Minh triết Phật giáo một di sản văn hóa tinh thần
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN CHUNG
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, ĐHKHXH&NV.ĐHQG – HCM)
TÓM TẮT
Một trong những giá trị cốt lõi, là nền tảng và làm nên bản sắc văn hóa Phật giáo là Minh triết, một sự thống nhất giữa triết học và văn hóa Phật giáo. Bài báo bước đầu nghiên cứu về minh triết Phật giáo như một di sản văn hóa tinh thần nhân loại trong mối quan hệ so sánh tương đồng với các nhà tư tưởng, triết học văn hóa phương Tây nhằm làm rõ tính độc đáo, riêng biệt của Minh triết Phật giáo, đồng thời cũng là chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng sông Mê-kông. Bài viết cũng là bước đầu đặt vấn đề và gợi mở nghiên cứu Minh triết Phật giáo như một hướng tiếp cận mới vào mối quan hệ giữa triết học và văn hóa, tôn giáo Phương Đông.
* * *
Trong lịch sử lan tỏa, Phật giáo có thể phân chia thành nhiều trường phái, hệ phái, thậm chí là những hình thức biến thể nữa, song tất cả các trường phái, hệ phái đó, dù ở khắp mọi nơi trên thế giới cũng đều dựa trên nền tảng những học thuyết triết học căn bản, đầu tiên của Phật Tổ. Các nhà tôn giáo học thường gọi đó là “căn tính” của Phật giáo, là tính phổ quát trong tất cả các trường phái Phật giáo trong lịch sử và hiện tại. Khi nghiên cứu những ảnh hưởng của triết học Phật giáo đối với văn hóa tinh thần trong các cộng đồng cư dân vùng Mê-kông, tôi nhận thấy những giá trị cốt lõi của văn hóa Phật giáo được thể hiện một cách đặc sắc trong sự Minh triết Phật giáo, như một di sản tinh thần vượt ra ngoài khuôn khổ nền móng triết học và văn hóa Phương Đông, như nhà văn hóa N.A. Berdiaev nhận xét: “Thiên tài bao giờ cũng có sự vô hạn…. Thiên tài là từ thế giới khác…”(1). Mạnh bạo hơn, G. F Heghen viết: “Triết học, tôn giáo, nghệ thuật là những dạng thức văn hóa bậc cao…..bởi chúng đã chạm đến những vấn đề vĩnh cửu của nhân loại”(2).
Tìm hiểu những quan điểm triết học văn hóa của: G.F Heghen, O. Spengler, N.A. Berdiaev, S. Preud, M. Weber, A. Toynbee.vv… Tôi cho rằng các học thuyết triết học của Phật tổ đã đặt ra những vấn đề mang tính vĩnh cửu của con người (theo nghĩa con người nhân loại) với một ngôn ngữ và cách thể hiện đặc sắc riêng mà các nhà Phương đông học thường gọi là Minh triết Phương đông. Bài viết này nhằm mục đích bước đầu tìm về minh triết Phật giáo trên phương diện triết học văn hóa. Rất mong được chia sẻ và trao đổi thêm
MINH TRIẾT LÀ SỰ THỐNG NHẤT GIỮA TRIẾT HỌC VỚI VĂN HÓA
Về khái niệm Minh triết (wisdom / 明哲), có thể nói ngay rằng: rất khó định nghĩa Minh triết là gì theo lô gic truyền thống, như một cách nói hóm hỉnh: “Tìm cách định nghĩa về minh triết, đó là bằng chứng về sự thiếu minh triết”. Theo tôi sự khó khăn trong việc định nghĩa minh triết có thể vì những đặc điểm sau:
– Minh triết đi ngược lại với triết học, nếu triết học là suy tư khái quát, trửu tượng hóa cao độ sự vô cùng đa dạng phong phú của đời sống thực tế thành , các lý thuyết, học thuyết, giáo lý, thì Minh triết ngược lại xuất phát từ chính các học thuyết, nguyên lý, lý thuyết trong hệ thống triết học để hòa tan vào những lĩnh vực cụ thể của đời sống thực tế bằng những câu nói ngắn gọn, bình dị, song hàm súc chứa đựng cả một học thuyết, nguyên lý.
