là Thạch đầu ký) 石 头 記 hay Kim Ngọc duyên 今 玉 缘), tiểu thuyết trường thiên gồm 120 hồi, do Tào Tuyết Cần 曹 雪 芹, người Trung Quốc đời Thanh soạn.
g) Tái sinh duyên truyện再 生 緣 傳 bản viết tay, 52 quyển, tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồ gốc từ Tái sinh duyên再 生 緣, đàn từ, gồm 40 hồi do Trần Đoan Sinh 陳 端 生, và Lương Đức Thằng 梁 德 繩, đều là người Trung Quốc đời Thanh soạn.
h) Tàn Đường Ngũ đại diễn nghĩa殘 唐 五 代 演 義 , bản viết tay, 5 quyển tác giả khuyết danh người Triều Tiên, có nguồn gốc từ Tàn Đường Ngũ đại sử diễn nghĩa 殘 唐 五 代 史 演 義 (còn có tên là Ngũ đại tàn Đường 五 代 殘 唐), tiểu thuyết giảng sử, gồm 60 tắc, do La Quán Trung, người Trung Quốc đời Minh soạn.
Cũng có những trường hợp tác giả Triều Tiên chỉ lấy một phần nhỏ trong nguyên tác của Trung Quốc để viết lại. Như Quan Vân Trường thực ký, Sơn Dương đại chiến, Mộng quyết Chư Cát Lượng… của Triều Tiên đều cải biên từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc, Phác văn tú tuyệt, Hành lạc đồ, Thái Phượng cảm biệt khúc của Triều Tiên đều cải biên từ các thiên Lưỡng Huyện lệnh cạnh nghĩa hôn cô nữ, Đằng Đại Doãn quỷ đoạn gia tư, Ngọc Kiều Loan bách niên trường hận trong tuyển tập Kim cổ kỳ quan 今 古 奇 觀 (ở các quyển 2, 3 và 25) của Trung Quốc đời Minh. Nguyệt phong sơn ký, Thanh lâu ngọc nữ của Triều Tiên đều cải biên từ các thiên Tô Tri huyện la sam tái hợp, Đỗ Thập Nương nộ trầm bách bảo sương trong tập tiểu thuyết thoại bản Cảnh thế thông ngôn của Trung Quốc đời Minh, Lộng giả thành chân song tân lang của Triều Tiên cải biên từ thiên Tiền tú tai thác chiếm Phượng hoàng sài trong tập thoại bản Tỉnh thế bằng ngôn (quyển 7) của Trung Quốc đời Minh v.v.(8)
3. Nhật Bản có hay không có tiểu thuyết cải biên, vấn đề này chúng tôi chưa kịp tìm hiểu. Nhưng về mặt mô phỏng tác phẩm Trung Quốc thì phải nói là Nhật Bản cũng cực kỳ phong phú, chẳng khác gì Việt Nam. có thể nêu ra đây một số thí dụ:
a) Bản triều tiểu thuyết (本 朝 小 說) (in), do Xuyên Hợp Trọng Tượng 川 合 仲 象 soạn vào năm 1799, phỏng theo Du tiên quật của Trương Thốc 張 簇 , người Trung Quốc đời Đường (tác phẩm này ở Trung Quốc về sau bị mất, phải chép lại từ Nhật Bản).
b) Dạ song quỷ đàm 夜 窗 鬼 談 (in), do Thạch Xuyên Hồng 石 川 鴻 齋 soạn, là một mô phỏng của Liêu trai chí dị 聊 齋 志 异 của Bồ Tùng Linh 蒲 松 齡 người Trung Quốc đời Thanh.
c) Dịch chuẩn khai khẩu tân ngữ譯 准 開 口 新 語 (in), do Cương Bạch Câu (Thiên Lý) 岡 白 駒 sáng tác năm 1751, và Cận thế tùng ngữ近 世 從 語 (in) của Giác Điền Giản 角 田 簡 soạn năm 1828 đều là những mô phỏng của Thế thuyết tân ngữ 世 說 新 語 của Lưu Nghĩa Khánh 劉 義 慶, người Trung Quốc thời Nam triều.
d) Nhật Bản Ngu Sơ tân chí日 虞 初 新 志 in), do Cận Đằng Nguyên Hoằng 近 藤 元 弘 biên tập năm 1881 vàKỳ văn quán chỉ bản triều Ngu Sơ tân chí 奇 文 观 正 本 虞 初 新 志 (in), có Cúc Trì Thuần 菊 池 純 sáng tác năm 1882 đều phỏng theo Ngu Sơ tân chí 虞 初 新 志 của Trương Triều 張 潮 và Ngu Sơ tục chí 虞 初 续 志 của Trịnh Tỉnh Ngu 郑 醒 愚, người Trung Quốc đời Thanh.
