Mối quan hệ giữa đền Cổ Lương và Phủ Tây Hồ, Hà Nội qua câu đối thờ Mẫu Liễu (Phần 1)

Tác giả bài viết: CHU XUÂN GIAO
(Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Qua khảo sát kỹ lưỡng đôi câu đối có cùng nội dung ở hai ngôi đền thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Hà Nội, là đền Cổ Lương (quận Hoàn Kiếm) và Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), bài viết luận giải về niên đại xuất hiện câu đối, cũng như tác giả viết câu đối và người cung tiến. Xét trong bối cảnh đất nước ở nửa đầu thế kỷ XX, nội dung câu đối phản ánh tâm thế của con người Việt Nam thời kỳ đó, tiêu biểu là Trần Tán Bình – một trí thức khoa bảng có đầu óc canh tân, tham gia tích cực và bền bỉ vào nhiều phong trào công khai với mục đích chấn hưng dân khí và bồi dưỡng dân trí ở đầu thế kỷ XX.

Từ khóa: Câu đối, Mẫu Liễu, đền, phủ, Hà Nội.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Ý tưởng của bài viết này được hình thành trong quá trình điều tra điền dã của chúng tôi tại các đền phủ đang thờ phụng Mẫu Liễu, trung tâm là phủ Tây Hồ ở Hà Nội, có thể bắt đầu tính từ giữa thập niên 1990 – khi mà tôn giáo truyền thống đã bước vào thời kỳ phục hưng nhờ chính sách Đổi mới1. Gợi ý trực tiếp là từ nội dung của một đôi câu đối bằng Hán văn được xem là “truyền lại từ ngày xưa”2 vẫn được treo trang trọng trong chính điện của phủ Tây Hồ mà chúng tôi tiếp xúc lần đầu tiên vào năm 1995. Nội dung và giá trị của câu đối ấy (từ đây trở xuống viết tắt là CĐTH) đã được chúng tôi công bố một phần trong các nghiên cứu trước đây (Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008b: 52, 79-81; 2008a: 32-33). Như sẽ trình bày ở dưới đây, CĐ-TH là vật tiến cúng vào năm 1953 của thanh đồng Phạm Diệu Hòa, cũng đồng thời là trụ trì – người quản lý phủ Tây Hồ ở thời điểm đó.

     Sau đó, chúng tôi mở rộng phạm vi khảo sát như một phương cách để có thể nhìn rõ hơn chân dung phủ Tây Hồ trong bức tranh chung về việc thờ Mẫu Liễu ở Việt Nam. Chúng tôi lần lượt phát hiện những câu đối mang nội dung giống hệt như CĐ-TH ở các đền phủ khác. Đầu tiên là đền Cổ Lương (khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tiếp đến là Phủ Bóng (tức đền Cây Đa Bóng hay Nguyệt Du Cung) ở bên cạnh lăng Mẫu Liễu trong khu vực Phủ Giày (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), và lăng thờ Phạm Tử Nghi (còn gọi lăng miếu Đôn Nghĩa hay lăng Thánh Niệm, ở huyện An Hải, Tp. Hải Phòng). Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xác nhận được bốn điểm như vậy. Có thể còn những đền phủ khác đang cùng treo câu đối với nội dung giống như CĐ-TH.

     Mọi việc đã có thể kết thúc ngay ở việc tìm ra bốn điểm cùng treo, hay “cùng thờ” theo cách nói dân dã, một đôi câu đối có nội dung giống nhau, là bởi lý do đơn giản: cùng có chung một đối tượng thờ cúng. Tuy nhiên, đi sâu khảo sát từng hiện vật ở cả bốn nơi, đặt nội dung của chúng vào bối cảnh xuất hiện và lưu truyền, mối quan hệ mang tính mạng lưới giữa chúng với nhau, chúng tôi đã tìm ra được soạn giả ban đầu của câu đối bằng Hán văn ấy. Đó là vị quan Trần Tán Bình (1868 – 1937) – một trí thức khoa bảng cựu học có đầu óc canh tân, đã tham gia tích cực và bền bỉ vào nhiều phong trào công khai với mục đích chấn hưng dân khí và bồi dưỡng dân trí ở đầu thế kỷ XX.

     CĐ-TH không phải là nguyên gốc, mà là bản sao vào đầu thập niên 1950 từ một đôi câu đối hiện vẫn còn thấy tại đền Cổ Lương. Câu đối ở đền Cổ Lương (từ đây trở xuống viết tắt là CĐ-CL) vốn được Trần Tán Bình soạn và dâng năm 1922 trong liên danh với một vị quan khác là Đào Huân. Việc soạn và dâng câu đối thờ Mẫu Liễu ở đền Cổ Lương với nội dung như sẽ trình bày ở dưới đây, trong bối cảnh xã hội lúc đó, không chỉ đơn thuần là hành động cung tiến thông thường, mà là cơ hội bày tỏ lòng kính phục và niềm ước vọng của những người dân mất nước trước các vị nữ anh hùng lỗi lạc đã vùng lên giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang trong quá khứ. Đồng thời, đó cũng là dịp để thổ lộ một cách thầm kín trước đấng “thiên hạ mẫu nghi” anh linh hiển hiện trong điện thần của nước Việt về thân phận “sống cũng như thừa” hay nỗi lòng “thẹn với kiếp làm thân nô lệ” của một ông quan thời bảo hộ.

