Môi trường văn hóa và diện mạo mới của văn hóa Nam Bộ
LÝ TÙNG HIẾU
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)
TÓM TẮT
Từ các góc nhìn địa văn hoá, hệ thống, và dân tộc-ngôn ngữ học, bài viết xem xét những tác động của hai nhân tố địa lý tự nhiên và giao lưu văn hóa đối với sự biến đổi văn hóa truyền thống Việt Nam trên địa bàn Nam Bộ.
Điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng, phối hợp với ảnh hưởng chi phối của văn hóa Việt, đã làm phát triển ở nơi đây một truyền thống văn hóa đồng bằng song hành với văn hóa biển. Điều kiện giao lưu văn hóa sôi động đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa của tất cả các tộc người nơi đây, kể cả văn hóa Việt. Do đó, để có thể hiểu đúng, lý giải đúng sự hình thành, biến đổi văn hóa tộc người và văn hóa vùng Nam Bộ, trước hết cần xem xét sự tác động của hai nhân tố ấy đối với các chủ thể văn hóa tộc người và các hoạt động văn hóa của họ ở nơi đây.
Từ khóa: góc nhìn địa văn hoá, góc nhìn hệ thống, góc nhìn dân tộc-ngôn ngữ học, điều kiện địa lý tự nhiên, điều kiện giao lưu văn hoá, tiếp biến văn hoá, môi trường văn hoá, hoạt động văn hoá, văn hóa Việt, văn hóa Nam Bộ.
ABSTRACT
From the perspectives of cultural geography, systematic approach, and ethnolinguistics, the paper examines the impact of two factors of natural geography and cultural exchanges on the change of Vietnam traditional culture in Southern Vietnam. Natural geographic diversity, in collaboration with the dominant influence of Vietnamese culture, has developed here the tradition of plain culture parallel with sea culture. Vibrant cultural exchange has made a profound cultural transformation of all ethnic groups here, including Vietnamese culture. Therefore, in order to properly understand, correctly interpret the formation, change of ethnic cultures and region culture in Southern Vietnam,first of all we need to consider the impact of the two factors on subjects of ethnic cultures and their cultural activities here.
Keywords: cultural geographic perspective, systematic perspective, ethnolinguistic perspective, conditions of natural geography, conditions of cultural exchange, acculturation, cultural environment, cultural activities, Viet culture, Southern Vietnam culture.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Khởi nguồn từ trung du và đồng bằng Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, trải hơn 4.000 năm lịch sử, nền văn hóa Việt Nam trên các vùng miền đã không còn giữ nguyên nội dung ban đầu mà đã phát triển, biến đổi một cách sâu xa. Văn hóa Nam Bộ cũng vậy. Cho dù di dân đến Nam Bộ vào thời điểm lịch sử nào, không có tộc người nào bảo tồn được một cách tuyệt đối nền văn hóa truyền thống của mình mà không biến đổi nó sau nhiều thế kỷ cộng cư, cộng sinh cùng các tộc người khác trên mảnh đất này. Sự hình thành và biến đổi đó của văn hóa các tộc người Nam Bộ có thể được lý giải theo những cách khác nhau.
Nhìn từ quan điểm địa văn hóa (perspective of cultural geography) và quan điểm hệ thống (systematic perspective), sự hình thành và biến đổi của văn hóa truyền thống các tộc người Việt Nam và văn hóa Việt Nam trên các vùng miền trước hết bắt nguồn từ hai nhân tố then chốt: điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hoá. Điều kiện địa lý tự nhiên: cung cấp nguyên liệu, phương tiện đồng thời quy định cách thức thích nghi, ứng phó của con người đối với tự nhiên và xã hội để duy trì cuộc sống. Nhờ có tính cộng đồng cao và có tư duy phát triển, con người có thể dựa vào tự nhiên để sáng tạo ra văn hoá, và dần dần có thể tác động trở lại tự nhiên, làm biến đổi môi trường sinh thái quanh mình. Do đó, điều kiện địa lý tự nhiên là một trong những tiền đề của văn hoá, góp phần làm nên
văn hóa tộc người. Điều kiện giao lưu văn hoá: Những vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi như vị trí tiếp giáp các tuyến đường giao thương, địa hình đồng bằng châu thổ như Nam Bộ, cơ hội giao lưu văn hóa nội vùng và giao lưu văn hóa với bên ngoài sẽ gia tăng. Thông thường, giao lưu văn hóa sẽ được khởi đầu bằng trao đổi thương mại và tôn giáo. Qua đó, nó cung cấp cho con người những nguyên liệu, phương tiện, cách thức thích nghi, ứng phó mới, làm giàu, làm mới hành trang văn hóa của họ trên những chặng đường cải biến tự nhiên và xã hội để sinh tồn và phát triển. Giao lưu văn hóa là tiền đề của tiếp biến văn hoá, tức là tiếp thu, biến đổi những yếu tố văn hóa ngoại sinh thành những yếu tố văn hóa tộc người, đồng thời biến đổi văn hóa tộc người để thích ứng với những yếu tố văn hóa mới.
Hai nhân tố địa lý tự nhiên và giao lưu văn hóa là tiền đề của văn hóa tộc người và văn hóa vùng, nên khi chúng biến đổi, văn hóa tộc người và văn hóa vùng sẽ tất yếu biến đổi. Nói cách khác, hai nhân tố ấy hợp thành một môi trường văn hóa mà trong đó, các chủ thể văn hóa tộc người và văn hóa vùng phải tự điều chỉnh, biến đổi để thích nghi. Do đó, để có thể hiểu đúng, lý giải đúng sự hình thành, biến đổi văn hóa tộc người và văn hóa vùng Nam Bộ, trước hết cần xem xét sự tác động của hai nhân tố ấy đối với các chủ thể văn hóa tộc người và các hoạt động văn hóa của họ ở nơi đây.
