Mấy nét về VĂN HOÁ VIỆT NAM qua CÁC CÂU CHỨA NGHĨA TÌNH THÁI ĐẠO NGHĨA (trên cứ liệu văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT) – Phần 1
NGUYỄN THỊ NHUNG
(TS, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên)
1.
Nghĩa tình thái (NTT) – bộ phận nghĩa vốn được coi là linh hồn của câu – đã được đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài nước bàn tới. Dựa vào ý kiến của các nhà ngôn ngữ học đi trước, có thể hiểu: NTT của câu là tất cả những gì mà người nói thể hiện kèm theo nội dung mệnh đề khi thực hiện một câu nói. Nó biểu thị ý định, nhận thức, thái độ, trạng thái tâm lí tình cảm, sự đánh giá của người nói với nội dung câu nói, quan hệ của nội dung câu nói với hiện thực khách quan và quan hệ của người nói với người nghe.
NTT thường được cho rằng bao gồm NTT khách quan và NTT chủ quan. NTT chủ quan là bộ phận căn bản, quan trọng của NTT. NTT đạo nghĩa (NTTĐN) là một trong những loại NTT vốn được các nhà nghiên cứu quan tâm nhất. Đó là bộ phận nghĩa được Palmer cho rằng có liên quan đến tính hợp thức hay các chuẩn mực xã hội đối với hành động do một người nào đó hay chính người nói thực hiện. (dẫn theo TL 2, tr. 110)
Tính chủ quan của NTT đạo lí thể hiện ở thái độ, ý chí, mong muốn của người nói đối với hành động; đồng thời ở tính không thực hữu của hành động tương lai mà người nói muốn người nghe thực hiện hay tự mình thực hiện. Dựa vào chủ quan của người nói, NTTĐN được chia thành các sắc thái nghĩa chỉ sự bắt buộc hay cấm đoán; được phép hay được miễn trừ.
Sắc thái bắt buộc là sự biểu thị rằng hành động trong câu – theo người nói – phải được thực hiện vì về mặt đạo lí, chủ thể được nói đến trong câu (có thể là chính người nói) có trách nhiệm thực hiện điều đó. Tuy nhiên, mức độ bắt buộc có thể khác nhau, từ ép buộc đến yêu cầu, đề nghị, khuyên, mời, mong muốn. Sắc thái cấm đoán là sự thể hiện rằng hành động, trạng thái trong câu – theo người nói – buộc không được thực hiện hay không được diễn ra vì về mặt đạo lí, chủ thể được nói đến trong câu phải có trách nhiệm không thực hiện hành động đó hay không để điều đó diễn ra. Sắc thái được phép biểu thị rằng hành động được nói đến trong câu đang được người nói xin phép để thực hiện hay được người nói cho phép người khác thực hiện vì nó phù hợp về mặt đạo lí. Còn sắc thái được miễn trừ là sự biểu hiện rằng hành động nêu trong câu – theo người nói – là được phép không thực hiện vì về mặt đạo lí, chủ thể nói đến trong câu không phải có trách nhiệm thực hiện điều đó.
Phương tiện thể hiện NTTĐN là các từ ngữ biểu thị ý bắt buộc, cấm đoán, xin phép hay miễn trừ như: phải, cần, nên, hãy, đi, nào, không được, không muốn, đừng, ai đời, ai lại, xin, thôi, sợ gì,… hay ngữ điệu cầu khiến, kiểu câu biểu thị quan hệ điều kiện hệ quả, nguyên nhân – kết quả, nhượng bộ – tăng tiến,… Nếu có thể coi các trích đoạn thơ, văn, kịch trong SGK Ngữ văn THPT cũng là văn bản thì đối tượng khảo sát của chúng tôi là 75 văn bản tiếng Việt (vốn được truyền miệng hay viết bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) đang được dùng làm văn bản cho các bài đọc hiểu (chính khoá hoặc đọc thêm) trong chương trình Ngữ văn chuẩn của THPT. Trong đó có 14 văn bản văn học dân gian, 17 văn bản văn học trung đại, 44 văn bản văn học hiện đại thuộc các thể loại: thơ, truyện, kí, kịch và văn nghị luận.
Kết quả khảo sát cho thấy có 306 câu mang NTTĐN, thể hiện bằng 72 phương tiện khác nhau. Các câu này chủ yếu nằm trong những văn bản truyện và kịch. Trong các câu nói trên, 4 sắc thái NTTĐN đều được thể hiện. Nhưng chiếm số lượng áp đảo là sự xuất hiện của sắc thái nghĩa bắt buộc (với 231 câu và 40 phương tiện thể hiện). Có số lượng hạn chế nhất là sắc thái được phép.