     CĐ-CL, từ góc nhìn lịch sử văn hóa, hiện lên như một thông điệp truyền tải tâm thế và ước vọng của một loại hình trí thức thời đầu thế kỷ XX: mặc dù đã phải dấn bước tham gia vào chính trường thực dân nửa phong kiến đương thời, nhưng tinh thần yêu nước thương nòi vẫn ngầm chảy trong huyết quản họ. Sau này, CĐ-CL được sao chép để dâng cho phủ Tây Hồ bởi một nữ thanh đồng vào năm 1953, rồi tiếp đến là những sao chép khác, như về tới thánh địa Phủ Giày ở Nam Định hay vùng đất cảng Hải Phòng ở thời kỳ Đổi Mới, đã cho thấy sức lan tỏa của thông điệp qua không gian và thời gian. Với mỗi lần sao chép, thông điệp từ đầu thế kỷ XX lại được làm mới, hay điều chỉnh bằng cách đắp thêm những tầng nghĩa mới tương ứng với hoàn cảnh mới và tâm thế mới.

2. Về câu đối trong điện thờ chính phủ Tây Hồ

     Điện chính, hay chính điện, là kiến trúc trung tâm của phủ Tây Hồ ngày nay. Về tổng thể, gồm có ba lớp bài trí. Ngoài cùng là mặt tiền. Mặt tiền của điện nhìn ra Hồ Tây, được thiết kế thành tam quan (gồm ba cửa ra vào, hai tượng hộ pháp, mái hai tầng, đắp nổi hình các linh vật). Ở giữa là ban công đồng, có đặt các tượng thờ của các vị sau: Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn ông, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Ở bên trong là ban Mẫu, gồm hai nửa: hậu cung (ở trong cùng, là nơi đặt tượng các Mẫu), cung vọng (ở phía trước hậu cung, là nơi đặt long ngai bài vị các Mẫu). Hai nửa được ngăn cách bằng ba cửa có nửa trên là chấn song (tức cửa kiểu thượng song hạ ván). Ba cửa thường luôn đóng, khách tới chiêm bái có thể vọng vào hậu cung qua phần chấn song.

     Đôi câu đối đang bàn ở đây (CĐ-TH) là một trong những di vật còn giữ được cho đến ngày hôm nay, được nhà đền tu chỉnh (sơn son thếp vàng lại) và treo trên hai cột ở khu vực cung vọng (nơi đặt long ngai bài vị của các Mẫu), và ở ngay phía dưới bức hoành phi. Về mặt mỹ thuật, kết cấu CĐ-TH ở hai bên cột tựa như là bệ đỡ ôm lấy bức hoành phi ở trên, án ngữ phía trước hậu cung, tạo nên cảm giác bắt mắt. Đặc biệt, về mặt nội dung, bức hoành phi mang bốn chữ lớn được sơn đen: Mẫu Nghi Thiên Hạ 母儀天下. Thêm nữa, bức hoành phi này còn mang dòng lạc khoản quan trọng, cho biết hiệu buôn Quảng Lợi ở Hà Thành cung tiến vào mùa xuân năm Quý Mùi, niên hiệu Bảo Đại, tức năm 1943 (nguyên văn: Bảo Đại Quý Mùi Xuân, Hà Thành Quảng Lợi Hiệu Cung Tiến 保大癸未春河城廣利号恭進).

     CĐ-TH là một trong những đôi câu đối đẹp nhất về mặt mỹ thuật cũng như nghệ thuật thư pháp trong quần thể phủ Tây Hồ nói chung và điện chính nói riêng. Câu đối được chế tác trên hai ván gỗ. Cỡ chữ lớn sơn đen, kiểu triện, nền thếp vàng. Nó có các dòng lạc khoản cho biết niên đại (năm 1953) và người cung tiến (thanh đồng Phạm Diệu Hòa, là người trụ trì của Bảo Khánh Linh Từ thuộc làng Tây Hồ – tiền thân của phủ Tây Hồ ngày nay).

     Nguyên văn của CĐ-TH đã được chúng tôi chuyển tự, phiên âm và dịch nghĩa để công bố một cách bộ phận ở các nghiên cứu trước đây. Nay công bố bản đầy đủ như sau.

