Mộ tưởng niệm – di sản văn hóa đặc sắc trong bình diện mộ hợp chất quý tộc thời Nguyễn ở các tỉnh phía Nam thời Trung và Cận đại

MEMORIAL TOMBS – SPECIAL CULTURAL HERITAGE IN THE CONTEXT OF COMPOUND BURIALS OF NGUYEN DYNASTY ARISTOCRACY
IN SOUTHERN PARTS OF VIETNAM IN MEDIEVAL AND POST-MEDIEVAL TIMES

Tác giả bài viết: PHẠM ĐỨC MẠNH; ĐỖ NGỌC CHIẾN
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)

TÓM TẮT

     Bài này giới thiệu về loại hình mộ kỷ niệm trong khung cảnh loại hình mộ hợp chất dành cho giới quý tộc thời Nguyễn thời Trung và Cận đại ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Đây là loại di sản văn hóa vật thể – phi vật thể hiếm có đương thời (1,5%). Chúng cũng rất quý giá vì thường gắn kết với các “danh nhân lịch sử” – những bậc “Khai quốc công thần” thời mở nước “Đại Nam nhất thống” Trung và Cận đại. Ngoài những quần thể đền thờ – lăng tẩm tiêu biểu Nam Bộ (Nguyễn Hữu Cảnh, 1650-1700; Lê Văn Duyệt, 1763-1832; Lê Văn Phong; Trương Tấn Bửu, 1752-1827; Trần Văn Học, Phan Tấn Huỳnh, “Ông Nhiêu Lộc”, Huỳnh Văn Tú…), các tác giả chuyên khảo huyền lăng Võ Tánh (1768-1801) ở cả thành Hoàng Đế và Gia Đinh, cùng lăng tẩm các chiến hữu của cụ liên quan ñến trận thủy chiến lớn nhất và cuối cùng giữa quân Tây Sơn và Chúa Nguyễn trên sa trường Bình Định (Ví như, quận công Thái bảo Võ Di Nguy, 1745-1801; Ngô Tùng Châu; Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu và 2 em trai Nguyễn tộc, v.v…). Theo quan điểm tác giả, sự hiện diện loại hình mộ kỷ niệm Võ Tánh và chiến hữu – những di tích Lịch sử văn hóa – nghệ thuật Quốc gia và cấp tỉnh ở Nam Bộ liên quan đến sự tôn vinh cá nhân anh hùng “phò vua”, “hộ quốc cứu dân” trong lịch sử mở nước “Hướng về Nam” thời Trung và Cận đại. Chúng góp phần làm nên đặc trưng nổi trội của nhân cách Nam Bộ đương thời. Cổ tích về cá nhân anh hùng Nam Bộ ấy còn được con cháu các thế hệ sau gìn giữ và tôn thờ trong tình cảm Việt “Uống nước nhớ nguồn” và ghi ân Tiên tổ “ đã có công dựng nước”.

Từ khóa: mộ hợp chất thời Nguyễn, Nam Bộ, thời kỳ Trung đại và Cận đại.

ABSTRACT

     This paper introduces Memorial Tombs in the context of memorial compound tomb types for the aristocrat of the Nguyen Dynasty (1802-1945) in Southern Vietnam in The Medieval and Post-Medieval Time. This type was of rare tangible and intangible cultural heritage at the time (1.5%). These heritage assets are very valuable because they are associated with historical figures – “state founders, meritorious officials” in country expansion time “The Great South Unification (Dai Nam Nhat thong)”. In addition to the typical complex of mausoleums in Southern Vietnam (Nguyen Huu Canh, 1650-1700; Le Van Duyet, 1763-1832; Le Van Phong, Truong Tan Buu, 1752-1827 or Tran Van Hoc, Phan Tan Huynh, Huynh Van Tu, and “Sir Nhieu Loc”), the authors studied Vo Tanh mausoleum at both Hoang De (emperor) and Gia Dinh (emperor) citadels, and the mausoleum of his warmates related to the last and biggest-scaled sea fight between the Nguyen dynasty’s army and the Tay Son insurgent army on Thi Nai lagoon in 1801 (Vo Di Nguy, 1745-1801; Ngo Tung Chau; Thu Ngoc Hau, etc.). In our opinion, the presence of memorial tomb types of Vo Tanh and his warmates – historic-cultural-artistic heritage sites of national/provincial levels in Southern Vietnam relating the honoring of heroes who “wholeheartedly served the King, defended the country, saved the people” in the history of country expansion “Towards the South” in medieval and post-medieval times. They contribute to the moulding of prominent features of the comtemporary Southerners’ personality. Those historical stories of the Southern heroes are preserved and worshipped by their descendants bearing in mind the Vietnamese way of life “praising the bridge carrying one over” and pay homage to ancestors for their nation-building service.

Keywords: the Compound Tombs of the Nguyen Dynasty, the Southern part of Vietnam, the Medieval & Post-Medieval Times.

x
x x

     Trong bình diện “mộ hợp chất”1 dành riêng cho Quý tộc thời Nguyễn thời Trung và Cận đại ở các tỉnh phía Nam Việt Nam ngày nay, mộ tưởng niệm là loại hình di tích lịch sử văn hóa vật thể – phi vật thể độc đáo đương thời, trước hết vì chúng hiếm có (theo thống kê của chúng tôi chỉ có khoảng 9 di tích chiếm khoảng 1,5% tổng số mộ hợp chất ở Việt Nam và chiếm khoảng 1,65% mộ hợp chất đàng Trong – Nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa). So với mộ hợp chất thường thấy, các di tích kiểu “mộ tưởng niệm” (dân gian gọi là “huyền lăng” hay “mộ gió”) không khác nhiều về quy hoạch tổng thể, vật liệu hay bố cục kiến trúc dương phần như uynh thành, nữ tường, bình phong tiền – hậu chẩm. Những đặc điểm có thể nhận dạng rõ nhất về chúng là gắn với các nhân vật lịch sử mà thư tịch minh định rõ xây dựng để “tưởng niệm” kiểu: lăng song táng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố – đồng Nai (lăng thật xây ở quê hương Quảng Bình); hoặc kiểu lăng dành cho võ tướng chắc chắn “mất xác” trên chiến trường xưa, như lăng Võ Tánh ở Quận Phú Nhuận, TP. HCM và ở thành Bình định .v.v… Ở một số “mộ tưởng niệm” từng được nhà khảo cổ học khai quật thì dưới huyệt hoàn toàn không có quan quách hay thi hài mộ chủ, một số nấm mồ dạng này thường có nấm hình bán cầu – kiến trúc nấm mồ kiểu lăng Võ Tánh trong thành Hoàng đế (Bình Định) hoặc mộ Cao Tín (Nha Trang – Khánh Hòa) hay các mộ trong khuôn viên Viện Pasteur (Quận 3, TP. HCM) hay ở Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang .v.v… mà các vị cao niên Nam Bộ lý giải với chúng tôi thường dành cho mộ “kỷ niệm”, “huyền lăng”, “mộ gió” hoặc dạng mộ “cải táng” không phân định rõ phương hướng.

     Các dạng mộ “tưởng niệm” như vậy thời Nguyễn theo quan sát của chúng tôi hiếm khi vô danh, ví như ngôi mộ Cao Tín nằm trong nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Phương Sơn (TP. Nha Trang) do PGS. TS. Nguyễn Lân Cường và Bảo tàng Khánh Hòa khai quật giải tỏa năm 2008 cũng được thiết kế công phu bằng 9 lớp hợp chất trong lớp tường bao nhưng huyệt không có gì; hoặc ngôi mộ do Trung tâm Bảo tổn và phát huy di tích và danh thắng khai quật năm 2010 trong khuôn viên Viện Pasteur (P8, Quận 3, TP. HCM) chỉ còn phần nấm tô xi măng trên nền cốt hợp chất (vôi tôi, vôi sống, san hô và vỏ nhuyễn thể nghiền, sỏi và đá ong cỡ 0,2-1,5cm, đất nung, mảnh gốm, bã thực vật, giấy dó, lá cây) nhưng không có quan quách trong kim tĩnh.

