Mã la trong đời sống văn hóa tộc người Raglai ở Khánh Hòa

  NGUYỄN THỊ NGA

1. Đặt vấn đề

     Raglai là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngữ hệ Malayo-Polynedi và theo thiết chế mẫu hệ. Hiện nay dân tộc Raglai phân bố chủ yếu ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009 dân tộc Raglai ở Việt Nam có tổng dân số hơn 122.245 người chiếm 0,14% tổng dân số cả nước. Trong đó cư trú ở Khánh Hòa là 45.915 người chiếm 37,6% tổng số người Raglai tại Việt Nam, chiếm 3,97% dân số toàn tỉnh, là tộc người đông dân thứ hai sau người Việt ở Khánh Hòa. Với những giá trị văn hóa mang đặc trưng riêng, dân tộc Raglai ở Khánh Hòa đã và đang góp phần làm đa dạng màu sắc bức tranh văn hóa tộc người, trong đó phải kể tới mã la – một loai nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào. Nó được xem là vật thiêng, là tài sản quý giá, là niềm tự hào của những người con Raglai khi so sánh với văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên khác. Tuy nhiên hiện nay do sự tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, tiếng mã la đang vắng dần trong đời sống văn hóa cộng đồng tộc người Raglai. Vì vậy trong phạm vi bài viết, tác giả không chỉ đi tìm hiểu vai trò của mã la trong đời sống văn hóa của đồng bào Raglai mà còn đề cập tới hiện trạng sử dụng mã la ngày nay. Từ đây đi tìm câu trả lời vì đâu dẫn tới tình trạng trên? Và từ đó đưa ra giải pháp cho sự “trở lại” của mã la trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của người dân Raglai.

2. Nội dung

     2.1. Khái niệm

     Cũng như hầu hết các dân tộc bản địa Tây Nguyên khác, dân tộc Raglai tại Khánh Hòa có đời sống sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng gắn bó máu thịt với âm nhạc. Vì thế dân tộc Raglai có rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống như mã la, đàn đá, kèn Sarakel, đàn Chapi, sáo Tacung, sáo Talebiloi, trống Gianai… Tất cả các nhạc cụ đều được trân trọng, là một phần không thể thiếu trong các lễ hội và là người bạn tâm giao giúp chủ nhân giãi bày những điều khó nói, trong đó đặc biệt là mã la.

     Cũng là nhạc cụ được làm bằng đồng nhưng tộc người Raglai không gọi là cồng chiêng như nhiều dân tộc khác mà chúng được gọi là char hay mã la. Theo tác giả Phan Quốc Anh thì: “Mã la, mả la hay “ma la” là tên của người khác đặt cho một loại nhạc cụ gõ bằng đồng của người Raglai. Có thể vì loại nhạc cụ này thường được sử dụng nhiều trong lễ bỏ mả (bỏ ma) nên đ­ược gọi là ma la, sau này gọi trại đi thành mã la” [1, tr.120]

    Mã la đã gắn bó với người dân cả ngàn đời, tiếng mã la luôn vang vọng trong mọi lễ hội, sự kiện lớn nhỏ của cộng đồng và cuộc đời một con người từ khi sinh ra cho tới khi trở về với cát bụi. Vì vậy, trong tín ngưỡng, niềm tin của đồng bào thì mã la là nhạc cụ thiêng nên được đặt những nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà và mỗi chiếc mã la được coi như một vị thần nên trước khi sử dụng, người Raglai đều phải cúng tạ ơn Giàng để xin phép.

     2.2. Cách thức sử dụng và vai trò của Mã la trong đời sống văn hóa tộc người Raglai

     Hiện không có số liệu cụ thể và nhất quán về số lượng biên chế của một bộ mã la mà điều này tùy thuộc vào mỗi vùng, mỗi địa phương. Như theo dân tộc Raglai ở Ninh Thuận bộ mã la phải có ít nhất 2 cái (Mã la Mẹ – Con), nhưng với đồng bào Raglai ở Khánh Hòa thì bộ mã la phải từ 3 chiếc trở lên mới được coi là nhạc cụ, bởi theo quan niệm của đồng bào một bộ 3 cái mới đủ các thành viên trong gia đình là mẹ – cha – con. Và trong bộ mã la, mỗi chiếc có một vị trí, vai trò khác nhau. Ví như trong bộ mã la gồm 5 chiếc thì thứ tự được sắp xếp như sau:

Char 1 là: Xa Yna (Chiêng Mẹ)

Char 2 là: Xa Ato (Chiêng Cha)

Char 3 là: Xa Ba lóa (Chiêng con gái lớn)