Chẳng hạn như câu nói của Khổng tử: “Con người là Hoa của đất”, hay Mạnh tử viết: “Lấy dân là gốc” (dĩ dân vi bản), Các Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”, Câu nói của Thomas Jefferson (1743 – 1826) người khởi thảo bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, và khai quốc Hợp chủng quốc Mỹ đã triết lý về quyền lực: “Tôi hy vọng rằng minh triết của chúng ta sẽ lớn lên cùng với quyền lực của chúng ta và dạy cho chúng ta rằng chúng ta càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực của chúng ta càng lớn (sử dụng quyền lực tỷ lệ nghịch với chính quyền lực)(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Tất cả những câu nói ngắn gọn, hàm súc, chứa đựng những học thuyết triết học căn bản đó đều là Minh triết cả.
– Minh triết không thành một hệ thống lý luận chặt chẽ, mà rải khắp mọi nơi, len lỏi, thấm vào tất cả các lĩnh vực của đời sống thường nhật: như nước thấm vào đất vậy, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa dân gian: “Học đi đôi với hành”. “Không thày đố mày làm nên”, “Học thầy không tày học bạn”. “Đi một đàng học một sàng khôn”; “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “nhất vợ, nhì trời”;
Đặc trưng của Minh triết thể hiện ở những điểm sau:
– Là triết lý được trải nghiệm, tổng kết trong cuộc sống, triết lý đó trở thành kinh nghiệm sống thực tế của con người, chứ không trừu tượng cao siêu.
Ví dụ: câu nói của Hồ Chí Minh: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Một câu khẳng định bình dị, đơn giản ai cũng hiểu được, song đó là một chân lý không chỉ là học thuyết triết học về con người, về tự do, về dân tộc mà còn được trải nghiệm, được kết tinh bằng máu, nước mắt, bằng sự hy sinh cao cả, lặng lẽ của bao thế hệ người Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
– Minh triết ngắn gọn, gợi mở không tạo niềm tin như tôn giáo, không tôn vinh trí tuệ, sự thông thái triết học, mà là niềm vui sướng, hạnh phúc khi trải nghiệm được được những chân lý giản dị từ đời sống, từ con người.
– Minh triết không bắt con người phải nhớ, đọc quá nhiều câu chữ, từ ngữ, khái niệm mà luôn theo xu hướng từ bỏ dần lời nói, ngôn từ để đắm chìm vào chính đời sống thực tế, sinh động. Khổng tử nói: “Ta đang nghĩ đến việc từ bỏ lời nói”(4), Phật tổ dạy rằng: “Ta thuyết pháp trong suốt 49 năm, nhưng thực ra chưa từng nói một lời nào”(5), vì thế minh triết là triết học được thể hiện bằng văn hóa.
– Minh triết gắn liền với đời sống hiện thực, với văn hóa đương đại, nó không gắn với một hoàn cảnh lịch sử cụ thể và tồn tại mãi với con người, vì con người. Những nguyên lý, học thuyết triết học cỏ thể sẽ lỗi thời, cạn kiệt sự sáng tạo, còn Minh triết thì không. Minh triết mang tính quần chúng dễ hiểu ai cũng trải nghiệm được, còn triết học mang tính hàn lâm, bác học chỉ một nhóm ít người mới hiểu được mà thôi.
– Minh triết không chỉ là chân lý, mà còn là chân lý được thể hiện ra cái vẻ đẹp bình dị mà tri thức vì cuộc đua tranh danh vọng, tiền bạc không thể nhìn thấy, chạm tới, và người ta chỉ có thể trải nghiện được minh triết đó bằng cặp mắt trong veo. Chúng ta có thể thấy điều đó qua bài thơ (Haiku) của nhà thiền học Basho (Nhật Bản).
