Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong nền văn hoá phương Đông

THE RELATIONSHIP BETWEEN INDIVIDUAL AND SOCIETY
OF THE EASTERN CULTURE

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ XIÊM
(Trường Đại học Thủ ñô Hà Nội)

TÓM TẮT

     Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội thực chất là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng; vừa có tính thống nhất, vừa bao hàm mâu thuẫn. Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của cá nhân và ranh giới của nó với xã hội lại càng phải được xác định rõ ràng. Trong bài viết, tác giả muốn tìm hiểu những nét tương đồng của một số quốc gia phương Đông (trong đó có Việt Nam) trong quan niệm và giải quyết vấn đề này.

Từ khoá: quan hệ, cá nhân, xã hội, tính cộng đồng, phương thức sản xuất châu Á.

ABSTRACT

     The interaction between individual and s Abstracts ociety is based on the general and particular, that includes the unification and contradiction. Along with the development of society, the role and border of individual should be clearly defined. In this article, the author hoped to find out the similarities in Eastern countries (including Viet Nam) to explain the above interaction.

Keywords: relationship, individual, society, commun Keywords ity, Asiatic mode of production.

x
x x

1. Mở đầu

     Xét ở phương diện cá nhân, mỗi con người là một cá thể độc lập, sống động, có phẩm chất tính cách riêng, có đời sống sinh hoạt và nhu cầu riêng. Tuy nhiên mỗi cá nhân chỉ có thể tồn tại và phát triển trong mối quan hệ mật thiết với nhau và trong một cộng đồng, tổ chức xã hội nhất định. Xã hội được hình thành bởi sự liên kết giữa các cá nhân. Xã hội là nền tảng, là môi trường diễn ra hoạt động của cá nhân. Các cá nhân là cơ sở tồn tại của xã hội, là phần tử tạo ra xã hội. Cá nhân chỉ có thể phát triển qua các quan hệ với xã hội và trong các điều kiện xã hội nhất định. Mác đã nói: “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Sự phát triển của cá nhân là điều kiện, thước đo trình độ sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, do đó, là quan hệ tự nhiên, không thể tách rời. Nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là tâm điểm của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn xưa nay, song vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục trao đổi, làm rõ. Ngay trong lịch sử triết học, ở những giai đoạn khác nhau, cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bài viết này xin được bàn thêm về cơ sở hình thành cũng như sự vận động, biến đổi của mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong văn hoá phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

2. Nội dung

     2.1. “Phương thức sản xuất châu Á” – nền tảng kinh tế, xã hội của mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội của văn hoá phương Đông

     Cá nhân và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong cách nhìn nhận của người phương Đông có nền tảng kinh tế – xã hội của nó. Đó là “phương thức sản xuất châu Á” [1, tr. 16].

     Khái niệm “phương thức sản xuất châu Á” được C.Mác nhắc đến trong lời tựa tác phẩm Góp phần phê phán khoa Kinh tế – chính trị: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần của hình thái kinh tế – xã hội” [1, tr. 16]. Mặc dù C.Mác – Ph.Ăngghen chưa luận giải nhiều về “phương thức sản xuất châu Á”, nhưng có thể hiểu đó là hình thức sơ khai của xã hội có giai cấp ở phương Đông. Dạng sở hữu chính của phương thức này rất đặc biệt, đó là chiếm hữu tôn giáo trực tiếp trong các cộng đồng. Theo C.Mác, ở phương thức sản xuất này không có chế độ tư hữu về ruộng đất. Ở đó, tầng lớp quý tộc bán thần quyền là đẳng cấp cai trị, tự cho mình là hiện thân của thần thánh nắm giữ trong tay tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội.