Qua nội dung các câu chứa NTTĐN và qua cách biểu đạt NTTĐN, có thể thấy được một số nét văn hoá truyền thống của con người Việt Nam ở cả những điểm mạnh và điểm yếu của nó.
2.
Có thể nói cái được thể hiện rõ nhất qua nội dung của các câu chứa NTTĐN trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT là các đặc trưng của văn hoá tổ chức cộng đồng.
2.1. Các nhà nghiên cứu về văn hoá Việt Nam đều cơ bản nhất trí rằng ở nước ta, trong văn hoá tổ chức cộng đồng, tổ chức làng với đặc trưng là tính cộng đồng và tính tự trị là quan trọng nhất (xem TL 4, 5). Nước – tổ chức quốc gia – là đơn vị quan trọng thứ hai sau làng, là “một làng được mở rộng, được phóng chiếu, hoặc là một tổng số của các làng” [5, tr. 107]. Tính tự trị ở quy mô nước chuyển thành ý thức độc lập dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc.
Khi đất nước có ngoại xâm, lòng yêu nước của người Việt Nam được thể hiện ở tinh thần tự nguyện chiến đấu, không quản ngại hi sinh vì đất nước, lòng thiết tha với độc lập, tự do của dân tộc. Các câu chứa NTTĐN đã góp phần thể hiện điều này.
Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), những người nghĩa sĩ nông dân đã tự ý thức được trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của mình khi giặc Pháp xâm phạm mảnh đất dấu yêu mà ông cha để lại. Điều ấy thể hiện bằng một câu có sắc thái xin phép:
(1) Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình. (NV11, t1, 61)
Trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) ý thức thiêng liêng với vấn đề bảo vệ Tổ quốc được thể hiện bằng một câu mang sắc thái bắt buộc mà thế hệ trước gửi gắm tới thế hệ sau:
(2) Sau này, nếu Mĩ – Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. (NV12, t2, 43)
Và đó cũng là chân lí mà đồng bào Tây Nguyên yêu nước tự tìm được qua bao đau thương, mất mát:
(3) Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. (NV12, t2, 48)
Với một câu mang hai phương tiện biểu thị sắc thái bắt buộc, chân lí ấy còn được khắc ghi lại cho các thế hệ cháu con:
(4) Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! (NV12, t2, 46)
Lòng yêu nước đã cho con người Việt Nam một sức mạnh lớn lao. Vậy nên, dù bị địch thiêu đốt mười ngón tay, lửa như đang rừng rực trong lồng ngực, xói tận ruột gan nhưng Tnú (trong Rừng xà nu) vẫn kiên quyết không chịu khuất phục:
(5) Người cộng sản không thèm kêu van… Tnú không thèm, không thèm kêu van. Không,
Tnú sẽ không kêu! Không! (NV12, t2, 47)
Nhưng biểu hiện tập trung cao hơn cả của lòng yêu nước ở con người Việt Nam có lẽ nằm trong những câu chứa NTTĐN của Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh):
(6) Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! (NV12, t1, 42)
Đây là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng được bộc lộ qua sắc thái bắt buộc của NTTĐN. Khi không còn bóng giặc ngoại xâm, lòng yêu nước được biểu hiện ở tinh thần thiết tha với công cuộc xây dựng đất nước. Đó là ý thức bảo vệ, động viên người hiền tài; lo xây dựng thể chế, làm kinh tế, củng cố các giá trị văn hoá tinh thần. Đó cũng là những điều được thể hiện bởi các câu có NTTĐN trong các văn bản giảng dạy ở trường THPT.
Trong Chiếu cầu hiền xưa, Ngô Thì Nhậm đã thay lời vua Quang Trung bộc lộ nỗi thiết tha mong mỏi các trí thức Bắc Hà – tức những hiền tài của triều đại cũ – cộng tác với triều đình Tây Sơn để củng cố, xây dựng đất nước:
(7) Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ, cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được thì cất nhắc không kể thứ bậc; chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất vu khoát mà bắt tội. (…) Hoặc người nào từ trước đến nay, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao. (NV11, t1, 69)
Nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai có tài có đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh. (NV11, t1, 70)
Sắc thái được phép (biểu thị bằng những câu có cho phép), sắc thái bắt buộc (biểu thị bằng câu có thì, hãy), sắc thái cấm đoán (thể hiện bằng câu có chớ) rõ ràng đã góp phần mạnh mẽ trong việc thuyết phục, động viên người tài đóng góp cho đất nước.