     Đa phần di tích tưởng niệm thường “hữu danh” và theo đó, điều này quan trọng hơn, chúng lại kết gắn với các biến cố và sự kiện lịch sử bi tráng mà mộ chủ thường “chết mất xác” trong chiến trận hoặc chịu họa thiên tai khi xa xứ, từ những thủ lĩnh “vùng – miền” đến các dòng họ quyền uy “danh gia vọng tộc”, các “danh nhân lịch sử” mà không ít vị được Triều đình đương đại tôn vinh như các bậc “khai quốc công thần” và các thế hệ cháu con nối tiếp tôn thờ như “Tiên hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ” thời mở nước của “Đại Nam nhất thống”. Ngoài một số quần thể di tích mộ hiện còn nhưng chưa khai quật nên chưa thể khẳng định là “mộ tưởng niệm” (hoặc như tên gọi dân gian là “mộ gió”); ví như quần thể cổ mộ Huỳnh Văn Tú người thôn Tân Hội, huyện Phước Chánh, trấn Biên Hòa từng đậu Cử nhân tháng 6 năm Kỷ Mão – năm Gia Long 18 (1819) theo “Quốc Triều Hương Khoa Lục”, làm quan Bố Chánh tại Cao Bằng bị tử nạn cả gia đình trong một chuyến đi biển từ Bắc về thăm quê theo ghi nhận trong gia phả; nhưng các mộ được người thân xây dựng ở Cù Lao Rùa giữa sông Đồng Nai dưới chân Gò Rùa mà Trịnh Hoài ðức từng miêu tả là “Núi Quy Dữ giữa dòng sông Phúc Long” trong “Gia Định thành thông chí” năm 1820 [27:20]; thì không rõ có còn xác hay không ở cả mộ quan Bố Chánh (tọa độ: N 100 58’54.1’’ – E 1060 46’57.1’’), hai phu nhân và mộ các con.

     Nổi tiếng bậc nhất trong kiểu hình mộ tưởng niệm Quý tộc Nguyễn trên địa bàn Nam Bộ hiển nhiên là quần thể Đền thờ và lăng tẩm song táng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (阮有鏡) (1650- 1700) và phu nhân ở đất thiêng Bình Kính (ấp Nhị Hòa, Cù Lao Phố) xứ Trấn Biên xưa (nay thuộc Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Theo nhiều nguồn Sử Nguyễn, cụ sinh ở Phong Lộc (Quảng Bình), từng vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu làm Thống suất, kinh lược xứ Đồng Nai tháng 2 năm Mậu Dần (1698), “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trần Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có hai ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch” (Đại Nam Thực lục Tiền biên). Nhờ “Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam vào đất ấy (tức đất Trấn Biên và Phiên Trấn), rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh” [22:2002b] mà “đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ” [27]. Khi làm Thống binh cùng danh tướng Trần Thượng Xuyên dẹp loạn Chân Lạp Nặc Thu (Ang Saur) đóng ở Cù lao Sao Mộc (“Cù Lao Ông Chưởng” ở Chợ Mới, An Giang), cụ bị bạo bệnh về lại Trấn Biên nhưng đến Sầm Giang (Rạch Gầm – Mỹ Tho) ngày 6/4 năm Canh Thìn (1700) thì mất. Phó tướng lo việc tẩm liệm rồi chuyển cữu về dinh Trấn Biên, đình cữu và quyền táng tại thôn Bình Hoành (Châu Đại Phố). Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu tiếc thương truy tặng cụ “Hiệp tướng công thần đặc Trấn Dinh Trưởng” với tước “Tráng Hoàng Hầu”, thụy là Trung Cần (gia phả ghi tước và thụy được truy tặng lần sau cùng là Vĩnh An hầu, thụy Cương Trực). Sau Gia Long truy phong thêm “Thượng đẳng công thần Trấn Phủ Quốc Trưởng Cơ” với tước “Lễ Thành Hầu” (上等神) cho thờ tại Thái Miếu cùng các Tiên vương nhà Nguyễn. Khu lăng mộ chính của cụ ở quê hương (Đồi An Mã – Thác Ro, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) [22:2002, 2005:101 – 114;29], còn khu mộ tưởng niệm cùng phu nhân nằm bên Đền thờ – Bình Kính Miếu (平鏡廟) – còn lưu một sắc Thần dời Minh Mạng thứ 3 (24/9/1822) và 2 sắc thần đồi Thiệu Trị (2/7/1843) dành tặng “Thượng Đẳng Thần” vì các “công đức vinh quang vệ quốc giúp dân… mở mang đất đai, chinh phục nơi xa xôi” (hộ quốc tí dân hiển hữu công đức… thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân tứ kim) (護國庇民顯有… 統一海宇慶被神人賜金), “mở mang bờ cõi giúp nước yên dân rạng rỡ linh thiêng” (hộ quốc tí dân nhẫm trước linh ứng tước mông ban cấp) (護國庇民稔著靈應爵蒙頒給).

     Khu mộ song táng Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh và phu nhân nằm trên gò đất phía Đông cách đền thờ khoảng 50m, với uynh thành (dày 50cm, cao 50cm) khuôn viên bề thế diện rộng 32,60m2 (7,45 x 4,6m), có đủ nấm mồ đúc hình khối chữ nhật (dài 3m, cao 0,4m), gắn hương án và khung bia hướng Đông Nam, bình phong tiền (dày 0,4m, cao 1,2m) và hậu chẩm xây kiểu mái đền (dày 4m, cao 1,6m) hai bên có trang trí dây hoa, các cặp trụ biểu gắn cặp Lân chầu bằng gốm hoặc hoa sen (Hình 1) chính là kiến trúc điển hình “Mộ Gió Thượng Đẳng Thần” Nguyễn ở Nam Bộ đương thời. Ngoài Bình Kính Miếu (平鏡廟) và huyền lăng tưởng nhớ ân đức “danh nhân lịch sử” mà theo quan điểm chúng tôi gợi nhớ vị thế “Hùng Vương Nam Bộ” – Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người từng được dân Đàng Trong lập đền và bài vị thờ phượng chính quê Quảng Bình và ở nhiều vùng cụ từng có kỷ niệm sâu nặng – Quảng Nam, Cù Lao Phố (Biên Hòa), Đình Lý Nhơn – Nam Tiến (Quận 4) và cả Đình Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5, TP. HCM), ở cả miền tây Sông Hậu như Ô Môn (Cần Thơ), Nam Vang, hay Lễ Công Từ Đường (phường Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang) do đích thân Tổng đốc An Hà Thoại Ngọc Hầu lệnh xây (Đại Nam nhất thống chí); ở bài này chúng tôi giới thiệu thêm các quần thể lăng tẩm quý tộc Nguyễn danh tiếng khác liên quan đến bản thân Quận công Phò Mã Võ Tánh và các chiến hữu của cụ và đến những trận huyết chiến Chiến lược thời Tây Sơn và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong – Nam Trung Bộ và Nam Bộ (Việt Nam) từ trước thời Nguyễn Thế Tổ Phúc Ánh đăng cơ (1802-1919).

1. Huyền lăng Võ Tánh quận Phú Nhuận (TP. HCM)

     Võ Tánh (武性, 1768-1801) sinh tại huyện Phước An (trấn Biên Hòa), sau dời đến huyện Bình Dương (Gia Định) trong gia binh Đông Sơn, sau theo Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn, đương thời được dân Nam Bộ coi là danh tướng trong “Gia Định tam hùng” cùng với Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp. Theo Sử Nguyễn, cụ vốn người sáng suốt, tinh thông võ nghệ, cùng anh Võ Nhàn giương cờ “Khổng Tước Nguyên Võ” dấy binh “Kiến Hòa Đạo” tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn) trấn giữ cả Gò Công. Năm Mậu Thân (1788) đầu quân Nguyễn Ánh ở Nước Xoáy (Sa Đéc), được nhậm chức Tiên phong Dinh Khâm sai Chưởng cơ và được chúa gả cho em gái là Ngọc Du. Năm 1790, Võ Tánh đánh hạ thành Diên Khánh của tướng Tây Sơn Đào Văn Hồ, dùng mưu đuổi quân Tây Sơn vây thành năm Giáp Dần (1794), được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá và phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân.

     Vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XVIII, cụ phò Chúa Nguyễn chinh chiến miền Trung, từng đánh Quảng Nam và vượt sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đánh bại Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp (1797), cùng Chưởng Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, giết Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Thiệt tại cầu Tân An và thâu hàng Đô Đốc Lê Chất, bắt 6.000 quân và 50 thớt voi của Thái Phó Tây Sơn Lê Văn Đang tại làng Kha Đạo, buộc các tướng Tây Sơn Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành Qui Nhơn xin hàng và đổi tên là Thành Bình Định (1799). Khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ nhưng bị Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng từ Thuận Hóa vào hãm thành 14 tháng. Chúa Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đem đại binh ứng cứu, đại thắng Tây Sơn ở đầm Thị Nại, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư khuyên Chúa đánh hạ Phú Xuân để ông cầm chân Trần Quang Diệu. Ngày 27/5 năm Tân Dậu (7/7/1801), thành hết lương, Võ Tánh gửi Trần Quang Diệu thư xin tha chết cho quân sĩ, còn mình chết thiêu dưới lầu Bát Giác, Ngô Tùng Châu dùng thuốc độc tự vẫn. Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu cảm động cho lượm tinh cốt mai táng hai ông tử tế và tha bổng toàn bộ bại binh. Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long truy tặng ông Dực Vận Công Thần, Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái Úy Quốc Công, tên thụy Trung Liệt. Gia Long sai Cai bạ Đinh Công Khiêm, Cai đội Tôn Thất Bính mang áo mũ gấm lụa đến quân thứ ở Thị Nại thu lượm tàn cốt về chôn ở Gia Định, năm 1804 ông được thờ ở đền Hiển Trung (Gia Định), cấp cho tự điền, mộ phu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong Hoài Quốc công [22:2005:101- 114; 2006:278].