e) Tây chinh khoái tân biên 西 征 快 心 編 (in) do Nham Viên Nguyệt Châu 巖 垣 月 洲 sáng tác năm 1857, là một mô phỏng của Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc.
g) Thiên hạ cổ kim văn uyển kỳ quan 天 下 古 今 文 苑 奇 观 (in), do Trì Điền Quan 池 田 观 vừa sưu tập tác phẩm của người Trung Quốc, vừa tự mình sáng tác thêm, đây cũng là một mô phỏng Kim cổ kỳ quan 今 古 奇 观 của Bão ủng Lão Nhân 抱 瓮 老 人, người Trung Quốc đời Minh(9).
Về tiểu thuyết mô phỏng của Triều Tiên, chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu, ngoại trừ trường hợp Kim Ngao tân thoại 金 螯 新 话 (10) của Kim Thời Tập 金 时 习 (1435 – 1493) người Triều Tiên đã mô phỏng Tiễn đăng tân thoại 剪 灯 新 话 của Cù Hựu 瞿 佑 (1341 – 1427) người Trung Quốc, giống như trường hợp Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ 阮 嶼 người Việt Nam và Già tì tử 伽 婢 子 (11) của nhà sư Thiển Tỉnh Liễu ý 浅 井 了 意 (1612 – 1692) người Nhật Bản mà ngày nay chúng ta đều biết(12).
3. Để có cái nhìn toàn diện, khách quan
Khi tìm hiểu mối quan hệ giữa các nền tiểu thuyết trên đây, chúng tôi cơ hồ mới quan tâm đến những khía cạnh giống nhau của chúng mà chưa nói gì về những mặt khác nhau, những tố chất làm nên bản sắc riêng của từng nền tiểu thuyết, cũng có nghĩa là của từng nền văn học, trong đó tiểu thuyết luôn luôn giữ vai trò chủ chốt. Những tố chất này bắt nguồn từ tâm lý văn hoá dân tộc, mà tâm lý văn hóa dân tộc thì không phải hình thành trong một sớm, một chiều, cũng không phải muốn thay đổi thế nào tùy ý. Nó là cái “tạng cố hữu” của dân tộc, một thứ “gen di truyền” của cộng đồng, là một trong những tiêu chí quan trọng để phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Nó góp phần giải thích vì sao trong khi ở Trung Quốc, bộ tiểu thuyết chương hồi đầu tiên Tam quốc diễn nghĩa là một Tam quốc chí được tiểu thuyết hóa, thì ở Việt Nam, bộ tiểu thuyết chương hồi đầu tiên Hoan Châu ký lại là một bản tộc phả được trình bày dưới dạng tiểu thuyết chương hồi. Hoặc ở Trung Quốc, sách Xuân thu của Khổng Tử được coi là mẫu mực của thể loại biên niên sử, thì ở Nhật Bản Tích tích xuân thu lại mượn thể lệ sách Xuân thu để viết tiểu thuyết cho thiếu nhi. Tiễn đăng tân thoại và Liêu trai chí dị của Trung Quốc là sách tiêu khiển, trong khi Truyền kỳ mạn lục của Việt Nam, Kim Ngao tân thoại của Triều Tiền, Dạ song quỷ đàn của Nhật Bản… lại được dùng làm sách học chữ Hán cho lứa tuổi tò mò. Tất nhiên ở đây còn có sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa bên cạnh tâm lý văn hóa, như đời sống xã hội, ngôn ngữ dân tộc, truyền thống cộng đồng, vân vân và vân vân…
Nói thế để thấy rằng cái riêng, cái độc đáo trong từng nền tiểu thuyết rất cần được nhìn nhận, phân tích sau khi đã làm rõ mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp giữa các nền tiểu thuyết theo hướng nghiên cứu ảnh hưởng (như giữa tiểu thuyết Hán Nôm Việt nam với văn học cổ Trung Quốc) hoặc nghiên cứu song song (như giữa tiểu thuyết Hán Nôm Việt Nam với tiểu thuyết cổ Nhật Bản, Triều Tiên). Tiếc rằng ở đây, trong khuôn khổ một bản lược đồ chúng tôi chưa có điều kiện bàn kỹ.
