Mâu thuẫn VAI TRÒ GIỚI và THÁI ĐỘ TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ của NAM GIỚI tại Việt Nam

 Gender role conflict and attitudes toward help-seeking
among Vietnamese men

NHAN THỊ LẠC AN
(Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Nghiên cứu này tìm hiểu mối quan hệ giữa mâu thuẫn vai trò giới (MTVTG) và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí ở nam giới Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng thang đo MTVTG (GRCS) và thang đo Thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ (ATSPPH). Mẫu nghiên cứu là 135 nam giới trong độ tuổi 18-60, chủ yếu là trí thức. Kết quả cho thấy có mối tương quan thuận giữa MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ ở nam giới, biến MTVTG giải thích được 23,2% sự biến thiên của biến phụ thuộc (thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ).

Từ khóa: vai trò giới, mâu thuẫn vai trò giới, tìm kiếm sự giúp đỡ.

ABSTRACT

    This study explores the relationship between gender role conflict and attitudes toward seeking professional help in Vietnamese men. The study used the Gender Role Conflict (GRCS) scale and the Attitudes toward Seeking Professional Psychological Help (ATSPPH). The sample was 135 males aged 18-60, mostly educated. Results show that there is a positive correlation between gender role conflict and attitudes towards seeking help in men, gender roles conflict explain for 23.2% variation of dependent variable (attitudes seeking help).

Keywords: gender role conflict, gender roles, help seeking.

1. Đặt vấn đề

     Vai trò giới nói đến những kì vọng đi cùng với việc người đó là nam hoặc nữ. MTVTG mà một trạng thái tâm lí xuất phát từ hậu quả tiêu cực của những vai trò giới nam tính (O’Neil, 1990). Con người nỗ lực để tuân theo những vai trò giới khắc khe và có thể có chủ ý hoặc không chủ ý làm tổn hại đến chính họ, tạo nên những căng thẳng định nghĩa là mô hình căng thẳng vai trò giới. Những hậu quả tiêu cực từ việc hạn chế vai trò giới được gọi là MTVTG có liên quan đến một số vấn đề. Giới mang tính năng động và linh hoạt, nam tính được định nghĩa khác nhau thông qua các thế hệ, những nhóm và nhóm nhỏ khác nhau. Con trai ở tuổi đi học học được mô hình về giao tiếp, nhấn mạnh cảm xúc và những hành vi khác liên quan đến nam tính thông qua những người khác (như bạn bè, thầy cô) và thông qua những hậu quả bất lợi (như là bị chọc ghẹo hoặc bị tẩy chay vì vi phạm vai trò giới). Nam giới chịu nhiều hậu quả từ việc vi phạm những mong đợi về giới hơn so với nữ giới. Những bé trai tham gia vào những hoạt động được xem là truyền thống của phụ nữ có xu hướng bị chọc ghẹo và chỉ trích, và họ có thể bị tẩy chay, đe dọa, tổn hại về thể chất.

     Những nghiên cứu về giới tại Việt Nam hiện nay hầu như chưa thấy nghiên cứu nào đề cập đến MTVTG trên đối tượng nghiên cứu là nam giới, và mối liên hệ của MTVTG với thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề tâm lí. Vì vậy, đề tài “MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ của nam giới tại Việt Nam” nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: MTVTG của nam giới tại Việt Nam như thế nào? Và MTVTG của nam giới có mối liên hệ nào với thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề tâm lí của nam giới Việt Nam hay không?, đồng thời đưa ra một số kết quả có ý nghĩa về vấn đề MTVTG ở nam giới tại Việt Nam.