     Ngoài lăng Võ Tánh nằm kế mộ Ngô Tùng Châu trong nội cung thành Hoàng Đế Nguyễn Nhạc, Vua Gia Long sai lập mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê) và chôn hình nhân bằng sáp. Ông còn có đền thờ mang tên là Võ Quốc Công Miếu ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận (Gò Công) [8:2001; 25; 29].

     Lăng mộ Võ Tánh tọa lạc tại hẻm số 19 Hồ Văn Huê, tổ 49, phường 9, Quận Phú Nhuận, cách Ủy ban Nhân dân phường 9 khoảng 550m về phía đông nam. Di tích lăng mộ Võ Tánh là một tổng thể các kiến trúc văn hóa gồm cả đền thờ (áo mão, kiếm lệnh) và lăng mộ. Riêng về phần mộ Võ Tánh, do được tu bổ thường xuyên và được xây dựng bằng hợp chất nên vẫn giữ được dáng hình nguyên thủy, còn nguyên vẹn các bức bình phong, các đoạn tường bao và nấm mộ. Mộ nằm phía sau và cách Chánh điện và Nhà hát 15m. Đền thờ xây cột gỗ lợp ngói âm dương còn bức hoành phi khắc 4 chữ Hán: “Đỉnh phần minh huân” cúng năm Giáp Tý 1861; cặp liễn: “Trung sự Quân ân, vạn cổ anh hùng chân đệ nhất. Danh thùy Nam Quốc, thiên thu nghĩa khí thị vô song” cúng năm Canh Thân 1900; bức bao lam 4 chữ Hán: “Anh linh hiển hách” chạm thủng đề tài chim hoa. Quần thể này là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (QĐ số 101/2004- QĐ/BVHTT 15/12/2004), và lễ giỗ Long Văn Hầu thường niên ngày 16/6 lịch Trăng (Hình 2). Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật (9,7 x 8,5m) bao quanh bởi tường thành (cao 110cm, dày 80cm). Tại 4 góc cạnh của tường bao án ngữ bởi bốn khối trụ (90 x 90cm, cao 2m) đầu đài sen sơn đỏ. Mặt trụ sen và tường bao còn họa hình mâm quả (đu đủ, xoài, dừa, mãng cầu…). Từ ngoài vào bao gồm các kiến trúc: bình phong tiền, cửa lăng, sân tế, cửa mộ, bệ thờ hương án, nấm mồ, bình phong hậu. Bình phong tiền: rộng 3m, cao 1,7m, dày 0,60m; mô phỏng dạng sập chân quỳ, phần chân đế hình khối chữ nhật (3,5 x 1,1m). Phía trước tấm bình phong tiền tô vẽ hình ông Hổ và cành thiên nhiên hoa lá cỏ cây mây nước; mặt sau đắp và tô sơn hình con kỳ lân cách điệu (thân lân đầu rồng) chân có lửa bay trên mây, mang trên lưng sắc phong và thanh gươm (Long Mã hà đồ). Cửa mộ rộng 2,3m, khống chế bằng hai trụ hình hộp vuông đỉnh búp sen cao 2m50, cổng đắp nổi bốn chữ Hán: “Võ Quốc Công Lăng”. Chánh mộ hình khối chữ nhật (4 x 3m) giật 2 cấp (cách nhau 35-40cm): cấp phía dưới hiện gần ngang mặt đất như phần chờm ra của tấm đan kim tĩnh, đúc liền hương án đá (2 x 0,83 x 0,83m) sườn đắp nổi hoa văn. Bình phong hậu nối liền với các đoạn tường bao, phần chân móng bình phong hậu có một cây si khá lớn. Bình phong hậu rộng ngang 3,5m, dày 70cm, cao 2,2m (tính cả chân bệ kiểu sập quỳ), hai mạn tả hữu có khối hợp chất hình cuốn thư, mặt chính giữa bình phong đằp nổi hình Vân Hạc. Theo sử cũ, đây chính là một trong những mộ tưởng niệm tiêu biểu của quan lại công thần Nguyễn ở Nam Bộ thời Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn. Học giả Vương Hồng Sển còn cho biết ở khuôn viên Lăng Phò mã Hậu quân Võ Tánh (chôn hình nhân bằng sáp vì người tự thiêu trên giàn hỏa không còn thây thi mất Tân Dậu 27/5/1801) từ trước năm 1940 vẫn còn nguyên 4 cây thông đại thụ do chính Vua Gia Long sắc chỉ trồng, sau bị chặt chỉ còn vết gốc [29: 174].

2. Huyền lăng Võ Tánh thành “hoàng đế” (Bình Định)

     Ở tỉnh Bình Định, quần thể mộ nổi danh bậc nhất chính là nơi tẩm niệm Dực vận công thần Thái úy Hoài Quốc công Võ Tánh (武性) và Tả vận công thần Trụ quốc Thái sư Châu Quận Công Ngô Tùng Châu (藀褓褯) từng tuẫn tiết khi thành Bình Định thất thủ ngày 25/5 năm Tân Dậu (5/7/1801) được vua Gia Long cho xây dựng để tưởng nhớ công lao và cho lấy lầu Bát Giác (nơi Võ Tánh tự thiêu) làm nơi hương hỏa cho họ Võ họ Ngô. Trong bài Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tòng Chu do Đặng Đức Siêu soạn, đọc trong lễ truy điệu, có đoạn: “Miền biên khổn, hai năm chia sức giặc, vững lòng tôi bao quản thế là nguy; Cõi Phú Xuân, một trận thét uy trời, nặng việc nước phải lấy mình làm nhẹ. Sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết, đuốc quang minh hun mát tấm trung can; Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí…”. Trong nội cung thành Hoàng Đế Tây Sơn Nguyễn Nhạc, mộ Võ Tánh được kiến thiết có mui luyện hình tròn, trên có đắp biểu tượng con dơi, nằm kế bên mộ Ngô Tùng Châu hình khối chữ nhật. Mới đây, có thông tin mộ Ngô Tùng Châu đã được cải táng chuyển về quê nhà thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định), nhưng trong Thành Hoàng đế vẫn còn ghi dấu không ít kiến trúc mộ hợp chất Quý tộc Nguyễn, bình phong, tượng thú và phế tích lạ khác (Hình 3a-b) [25; 8:2001; 10; 11; 28; website: 1].