     (1) Vế phải

     上界神而仙霊気地連崇葛外

     Thượng giới thần nhi tiên, linh khí địa liên Sùng Cát ngoại

     (Dịch sát ý: Ở trên thượng giới, là thần mà cũng là tiên, linh khí bao trùm khắp [nơi] [kể cả] bên ngoài đền Sùng [Sòng Sơn/Sùng Sơn] đền Cát [Phố Cát])

     (Dịch thoát ý: Là thần mà cũng là tiên trên thượng giới, linh khí trùm khắp cõi bắt đầu từ đền Sùng đền Cát)

     (2) Vế trái

      大名生不死彤徽史在趙徴間

     Đại danh sinh bất tử, đồng huy sử tại Triệu Trưng gian

     (Dịch sát ý: [Trong những nhân vật có] danh tiếng lớn, [là người] có sinh ra nhưng bất tử, [công tích] rạng rỡ/huy hoàng còn lưu trong sử sách cùng bà Triệu bà Trưng)

     (Dịch thoát ý: Là đấng bất tử danh tiếng lẫy lừng, công tích huy hoàng còn lưu trong sử sách cùng bà Triệu bà Trưng)

     (3) Lạc khoản [cho biết niên đại, và người cung tiến câu đối] 癸己年仲冬住持本祠青僮范氏号妙和拝進

     Quí Tị niên trọng đông,

     Trụ trì bản từ thanh đồng Phạm thị hiệu Diệu Hòa bái tiến

     (Tháng trọng đông năm Quý Tị,

     Thanh đồng trụ trì đền này là người họ Phạm hiệu Diệu Hòa bái tiến)

     Trong các nghiên cứu đã công bố trước đây và bây giờ, từ kết quả đối chiếu các nguồn tư liệu văn tự hiện còn thấy tại phủ Tây Hồ, chúng tôi xác định năm Quý Tị 癸己年 được ghi trong lạc khoản của CĐ-TH là năm 1953, mặc dù nguyên bản chỉ ghi “Quý Tị niên” một cách chung chung (vì chung chung, nên có thể kể đến các năm như: 1953, 1893, 1833, 1773, 1713, 1653, 1593,…). Trong phạm vi không gian phủ Tây Hồ, “Quý Tị niên” trong CĐ-TH là ngang với thời điểm “Long Phi Quý Tị” trong bức đại tự quan trọng nhất đang treo trong hậu cung3, cùng được xác định là năm 1953.

     Về thời điểm xuất hiện rất muộn của phủ Tây Hồ ở Hà Nội, chúng tôi đã trình bày cụ thể trong các công bố trước đây (xem Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương 2008a, Chu Xuân Giao 2010a). Khác với định thuyết cho rằng phủ Tây Hồ đã có ngày từ thế kỷ XVII, nghiên cứu của chúng tôi, từ các căn cứ gốc gác, đã chỉ ra rằng, mãi đến thập niên 1880 – 1890 thì một ngôi đền nhỏ của riêng xóm Bảo Khánh (thuộc làng Tây Hồ) – tiền thân của phủ Tây Hồ ngày nay – mới được dựng bên mép nước để thờ Mẫu Liễu. Lúc đầu, người trong xóm Bảo Khánh còn phải đi sao sắc phong ở Phủ Giày và Phố Cát về để thờ vọng. Đến năm 1911, ngôi đền nhỏ ấy được nhận sắc phong từ triều đình nhà Nguyễn. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng đó, thì vào năm 1912, người trong xóm cùng nhau đúc một chuông đồng Bảo Khánh Linh Từ hiện còn thấy. Tài lực lúc bấy giờ về cơ bản là ở qui mô xóm, nên chỉ có thể đúc được chuông cỡ rất nhỏ. Đây cũng chính là hiện vật có niên đại sớm nhất của ngôi đền còn lưu được. Đến năm 1924, Bảo Khánh Linh Từ được triều đình ban tiếp một lần sắc phong nữa. Bằng vào hai lần ban sắc phong của triều đình ở đầu thế kỷ XX, một ngôi đền nhỏ thờ Mẫu Liễu của một xóm đã được công nhận ở qui mô cấp làng. Đây là một bước chuyển quan trọng, tức là Bảo Khánh Linh Từ của riêng xóm Bảo Khánh đã chuyển lên thành Bảo Khánh Linh Từ của làng Tây Hồ. Sau đó, từ năm 1928, Bảo Khánh Linh Từ bắt đầu nhận gửi hậu của nhân dân làng Tây Hồ. Cũng khoảng thời gian đó, những người tôn thờ Mẫu Liễu của làng Tây Hồ tập hợp nhau thành một tổ chức gọi là Lạc Thiện hội để đảm đương các kỳ tế tự của ngôi đền trong năm. Mãi đến khoảng thời gian các năm 1941 – 1943, ngôi đền mới được trùng tu, mở rộng một cách căn bản. Lần trùng tu này đã huy động được sự đóng góp tài lực và ủng hộ về tinh thần từ nhiều nơi, nhất là từ các doanh nhân của Hà Thành và từ Phủ Giầy. Lần đầu tiên, điểm thờ Mẫu Liễu tại xóm Bảo Khánh của làng Tây Hồ đã vượt phạm vi của làng xã sở tại, mà vươn ra tầm rộng, kết nối được với những trung tâm lớn mang tính quốc gia. Với ý nghĩa đó, có thể xem đây là lần trùng tu tạo bước chuyển đổi một cách cơ bản về diện mạo của Bảo Khánh Linh Từ, đưa nó phát triển thành dạng gần như phủ Tây Hồ sau này. Tuy nhiên, về cơ bản, giới nghiên cứu và báo chí của Hà Nội cho đến khoảng đầu thập niên 1940 (Phan Kế Bính, Ngô Vi Liễn, Lộng Chương, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quang Phúc, Trọng Lang Trần Tán Cửu,…) vẫn chưa hề biết đến Bảo Khánh Linh Từ.

