Mấy nét chính về lịch sử quan Nho giáo Việt Nam thế kỷ 19
TRẦN VĂN GIÀU*
1. Quan niệm về lịch sử
Trải qua các triều đại, ở Trung Quốc cũng như ở Việt-nam, các học giả đã nhiều lần trình bày có hệ thống và có bề sâu từng phần nhân đạo quan Nho giáo. Nơi này nơi nọ, một số không ít học giả trình bày thiên đạo quan tuy không sâu bằng và không hệ thống lắm. Song, nhà Nho Việt-nam cũng như nhà Nho Trung Quốc, dù đã ghi chép, bình luận, học tập rất nhiều về lịch sử, đặc biệt là lịch sử chính trị, nhằm rút từ đó những nguyên lý chỉ đạo sự hành động của nhà vua, quan lại và thường dân, thực ra không thấy một ai đã trình bày được một lịch sử quan có đầu đuôi.
Như vậy có phải là Nho giáo không có lịch sử quan chăng? Không phải như thế. Nho giáo có cả một hệ thống tư tưởng về trị đạo liên quan đến lịch sử. Không một nhà Nho nào không thuộc hàng tá sách sử. Nhiều nhà nho viết sử. Hồi trước, đi học gọi là “nấu sử, sôi kinh”. Không thuộc kinh, sử, sao gọi là Nho? Theo lời của Khổng Tử: đạo người, cái mau thành hiệu nhất là chính trị. Lễ ký có câu: đạo người, chính trị là lớn. Đối với nhà Nho, sở dĩ phải thành ý, chính tâm, tu thân là để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nho mà yếm thế, mà tránh bụi đời, thì không phải là chân Nho. Bởi nhằm vào chính trị, vào sự tham chính, cho nên Nho giáo và nhà Nho chú ý đặc biệt đến lịch sử. Lịch sử được nhà Nho đánh giá là kho kinh nghiệm chính trị. Lịch sử lại là nguồn điển tích cần thiết cho nhà Nho khi họ làm thơ, khi họ viết sớ, tấu, điều trần. Ông thầy lớn nhất của Nho giáo là người viết kinh Xuân Thu nổi tiếng, một bộ sử. Một bậc á thánh Nho giáo cũng được xem là tôn sư, Chu Tử, là tác giả bộ Cương mục đã từng làm mẫu về phương pháp và về tư tưởng cho các nhà Nho làm sử tại triều đình Nguyễn. Như vậy, Nho giáo Trung Quốc và Việt-nam sao khỏi đã bằng cách này hay cách khác nêu lên phương pháp viết sử của mình, không khỏi hoặc vô tình hoặc cố ý, hoặc hết sức rời rạc hoặc ít nhiều có hệ thống, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, nêu lên quan niệm của mình về lẽ biến hóa của lịch sử xã hội. Họ không thể không có một lịch sử quan. Nếu họ chưa tổng kết thành nguyên lý, góp hợp thành hệ thống, thì ta có thể ra sức thử “làm thay” cho họ vậy. Ở đây, “làm thay” không phải là có tội “giành phần” hay “bao biện”!
So với Lý, Trần, Lê, thì Nguyễn là một triều đại ngắn thôi. Nó thống trị chỉ có 80 năm. Thế nhưng nó thừa hưởng 900 năm văn hóa của một nước tự chủ, độc lập, thừa hưởng nhiều công trình lịch sử của các thế kỷ và triều đại trước để lại. Nhằm đề cao sự nghiệp của nó, triều Nguyễn đã bền bỉ soạn toàn bộ lịch sử Việt-nam: bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục có giá trị khách quan đáng kể, Ngoài ra còn có những bộ Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sư lệ, Tiễn binh lưỡng kỳ phỉ khấu… Đó là một kho tư liệu quan trọng đã được sắp xếp phần nào, tất nhiên được lựa chọn và phẩm bình theo quan niệm về lịch sử của triều Nguyễn nói riêng, của Nho giáo nói chung. Ấy là chưa kể những sách sử do tư nhân viết như Hoàng Lê nhất thống chí của nhà họ Ngô, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái… Cũng chưa kể những sách luận về sử, quốc sử hoặc Bắc sử, những sách lịch sử từng tỉnh khá nhiều, trong số đó có quyển Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch là tác phẩm tiêu biểu có giá trị chẳng những về tư liệu mà cả về tư tưởng nữa.
Sách sử viết hồi thế kỷ 19 nhiều như vậy, cho nên, ai ra công tìm tòi chắc sẽ thấy được quan niệm về lịch sử của triều đình và các nhà Nho thời Nguyễn, có thể biết được tư tưởng của các nhà viết sử lúc đó, còn phương pháp viết sử cụ thể của họ thì chính họ đã có dịp nêu lên rồi.
2. Mấy nét chính về lịch sử quan Nho giáo Việt Nam thế kỷ 19
a. “Vận hội”, “khí vận”
Mỗi người đọc sử, biết luận sử của dân tộc nào từ xưa cho đến gần đây, đều thấy sự hưng phế và trị loạn của các triều đại. Hưng rồi phế, phế rồi lại hưng, cho đến khi sụp đổ và triều đại mới lại thay vào. Không có triều đại nào vĩnh viễn. Không bao giờ thấy hưng trị mãi. Không bao giờ thấy phế loại hoài. Ngó bề ngoài mà nói, chính trị các nước biến chuyển dường như có vòng, đi hết một vòng thì dường như trở lại chỗ cũ. Giống như mỗi năm xuân, hạ, thu, đông bốn mùa tiếp nhau; giống như mỗi ngày sớm, trưa, xế, chiều nối nhau; giống như trời đất, muôn vật vận động mãi không có lúc cùng, hễ cùng thì sinh biến, có biến thì mới lại thông, thông rồi lại tắc, cứ xoay tròn như thế không lúc nào nghỉ.
Hiện tượng chuyển biến đó, người xưa gọi là “khí vận”, là “vận hội”, là “tuần hoàn”, một sự chuyển động tất yếu, đương nhiên, mà sức người có thể làm chậm lại hay mau hơn chớ không thể nào cưỡng nổi.
Cũng gọi cái sức xoay chuyển huyền bí ấy là “Trời”.
Ở đây ta chọn một chữ, chữ “vận hội”, để bàn luận, xem đó là một quan điểm căn bản của các nhà Nho về lịch sử.
“Vận hội” là gì? Một trong những người xưa nói về vận hội một cách ràng rọt nhất là Thiệu Ung, nhà tượng số học thời Tống, hồi thế kỷ 11. Sách Hoàng cực kinh thế của ông ta nổi tiếng nhất trong số khá nhiều tác phẩm, sách ấy nói về tượng số của trời đất, về sự biến hóa của thái cực, về đạo của thánh hiền. Hoàng cực kinh thế căn cứ vào Kinh Dịch, vào quẻ của Phục Hy mà suy diễn. Theo thuyết âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc thì sự biến dịch của vạn vật như một vòng tròn. Thiệu Ung dựa theo “tứ tượng” trong Kinh Dịch mà lập thành như một hằng số, cái gì cũng được diễn theo số 4: nhật nguyệt tình thần, thủy hỏa thổ hạch, nóng lạnh ngày đêm, gió mưa sương sấm, xem đó là thể dụng của trời đất, tính tình hình thể, chạy bay cỏ cây, xem đó là trước sau của trời đất. Cứ theo số 4 mà tính. Nhật là “nguyên”, nguyệt là “hội”, tinh là “vận”, thần là “thế”. Rồi Thiệu Ung theo một cái ph1p ông gọi là phép “nạp âm” mà tính từ năm Giáp Thìn là năm đầu vua Nghiêu, đến năm Kỷ Mùi đời vua Mục Vương nhà Chu, ghi lại lúc hưng lúc suy, thời trị thời loạn của khoảng thời gian ấy để làm chứng cho học thuyết “vận hội” của mình.
Trong mỗi “nguyên” thì có giai đoạn “trưởng”, giai đoạn “tiêu”. Tính từ Tí đến Tị là trưởng, từ Ngọ đến Hợi là tiêu. Mỗi nguyên là 129.600 năm, gồm 12 hội, mỗi hội là 10.800 năm, gồm 30 vận, mỗi vận là 360 năm, gồm 12 thế, mỗi thế dài 30 năm. Trong cuộc “đại hóa” của vũ trụ thì một nguyên cũng như một năm của trần thế đấy thôi. Nguyên gồm 12 hội, mỗi hội ứng vào một quẻ, từ Tí đến Tị là dương trưởng âm tiêu, từ Ngọ đến Hợi là âm trưởng dương tiêu. Cứ tượng ấy mà tính thì kể từ khi trời lập ở hội Tí, đất thành ở hội Sửu, người sinh ở hội Dần, đến đời vau Nghiêu, cuối Tị, là ở giữa nguyên, lúc cực trưởng. Đời vua Nghiêu hết sức thịnh trị là bởi vì thế. Sang hội Ngọ thì bắt đầu dương tiêu âm trưởng, lúc đi xuống, mãi đến hội Hợi, thì chẳng những loài vật không sinh ra nữa mà lại còn tiêu diệt đi. Song, hễ cái này mất thì cái nọ sinh, cho nên trời đất loài vật lại xuất hiện nữa. Cứ như thế.
Trong khoảng dinh hư tiêu trưởng ấy, con người có vai trò gì?. Có lẽ Thiệu Ung đã trả lời bằng câu chuyện ngụ ngôn sau đây trong Ngư tiều vấn đáp:
“Tiều hỏi: Bác dùng đạo gì mà được cá?
Ngư đáp: Ta dùng 6 vật là cần trúc, dây tơ, phao nổi, đồ chìm, lưỡi câu mà mồi. Sắm đủ 6 vật ấy là việc của người, còn được cá hay không là việc của trời. Nếu 6 vật ấy không đủ mà không được cá thì không phải tại trơi mà là tại người vậy”.
Nhiều nhà thơ nhà văn thời phong kiến ở nước ta, mỗi khi than thở về thế sự thì hay nói đến vận hội, dinh hư tiêu trưởng, ấy là nói cái triết lý tượng số vừa kể trên, một học thuyết đầy võ đoán, khẳng định không bằng cớ, mênh mông vô hạn, mờ mịt như sương như khói, vào đó thì chỉ quáng mắt lạc đường. Nhưng lạ thay, đó cũng là một học thuyết có nhiều ảnh hưởng, có lẽ vì nó đã ra sức tìm chìa khóa cắt nghĩa sự suy thịnh xoay vần trong lịch sử mà ai cũng thấy, song không ai hiểu vì sao. Đến đây thì ta càng thấy thiên đạo quan “âm dương, ngũ hành, bát quái” ứng dụng vào lịch sử là điên rồ, nguy hại đến mức nào. Ấy vậy mà các nhà làm sử thời phong kiến Việt-nam nói chung, thời Nguyễn nói riêng, số đông sa lầy tận cổ trong học thuyết thần bí rối rắm ấy.
Trong Cương mục có chép lại (nghĩa là tán đồng) lời bàn của nhà sử học Ngô Sĩ Luên về sự thành công của Đinh Bộ Lĩnh trong việc dẹp loạn sứ quân cát cứ: “Theo khí vận của trời đất, bế tắt mãi tất có lúc hanh thông. Xem như ở Trung Quốc, sau những loạn lạc về thời Ngũ đại thì có Thái Tổ nhà Tống nổi lên. Ở nước Nam ta, sau những cuộc tranh giành của 12 sứ quân thì có Đinh Tiên Hoàng nổi dậy. Những việc đó không phải là ngẫu nhiên mà chính là khí vận của trời định đoạt”.
Nói do khí vận của trời đất định đoạt, mới nghe dường như là cắt nghĩa sâu sắc, kỳ thực là không cắt nghĩa gì cả, cũng y như nói: Hết suy tới thịnh, hết phân tới hợp, hay nói khác hơn, đó là cắt nghĩa bằng ông Trời, bằng lẽ trời, cắt nghĩa cái chưa hiểu bằng cái không thể hiểu được.