     Phương thức bóc lột cũng khác với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ nông nô, đây là chế độ nô lệ toàn dân. Dân chúng với số lượng lớn bị bắt buộc lao động nặng nhọc để xây dựng những công trình công cộng có quy mô lớn. Vai trò của thuỷ lợi trong phát triển nông nghiệp và sự hình thành nhà nước được chú ý. Chính những đặc điểm đó làm cho những cá nhân trong xã hội sống nương tựa vào nhau, vì nhau. Sự bảo tồn lâu dài của công xã nông thôn kiểu châu Á là cơ sở cho sự bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông. Đặc điểm của thành thị và mối quan hệ mật thiết giữa thành thị và nông thôn; tính tự quản của làng xã… được hình thành. Lực lượng sản xuất chính của xã hội này là nông dân với phương thức canh tác nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, các gia đình nông dân cùng canh tác trên một cánh đồng, ruộng đất nhà này tiếp giáp ruộng đất nhà bên cạnh. Để có được năng suất, người lao động phải liên kết được với nhau. Môi trường canh tác mang tính tập thể chính là cơ sơ để nảy sinh tính cộng đồng. Tính cộng đồng đem lại cho cá nhân và xã hội một sức mạnh nhất định. Quả thật, trong việc chống chọi với thiên tai địch hoạ, nếu không có tinh thần trách nhiệm được nâng lên thành nghĩa vụ thì không thể có được chiến thắng.

     Như vậy, do đặc thù của phương thức sản xuất châu Á, mỗi cá nhân khi sinh hoạt hay tham gia các hoạt động chung phải gạt bỏ cái tôi, đề cao cái chung, giữ sự hài hoà, nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

     2.2. Mối quan hệ cá nhân và xã hội trong văn hoá phương Đông

     Về cội nguồn, văn hoá phương Đông bao gồm bốn nền văn hoá lớn: Ai Cập, Babilon, Ấn Độ và Trung Hoa cổ đại. Tuy nhiên, đến thế kỷ IV – V TCN, Ba Tư đã đến xâm lăng và làm biến đổi Babilon, còn Ai Cập cũng bị Hi Lạp áp đặt văn hoá phương Tây (thế kỷ IV – I TCN) [1, tr. 36]. Khi tìm hiểu văn hoá phương Đông, trước hết phải tìm hiểu văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa vốn có cội nguồn sâu xa và phát triển liên tục, lại có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá của các dân tộc phương Đông.

     Trong suốt mấy nghìn năm nay, văn hoá Trung Hoa có điểm tựa, hạt nhân vững chắc là gia đình, dòng tộc [1, tr. 67]. Trong tiếng Hán, khái niệm “quốc gia” là tổ hợp ý nghĩa của hai từ “quốc” là nước và “gia” là nhà. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ từ gia đình đến đất nước trong văn hoá Trung Hoa. Trước hết, khái niệm “gia” không chỉ được hiểu hạn hẹp là gia đình như hiện nay mà gắn liền với chế độ công khanh có từ thời Xuân Thu. Gia đình là hạt nhân của xã hội. Ông vua có chức năng như một gia trưởng theo như đánh giá của Montesquieu: “Đế quốc Trung Hoa được kiến tạo trên tư tưởng cai trị gia đình. Nếu giảm bớt quyền uy người cha trong gia đình thì sự kính trọng đối với quan cai trị cũng giảm sút, vì quan là cha mẹ của dân” [10, tr. 165].

     Trong lịch sử, quốc gia Trung Hoa được xây dựng trên quan hệ thị tộc huyết thống. Quốc gia chỉ là của một người, một dòng họ. Đó là nhà nước tông pháp thị tộc. Tác phong gia trưởng trở thành tác phong quân chủ, tự do tư tưởng bị thủ tiêu, thay vào đó là tư tưởng của một người – tư tưởng của một ông vua. Điều này hạn chế sự tự do suy nghĩ, tự do khám phá của các cá nhân. Bên cạnh sự áp chế về tư tưởng thì chính trị thị tộc đời Ân coi “tam cương”, “ngũ thường” là rường cột của quốc gia để bảo vệ giang sơn, dòng họ lâu bền, phát triển tư duy hướng nội. Vê vị trí của cá nhân trong xã hội, các học thuyết chính trị – xã hội của Trung Hoa cũng quan tâm và luận bàn nhiều về vấn đề này, tiêu biểu có Nho giáo. Khi đề xướng tôn ti trật tự trong xã hội, Nho giáo cũng đã đề cập đến vị trí của cá nhân. Nho giáo đề cao sự “tu thân” tức là đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với cá nhân. Tuy nhiên, nó được đặt trong mối tương quan với “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Như vậy, mỗi cá nhân cần phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phẩm hạnh để phục vụ cho gia đình, quốc gia, xã hội. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiên tai nên phải hợp tác nhiều nhân lực, trước hết là sự hiệp lực của các thành viên trong gia đình. Chính nhu cầu sống còn trên đã gắn kết các cá nhân lại với nhau và trong những mối quan hệ qua lại với nhau, các cá nhân phải giữ gìn sự hoà hợp, nhất trí trong một hệ thống bền chặt của nhà và nước.