Char 4 là: Xa Dướp (Chiêng con gái thứ)

Char 5 là: Xa Pen (Chiêng con gái út)

Và cấu trúc âm thanh của bộ mã la sẽ là:

     1/ Xa Yna: Đô; 2/ Xa Ato: Rê; 3/ Xa Ba lóa: Mi; 4/ Xa Dướp: Fa; 5/ Xa Pen: Sol. Như vậy theo cấu trúc liền bậc thang sẽ là Đô – Rê – Mi – Fa – Sol. Và theo cấu trúc âm thanh, chúng ta thấy truyền thống văn hóa mẫu hệ của dân tộc Raglai thể hiện một cách rõ nét. Âm chủ là nốt Đô thăng biểu thị cho vị trí người mẹ (vợ) có âm trầm, chắc; đóng vai trò giữ nhịp; âm thứ 2 nốt Rê biểu cho vị trí người cha (chồng), nó chỉ tồn tại bán cung so với âm chủ và trên thực tế vai trò của nó trong bộ mã la chỉ là âm dẫn để hút về âm là chính mà không có vị trí độc lập. Như vậy có phải vị trí phụ thuộc của người đàn ông trong gia đình mẫu hệ cũng được thể hiện ngay trong bộ mã la của dân tộc mình? Âm thứ 3 là âm Mi biểu cho con gái lớn, tồn tại đúng một cung so với âm Rê và bứt lên giữ vị trí kế thừa của âm chủ (mẹ); Âm 4 nốt Fa thăng (hơi non) biểu thị cho con gái thứ và âm 5 nốt Sol thăng biểu thị cho con gái út có âm vực cao nhất. Và phải chăng do trong gia đình mẫu hệ con gái út là người có quyền được ở và thừa hưởng tài sản của cha mẹ để lại nên chiếc mã la biểu con gái út có âm cao, vang hơn các mã la biểu thị các chị gái?

     Hay ở bộ mã la 9 chiếc thì cách tổ chức và tên gọi các char hoàn toàn khác với bộ mã la 5 chiếc được trình bày ở trên, đó là:

Char Ana (chiêng Mẹ)

Char T’rua (con trai)

Char Pacho 1(con gái lớn)

Char Pacho 2 (con gái thứ 2)

Char Paloa 1 (con gái thứ 3)

Char Paloa 2 (con gái thứ 4)

Char Pudu 1 (con gái thứ 5)

Char Pudu 2 (con gái thứ 6)

Char Puda (con gái thứ 7)

Và chiếc trống Saigơr (vai ông).

     Tuy nhiên trong dàn mã la 9 chiếc này thì yếu tố mẫu hệ trong gia đình đồng bào Raglai vẫn được thể hiện trọn vẹn khi char Ana có âm thanh trầm, đóng vai trò giữ nhịp chính để các mã la con hòa theo và cuối cùng char Puda biểu thị con gái út bứt lên để có âm thanh cao nhất.

     Như vậy trong bộ mã la của đồng bào Raglai ở Khánh Hòa những chiếc mã la biểu thị người mẹ hay con gái đều là những âm định vị độc lập. Nó phản ánh văn hóa mẫu hệ trong gia đình tức mọi quyền lực đều thuộc về người mẹ, người vợ và con gái.

     Mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể và mỗi một chiếc mã la giữ một vai trò, âm điệu khác nhau nên đòi hỏi người chơi phải tuân thủ nghiêm ngặt để không phá vỡ giai điệu. Và khi tiếng mã la vang lên hòa với nhau tạo nên điệu chiêng hoàn chỉnh về giai điệu, phần đệm.

     Và nếu như cồng chiêng của dân tộc Mường chỉ có phụ nữ mới được sử dụng, hay cồng chiêng của dân tộc Êđê chỉ dành cho nam giới thì mã la của dân tộc Raglai không có sự phân biệt khi sử dụng, cả nam và nữ, già và trẻ đều có thể diễn tấu mã la. Diễn tấu mã la thường có hai hình thức: Hòa tấu độc lập và hòa tấu phối hợp.

     Hòa tấu độc lập thì chỉ có mã la là nhạc cụ duy nhất. Thông thường người Raglai thường hòa tấu mã la theo từng dàn trong các lễ hội cũng như cuộc sống đời thường (việc sử dụng đơn lẻ 1 chiếc mã la chỉ thấy trong trường hợp báo hiệu người mất). Và khi hòa tấu một dàn mã la, Các nghệ nhân chủ yếu có 3 cách bố trí đội hình khi hòa tấu mã la:

Một là: Ngồi xếp bằng hàng ngang (thường trong nhà sàn)

Hai là: Đứng thành hàng ngang (thường ở ngoài trời, cũng có thể trong nhà)

Ba là: Đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ (có thể đi vòng quanh cây cột cái trong nhà sàn, hoặc ngoài trời).