Trong Cương mục khi sử sách chép về việc Lê Hoàn được tôn vương thì Tự Đức phê rằng: “Bờ cõi Bắc Nam có khác nhưng vận hội vẫn như nhau. Nhà Lê thì có chuyện khoác áo lông cổn, nhà Lý thì sấm truyền ghi trên thân cây. Sao mà giống chuyện bên Tống đến thế?”. Rồi Tự Đức viết tiếp: “Hay là người làm sử thấy vậy bèn gò ép gán gẫm vào nhau để cho câu chuyện trở nên thần kỳ, chớ trời kia có ý làm ra như thế đâu!”. Vậy, Tự Đức cho rằng cái việc ghi lời sấm trên cây, khoác áo long cổn lên vai tướng soái, đều có thể là do người bày đặt, bắt chước nhau nhưng khi ra quân cho đại nghĩa thống nhất, độc lập, mà phải tôn vương như đã tôn Triệu Khuông Dẫn ở bên kia, tôn Lê Hoàn ở bên này, đó là thuộc vào lẽ tất nhiên trong vận hội chung của trời đất. Tuy vậy, Tự Đức hình như phản đối việc lạm dụng khái niệm “vận hội” để đi đến chỗ buông xuôi. Ông viết: “Nếu cứ đổ cho vận hội mà chẳng nghĩ đến việc làm của người thì khác gì như bịt kín mắt mà biện luận trắng đen, có trúng chăng nữa cũng là họa may thôi!”. Câu nói này dường như biểu lộ ít nhiều tinh thần tiến bộ, nhưng thực ra, không phải như thế. Tự Đức nói ra câu đã kể ở trên là nhân dịp trời hạn hán làm mất mùa liên tiếp, vua tôi nhà Nguyễn ngồi vỗ trán tìm nguyên do vì đâu, đình thần có người cho rằng tại “vận hội của Trời đất”, còn Tự Đức thì cho rằng ấy là tại quan lại tham nhũng gây ra nhiều oan ức trong dân, khí hòa vì thế mà mất, nắng hạn vì thế mà sinh.
Cũng như ông và cha của mình, như số đông các đình thần và nhà Nho, Tự Đức đã xuất thân từ cửa Nho thì ắt tin vào vận, vận khí, vận hội, một mặt thiết yếu của thuyết âm dương, ngũ hành. Cho nên (trong Cương mục), cắt nghĩa sự thảm hại của quân Tôn Sĩ Nghị trước sức tiến công mãnh liệt của quân Việt-nam do Nguyễn Huệ cầm đầu, vua Tự Đức không hề nói đến tài cầm quân của Nguyễn Huệ, không hề nói đến tinh thần quật khởi của nhân dân ta lúc ấy, mà lại nói rằng ấy là bởi vận nhà Lê đã hết: “Triều vua Càn Long là thời rất thịnh, thế mà ủy nhiệm không được người giỏi nên hỏng việc. Quân đã kiêu rông thì tất phải bại trận, lời xưa nói thật không sai. Nhưng bởi vì vận nhà Lê đã hết, khó cứu vớt được, âu cũng là bởi trời”.
Vậy thì, vận cũng là Trời, là mệnh trời, vận hội, vận khí cũng là lẽ tuần hoàn tất yếu của Trời đất; thịnh suy, trị loạn nối nhau không tùy ý riêng của ai hết, chỉ tùy Trời. Cái nghĩa của những khái niệm kia trong đầu óc của nhà Nho Việt-nam ở Quốc sử quán không có tính khái quát rộng lớn, bay bổng bằng tưởng tượng như trong Trần Đoàn, Thiệu Ung, chỉ sà sà ở mặt đất, trong việc cai trị, ở những sự thật lịch sử và xã hội mà nhà làm sử mù tịt không biết cắt nghĩa ra sao, và cố cắt nghĩa bằng cách dễ dàng nhất, cái gì được thành tựu thì cho là bởi “thời lai”, cái gì bị thất bại thì cho là bởi “vận khứ”. Đặng Dung thời hậu Trần đã chẳng than rằng:
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Đoàn Hữu Trưng, Cao Bá Quát, cũng như vậy, cũng kêu thời với vận. Thực ra, trên những nét rất lớn, lịch sử biến chuyển theo quy luật khách quan, nghiêm khắc, con người không chạy đâu cho khỏi, theo nó được, đổi nó không nổi, tuy nó vẫn cần phải có sức người mới thành hiệu. Có lẽ bởi vì tính nghiêm khắc đó là những chữ “thời”, “vận” mang tính thiêng liêng, huyền bí, đáng sợ đối với người xưa.
Xã hội phương Đông ngày trước, vì một số điều kiện cơ bản nào đó – mà một số nhà khoa học lịch sử gọi là phương thức sản xuất châu Á – cho nên phát triển rất chậm về mặt kinh tế, trong một thời gian dài khó trông thấy những biến đổi xã hội ở trong cơ cấu, trái lại, cái dễ trông thấy nhất là sự biến đổi chính trị: trị rồi loạn, loạn rồi lại trị, phế rồi hưng, hưng rồi phế, triều đại này đổ, triều đại khác lên rồi lại đổ, chia rồi thống nhất, thồng nhất rồi lại chia, cứ lắp đi lắp lại hoài như vậy. Ở kinh thành, cơ quan Khâm thiên giám xem Trời, chuyên ghi chép hằng ngày, tháng, năm, kỷ, thế, những hiện tượng tự nhiên, có sử quan ghi chép việc triều đình cũng hàng ngày, tháng, năm, kỷ, triều đại. Tư tưởng con người liên hệ sự tuần hoàn trong thiên nhiên với sự lập lại trong chính trị. Từ đó nảy sinh ra khái niệm vận hội, vận khí trong cái học thuyết lớn chung là thiên địa vạn vật nhất thể. Lịch sử quan Nho giáo chưa có ý thức về sự phát triển, chỉ có ý thức về sự tuần hoàn: “Thiên địa tuần hoàn, chu nhi phục thủy”. Tuần hoàn là sự biến đổi trong vòng luẩn quẩn, quay hết một vòng trở lại chỗ cũ lúc khởi đầu, tí – sửu – dần – mão – thìn – tị – ngọ – mùi – thân – dậu – tuất – hợi, rồi là tí – sửu… Không biết vì sao mà dùng 12 con thú này chớ không phải 12 con thú khác, không biết vì sao Thiệu Ung trí tưởng tượng ở tứ tượng, số 4, chớ không dừng ở lưỡng nghi, số 2, hoặc bát quái, số 8?. Lựa chọn võ đoán thì vạch vẽ sơ đồ võ đoán. Cứ theo đó thì vũ trụ, vạn vật, nhân loại biến chuyển tựa như tù nhân đi dạo trong sân tù, như bầy kiến bò trên miệng bát, đi một hồi, bò một lúc rồi trở lại chỗ cũ, rồi lại đi, lại bò mãi. Thuở ấy chưa hề nghe nói đến cái hình xoáy trôn ốc, cái hình ảnh leo thang lầu để biểu diễn sự biến hóa có tiến tới, có lên cao của xã hội và lịch sử, dường như lập lại mà thực ở mức khác.
b. Trước hơn sau, sau thua trước
Chẳng những nhà Nho theo thuyết vận hội, tuần hoàn, không thấy sự phát triển, mà hơn nữa, họ cho rằng trong lịch sử loài người, trước hơn sau, sau thua trước. Nói trắng ra, dường như họ muốn xã hội phải quay ngược lại thì mới là tốt. Cứ theo lý luận chung của Nho giáo thì thời đại hoàng kim, cực thịnh là hai đời Đế, ba đời Vương. Các vua chúa mãi cho đến thế kỷ 19 rồi mà làm việc gì cũng đều cố gắng hết sức để được như Nghiêu, Thuấn!. “Khiêm tốn” hơn, Tự Đức muốn lấy Hán Văn Đế làm mẫu mực. Cái gốc lý luận của ý thức “quay đầu về xưa” ấy là tư tưởng tôn Chu, phục lễ của Khổng Tử. Từ đó mà nảy sinh nguyên lý “phép tiên vương” tức là làm theo những vua trước, tiên vương đó là hai đời Đế, ba đời Vương.
Lấy tiêu chuẩn gì để đánh giá sự hơn hay kém, tiến hay thoái trong lịch sử xã hội? Thuở xưa tuy cũng có người như Tư Mã Thiên chú ý ghi chép những công cụ và khí giới, biết rằng lúc này người ta dùng đồ sắt phổ biến, lúc kia người ta dùng đồ đồng phổ biến, biết rằng thời này thương mại thịnh đạt hơn thời kia, nhưng chưa ai biết gì về cơ sở kinh tế, cơ cấu xã hội, về sản xuất vật chất và giai cấp đấu tranh làm nền móng và động lực cho lịch sử. Người ta đánh giá sự tiến hóa của xã hội và con người chỉ theo tiêu chuẩn đạo lý mà thôi. Người ta thấy rằng nhân dân đời xưa phong tục tính tình thuần hậu hơn đời nay, người ta thấy rằng pháp luật đời nay, người ta nhận định rằng nhân tài đời xưa cao hơn và toàn diện hơn nhân tài đời nay.
Trong sách Tứ thư trích giảng, phần nói về Đại học, Nguyễn Văn Siêu cho rằng: “Sau đời Tam đại là đời Xuân Thu – Chiến Quốc cho tới Tần, Hán Đường, hết thảy chỉ so tính công lợi, giả thác nhân nghĩa, những cái hỏng là cố nhiên, đến cả những cái được cũng chưa có gì đáng bắt chước. Lý do là vì giáo lý “minh minh đức, tân tân dân, chi ư chí thiện”, danh thì giống nhau mà thực thì xa nhau lắm”.
Về việc nhà Hán sai quan họ Giả (Giả Mang Kiên) qua thú nước ta, Tự Đức bảo: “Ta thấy rõ triều Hán có nhiều nhân tài, đời sau nhân thể so sánh kịp” (Cương mục). Tự Đức than rằng: “Đời sau người toàn tài có ít” (năm thứ 16), “Người nay sao kịp người xưa” (năm thứ 18). Các vua Nguyễn mỗi khi kiểm điểm, phê phán các quan lại của mình thì đều bảo họ phải noi theo gương của Lỗ Trọng Khanh, Trịnh Tự Quân v.v… của Trung Quốc cổ đại. Chẳng những người mình đời nay kém người Trung Quốc xưa, mà người mình đời nay cũng kém người mình đời xưa nữa. Trong một bài dụ gửi Văn Thân Nghệ Tĩnh nhằm bắt bẻ chủ trương kháng chiến của họ, Tự Đức nhận định rằng ngày nay kháng chiến không thể thành công vì ngày nay không còn đức thánh Tản Viên, mà Trần Hưng Đạo cũng đã chết!. Triều đình nhận thấy rằng: người đời xưa dùng dân nào để đánh bại quân Nguyên? – Cũng là dân Bắc hà đấy thôi, nhưng xưa tốt hay xấu, xưa hơn nay kém, cho nên xưa đánh được giặc Nguyên mà nay không đánh được quân Pháp. Đọc suốt Cương mục chỉ thấy có một lần Quốc sử quán nhận định nay hơn xưa, xưa thua nay, ấy là khi họ so sánh triều Nguyễn với các triều đại trước và khẳng định rằng triều Nguyễn thì “từ Lạc Hùng trở lại không lúc nào bằng”!.