2. Tổng quan lí luận

     2.1. Vai trò giới

     Một vai trò là vị trí xã hội đi cùng bởi một loạt quy tắc hoặc sự mong đợi. Vai trò giới nói đến những kì vọng đi cùng với nam hoặc nữ. Chúng ta thường kì vọng nam sẽ mạnh mẽ, độc lập và cạnh tranh, và giấu kín cảm xúc của họ. Đó là những đặc tính của vai trò giới nam. Ngược lại, chúng ta thường kì vọng nữ giới thì chăm sóc, nhấn mạnh cảm xúc, lịch sự, giúp đỡ: đặc trưng của vai trò giới nữ. Theo O’Neil (1981) thì cấu trúc vai trò giới được định nghĩa là “những hành vi, những mong đợi và những vai trò được định nghĩa bởi xã hội như nam tính (masculine) hoặc nữ tính (feminine) được thể hiện trong hành vi của cá nhân nam hoặc nữ và văn hóa được coi là phù hợp với nam và nữ”. Trong quá trình xã hội hóa về giới đó, nam giới nhận được thông điệp như “nam nhi thì không được khóc” và họ phải trở nên “mạnh mẽ”. Vì thế, họ phải học để trở nên quyết đoán, mạnh mẽ và dũng cảm. Kết quả của quá trình xã hội hóa này là bé trai không nhận được sự đào tạo kĩ năng cảm xúc như các bé gái. Kết quả là nam giới buộc phải chuyển cảm xúc khác vào sự giận dữ, vì vậy ức chế khả năng của họ để trải nghiệm, giải quyết và thậm chí là phát triển cảm xúc khác (Levant, 1995).

     2.2. Mâu thuẫn vai trò giới

     Mâu thuẫn vai trò giới là một trạng thái tâm lí mà vai trò giới có những hệ quả tiêu cực hoặc ảnh hưởng lên cá nhân hoặc người khác. Kết quả cuối cùng của sự mâu thuẫn này là hạn chế khả năng của con người để thực hiện tiềm năng của bản thân mình hoặc hạn chế tiềm năng của người khác (O’Neil, 1981). MTVTG dẫn đến căng thẳng vai trò giới, cả hai đều là kết quả của quá trình xã hội hóa cứng nhắc và học sự phân biệt giới tính. MTVTG và sự căng thẳng liên quan đến vai trò giới xuất hiện khi những vai trò giới cứng nhắc hoặc hạn chế được học trong quá trình xã hội hóa ngăn cản một người sử dụng tiềm năng của chính họ. Các nhà nghiên cứu tin rằng căng thẳng vai trò giới là một quá trình tâm lí bên trong có thể dẫn đến sự điều chỉnh tâm lí kém và lòng tự trọng thấp (O’Neil, 1981). MTVTG mô tả những trạng thái cảm xúc tiêu cực xuất hiện khi một người không được đối xử như họ mong muốn bởi vì giới của họ (O’Neil và cộng sự, 1986), hoặc có thể không thích hợp giữa sự tự nhận thức và sự kì vọng của xã hội về giới (Thompson và cộng sự, 1992). Hay nói cách khác, MTVTG xuất hiện khi có sự cứng nhắc, phân biệt giới hoặc những vai trò giới hạn chế dẫn đến giới hạn cá nhân, giảm giá trị, tổn hại đến người khác hoặc chính cá nhân đó (O’Neil và cộng sự, 1995).

     2.3. Tìm kiếm sự giúp đỡ

     Tìm kiếm sự giúp đỡ là một hình thức ứng phó với vấn đề mà một người đang gặp phải vấn đề bị bế tắc, hoặc cần sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề một cách sáng suốt hơn. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ có nhiều hình thức đa dạng, người ta chia việc tìm kiếm sự giúp đỡ làm 2 kênh như sau: Tìm kiếm sự giúp đỡ không chính thức: bắt đầu từ các mối quan hệ xã hội như là bạn bè và gia đình; tìm kiếm sự giúp đỡ chính thức: đây là những người giúp đỡ chuyên nghiệp, đó là những chuyên gia về sức khỏe, chuyên gia tâm lí, các giáo viên…