     Bên cạnh 3 cách bố trí đội hình khi hòa tấu mã la trên đây, tùy vào mỗi hoàn cảnh khác nhau mà nghệ nhân có thể sắp xếp đội hình diễn tấu khác cho phù hợp.

     Cũng như các dân tộc khác, cách bố trí đội hình diễn tấu mã la đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ xuất hiện khá phổ biến ở đồng bào dân tộc Raglai. Đặc biệt những màn diễn tấu phục vụ trong phần nghi lễ thì quy định này lại càng nghiêm ngặt. Ví như khi hòa tấu bài nhạc cho điệu múa ma của Lễ bỏ mả chỉ được phép đi một chiều 7 vòng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, không được phép quay lại.

     Và một điều đặc biệt khác trong cách thức sử dụng Mã la của tộc người Raglai là khi diễn tấu họ không dùng dùi mà phải đánh bằng tay. Và phải chăng chính vì điều này mà âm thanh của mã la nghe trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của con người, những âm thanh ấy có lúc sâu lắng, dạt dào đầy cảm xúc, lúc lại man mác buồn, âm u đượm vẻ núi rừng, có khi lại rộn ràng vang xa qua các nương rẫy trong những ngày lễ hội. Nhưng nhìn chung âm thanh vang lên từ màn tấu mã la dịu dàng, mềm mại mà không rạo rực, bỏng cháy như các điệu cồng chiêng của các dân tộc anh em Êđê vốn cùng chung ngữ hệ. Giai điệu mã la Raglai có độ dài bốn đến tám nhịp 4/4/ lặp đi lặp lại nhiều lần và kết bài theo qui định của người giữ Chiêng mẹ.

     Ngược lại, hòa tấu phối hợp có nghĩa màn tấu mã la được phối hợp với các loại nhạc cụ khác như Chiêng númkèn  bầu Sarakeltrống Sagơr, riêng việc phối hợp giữa mã la với trống Sagơr được sử dụng nhiều hơn cả. Và biên chế của dàn mã la phối hợp cùng trống Sagơr thường là bộ mã la 9 chiếc được trình bày ở trên và trống Sagơr sẽ đóng vai ông.

     Mã la là nhạc cụ thiêng và vô cùng quý giá đối với đồng bào Raglai. Mỗi tiếng chiêng vang lên mang cả lời nguyện ước của cộng đồng gửi tới thần linh tối thượng vì thế nó không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của dân tộc cũng như những sự kiện trọng đại của đời người từ khi được sinh ra cho tới khi trở về với cát bụi. Tuy nhiên tùy theo tính chất của từng lễ hội hay sự kiện mà các điệu mã la cũng khác nhau, nó gắn liền với một không gian văn hóa cụ thể. Vì thế chỉ cần nghe tiếng mã la vang lên người ta biết ngay nơi nào đó đang diễn ra việc gì. Nếu là Lễ cưới thì mã la hòa nhịp điệu Ru-wo rạo rực, vui nhộn để cầu chúc cho đôi bạn cuộc sống hạnh phúc, sung túc, đông con nhiều cháu. Còn Lễ mừng lúa mới, đồng bào Raglai chơi điệu Ato-pa-kruc, điệu Sa-va-lu-o rộn ràng vang vọng núi rừng, vượt qua nương rẫy để cảm tạ ơn Giàng và ông bà tổ tiên cho vụ mùa bội thu và cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa; một vụ mùa mới, lúa, bắp đầy kho; buôn làng no ấm; sức khỏe dồi dào… Nhưng ngược lại trong Lễ Bỏ mả, dàn mã la diễn tấu điệu Tumaya để chiêu hồn các linh hồn người mất nên nghe thấu nỗi buồn và sự âm u nhuộm cả núi rừng. Và để nói về nhịp điệu, âm thanh của mã la, nhà báo Bảo Trân có câu nói rất ấn tượng “…Âm điệu nhanh chậm và trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của mỗi người… Tiếng mã la bay lên đỉnh núi, tỏa xuống lá rừng, đọng trong sương sớm… kết thành hoa trái”.