Giữa thế kỷ 19, chỉ thấy có một mình Nguyễn Trường Tộ là người mạnh mẽ và có lý luận chồng lại sự bảo thủ, sự thụt lùi, chống lại tư tưởng “pháp tiên vương”, tư tưởng “trước hơn sau”. Ông khẳng định sự tiến bộ lớn của đời nay so với đời xưa, nếu ví xã hội với con người, thì xã hội đời xưa là thời thơ ấu, xã hội đời nay là thời trưởng thành. Nguyễn Trường Tộ phản đối cái thói quen “ngày đêm luôn mồm luôn miệng kêu gọi những người Bắc quốc đã chết từ vài nghìn năm rồi như Tiêu Hà, Hàn Tín chẳng hạn. Vì còn chịu ơn họ chăng? Vì người đời nay không bằng người đời xưa chăng? Hay là muốn kêu gào cho họ sống lại”?.
Phải đợi đến mấy năm đầu thế kỷ 20, với Phan Bội Châu thì tư tưởng tiến hóa luận, lịch sử đi lên, đi tới trước, mới bắt rễ ở nước ta và lần lần chiếm lĩnh địa vị chủ yếu trong ý thức của học giả và chính khách đi tìm đường mới, đi vào hướng duy tân theo chủ nghĩa tư bản.
c. “Đạo trời” và sự may rủi
Các triều đại hưng và phế, trị và loạn nối tiếp nhau. Cái gì là nguyên nhân của sự hưng phế, sự trị loạn?.
Các nhà làm sử ở triều đình Nguyễn trả lời rằng tại Trời, tại may rủi, bảo rằng ấy là “đạo Trời”, mà “đạo Trời không xa nhưng không thể biết được”:
– Cương mục viết: “Vua Thục trước đấy vì hôn nhân mà được thắng lợi (ý muốn nói tới việc Thục Phán cầu hôn với Hùng Vương thứ 18 rồi lấy nước Văn Lang) nay cũng vì hôn nhân mà bại vong (ý muốn nói tới việc An Dương vương gả con cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà), đạo Trời báo phục không sai, kể cũng chóng quá”.
– Cương mục cắt nghĩa vì sao nhà Đnh ngắn ngủi: “Đạo Trời ưa kẻ khiêm nhường, đạo trời răn kẻ tự mãn. Tiên Hoàng nhà Đinh là kẻ vô học, không có mưu trí gì, chỉ quen dữ tợn, kiêu căng, đến đỗi cuối cùng cả hai cha con đều bất đắc kỳ tử, triều đình mới được hai đời thì mất. Nhân đức và tàn bạo khác nhau hẳn, đáng làm gương chung. Đinh kêu là Vạn thắng, Tần mong được vạn thế, xe trước xe sau cùng đi một vết”. Sách Cương mục về vấn đề này có trích lục lời Nguyễn Nghiễm, nghĩa là đồng ý với ông này khi ông nói rằng: “Về việc Đinh Tiên Hoàng lập Hạng Lang, trước thì có động đất, sau thì có mưa đá, hạn hán. Trời kia răn bảo sờ sờ ra đấy, thế mà cứ coi làm thường, không sớm tỉnh ngộ. Vậy muốn không mất, phỏng có được không?”.
– Cương mục trich dẫn lời của Ngô Thì Sĩ bình luận về việc vua Trần bổ nhiệm Đỗ Tử Bình làm thị giảng: “Nước đến khi sắp mất thì trời sinh ra người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử là lúc mối hận khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai vạ của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn mà từ đó dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.
– Đặng Dung có chí, có tài mà thua Trương Phụ. Tự Đức cắt nghĩa cái thua của Đặng Dung, cái thắng của Trương Phụ bằng câu: “Trời nuông Trương Phụ”.
– Hồ Quý Ly bị giặc ngoại xâm bắt, Tự Đức phê: “Đạo trời báo ứng rõ ràng không sai”. Ý muốn nòi rằng Hồ Quý Ly đã có tội phế vua Trần để chiếm ngôi, thì nay Trời khiến Hồ Quý Ly phải bị quân Minh bắt vậy.
– Bàn với việc Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Súy nhảy xuống sông tự tử chớ không chịu để quân thù giải sống đến Yên Kinh, Tự Đức viết: “Sự được hay thua, hưng thịnh hay suy vong là do ở Trời, mà tự do ở người. Nhưng vua tôi biết chết theo xã tắc, điều ấy làm sáng tỏ ngàn đời”.
Còn có thể lấy nhiều tỉ dụ khác. Theo các sử thần nhà Nguyễn, theo các vua Nguyễn, thì Trời, đạo Trời can thiệp và quyết định khắp mọi nơi, trong mọi việc, từ sự hưng vong của một triều đại, sự mất còn của một đất nước, đến sự xuất hiện của một nhân vật, sự thắng bại của một tướng súy. Hễ thịnh thì nói là nhờ Trời nuông, hễ suy thì nói là Trời bỏ, hễ được thì nói là nhờ Trời, hễ thua thì đổ là Trời hại. Cái “chủ nghĩa tại Trời” ấy là lối cắt nghĩa dễ dàng nhất. Không cần đọc một trang kinh, một chương sử cũng có thể biết cắt nghĩa như vậy: “Gẫm hay muôn sự tại Trời” mà! Đó là cách cắt nghĩa để không cắt nghĩa gì cả, nhưng đó lại là tư tưởng phổ biến trong quần chúng khi mà tư tưởng duy lý còn kém cỏi, tư tưởng duy vật lịch sử chưa hình thành.
Vai trò của Trời, đạo Trời, được các sử gia nhà Nguyễn bơm lên đến cực độ bịa đặt thêm ra nhằm thần bí hóa các vương triều, khi họ chép truyện Gia Long lục quốc. Hãy đọc Đại Nam thực lục tiền biên, ghi vài mẫu truyện kỳ thú được sử thần nêu lên để chứng minh rằng Trời còn tựa nhà Nguyễn mặc dầu nó bị quân Tây Sơn đánh bại không còn manh giáp che lưng, không còn tấc đất nghỉ chân: “Đến sông Đằng Giang, có nhiều sấu, không thể lội qua được. Nhân có con trâu nằm bên sông, vua (Nguyễn Ánh) bèn cưỡi trâu sang sông. Giữa dòng, nước lớn mạnh, trâu chìm mất. Cá sấu đến chở vua sang bờ bên kia”. Hoặc: “Vua bị 20 thuyền giặc đến vậy. Thuyền vua liền kéo buồn nhằm hướng đông mà chạy, chơi vơi ngoài biển suốt bảy ngày đêm, quân sĩ đều khát. Vua lo, bèn ngửa mặt lên Trời khấn rằng: nếu ta có phận làm vua thì xin cho thuyền dạt vào bờ, nếu không thì chìm giữa biển cũng cam. Vua dứt lời thì gió yên sóng lặng, trước mũi thuyền, nhìn thấy mặt nước đen trắng hai dong, nước trong sủi lên. Một người trong thuyền thử nếm, thấy ngọt, kêu lớn lên: nước ngọt, nước ngọt!. Ai nấy tranh nhau uống. Vua sai múc lên bốn năm chum, rồi nước biển lại mặn như cũ”.
Để cắt nghĩa sự kiện lịch sử, vua tôi nàh Nguyễn dùng “Trời” và “đạo Trời” làm cái “chìa khóa mở cửa nào cũng được”. Nhưng theo truyền thống Nho giáo, họ cho rằng “đạo Trời là điều không thể biết”. Nói một cách khác, trong lịch sử chính trị, không thể đoán chắc được cái gì. Sách Cương mục chép: “Trong lúc vua Trần Thái Tông đang thết tiệc triều thần vào một đêm tháng bảy, mùa thu, bỗng thấy sao chổi mọc ở hướng đông bắc. Vua bảo: “Ta xem ngôi sao này tia sáng rất lớn, đuôi rất dài, chắc không phải sự tai biến ứng về nước ta. Rồi vua cho tiếp tục ăn yến đến xong. Tháng 10 năm ấy, nhà Tống mất”. Chách chép sử như thế ngụ ý rằng: vua Trần hiểu được điềm Trời, rõ được đạo Trời: sao chổi lớn mọc ở đông bắc nước ta, tức là nước Tống lâm nguy đó. Về sự kiện này, vua Tự Đức phê: “Câu nói (của vua Trần) may mà trúng chớ biết thế nào được đạo Trời?”.
Vì xác định rằng không thể biết được đạo Trời, cho nên, để cắt nghĩa lịch sử, vua tôi nhà Nguyễn thường xuyên dùng khái niệm may rủi, dùng chữ may để cắt nghĩa cái gì hay, dùng chữ rủi để cắt nghĩa cái gì dở. Chắc họ không biết rằng khái niệm “may rủi” xét cho cùng là sự phủ định khái niệm “đạo”, “đạo Trời” như là cái lý biến chuyển, cái lý sinh thành tiêu hủy của mọi sự vật. Ngày nay, chúng ta không phủ nhận rằng trong đời người, trong xã hội, trong lịch sử, thực có sự may rủi, nhưng may rủi không bài trừ quy luật khách quan của lịch sử, chính quy luật đó là cơ sở để cắt nghĩa sự thành bại, thịnh suy, trị loạn. Nhược bằng không ngớt cắt nghĩa mọi biến cố lịch sử, biến cố xã hội bằng may rủi là chính, hay chỉ bằng may rủi thôi, thì cũng giống như cắt nghĩa tất cả bằng Trời, bằng đạo Trời, nghĩa là không cắt nghĩa được gì hết mà cuối cùng phó mặc cho vận số, vận mệnh, tới đâu hay đó.
Đánh giá cuộc chiến thắng của Ngô quyền trên sông Bạch Đằng, diệt Hoằng Thao, đuổi quân Nam Hán, vua Tự Đức (trong Cương mục) xem đó là một cái may, không có gì đáng khen!. Ông viết: “Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Thao là một chàng hèn kém, nên mới thắng được trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen?. Nếu gặp phải tay Trần Bá Tiên mà bảo rằng Ngô Quyền không phải đến theo gót Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương thì ít có lắm”. Mới nghe lời bàn của vua Nguyễn thì tưởng tượng chừng đâu ông là sử gia của Bắc quốc, là bồi bút của nhà Tống, nhà Minh! Nếu Nam Hán của cha con Hoằng Thao là ngụy thì nước Việt-nam của Ngô quyền, Lê Hoàn cũng là ngụy sao? Ngụy đối với ai? Đứng về mặt lập trường phong kiến Việt-nam mà nói, nếu ở vùng Bách Việt xưa mà có nhiều nước độc lập thì chỉ có lợi cho Việt-nam giữ quyền độc lập của mình đối với quốc gia phong kiến to lớn, đông đúc của người Hán, thì sao lại lên án Nam Hán?. Về việc nước mình, nếu Ngô quyền “ắt may” thì sự nghiệp hiển hách của Ngô Quyền lập lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc ta hồi thế kỷ thứ 10, cũng chỉ là một giải may, một điều ngẫu nhiên, không phải nhất thiết phải đến, không phải nhờ tâm huyết của nhân dân và tài ba xuất sắc của tướng soái hay sao?. Lời bàn này của Tự Đức chứng tỏ nhà vua nặng đầu óc trọng người khinh mình, trái với một tinh thần dân tộc tối thiểu. Có lẽ sử thần nhà Nguyễn không đồng ý lắm với Tự Đức về đánh giá cuộc chiến thắng của Ngô Quyền cho nên, trong Cương mục, bên cạnh lời phê của Tự Đức, họ ghi lời bàn của Ngô Thì Sĩ: “Vua Ngô Quyền giết giặc nội phản để trả thù cho chúa (Dương Đình Nghệ), đuổi giặc ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại”, và: “Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến ngàn thu, đâu phải lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!”. Một sự kiện lịch sử, hai lối đánh giá, hai tư tưởng trái nhau, một bên là yêu nước, một bên thì sùng ngoại.