Còn khi đứng trước nguy cơ hiền tài bị xâm hại, người tâm huyết với đất nước là người thiết tha bảo vệ họ. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, đã để nhân vật Đan Thiềm kiên trì 14 lần thúc giục kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô lo bảo toàn tính mạng, trốn khỏi sự truy bắt của quân khởi loạn:
(8) Ông phải trốn đi mới được. (…) Trong lúc biến cố này, ông hãy tạm lánh đi. (…) Ông chạy đi! (…). Quân giặc đang tìm ông đấy: trốn đi! (…) Tránh đi! (…) Ông đi đi không thì không kịp. Tôi xin ông, ông nghe tôi trốn đi. (NV11, t1, 185-189).
Hơn thế nữa, vì quá lo bảo vệ mạng sống cho người tài, Đan Thiềm đã chẳng quản ngại khi cầu xin, chẳng sợ hãi khi đe nẹt, cấm đoán kẻ thù:
(9) Xin tướng quân sinh phúc. (NV11, t1, 190)
(10) Lũ yêu quái không được đặt để nên nhời, tướng quân nên thấu cho. (…) Tướng quân hãy nghe tôi, đừng phạm vào tội ác. (NV11, t1, 190)
Và ngay cái sinh mạng mình, nàng cũng sẵn sàng xin hoán đổi để mong giữ được người tài:
(11) Bao nhiêu tội, tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông cả. Tôi xin chịu chết. (…) Tôi không sợ chết, nguyện xin được chết. (NV11, t1, 190)
Bởi Đan Thiềm biết rất rõ rằng:
(12) Nước ta cần nhiều thợ tài để tô điểm. (NV11, t1, 190)
Ý thức xây dựng thể chế, làm kinh tế để dân giàu nước mạnh cũng được ít nhiều thể hiện qua các câu có sắc thái bắt buộc, được phép trong Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi), Về luân lí xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải):
(13) Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương. (NV10, t1, 118)
(14) Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này. (NV11, t2, 87)
(15) Vui hơi nhiều, nói hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ? (NV12, t2, 91)
Việc chăm lo giữ gìn, phát huy và làm giàu những giá trị tinh thần của dân tộc càng không bao giờ bị người Việt Nam bỏ qua. Điều này có thể thấy ở những câu có sắc thái bắt buộc trong Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Nguyễn An Ninh), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi) và Một người Hà Nội:
(16) Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. (NV11, t2, 90)
(17) Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. (…) Mà trước hết nên lo sao thơ phải nói lên được những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại. Dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay. (NV12, t1, 57- 61)
(18) Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng. (NV12, t2, 93)
2.2. Tính cộng đồng với lối sống hoà đồng, giàu tình nghĩa cũng là một đặc điểm văn hoá được thể hiện rõ qua các câu có NTTĐN.
Một người tù như Huấn Cao (trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân) cũng có thể có tình cảm tốt đẹp với một viên quan coi ngục, muốn ông ta được sống một cuộc sống trong sạch, lương thiện:
(19) Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở (…) thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. (NV11, t1, 114)
Một người con dâu như Mị (trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài) cũng có thể cứu thoát một kẻ tôi đòi như A Phủ ra khỏi gia đình nhà chồng mình khi đã thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau bị giam hãm, đọa đày. Lúc cầm con dao cắt đứt dây trói cứu A Phủ khi cái chết đang đến gần anh trong gang tấc, Mị đã thì thào:
(20) – Đi ngay… (NV12, t2, 14) Rồi Mị cũng vụt chạy ra:
(21) A Phủ cho tôi đi. (NV12, t2, 14) A Phủ chợt hiểu và nói:
(22) – Đi với tôi. (NV12, t2, 14)
Những câu có NTTĐN bắt buộc, được phép thể hiện bằng phương tiện ngữ điệu trên cho thấy họ đã sẵn sàng cưu mang, bảo vệ lẫn nhau.
Tình cảm cộng đồng cũng thể hiện ở ý thức muốn được sống hoà đồng với mọi người như trong lời nói của cô Hiền (Một người Hà Nội của Nguyễn Khải):
(23) Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác… (NV12, t2, 94)
Sự khiêm nhường, tôn trọng toàn dân như thái độ của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (Võ Nguyên Giáp) cũng là một biểu hiện tốt đẹp của tình cảm cộng đồng:
(24) Nhưng không, tôi phải nói thật: Những thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi. (NV12, t1, 208)
2.3. Trong văn hoá tổ chức cộng đồng của người Việt, tổ chức nông thôn theo huyết thống có vai trò quan trọng đặc biệt. Người không có vợ hay chồng, không có con thường bị coi là bất hiếu. Vậy nên người Việt rất khao khát hạnh phúc lứa đôi, đề cao tình cảm gia đình, gia tộc.