Một nhà sư
Đi trong sương mù
Tiếng chuông lắc leng keng(6).
Về mặt tri thức, ta chỉ nhận được thông tin quen thuộc: Một nhà Sư đi trong sương mù của buổi sáng sớm, nhưng từ triết lý thiền đó là bức tranh tuyệt đẹp về cả nghĩa bóng và nghĩa đen, Một nhà sư đi trong cô đơn, như chìm đắm vào tự nhiên, lúc ẩn, lúc hiện trong sương sớm. Một không gian lặng lẽ, tịch mịch, đối lập với những âm thanh của cái chuông, khung cảnh tạo cho ta trải nghiệm cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản không buồn cũng không cảm thấy cô đơn, bởi đó cũng chính là con đường tất yếu đi đến sự giác ngộ. Tiếng chuông leng keng là sự đối lập với trạng thái lặng lẽ, cô liêu nó đai diện cho một thế giới đang sôi động, đang vùng vẫy. Và chúng ta – người đọc bài thơ này chỉ có thể cảm nhận tính minh triết của nó mà không thể phân tích, phản biện hay đánh giá đó là triết học hay văn học.
Như vậy, Minh triết không đồng nhất với tôn giáo bằng thái độ, cử chỉ kinh cẩn, trang nghiêm và đức tin bền chặt, Minh triết chỉ đơn giản là câu nói bình dị, song đó là kết quả của sự tổng hợp giữa lý luận và trải nghiệm thực tế, nó mang ý nghĩa gợi mở nhiều hơn là khẳng định, minh triết không áp đặt, đánh thức trí tuệ mà kêu gọi sự rộng mở của khối óc, trái tim, nó không tạo niềm tin tuyệt đối nơi con người, không tôn vinh trí tuệ, sự thông thái mà tạo niềm vui sướng, hạnh phúc vô hạn khi trải nghiệm được những chân lý giản dị từ đời sống, và vì thế Minh triết dung dị, gần gũi với đời thường. Khác với triết học, Minh triết còn có sức mạnh lan tỏa đến nhứng chiều kích sâu kín nhất của tâm hồn con người. Mục đích cuối cùng của minh triết là: “Thông thiên, đạt địa, thấu tri nhân” và nhiệm vụ của nó là không chỉ suy tư, mà còn trải nghiệm, khám phá, vì vậy nó có sức mạnh sáng tạo và niềm hạnh phúc vô hạn. Có thể tạm kết luận rằng: Minh triết chính là sự thống nhất giữa triết học và văn hóa.
MINH TRIẾT PHẬT GIÁO
Một trong những đặc trưng của triết học Phật giáo là con người không chỉ suy tư về vũ trụ vô tận bên trong con người mà còn phải biết lắng nghe, cảm nhận, thức tỉnh và khám phá. Đó là con người không chỉ sống bằng thiên nhiên, mà còn hòa đồng vào thiên nhiên, không tìm cách chinh phục, thống trị tự nhiên mà thân thiện gần gũi với thiên nhiên, xã hội. Triết học Phật giáo cũng không chỉ là trí tuệ, mà còn là niềm tin, nghệ thuật sống. Do vậy, diễn ngôn trong triết học Phật giáo thường là châm ngôn, biểu tượng, câu nói ẩn dụ hoặc một bài thơ ngắn gọn hàm súc ý tưởng. Có lẽ đặc trưng trên đã đòi hỏi sự xuất hiện tất yếu của minh triết để có những câu nói ngắn gọn vừa thâm trầm sâu sắc, vừa giản dị, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ , vừa tinh hoa lại vừa đại chúng. Chúng ta có thể tìm thấy sự minh triết Phật giáo trong hầu hết các bài giảng của Phật tổ, trong các kinh văn Phật giáo. Trong khuôn khổ bài báo này, tôi chỉ xin phân tích, làm rõ những minh triết mà tôi cho là tiêu biểu nhất từ những câu nói nổi tiếng của Phật Tổ trong quan hệ so sánh với triết học văn hóa Phương Tây.