     2.3. Mã la trong đời sống văn hóa tộc người Raglai hiện nay

     Trước đây, mã là không chỉ là vật linh thiêng, trân quí bậc nhất trong đời sống tinh thần đồng bào Raglai mà nó còn là thước đo sự quyền quí, giàu sang của mỗi gia đình, bản làng. Làng nào có nhiều lễ hội, có nhiều tiếng mã la vang lên chứng tỏ cư dân làng đó có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Vì vậy, các gia đình không tiếc bán các loại của cải khác để đổi lấy một bộ mã la, theo lời kể của đồng bào, người Raglai xưa để có được bộ mã la 3 chiếc người ta phải đổi cả hai con trâu. Và với giá trị vô cùng lớn như thế nên mã la được luật tục qui định là hiện vật mà những người vi phạm một số điều cấm của luật tục phải bồi thường, chính điều này nhằm hạn chế mức độ vi phạm của người dân.

     Tuy nhiên hiện nay một thực tế đáng buồn đang xẩy ra là số lượng mã la ngày một thất thoát dần vì vậy tiếng mã la đang ngày càng thưa dần trong đời sống cộng đồng của tộc người Raglai. Hiện nay, theo tìm hiểu của tác giả trên địa bàn xã Xã Ba Cụm Nam thuộc huyện Khánh sơn chỉ còn lưu giữ lại 8 bộ mã la với tổng số là 68 chiếc. Trong đó: thôn Katơ 6 bộ mã la với tổng số 50 chiếc, thôn Hòn Gầm thì ít hơn chỉ có 2 bộ với tổng số 18 chiếc mã la và thôn Suối me không còn bộ mã la nào. Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.

     Có thể nói rằng nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là sự thay đổi về quan niệm, tâm thức của người dân. Nếu như trước đây mọi người con Raglai đều tâm niệm mã la là vật linh thiêng – mỗi chiếc mã la được coi như một vị thần và chỉ có âm thanh của mã la mới có thể thay lời nói của con người để giao tiếp với thần linh, có thể chuyển tải lời thỉnh cầu, sự biết ơn của con người tới Giàng và từ đây cuộc sống của con người mới được an yên, vụ mùa lúa bắp đầy kho. Và không có mã la, linh hồn ông bà tổ tiên sẽ không biết đường về trong lễ bỏ mả. Đồng thời mã la còn là người bạn tâm tình của con người trong cả những lúc vui lẫn những lúc buồn bởi tất cả các sự kiện lớn trong đời mỗi người đều có sự chứng kiến của mã la. Không những thế nó còn là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức giàu có, quyền quí của gia chủ. Xuất phát từ nhận thức này nên các gia đình tộc người Raglai đều mong muốn sở hữu một bộ mã la và được người dân nâng niu, gìn giữ, được đặt nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà. Nhưng ngày nay quan niệm này đã thay đổi theo thời gian, mã la không còn là vật quá đỗi linh thiêng như ngày trước, cũng không còn là tiêu chí đánh giá mức giàu có của gia chủ mà thay vào đó là diễn tích nương rẫy, đàn gia súc, phương tiện đi lại, các vật dụng hiện đại trong nhà… Và chính sự thay đổi này mà số lượng mã la ngày càng hao hụt do người dân đem bán, để hư hỏng, mất mát…

     Mặt khác, do sự tác động của nền kinh tế thị trường, các trào lưu văn hóa ngoại lai nên người Raglai – đặc biệt là lớp trẻ không còn mấy mặn mà với nhiều giá trị văn hóa của tộc người mình trong đó có mã la vốn được xem là nhạc khí của dân tộc. Vì vậy nếu như trước đây trong bản làng có đám cưới thì tiếng mã la hòa nhịp điệu Ru-wo rạo rực vang lên suốt ngày đêm thì hiện nay đã được thay bằng những bài hát, điệu nhảy của người Việt hay các bản nhạc xập xình của nước ngoài.

     Và để có sự tiếp nối văn hóa giữa các thế hệ thì quá trình trao truyền văn hóa là vô cùng quan trọng, tuy nhiên hiện nay những người biết diễn tấu mã la chủ yếu là những người già và ngày càng ít đi, còn các bạn trẻ không mấy ai học hỏi, tiếp nhận vì vậy khi những nghệ nhân già không còn tiếng mã la cũng theo họ mất đi.

     Có thể nói rằng một phần “đất sống” của mã la là các nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp gắn với núi rừng, cộng đồng làng xã. Nhưng trong một thời gian dài các lễ hội bị cấm do Nhà nước thực hiện nếp sống mới. Sau này mặc dù các lễ hội đã được khôi phục lại nhưng do thời gian dài vắng bóng, do điều kiện sống thay đổi nên niềm tin, sự hứng khởi của người dân trông chờ tới lễ hội đã vơi cạn đi rất nhiều. Vì vậy mã la không còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của người dân như ngày trước.