     Ngoài ra còn có quan điểm khác: Tìm kiếm sự giúp đỡ là việc tìm kiếm sự hỗ trợ để giải quyết vấn đề (McCrae & Costa, 1986). Nó bao gồm những vấn đề về giao tiếp hoặc những vấn đề rắc rối mà đòi hỏi sự hỗ trợ, tư vấn hoặc giúp đỡ trong thời gian gặp khó khăn (Gourash, 1978). Đối với Baker và Adelman (1994), tìm kiếm sự giúp đỡ là một trong những phương tiện để bắt đầu ứng phó và giải quyết những vấn đề. Bằng chứng cho thấy thanh thiếu niên (những người có vấn đề về tâm lí và áp lực trong đời sống) có nhiều khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ hơn các bạn đồng trang lứa. Một người tìm kiếm sự giúp đỡ là một người tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khác, không nhất thiết phải là một người giúp đỡ chuyên nghiệp cho các vấn đề của người đó.

3. Phương pháp nghiên cứu

     3.1. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết

     Nghiên cứu này nhằm làm rõ câu hỏi sau: MTVTG của nam giới tại Việt Nam như thế nào? Và MTVTG của nam giới có mối liên hệ nào với thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ hay không? Giả thuyết cho nghiên cứu này là những nam giới có điểm càng cao về MTVTG sẽ có thái độ càng tiêu cực trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

     3.2. Công cụ nghiên cứu: Gồm hai thang đo

 Thang đo MTVTG Gender Role Conflict Scale đo lường mức độ MTVTG ở nam. Thang đo Gender Role Conflict Scale với phiên bản dành cho người trưởng thành có 37 mục tự báo cáo với 6 điểm. Thang đo Likert với câu trả lời từ 1 (rất không đồng ý) đến 6 (rất đồng ý). Mục đích của GRSC là đánh giá những khía cạnh của mâu thuẫn vai trò nam tính. MTVTG xuất hiện khi có những vai trò giới cứng nhắc hoặc giới hạn, được học thông qua quá trình xã hội hóa, kết quả dẫn đến giới hạn, mất giá trị, xâm hại đến cá nhân hoặc người khác (O’Neil và cộng sự, 1986).

     Thang đo dành cho người trưởng thành GRCS có 4 yếu tố: (a) thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh (Success, Power, and Competition), (b) giới hạn cảm xúc (Restrictive Emotionality), (c) hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế (Restrictive Affectionate Behavior between Men), (d) mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình (Conflicts Between Work and Leisure – Family Relations).

     O’Neil và cộng sự (1986) đo lường độ ổn định bên trong (internal validity) của thang đo bằng cách sử sụng Cronbach alpha với kết quả từ 0.75 đến 0.85 (O’Neil và cộng sự, 1986). Dựa trên các nghiên cứu cho thấy GRCS luôn đáng tin cậy liên tục qua nhiều thập kỉ (O’Neil, 2008). Thompson, Pleck và Ferrera (1992) mô tả thang đo GRC cung cấp một dự báo tốt hơn về hành vi thực tế của nam giới so với những thang đo nam tính khác.

 Thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lí được đo lường bằng thang đo Attitudes toward Seeking Professional Psychological Help (ATSPPH) (Fischer & Turner, 1970). Thang đo bao gồm 4 thang đo phụ: Nhận thức (nhận thức về nhu cầu của việc cần giúp đỡ về mặt tâm lí); chịu đựng (dấu hiệu chịu đựng liên quan đến tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí); kết nối (kết nối cởi mở với người khác); tin tưởng (tin tưởng vào chuyên gia sức khỏe tâm thần).

     Thang đo có 11 câu phát biểu tích cực và 18 câu phát biểu tiêu cực. Thang đo bao gồm 29 mục, mỗi mục là 1 câu phát biểu với 5 mức độ trả lời từ 1 (rất không đồng ý) đến 5 (rất đồng ý). Điểm càng cao thể hiện thái độ càng tích cực đối với tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Fisher và Turner (1970) đã báo cáo độ tin cậy cho tổng thang đo và thang đo phụ như sau: tổng (0.85), nhận thức (0.67), chịu đựng (0.70), kết nối (0.62) và tin tưởng (0.74); độ chuẩn xác (reliability) test-retest trong 2 tuần là 0.89, độ chuẩn xác trong giai đoạn quá 8 tuần là 0.84 và độ ổn định bên trong là 0.83 (Fisher và Turner, 1970).

     Ngoài ra, trong bảng hỏi cũng thu thập những thông tin nhân khẩu học như: tuổi, trình độ giáo dục, trình trạng hôn nhân, dân tộc.rpersonal (.58), andConf\

     3.3. Mẫu nghiên cứu

     Nghiên cứu này sử dụng mẫu thuận tiện, chỉ có nam giới Việt Nam được mời để tham gia trả lời bảng hỏi. Thời gian nghiên cứu diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018. Người tham gia không bị hạn chế bất kì yếu tố nhân khẩu học như là tuổi, tình trạng kinh tế, hoặc trình độ học vấn và nơi chốn. Thông qua trang mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã mời 170 nam giới trưởng thành trong mạng lưới bạn bè để tham gia khảo sát trực tuyến này. Ngoài ra còn có bảng hỏi được phát trực tiếp cho 30 người. Trong 200 nam giới được mời tham gia trả lời bảng khảo sát thì có 147 nam giới tham gia trả lời. Sau khi loại bỏ các phiếu trả lời không hợp lệ, còn 135 nam giới hoàn thành bảng hỏi.

4. Kết quả nghiên cứu

     4.1. Phân tích và xử lí số liệu

     Các bảng hỏi phát trực tiếp được nhập và tổng hợp cùng với bảng hỏi online. Sau đó chúng tôi sử dụng phần mềm SPSS version 20.0 để phân tích. Phân tích dữ liệu này bao gồm thống kê mô tả: trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn và tần số của các câu trả lời. Trong phần thống kê suy diễn, chúng tôi sử dụng tương quan Person và hồi quy đa biến (multiple regression) để đánh giá mối quan hệ giữa biến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ (biến phụ thuộc), và MTVTG (biến độc lập). Giả thuyết Ho cho nghiên cứu này là có mối quan hệ giữa hai biến này.

     4.2. Thống kê mẫu nghiên cứu

     Đối tượng tham gia khảo sát là nam giới không giới hạn ngành nghề, độ tuổi.

Bảng 1. Thống kê mô tả thông tin cá nhân

Biến Phân loại nhóm Tần số Tỉ lệ %
Giới Nam 135 100%
Tuổi 18 – 20 tuổi
21 – 30 tuổi
31 – 40 tuổi
41 – 50 tuổi
51 – 60 tuổi
16
79
35
4
1
11,9
58,5
25,9
3,0
0,7
Trình độ Trung học phổ thông
Sinh viên
Cử nhân
Thạc sĩ
Tiến sĩ
6
43
69
15
2
4,4
31,8
51,1
11,1
1,5
Tình trạng hôn nhân Đã kết hôn
Độc thân
Li hôn
Tái hôn
39
93
2
1
28,9
68,9
1,5
0,7
Dân tộc Kinh
Hoa
133
2
98,5
1,5

     4.3. Nghiên cứu mô tả

Bảng 2. Mô tả điểm trung bình của các thang đo

N Minimum Maximum Mean SD
GRC Total 1351,57 5,11 3,6362 .71650
ATSPPH 135 2,10 3,83 3,0115 .36391
GRC_A 135 1,545,854,0410 .86880
GRC_B 135 1,205,50 3,2119 .87426
GRC_C 135 1,006,00 3,3685 1.01221
GRC_D 135 1,00 5,67 3,8235 1.02351

     Ghi chú: ATSPPH: thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ; GRCS_total: tổng thang đo MTVTG; GRCS_A: Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh, GRCS_B: Hạn chế cảm xúc; GRCS_C: Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế; GRCS_D: Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình.