3. Lăng mộ và đền thờ Võ Di Nguy ở quận Phú Nhuận (TP. HCM)

     Lăng mộ và Đền thờ Võ Di Nguy và phu nhân hiện tọa lạc tại số 19 đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (QĐ số 43-VH/QĐ 7/1/1993), trước năm 1975, con hẻm này mang chính tên Bình Giang Bá Võ Di Nguy [29]. Võ Di Nguy (武彝巍) còn gọi lạ Khâu (1745-1801), quê huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế), nhờ giỏi thủy chiến nên dưới thời chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1751-1777), được cử trông coi các đội thủy quân. Tháng 12 năm Giáp Ngọ (1774), quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú Xuân, Định Vương vượt biển chạy về Gia Định năm Ất Mùi (1775), Võ Di Nguy ở lại chống quân Trịnh, sau cùng Cai đội Tô Văn Đoài đem khoảng 200 rút quân vào Nam. Năm Đinh Dậu (1777), Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương đều bị quân Tây Sơn bắt giết, ông theo phò người kế vị là chúa Nguyễn Phúc Ánh và cùng Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc trông coi đoàn thủy binh ở Gia Định. Năm 1785, sau thất bại Rạch Gầm – Xoài Mút, Võ Di Nguy cùng nhiều tướng phò Nguyễn Ánh sang nương nhờ Vọng Các. Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Phúc Ánh kéo quân về nước, đóng quân tại Long Xuyên, ông lãnh sứ mạng ở lại Phú Quốc bảo vệ cho mẹ và cung quyến chúa Nguyễn. Tháng 8 năm Mậu Thân (ngày 7/9/1788), chúa Nguyễn lấy lại được Gia Định, cử ông làm Nội Thủy Trung Thủy Thuyền, rồi thăng Khâm sai thuộc nội Cai cơ, chỉ huy năm đạo hải thuyền “Minh Phương Hầu” và trông coi việc đóng thuyền và tàu chiến. Tháng ba năm Quý Sửu (1793), hộ giá chúa Nguyễn ra đánh Qui Nhơn, ông cùng Nguyễn Văn Trương và Võ Tánh điều động hải quân, đổ bộ đánh chiếm được phủ Bình Khang (nay thuộc Khánh Hòa). Tháng 2 năm Ất Mão (1795), ông theo chúa Nguyễn ra cứu Võ Tánh ở thành Diên Khánh (Khánh Hòa). Năm 1796, Nguyễn Ánh lập 5 đạo thủy binh, ông được phong Khâm Sai thuộc Nội Cai cơ, trao quyền chỉ huy Trung Hải Quân, quản thuyền Nội Thủy, Trung Thủy. Mùa xuân năm Tân Dậu (1801), ngày 15 tháng Giêng Chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương đem quân tiền đạo tấn công vào đồn thủy của quân Tây Sơn; sai Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem thủy quân vào đánh cửa Thị Nại. Việt sử tân biên chép: “Cuộc tấn công này lại được cái may là gió và nước triều bấy giờ đang thổi mạnh. Đúng 10 giờ 30 (đêm rằm tháng giêng năm Tân Dậu, tức 27 tháng 2 năm 1801), Nguyễn Văn Trương bắn phát đại bác đầu tiên để ra lệnh tấn công khắp mọi nơi. 26 chiến thuyền chèo phóng lửa đốt sạch mọi thứ trên bãi cát. Đạo binh 1.200 người của (quân) Nguyễn, lưỡi lê tuốt trần nấp ở các hầm hố dưới cát, vừa đánh vừa bắn đại bác lên bờ. Quân Phú Xuân (tức quân Tây Sơn) bị đánh bất thình lình rối loạn chết hại khá nhiều. Đồn Tây Sơn ở Tam tòa sơn, ở bên phải cánh quân tấn công, chuyển một hỏa lực kinh khủng bắn xuống các thuyền chèo tay của Nguyễn vương khi đó vào đúng tầm súng. Võ Di Nguy bị một phát đạn bay đầu liền”. Sau trận chiến, thi hài Võ Di Nguy được chuyển về Gia Định chôn cất và được Nguyễn Ánh sắc phong “Tả Mệnh Công Thần, Đặc Tiến Thượng Trụ Quốc Thiếu Bảo, Quận Công, tên thụy Trung Túc”, thờ ở đền Hiển Trung. Năm 1807, Gia Long truy tặng hàm Nhất Phẩm, thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần, được cấp mộ phu. Năm 1813, được phong Tá Vận Công Thần, Đặc Tiến Tráng Vũ Tướng Quân, Thủy Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, Thái Bảo, phong thụy là Bình Giang Tướng Quân. Sang đời Minh Mạng (1824), ông được thờ Thế Miếu (1824), truy phong Bình Giang Quận công, đổi tên thụy là Tráng túc và tước Bình Giang Quận công (1831) [8:2006; 9; 20; 22: 2005:124 – 126; 25].

     Đền Phú Trung Bình Giang – Lăng Võ Di Nguy (1745-1801) với kiểu kiến trúc chỉ dành cho bậc đại công thần được chia làm hai khu phối trí theo trục dọc: khu đền thờ phía trước và khu mộ phía sau. Đền thờ có từ khi xây cất xong khu mộ, khi xưa chỉ có ba gian nhỏ thấp lợp ngói âm dương, kiến trúc hiện nay của khu đền thờ là kiến trúc được xây dựng lại trong đợt trùng tu vào năm 1972; với kiến trúc chính điện là ngôi nhà tứ trụ truyền thống Nam bộ cùng hai dãy nhà phía Đông và phía Tây hai bên. Bên trong, tại Chính điện có bàn thờ Hội đồng ở giữa, phía trong là các án thờ giữa chính điện thờ thần vị Võ Di Nguy và người cháu ruột là Võ Di Thái được phong tước Bình Giang Bá, riêng án thờ Võ Di Nguy có bài vị khắc chữ Thần thếp vàng. Bên cạnh có tượng bạch mã. Hai bên tả ban, hữu ban đều có vọng bàn thờ các vị văn thần và võ tướng nhà Nguyễn, với lối kiến trúc và bài trí giống như kiểu thờ thần ở Nam Bộ, có án thờ chạm lọng cặp rồng chầu dương, rồng mây, chim hoa và chữ Hán: “Uy liệt Nam bang” cùng cặp liễn đối: “Nam bang Thượng tướng, dũng liệt anh linh. Vệ Thủy Trung quân, thịnh danh hiển hách” (Thượng tướng nước Nam, uy dũng anh linh. Trung quân thủy vệ, danh tiếng hiển hách), các chế phong cho Bình Giang quận công Võ Di Nguy và cháu ruột Bình Giang bá Võ Di Thái. Bài vị gỗ ghi: “Việt sắc Khâm sai Thuộc nội Cai cơ quản Ngũ Thủy dinh Mính Phương hầu, Thượng tướng quân, Cẩm y Thị vệ, Thượng Trụ quốc, Thống phủ, tính Võ tự Di Nguy phủ quân chi vị” (Bài vị họ Võ tên Di Nguy được vua nước Việt ban sắc là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ quản Ngũ Thủy dinh Mính Phương hầu, Thượng tướng quân, Cẩm y Thị vệ, Thượng Trụ quốc, Thống phủ) và mệnh phụ Lê Thị Mười ghi: “Hiển tỷ mệnh phụ, Việt sắc: Khâm sai Thuộc Nội Cai cơ, Quản Ngũ Thủy dinh, chính thất Võ phủ, tính Lê Thị Mười phủ quân chi vị” (Bài vị tên Lê Thị Mười, được ban sắc là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ quản Ngũ Thủy dinh chính thất Võ phủ).

     Phần mộ Quận công xây dựng năm 1801 bằng hợp chất với quy mô đồ sộ và trang trí tuyệt mỹ về kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, với tường bao khép kín có đắp nổi hình đầu cặp Thanh Long – Bạch Hổ, Xi vẫn, với mặt trong trang trí phù điêu các đề tài búp sen, kỳ lân, rồng, hổ, rái cá; sen vịt, chim cò, tùng lộc, lộc bình, hoa điểu, hoa cúc dây, mai lan cúc trúc, sông nước trời mây. Bên ngoài khu vực mộ có 2 lớp tường ô dước cao 1,8m (ngoài) và cao 1,2m (trong) cách nhau 2,4m, bao quanh 4 ngôi mộ: bên phải là phần mộ của bà Lê Thị Mười (vợ của Võ Di Nguy) và người con thứ nam Võ Di Thiện, bên trái là phần mộ của cháu dâu họ Võ là Triệu Thị Đào và một mộ phần vô danh. Cạnh hai mộ này có một giếng nước. Ngoài lăng trong khuôn viên có am thờ Thổ thần. Mộ Võ Di Nguy hướng nam (chếch đông 35º) với bình đồ chữ nhật cắt góc phần trước (chiều dài nhất 19,5m (từ bình phong hậu đến tường bao tiền sảnh)) x rộng nhất 12m (tiền sảnh). Từ ngoài vào gồm các kiến trúc: Cửa lăng: khống chế bằng 2 trụ sen. Bình phong tiền: với cặp lân cao lớn án ngữ hai bên, có diềm đắp nổi hình hoa lá hóa long chầu nhật ở cả 2 mặt trước sau, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau đắp nổi đề tài tùng lộc. Sân tế: với tường bao dày nhất 80cm tạo hình giống cặp bình phong 2 bên tả hữu, kết hợp 2 đoạn tường ngang tạo cửa vào chánh mộ. Nấm mồ dạng liếp hình chữ nhật (4,54 x 4,14m, cao 62cm) giật cấp (đường viền các cấp vát nhẹ, thành mộ đắp nổi đồ án hoa văn kỷ hà kết hợp với hoa lá hóa rồng). Nhang án đặt trước mộ dạng sập chân quỳ. Tường thành chánh mộ mỗi bên tạo 5 ô hộc, phía trong đắp nổi đồ án thú, phượng, hoa lá, đan xen là khung chữ Hán khắc chìm. Bình phong hậu hình chữ nhật (3,7 x 0,8m, cao cả đế 3m) lượn 2 góc trên đứng trên bệ đế chân quỳ, ở giữa tạo hình 2 tấm bia mộ hình sập quỳ truyền thống viết các hàng chữ Hán giống ở bài vị gỗ án thờ. Diềm và các ô hộc có nhiều hoa văn đắp nổi như cặp phù điêu tả hữu thể hiện hình rồng mây sống động, dưới có hình long mã lưng đeo hà đồ, ấn lệnh bay trên sông nước, hình hoa lá hóa long, long ẩn, cúc dây (Hình 4). Lăng tổ chức thường niên cúng giỗ Võ Di Nguy (15 và 16 tháng Giêng) và Võ Di Thái (15 và 16/11 lịch Trăng) theo nghi thức truyền thống.

