Mấy nét về VĂN HOÁ VIỆT NAM qua CÁC CÂU CHỨA NGHĨA TÌNH THÁI ĐẠO NGHĨA (trên cứ liệu văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT) – Phần 2

NGUYỄN THỊ NHUNG
(TS, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên)

     2.5. Nhưng khi quá lệ thuộc vào cộng đồng, con người có thể thiếu đi bản lĩnh, ý thức tự chủ. Vì vậy mà người ta có thể kém bản lĩnh trong tình yêu, mù quáng trong ứng xử. Nhân vật thị Nở trong Chí Phèo, khi nhớ đến bà cô – người vốn sống cùng mình – thì dù đang đắm say trong men tình vẫn phải tự nhủ:

     (42) Hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã. (NV11, t1, 152)

     Cái quyết định thiếu bản lĩnh này đã là cú hích cuối cùng đẩy Chí Phèo đến chỗ bế tắc cùng cực, phải giải thoát bằng cái chết.

     Qua các câu có chứa NTTĐN trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Vũ Như Tô) và Chiếc thuyền ngoài xa (Lê Minh Khuê), cũng có thể thấy đâu đó những quyết định mù quáng:

     (43) Ăn lộc vua, xin chết vì nạn của vua. Lão thần không muốn kéo dài kiếp sống tàn làm gì nữa. (NV11, t1, 188)

     (44) Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó… (NV12, t2, 74)

     Trung với vua vốn là phẩm chất đáng quý. Nhưng một vị hôn quân như Lê Tương Dực đâu có đáng để Nguyễn Vũ phải trung như vậy. Còn quyết định không rời xa một kẻ luôn đánh đập hành hạ mình tàn nhẫn của người đàn bà hàng chài thì chỉ là kết quả của sự quá tự ti về bản thân.

     Tính cộng đồng đã dẫn đến một đặc trưng trong văn hoá Việt Nam là thói đố kị, cào bằng, không muốn ai hơn mình. Tâm lí ấy bộc lộ rất rõ qua phản ứng của bà cô thị Nở. Nghĩ đến cái đời dằng dặc không chồng của mình mà bà chua xót, uất ức. Đó là lí do để bà đổ lên đầu đứa cháu gái đáng thương – người đang có cơ hội được có chồng – những lời cấm đoán cay nghiệt:

     (45) Ngoài 30 tuổi…ai lại còn đi lấy chồng! Ai đời lại còn đi lấy chồng! (NV11, t1, 152)

     Một thói xấu nữa cũng được bộc lộ qua các câu mang NTTĐN là thói đưa hối lộ và ăn hối lộ: (46) Xin xét lại, lẽ phải về con mà! (NV10, t1, 80)

     (47) Thì lòng thành, ông lí cứ nhận đi cho cháu. (NV11, t1, 175)

     Thằng Cải trong Nhưng nó phải bằng hai mày (Truyện cười dân gian) sở dĩ dám xin quan xét lại vụ kiện là bởi anh ta đã lót tay cho thầy lí năm đồng. Nhưng đề nghị của Cải đã không được đáp ứng bởi Ngô còn biện chè lá đến mười đồng, nghĩa là anh ta còn “phải …bằng hai” Cải. Bà cụ phó Bính cũng lo biện lễ cho ông lí chỉ để được… thuê người khác thay con trai đi xem đá bóng!

     Nhà nước quân chủ nho giáo Việt Nam truyền thống là nhà nước nhân trị. Theo Đỗ Lai Thuý, “Nhà nước nhân trị mỗi khi nho giáo bị khủng hoảng sẽ là miếng đất màu mỡ của nạn tham nhũng và thói đạo đức giả” [5, tr. 84]. Hối lộ và ăn hối lộ vẫn đang là một cái ung nhọt nhức nhối của xã hội Việt Nam hiện nay.

3.

     Qua cách biểu hiện NTTĐN, chúng ta cũng có thể thấy được một số nét đặc trưng trong văn hoá của người Việt, đó là văn hoá giao tiếp. Lối nói của người Việt Nam giàu sức biểu cảm, thiên về tế nhị, ý tứ, tôn trọng người nghe. Đây là sản phẩm của văn hoá trọng tình, trọng các mối quan hệ.