     2.4. Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị mã la trong đời sống dân tộc Raglai

     Để lưu giữ các giá trị văn hóa của tộc người thì vấn đề đầu tiên là nằm ở bản thân chính mỗi người dân của tộc người đó. Bản thân họ có yêu quí văn hóa của tộc người mình, có cảm thấy tự hào vì nó thì mới có trách nhiệm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Một khi ý thức tự giác tộc người không còn thì cho dù họ có mang tên là tộc người nào đi nữa thì cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài còn bản chất về những giá trị tinh thần, vật chất của tộc người ấy đã không còn. Chính vì vậy việc nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức tự giác tộc người là quan trọng bậc nhất. Và để làm được điều này thì vai trò của những người đi trước là vô cùng quan trọng, họ chính là ngọn lửa truyền tải những giá trị văn hóa của cộng đồng tới các thế hệ sau. Giáo dục con em mình tình yêu, trách nhiệm của bản thân đối với “vận mệnh” tộc người mình, đó là cần lưu giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết, những đặc trưng văn hóa tộc người, trong đó có nhạc khí dân tộc mã la.

     Đồng thời như chúng ta đã trình bày ở trên, một phần “đất sống” của mã la là các nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp gắn với núi rừng, cộng đồng làng xã, vì vậy muốn khơi dậy và khôi phục “không gian văn hóa mã la” là phải giữ lại các tín ngưỡng của cộng đồng người Raglai, thường xuyên tổ chức, duy trì các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên một hiện trạng xẩy ra hiện nay trong nhiều lễ hội truyền thống là “quan phương hóa, sân khấu hóa lễ hội” nên bản thân người dân bị đẩy ra ngoài chính lễ hội của cộng đồng mình. Vì vậy, đề tình trạng này không xẩy ra thì bên cạnh việc hỗ trợ của chính quyền, có thể kêu gọi xã hội hóa để gây dựng lễ hội tuy nhiên phải trả lễ hội lại cho đồng bào làm, lễ hội bắt nguồn từ cuộc sống phải trả nó lại với cuộc sống, có như vậy thì công tác bảo tồn mới có hiệu quả.

     Đồng thời người làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa tại các địa phương có đồng bào Raglai sinh sống, muốn xây dựng các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào thì trước tiên phải gần họ, hiểu được các giá trị văn hóa của đồng bào, hiểu được những tâm tự, nguyện vọng của đồng bào gửi gắm vào trong lễ hội vào từng tiếng ngân vang của mã la… và ứng xử với nó bằng văn hóa. Khi khi ta hiểu đồng bào sâu hơn mới tìm ra cách bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào. Và thực sự để làm tốt điều này các cán bộ văn hóa phải nói được tiếng Raglai hoặc tạo điều kiện để chính những con em dân tộc Raglai có thể làm việc ở vị trí này.

     “Tre già măng mọc” là điều kiện quan trọng và tối cần thiết để thực hiện chức năng trao truyền văn hóa, vì vậy chính quyền địa phương cần hỗ trợ buôn làng, các nghệ nhân để tổ chức các lớp học diễn tấu mã la cho các bạn trẻ.

3. Kết luận

     Mã la là bản sắc là linh hồn của văn hóa Raglai, nó là vật thiêng được trân quý, giữ gìn là giá trị văn hóa đặc sắc để nhận diện tộc người và góp phần dệt nên bức tranh văn hóa Việt Nam đa thanh, đa sắc, đa vị, đa hương. Không chỉ là niềm tự hào của cả cộng đồng mà nó còn là nhạc cụ luôn “chứng kiến” các sự kiện trọng đại – bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người con Raglai. Nhưng hiện nay đứng trước thực trạng nhiều con em Raglai đang thờ ơ với chính nhạc khí của dân tộc mình, các bộ mã la ngày càng hao hụt, tiếng mã la ngày càng thưa dần trong nhiều sự kiện, lễ hội quan trọng. Vì vậy mỗi người con Raglai bằng tình yêu, bằng niềm tự hào tộc người cần có trách nhiệm bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị bao đời nay của mã la để nó được trường tồn cùng thời gian, được “sống” trong không gian văn hóa của tộc người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Quốc Anh (2010), Văn hóa Raglai, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Hữu Bài, Trần Kiêm Hoàng, Lê Văn Hoa, Trần Vũ, Chamaliaq Riya Tiẻng (2014), Văn hóa dân gian Raglai ở Khánh Hòa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.

3. Phan Đăng Nhật, Nguyễn Thế Sang (2012), Luật tục Chăm và luật tục Raglai, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

Nguồn: Trường Đại học Khánh Hòa

  Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)