     Khi xem xét về văn hoá Ấn Độ, không thể không tìm hiểu bộ kinh Upanisad – tác phẩm được xem là khởi nguồn của những tư tưởng triết học, những quan niệm nhân sinh và vũ trụ của người Ấn Độ cổ đại. Cặp phạm trù cơ bản trong kinh Upanisad là Atman và Brahman. Brahman là linh hồn vũ trụ, là Bản Ngã tối cao, là thực thể tuyệt đối, duy nhất, đầu tiên và bất diệt, sáng tạo và chi phối vạn vật, tức là cái bản chất sâu xa của mọi sự tồn tại, là nguồn gốc sinh ra mọi cái và mọi cái nhập vào, hoà vào khi chấm dứt sự tồn tại ở thế giới này. Còn Atman là một thực thể nội tại, là linh hồn trong mỗi cá nhân. Hơi thở con người là nguồn sống vật chất thì Atman là linh hồn, là nguồn sống tâm linh. Atman là thực thể làm cho con nguời vượt lên trên vạn vật.

     Mối quan hệ của Brahman và Atman thực chất là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, trong đó Brahman là tinh thần vũ trụ còn Atman là tinh thần cá nhân. Brahman là chủ thế giới, bao quát toàn bộ thế giới, là thực thể tinh thần vô cùng rộng lớn của vạn vật. Atman được sinh ra từ Brahman, dựa vào Brahman mà tồn tại. Khi Atman mất đi thì lại quay trở về với Brahman: “Nội dung, mục đích căn bản của Upanisad là vạch ra những nguyên lý tối cao tuyệt đối, bất diệt là bản thể của vũ trị vạn vật, lý giải về thực chất bản tính con người và mối quan hệ giữa đời sống tinh thần của con người và nguồn sống bất diệt của vũ trụ, từ đó chỉ ra con đường, cách thức giải thoát con người” [2, tr. 107]. Một phương pháp quan trọng để tiến đến giải thoát là phép Du-già, đó là từ có nguyên nghĩa là kết nối, sự hài hoà, sự hợp nhất của Atman với Brahman.

     Trong lịch sử và giai đoạn hiện nay, Ấn Độ là một quốc gia phân định đẳng cấp rõ ràng. Ở đó, các cá nhân khi tư duy, hành động không thể nào khác ngoài việc tuân theo một tôn ti, trật tự đã được định sẵn. Bên cạnh đó, với một lịch sử lâu đời, đa dạng về văn hoá, tôn giáo, người Ấn Độ rất coi trọng những nghi lễ truyền thống và những mối quan hệ dài lâu trong cộng đồng như những giá trị về gia đình, sự khiêm nhường, sự hài hoà, tinh thần hợp tác… Ngoài ra, họ quan niệm bản chất của công việc là để phục vụ “Thượng đế”, không nhằm mục đích phát triển kinh tế mà phát triển các giá trị văn hoá – tinh thần. Trong môi trường làm việc, bên cạnh năng suất lao động, người Ấn Độ quan tâm đến sự đồng cảm, cảm xúc.

     Khi nói về văn hoá phương Đông không thể không nói đến Nhật Bản, một nền văn hoá đã biết tiếp cận nhiều giá trị tinh hoa văn hoá của các dân tộc phương Đông khác, đồng thời, vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc để đưa đất nước phát triển hiện đại đạt tới siêu cường quốc tế. Trong cuốn sách “Quan hệ con người trong xã hội chiều dọc” của Nakane Chie có sử dụng khái niệm “xã hội chiều dọc” để biểu thị nét đặc sắc về quan hệ cá nhân trong xã hội Nhật Bản. Nakane Chie cho rằng đơn vị cơ bản cấu thành nên xã hội Nhật đó là những con người cùng “nơi chốn” và quan hệ giữa cá nhân trong xã hội được kết nối với nhau theo quan hệ chiều dọc [8, tr. 5].