     Về năm 1953, chúng tôi xác định là niên đại thuộc vào một đợt trùng tu lớn trước khi hòa bình lập lại của phủ Tây Hồ. Có đợt trùng tu trong các năm 1952-1953 là do khu vực đền Bảo Khánh đã bị hư hại bởi binh hỏa chiến tranh vào năm 19474. Bởi vậy, từ tư liệu xác thực của chính phủ Tây Hồ, chúng tôi thấy CĐ-TH không thể có sớm hơn năm 1924 (hoặc năm 1911). Cũng có nghĩa là “Quý Tị niên” thấy trên CĐ-TH không thể là năm 1893 (cách năm 1953 vừa một vòng hoa giáp), mà chỉ có thể là năm 1953. Niên đại 1953 của CĐ-TH càng được khẳng định, khi hiện nay, chúng ta đã có điều kiện đối chiếu với niên đại của CĐ-CL. CĐ-CL, như thấy ở dưới đây, có ghi rõ ràng niên đại chế tác và cung tiến là năm 1922. Như vậy, CĐ-TH không thể sớm hơn năm 1922, và “Quí Tị niên” ghi trên đó là năm 1953.

     Đợt trùng tu trong các năm 1952 – 1953 (hoặc kéo dài hơn) là do khu vực đền Bảo Khánh (tức Bảo Khánh Linh Từ, tiền thân của phủ Tây Hồ ngày nay) đã bị hư hại bởi binh hỏa chiến tranh vào năm 19475. Cụ thể như sau:

     “… cho đến năm 1953, tức là trong thời kỳ khu vực làng Tây Hồ còn là vùng tạm chiếm của Pháp, ở Bảo Khánh Linh Từ có một vị tên là Phạm Diệu Hòa, bà vừa là trụ trì vừa là thanh đồng. Vị này cúng tiến một đôi câu đối cho bản từ (đền này, đền của mình) vào năm đó. Bức đại tự quan trọng đề bốn chữ Thiên Tiên Trắc Giáng ở trong hậu cung cũng được dâng năm 1953, tức là cùng thời gian trụ trì/thanh đồng Phạm Diệu Hòa dâng tiến câu đối. Có lẽ cả đôi câu đối và bức đại tự đều được bà Phạm Diệu Hòa dâng tiến (hoặc có liên quan đến bà) sau lần trùng tu năm 1952. Sở dĩ được/phải trùng tu vào năm 1952 là vì năm 1947 khu vực phủ Tây Hồ ngày nay bị thiệt hại trong lần Pháp tấn công khu vực Quảng An – Nhật Tân – Tứ Liên… để chiếm ngã ba Nhật Tân. Trong trận đó, 16 nóc nhà ở xóm Bảo Khánh/Quảng Khánh bị đốt cháy, và có thể một phần Bảo Khánh linh từ bị đạn pháo làm hư hại.

     Đến thời điểm 1952 – 53, bà Phạm Diệu Hòa vừa là trụ trì của bên chùa, vừa là thanh đồng của bên đền. Qua nội dung câu đối mà bà dâng tiến, chúng ta có thể thấy rằng, lúc ấy, ngôi Bảo Khánh Linh Từ đã thờ Mẫu Liễu Hạnh, hơn thế, Mẫu Liễu Hạnh đã ở ngôi vị cao nhất trong hệ thống thần linh được phụng thờ trong đền” (Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008a: 33).

     Niên đại 1953 (“Quý Tị Niên”) của CĐ-TH càng được khẳng định, khi hiện nay, chúng tôi đã có điều kiện đối chiếu với niên đại của CĐ-CL. CĐ-CL, như trình bày dưới đây, có ghi rõ ràng niên đại chế tác và cung tiến là năm 1922. Bởi vậy, CĐ-TH không thể có sớm hơn năm 1922. Cũng có nghĩa là không thể là năm 1893 (cách năm 1953 vừa một vòng hoa giáp), chỉ có thể là năm 1953.

     Trên đây là cách hiểu của chúng tôi về nội dung của CĐ-TH. Trên thực tế, vì đây là một trong những đôi câu đối quan trọng của phủ Tây Hồ và từ lâu đã biết đến khá rộng rãi trong học giới, nên chỉ tính riêng từ đầu thập niên 1990 đến nay, vẫn đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Dưới đây, xin giới thiệu nhanh về những cách hiểu ấy.

3. Những cách hiểu khác về nội dung của câu đối ở phủ Tây Hồ

     Điều cần chú ý đầu tiên là, mặc dù có nhiều bản sao chép cũng như bản dịch khác về nội dung của CĐ-TH, nhưng tất cả đều chỉ quan tâm đến hai vế (bên phải và bên trái) mà thôi. Đến thời điểm hiện tại, ngoài chúng tôi ra, chưa có nhà nghiên cứu nào quan tâm đến lạc khoản của CĐ-TH. Bởi vậy, chi tiết về niên đại “năm 1953” và người cung tiến “Phạm Diệu Hòa” chưa từng được đề cập đến trong những trước thuật trước nay về phủ Tây Hồ nói chung và về CĐ-TH nói riêng.