Không phải chỉ có chuyện đánh giá Ngô Quyền mà thôi, chuyện đánh giá Trần Hưng Đạo cũng dắt vua tôi Tự Đức tới chữ “may”. Ngô Quyền thắng Nam Hán một lần, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên những hai ba lần, tuy vậy, hai ba lần chiến thắng đó vẫn không đủ sức gỡ chữ “may” ra khỏi miệng Tự Đức và sử thần nhà Nguyễn. Họ viết: “Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và các tướng văn tướng võ phần nhiều là người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chớ nếu gặp người khác, lúc khác thì chưa biết thế nào”. Thế cũng là “may” cho nhà Trần gặp lúc nhà Nguyên mới nổi lên! “May” cho nhà Trần có tướng tài!. “May” cho nhà Trần vì Nguyên đế gửi sang những tướng không giỏi. Cương mục viết: “Nhà Nguyên hai lần đem quân xâm lấn, nhưng được phái sang đều không phải là tướng giỏi, đây cũng là may cho nhà Trần!”.
Ở đây chúng ta không có nhiệm vụ giải thích tại sao Nguyên thua, Trần thắng, tại sao đạo quân hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới lúc ấy, đánh đâu thắng đó, khét tiếng tư đầu đến cuối lục địa, mà phải ba lần bị đánh cho không còn manh giáp trên đất Việt-nam này. Chúng ta chỉ cần nói đến chữ “may”. Thầy trò, vua tôi Tự Đức khoái cái chữ “may” này lắm, họ viết trong Cương mục: “Lúc đầu đời Trần may mà gặp Thoát Hoan nhà Nguyên, lúc cuối đời Trần không may mà gặp Trương Phụ nhà Minh”. Hễ ta thắng, địch thua thì họ bảo là ta gặp may vì đụng phải tướng địch tồi, hễ ta thua, địch thắng thì họ bảo là ta không may đụng phải tướng địch giỏi. Những khái niệm “may” hay “không may” quả là không cắt nghĩa gì hết, y như khái niệm “Trời” và “đạo Trời”.
Trăm sai cũng có một đúng, mà cái đúng này mới quả thật là một điều “may”: vua tôi tự Đức co lý và chỉ có lý trong trường hợp này thôi, khi họ nhận định rằng: “May đó thôi, không có tài cán gì” để bói việc tướng trần Khắc Chân nhờ được tên Ba Lậu Khê bội phản chúa Chiêm Thành, sang doanh trại Trần và chỉ rõ chiếc thuyền chở Chế Bồng Nga để quan Trần tập trung hỏa pháo mà giết được chủ tướng địch.
Cái sai lầm của Tự Đức và các sử thần nhà Nguyễn hiển nhiên không phải là ở chỗ thừa nhận có may rủi trong lịch sử, mà ở chỗ đã đưa may rủi lên thành một nguyên lý, một quy luật của lịch sử.
d. Vai trò quyết định của người tài độc lập với điều kiện lịch sử, quần chúng nhân dân hoàn toàn bị bỏ lãng
Trong khi cắt nghĩa sự hưng vong của các triều đại bằng đạo Trời, bằng may rủi, thì sử gia Nho giáo cũng cắt nghĩa bằng sức người, bằng nhân tài. “Có trời mà cũng có ta”, họ thường bảo như vậy.
Trong sách Nam sơn tùng thoại, thiên Nhậm sử, Nguyễn Đức Đạt nói về vai trò quyết định của người tài như sau: “Vua Thành Thang không được ông Sần Chi (Y Doãn) thì không nên nghiệp vương. Việt Tử (Câu Tiễn) không được ông Kế Nhiên (Phạm Lãi) thì không nên nghiệp bá”.
Nhân tài quan trọng như thế, nhưng kẻ sĩ ít ỏi và khó kiếm: “Trong khu vực ngàn dặm mới có một kẻ sĩ”. Nhiều, không nghĩa lý gì. “Vì vô dụng hơn nhiều”. Hoàng Yết, tướng nước Sở có 3.000 khách mà bị giặc giết, Điền Hoành (vua nước Tề) có 500 đồ đảng mà không giải được nguy. Vậy, số đông không quyết định, cái quyết định là người tài cao.
Tự Đức (năm thứ 30) có nói với quần thần rằng: “Nước Thục là một nước nhỏ ở một góc, có Võ hầu thì yên, không có Võ hầu thì nguy. Vậy thì an hay nguy không quan hệ ở nước lớn nhỏ mà chỉ do người thế nào đó thôi” (Đại Nam thực lục chính biên). Ở đây “người”, không phải là quần chúng nhân dân mà là vua quan, quan ở triều đình cũng như quan hàng ở tỉnh. Đạo đức càng tốt thì tác dụng càng tích cực. Vua Nguyễn hàng chục lần nói: muốn chuyển tai biến thành điểm lành, duy chỉ có biết chọn người, dùng người và biết cách an dân là việc cần kíp nhất. Quan kính trời, trung vua, thường thì ân huệ của triều đình thấm tới dân chúng, cảm hóa được trời đất, sinh khí hòa, mùa màng tốt, bá tính an cư lạc nghiệp. Chữ “tài” chủ yếu nghĩa là “có đức”. Các quan ở tỉnh huyện mà còn quan trọng như thế thì quan ở triều đình càng quan trọng hơn, có tác dụng quyết định đối với sự còn mất, hưng phế của một chế độ. Cho nên, theo phương châm “thượng hiền” có từ thời Khổng Tử, trách nhiệm của nhà vua là nuôi chọn và dùng nhân tài: “Đời há thiếu gì người tài, chỉ sợ chưa tìm thấy đó thôi. Trước kia, Bách Lý Hề nếu không gặp Công Tôn thì lẩn quẩn chăn trâu. Gia Cát Lượng nếu không vì Thủy Kính thì một đời ở chốn thảo lư” (Tự Đức năm thứ 12). Nước đã được Bách Lý Hề, Gia Cát Lượng thì nguy trở thành an. An nguy của một nước được định đoạt bởi nước ấy có hay không có nhân tài.
Cái sai của các vua Nguyễn và sử thần của họ không phải ở chỗ khẳng định vai trò vai trò quan trọng của nhân tài, mà ở chỗ khẳng định rằng việc có hay không có nhân tài là sự quyết định tồn vong, thịnh hay suy của một chế độ, một triều đại, không còn phải đi tìm sâu hơn nữa. Nếu khi nào nhân tài sẵn đó mà sự nghiệp không thành, nghĩa là nhân tài không quyết định nổi sự an nguy thành bại, vì như Gia Cát Võ hầu như tài cao mà không cử nổi vạc Hán như Hàn Tín, Tiêu Hà mấy trăm năm trước, thì khi ấy họ quay về với Trời, mệnh trời, đạo Trời và may rủi! Cái sai của vua tôi Tự Đức còn ở chỗ nghĩ rằng: “Đời há thiếu người tài, chỉ sợ chưa tìm thấy đó thôi”. Nào phải như vậy!. Đã biết thời thế tạo anh hùng nhưng không phải thời thế nào cũng tạo ra anh hùng: một chế độ hung tàn mấy khi mà sinh anh hùng quay ngược nổi bánh xe lịch sử, chỉ có phía đối lập với chế độ suy tàn đó, phía đang lên, mới dễ sinh ra anh hùng đẩy mạnh lịch sử tới trước. Nhiều thời thế yêu cầu cấp bách có anh hùng xuất chúng mà anh hùng vẫn vắng mặt như sao buổi trưa.
Cương mục cho rằng chế độ nhà Trần sở dĩ tiêu vong là vì vua Trần, cụ thể là Trần Dụ Tông bất tài, bất đức, bất kính. Sách đó cắt nghĩa sự suy sụp đổ nát của nhà Trần bằng lời phê phán sau đây của Ngô Thì Sĩ mà sử thần nhà Nguyễn tán dương: “Tháng 8 đã là mùa không có sấm, thế mà ở đây tháng 9 hãy còn sét đánh và sét đánh có phải một chỗ đâu, thực là một sự lạ lắm. Trần Dụ Tông lên ngôi đến đây mới 16 năm đã có 6 lần nhật thực, 3 lần thủy tai, một số lần sâu cắn lúa, lại luôn năm mất mùa đói kém. Đến đây, từ mùa xuân đến mùa thu, nào núi lở, nào đất động, không tháng nào không tai biến. Ý chừng trời phạt tội đại ác, đại dâm, răm mầm biếng nhác chính sự. Thế mà cha con vua tôi vẫn cứ nhơn nhơn không hề lo âu. Kẻ trên thì không thật lòng xét mình, kẻ dưới không có mưu chước gì để cứu đời giúp nước, coi thường điềm Trời mà không biết sợ, khinh bỏ việc người mà không lo toan. Qua năm sau, Trần Minh Tông mất. Dụ Tông rông rở chơi bời, giặc cướp từng đàn nổi lên, xuôi nân vận hội không thịnh đạt nữa, rồi ngôi báu nhà Trần suýt mất về tay họ Dương. Đạo Trời có xa đâu”.
Đoạn bình sử nói “đạo Trời”, “tai dị”, nhưng chính thực là nói vua bất tài, bất đức, bất kính đó vậy.
Nói cho đúng, từ thế kỷ 19 trở về trước, khoa học lịch sử chưa xau16t hiện hay là còn rất non nớt, mới có nghề biên niên là chính, tích tụ tư liệu lịch sử, bình luận đạo đức về chính sự, thì làm sao mà cắt nghĩa nổi sự thịnh suy của một triều đại, làm sao hiểu nổi lý do chính xác và sâu xa, cắt nghĩa sự thay đổi các triều đại trong thời phong kiến dài đằng đẵng?.
Gặp khi nhà cầm quyền đã vô đạo lại chẳng có tài ba gì mà triều đại và quyền bính của họ kéo dài vài trăm năm, bất chấp vô số những tai dị, như trường hợp vau Lê – chúa Trịnh, thì các sử thần và Tự Đức nói năng rất lúng túng. Cho rằng Cương mục có lời phê rằng: “Nhà Lê từ Thái Tổ sáng lập cơ nghiệp, truyền nối chưa được mấy đời, chỉ có đời Thánh Tông được kể là rất thịnh trị, còn mấy vua khác đều mờ tối, ươn hèn, không đáng đếm xỉa. Từ khi trung hưng về sau, chính quyền về cả trong tay họ Trịnh, mà nhà Lê chỉ còn có tiếng suông. Lúc khai sáng thì chính đại và gian nan như vậy, đến sau truyền ngôi thì rối ren còi cõm như kia, không biết việc báo ứng như thế nào nhỉ?”.
Đó là câu hỏi của Tự Đức, nói lên cái lúng túng của các sử thần. Có điều là vua “mờ tối ươn hèn” như thế, chúa “vô đạo, gian ác” như thế, mà sao chế độ Lê – Trịnh lại dài đằng đẵng hai ba thế kỷ như thế?. Thầy trò Tự Đức giải thích về phần vua Lê rằng: “Do tổ tông nhân hậu lập quốc, ân đức lưu truyền, nếu không do đó thì sao được như vậy”, tức là cắt nghĩa lịch sử chính trị bằng cái vốn đạo đức luân lý. Còn về phần chúa Trịnh thì Cương mục viết: “Từ trước đến nay, trong nước mà có quyền thần chân chính, thì không đầy vài đời, kẻ quyền thần cướp lấy ngôi sao chưa từng có bao giờ lại như nhà Lê, nhà Trịnh hai bên cứ song song nhau từ trước đến sau như thế… Có lẽ kẻ kia mắt trông thấy nhà Mạc không thể giữ ngôi vua được lâu dài nên rất lấy làm răn sợ. Tuy chưa xưng tôn hiệu nhà vua mà quyền bính hiệu lệnh trong nước đều tóm thu hết trong tay, như thế cũng đã mãn nguyện rồi, còn muốn gì nữa!. Tục truyền câu “thờ Phật ăn oản” cũng không ngoài sự xét đoán về thâm tâm họ Trịnh”.