     Các mối quan hệ trong xã hội Nhật – quan hệ cấp trên và cấp dưới, quan hệ đàn anh và đàn em, quan hệ cha mẹ với con cái, quan hệ giữa vợ chồng – nghiêng về quan hệ dọc. Thậm chí, sự hợp tác, liên kết giữa các công ty, các tổ chức và quan hệ tập thể là quan hệ dọc. Do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người Nhật luôn bị ràng buộc bởi mối quan hệ trên dưới này: một bên là sự bảo hộ, một bên là sự thuần phục và trung thành. Các cá nhân trong xã hội đều có trách nhiệm tuân theo các nguyên tắc xử sự tránh sự đối địch, đó là cống hiến, trung thành và sự hài hoà. Vì vậy, cho đến hiện nay, người Nhật vẫn luôn xem sự nhẫn nại, kiềm chế cá nhân là một đức tính cao quý. Trong khi phương Tây đề cao cá nhân thì ở Nhật, sự tự khẳng định cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào cũng không được khuyến khích: “cây đinh nào ló lên sẽ bị đóng xuống”. Với bản tính không thích sự đối kháng, đối đầu cá nhân, người Nhật chú tâm giữ gìn sự hoà hợp; coi sự nhất trí, thể diện, uy tín là vấn đề cốt tử. Chính vì vậy, khi giải quyết các vấn đề, người Nhật thường ít tranh luận, cãi cọ mà hướng đến sự thống nhất. Tính cộng đồng là yếu tố đặc trưng vượt trội của văn hoá Nhật. Trong công việc, người Nhật cho rằng sự thành công hay thất bại trong công việc không phải là ý tưởng, thành quả của một cá nhân nào đó mà là thành quả của cộng đồng. Các tập thể tuy có tồn tại sự cạnh tranh nhưng tuỳ theo hoàn cảnh, trường hợp, các tập thể có thể liên kết với nhau để đạt được mục đích chung. Như vậy, quan hệ theo chiều dọc nối kết các cá nhân trong xã hội thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Trên thực tế, ý thức về thứ bậc này mang ý nghĩa rất lớn với người Nhật, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trật tự xã hội.

     Như vậy, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong văn hoá phương Đông có một số đặc điểm cơ bản sau:

     Thứ nhất, đó là những cá nhân hướng nội và mang tính chất tĩnh do thường hướng đến chiều sâu của thế giới tâm linh, chiêm nghiệm chính bản thân mình. Những cá nhân xuất hiện trong đời sống xã hội, không phải là một cá thể độc lập, tự chủ mà là một phần tử của các quan hệ xã hội (gia đình, nhà trường, cơ quan). Điều này khiến cho cá nhân sống lệ thuộc vào xã hội, cá nhân chưa có điều kiện (và không cần có điều kiện) hoàn thiện tính cách đặc thù của một con người tự do, có khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

     Thứ hai, văn hoá phương Đông không chủ trương đi tìm nét đặc sắc riêng cho từng cá nhân một cách mạnh mẽ như ở phương Tây mà chú trọng giữ sự hoà hợp giữa các cá nhân và luôn đặt cá nhân trong mối quan hệ với xã hội. Cá nhân phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực xã hội để tồn tại, phát triển. Cá nhân không thể đứng ngoài xã hội, càng không thể đối lập với xã hội. Nó bị ràng buộc, phụ thuộc vào xã hội. Ở phương Đông, hành động của cá nhân luôn chịu sự kiểm soát của xã hội thông qua các chuẩn mực, thiết chế mà xã hội xác lập.

     Thứ ba, văn hoá phương Đông một mặt không thừa nhận cái tôi cá thể, nhưng mặt khác lại luôn đòi hỏi cái tôi đạo đức, cái tôi trách nhiệm: cá nhân phải có trách nhiệm với xã hội, cá nhân phải có nghĩa vụ hành động vì lợi ích xã hội. Ở đó, chỉ có lợi ích của xã hội mới được coi là chính thống. Lợi ích của cá nhân, tuy không bị phủ định tuyệt đối nhưng cũng chỉ được nhắc đến dè dặt, chủ yếu ở những quan hệ xã hội có tính chất riêng tư.

     Xét từ góc độ cá nhân, ý thức và trách nhiệm xã hội không chỉ là một đức hạnh, một tiêu chuẩn của chân lý mà còn là một thành tố cấu thành nhân cách của con người. Xét từ góc độ xã hội, việc cá nhân thực hiện trách nhiệm với xã hội là cơ sở của sự gắn kết giữa cá nhân với cá nhân, duy trì sự ổn định, sự phát triển xã hội.