     Tư liệu đầu tiên đề cập chi tiết đến CĐ-TH có lẽ là của Hà Đình Thành (Hà Đình Thành, 1993: 30). Ở thời điểm đó, phủ Tây Hồ bắt đầu được trùng tu tôn tạo một cách quy mô. Nhà nghiên cứu đã đến khảo sát, ghi lại dáng vẻ lúc đó của phủ. Ông miêu tả, rồi đưa một bản phiên âm và dịch nghĩa như sau đối với CĐ-TH.

     “Ra khỏi Hậu Cung, đứng trầm kính trước cung Tam Tòa, chúng ta sẽ trông thấy bức hoành phi với dòng chữ Tây Hồ Phong Nguyệt (trăng gió Tây Hồ), và đôi câu đối bộc lộ một nội dung ca ngợi vị nữ thần bất tử Liễu Hạnh:

Thượng giới thần nhi tiên, linh khí địa liên sùng cát ngoạn,

Đại danh sinh bất tử, phi vi sử tại, triệu vi gian.

     Dịch nghĩa:

Trên trời là chúa Tiên, linh khí khắp nơi, chơi cùng thỏa,

Đại danh mãi bất tử, không do sử chép, bởi lòng dân”.

     Sau đó, phần phiên âm – dịch nghĩa của Hà Đình Thành được Lưu Thị Oanh tham khảo để đưa vào Lý lịch di tích Phủ Tây Hồ (Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, 1994: 12). Cụ thể như sau:

     “Lớp thứ ba: Là cung tam tòa thánh mẫu. Giáp nơi mái treo bức cuốn thư sơn son thếp vàng, diềm trên trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bên chạm phượng, nền gấm có ghi 4 chữ “Tây, Hồ, Phong, Nguyệt” (gió gọi Tây Hồ). Ở dưới gắn bức cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Diềm trên trang trí phượng, diềm dưới trang trí hình người cưỡi voi cưỡi ngựa, hươu, sư tử. Hai bên cột treo đôi câu đối hình lòng máng sơn son thếp vàng. Câu đối có nội dung ca ngợi vị nữ thần bất tử Liễu Hạnh:

Thượng giới thần nhi tiên, linh khí địa tiên, sùng cát họa,

Đại danh sinh bất tử, phi vi sử tại triệu vi gian.

     Dịch nghĩa:

Trên trời là chúa tiên,linh khí khắp nơi, chơi cùng thỏa,

Đại danh mãi bất tử, không do sử chép bởi lòng dân”.

     Bản dịch của Hà Đình Thành cũng như bản chép theo đó của Lưu Thị Oanh, ở đầu thập niên 1990, đều thoát ly khá xa nội dung thực của câu đối. Các nhãn ngữ như “Sùng Cát” và “Triệu Trưng” đã không được hiểu đúng.

     Trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Hoàng Giáp kết hợp với ông Trương Công Đức (Trưởng Ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ) và Phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ biên soạn một số tập tư liệu, hay phần tư liệu về phủ Tây Hồ (chẳng hạn Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ 2000, 2011; Phủ Tây Hồ 2006, 2008). Trên cơ sở tư liệu được tích lũy, vào năm 2009, tập chuyên khảo Làng Tây Hồ, Phủ Tây Hồ (Hoàng Giáp, Trương Công Đức chủ biên) đã được ấn hành. Trong chuyên khảo đó, bản chuyển tự và phiên dịch của Hoàng Giáp đối với CĐ-TH cũng bỏ qua phần lạc khoản, chỉ có nội dung hai vế. Cụ thể như sau (Hoàng Giáp, Trương Công Đức 2009: 179 – 180).

     “Nguyên văn chữ Hán:

     上界神而仙霊気地連崇葛外

     大名生不死彤徽史在趙徴間

     Phiên âm Hán – Việt:

Thượng giới thần nhi tiên linh khí địa liên Sùng Cát ngoại;

Đại danh sinh bất tử đồng vi sử tại Triệu Trưng gian.

     Dịch nghĩa:

Thượng giới là thần tiên, linh khí tựa Sòng Sơn – Vân Cát;

Đại danh sinh bất tử, huy hoàng như Bà Triệu – Bà Trưng.6

     Như vậy, với bản dịch của Hoàng Giáp, các nhãn ngữ của câu đối như “Sòng Sơn, Vân Cát” và “Bà Triệu, Bà Trưng” đã được chỉ ra. Hình tượng Mẫu Liễu được gắn với những nơi thờ tự mang tính quốc gia như Sòng Sơn và Phủ Giày, đặc biệt, bà được xếp chung vào hàng các vị anh hùng dân tộc vang danh trong sử sách là Bà Triệu và Bà Trưng. Đây là một bản dịch sát với nguyên bản câu đối, và về thực chất, không khác với cách hiểu đã trình bày ở trên của chúng tôi.