Nhưng, dường như các nhà làm sử không được thỏa mãn lắm với cách giải thích đó, cho nên, tiếp theo, Cương mục lại có đoạn: “Kể từ khi nhà Lê suy yếu, tự mình không phấn chấn lên được, họ Trịnh đời này qua đời khác làm mãi những sự hung bạo, nhiều lần ròng rỡ lấn hiếp, nhưng cuối cùng cũng không chiếm lấy ngôi vua, để nhà Lê vẫn được truyền đời lâu dài đến hơn 200 năm, có lẽ cũng do ở trong Nam các thánh vương triều ta gây dựng cơ sở, nêu cao nhân nghĩa, tiếng tăm thiêng liêng vang mọi khắp nơi, có đủ sức làm tiêu tan tấm lòng ngấp nghé của họ Trịnh, nên họ Trịnh mới sợ mà không dám làm sự thoán đoạt đó thôi”. Lần này thì Quốc sử quán đã dùng sử để giải thích sử, cho nên có tiếp cận với chân lý khách quan. Nhưng, loại giải thích sử như thế này rất ít thấy trong Cương mục cũng như trong Thực lục.
Tất nhiên không phải chúng ta ngày nay là những người phủ nhận vai trò cá nhân trong lịch sử. Vai trò ấy quan trọng lắm chớ. Nhưng vấn đề là còn ở chỗ hiểu vậy điều kiện nào đã cho phép nhân tài xuất hiện, vấn đề còn là ở chỗ sự nổ lực và tài nghệ của nhân tài phải có những điều kiện gì mới được hiệu nghiệm, bằng không thì anh hùng cứ phải “ân hận” thôi. Lãnh tụ là quan trọng, quan trọng hơn hết là quần chúng nhân dân – người chủ yếu làm ra lịch sử. Các nhà làm sử từ thời Tự Đức trở về trước không ai có ý kiến gì về tác động cơ bản của kinh tế, về tác động của đấu tranh giữa các giai cấp, tập đoàn xã hội, về tác động của sức mạnh quần chúng nhân dân… Tuy cũng có những sử gia như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú chú ý biên chéo chế độ kinh tế, chế độ xã hội, chế độ pháp luật, biến đổi chính trị v.v… một cách ít nhiều có hệ thông, tuy cũng có lúc trong triều ngoài dân có một số nhà làm sử vì lý do này hay vì lẽ khác đã chú ý biên chép nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân (ấy là trường hợp của bộ Hoàng Lê nhất thống chí). Từ thế kỷ 19 trở về trước, lịch sử viết được quan niệm là lịch sử của các nhà (nhà Nguyễn, nhà Trịnh, nhà Lê) chớ không phải của nước, ấy là lịch sử của vua chúa, tướng soái, nhân vật, thần thánh, chớ không phải của quần chúng nhân dân, của dân tộc, của các dân tộc hợp thành quốc gia. Theo các nhà Nho, các sử gia ngày nọ, nhân dân chỉ là đối tượng “chăn nuôi” của vua, là những con tốt trên bàn cờ, luôn luôn là dành để khoét đẽo, bóc lột. Nhân dân chưa hề được quan niệm như người làm ra mọi sự giàu có vật chất và văn hóa, mọi sức mạnh cứu nước, chưa hề được quan niệm là nền tảng, là động lực của lịch sử. Lịch sử quan lúc đó chỉ có hạn chế trong vòng những nguyên lý Nho giáo về thiên đạo và nhân đạo. Viết sử chưa thành một khoa học. Sử viết chưa mang được tính chất lịch sử đầy đủ của nó. Mong rằng trong tương lai, nhờ sự phát hiện những sách cũ của ông cha để lại, ta có thể tìm thấy nhiều quan điểm và nguyên lý khác, tiến bộ hơn về lịch sử, so với những điều chúng ta vừa kể bên trên về quan niệm lịch sử của Nho gia, quan niệm của Nho gia về lịch sử ăn khớp một cách rất hoàn toàn với quan niệm của họ về thiên đạo, về thế giới.
3. Tư tưởng chủ đạo của những người viết sử
Bây giờ chúng ta hãy xem những sử quan ở triều đình Huế đã viết nhằm mục đích nào, viết theo những phương châm tư tưởng và trên cơ sở đạo lý nào?
a. Lịch sử được quan niệm là tấm gương cho người đời từ vua đến dân đều soi vào. Người viết sử là người mài lau gương ấy
Kinh Xuân thu là bộ sử do chính tay Khổng Tử biên soạn. Sách Luận ngữ là những lời vàng ngọc của Phu Tử mà môn đồ ghi chép lại. Xuân thu, theo nhận xét chính thức của Nho giáo các đời sau, không phải chỉ là một bộ sách sử biên niên thường tình. Mạnh Tử nhận xét rằng: Kinh Thi hết thì kinh Xuân thu mới làm ra, Khổng Tử có ý mượn việc nước Lỗ, nước Tấn… để gián tiếp nêu lên tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của mình. Nói một cách khác, kinh Xuân thu không cốt ở chỗ ghi chép sự việc đã xảy ra, sự tích người đã sống, mà cốt ở chỗ nhận xét sự việc, đánh giá con người, trình bày bằng thực tế lịch sử những quan điểm đạo đức và chính trị của Nho giáo. Đời sau, bàn về tầm quan trọng của kinh Xuân thu, có người sẽ nói rằng: một chữ khen (trong đó) thì vinh hơn áo cổn vua ban, một chữ chê thì nhục hơn tội búa rìu! Chủ đích của Khổng Tử khi biên soạn Xuân thu là chính danh, định phận, là đả phá những việc những kẻ trái đạo lý. Dĩ nhiên, đạo lý ở đây là đạo lý Nho giáo mà Khổng Tử là một vị thầy.
Kinh Xuân thu như thế, trở thành một “tấm gương”.
Tương truyền, ngày xưa những người trung nghĩa thường là những người chuyên trị kinh Xuân thu.
Một số khá lớn các nhà viết sử theo mạch Nho giáo thường lấy kinh Xuân thu làm một mẫu mực: cũng biên niên, cũng theo đạo lý Nho giáo mà nhận xét sự việc, đánh giá nhân vật, và tùy theo sự nhận xét, đánh giá đó mà có cách ghi chép thích đáng, cách ghi chép biểu hiện sự đánh giá. Tất nhiên rằng kinh Xuân thu không phải được mọi sử gia rập theo. Trung Quốc xưa, Tư Mã Thiên viết sử theo lối khác, hay hơn, lôi cuốn người đọc, thỏa mãn người nghiên cứu. Việt-nam thế kỷ 19, Phan Huy Chú làm sử theo lối “loại chí” khá hấp dẫn, có ít nhiều tính tổng hợp. Dù sao, truyền thống sử học Nho giáo nói chung là theo kinh Xuân thu. Được xem như hoàn chỉnh nhất trong đường lối này là bộ Thông giám cương mục của Chu Hy. “Giám”, định là gương. Bộ sử chủ yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ý định “treo gương”, “mài gương” rất là rõ.
Chỉ dụ 1 của Tự Đức về việc soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đoạn xác định rằng: “Gần đây, việc học quốc sử chưa có mệnh lệnh bắt phải gia công, cho nên học trò đọc sách hoặc làm văn, chỉ biết có sử Trung Quốc, ít người đoái hoài đến sử nước ta! Việc đời cổ đã lờ mờ, lấy gì làm kinh nghiệm cho việc đời nay? Ở Trung Quốc, về đời Xuân thu, có những câu: “Tịch Đàm làm mất tổ tiên”, “Bá Lỗ sẽ phải suy tàn”, những câu nói ấy chính là bệnh thông thường của học giả ngày nay. Đạo học sở dĩ chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng phải vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”. Xác định như thế là đúng.
Tịch Đàm là kẻ đáng xấu hổ vì người ta hỏi về tổ tiên của hắn thì hắn không biết gì hết. Bá Lỗ là tên tiêu biểu cho cái ý nói rằng người không học thì như cây không bón, tất phải tàn. Học gì để biết tổ tiên, để tươi tốt mãi như cây có chăm bón? Ấy là học sử, học quốc sử vậy. Chép sử là nhằm làm sao để không quên mất dĩ vãng của tổ tiên, lấy đó mà học tập, mà soi gương, mà bồi dưỡng, làm kinh nghiệm cho đời này và cho đời sau. Vì vậy chép quốc sử trở thành nhiệm vụ trọng đại.
Chỉ dụ 2 có đoạn nói: “Việc làm sử là việc rất lớn trong nước, vì rằng phải kê cứu việc đời xưa, chép thành sử, vừa quan hệ bởi sự làm gương soi chung, vừa ngụ ý khuyên răn. Cho nên về phần nghĩa lý và thể lệ, phải tinh tường mà xác đáng, việc nên ghi chép hay bớt đi, phải nghiêm chỉnh và công bằng”. Vậy, chẳng những sử gia có quyền hạn chép hay không chép, bớt chỗ xem là thừa, thêm chỗ xem là thiếu và đính chính chỗ xem là sai lầm, mà lại còn có nhiệm vụ khen hay chê, đánh giá cao hay thấp. Tất nhiên, các ý kiến của sử thần cuối cùng phải phù hợp với ý kiến của nhà vua. Tự Đức kiểm soát một cách rất nghiêm mật và gần gũi.
Sử khâm định phải nêu gương đã đành, mà sử không khâm định cũng được quan niệm treo gương. Cho nên sách Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái xác định rằng:
Phế hưng đổi mấy cuộc cờ,
Thị phi chép để đến giờ làm gương.
Riêng Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí thì không nhấn mạnh vào tính chất làm gương, vào sự ghi chép thị phi của lịch sử, mà nhấn mạnh vào mục tiêu mở rộng kiến thức để người đọc tự tìm ra lẽ phải. Bài tựa của Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn viết: “Văn, tức là lẽ phải của sự vật xưa nay, cốt yếu của điển lễ nhà nước. Kẻ học giả ngoài việc đọc kinh sử, còn cần phải xét hỏi sâu rộng, tìm kiếm xa gần, khảo cứu để định lấy lẽ phải, thế mới đáng là người học rộng. Có phải chỉ nhặt lấy từng câu, từng đoạn, nặn ra thành lời văn hoa mà gọi là văn đâu”! Không phải là nhà sử học, họ Phan không đánh giá. Không chê khen. Có chứ. Xem các đoạn, nhất là đoạn nhân vật chí thì thấy ông có làm việc ấy, nhưng làm có chừng mực, một mực chừng có thể cho phép ông gần khách quan, ít sa vào chủ quan lệch lạc, và cho phép ông giữ vị trí người làm sử mà không rơi vào thái độ trịch thượng của những kẻ cố làm ông thầy đạo đức, ông tòa đạo đức.
Xét đến cùng thì ý kiến cho rằng làm sử là mài gương, lau gương, treo gương, không phải là sai lầm. Có kinh nghiệm nào phong phú bằng, có gương nào đa diện bằng kinh nghiệm và tấm gương lịch sử ngàn đời? Vấn đề ở chỗ nhà làm sử phải có lịch sử quan chính xác, một khoa học lịch sử vững chắc, một lập trường yêu nước vì dân chân thành, thì sẽ ghi chép và giải thích lịch sử một cách đúng đắn, kinh nghiệm lịch sử rút ra được mới bổ ích, gương lịch sử treo lên mới trong sáng. Còn tấm gương mà vua Tự Đức và các sử thần nhà Nguyễn đề nghị cho chúng ta qua những bộ sử đồ sộ như Cương mục, Thực lục v.v… đều là những tấm gương méo mó, mờ nhạt, cần phải dồi mài mới dùng được.
b. Điều quan trọng nhất trong công việc làm sử “không gì hơn là làm tỏ rõ được chính thống”
“Không gì hơn là làm tỏ rõ được chính thống”. Đó là phương châm làm sử số một mà nhà vua chỉ thị và các sử thần đều phải tuyệt đối tuân theo. Mà đây là một trong số những nguyên nhân chủ yếu khiến tấm gương lịch sử của họ mài ra, treo lên, trở thành méo mó, mờ nhạt. Chính thống là cái gì mà quan trọng như vậy? Chính thống theo quốc sử quán là:
– Triều đại phải là của người bản quốc, không phải của người nước ngoài, đất nước phải là độc lập tự chủ, không thuộc vào địa bàn thống trị của nước khác, người cầm quyền nước ta không xưng thần với ngoại bang. Điều này thì rõ ràng là đúng. Nhưng khi ứng dụng vào thực tế lịch sử thì có mấy chỗ khó. Các sử thần thời Nguyễn nhận thức đúng rằng Triệu Đà không phải là vua nước ta mà là vua nước Nam Việt đã thôn tính nước ta, nhưng họ vì thiếu sử liệu mà ngỡ rằng Thục An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, mặc dầu đóng đô ở Cổ Loa cũng không được xem là chính thống. Còn một chỗ khó nữa là các triều đại Việt-nam phần nhiều phải cống nạp cho phong kiến Trung Quốc và thụ phong của hoàng đế Bắc phương, nhà Nguyễn cũng không ngoại lệ, thì sử thần triều Nguyễn tính sao đây?