     2.3. Sự biến đổi mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở Việt Nam

     Trong sự vận động, phát triển của lịch sử, nhận thức và cách giải quyết vấn đề cá nhân, vai trò cá nhân, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở Việt Nam luôn nằm trong nguồn mạch của văn hoá phương Đông. Mặc dù có sự tương đồng về văn hoá, nhưng ở Việt Nam, nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội cũng có nét đặc thù. Điều này biểu hiện ở phương châm sống của người Việt “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Mối quan hệ này thể hiện ở tính cộng đồng bền chặt trong một hệ thống Nhà – Làng – Nước.

     Tính cộng đồng bền chặt của người Việt là do phương thức lao động và hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Ở Việt Nam, nền kinh tế nông nghiệp manh mún với hộ gia đình là hình thức tổ chức kinh tế cơ bản đòi hỏi sự cố kết của gia đình, dòng họ. Những quan hệ này được được điều chỉnh bởi hương ước, luật lệ của làng. Trong cộng đồng, bên cạnh những trách nhiệm phải thực hiện với làng, nước, mỗi cá nhân đều được hưởng những lợi ích vật chất và những lợi ích tinh thần. Cụ thể, lợi ích vật chất là sử dụng quỹ đất canh tác chung, nguồn nước, tài nguyên, tài sản chung của làng xã. Lợi ích tinh thần của cá nhân được chia sẻ là những giá trị tâm linh, được đối xử thân tình, được quyền tham gia những công việc chung của làng xã. Chính những điều này làm cho những cá nhân hướng đến nhau, đoàn kết và củng cố bền chặt.

     Do hoàn cảnh lịch sử, đặc thù dân tộc, số phận của các cá nhân phải gắn chặt vào vận mệnh của cộng đồng, xã hội. Ở đó, cá nhân sẵn sàng hi sinh những lợi ích riêng để bảo vệ lợi ích chung của xã hội; bảo vệ lợi ích chung cũng là giải quyết, thực hiện lợi ích riêng của cá nhân. Vì thế, người Việt mới tồn tại, đấu tranh và giành thắng lợi trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

     Bước vào thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ rồi lại bị các thế lực thực dân cũ và mới xâm lược, tính cộng đồng lại được phát huy ở mỗi cá nhân với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” [7, tr. 480-481]. Với ý chí đó, mỗi cá nhân tạm thời hi sinh những lợi ích chính đáng của mình như tình yêu, gia đình, sự nghiệp để tham gia, đóng góp vào lợi ích chung của toàn quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh đó, sự đề cao tính cộng đồng, vì cộng đồng để thực hiện mục tiêu hàng đầu là giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Đây là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội, được mọi cá nhân chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Bởi lẽ, nếu dân tộc không được độc lập, nhân dân không được tự do thì tất cả các cá nhân đều chịu chung số phận của người nô lệ, chịu nỗi nhục của người mất nước.

     Khi đất nước được độc lập, trở về cuộc sống đời thường với những lo toan, hối hả, bao nhiêu nhu cầu tối thiểu của con người về ăn, mặc, ở và những nhu cầu chính đáng khác nếu như trước đây phải tạm gác lại thì nay đòi hỏi phải được giải quyết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong xã hội lúc này vẫn còn có biểu hiện nặng về đề cao cái chung, tính cộng đồng mà dẫn đến xem nhẹ cá nhân; cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp vẫn còn tồn tại dai dẳng, tư tưởng bình quân chủ nghĩa cùng với hậu quả chiến tranh đã khiến cho cá nhân thụ động, dựa dẫm, ỷ lại, vì đã quen có tập thể và nhà nước bao cấp; chưa thực sự phát huy được động lực, tính tích cực, sáng tạo của cá nhân trong đời sống và phát triển kinh tế.