4. Huyền mộ “Dinh ba quan thượng đẳng Nguyễn tộc”

     Trên đất An Giang, di sản duy nhất ghi dấu kỷ niệm chiến binh tử nạn trong trận thủy chiến lớn nhất và cuối cùng giữa quân Tây Sơn và Chúa Nguyễn ở đầm Thị Nại (Bình Định) chính là quần thể đền thờ Nguyễn Tộc và mộ kỷ niệm “Ba quan Thượng đẳng” của dòng họ này. Đó chính là Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu và hai em trai – Chánh ngự quân Nguyễn Văn Kinh, Hậu ngự quân Nguyễn Văn Diện. Thư Ngọc Hầu (書玉侯) (?- 1801) tên thật Nguyễn Văn Thư (阮文書), sinh tại cù lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cha gốc Bình Định là Nguyễn Văn Núi và mẹ là Lê Thị Nhạc. Ông cưới vợ và ngụ ở Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (nay là xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Năm Nhâm Dần (1782), ông cùng hai em Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện đầu quân chúa Nguyễn dưới quyền tướng người hoàng tộc Tôn Thất Hội (tức Nguyễn Phúc Hội). Ông được phong chức Chưởng cơ, từng tham chiến Hổ Cứ, gần Tòng Sơn (nay là Mỹ An Hưng, huyện Thanh Hưng, Đồng Tháp) (1789), giải vậy thành Diên Khánh, rồi tiến đánh cửa bể Thị Nại, phá trại Tiêu Cô, Mai Hương (1794), đánh bại được tướng Tây Sơn Lê Trung ở Lũy Giang (1795). Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây thành Bình Định,Chúa Nguyễn cử đại binh trong số đó có đội thủy quân của Nguyễn Văn Thư ra cứu viện, đánh đồn thủy của Tây Sơn ở cửa bể Thị Nại tháng 2 năm Tân Dậu (1801), chiến thuyền quân Tây sơn bị Lê Văn Duyệt đốt gần hết nhưng Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Thư và hai em (Chánh ngự quân Nguyễn Văn Kinh, Hậu ngự quân Nguyễn Văn Diện) đều thiệt mạng, thi hài các ông và nhiều tướng sĩ khác xem như đã được thủy táng tại cửa bể này. Sau năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long truy tặng Nguyễn Văn Thư “Đặc Tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Trụ quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu”. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần “Nhân vật” tỉnh Định Tường chép: “Nguyễn Văn Thư người huyện Kiến Phong, khẳng khái có khí tiết, bắt đầu chiêu mộ binh mã, theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc, trải làm đến Hậu quân, Phó tướng, Khâm sai, Chưởng cơ, đi theo đánh Thị Nại, bị đại bác của giặc bắn chết, tặng Chưởng Dinh, liệt thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần”. Tuy nhiên, mãi đến cuối đông năm Giáp Tuất (1814), một chiếc ghe bầu chở sứ giả của triều đình đến cù lao Giêng để báo hung tin và bàn bạc việc tổ chức lễ “du hồn” (đưa hồn về), 3 hình nhân bằng sáp mặc võ phục thủy binh được làm từ kinh đô Huế có kích thước gần bằng người thật, tượng trưng thi hài của ông Thư và hai em, mới được mai táng tại quê nhà theo đúng quân cách. Khu mộ của ba ông được gọi là Lăng Ba Quan Thượng Đẳng, hiện nằm trong một khu vườn của dòng Nguyễn Tộc, thuộc cù lao Giêng.

     Khu mộ chôn các hình nhân tượng trưng, không bia ký: nằm giữa (Thư Ngọc Hầu) được đắp hình cá lý ngư, bên phải (Nguyễn Văn Kinh) được đắp hình rùa (kim qui), bên trái (Nguyễn Văn Diện) đắp hình cá mực (mặc ngư) (Hình 5) (website:2). Phủ thờ Nguyễn Tộc, còn gọi là Dinh Ba Quan Thưởng đẳng – Nguyễn Tộc, ban đầu chỉ là một mái nhà bằng cây lá. Năm 1909 được xây dựng lại theo kiến trúc cổ, trên nền rộng, đối diện với nhà lồng chợ Phủ Thờ và kề bên Sông Tiền. Các công trình chạm, lộng gỗ và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, đồ minh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ hãy còn khá tốt và đầy đủ. Bên trong Phủ thờ có bảy bàn thờ, gian giữa là bàn thờ chính thờ ông Thư, có tàn lọng, minh khí và vài tấm biển thờ, trong số đó có tấm biển thờ lớn ghi ba chữ Hán “Bắc Đẩu Quang” sơn son thiếp vàng… Phủ thờ Nguyễn Tộc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1473/QĐ.UB, 5/9/2001), lễ giỗ ba ông thường niên ngày 25-27/6 âm lịch. Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) khi đến thăm Phủ thờ và Lăng Ba Quan Thượng Đẳng, đã viết: “Ở cù lao Giêng, du khách không khỏi ngạc nhiên khi nghe một địa danh độc đáo: Bến đò Phủ Thờ. Phủ là ngôi nhà thờ lớn (phủ đường) dành thờ cúng, làm lễ giỗ cho kiếng họ (cánh họ). Đây là họ Nguyễn, từ Bình Định vào…gia phả ghi chép khá đầy đủ. Kiếng họ nầy có thể nói là đến lập nghiệp đầu tiên trong vùng, thoạt tiên khẩn đất ở Mỹ Luông (bờ sông Tiền, đối diện Phủ Thờ), rồi mạo hiểm qua vùng cù lao Giêng cất chùa, đánh cọp, phá rừng, học võ nghệ với một thầy từ Huế vào. Phía sau ruộng hãy còn phần mộ của ba anh em, từng theo binh nghiệp, trên mỗi nấm mộ đắp phù điêu riêng. Phủ thờ trùng tu nhiều lần, bên trong có bao lam, liễn đối, chạm trổ khá tinh vi. Hàng năm con cháu trong dòng họ tụ về cúng giỗ với nét riêng biệt, dấu ấn của miền Trung: cúng heo sống tái lụi, học trò lễ là phụ nữ. Trước Phủ có võ ca khá rộng để diễn tuồng hát bội lừng danh, tuồng San Hậu” [13; 21; 23:2\1988].

5. Đôi điều nhận thức

     Điểm qua hiện trạng khám phá và nghiên cứu mộ hợp chất Việt Nam, chúng ta xác thực cả một truyền thống mai táng đặc sắc trong lịch sử Trung và Cận đại Việt Nam từ thời Lê đến thời Nguyễn (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX). Với hơn 600 mộ hợp chất hiện biết khắp Bắc, Trung, Nam, có thể khẳng định loại hình di tích mộ hợp chất là “đặc sản” của truyền thống mai táng Việt dành cho tầng lớp trên của xã hội đương thời dàn trải từ thời Lê đến thời Nguyễn trong khung niên đại từ thế kỷ XV đền đầu thế kỷ XIX. Truyền thống này khởi phát từ vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, lan truyển vào miền Nam Trung Bộ ngay thời Chúa Nguyễn xác lập Đàng Trong và cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ từ thế kỷ XVIII và phổ cập từ thời Chúa Nguyễn Phúc Ánh đăng cơ trong thế kỷ XIX. Đương nhiên, khác với loại hình mộ này phía Bắc thời Lê – Nguyễn chỉ dành riêng cho Hoàng tộc và thân quyến (Vua, Chúa, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Quận công, Thái giám, v.v…), kiểu mộ hợp chất Quý tộc Nam Bộ có nhiều điểm độc đáo mà đặc sắc nhất là sự hiện diện các “mộ kỷ niệm” những anh hùng “mất xác” nơi chiến trận, bên cạnh nhiều yếu tố khác lạ không hề có ở miền Bắc như trang trí “phá cách”, “bất tuân luật lệ Triều đình”, sự tôn vinh những phu nhân quả cảm (mộ song táng phu quân nằm bên cạnh phu nhân), v.v… Những nghiên cứu mới nhất của chúng tôi (2014) minh định các hiện tượng này liên quan mật thiết đến sự tôn vinh cá nhân tài đức “phò Chúa” và “Hộ tí cứu dân” trong lịch sử mở nước và rào dậu phên chắn “Đại Nam nhất thống” thời Chúa và Vua Nguyễn ở tận cùng đất nước chính là đặc trưng nổi trội của nhân cách Nam Bộ đương thời – đặc trưng lấn át tất cả đặc điểm tiểu tiết “phá cách” và “bất tuân luật lệ triều đình” ghi nhận chính trong lăng tẩm hợp chất xứ này, ngay từ danh xưng (như tội triều đình quy cho chính quan Tổng trấn Gia Định Thành dám gọi mộ mẹ bằng “Lăng”; rồi dân Nam Bộ đương thời và hậu thế gọi chính mộ ông và phu nhân là “Lăng Ông Bà Chiểu”), từ quy mô cực lớn, tùy táng xa hoa, v.v…