Trong kinh Viên giác, có câu: “Các lời dạy của Khế kinh chẳng khác nào ngón tay chỉ mặt trăng…”(7). Hay câu trong kinh Kim cương: “Thuyết pháp là không có thuyết nào có thể thuyết nên gọi là thuyết pháp”(8). Hai câu nói ngắn gọn, đầy hình ảnh, mang tính ẩn dụ này chứa đựng những vấn đề triết học về tinh thần con người với tư cách là chủ thể của sự sáng tạo văn hóa. Nó khẳng định tinh thần tự do, sáng tạo cuả con người với chữ N viết hoa, khác biệt với các tạo vật khác. Theo nhà văn hóa học N.A Berdiaev, một mặt, tinh thần tự do thuộc về cá nhân con người, chính cá nhân là chủ thể đích thực của sáng tạo văn hóa….tự do không bị ràng buộc bởi những điều kiện và xiềng xích hạn chế của tồn tại”… “tự do là sự bất định vĩ đại, là sự mạo hiểm vĩ đại, trong đó tiềm ẩn khả năng tốt lành và sự cao quí vô hạn của con người, cũng như tiềm ẩn khả năng độc ác và sự sa ngã vô hạn. Tự do tinh thần là nguồn gốc đích thực của bất kỳ tính tích cực sáng tạo nào”(9) song, mặt khác, văn hóa với những hình thức, thiết chế của nó nhiều khi chống lại cá nhân sáng tạo với tư cách là một cái gì đó cưỡng bức và trói buộc, đó là một mâu thuẫn vĩnh cửu giữa tính vô hạn của tinh thần tự do sáng tạo và những hình thức trói buộc nó của văn hóa. N.A. Berdiaev viết: “Tất cả các thành tựu văn hóa đều có tính chất tượng trưng chứ không hiện thực. Văn hóa không phải là sự thực hiện, hiện thực hóa chân lý của cuộc đời. Vẻ đẹp của cuộc sống, tính chất thần thánh của cuộc đời. Văn hóa chỉ thực hiện chân lý trong nhận thức, trong các cuốn sách triết học và khoa học…, chỉ thực hiện vẻ đẹp trong các tập thơ và các bức tranh, trong các pho tượng và công trình điêu khắc, trong các buổi hòa nhạc… trong hệ thống biểu tượng tôn giáo. Hành động sáng tạo bị hạ thấp đi trong văn hóa và trở nên nặng nề”(10). Theo ông, đó là vấn đề vĩnh cửu trong tinh thần tự do sáng tạo của con người. Như A.A. Radughin nhận xét: “Nhà tư tưởng đích thực không tìm kiếm những giải pháp đơn giản và luôn sẵn sàng hiệu chỉnh các quan điểm của mình, mở ra những khía cạnh mới của vấn đề vô tận. Tinh thần sáng tạo của người đó luôn luôn phát hiện một cách nhất quán và lý thú cho chúng ta thấy vấn đề này trong toàn bộ tính phức tạp và chiều sâu của nó, và sự phát hiện này vĩnh viễn còn lại trong lịch sử khoa học và văn hóa, cổ vũ chúng ta vươn lên một cách hiểu mới đối với thế giới và bản thân chúng ta. Những tư tưởng của N.A. Berdiaev bất tử chính ở chỗ đó”(11).
Hai minh triết trên của Phật Tổ chứa đựng các quan điểm trên của các nhà văn hóa học và như một lời nhắn nhủ: “chớ có tin vào đức tin của truyền thống, dù chúng đã được vinh danh lâu đời qua nhiều thế hệ và ở nhiều nơi. Chớ có tin vào một điều nào chỉ vì nhiều người nói đến nó. Chớ có tin vào đức tin tin của những bậc hiền minh trong quá khứ. Chớ có tin vào những gì mà anh tưởng tượng rằng Thượng đế truyền gợi cho anh. Không tin gì hết nếu như chỉ có uy tín của những bậc thầy của anh hoặc của những nhà Sư của anh. Sau đó hãy xem xét và tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác. Quan điểm trong hai Minh triết trên là sự gợi mở đến vô hạn tinh thần tự do sáng tạo, là niềm hạnh phúc và tinh thần khám phá không giới hạn của con người. Song chúng lại bình dị gần gũi với tất cả mọi người không chỉ là người đang tu hành, mà cho tất cả mọi người.