     Nhóm nghiên cứu FVH (Friends of Vietnam Heritage) cũng đặc biệt quan tâm đến CĐ-TH, cả ở phương diện mỹ thuật và phương diện nội dung. Trong cuốn Phủ Tây Hồ (West Lake Palace – Hanoi) xuất bản năm 2004, nhóm đã tuyển chọn CĐ-TH, và đưa ba tấm ảnh về nó (một tấm bao quát khu cung vọng, hai tấm còn lại chụp cận cảnh hai vế câu đối). Đặc biệt đáng lưu ý là, bản dịch nội dung CĐ-TH sang tiếng Anh của FVH, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã diễn đạt được ý nghĩa thực của câu đối, nhất là các nhãn ngữ “Vân Cát”, “Hai Bà Trưng”, “Bà Triệu”.

     Vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, một nhóm các nhà nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách lớn Câu đối Thăng Long – Hà Nội (Nguyễn Tuấn Thịnh, chủ biên, 2010). Trong sách đó, CĐ-TH được sưu tập (trang 371) và chuyển dịch như sau:

     Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nội dung chính yếu của CĐ-TH đã có được cách hiểu tương đối thống nhất giữa các nhà nghiên cứu: nhóm Hoàng Giáp (2006, 2009), nhóm FVH (2004), nhóm Nguyễn Tuấn Thịnh (2010), và chúng tôi (1995, 2008, 2013). Đặc biệt là ở ý ca ngợi Mẫu Liễu là đấng bất tử danh tiếng lẫy lừng, một hạng anh thư của nước Việt, có công tích huy hoàng được sử sách ghi sánh ngang các nữ lưu hào kiệt Trưng Trắc, Trưng Nhị và Triệu Thị Trinh.

3. Đền Cổ Lương ở làng Cổ Lương với việc phụng thờ Mẫu Liễu

     Đền Cổ Lương, có tên chữ là Cổ Lương Linh Từ, phụng thờ Mẫu Liễu và hệ thống thần trong tứ phủ, hiện là một ngôi đền nhỏ nằm ở bên trong ngõ số 28 phố Nguyễn Siêu [Nguyễn Văn Siêu – Án Sát Siêu] thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

     Trong hệ thống đền phủ thờ Mẫu Liễu ở Hà Nội hiện nay, người ta thường nhắc ngay và nhắc nhiều đến phủ Tây Hồ, chứ ít ai biết đền Cổ Lương. Tuy vậy, trong văn bản cũ của Hà Nội, chỉ tính đến trong giai đoạn 1930 – 1945, thì đền Cổ Lương tương đối có tiếng, và ngược lại, hầu như không thấy bóng dáng của phủ Tây Hồ hay các tên gọi tiền thân của nó (Bảo Khánh Linh Từ). Chẳng hạn, trong tư liệu hành chính lưu trữ của Hà Nội từ năm 1873 đến năm 1954, ít nhất còn thấy hai tập hồ sơ: về hoạt động của đình và đền Cổ Lương từ năm 1928 đến năm 1942, và về hoạt động của miếu Cổ Lương từ năm 1933 đến năm 1949 (Đào Thị Diến, chủ biên, 2010: 548-549, 658-659).

     Sở dĩ gọi là đền Cổ Lương vì khu vực đó ngày trước là địa phận thôn/làng Cổ Lương. Theo bản khai vào năm 1938 của ông Chánh hội Đào Huân, làng Cổ Lương nguyên thuộc về tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, khi đó đổi ra là phố Án Sát Siêu thuộc Hộ thứ ba thành phố Hà Nội. Làng có một miếu, một đình và một đền. Miếu và đình thờ hai vị thành hoàng, là Linh Ứng Tôn Thần (tức Nam Hải Đại Vương, có tục danh là Phạm Thành hay Phạm Tử Nghi, là nhân thần thời Lê – Mạc, quê gốc ở huyện An Dương, Hải Phòng ngày nay) và Linh Thông Tôn Thần (tức Phổ Tế Đại Vương, có tục danh là Trần Thông, là nhân thần thời Trần – Hồ, quê gốc ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa ngày nay). Đền Cổ Lương thì thờ “Mẫu Liễu Hạnh tiên chúa sắc tặng Chế Thắng Bảo Hòa Diệu đại vương” (Đào Huân, 1938: 1, 1-13).

     Ở một dịp khác, chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn về làng Cổ Lương và các điểm thờ cúng cũ của làng. Ở đây, chỉ nói riêng về đền. Theo nội dung văn tự trên các di vật còn đang được bảo quản tại đền, có tham chiếu với các nguồn tư liệu bổ trợ khác, có thể hiểu rằng, Mẫu Liễu đã được thờ ở đây từ rất sớm so với các điểm thờ Mẫu Liễu khác trên cùng địa bàn thành phố Hà Nội khu vực chưa mở rộng (chẳng hạn so sánh với phủ Tây Hồ).