     Đó là thông điệp từ lăng tẩm “Danh nhân” Nam Bộ gắn chặt với các sự nghiệp mở cõi được chính dân tôn vinh là “Tiền hiền” và “Thành Hoàng” từng cương vực, từ các dòng họ nổi danh này từng là “Tiên đế” trước khi dâng xứ Hà Tiên cho Chúa Nguyễn (Mạc Cửu), đến các dòng họ đầu tiên mở đất Gò Công (họ Huỳnh, họ Phạm) chọn được “địa linh” Giồng Sơn Quy từng có Phò mã Đô úy của Vua Minh Mạng Phạm Đăng Thuật và hai nhan sắc thành “Mẫu nghi thiên hạ” của Triều đình Nguyễn (Từ Dụ Thái Hậu Phạm Thị Hằng – Hoàng hậu của Miên Tông Thiệu Trị và Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan); rồi cả ở các khu lăng ngoại lệ chỉ dành huyền táng các “Thượng Đẳng Thần” ớ ấp Bình Kính (Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh) hay ở Quận Phú Nhuận (Quốc Công Võ Tánh tự thiêu mình khi thất thủ ở thành Hoàng Đế, Bình Định), v.v… Sự tôn vinh của Triều đình Huế không chỉ lúc tha hương Phương Nam thời Chúa Nguyễn và cả lúc hưng nghiệp nhất thời Vua Nguyễn với nhân sĩ Nam Bộ cũng là các “ngoại lệ” không dễ thấy trong lịch sử quân chủ Phong kiến Việt Nam ở cả hai thế kỷ XVIII-XIX; hiển thị không chỉ nêu danh họ ở Văn Miếu và Võ Miếu, Trung Hưng Công Thần Miếu, Trung Nghĩa Đường và Hiền Lương Từ nơi Kinh thành Huế. Đó còn là sự gia ân và sủng ái đặc biệt thời Chúa Nguyễn với các tài năng Nam Bộ xuất chúng bất kể xuất thân từ “thành phần xã hội” nào, từ một hoạn quan thành Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt, một kẻ chăn trâu Nguyễn Văn Trương từng theo bỏ quân Tây Sơn sang phò Chúa thành danh “Ngũ Hổ Tướng Gia Định” (“Chánh tướng Duyệt – Phó tướng Luông”, cùng Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu), đến một gia nhân người Khmer được ban “Quốc tính” thành Thống chế Điều Bát như Nguyễn Văn Tồn (Vĩnh Long), v.v… cho dù “không có người chỉ huy nào biết cách cư xử hợp lễ trước Hoàng Đế”. Thậm chí, Chúa phải chịu đựng Nguyễn Văn Thành người đã đem tất cả tiền dự trữ mua quân lương để trả nợ tiền đánh bạc của lính Gia Định khi lưu lạc bên Siam, cả thói xấu thường xuyên đến thiết triều muộn vì mải xem chọi gà của Lê Văn Duyệt, thậm chí phản ứng cả lệnh Vua Gia Long điều động lính Nam Bộ xây thành lũy mới ở Huế năm đầu đăng cơ [3: 53-55]. Thế nhưng chỉ Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng mới được hầu Gia Long nghe “di chúc” bên linh sàng lúc lâm chung (1819). Ngay cả thời Vua Minh Mạng nối ngôi và dần muốn “giải thể quyền lực Gia Định”, vẫn còn những quyết định Triều đình tôn vinh các kỳ tích ở xứ này. Ví như, khi hoàn tất dòng kênh nối Long Xuyên về Rạch Giá, Thoại Ngọc Hầu được Gia Long cho lấy tên mình đặt cho núi (Thoại Sơn) và kênh (Thoại Hà); còn khi hoàn tất dòng kênh dài gấp 3 lần nối sông Châu Đốc đến vịnh Thái Lan, chính vua Minh Mạng cho lấy tên chánh thất Châu Thị Tế đặt cho núi Sam (Vĩnh Tế Sơn) và kênh mới (Vĩnh Tế Hà). Vua còn cho ông khắc bia “VĨNH TẾ SƠN” đặt trên Núi Sam, chủ trì lễ tế cô hồn dân bình chết vì kênh ấy (1828), lại cho khắc hình kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh (1835).

     Đấy chính là tình cảm tri ân của người còn sống với anh hùng đã khuất, kể cả những anh hùng “mất xác” vẫn được trọng vọng ghi ân không chỉ chính nơi họ tuẫn tiết (Võ Táng và Ngô Tùng Châu ở giữa thành Bình Định), mà còn được “hồi hương” (mộ cải táng Ngô Tùng Châu) hoặc như mộ Võ Tánh kiến thiết thêm ở hẻm 19 Hồ Văn Huê (Phường 9, Phú Nhuận) nằm chính giữa vùng “tâm địa quyền lực Gia Định Thành” đương thời – vùng giồng gò ven Rạch Thị Nghè dạng “Quy Bối” (lưng rùa) vốn là “vùng đất cao ngoại thành, từ Bà Chiểu qua Phú Nhuận, Tân Sơn Nhất, Phú Thọ là nơi lý tưởng” của thuật phong thủy địa táng “vạn niên cát địa” Việt xưa, nơi yên nghỉ nhiều danh gia quý tộc Nguyễn quyền uy nhất đương thời. Ví như, lăng “Ông bà Chiểu” của Tả quân, Thượng Tướng, Quận Công – “Đức Thượng Công đất Gia Định” tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt (1763-1832) và phu nhân (số 1 Vũ Tùng và 126 Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, Bình Thạnh), đương thời được coi là “Cọp Gấm Đồng Nai”, một trong “ngũ hổ tướng” từng là (cùng Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu); lăng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu ( 張進寶, 1752- 1827) do Vua Minh Mạng giao 2000 quan tiền và 5 cây gấm Tống, cấp tự điền lấy huê lợi cúng tế cùng 3 phu chăm mộ phần và giao Tả quân Lê Văn Duyệt lo xây cất năm 1827, lại được Vua Nguyễn cho trong Trung Hưng Công Thần Miếu (1852) và Hiền Lương Từ (1858); Lăng Tổng binh trấn thủ Phiên An Phan Tấn Huỳnh ở hẻm 120A Huỳnh Văn Bánh, Phường 12 (Phú Nhuận) – người từng tự vẫn ở Gia Định vình hiểm bệnh; Lăng Võ Di Nguy ở 19 Cô Giang; các lăng mộ được người Pháp khai quật như Thượng thư Trần Văn Học – nhà “Đồ bản học” từng họa thành bát quái và bản đồ núi sông, đường sá các trấn ở thành Gia Định cho đến địa giới Chân Lạp (1790, 1815), thành Mỹ Tho (1792); Lăng “Ông Tả Dinh” Đô thống chế Lê Văn Phong do đích thân anh trai Tả quân Lê Văn Duyệt đứng ra chỉ huy việc xây dựng tại thôn Tân Sơn Nhứt, quận Bình Dương, tổng Dương Hòa Thượng, phủ Tân Bình xưa; “Lăng Ông Nhiêu Lộc” nằm ven đường số 202 Hoàng Văn Thụ (Phường 9) do nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khai quật năm 1992; v.v… [2; 7; 8:2001, 2006; 12:298; 14-15; 19-20; 22: 2002a, 2005; 23:2009; 24; 26-28; 29].