     Trong một xã hội chưa nhìn nhận cá nhân với tư cách độc lập, tự chủ nhưng lại có đầy đủ bản năng sống vị kỷ nên cá nhân có xu hướng thích nghi để tồn tại, hình thành tính cách có sự mâu thuẫn trong một thể thống nhất, hoàn chỉnh: khi xuất hiện công khai, cá nhân là con người tập thể, tỏ ra coi trọng, bảo vệ lợi ích chung; khi sống với những toan tính riêng tư, cá nhân là những kẻ vị kỷ, chỉ mưu cầu lợi ích riêng. Vì vậy, xuất hiện hiện tượng nhân danh cộng đồng, vì lợi ích chung nhưng thực ra chỉ vì cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người cụ thể nào đó. Các vụ án tham nhũng, hối lộ trong thời gian qua là biểu hiện của sự vi phạm mối quan hệ của cá nhân và xã hội. Thực tế cho thấy, nếu chỉ coi trọng nhu cầu, dục vọng cá nhân sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, ngại khổ, tham nhũng, lãng phí, háo danh, thích địa vị, quyền hành, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; quan liêu, mệnh lệnh… Đây là cội nguồn của những thói hư tật xấu, của những vi phạm tập thể và xã hội, là “giặc nội xâm” của chủ nghĩa xã hội. Cần nhận thức được rằng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xoá bỏ lợi ích chính đáng của cá nhân. Nếu chỉ đề cao tính cộng đồng sẽ làm cho cá nhân mất đi động lực, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng xã hội – tình trạng không ngang nhau về quyền lợi, cơ hội mà cá nhân được hưởng trong mối tương quan với trách nhiệm, nghĩa vụ mà cá nhân phải thực hiện. Mâu thuẫn tích tụ đến một giới hạn nào đó có thể dẫn đến xung đột xã hội. Giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội phải là và thực chất là mối quan hệ lợi ích. Đó là yếu tố móc nối, liên kết hoặc ngược lại là chia rẽ các thành viên trong tập thể.

     Giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa lợi ích riêng và chung không chỉ là mối quan tâm lớn của mỗi người mà còn của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước qua các giai đoạn phát triển. Đảng ta xác định “động lực chủ yếu để phát triển kinh tế – xã hội là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội” [4, tr. 86]. Đại đoàn kết dân tộc phải được dựa trên cơ sở “giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”, “chấp nhận những quan điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc” [5, tr. 66]. Đây là quan điểm, phương hướng chỉ đạo lớn của Đảng, phải được thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế – xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [6, tr. 70]. Trong đó, Đảng ta đặc biệt chú trọng lợi ích kinh tế, giải quyết hài hoà nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân, gắn lợi ích với trách nhiệm, quyền lợi với nghĩa vụ của công dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Thực tiễn “tăng cường các lợi ích” những năm qua tạo ra động lực thúc đẩy các chủ thể hoạt động hiệu quả, năng động, sáng tạo mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

3. Kết luận

     Mối quan hệ cá nhân và xã hội không bao giờ là vấn đề cũ với bất kỳ chính thể nhà nước hay tổ chức xã hội nào. Việc duy trì, bảo đảm hài hoà lợi ích của cá nhân và xã hội là cơ sở, nền tảng cho một xã hội phát triển ổn định tốt đẹp vì sự tiến bộ của chính con người và xã hội ấy. Văn hoá phương Đông, trên cơ sở các yếu tố địa lý, địa văn hoá, địa chính trị riêng, có đặc thù riêng. Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong trường kỳ lịch sử ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, cũng khác với phương Tây. Tuy nhiên, tính cộng đồng, tính xã hội trong văn hoá phương Đông không hề bóp nghẹt, thủ tiêu hay lấn át tính cá nhân trong ý thức của mỗi người. Trong thời đại giao lưu, hội nhập kinh tế – văn hoá toàn cầu hiện nay, việc giữ gìn, bảo đảm cân bằng quan hệ cá nhân và xã hội càng cần được chú ý, coi trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lê Bảo (2012), Giáo trình văn hoá phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Doãn Chính (1999), Lịch sử triết học cổ đại, Nxb Thanh niên, tr. 107.

3. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2009), Giáo trình Đạo đức học Mác – Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh toàn tập (1995), tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Phan Hải Linh (2011), Giáo trình Nhập môn nghiên cứu Nhật Bản, Nxb Giáo dục Việt Nam.

9. Mác – Ăngghen (2004), Tuyển tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Hoàng Thanh Đạm dịch (2013), Bàn về tinh thần pháp luật, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 5/2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong nền văn hoá phương Đông
(Tác giả: Nguyễn Thị Xiêm)