     Ở trong sân đền hiện nay có một tấm bia mang tiêu đề Cổ Lương Hương Đình Bi Ký (Bài ký trên bia đình làng Cổ Lương) có niên đại Tự Đức 32 (1879). Bia vốn ở đình làng, nhưng sau này, khi khu đất cũ của đình bị thu hồi, thì toàn bộ đồ thờ tự và cổ vật của đình được mang sang gửi ở đền cho tới ngày hôm nay. Bài ký trên bia được chấp bút bởi Vũ Nhự, hiệu Đông Phần, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1868), lúc bấy giờ là quan Đốc học Hà Nội. Trên bia có đoạn: “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của thần, trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm, dân cư ca mừng tụ họp ở đây, mà đền thần vẫn còn như cũ. Hương lão họ Đào, hiệu Tư Trai, có ý định sửa sang lại cho cao ráo sáng sủa, tích lũy gỗ lạt tính xây dựng…(…)…đứng ra xây gạch lợp ngói…(…)… Ngày 20 tháng 7 năm nay khởi công, đến tháng 10 hoàn thành” (Ban Hán Nôm, 1978: 88 – 89). Qua đó, có thể tạm hiểu rằng, ngôi đình của làng Cổ Lương đã được dựng đầu tiên khoảng vào những năm 1770 (vì cách năm 1879 khoảng “hơn trăm năm”), vốn chỉ là lợp cỏ đơn sơ. Cũng có thể tạm hiểu rằng, khoảng ở thập niên 1770 (hoặc trước đó một thời gian), người ở Khúc Thủy mới đến lập làng Cổ Lương. Theo Đào Huân thì, Khúc Thủy là tên làng (hay tên trang) thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, năm 1938 thuộc tỉnh Hà Đông (Đào Huân, 1938: 1 – 13).

     Khi người làng Khúc Thủy đến lập làng Cổ Lương, thì địa bàn làng vẫn là bên cạnh bến sông, vì sông Tô Lịch còn chạy đến khu vực đó. Cho đến trước năm 1889, cả phố Nguyễn Siêu ngày nay vốn là lòng sông Tô Lịch cũ. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (phần tỉnh Hà Nội) có giới thiệu về dòng chảy của sông Tô Lịch như sau: “Sông Tô Lịch: Ở phía đông tỉnh thành, là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía bắc tỉnh thành, và cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, chuyển sang phía tây qua huyện Vĩnh Thuận, đến xã Nghĩa Đô ở phía đông huyện Từ Liêm và các tổng Khương Đình, Quang Liệt, Cổ Điển, Ninh Xá, huyện Thanh Trì, quanh co 60 dặm, đến xã Hà Liễu thì đổ vào sông Nhuệ. Sông này mùa đông, mùa xuân nông cạn, mùa hè, mùa thu nước lớn, phải đi bằng thuyền” [Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Văn Nguyên (chủ biên), 2007: 574]. Còn hình dung dựa theo các tuyến phố ngày nay thì đại khái như sau: sông này vốn từ cửa sông (chỗ phố Chợ Gạo) nối với Sông Hồng, chạy vắt qua khu phố Nguyễn Siêu, phố Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường, bắt chéo lên phố Hàng Lược, nhập vào dãy hào chảy ngoài tường thành phía Bắc (phố Phan Đình Phùng hiện nay), lên Bưởi, rồi lại rẽ xuống mạn Cầu Giấy mà đi về sông Nhuệ. Mùa cạn, dòng sông Tô có lúc chảy từ mạn Bưởi xuống cửa sông, nhưng chủ yếu là nước sông Hồng chảy vào sông Tô. Vì vậy, chỗ cửa sông mới gọi là “giang nguyên” (nguồn sông) (Nguyễn Vinh Phúc, 2010: 461). Trên bản đồ cổ, chúng ta thấy rất rõ một đoạn dài của sông Tô Lịch như vậy (chẳng hạn trong Hồng Đức Bản Đồ, hay các bản đồ Hà Nội đầu thời Pháp thuộc). Đến năm 1889 thì cả đoạn sông đó mới bị lấp, riêng khúc ngắn ở làng Cổ Lương biến thành đường Nguyễn Siêu ngày nay. Vào năm 1938, Đào Huân cũng có trình bày rằng: “Từ khi sông Tô Lịch lấp đi, làm thành ra phố Ngõ Gạch (Rue dé Briques), nay đổi là phố Án Sát Siêu, ngoài đường càng ngày càng đổ cao, thành thử trong ngõ hóa thấp” (Đào Huân, 1938: 14). Chính bởi trước năm 1889, là bến sông, nên ở khu vực làng Cổ Lương có miếu thờ thủy thần danh tiếng Nam Hải Đại Vương (Phạm Thành hay Phạm Tử Nghi). Miếu này hẳn đã có từ rất lâu so với thời điểm 1770 (thời điểm xây đình bằng gạch thay). Khi chuyển cư từ Khúc Thủy ra, các vị tiên hiền làng Cổ Lương đã rước cả vị thành hoàng làng cũ của mình là Phổ Tế Đại Vương (Trần Thông) ra thờ cùng, để hình thành nên đình làng Cổ Lương thờ cả Nam Hải Đại VươngPhổ Tế Đại Vương.

     Đó là hai vị thành hoàng. Còn Mẫu Liễu thì được thờ riêng ở đền làng mà lúc đầu là điện (Cổ Lương Điện).

     Theo một tấm bia hậu mang tiêu đề Cổ Lương Điện Hậu Bi (Bài ký trên bia gửi hậu cho điện Cổ Lương) mang niên đại Khải Định 9 (1924) hiện đang gắn trên tường bên trong đền Cổ Lương, thì điện Cổ Lương phụng thờ Thánh Mẫu Sùng Sơn, tính đến thời điểm đó đã được hơn 200 năm (nguyên văn: Nguyên tiền bản điện phụng sự Sùng Sơn thánh mẫu, kinh dĩ nhị bách dư niên). Nếu tạm tin theo thông tin này, mà tính lùi lại hơn 200 năm kể từ năm 1924 thì là khoảng những năm 1720. Niên đại này sớm hơn niên đại phỏng tính cho lần xây cất đình làng Cổ Lương đầu tiên đã nói ở trên (1770). Từ hai con số này, có thể tạm suy rằng, vào khoảng đầu thế kỷ XVIII (khoảng 1720 – 1770), ở khu vực làng Cổ Lương đã có hai địa điểm thờ tự, là: miếu thờ thủy thần Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi, và điện thờ thiên thần Liễu Hạnh Công Chúa (hay Thánh Mẫu Sùng Sơn). Miếu thì sau đã nâng cấp thành đình và thờ thêm một vị thần có gốc từ làng Khúc Thủy vào 1770. Điện thì sau đã nâng cấp thành đền (gọi chữ là Linh Từ).

     Quả thực là, đến khoảng đầu và giữa thế kỷ XVIII, danh tiếng của Mẫu Liễu đã vang lừng khắp cõi. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748) đã hoàn thành Vân Cát Thần Nữ Truyện – tác phẩm được xem là thiên tuyệt bút “cố định các truyền thuyết, huyền thoại mới nổi đến thế kỷ XVIII”8. Chúng tôi tạm định rằng, tác phẩm đó được chấp bút và hoàn thành vào khoảng những năm 1740 (Chu Xuân Giao, 2010b: 90 – 91). Đặc biệt, các giáo sĩ Phương Tây đã ghi chép hiện tượng chúa Liễu Hạnh thuộc thời điểm đó trong các tác phẩm về tôn giáo ở Đàng Ngoài hay Đàng Trong, tiêu biểu là tập Tam giáo chư vọng bằng quốc ngữ (được xem là viết ở năm 1752) và các sách tương tự viết bằng tiếng khác (sđd: 93). Muộn hơn một chút nữa, theo ghi chép trong sách Tang Thương Ngẫu Lục (ở truyện “Miếu Thuần Dương tổ sư”) của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) và Nguyễn Án (1770 – 1815), những người sống vắt qua hai thế kỷ XVIII và XIX, chúng ta biết được rằng, sự nở rộ việc thờ Mẫu Liễu (“Bà chúa Liễu Hạnh”) tại Thăng Long là từ khoảng nhà Tây Sơn kéo quân ra lật đổ chúa Trịnh, tức từ khoảng năm 1786 trở về sau (“sau cuộc binh hỏa năm Bính Ngọ”9) [Tạ Chí Đại Trường, 2006: 191; Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008a: 39; 2008b: 119 – 120]. Rất có thể ở khoảng thời gian đó (sơ kỳ hay hậu bán thế kỷ XVIII), khu vực làng Cổ Lương ở bên cạnh bến sông Tô Lịch ăn thông ra Sông Hồng, người ta đã bắt đầu thờ vọng Mẫu Liễu. Thời điểm này, sớm hơn rất nhiều so với thời điểm xuất hiện của phủ Tây Hồ (Chu Xuân Giao, 2010a). Có thể mường tượng về sự liên đới hay kết hợp giữa hệ thống thần biển (Nam Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh nương,… thường có trước), trên các cửa sông, cửa biển, với hệ thống thần Liễu Hạnh (thường đến sau).

     Cũng cần nói thêm rằng, giả định về thời điểm đầu hay hậu bán thế kỷ XVIII liên quan đến sự ra đời của điện thờ Mẫu Liễu tại làng Cổ Lương, như đã trình bày ở trên, là tạm thời dựa theo nội dung ghi trên tấm bia có niên đại tương đối muộn (năm 1924), dù có được tham chiếu thêm các ghi chép mang tính bối cảnh rộng (Đoàn Thị Điểm, giáo sĩ Phương Tây, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án). Trong điều kiện tư liệu hiện tại, đành dừng lại ở một giả định làm việc như vậy, rất đang cần sự bổ khuyết bằng những tư liệu đích thực và trực tiếp hơn.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp:  Mối quan hệ giữa đền Cổ Lương và Phủ Tây Hồ, Hà Nội qua câu đối thờ Mẫu Liễu (Phần 2)

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 (153), 2016, 94-122

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)