     Đấy chính là chuỗi di sản tâm thiêng nằm bên nhiều đình – đền – miếu (Đình Phú Nhuận, các đền Hùng Vương, Sòng Sơn, Đông Quan, Thần Quang, các miếu Ngũ Hành, Phú Đông, Phú Thành, Phúc Kiến, Minh Sơn tự miếu Quan Thánh, Phúc Lộc) được người dân Nam Bộ cả Việt lẫn “Việt gốc Hoa” và “Việt gốc Khmer” thường niên nhang khói và thế hệ nối thế hệ phúng viếng hoành phi – liễn đối kèm nhiều “lạc Khoản” (絡款) tri ân “Tiên hiền – Hậu hiền” từng “vang bóng một thời”: “Giúp nước cứu dân” (Bảo quốc hữu dân = 保國祐民; Hộ ngã lê dân = 護我黎民); “Cứu giúp và ơn thấm cả dân Hoa kiều” (Hộ ngã quần kiều = 護我羣僑; Trạch cập kiều quần = 澤及僑羣); Uy danh vang dội cả người Kinh, người Thượng (Uy chấn hoa di = 威振華夷), làm chấn động và khâm phục của cả nước Nam (Uy chấn Nam bang = 威振南帮; Nam Bắc đồng khâm = 南北同欽); bởi: “Vua rồng ban sắc, trận Thị Nại oai rền đất Bắc. Tướng hổ quyền uy, lấy Quy Nhơn tên rạng trời Nam” (Sắc phụng long nhan chinh Thi Nại uy đằng bắc hạt. Quyền đương hổ tướng thận Quy Nhơn danh chấn Nam Kỳ = 敕奉龍顏征施耐威騰北轄. 權當虎相慎歸仁名振南圻); “Chúa thành, tôi trung, trận Thị Nại phong công chỉ có một, Đất thiêng, người tài, vùng Rạch Gầm phát tích chả có hai” (Quân thánh thần trung Thi Nại phong công thôi đệ nhất. Địa linh nhân kiệt Rạch Gầm phát tích định vô song = 君聖臣忠施奈封功推第一,地靈人傑澤唅發績定 無雙); “Thắng trận cửa biển Thị Nại được phong đệ nhất võ công. Chiếm được thành Quy Nhơn là chiến tích lớn lao Chinh Thị Nại phong công đệ nhất. Thâu Quy Nhơn vĩ tích vô song” (征施耐封功第一, 受歸仁緯績無雙); “Giúp nước ở Phan Rang thuở trước nên trang tướng giỏi. Phò vua tại Gia Định về sau thành bảo thần linh Phan Rang tá quốc tiền lương tướng” (Gia Định cần vương hậu hiển thần = 旛烊佐國前良將, 嘉定勤王後顯神).

     Thế nên không lạ khi các “Khai quốc Công thần Nguyễn” kiểu Võ Tánh và các chiến hữu cụ (Ngô Tùng Châu, Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Thư Ngọc Hầu, v.v…) đã được cháu con “Trên mảnh đất này” thường niên bình công: “Tên tuổi vang rền muôn thế hệ” (Vinh danh vĩnh kỷ = 榮名永紀) để “Ngàn năm thờ cúng” (Thiên thu sùng bái = 千秋崇拜), như chính Trương Vĩnh Ký – tác gia Nam Bộ với 118 tác phẩm nổi tiếng “Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn” (Nguyễn Văn Tố, 1937), “Một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả ở nước Trung Hoa hiện đại nữa” [1] trước khi mất ngày 1/9/1898 tại Chợ Quán, Sài Gòn, có “Bài thơ tuyệt mệnh” gửi đời sau:

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa sai

     Bình công – đấy không chỉ là công việc của chính Triều đình Nguyễn đương thời đã làm cho các bậc Tiên hiền – Hậu hiền Nam Bộ, phong sắc Thần định kỳ đủ cấp từ “Hạ” đến “Trung” và “Thượng Đẳng” vì có công “Hộ Quốc – Tý Dân”, mà muôn đời còn được lòng dân Nam Bộ ngưỡng vọng tôn thờ, cả Việt, lẫn “Việt gốc Hoa” và “Việt gốc Khmer”, v.v… Mà cổ tích về họ cháu con cần gìn giữ, nâng niu, tri ân, tưởng nhớ như những nén nhang mà cố Giáo sư, NGND Anh Hùng Lao Động Trần Văn Giàu (1911-2010) và cố học giả Trần Bạch Đằng (1926-2007) thành tâm thắp mộ ông bà Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức xứ Biên Hùng một mùa Thanh minh cuối Thế kỷ trước (Hình 7). Cũng như tâm huyết của chính cố học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) (bút hiệu Anh Vương, Đạt Cố Trai) từng hiến tặng cho Nhà Nước cả sưu tập 849 cổ vật quý cùng “Vân Đường Phủ” (9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, P14, Quận Bình Thạnh) trong tác phẩm nổi tiếng “Sài Gòn năm xưa” rằng: “Nếu chánh phủ không sớm thảo điều lệ bảo vệ các cổ tích, lăng cũ, mộ xưa, cấm mua bán đất thổ mộ, liệt kê các ngôi mả bằng ô dước, vôi đá tại Việt Nam thì chẳng bao lâu nữa chung quanh Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, không còn sót lại một cái nào khỏi bị lưỡi cuốc phu phá mồ đưa về dĩ vãng” [29:173] (Hình 6).

     Đó cũng là tấm lòng văn hào “Đất Phương Nam” Phan Minh Tài (1926-2008), bút hiệu: “Sơn Nam” trong văn tế đọc ở phần mộ “Hùng Vương của Nam Bộ” – Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở chính nơi “chôn rau cắt rốn” Đồi An Mã – Thác Ro, Trường Thủy – Lệ Thủy (Quảng Bình) (Hình 8):

     “Cảm khái bấy! Đức ông Thượng đẳng thần lo bảo vệ dân, hoạch định bờ cõi, mặc chiến bào, cầm gươm đứng trước chiến thuyền điều khiển ba quân, diễu hành ngược sông Cửu Long hùng vĩ, hoang vu. Kẻ hậu sinh rất đỗi cảm thương cho quân sĩ đã theo phò tá, dùng sức người vượt gió to sóng cả suốt hàng vạn dặm, ăn uống kham khổ, ngày đêm không nghỉ ngơi. Lại ngậm ngùi tưởng nhớ đến tiền nhân từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi bỏ quê xứ đến lập nghiệp nơi đất mới. Đất mới phì nhiêu, nhưng là nơi ác hiểm với chướng khí, rừng rậm ẩm thấp chứa đầy bệnh tật, rắn độc, thú dữ. Nhưng quyết ra đi, cậy vào sức mạnh của văn hóa Rồng Tiên, nhờ đó mà đồng ruộng, vườn tược, chùa miếu, thôn xóm ngày càng đông đúc, lập thêm nhiều phủ huyện, nhiều tỉnh mới. Rồi hợp lực với cả nước đánh đuổi bọn phong kiến xâm lược, bọn thực dân cũ, thực dân mới, để sau đó đổ ra bao nhiêu công sức xây dựng TP. HCM có số dân đông đúc, là hải cảng, là không cảng, rạng rỡ một cõi trời Đông Nam Châu Á. Dịp kỷ niệm 300 năm, cầu xin Đức Ông ban bố ân đức vô biên vô lượng cho TP. HCM luôn phát triển, luôn phát triển… Rất kính cẩn, Thượng hưởng!” [23:2014:209-210].

     Những công trình kiến trúc đền thờ và mộ cổ hiện tồn trên đất Nam Bộ chính là chứng tích một thời về thành tựu lao động và lao động sáng tạo của người dân – người nghệ sĩ bản xứ; là những bằng cớ cụ thể và sinh động, là tiếng nói trực tiếp của dĩ vãng, là mực họa diện mạo quá khứ lịch sử văn hóa vật chất – tinh thần – tư duy cổ nhân “Trên mảnh đất này”, là “căn cước” (Identité) của “Những người Việt xưa rời quê hương phương Bắc đi mở nước tạo nên những nếp sống văn hóa hòa hợp văn hóa, giống xưa mà cũng khác xưa” [18]. Chúng là dạng di sản văn hóa – lịch sử chứa đựng nhiều thông tin khoa học hữu ích cho sự nghiệp phục dựng cả thời đoạn lịch sử quan trọng của đất nước ta, của sự hình thành bản sắc và bản lĩnh lao động sáng tạo văn hóa riêng của cư dân Việt – lực lượng cư trú đông đảo nhất là trung tâm liên kết và cuốn hút nhiều cộng đồng tộc người khác “chung vai sát cánh” khai phá và chế ngự thiên nhiên nơi vùng “Đất mới” Biên Hòa – Gia Định – Định Tường và ĐBSCL trong những thế kỷ sống động gần đây nhất. Và, bên cạnh các hình loại di tích Khảo cổ học Lịch sử khác (đình, chùa, miếu, mạo, thành quách, bến cảng, chợ búa, nhà cửa, làng – phường thủ công cổ truyền, thuyền bè và thần công nơi chiến trường xưa, v.v…), loại hình di tích mộ hợp chất Gia Định và Nam Bộ cũng góp phần cung ứng nhiều điều cho công cuộc phục sử Việt trong sự nghiệp khơi dậy mọi sức mạnh văn hóa truyền thống Đại Việt để kiến tạo văn minh mang thêm sắc thái “Gia Định” mới, diễn trình lao động đầy bản lĩnh biên hùng mà mà thông minh, “gian lao mà anh dũng” của nhiều thế hệ lưu dân tiên phong hướng về vùng mở nước sau cùng của Tổ Quốc Việt Nam ngày nay – “Hướng về Nam” [17]. Chúng vẫn là các “Di sản văn hóa”, là “Trí nhớ của Dân tộc” trong trường kỳ lịch sử mà, theo cách nói của ngài Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor là: “không thể thay thế được” của tiền nhân ở “Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” ở cả “Xứ Dừa” – Hà Tiên – Châu Đốc – Nam Bộ và trên mọi miền đất nước chúng ta.Bởi thế, các tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, “Tri ân Tiên hiền – Hậu hiền”, “Thờ cúng tổ tiên”, Ghi ân những thế hệ người “đã có công dựng nước” (Bác Hồ) cũng chính là các “nén nhang” mà hậu thế “phúng viếng” các “Anh hùng văn hóa” xứ này trong quá vãng, phản ánh tâm nguyện của họ muôn đời về “Non sông đất nước” Việt Nam đương thời và vĩnh cửu…

__________
1. “Mộ hợp chất” (Mummified Burial; Mumy Burial; Mummy Tomb; Compound Burial) – thuật ngữ do cố PGS. TS. Đỗ Văn Ninh sử dụng ñầu tiên từ năm 1969 – 1970, có khi được hiểu cùng nghĩa với các thuật ngữ: “Mộ trong quan ngoài quách”, “Mộ tam hợp”, thậm chí với cả thuật ngữ do cố GS. Đỗ Xuân Hợp dùng ñầu tiên từ năm 1971: “Mộ xác ướp” (Tombs with Embalmed Bodies) là chỉ chung một loại hình di tích mộ táng đặc thù “phải theo trong tục lệ triều đình” dành riêng cho vua chúa và gia quyến, quý tộc và danh gia trong lịch sử Việt Nam thời Trung và Cận đại từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn, với hàng ngàn di tích trải dài trong không gian cách nhau hàng ngàn cây số, cùng hàng trăm ngôi mộ đã khai đào phân bố khắp đất nước từ Bắc và Trung đến Nam, cung ứng dữ liệu gắn trực tiếp với nền văn minh Đại Việt và hậu duệ, làm thành một trong những đặc trưng văn hóa – tín ngưỡng riêng cho quý tộc Việt ở thuở đó [4-6, 16]. Từ điển Bách Khoa toàn thư (mục “mộ xác ướp”) định nghĩa: “mộ hợp chất: di tích mộ táng xuất hiện từ thời Lê đến thời Nguyễn nhưng phổ biến nhất là ở thời Lê Trung Hưng, với cấu trúc cơ bản là: quách hợp chất (vôi + cát + mật) bọc lấy quan tài bằng gỗ ngọc am. Trong quan tài, thi thể được bọc kín bằng nhiều lớp vải vóc, quần áo và thường có lót than tro, gạo nếp rang, tấm thất tinh, minh tinh bằng vải ghi tên tuổi người chết, tiền đồng. Thi thể được bảo tồn nhờ độ kín của quan quách và có thể cả dầu thơm (dầu thông, dầu khuynh diệp, dầu bạch đàn)”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Bouchot, J. (1927), Pétrus Ký, un savant et un patriote Cochinchinois, Sài Gòn.

     [2]. Bùi Thị Ngọc Trang (1995), Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt: nghệ thuật kiến trúc, Nxb. Tp HCM.

     [3]. Choi, Byung Wook (2011), Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế Giới, Hà Nội.

     [4]. Đào Tử Khải (1971), “Nhân công bố mộ Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát (Nam Hà), Tạp chí Khảo cổ học, số 11-12:143- 148.

     [5]. Đỗ Văn Ninh (1970), “Khai quật một ngôi mộ hợp chất ở Vân Cát (Nam Hà)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5-6:144-151.

     [6]. Đỗ Văn Ninh (1971), “Ý kiến bổ sung về loại mộ hợp chất”, Tạp chí Khảo cổ học, số 11-12:139-143.

     [7]. Đỗ Xuân Hợp (1971), “Quanh loại mộ cổ có xác ướp; Ngôi mộ Lê Dụ Tông ở Bái Trạch (Thanh Hóa)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 11- 12:149-156.

     [8]. Hoàng Lại Giang (1999), Lê Văn Duyệt, Nxb. Văn hóa Thông tin.

     [9]. Huỳnh Minh (1966), Bạc Liêu xưa và nay, Sài Gòn; (1966) Cần Thơ xưa và nay, Sài Gòn; (1967) Vĩnh Long xưa và nay, Sài Gòn; (1969) Gò Công xưa và Nay, Sài Gòn; (1969) Định Tường xưa và nay, Sài Gòn; (1971) Sa Đéc xưa và nay, Sài Gòn; (1972) Tây Ninh xưa và nay, Sài Gòn; (1973) Gia Định xưa và nay, Sài Gòn; (2001) Kiến Hòa xưa, Nxb. Thanh Niên.

     [10]. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (2002), Sổ tay hành hương đất Phương Nam, Nxb. TP.HCM.

     [11]. Nam Xuân Thọ (1957), Phan Thanh Giản, Tủ sách Tân Việt; (1957) Võ Trường Toản, Tân Việt, Sài Gòn; (1957) Văn bia ở mộ Võ Trường Toản, Ca Văn Thỉnh dịch, Tân Việt, Sài Gòn.

     [12]. Ngô Giáp Đậu (1993), Hoàng Việt long hưng chí, Nxb. Văn học, 1993.

     [13]. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn-Hà Tiên, Nxb. TP.HCM; (1994) Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn-Gia Định (Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An), Nxb. TP.HCM.

     [14]. Nguyễn Hữu Hiệp (1993), Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư, Nxb. Văn nghệ An Giang.

     [15]. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Việt sử giai thoại (tập 5); Việt sử giai thoại (Tập 7); Việt sử giai thoại (Tập 8), Nxb. Giáo Dục.

     [16]. Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (1991), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội;

     [17]. Nguyễn Sĩ Lộc (1971), “Về kết quả ướp xác cổ và vôi hồ”, Tạp chí Khảo cổ học, số 11- 12:148-149.

     [18]. Phạm Đức Mạnh (2001), “Mộ hợp chất ở Gia Định và Nam Bộ xưa”, trong: Nam Bộ, Đất & Người, Nxb. Trẻ, tập I:158-187.

     [19]. Phạm Huy Thông (1985), “Khảo cổ học các tỉnh phía Nam mười năm sau ngày giải phóng”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3:1-4.

     [20]. Phạm Hữu Mý – Nguyễn Văn Đường (2007), Di tích lịch sử – văn hóa ở Tp. Hồ Chí Minh (100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh), Nxb. Văn hóa Sài Gòn.

     [21]. Phạm Văn Sơn (1959-1961), Việt sử tân biên (Quyển 3 và 4), Tủ sách sử học Việt Nam, Sài Gòn.

     [22]. Phù Lang Trương Bá Phát (1974), “Chiến trận Tham Lương năm Nhâm Dần (1782)”, Tập san Sử địa, số 26, Sài Gòn.

     [23]. Quốc sử quán triều Nguyễn, (2002) Đại Nam thực lục, bản dịch Viện Sử học, tập 1, Nxb Giáo Dục; (2002) Quốc triều sử toát yếu (Phần Chính biên), Nxb. Văn học; (2005), Đại Nam liệt truyên, tập 2, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa; (2006) Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb Thuận Hóa.

     [24]. Sơn Nam, (1988) Lịch sử An Giang, Nxb. Tổng hợp An Giang; (1994) Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM; (2009) Lăng Ông Bà Chiểu và Lễ hội văn hóa dân gian, Nxb. Trẻ; (2014) Sài Gòn xưa – ấn tượng 300 năm & tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long (biên khảo), Nxb. Trẻ.

     [25]. Trần Nam Tiến chủ biên (2007), Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (Tập 3), Nxb. Trẻ.

     [26]. Trần Trọng Kim, (1968) Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn; (1971) Việt Nam sử lược (quyển 2), Trung tâm Học liệu, Sài Gòn.

     [27]. Trần Văn Sung (2012), Tả quân Lê Văn Duyệt, Nxb. Thời Đại.

     [28]. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí (bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo), Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách xuất bản, Sài Gòn.

     [29]. Trịnh Vân Thanh (1966), Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (tập 1-2), Hồn Thiêng, Sài Gòn.

     [30]. Vương Hồng Sển (2013), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tp.HCM. Websites

     [31].
     http://lh4.ggpht.com/dYQdeDUHK20/SWr67iCzvQI/AAAAAAAAAY4/rlzwPLnoKic/s 640/

     [32].
     http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0_Ng % E1%BB%8Dc_H% E1%BA%A7u

Nguồn: Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 18, số x1-2015

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Mộ tưởng niệm – di sản văn hóa đặc sắc trong bình diện mộ hợp chất quý tộc thời Nguyễn ở các tỉnh phía Nam thời Trung và Cận đại (Tác giả: Phạm Đức Mạnh; Đỗ Ngọc Chiến)