     Vậy nên dù méo mó cả nhân hình, nhân tính, Chí Phèo vẫn biết nói những lời ý nhị như ở ví dụ (26) để thể hiện tình yêu và nỗi khát khao hạnh phúc của mình:

     Các câu có chứa sắc thái bắt buộc, cấm đoán của NTTĐN là những câu có nguy cơ xúc phạm thể diện người khác nhiều nhất thì thường được người Việt Nam dùng các phương tiện để giảm thiểu nguy cơ đó. Một cách mà ta ưa dùng là ẩn đi các từ có ý nghĩa chỉ mệnh lệnh. Chẳng hạn:

     (48) Thôi, cha trở về nhà với con. (NV11, t1, 165)

(49) Ngồi xuống đây, tự nhiên. (NV12, t2, 25)

(50) Đêm nay mày ở nhà tau. (NV12, t2, 39)

     Các từ ngữ như thử, xin, làm phúc, tha, không dám thể hiện thái độ khiêm nhường cũng được dùng vào mục đích này:

      (51) – Bẩm con không dám man cửa Trời… (NV11, t2, 14) (52) – Lạy ông, ông làm phúc tha cho con,… (NV11, t1, 173)

     Từ phải được dùng với tần số lớn nhất (46 lần sử dụng) biểu thị sự bắt buộc do chủ thể được nói tới trong câu ở vào điều kiện không thể không làm. Nói đến chủ thể ở các câu chứa phải, ta thường nghĩ tới người bị kẻ khác bắt buộc. Nhưng kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy một điều khá thú vị là có đến 24/46 trường hợp chủ thể bắt buộc phải thực hiện hành động ở đây chính là người nói. Nghĩa là người nói tự bắt buộc mình, hoặc nhóm mình như ở các ví dụ (4), (24), (27), (31).

     Việc dùng các phương ngữ, từ biến âm, tình thái từ cầu khiến như: ai đời, ai lại, chả, hẵng, chớ, đi, thôi, nào nhé, nhớ, liệu mà,… để tạo sắc thái thân mật, suồng sã cũng là một cách thông dụng để người Việt Nam giảm thiểu sự xúc phạm thể diện người nghe hay giữ thể diện của chính mình như ở ví dụ (34), (35), (45) và hai ví dụ dưới đây (trong Vợ nhặt của Kim Lân và Một người Hà Nội):

     (53) Đồng chí bộ đội có chuyện gì vui kể nghe nào? (NV12, t2, 95) (54) Ừ ăn thì ăn sợ gì. (NV12, t1, 61)

     Một biểu hiện nữa cũng cho thấy sự tế nhị trong giao tiếp của người Việt Nam là lối bày tỏ nguyện vọng bằng muốn, ước, dẽ có như ở các ví dụ (13), (25). Cách chọn từ ngữ này đã khiến lời nói giống như những tâm sự, ý cầu khiến dễ đi vào lòng người.

4.

     Như vậy, qua các câu chứa NTTĐN, có thể thấy được những nét đẹp trong văn hoá của dân tộc ta như lòng yêu nước, ý thức cộng đồng; tình cảm gắn bó gia đình, gia tộc; khao khát sống và cống hiến cũng như văn hoá giao tiếp thiên về tế nhị, ý tứ, tôn trọng người nghe. Đồng thời những điểm yếu trong văn hoá dân tộc như thiếu bản lĩnh, ý thức tự chủ; thói đố kị, cào bằng; nạn đưa hối lộ và ăn hối lộ, cũng được thể hiện qua các câu chứa NTTĐN trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT. Đây là những điều mà ta có thể thấy được qua thái độ, ý chí, mức độ áp đặt của người nói đối với hành động do một người nào đó hay chính người nói thực hiện dựa trên quan niệm của mình về đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nó cho phép thấy được rằng vậy là ở Việt Nam, những đặc trưng nói trên có từ các thế hệ xa xưa cho đến ngày nay; có từ một ông vua, một vị chủ tịch nước đến những người thường dân; có từ người già đến trẻ nhỏ. Đó chính là một đặc trưng văn hoá truyền thống của dân tộc tồn tại cho đến ngày nay.

     Những kết quả khảo sát bước đầu này vừa cung cấp ngữ liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, vừa giúp hiểu thêm về các nhân vật văn học vừa có thể hỗ trợ việc giáo dục văn hoá, đạo đức cho người học. Trong giai đoạn vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước được đặt lên hàng đầu như hiện nay, việc giáo dục lòng yêu nước, ý thức cộng đồng cho thế hệ trẻ đang là nhiệm vụ không của riêng ai. Với việc chỉ ra những giá trị văn hoá truyền thống qua các câu chứa NTTĐN trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT như trên, hi vọng rằng người giáo viên dạy tiếng Việt cũng có thể góp phần hoàn thiện nhiệm vụ giáo dục thiêng liêng của mình trước Tổ quốc.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu, Tìm hiểu văn hoá qua ngôn ngữ, Ngôn ngữ, số 10, 2000.

2. Nguyễn Văn Hiệp, Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

3. Võ Đại Quang, Tình thái trong câu – phát ngôn: một số vấn đề lí luận cơ bản, Ngôn ngữ & đời sống, số 3, 2008.

4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

5. Đỗ Lai Thuý, Văn hoá Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hoá, NXB Văn hoá Thông tin, Văn hoá – Nghệ thuật, Hà Nội, 2005.

x
x x

     Xem lại: Mấy nét về VĂN HOÁ VIỆT NAM qua CÁC CÂU CHỨA NGHĨA TÌNH THÁI ĐẠO NGHĨA (trên cứ liệu văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT) – Phần 1