Một số vấn đề nữa cũng cần được chú ý đúng mức, đó là tính khách quan trong nghiên cứu ảnh hưởng.
Khi luận giải về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một số người băn khoăn không rõ vì sao Nguyễn Du lại chọn một tác phẩm vô danh tiểu tốt của Trung Quốc để cải biên hoặc chuyển thể và càng khó hiểu hơn ở chỗ tác phẩm cải biên hoặc chuyển thể này lại được công chúng Việt nam chấp nhận và hoan nghênh. Liệu có sự nhầm lẫn gì ở đây không ? Một số nhà nghiên cứu khác lại nghiêng về phía nhấn mạnh vào sự sáng tạo của Nguyễn Du và đánh giá thấp tài năng của người bạn đồng nghiệp của ông ở bên kia biên giới.
Hiện tượng “người bỏ ta lấy, người khinh ta chuộng” cũng đã từng xảy ra trong giao lưu văn học thế giới, như trường hợp Le mystère de Paris (Bí mật thành Ba Lê) được dịch sang tiếng Trung Quốc; truyện Lâm gian tiểu cố (Căn nhà bỏ giữa rừng) viết về một con yêu tinh trong Vũ nguyệt vật ngữ của Nhật Bản được Lafcadio Hearn (1850 – 1904) cải biên thành tiểu thuyết Hòa giải bằng tiếng Anh, rất được độc giả phương Tây tán thưởng. Năm 1964, một nhà văn Pháp tên là Cannes còn dựa vào bản tiếng Anh này để viết ra tiểu thuyết Black hair (Tóc đen) khá nổi tiếng.
Nhưng với Kim Vân Kiều tân truyện và Kim Vân Kiều truyện tình hình không phải như vậy. Bởi lẽ đề tài “Thúy Kiều” trước Thanh Tâm Tài Nhân đã được rất nhiều cây bút Trung Quốc khai thác, như Dư Hoài với Vương Thúy Kiều truyện, Đới Sĩ Lâm với Lý Thúy Kiều truyện, Mộng Giác Đạo Nhân với Sinh báo Hoa Ngạc an, tử tạ Từ Hải nghĩa trong Tam khắc phách kinh kỳ… Và sau Thanh Tâm Tài Nhân, Diệp Trĩ Phỉ đã dựa vào Kim Vân Kiều tân truyện để sáng tác vở kịch Hổ phách thỉ và Hạ Bỉnh Hoành cũng đã theo đó để sáng tác vở kịch Song Thúy viên… Với thực tế vừa nêu, khó mà nói truyện ”Thúy Kiều” ở Trung Quốc không mấy ai để ý và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ thuộc loại “xoàng”. Nếu quả là “xoàng” thì tại sao Kim Vân Kiều truyện lại được liệt vào loại “Tài tử thư” của Trung Quốc ?
Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du được công chúng Việt Nam yêu thích cũng chẳng phải vì nhà thơ của ta tài giỏi hơn nhà văn của Trung Quốc, mà cái chính, theo chúng tôi, vẫn là ở chỗ đã dịch thuật – chuyển thể (cải biên) thành công một tác phẩm khá hay của nước ngoài. Khi so sánh Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, không thể bỏ qua các vấn đề cực kỳ quan trọng như:
1. Phiên dịch: tức di chuyển nội dung tác phẩm từ một nền văn hóa này sang một nền văn hóa khác.
2. Chuyển thể: đây là từ thể loại văn xuôi sang thể loại thơ, mỗi thể loại có cách diễn đạt riêng của nó.
3. Văn học sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng mang lại cho người đọc một cảm giác thân thiết, trìu mến mà không một ngoại ngữ nào có thể thay thế được. Những tình điệu dân tộc trong bản ngữ là cái chỉ có thể ngầm hiểu chứ không thể nào diễn đạt hết bằng lời. Người Việt Nam ta khi đọc truyện Kiều, như thấy hết ruột gan của mình, nhưng với một công chúng khác, một độc giả Trung Quốc chẳng hạn khi đọc Nguyễn Du thì chưa chắc !
Chính vì các lẽ trên mà Wellek, một nhà nghiên cứu văn học so sánh nổi tiếng Hoa Kỳ đã nói một cách có lý rằng: “Sự hưng khởi của văn học so sánh thế kỷ 19 là một phản ứng với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhưng ngày nay, trong thực tiễn các nhà văn học so sánh ít nhiều đều bao hàm một ảo tưởng – ra sức chứng minh ảnh hưởng của nước mình với nước ngoài, hoặc tinh vi hơn, nếu nước mình chịu ảnh hưởng của nước ngoài thì cũng đã sáng tạo hơn hẳn các nước khác”(13).
Cho nên phải thật sự khách quan khi nghiên cứu mối quan hệ giữa các nền văn học cũng như các nền tiểu thuyết.
Chú thích:
(1) Xem Trần Nghĩa: Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, danh mục và phân loại, Tạp chí Hán Nôm số 3-1997, tr.3-16. Tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm hỗn hợp như trường hợp tiểu thuyết Đào hoa mộng ký A.436.
(2) Tìm hiểu từ các nguồn: 1. Từ điển văn học, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1983; 2. Sách đăng ký (Hán Nôm) của Học viện Viễn đông Pháp tại Hà nội, phần mang ký hiệu AB; 3. Di sản Hán Nôm Việt Nam, thư mục đề yếu, Nxb. KHXH Hà Nội, 1993; 4. Tư liệu riêng của chúng tôi.
(3) Hiện tượng chuyển thể hay cải biên còn thấy diễn ra khá phổ biến trên lĩnh vực tuồng cổ Việt Nam: tuồng Kim thạch kỳ duyên được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim thạch duyên gồm 8 quyển, 24 hồi của Tĩnh Điềm Chủ Nhân, người Trung Quốc đời Thanh Càn Long. Tuồng Tây du ký diễn truyện gồm 100 hồi được chuyển thể từ tiểu thuyết Tây du ký của Trung Quốc; tuồng Tam quốc diễn ca (Đương Dương Trường Bản; Giang tả cầu hôn truyện; Hoa chúc truyện; Hoa Dung truyện; Kinh Châu phó hội truyện; Lạc Phương Pha truyện; Nghĩa thích Nghiên Nham; Tam cố mao lư; Tiệt giang truyện) được chuyển thể từ Tam quốc chí của Trung Quốc, v.v…
(4) Xem Tàng thư các đồ thư Hàn quốc bản tổng mục lục xuất bản tại Hàn quốc năm 1972, tập bộ, Tiểu thuyết loại, phần Quốc văn, từ tr.1212 – tr.1219.
(5) Lâm Minh Đức: Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết toàn tập gồm 9 quyển, xuất bản tại Đài Loan năm 1980. Về các bộ sưu tập lớn nhỏ của những nhà biên khảo Triều Tiên liên quan tới tiểu thuyết chữ Hán Triều Tiên, có thể kể Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết và Nguyên văn Hán văn tiểu thuyết tuyển của Kim Khởi Đông; Lý triều Hán văn tiểu thuyết của Lý Gia Nguyên; Đoản thiên tiểu thuyết tuyển của Kim Đông Húc; Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết tuyển của Lý Dân Thụ; Lý triều Hán văn đoản thiên tập của Lý Hựu Thành và Lâm Huỳnh Trạch v.v…
(6) Xem Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu hội chủ biên, Đài Loan học sinh cục ấn hành, Đài Bắc, 1988 các tr.62 và 175.
(7) Vương Tam Khánh: Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu sơ khảo, in trong Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Sđd.
(8) Xem Du Quyên Hoàn: Hàn quốc phiên bản Trung Quốc tiểu thuyết đích nghiên cứu, in trong Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Sđd.
(9) Xem Vương Tam Khánh: Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết, in trong Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Sđd.
(10) Kim Ngao tân thoại: tác phẩm này nay chỉ còn 5 thiên: 1. Vạn phúc tự Xư bồ ký 萬 福 寺 樗 蒲 記 (Chuyện đánh bạc ở chùa Vạn Phúc); 2. Lý Sinh khuy tường truyện 李 生 窺 墙 傳 (Chuyện Lý Sinh nhìn trộm qua tường); 3. Túy du Phù Bích lâu 醉 遊 浮 碧 樓 (Chuyện đi chơi lầu Phù Bích); 4. Nam Viên Phù Châu chí (Chép về Nam Viên Phù Châu); 5. Long Cung phó yến lục 龍 宮 赴 宴 錄 (Ghi về việc dự tiệc ở Long Cung).
(11) Già tì tử: gồm 68 thiên, có người cho rằng sách này được sáng tác không phải dưới ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại của Trung Quốc, mà là dưới ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại cú giải 剪 灯 新 话 句 解 của Triều Tiên.
(12) Xem thêm Đinh Khuê Phúc: Tiễn đăng tân thoại đích kích đãng, in trong Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu. Sđd.
(13) Xem Phương Lựu: Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Văn học, 1995, phần Văn học so sánh./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2/1998
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)