Minh triết Phật giáo còn thể hiện trong rất nhiều lời khuyên răn dạy của Phật Tổ. Một trong số đó là một câu nói rất tiêu biểu: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Đây cũng là vấn đề triết học về con người mang tầm nhân loại. đó là mâu thuẫn phổ biến nội tại trong con người, giữa mặt tâm – sinh học và xã hội, giữa cái vô thức và ý thức. Các nhà triết học, văn hóa học, nhân học đã tốn biết bao công sức tâm huyết để tìm tòi, nghiên cứu, tranh biện, và họ đã chỉ ra rằng: ‘một trong những điểm yếu cố hữu của con người là hay phóng đại sức mạnh tinh thần của mình, và: “Không có gì có tác dụng an ủi con người bằng sự ảo tưởng bản thân mình” vì vậy không phải vô cớ mà người cổ đại đã gắn liền sự thông thái vĩ đại nhất và một trình độ kiến thức cao nhất với một nhiệm vụ khó khăn nhất: “Hãy nhận thức bản thân mình”(12). Trong mối quan hệ mâu thuẫn giữa “cái Tôi” (tinh thần) và “Nó” (bản năng tâm – sinh học), S. Freud (1856 – 1939) đã nhận thức được “sự tự phỉnh nịnh trên lý luận quen thuộc của con người và hé mở bức màn bao phủ chốn sâu thẳm tối tăm của tồn tại người”(13). S. Freud đã phát hiện ra cái vô thức (mà ông gọi là Nó) như một cội nguồn vô bản ngã của con người, một cội nguồn riêng biệt, độc lập với ý thức, tinh thần. Theo S. Freud, việc cho rằng cái Tôi có vai trò hướng dẫn, chỉ đạo cuộc sống con người là một ảo tượng lầm lạc, chính Vô thức mới là cái quyết định cái Tôi và “cái Tôi của chúng ta chỉ là đồ chơi trong tay sức mạnh tâm thần tối tăm và cổ sơ này”(14). Theo S. Freud, nếu “ cái Tôi” tuân thủ những nguyên tắc thực tế, cố gắng thích ứng với những điều kiện khách quan của cuộc sống, thì “ Nó” lại hoàn toàn xuất phát từ nguyên tắc thỏa mãn và niềm say mê tăm tối sôi sục, ẩn dấu dưới lóp màng che mỏng manh của ý thức và kết quả của cuộc đấu tranh tất yếu này là: “Cái Tôi thường biến ý chí của Nó thành hành động , dường như đó là ý chí của bản thân cái Tôi”(15). Như vậy, quan điểm của F. Heghen và S. Freud về mâu thuẫn này là đối lập nhau, nếu như F. Heghen nhấn mạnh vai trò của ý thức, tinh thần (cái Tôi), khẳng định “sự ranh mãnh của trí tuệ” đối với hành động con người, thì S. Freud đề cao Nó như động lực chi phối con người. Nếu như F.Heghen giải quyết mâu thuẫn bằng vai trò có tính quyết định luận của ý thức, tinh thần, thì S. Freud cho rằng phương pháp tốt nhất là sự thăng hoa của năng lượng sinh hoạc – tình dục, để hướng nó trực tiếp phục vụ cho mục đích trí tuệ và văn hóa chứ không phải là thỏa mãn bản năng hoặc tiếp tục nòi giống”(16). Học thuyết của Freud được đánh giá là: “…vượt ra xa ngoài giới hạn của y học … trở thành một học thuyết xâm nhập vào lĩnh vực triết học, văn hóa học…..đã ảnh hưởng lớn lao đến khoa học và văn hóa thế kỷ XX. Không có những tư tưởng của ông thì khó lòng hình dung nổi tâm lý học, tâm thần học, triết học và nghệ thuật hiện đại”(17).