Trong ca dao xưa, những người con gái đã bộc lộ ước mong gắn bó lứa đôi: (25) Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu giải yếm để chàng sang chơi. (NV10, t1, 83)
Trong Chí Phèo (Nam Cao), Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh) và Vợ chồng A Phủ, đều có những khao khát về tình yêu, hạnh phúc.
Một nhân vật đã méo mó cả nhân hình, nhân tính như Chí Phèo cũng mong muốn có được một người phụ nữ của đời mình:
(26) Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. (NV11, t1, 151)
Một người dở hơi như Thị Nở cũng biết chu đáo trước người bạn khác giới:
(27) Phải cho hắn ăn tí gì mới được. (NV11, t1, 150)
Một người cha đã chịu bao bất hạnh bởi cô vợ lăng loàn vẫn cứ khuyên con:
(28) Con phải về đặng lo cưới vợ. (NV11, t1, 165)
Còn cô Mị vì mong muốn có được hôn nhân với người yêu đích thực của mình mà ngăn bố:
(29) Bố đừng bán con cho nhà giàu. (NV12, t2, 5)
Bên cạnh đó, những tình cảm cha con, mẹ con, chị em, ông cháu cũng được thể hiện rất cảm động qua các câu có NTTĐN.
Người con trai trong Cha con nghĩa nặng và Mị trong Vợ chồng A Phủ đều có ý thức thiết tha được làm tròn chữ hiếu.
(30) (Bấy lâu con tưởng cha chết rồi, té ra cha còn sống). Vậy thì bây giờ cha đi đâu, con theo đó. (…) Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ. (…) Con không muốn để cha đi một mình. (NV11, t1, 165-167)
(31) Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. (NV12, t2, 5)
Sau này, khi bị bắt về làm người con dâu gạt nợ, phải sống trong tủi cực, Mị muốn tự vẫn. Nhưng rồi sợ cha lại phải khổ vì món nợ, Mị không nỡ chết.
Trong Trao duyên (Nguyễn Du), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) tình chị em gắn bó, cảm thông, tôn trọng lẫn nhau đã được thể hiện cảm động:
(32) Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. (NV10, t2, 104)
(33) Ước gì chị Hoài hiện ra bây giờ nhỉ. (NV12, t2, 83)
Với Hai đứa trẻ (Thạch Lam), tình chị em càng được tô đậm bởi sự lễ phép của bé An, sự quan tâm, những tình cảm trìu mến mà Liên dành cho em trai:
(34) – Em thắp đèn lên chị Liên nhé.
(35) Em ra ngồi đây với chị kẻo ở trong ấy muỗi. (…) Ừ để rồi chị bảo mẹ mua cái khác thay vào. (NV11, t1, 95)
Tình cảm tốt đẹp của con rể với bố vợ có thể thấy ở lời nói mang sắc thái nghĩa bắt buộc của người cha với con trong Cha con nghĩa nặng:
(36) Con phải ở nhà làm mà nuôi ông ngoại. (NV11, t1, 166)
Tình cảm của các cháu với ông và cô chú cũng được bộc lộ phần nào qua lời nói của chị Hoài và những đứa con của chị trong Mùa lá rụng trong vườn:
(37) Nhất là thằng lớn, nó cứ bảo, mấy lần nó đi qua Hà Nội mà chưa được vào nhà thăm ông, lần này rỗi rãi nó phải đi… (NV12, t2, 87)
(38) Mẹ đi đi, không ông buồn, các cô, các chú mong! (NV12, t2, 85)
2.4. Về phía cá nhân, điều nổi bật có thể thấy được từ các nhân vật là khát vọng hướng thiện và cống hiến.
Nhân vật Chí Phèo khi đã tỉnh táo nhận ra mình, thấy được kẻ thù của mình thì khao khát:
(39) Tao muốn làm người lương thiện. (NV11, t1, 154)
Và quyết tâm tiêu diệt kẻ ác trong tuyệt vọng:
(40) Tao phải đâm chết nó! (NV11, t1, 153)
Mong muốn được sống để cống hiến thì bộc lộ rất rõ trong lời nói của Vũ Như Tô khi ông hi vọng thuyết phục được cho mọi người thấy ý nghĩa công việc của mình:
(41) Ta muốn nói chuyện với An Hoà Hầu. (NV11, t1, 192)
Đây là một phương diện để chúng ta có thể thấy rõ hơn tình cảm và ý thức cộng đồng của người Việt Nam. Bởi với hầu hết người dân Việt Nam, hướng thiện là để hoà đồng với những con người lương thiện, sống là để cống hiến.
Còn tiếp: