Sinh hoạt thường nhật của các vua Nguyễn (I – Gia Long)

(Gia Long (1762-1820))

Tác giả bài viết: TÔN THẤT BÌNH biên soạn

     Có lẽ chẳng mấy ai thấy được vua Gia Long mà tường thuật lại một cách chi tiết như Michel Đức Chaigneau trong “Souvenir de Huế” ghi lại những kỷ niệm của ông về Huế lúc ông còn thơ ấu, theo cha là J. B. Chaigneau vào bệ kiến vua Gia Long:

     “Chúng tôi đi đến lúc 6 hay 7 giờ chiều. Trong một phòng đợi, viên võ quan cho chúng tôi biết rằng nhà vua đã đợi chúng tôi từ lâu. Bây giờ cha tôi nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi vào một phòng rất rộng rãi. Tại đây nhà vuạ ngồi trên một cái bệ thếp vàng, trải một chiếc chiếu viền lụa vàng sặc sỡ, vài thị vệ đứng hầu ở bên phải và bên trái cách nhà vua một khọảng ngắn. Vua Gia Long có một tầm vóc cao hơn trung bình, tỏ ra có một thể chất khỏe mạnh; cái đầu già nua đáng kính phù hợp với thân thể, gương mặt chứa đầy phẩm cách và tình cảm, chứng tỏ một tâm hồn nhân từ rộng rãi; ngài có thái độ rất cao qúi và tính tình rất thuần hậu, nhất là trong những cuộc đàm thoại thân mật; nhưng bẩm tính hoạt bát của ngài đã làm cho ngài thường vượt qua lòng nhân đức trong những cơn giận thái quá khi các mệnh lệnh của ngài không được thi hành đúng đắn. Nước da trong sáng, đôi mắt lanh lợi, bộ râu trắng toát rậm hơn tất cả những người đàn ông trong xứ. Mỗi bên má điểm thâm một chấm đen bên cạnh bộ râu tạo thành một phía một chòm nhỏ nối liền với chòm chính, nhưng không hoàn toàn lẫn lộn vào đấy. Gia Long là một người có tâm trí quảng đại, và quan niệm rộng rãi. Đã từng trải qua những cơn hoạn nạn, ngài học được cách xét đoán người và sự vật theo đúng giá trị của họ, và ngài thông hiểu tất cả các cơ quan của vương triều, không một người thừa hành nào giỏi bằng ngài nên họ vẫn thường bị ngài quở phạt. Nhưng, ngoài những cuộc thảo luận trang nghiêm, ngài vẫn là người đàn ông vui tính nhất, hòa nhã nhất của vương quốc; thường thường trong những lúc tâm tình, theo thị hiếu ngài dễ dàng để buông trôi theo những lời thô tục đến nỗi các thỉnh giả của ngài đều phải đỏ mặt”.

     Đó là những lời miêu tả tính cách vua Gia Long qua sự nhận xét của một người ngoại quốc. Nhờ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp tại Hoàng cung nên Michel Đức Chaigneau còn hiểu thêm về tính khí vua Gia Long. Thì ra nhà vua cũng có những nỗi ưu phiền trong đời sống tình cảm gia đình. Bài báo của Chaigneau đăng trong tờ “Le moniteur de la Plotte” xuất bản năm 1858 có nội dung đề cập đến địa vị của người phụ nữ tại Nam Kỳ (Cochinchine) tường thuật như sau: …”Trong Hoàng cung vua Gia Long, người ta đếm được chừng một trăm cung phi. Trong những lúc chuyện trò thân mật với một vị quan người Pháp, Gia Long thường nói rằng: Với ngài việc cai trị một nước dễ dàng hơn và ít khó nhọc hơn đối với hậu cung của ngài. Một ngày kia vào một buổi bệ kiến riêng sau cuộc hội nghị quan trọng, ngài nói: “Khanh tưởng rằng nhiệm vụ của trẫm hoàn thành khi ngẫu nhiên chúng ta làm chóng những công việc chính trị và hành chính hàng ngày rồi trẫm tìm sự nghỉ ngơi trong nội điện của trẫm ư? Hãy giác tĩnh lại. Khanh sẽ không ngờ rằng cái gì đợi trẫm ở đây kia (ngồi chỉ vào hậu cung của ngài) khi trẫm rờỉ khỏi nơi đây, ở đây trẫm được hài lòng vì trẫm nói chuyện với những người xứng đáng, họ lắng nghe trẫm, họ hiểu biết trẫm, và khi cần họ vâng lệnh trẫm răm rắp; còn ở đằng kia trẫm gặp phải một lũ qủi sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó tất cả cùng chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng thi trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả vì trẫm không biết ai đã nhường nhịn ai trong cơn giận dữ”.

     Sau một lúc im lặng, ngồi tiếp: “Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc” (vừa giả giọng và điệu bộ của một người đàn bà trong cơn giận dữ, ngài vừa thét): “Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ phân xử, bà đã sỉ nhục thần thiếp, người ta ngược đãi thần thiếp; thần thiếp xin phân xử”; chừng mười hai bà khác lại bổ đến, sau khi đã tâu với trẫm chát cả tai: “Muôn tâu bệ hạ Hoàng hậu ghét bỏ thần thỉếp… Bà đã làm vui lòng bệ hạ… Đến lượt thần thiếp xin phân xử”.

     Nhà vua cười phì, rồi nhìn vị đối thoại của ngài như để gợi ý. Vị quan Pháp cũng cười ngất, nhất là bản tuồng câm của nha vua và, những tiếng la hét của ngài để bắt chước sự giận dữ của các cung phi. Ông tâu: “Việc đó rất dễ, Hoàng thượng có thể giảm bớt mối sầu khổ của họ bằng cách hạn chế số cung phi”.

    Nhà vua ngắt lời:

     – Suỵt! Hãy nói khẽ! Nói khẽ!

     Ngài cho những lính lệ và những hộ vệ quân đã theo ngài khắp nơi được phép lui ra và nói tiếp:

     “Ồ! Ông c… nếu các quan đồng liêu của khanh nghe được điều mà khanh vừa mới nói ra đó, họ sẽ trở thành những kẻ thù vĩnh viễn của khanh, khanh không biết rằng các cung phi hầu hết đều các con gái của các quan ư? Này, mặc dù số tuổi của trẫm đã đáng kể, nhưng không bao lâu nữa, một vị quan sẽ dâng hiến cho trẫm con gái của ông ta; trẫm không thể từ chối được; vì nếu như thế, trẫm sẽ chọc tức ông ta và cùng đau đớn. Ở đây, chính là một vinh dự và một sự đắc ý đối với một ông quan có con gái được vào Hoàng cung, và đối với trẫm, đó là một sự bảo đảm chắc chắn nhất về lòng trung thành, của ông ta. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông. Nếu trẫm ghét bỏ một trong các cung phi của trẫm, thì nó sẽ than phiền với phụ thân nó ngay; và nếu không sỉ nhục to tiếng trước tuổi tác gìa nua của trẫm, thì ông ta cũng khéo léo gieo rắc giữa các quan những sự đồn đại vụn vặt về trẫm, sẽ làm cho trẫm mang đầy những sự lố bịch trước đôi mắt của thần dân”.

     Đời vua Gia Long cũng gặp một cuộc tình éo le ngay trong Hoàng thành. Sau khi đánh thắng Tây Son, trở lại Phú Xuân, vua gặp được bà Ngọc Bình (em Ngọc Hân) vợ vua Quang Toản. Nhà vua mê sắc đẹp quyến rũ của Ngọc Bình và quyết định lấy nàng làm thứ phi.

     Dân gian vùng Huế nhân sự kiện oái oăm này đã truyền câu ca dao:

Số đâu có số lạ lùng

Con vua mà lấy hai chồng làm vua.

     Chấp thuận lấy Gia Long, bà Ngọc Bình sinh được hai trai, được phong Quân Oai Công, và Thường Tín Quận vượng.

     Gia Long và Nguyễn Huệ, hai người không đội trời chung lại là hai anh em cột chèo. Thật ông trời cũng khá đa đoan. Hoàng cung Phú Xuân thay đổi chủ, Hoàng hậu thay đổi chồng. Vua Gia Long có nhiều bà vợ qua bao cuộc thăng trầm, nguyên ở hai chiến tuyến khác nhau giờ “qui về một mối” sự xung đột thế tất phải xẩy ra, làm nhà vua khó bề giải quyết. Âu đó cũng là chuyện thường của tình cảm vốn phức tạp của con người, nhất là phái nữ…

     Mà dù có ở chung một “chiến tuyến”, sự xung đột, ganh tị vẫn cứ xẩy ra gay gất. Vua Gia Long vì thế đã nói: “Trám muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông”. Hẳn là một câu nói chân thật của một ông vua từng xông pha trên chiến địa.

Nguồn: Đời sống cung đình triều Nguyễn, (Tôn Thất Bình biên soạn),
NXB Thuận Hóa, năm 1993

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sinh hoạt thường nhật của các vua Nguyễn (I – Gia Long) (Tác giả: Tôn Thất Bình biên soạn)