Lời khuyên ngắn gọn của Phật Tổ đã chạm vào những vấn đề về tồn tại người và vượt khỏi những giới hạn về không gian, thời gian, luôn có giá trị gợi mở, nhắc nhở bản chất đầy mâu thuẫn trong sự tồn tại của con người. Đây còn là lời kêu gọi con người hãy tin vào chính bản thân mình trên con đường luôn phải phấn đấu, vượt qua và chiến thắng chính những hạn chế vốn có của bản thân mình. Lời khuyên là sự gợi mở vô hạn, niềm hạnh phúc cho những ai luôn phấn đấu không mệt mỏi, vươn lên trên con đường đạt đến cái chân, thiện, mỹ.
Nghiên cứu những minh triết của Phật giáo, tôi cho rằng đó cũng là những giá trị cốt lõi của Phật giáo nói chung và tạo thành những bản sắc riêng có của văn hóa Phật giáo. Cũng cần phải nói thêm rằng, khi nhận định về việc Phật giáo Ấn Độ bị mất vai trò chủ đạo của mình khoảng nửa cuối thế kỷ thứ I trước CN, Max Weber cho rằng: “Trong Phật giáo chỉ tồn tại niềm tin tôn giáo (chứ chưa phải là đức tin )…. vì thế Phật giáo luôn thay đổi nhiều về cấu trúc nền tảng của mình và điều đó làm cho nó không thể giữ vai trò thống trị ở Ấn độ được nữa, do đó, Phật giáo trở thành một tôn giáo thế giới ở bên ngoài Ấn Độ”(18). S. Hungtington đứng trên quan điểm tôn giáo là nền tảng của văn hóa cũng nhận xét tương tự rằng: “Về tổng thể, sự biến mất của Phật giáo tại Ấn Độ và sự thích nghi của nó hòa vào trong các nền văn hóa đương đại ở Trung Quốc, Nhật Bản có nghĩa là Phật giáo tuy là một tôn giáo lớn, nhưng không phải là nền tảng của một nền văn minh lớn”(19). Tôi cho rằng hai quan điểm trên của Max Weber và S. Hungtington đã đứng trên hai nguyên tắc tiếp cận để nhận định về văn hóa Phật giáo là:
1. Lấy Châu Âu là trung tâm.
2. Tôn giáo là hạt nhân, nền tảng hoặc bệ đỡ của nền văn hóa.
Xuất phát từ hai nguyên tắc tiếp cận đó, quan điểm của các ông có thể đúng với truyền thống, lịch sử văn hóa, tôn giáo ở châu Âu (như Công giáo hoặc Tin Lành), còn đối với văn hóa, tôn giáo Phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng thì chưa hẳn là đúng và có thể là ngộ nhận. Song các ông đúng ở hai điều, một là khẳng định Phật giáo là một tôn giáo lớn, tôn giáo thế giới; hai là Phật giáo “…chỉ có mục đích làm cho những kẻ mạnh , người thông thái cũng không khác gì người bình thường và không coi sức mạnh và sự thông thái là một giá trị..”(20). Nhận định thứ hai của hai ông chính là sự khẳng định sức mạnh, giá trị của Minh triết Phật giáo, đó là tinh thần đại chúng, dân chủ, bình đẳng, chính giá trị này làm nền tảng cho tính khoan dung, sự cởi mở và luôn vượt qua chính bản thân mình để dễ dàng thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, môi trường văn hóa khác biệt. Đây cũng là sức mạnh lan tỏa của Phật giáo “…người ta bị thu hút một cách tự nhiên đến với những giáo lý về tự chủ, tự do, an bình và một tâm linh phổ quát, mà không cần phải theo bất kỳ một tôn giáo nào”(21).