– Đất nước phải quy về một mối chớ không chia rẽ, phải là thống nhất, chớ không phân năm xẻ bảy. Cứ theo đó thì các sử thần triều Nguyễn cho rằng từ Ngô Quyền cho đến 12 sứ quân không được liệt vào chính thống. Tuy vậy, chính thống bắt đầu từ Hùng Vương, vua nước văn Lang. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong 12 sứ quân thì khi ấy mới là “chính thống nối tiếp quốc thống của Hùng Vương”. Nguyên tắc cả lãnh thổ quy về một mối đề ra cho nghĩa chính thống thì dễ hiểu, nhưng nếu vậy thì mấy trăm năm Trịnh-Nguyễn xung đột, Nam-Bắc phân tranh, nhà Lê gữ hư quyền, thì có chính thống hay không? Triều Nguyễn mất Nam Kỳ lục tỉnh còn chính thống hay mất? Ngô quyền khai sinh lại cho đất nước thì sao mà không chính thống?
– Độc lập phải đủ lâu dài để xây dựng lên một chính thể tự chủ có quy mô. Cho nên các sử thần nhà Nguyễn không công nhận Trưng Vương, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, nhà Hậu Trần là chính thống. Có nghe được hay không? Chưa nói đến triều Tây Sơn.
– Triều đại thành lập có chính nghĩa. Cho nên, một tấu nghị của các sử thần lĩnh trách nhiệm làm Cương mục có nhận định rằng: “Lê Đại Hành là bầy tôi triều Đinh, nhân lúc Đinh Toàn suy yếu mà cướp lấy ngôi vua, truyền đến Ngọa Triều lại càng bạo ngược. Nói về việc lấy được nước thì hành vi của Lê Đại Hành cũng giống như Vương Mãng, Tào Tháo. Sách Cương mục tục biên đã liệt Vương Mãng, Tào Tháo vào hạng loạn thần tặc tử, thế mà sử cũ của ta lại còn chép Lê Đại Hành vào chính thống, như thế thì còn lấy gì phân biệt được người chính người tà mà làm gương răn đời sau nữa”? Nhưng không phải dễ gạt Lê Hoàn ra khỏi chính thống. Đánh bại quân ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự chủ cho nước nhà, nếu không được đánh giá là chính thống thì ai mới chính thống? Các sử thần chia làm hai phe tranh cãi nhau, rốt cuộc không gạt Lê Hoàn ra được vì triều vua Đại Hành “ngoài thì chống giặc mạnh, trong thì giữ vững biên cương, có công duy trì được quốc thống”. Cuộc thảo luận này chứng tỏ rằng trong đám sử thần nhà Nguyễn có một số bám sát tiêu chuẩn cứu quốc để đánh giá triều đại, xem đó là nặng hơn việc có tiếm đoạt hay không có tiếm đoạt ở trong nội bộ nước nhà. Chắc là Quốc sử quán nhà Nguyễn thấy các khó khăn này: nếu trả lại nghĩa chính thống cho Lê Hoàn thì sao lại không chịu rằng Tây Sơn cũng là chính thống, bởi vì Nguyễn Huệ ngoài thì đánh bại giặc Xiêm và giặc Thanh, trong thì có công thống nhất đất nước sau hơn 200 năm rẽ phân Nam-Bắc, nếu sự nghiệp cứu quốc như thế mà không phải chính thống thì những kẻ mượn quân ngoại quốc về đánh dân nhà để ngôi lên là chính thống hay sao? Lẽ tất nhiên các sử thần nhà Nguyễn ăn cây nào rào cây ấy, không dám đặt vấn đề này.
Nếu nghĩa “chính thống” chỉ bao gồm nguyên tắc độc lập, thống nhất thì chắc không ai không đồng ý rằng “làm sử, điều quan trọng nhất là làm tỏ rõ được lẽ chính thống”. Nhưng khái niệm “chính thống” của vua Nguyễn và sử thần Nguyễn lại nhằm chống lại các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, nhằm bảo vệ chủ nghĩa trung quân mù quáng, cho nên nó trở thành cố chấp, hẹp hòi, cho đến sai lạc nguy hiểm nữa. Bị hướng dẫn bởi một tư tưởng chủ đạo sai lầm, các sử thần nhà Nguyễn đã có những lúc đi ngược lại với tinh thần dân tộc, đi ngược lại với danh dự quốc gia, đi ngược lại với sự thật lịch sử khi phải nhận xét về Nguyễn Huệ, Lê Hoàn, Triệu Quang Phục, Lý Bôn, Hai Bà Trưng. Xét cho cùng thì tư tưởng “chính thống” này chẳng những rập khuôn theo sử học Nho giáo Bắc phương mà còn đượm màu phản động thuộc bản chất của chế độ Nguyễn. Dưới triều vua Nguyễn nói “chính thống” là nói đứng về lập trường nhà Nguyễn, quyền lợi nhà Nguyễn mà soạn sử, soạn sử là để đề cao một cách trực tiếp (Thực lục) hoặc gián tiếp (Cương mục).
Sự thật vô cùng phong phú của lịch sử đâu dễ bị nhét gọn vào cái giỏ chính thống đan sẵn của thầy trò Tự Đức. Cuộc tranh luận về Lê Hoàn, thực tế cũng là cuộc tranh luận về Nguyễn Huệ. Lê Hoàn được nhiều người tán thành xếp vào chính thống, vô hình trung tức là Nguyễn Huệ được tán thành xếp vào chính thống. Trong triều thì tiếng nói đó phải là gián tiếp, yếu ớt, chớ không thành hàng ngũ nhà nho các tỉnh thì người ta bạo miệng hơn: Đặng Xuân Bảng đòi phải xét lại vai trò của Tây Sơn trong lịch sử cho đúng đắn. Ngược lại cũng lắm trí giả, đặc biệt là ở Bắc Hà hỏi rằng khi mới ra Bắc, Nguyễn Ánh hứa lập lại nhà Lê, nhưng khi đánh bại quân Tây Sơn xong rồi, không giữ lời hứa mà tóm thu cả thiên hạ về tay Nguyễn, vậy thì Nguyễn có đúng nghĩa “chính thống” hay không? Bị chất vấn, Gia Long phải trả lời liều mạng rằng: “Ta lấy thiên hạ của Tây Sơn, đâu phải thiên hạ của nhà Lê”! Vả chăng, nếu biết nhà Trần lấy ngôi của nhà Lý như thế nào, nếu biết Lê Lợi trước đã suy tôn người họ Trần rồi sau lại thủ tiêu đi, nếu chú trọng vào những việc “cương thường” đó là xem nhẹ tiêu chuẩn cứu quốc, thì việc xếp Trần, Lê vào “chính thống” cũng còn là vấn đề, mà Trần, Lê không được “chính thống” thì còn ai? Lẽ “chính thống” rốt cùng là một khối đá trên vai, là những cuộn thừng dưới chân của các học giả trong Quốc sử quán. Nó cản trở hơn là hướng dẫn. Cái tư tưởng có khả năng hướng dẫn tốt cho các nhà làm sử lúc ấy hẳn không phải là lẽ “chính thống” mà là tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Còn một mặt khác của vấn đề “chính thống”, của lẽ chính thống. Ấy là việc đánh giá các cuộc “nổi dậy” chống nhà cầm quyền. Các sử thần nhà Nguyễn không để ngang hàng tất cả các cuộc nổi dậy. Có “thuận” và có “nghịch”, có cuộc bị xem là “giặc” là “làm phản”, mà có cuộc khác thì không phải như vậy. Ví như, về cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc ở Thanh Hóa (1738), thì sử thần nhà Nguyễn có lời cẩn án rằng: họ Trịnh bạo ngược giết vua, cho nên những người cầm vũ khí nổi dậy chống Trịnh không thể bị xem là “làm phản”, sử thần đề nghị nên dùng chữ “khởi binh” để chép việc ấy. Hễ vì việc nghĩa là nổi lên thì chép là “khởi binh”. Còn người nào nổi lên tuy không phải vì việc nghĩa (phò vua) nhưng mà người cùng họ đối nghịch thì lại bạo ngược, thì chép là “binh khởi”, như vụ Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Khắc Oanh (ở Hải Dương) nổi lên chống Trịnh Giang. (Chu Tử cũng dùng chữ “binh khởi” để chép việc quan Xích Mi (Phàn Sùng) cuối thời Vương Mãng). Sử thần thời Lê-Trịnh thì dùng chữ “giặc”, “làm phản” để nói tới Lê Duy Mật, Nguyễn Tuyển. Làm như vậy không phải các sử thần nhà Nguyễn hơn gì các sử thần Lê, Trịnh. Bởi vì, đến khi họ chép các cuộc nổi dậy của Cao Bá Quát, của Đoàn Hữu Trưng, của Trần Tấn thì họ đều gọi là “giặc”, là “phản” cả. Ở đây, lẽ “chính thống” rốt cùng là tư tưởng trung quân mù quáng chớ không phải là một sự cố gắng để đánh giá lại các phong trào nổi dậy của nhân dân.
c. Theo tiêu chuẩn cương thường Nho giáo để nhận xét sự việc và đánh giá con người
Đọc các lời cẩn án của sử thần, lời phê của Tự Đức, lời bàn của Ngô Thì Sĩ, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên v.v… được nêu trong Cương mục, người ta thấy rằng nhận định của các sử gia và nhà vua thường chỉ xoay quanh những lẽ cương thường chớ không có gì lạ, không có gì sâu. Ít, rất ít thấy phê phán về đường lối chính sách lớn mà luôn luôn thấy nhận xét những chuyện lặt vặt như:
– Lê Văn Hưu phê phán Đinh Tiên Hoàng: “Không kê cứu cổ học, lập một lúc năm bà hoàng hậu, rồi Tiền Lê, Lý sẽ noi theo đó”.
– Ngô Thì Sĩ phê phán Lê Đại Hành: “Đại Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ để đặt cho vợ mình, thật là không kiêng nể gì nữa, sử sách ghi chép để cười ngàn thu”.
– Tự Đức phê phán việc vua Lý giao cho bà cung phi trông coi việc nước để tự mình làm tướng đi đánh Chiêm Thành: “Bấy giờ há lại không có đại thần để cho ở lại giữ nước hay sao mà để đến đàn bà can dự chính sự”?
– Phan Chu Tiên phê phán họ Trần: “Đó là tam cương luân lý trọng đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng lẽ phải lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chẳng phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái dâm loạn ấy hay sao? Trần Liễu khởi loạn chính là do ở Thái Tông gây nên. Có người nói: Thái Tông không giết anh, thế là người có nhân. Thử hỏi không giết anh mà cướp lấy chị dâu, như thế có thể bảo là nhân không?”.