     Kết quả thống kê mô tả các đo lường cho thấy điểm của tổng thang đo MTVTG GRCS_total được tính dựa trên các câu trả lời trong bảng khảo sát được mô tả trước đó nhằm đo lường suy nghĩ và cảm nhận của nam giới về hành vi vai trò giới của họ. Điểm của thang đo tổng GRCS dao động từ 1,57 đến 5,11, điểm trung bình là 3,636, độ lệch chuẩn là 0.716. Theo O’Neil và cộng sự (1986) thì con số này cho thấy điểm MTVTG của những người tham gia nằm trong khoảng giữa của câu trả lời. Ngoài ra, kết quả thống kê cũng cho thấy điểm của các nhân tố thành phần của thang đo.

     Kết quả thống kê cũng cho thấy điểm của thang đo tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lí (ATSPPH) được tính dựa trên các phản hồi của người tham gia trong bảng hỏi thể hiện thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí. Điểm của ATSPPH trong khoảng từ 2,10 đến 3,83, với trung bình là 3,0115 và độ lệch chuẩn là 0.363.

     4.4. Phân tích tương quan

     Bảng 3 mô tả tương quan, trung vị và phân phối chuẩn giữa các biến GRCS_total, GRCS_A, GRCS_B, GRCS_C, GRCS_D và ATSPPH.

Bảng 3. Tương quan, trung bình và phân phối chuẩn của các biến

     Ghi chú: ATSPPH: thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ; GRCS_total: tổng thang đo MTVTG; GRCS_A: Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh, GRCS_B: Hạn chế cảm xúc; GRCS_C: Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế; GRCS_D: Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình. ** p< .01

     Biến độc lập trong nghiên cứu này là điểm số của GRCS đánh giá suy nghĩ và cảm nhận của người trả lời về hành vi vai trò giới của họ, biến phụ thuộc trong nghiên cứu này là điểm số ATSPPH nhằm đo thái độ của người trả lời trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu này là: Liệu MTVTG có ảnh hưởng đến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ hay không? Và giả thuyết đưa ra là: Nam giới có điểm MTVTG càng cao thì thái độ càng ít thuận lợi trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn về mặt tâm lí.

     Bảng 3 cho thấy có mối tương quan đáng kể tỉ lệ thuận giữa 2 biến MTVTG (GRCS_total) và biến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ (ATSPPH) (r =.46, p< .01), điều này không hỗ trợ cho giả thuyết 2 đã đưa ra. Ngoài ra có mối tương quan đáng kể tỉ lệ thuận giữa các biến thành phần với biến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ, cụ thể: biến Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh (GRCS_A) (r =.49, p< .01), biến Hạn chế cảm xúc (GRCS_B) (r =.26, p< .01), biến Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế (GRCS_C) (r =.30, p< .01), biến Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình (GRCS_D) (r =.30, p< .01). Như vậy, kết quả thu được cho thấy giả thuyết 2 đưa ra đã không được ủng hộ.

     Dựa trên kết quả thu được, tác giả tiến hành phân tích hồi quy để trả lời cho câu hỏi: Liệu các nhân tố thành phần trong MTVTG có là yếu tố dự báo đáng kể cho thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ hay không? Mô hình phân tích hồi quy đa biến được thực hiện để dự báo thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ dựa trên 4 biến: Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh; Hạn chế cảm xúc; Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế; Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình. Kết quả cho thấy 4 biến độc lập (Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh; Hạn chế cảm xúc; Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế; Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình) giải thích được 23,2% sự biến thiên của biến phụ thuộc (thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ). Tính dự báo này không cao nhưng kết quả thu được là đáng kể (F=11.117, p< .001). Biến Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh dự báo mạnh nhất đối với biến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ (ß = .426).