Kết luận
Triết học Phật giáo là một hệ thống học thuyết, nguyên lý thâm trầm, sâu sắc. Song chúng lại được diễn đạt, truyền bá một cách giản dị, đại chúng, dễ nhớ, dễ hiểu và trở thành một trong những động lực đưa Phật giáo trở thành tôn giáo thế giới. Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần của một dân tộc, một khu vực ở Phương đông là rõ ràng, hiển nhiên, không cần phải bàn cãi, vấn đề là Phật giáo đã ảnh hưởng như thế nào? bởi các thành tố, chiều kích nào? Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn hóa dân tộc…cần phải được làm rõ trên cơ sở triết học, tôn giáo và văn hóa. Có thể có nhiều lý giải về con đường trở thành một tôn giáo thế giới của Phật giáo. Song việc nghiên cứu Minh triết của Phật giáo sẽ là một trong những chìa khóa, lý giải quá trình Phật giáo vừa thích ứng, lan tỏa, hội nhập sâu vào các nền văn hóa khác nhau trên thế giới nhưng lại vẫn giữ được “căn tính”, bản sắc riêng có của mình. Nếu đúng là như vậy, Minh triết Phật giáo chính là cơ sở, tiền đề tư tưởng cho việc nghiên cứu những ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng Mê-kông. Bài báo này chỉ là bước đầu nghiên cứu Minh triết Phật giáo như một hướng tiếp cận mới vào mối quan hệ giữa triết học và văn hóa, tôn giáo Phương Đông, nên mục đích chỉ là đặt ra vấn đề và gợi mở. Chúng ta cần có những dự án nghiên cứu có kế hoạch và hệ thống hơn.
***
________
1. N.A Berdiaev. 1989. Triết học của tự do. Ý nghĩa của sự sáng tạo. Nxb văn hóa. M. tr..395.
2. V.I. Le – nin 1981. Bút ký triết học. Toàn tập, tập 29. Nxb Tiến bộ. M. tr. 254.
3. www. en.wikipedia.org/wiki/ Thomas_jefferson/ và www. Monticello.org/site/Jefferson/
4. Khổng Tử. Luận ngữ. Nhà in Trí Đức Tòng thơ. Sài Gòn (bản dịch của Đoàn Trung Còn). tr 178.
5. Kinh lăng già (trích từ Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Phật học tinh hoa. Nxb Trẻ. TpHCM.2014 (tái bản). Tr.21.
6. Daisetz Teitaro Suzuki. 1973. Thiền luận. (quyển hạ). Nxb An Tiêm. Sài Gòn. (bản dịch của Tuệ Sỹ), tr.553.
7. Kinh Viên giác (trích từ Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Phật học tinh hoa. Nxb Trẻ. Tp.HCM.2014 (tái bản). Tr.21.
8. Như đã dẫn trên ( 6). Tr 21.
9. N.A. Berdiaev. 1994. Triết học của tinh thần tự do. Mát – xcơ-va. tr.369.
10. N.A. Berdiaev. 1994. Triết học của tinh thần tự do. Mát – xcơ-va. tr.380.
11. A.A Radughin. 2004. Văn hóa học, những bài giảng. Nxb Viện văn hóa thông tin. Hà Nội. tr.69.
12. A.A Radughin. 2004. Văn hóa học, những bài giảng. Nxb Việ văn hóa thông tin. Hà Nội. tr.70.
13. S. Freud. 2001. Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo. Nxb Đại học Quốc Gia. Hà Nội. tr 76 (Bản dịch của Lương Văn Kế).
14. Như đã dẫn (11).tr .71.
15. S. Freud. 1989. Cái Tôi và Nó/ Tâm lý học cái Vô thức. (trích từ tuyển tập tác phẩm của S. Freud ) Nxb Mockva. Tr. 428.
16. S. Freud. 1989. Cái Tôi và Nó/ Tâm lý học cái Vô thức. (trích từ tuyển tập tác phẩm của S. Freud ) Nxb Mockva. Tr. 432.