– Sử quan nhà Nguyễn chê Trần Nguyên Đán là bất trung vì ông này “đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất cứ bỏ mặc, đi về trí sĩ ở Côn Sơn”. Tự Đức khen lời phê của đám sử thần là có ngòi bút nghiêm túc “trội hơn sử cũ nhiều lắm”.
– Lê Thái Tổ trọng dụng những công thần như Lê Sát v.v… vì họ được tín nhiệm bởi công khai quốc, thì Tự Đức bảo: “Lê Thái Tổ là bậc hiền triết sáng suốt cẩn thận trong việc lựa chọn tôi hiền để giúp vua nhỏ, thế mà lại dùng bọn Lê Sát là những kẻ vô học, chẳng biết chính thuật là gì”.
– Vua Nghệ Tông chết, ngày mất và ngày táng cùng một tháng. Cho nên sử thần Nguyễn có lời cẩn án rằng: “hoặc thất lễ, hoặc sử cũ chép sai”.
– Trịnh Tạc vào chầu vua Lê, đã không lạy, lại đặt chỗ ngồi bên tả chỗ ngồi của vua. Sử thần cẩn án: “Theo lễ thì bầy tôi không được vượt chế độ, ai vượt chế độ thì người ấy không còn biết đến người trên mình nữa, tội không còn gì lớn hơn”.
Không phải tốn nhiều công lắm mới chọn lọc được, mới tìm ra được những lời phê bình, cẩn án loại vừa nói trên. Phần lớn những lời phê bình, cẩn án, bàn luận trong Cương mục đều thuộc vào loại đó, sự kiện thì vụn vặt, ý kiến thì nông cạn nhỏ nhặt, luôn luôn theo luân thường Nho giáo hẹp hòi để nhận xét sự việc, đáng giá con người.
Nhà làm sử, nhà bình sử đi xa quá trong luân lý đạo đức. Nếu thu lịch sử vào phạm vi luân lý đạo đức thì còn đâu lịch sử nữa? Đáng phiền là sử gia đeo mắt kính luân lý đạo đức Nho giáo để xem xét sự kiện lịch sử, cái gì hoặc đúng hoặc trái luân lý đạo đức thì mới nêu lên, còn bao nhiêu điều diễn biến khách quan rất quan trọng của lịch sử mà sử gia cho rằng không có giá trị luân lý đạo đức trực tiếp hay gián tiếp thì dễ bị xem thường, dễ bị bớt đi.
d. Tư tưởng yêu nước và tự hào dân tộc đã đóng một vai trò đáng kể tuy không nhất quán
Các vua Nguyễn hết sức chú ý đến hoạt động văn hóa nhằm đề cao triều đại mình, đề cao bản thân nhà vua. Sử là một phương tiện lớn để làm việc đề cao đó. Không phải chỉ có sử thần ở Quốc sử quán, những người làm sử ở ngoài Quốc sử quán cũng đều tán tụng triều Nguyễn. Họ thành thực tới mức nào, đó là một vấn đề khác. Bài mở đầu Đại Nam thực lục chính biên viết: “Thế Tổ cao Hoàng đế ta hợp tam linh mà mở quẻ bói, nhân ngũ vận mà chịu cơ đồ, nổi giận đánh giặc Tây Sơn, sấm sét vang lừng khoảng sông Giang, sông Hán. Công to nghiệp lớn, đã sáng nghiệp lại trung hưng, việc tốt tiếng hay, rạng tổ tiên, yên con cháu. Trị thống muôn năm khuôn phép, đầy dẫy mưu hay. Chính biên đệ nhất kỷ chép ghi lưu truyền tiếng đức. Là bởi trời thêm cõi rộng, từ Lạc Hùng trở lại, chưa từng nghe. Đời hưởng văn minh, khí số thịnh lên có từ đấy”.
Khen, tụng hết lời, quá mức như vậy, bỏ qua hằng hà sa số tội lớn trong đó có tội đối với dân tộc là rước quân Xiêm, quân Pháp về đánh dân nhà. Ở Quốc sử quán thời đầu mà tán kiểu đó thì còn hiểu được, đến lúc Pháp đã lấy Nam Kỳ rồi, triều Nguyễn đang tuột mau xuống hố diệt vong, mà các tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn cứ viết:
Ngàn năm gặp hội thăng bình,
Sao Khê sáng vẻ văn minh giữa trời.
thì mới đáng lấy làm lạ, làm buồn cho nhà cầm bút.
Cái tư tưởng không phù nhà Nguyễn, tâng bốc vua Nguyễn là như thế. Những cái tư tưởng xu nịnh đó không phải là tư tưởng duy nhất chi phối các nhà làm sử, đem lại hứng thú để họ viết ra những câu, những trang, những chương bất hủ. Bài tựa của Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn: “Nước Việt-nam ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần, phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến thời Lê, kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước, văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa”. Đó là tinh thần tự hào dân tộc, nó có thể là một kết luận rút ra từ sự nghiên cứu quốc sử. Ngay cả câu: “Việc làm sử là việc rất lớn trong nước” của Tự Đức, lời của vua Nguyễn nhắc chuyện Tự Đàm, Bá Lỗ, hẳn không phải là không có một ý nghĩa dân tộc nào.
Khi được kích thích tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc, thì sử gia làm được trăm việc hay, xác định được trăm điều đúng, tỉ dụ: có lẽ vì yêu nước và tự hào dân tộc chớ không phải vì đủ tư liệu lịch sử mà các nhà làm sử lúc này quả quyết đưa các vua Hùng nước Văn Lang vào chính thống chớ không phải bắt đầu chính thống từ Ngô Quyền hay Đinh Bộ Lĩnh. Trái lại, khi nào tư tưởng trung với Nguyễn ngự trị đầu óc nhà làm sử thì họ phạm những sai lầm lớn như hạt ớt trong con mắt, tỉ dụ rút trong Cương mục: Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện, nhà Thanh mượn cớ viện trợ để chinh phục nước ta. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh cho quân Thanh một trận tan tành, cả Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống đều chạy không dám ngó ngoái lại. Chiến công cứu nước hiển hách như vậy; nhưng vì đứng về “chính thống” Nguyễn, các sử thần viết Cương mục cắt nghĩa sự thất bại của quân Thanh bằng câu: tại vua Càn Long “ủy nhiệm người không được giỏi”! Như vậy, họ đứng ở phía bên Thanh mà nhận xét về cuộc kháng chiến của Hồ Quý Ly chống quân Minh cũng tương tự, họ không đứng về phía kháng chiến mà nhận xét, không đứng về phía dân tộc mà nhận xét. Thực tế họ đứng về phía quân Minh. Bởi vậy cho nên, không còn sáng suốt, họ dễ dàng lập lại nhà Trần má sáp nhập nước ta vào địa bàn nước Minh, không một lời cẩn án phê bình nào. Nhiệm vụ đúng lấy sai bỏ của sử gia để đâu? Cương mục dám viết: “Cha con Hồ Quý Ly bị bắt, nhà Minh hạ chiếu tìm con cháu nhà Trần lập làm vua. Quan lại và kỳ lão đều nói: họ Trần không còn người nào có thể thừa kế được. An Nam nguyên trước là Giao Châu, xin khôi phục lại chế độ quận huyện cho dân đổi mới. Bấy giờ nhà Minh bèn đổi An Nam làm Giao Chỉ”.
Sao vậy? – Họ sẵn trên mắt cặp kính “trung quân” “chính thống” để nhận xét Tây Sơn và Hồ Quý Ly, Tây Sơn lật đổ Nguyễn, Trịnh, Lê là thoán đạt. Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần là loạn thần. Lên án Tây Sơn và Hồ Quý Ly, họ ngã tuột qua phía quân xâm lược Thanh và Minh! Chính ở những chỗ đáng có lời “cẩn án”, phải tự hỏi vậy có lẽ nào kỳ lão Việt-nam lại xin sáp nhập nước Việt-nam vào nước Minh, thì sử thần không cẩn án lời nào. Trái lại họ phát lời cẩn án ở chỗ quân Lê Lợi đại thắng quân Vương Thông tại trận Tốt Động: Quốc sử lâu nay chép rằng quân ta ít, đánh tan quân địch đông hơn gấp mười lần, thì sử thần nhà Nguyễn viết: “Như vậy không khỏi có điều đáng ngờ”! Bản thân Tự Đức nhận định tập Lê kỷ về trận Tốt Động là “lời lẽ khoe khoang, không đủ tin là có chứng cớ chính xác được”. Trái lại, chuyện Nguyễn Ánh cưỡi sấu qua sông, gặp nước ngọt giữa biển, thì không có điều gì phải nghi ngờ! Rõ là một câu “tôn phù Nguyễn thất”, “làm rõ chính thống” đã hóa dại cả một đám sử thần không đến đỗi không có trí tuệ nào! Họ bị Tự Đức kiềm chế dữ quá, và cái Nho giáo hẹp hòi của họ lại còn kiềm chế họ nhiều hơn!
Trở về trên là vài tỉ dụ rút trong Cương mục và Thực lục để nói rằng ý thức tư tưởng phong kiến, lập trường phù Nguyễn chống Tây Sơn đã xô đẩy sử gia vào nhiều điều sai lầm tàn tệ. Lập trường, chỗ đứng là điều rất hệ trọng, đứng ở đâu thì nhìn sai, điều đó sử gia không dễ xem thường. Dù sao, bản thân việc xây dựng một bộ quốc sử có đầu đuôi vẫn là một việc lớn nằm trong ý thức tự hào dân tộc, đáp ứng với đòi hỏi thiết tha của mọi người yêu nước. Nguyễn Trường Tộ đã có lần nêu lên cho nhà vua một ý kiến chính xác: “… Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền từ khai sinh đến nay, đó là cái mà quan và dân chúng ta cần phải biết rõ để mà cảm kích, suy tôn, phấn khởi cố gắng cùng nhau giữ gìn… Nước ta về những triều đại trước, cũng có những bậc danh thần, họ đã làm gì đáng nêu lên làm gương, sao chẳng truyền tụng để người ta hưng khởi, mà lại ngày đêm luôn miệng kêu gọi những người Bắc quốc đã chết vài ngàn năm rồi…”? Cũng là tinh thần dân tộc, tư tưởng yêu nước khi họ quyết định theo một tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất là lấy việc xảy ra ở nước mình, lấy việc do người mình làm, lấy tính cách một nước độc lập tự do tự chủ để làm nền tảng cho quốc sử. Trên đã nói, chính vì tinh thần dân tộc mà các nhà làm sử đã lấy vua Hùng nước Văn Lang làm mồi chính thống khởi nguyên, xác định dân ta đã lập quốc từ thời rất xưa cách đây khoảng bốn nghìn năm. Rải rác trong Cương mục cũng có những lời phê đúng đắn như: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Hơn những bọn mày râu nam tử mà chịu khép nép làm tôi tớ cho người khác, chẳng mặt dày thẹn chết lắm ru!” Hay là: “Vua nhà Lê đã có tài như vua nhà Hán là Cao Tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán là Kỷ Tín. Ngàn năm bất hủ”.
Càng xa Quốc sử quán càng thấy tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc tự hào biểu hiện rõ ràng hơn. Đơn thương độc mã, ở nhà mình, trọn mười năm, khui hàng xe sách để viết xong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú phải là một người hết sức thiết tha với quá khứ và tương lai của Tổ quốc. Nhất là trong Nhân vật chí, Văn tịch chí, người đọc ngày nay như hãy còn cảm thấy hơi thở tự hào dân tộc ấm áp của nhà làm sử: “Nước Việt ta phong khí đã mở mang, khí tinh hoa đều họp lại. Trong khoảng đó, vua hiền chúa sáng kế tiếp nổi lên, danh khanh lương tá thường xuất hiện, danh tài tuấn kiệt đời đời đều có. Hoặc có người ghi công vào đỉnh vạc, hoặc có người lập công dưới lưỡi búa cờ mao, có người nổi tiếng ở làng văn, có người tỏ khí tiết trong cùng lúc, đều là những người có tài năng đáng chép, có công nghiệp danh vọng đáng khen, trên dưới một ngàn năm lần lượt xuất hiện”. Phải đặt Lịch triều hiến chương loại chí vào đầu thế kỷ 19 trong lúc ai ai đều sùng thượng văn hóa và lịch sử Bắc phương, số đông xem văn hóa, lịch sử nước nhà như không có gì hay đáng sánh với bên kia, mở miệng ra là đã kể hàng tràng tên tuổi thời Xuân Thu, Chiến Quốc, Hán, Đường, Tống, mà chẳng nói gì đến Việt-nam nhà, thì mới thấy hết tấm lòng, ý thức yêu nước của tác giả bộ sách này.