Bảng 4. Phân tích hồi quy đa biến dự báo thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ

B SE ß t p
GRCS_A .178 .146 .426 4.490 .000
GRCS_B .019 .040 .046 .486 .628
GRCS_C .018 .039 .050 .521 .603
GRCS_D .019 .035 .054 .595 .553

     Ghi chú: R= .505, R2= .255, Adjusted R2 = .232, F = 11.117, p < .001; GRCS_A: Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh, GRCS_B: Hạn chế cảm xúc; GRCS_C: Hành vi yêu mến giữa những người nam bị hạn chế; GRCS_D: Mâu thuẫn giữa công việc, giải trí và mối quan hệ gia đình.

     Ngoài ra, quan sát dữ liệu còn cho thấy có tương quan nghịch nhưng yếu giữa biến trình độ giáo dục và biến MTVTG. Kết quả cho thấy trình độ giáo dục càng thấp thì điểm MTVTG càng cao (r = – .197, p < 0.05). Có mối tương quan nghịch và tương đối giữa biến trình độ giáo dục và biến thành phần Hạn chế cảm xúc; theo đó, trình độ giáo dục càng thấp thì điểm Hạn chế cảm xúc càng cao (r = – .314, p < 0.01).

     4.5. Bàn luận

     Giả thuyết nghiên cứu đưa ra là MTVTG càng cao thì thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí càng tiêu cực. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận giữa MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ. Như vậy MTVTG càng cao thì càng có thái độ càng tích cực trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí. Kết quả này gây bất ngờ và không nhất quán với những kết quả nghiên cứu trước đó.

     Nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ cho thấy MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ có tương quan nghịch. Nghiên cứu của Berger và cộng sự (2005) cho thấy nam giới có điểm MTVTG càng cao thì có xu hướng thái độ tiêu cực khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Cùng kết quả, nghiên cứu của Blazina và cộng sự (1996) cho thấy nam giới có điểm cao GRCS thì càng có thái độ tiêu cực trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ hơn so với nam giới có điểm GRCS thấp hơn. Không chỉ có tương quan thuận, MTVTG có mối liên hệ mạnh mẽ với thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ của nam giới (Good và cộng sự, 1995; Hayes & Mahalik, 2000). Trong khi đó, kết quả của nghiên cứu của Jennifer Boisjolie (2013) cho thấy không có tương quan ý nghĩa giữa MTVTG và thái độ đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Mẫu của nghiên cứu này chủ yếu là người có học vấn cao, người da trắng. Tác giả cho rằng có thể sự MTVTG không nhận được nhiều sự chú ý trong dân số này về mặt ảnh hưởng đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ như thế nào.

     Kết quả dữ liệu trong nghiên cứu này cho thấy biến Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh dự báo mạnh mẽ cho sự biến thiên của biến Thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, trong khi các biến thành phần khác không có tương quan với biến thái độ. Kết quả này không nhất quán với kết quả nghiên cứu. Blazina và cộng sự (1996) cho thấy biến Hạn chế cảm xúc có tương quan ý nghĩa với thái độ tiêu cực trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi nghiên cứu của Good và cộng sự (1989) cho thấy biến Hạn chế cảm xúc là biến dự báo ý nghĩa. Biến thành phần liên quan đến sự hạn chế dự báo 25% sự biến thiên của biến thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, biến Hạn chế cảm xúc và Hạn chế hành vi yêu mến giữa những người nam có tương quan đến việc giảm sự sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ một số người trợ giúp (Lane & Addis, 2005). Kết quả trong nghiên cứu này nhất quán với kết quả nghiên cứu của Lane và Addis, cho thấy biến Thành công, sức mạnh và sự cạnh tranh có tương quan tích cực đến tỉ lệ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nguồn như Internet và từ mẹ; có tương quan tiêu cực đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn là nam giới (Lane & Addis, 2005).

     Khả năng yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác là cách mạnh mẽ để xử lí và vượt qua cảm xúc khó khăn. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ còn tùy thuộc vào đặc thù văn hóa. Nghiên cứu này đề cập thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ những chuyên gia, bác sĩ mà không đề cập những nguồn giúp đỡ khác. Điều này có thể là một hạn chế của đề tài. Vì có thể do đặc thù văn hóa, kinh tế xã hội của Việt Nam mà nam giới có thể tiếp cận nhiều nguồn giúp đỡ khác nhau chứ không chỉ sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho những vấn đề tâm lí.