17. A.A Radughin. 2004. Văn hóa học, những bài giảng. Nxb Viện văn hóa thông tin. Hà Nội. tr.73.
18. S. Hungtington. 2003. Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb Lao động. Hà Nội. tr .44.
19. Mã đại Cát. 2004. Tôn giáo thông luận. (chương 5: Tôn giáo và văn hóa trong quan điểm của Max Weber.) Nxb Bắc Kinh. Tr.456 (Bản dịch của trương Phan Châu Tâm).
20. Mã đại Cát. 2004. Tôn giáo thông luận. (chương 5: Tôn giáo và văn hóa trong quan điểm của Max Weber.) Nxb Bắc Kinh. Tr.458 (Bản dịch của trương Phan Châu Tâm).
21. Bkukkyo Dendo Kyokai.2008. The teaching of Buddha. Kosaido Printing Co., Ltd. Tokyo, Japan. Tr. 15 (bản song ngữ Nhật – Anh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. N.A. Berdiaev. 1994. Triết học của tinh thần tự do. Nxb Mát – xcơ-va.
2. A. A Radughin. 2004. Văn hóa học, những bài giảng. Nxb Viện văn hóa thông tin. Hà Nội. Mã đại Cát. 2004 Tôn giáo thông luận. (Chương 5: tôn giáo và văn hóa trong quan điểm của Max Weber.) Nxb Bắc Kinh. (Bản dịch của Trương Phan Châu Tâm).
3. Bkukkyo Dendo Kyokai.2008. The teaching of Buddha. Kosaido Printing Co., Ltd. Tokyo, Japan. (bản song ngữ Nhật – Anh).
4. S. Freud. 1989. Cái Tôi và Nó/ Tâm lý học cái Vô thức. (trích từ tuyển tập tác phẩm của S. Freud) Nxb Mát – xcơ-va.
5. S. Freud. 2001. Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo. Nxb Đại học Quốc Gia. Hà Nội. tr 76 (Bản dịch của Lương Văn Kế).
6. S. Hungtington. 2003. Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb Lao động. Hà Nội.
7. Khổng Tử. Luận ngữ. Nhà in Trí Đức Tòng thơ. Sài Gòn (bản dịch của Đoàn Trung Còn).
8. Daisetz Teitaro Suzuki. 1973. Thiền luận. (quyển hạ). Nxb An Tiêm. Sài Gòn. (bản dịch của Tuệ Sỹ ).
9. Tam tạng Việt Nam. 2013. Chú giải: Phật thuyết như vầy. tập II. Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. (bản dịch của Tỳ khưu Siêu Minh).
10. Viện nghiên cứu Phật học và Trường ĐHKHXH&NV. 2014. Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Nxb Đại học Quốc gia, Tp.HCM.
11. Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 2014. Phật học tinh hoa. Nxb Trẻ. TpHCM. (tái bản).
12. Kimura Taiken. 1972. Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận. Nxb Minh đức. Sài Gòn.
13. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh. 2014. Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. (tái bản).
14. Trương Chí Cương. 2007. Tôn giáo học là gì? Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (bản dịch của Trần nghĩa Phương).
15. Trác tân Bình. 2007. Lý giải tôn giáo. Nxb Hà Nội.
16. Đinh Hồng Hải. 2014. Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết. Nxb Thế giới. Hà nội.
17. Ngô Đức Thịnh. 2009. Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam. Nxb giáo dục. Hà Nội.
18. Trần Ngọc Thêm. 2013. Những vấn đề văn hóa học. Lý luận và ứng dụng. Nxb Văn hóa – văn nghệ. Tp.Hồ Chí Minh.
19. Nguyễn Huy Hoàng. 2002. Mấy vấn đề triết học văn hóa. Nxb Văn hóa – Thông tin. Hà Nội.
20. www. Monticello.org/site/ Jefferson/
21. www. en.wikipedia.org/wiki/ Thomas_jefferson/
Nguồn: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM
Phật giáo vùng Mê-Kông: Di sản và văn hóa
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Minh triết Phật giáo một di sản văn hóa tinh thần (Tác giả: PGS.TS Trương Văn Chung) |