Tư tưởng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc đã tiếp sức cho các tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca, đăc biệt là khi họ nói về những cuốc chống ngoại xâm, sáng tác ra những vần thơ tràn đầy hùng khí, ngày nay đọc lại vẫn còn thấy sức dựng người. Bà Trưng khởi binh thì:
… Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là bá vương…
Được tư tưởng yêu nước mài sắc, ngòi bút sử gia tố cáo hùng hồn sự cướp bóc của quân Minh:
Người trí thức, kẻ tài danh
Nam Sơn đào độn, bắc đình cấu lưu
Thuế tô thuế thóc tham cầu
Mỏ vàng mỏ bạc trưng thâu cũng nhiều
Săn bạch tượng, hái hồ tiêu
Mò châu, cấm muối, lắm điều hại dân
Tư tưởng yêu nước tự hào dân tộc được khí thế chống ngoại xâm đẩy lên cao đến mức nhà làm sử đã dám ca tụng vũ công bất diệt của quan Tây Sơn kéo ra Bắc, mặc dù đó là điều tối kỵ với triều đình Nguyễn:
Ngọn cờ trỏ lối sơn pha
Hải Vân đồn trấn, đâu là chẳng tan?
Cánh buồm đè lớp cuồng lan
Cát dinh, Đông hải quân quan chạy dài…
d. Tư cách nhà làm sử. “Nam, Đổng” hay là “Khuyển, Ưng”?
Về tư cách của người làm sử, thì trong Cương mục, Tự Đức đã có lần phê bình những sử thần của chúa Trịnh như sau đây: “Sử cũ soạn hồi cuối Lê đều ra từ những Khuyển, Ưng của họ Trịnh, cố nhiên là có nhiều điều kiêng kị đối với họ Trịnh. Đó thật là những trang sử nhơ bẩn không thể tin được”. Ý muốn nói rằng sử chép thời Lê-Trịnh không tốt vì sử thần lúc đó là tay chân của chúa Trịnh, nịnh hót chúa Trịnh.
Vậy thì nhà chép sử phải có tư cách nào? Phải làm sao? Nhà vua chỉ dụ: phải tinh tường và xác đáng, nghiêm chỉnh và công bằng, “ghi chép thành một bộ tín sử lưu truyền vĩnh viễn”. Về tư cách người làm sử, Cương mục có chép một chuyện có ý nghĩa, chuyện Lê Thánh Tông hạ lệnh cho sử quan Lê Nghĩa dâng nhật lịnh: Nhà vua muốn xem quốc sử, sai trung quan đến viện Hàn lâm dụ bảo sử quan Lê Nghĩa rằng: “Ngày xưa Phòng Huyền Linh giữ chức sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay nhà ngươi so sánh với Huyền Linh, ai hơn?”.
Lê Nghĩa trả lời: “Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ (nơi ba anh em Lý Thế Dân giết nhau để tranh ngôi vua) người Huyền Linh không chép thẳng vì có lệnh vua Đường Thái Tông, rồi sau đó mới chép. Như thế, e rằng Huyền Linh chưa chắc đã giỏi”.
Trung quan nói: “Nhà vua muốn xem nhận lịch từ năm Quang Thuận thứ nhất đến nay”.
Nghĩa đáp: “Làm vua mà xem quốc sử, như việc Đường Thái Tông và Huyền Linh đã làm ngày trước, đời sau thường chê cười đấy”!
Trung quan bảo: “Nhà vua cho rằng xem nhật lịch là để biết trước kia có làm việc gì lầm lỗi thì nay có thể nhận xét để mà sửa chữa”.
Nghĩa nói: “Bệ hạ cố làm điều thiện mà thôi, hà tất phải xem quốc sử”.
Sau đó nhà vua sai quan dụ bảo hai ba lần nữa. Rốt cùng Nghĩa nói: “Nếu thánh thượng thực lòng biết đổi lỗi, ấy là hạnh phúc vô cùng cho xã tắc, thì dù việc dâng nhật lịch này không phải đã là can ngăn mà chính là can ngăn đấy”. Bèn dâng nhật lịch.
Cương mục có hai lời phê về việc này: một là lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng giống với Đường Thái Tông, nên mới đòi xem quốc sử, hai là Lê Nghĩa giữ đạo lý sử gia không vững.
Chúng ta ngày nay không phải bàn cãi lại những phong tục thể lệ thời phong kiến hơi kỳ lạ đối với ta. Chỉ biết rằng từ xưa đã có sự đòi hỏi sử quan phải vô tư, khách quan, khảng khái, không biến dở thành hay để nịnh nọt, không uốn ngòi bút theo ý vua chúa. Ngày xưa, ở Bắc phương, sử quan mà nổi tiếng có tư cách ngay thẳng thì có Nam Sử Thị nước Tề, Đổng Hồ nước Tấn. Còn như Huyền Linh ở thời Đường, Lê Nghĩa ở thời Lê, đều là những sử quan không giữ vững “đạo lý” của nhà làm sử. Các nhà Nho, các nhà biên sử đều hiểu như thế.
Nói thì nói vậy, chớ sử thần nhà Nguyễn có giữ vững đạo lý sử gia đâu! Họ có phải là Nam, Đổng đâu. Họ cũng giống y như sử thần nhà Trịnh. Ăn cây nào rào cây ấy. Họ là tôi nhà Nguyễn thì chỉ biết tung hô vua Nguyễn. Nếu đó là tính “Khuyển, Ưng” – theo chữ của Tự Đức – thì tính Khuyển, Ưng biểu lộ hầu khắp nơi. Bên trên ta đã biết một số ý kiến thiển cận, phản dân tộc của Tự Đức và của sử thần, vậy mà, trong Việt sử cương giám khảo lược, nhà Nho Nguyễn Thông – mà không ai nghi ngờ lòng yêu nước – đã tán dương một cách mù quáng như sau đây: “… Bút pháp nghiêm cẩn, lượm lấy hoặc gạt bỏ một sự kiện lịch sử nào cũng đều xem xét kỹ càng, tinh tế, hay khen, dở chê, công bằng như chiếc cân, trong sáng như tấm gương”!
Đọc đến Thực lục, Liệt truyện, Thống nhất chí… thấy chứa đựng không biết bao nhiêu bằng chứng chứng tỏ rằng mục đích lớn nhất của sử thần, nhiệm vụ được đặt cọc, là đưa nhà Nguyễn lên tận mây xanh, dìm tất cả những ai chống nhà Nguyễn xuống bùn đen, việc lớn như trời mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì không nói tới, chuyện nhỏ như hạt cát, nhẹ như cọng rơm mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì ghi vào, tán ra, thổi lên, lại còn bày chuyện để bôi nhọ nhân vật Tây Sơn và lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa khác. Hàng chục quyển sách không đủ để kể hết. Bịa? – Như bịa nhiều sự kiện, lời nói xung quanh cái chết của Vũ Văn Nhậm cốt để làm cho người ta tưởng lầm rằng Nguyễn Huệ là người giảo quyệt, giả nhường ngựa nhường lọng cho người để hôm nay ru ngủ và ngày mai giết đi, và giết đi chỉ vì kẻ kia có tài hơn mình mà thôi! Chưa kể những cái bịa thô lỗ như việc cưỡi sấu. Chuyện lớn có hại thì giấu như Tiền biên không có một chữ nào về cái thói quỷ sứ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, lại như Chính biên chỉ nói vài câu ngắn về cái tốn kém thiên trùng vạn điệp của việc xây Khiêm lăng trong lúc tiền của không đủ để trả lương cho quan, cho lính, không có để mua súng mua đạn bảo vệ nước nhà. Những tên vua bị hàng chục hàng trăm cuộc khởi nghĩa nhân dân đòi lật đổ, mà sử thần, đình thần tỉnh thần cứ nhất luật gọi là “vua thánh”. Không Khuyển, Ưng thì đó là gì? Nói cho đúng, thật khó mà viết lên những lời chân thật có thể làm mất đầu. Tuy vậy, nếu muốn tìm một vài hạt bụi vàng Nam Đổng trong đống cát Khuyển, Ưng thì không phải là hoàn toàn không có. Thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, có hai câu đáng được chú ý: “Bắt được Nguyễn Quang Toản ở Lạng Giang. Vợ Toản là Lê Thị Ngọc Bình được đưa vào cung”. Riêng điều nhỏ ấy có thể có ý nghĩa lớn là trong số sử thần, có người biết rõ và muốn giữ đạo lý của nhà làm sử.
Ngoài vòng cương tỏa trực tiếp của triều đình, nhà làm sử dễ khách quan hơn, dễ trông bằng mắt mình, dễ cảm bằng tim mình. Đó là trường hợp của các tác giả sách Hoàng Lê nhất thống chí của các nhà Nho riêng lẻ làm những cuốn bi khảo về Việt sử, hoặc chép sử hàng tỉnh. Số này khá đông, Hoàng Lê nhất thống chí tiêu biểu nhất, nó ghi chép một cách hết sức sinh động những sự việc xảy ra trong thời gian hơn hai mươi năm cuối thế kỷ 18 và mấy năm đầu thế kỷ 19. Tác phẩm lịch sử đến trình độ cao thì thành tác phẩm văn nghệ, tác phẩm văn nghệ cao thì cho phép độc giả biết đúng tinh túy của trạng thái xã hội một thời. Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm như thế đó. Các tác giả có lưu luyến với nhà Lê thật, nhưng không dùng ngòi bút của mình để chống đỡ cho nhà Lê đang sụp đổ, mà nêu lên rõ sự bế tắc về trí tuệ, sự sa đọa về đạo đức của xã hội phong kiến triều Lê. Các tác giả không phải là bề tôi của Tây Sơn nhưng họ khách quan ghi chép nhiều hành động của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn khiến người đọc có thể nhập thân vào phong trào quần chúng, vào sự nghiệp cứu quốc và thống nhất đất nước của vị anh hùng áo vải. Đọc Thực lục, Cương mục không thấy dân ở đâu hết, chỉ thấy vua, quan, tướng, thần, trời, còn trong Hoàng Lê nhất thống chí thì thấy xuất hiện quần chúng nhân dân, tất nhiên chưa đến mức cao của thực tế, nhưng họ có mặt với cảnh khổ, kỳ vọng vào tính chiến đấu, tính yêu nước mãnh liệt. Tư tưởng của bản thân các tác giả là tôn trọng họ Lê, song nhiều trang tuyệt bút đã nêu bật tài năng, đạo đức, mưu trí, công lao của Nguyễn Huệ, tinh thần chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân Tây Sơn.
Chỉ đến khi nào chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được ứng dụng, việc này phải chờ đến những năm 20, 30 của thế kỷ sau, thì nghề viết sử mới trở thành một khoa học thực sự. Còn trong suốt thế kỷ 19 thì quan niệm về lịch sử vẫn là quan niệm Nho giáo về đạo đức và về thiên đạo ứng dụng trong việc ghi chép và bình luận sự việc chính trị và con người làm chính trị.
Nguồn: Trần Văn Giàu. “Nho giáo ở Việt Nam” trong Triết học và tư tưởng.
Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1998
Trích dẫn: Unions Network
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)