     Một trong những hạn chế khác của nghiên cứu là mẫu tiếp cận thông qua các mối quan hệ của tác giả, thực hiện trên mẫu thuận tiện và sẵn có nên phần lớn mẫu tham gia trả lời là sinh viên và giới trí thức, độ tuổi người tham gia nghiên cứu hầu hết trong khoảng 18-30. Điều đó có thể dẫn đến sự thiên lệch trong câu trả lời của người tham gia. Một phần nữa, nghiên cứu này thực hiện thông qua mạng xã hội là những người có sử dụng và thường xuyên sử dụng máy tính và có kết nối internet, vì vậy, có thể những nam giới này có nhiều điều kiện để tiếp xúc với nhiều thông tin và các nền văn hóa khác nhau.

5. Đề xuất

     Những nghiên cứu về vấn đề này trong tương lai cần mở rộng đối với mẫu nam giới đa dạng lứa tuổi, ngành nghề và vùng miền hơn; bên cạnh đó cần kết hợp nghiên cứu định tính để có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến vai trò giới ở nam giới. Những nghiên cứu trong tương lai có thể giúp cung cấp nhiều thông tin hơn về vấn đề liên quan đến vai trò giới ở nam giới, cũng như tương quan của nó với những vấn đề về sức khỏe tinh thần của nam giới; từ đó, giúp các nhà chuyên môn đưa ra những mô hình nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần ở nam giới. Khi cá nhân có sức khỏe tinh thần thì mới tạo nên một xã hội khỏe mạnh. Việc khuyến khích nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí khi cần thiết, cũng là chính cá nhân nam giới và những người xung quanh sẽ được hưởng lợi ích từ việc họ có khả năng đối phó với những căng thẳng tâm lí, giảm thiểu những hành vi và điều kiện liên quan đến căng thẳng tâm lí.

6. Kết luận

     Nghiên cứu về vấn đề vai trò giới, cụ thể là MTVTG, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhằm trả lời cho câu hỏi liệu có sự tương quan nào giữa MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt tâm lí ở nam giới Việt Nam hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận giữa MTVTG và thái độ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Như vậy, đối với những nam giới có kinh nghiệm, sự MTVTG càng cao thì càng có thái độ tích cực đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

     Một trong những hạn chế của đề tài này là chưa đề cập việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề tâm lí từ những người khác như cha mẹ, bạn bè, người thân, lãnh đạo tôn giáo… mà chỉ nói đến sự giúp đỡ từ những nguồn chuyên nghiệp như chuyên gia tâm lí, bác sĩ tâm thần. Con đường phát triển nhận thức, thái độ và hình thành hành vi vai trò giới ở nam giới Việt Nam chịu chung quy luật phát triển của con người, nhưng bên cạnh đó còn chịu sự chi phối bởi chính xã hội mà người đó đang sinh sống. Hơn nữa, trong quá trình tiếp biến văn hóa, sự phát triển của thời đại công nghệ số tại Việt Nam hiện nay thì việc tiếp cận thông tin và tri thức dễ dàng hơn bao giờ hết. Với một bối cảnh như vậy, quá trình xã hội hóa vai trò giới cũng diễn ra linh hoạt, thay đổi theo hoàn cảnh mới. Trong quá trình hỗ trợ và phát triển con người, cần xem xét đến các nguồn lực mà nam giới có để phát triển và vượt qua những trở ngại khó khăn mà họ đang gặp phải. Bên cạnh đó, những nhà tâm lí khi tiếp cận thân chủ là nam giới cần lưu ý đến yếu tố văn hóa hình thành nên vai trò giới của họ và xem họ là một phần của văn hóa hình thành nên nhân cách; thái độ và hành vi của họ liên quan đến vấn đề giới; từ đó có sự tiếp cận đầy đủ hơn, hiệu quả hơn trong việc giúp đỡ thân chủ đối mặt với vấn đề của họ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Barker, L.A., & Adelman, H.S. (1994). Mental health and help-seeking among ethnic minority adolescents. Journal of Adolescence. 17, 251-263.

     Berger, J. M., Levant, R. F., McMillan, K. K., Kelleher, W., & Sellers, A. (2005). Impact of gender role conflict, traditional masculinity ideology, alexithymia, and age on men’s attitudes toward psychological help seeking. Psychology of Men and Masculinity, 6, 73-78.

     Blazina, C., & Watkins, E. (1996). Masculine gender role conflict: Effects on college men’s psychological well-being, chemical substance usage, and attitudes toward help-seeking. Journal of Counseling Psychology, 43, 461–465.

     Fischer, E. H., & Turner, J. (1970). Orientation to seeking professional help: Development and research utility of an attitude scale. Journal of Counseling and Clinical Psychology, 35(1), 79-80.

     Good, G. E., Robertson, J. M., O’Neil, J. M., Fitzgerald, L. F., Stevens, M., DeBord, K. A., Bartels, K. M., & Braverman, D. G. (1995). Male gender role conflict: Psychometric issues and relations to psychological distress. Journal of Counseling Psychology, 42 (1), 3-10

     Gourash N. (1978). Help-Seeking: A review of the literature. American Journal of Community Psychology 6(5):413-23.

     Good, G. E., Dell, D. M., & Mintz, L. B. (1989). Male role and gender role conflict: Relations to help seeking in men. Journal of Counseling Psychology, 36, 295–300

     Hayes, J. A., & Mahalik, J. R. (2000). Gender role conflict and psychological distress in male counseling center clients. Psychology of Men & Masculinity, 1,116–125.

     Jennifer Boisjolie (2013). “Gender Role Conflict and Attitudes Toward Seeking Help”. Master of Social Work Clinical Research Papers. Paper 154.

     Levant, R. F. (1995). Toward the reconstruction of masculinity. In R. F. Levant & W. S. Pollack (Eds.), A new psychology of men (p. 229-251). New York: Basic Books

     Lane J.M. and Addis M. E. (2005) “Male Gender Role Conflict and Patterns of Help Seeking in Costa Rica and the United States”. Psychology of Men & Masculinity, 6 (3), pp.155 – 168.

     McCrae, R. R., & Costa, P. T. (1986). Personality, coping, and coping effectiveness in an adult sample. Journal of Personality, 54, 385–405

     O’Neil, J. M. (1990). Assessing men’s gender role conflict. In D. Moore & E. Leafgren (Eds.), Problem solving strategies and interventions for men in conflict (pp. 23–38). Alexandria, VA: American Association for Counseling.

     O’Neil, J.M., Helms., Gable, R., David, L., & Wrightsman, L. (1986). Gender Role Conflict Scale: College men’s fear of femininity. Sex Roles, 4,335-350

     O’Neil, J.M. (1981b). Male sex role conflicts, sexism, and masculinity: Psychological
implications for men, women, and the counseling psychologist. The Counseling Psychologist, 9, 61-80.

     O’Neil, J. M., Good, G. E., & Holmes, S. (1995). Fifteen years of theory and research on men’s gender role conflict: New paradigms for empirical research. In R. F. Levant & W. S. Pollack (Eds.), A new psychology of men (pp. 162–206). New York: Basic Books.

     Thompson, E. H., Pleck, J. H., & Ferrera, D. L. (1992). Men and masculinities: scales for masculinity ideology and masculinity-related constructs. Sex Roles, 27, 573-607.

Tuyên bố về quyền lợi: Tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi.

Lời cảm ơn: Bài báo được trích từ kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi đề tài cấp cơ sở
với mã số đề tài T2017/09.

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
Tập 15, Số 5 (2018): 133-142, ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)