2. Môi trường văn hóa đa dạng, sôi động và sự biến đổi văn hóa Việt ở phương Nam
Hiện nay, Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh thành1. Về địa hình, đây là một vùng đồng bằng sông nước rất đặc trưng, có diện tích và độ phì nhiêu cao nhất trong tất cả các đồng bằng nước ta. Bên cạnh đó là vùng thềm cao nguyên rộng nhất nước ở miền Đông Nam Bộ, với thổ nhưỡng là đất đỏ phong hóa trên đá basalt và đất xám trên thềm phù sa cổ. Ngoài khơi Nam Bộ là vùng biển nông, bao quanh ba phía, với nhiều đảo và quần đảo như Côn Sơn, Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc…
Sau khi văn hóa Óc Eo lụi tàn vào cuối thế kỷ VIII, hầu hết đồng bằng Nam Bộ đã rơi vào tình trạng hoang hoá. Nhưng sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm tấn công, phải dời đô đến Phnom Penh vào năm 1434, rồi dời đến Lovek vào năm 1539, người Khmer đã chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ, và tìm đến Nam Bộ định cư ngày một đông hơn. Từ khoảng cuối thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XX, đến
lượt các cộng đồng lưu dân người Việt, người Hoa, người Chăm nối tiếp nhau tiến vào Nam Bộ, chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Nền văn hóa Nam Bộ từ đó đã hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hóa Việt từ đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ với những yếu tố tiếp biến từ văn hóa Chăm, Hoa, Khmer và cả phương Tây sau này.
Do các làn sóng nhập cư vẫn tiếp diễn, Nam Bộ hôm nay là một vùng đất đa tộc người, nơi sinh tụ của người Việt và đông đủ đại diện của 53 tộc người thiểu số. Trong đó, người Việt là tộc người đa số với dân số hơn 28 triệu người, chiếm khoảng 90% dân số của vùng, cư trú trên khắp địa bàn, là chủ thể văn hóa chính của toàn vùng.
Người Hoa ở Nam Bộ có khoảng 750.000 người (trên tổng dân số 823.071 người), cư trú ở tập trung ở 3 tỉnh thành: thành phố Hồ Chí Minh (414.045 người), Đồng Nai (95.162 người), Sóc Trăng (64.910 người), và rải rác ở các tỉnh thành khác. Người Hoa là một tộc người thiểu số đông dân và có trình độ kinh tế – xã hội phát triển. Do quê quán khác nhau (chủ yếu từ các tỉnh duyên hải Giang Nam) và nhập cư vào những thời điểm khác nhau, người Hoa ở Nam Bộ là một cộng đồng không thuần nhất về văn hóa và ngôn ngữ. Những người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XVII-XVIII, được gọi là “người Minh Hương”, thì phần nhiều con cháu đã trở thành người Việt hoặc Khmer, đóng góp vào văn hóa Việt nơi đây những yếu tố đặc thù của văn hóa người Hoa. Còn những người Hoa mà trước đây gọi là “người Đường” và hiện nay vẫn còn giữ nguyên ngôn ngữ, văn hoá, ý thức tộc người, thì chủ yếu là con cháu của di dân người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XIX-XX. Họ không tự gọi mình là người Trung Quốc, người Hán, người Hoa, mà là “Thoòng Dành” (tiếng Quảng Đông) hoặc “Từng Nán” (tiếng Triều Châu), tức là “người Đường”. Người Việt Nam Bộ thì gọi chung tất cả những người Hoa cộng cư là “người Tàu”, “Cắc Chú” (Khách Trú). Hiện nay, Nhà nước và giới khoa học Việt Nam gọi chung tất cả người gốc Trung Quốc định cư ở Việt Nam là “người Hoa”, phân biệt với “Hoa kiều” là những người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam nhưng không nhập tịch Việt Nam.
Người Khmer có dân số 1.260.640 người (1/4/2009), cư trú tập trung ở 5 tỉnh: Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh, 31,5% dân số Khmer cả nước), Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6% dân số toàn tỉnh, 25,2% dân số Khmer cả nước), Kiên Giang (210.899 người), An Giang (90.271 người), Bạc Liêu (70.667 người), và rải rác ở các tỉnh thành khác. Người Khmer là một tộc người thiểu số đông dân và có trình độ kinh tế – xã hội phát triển. Người Khmer Nam Bộ có tộc danh tự gọi là “Khêmarăʔ”, “Khêmarăʔ Krôm”. Người Việt Nam Bộ thì gọi chung những người Khmer cộng cư là “người Miên”.
Người Chăm ở Nam Bộ có khoảng 33.000 người (trên tổng dân số 161.729 người), cư trú tập trung ở An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), và rải rác ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang…
Các tộc người khác (Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, Thổ…) thì di dân vào Nam Bộ theo ba đợt chính: di dân có tổ chức vào các năm 1954, 1975, và di dân tự do ồ ạt từ năm 1994. Hiện nay, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, dân số Nam Bộ đã lên tới 31.145.000 người, chiếm 36,3% trong tổng dân số toàn quốc, vượt xa đồng bằng sông Hồng. Trong đó, miền Đông Nam Bộ có 13.985.000 người, chiếm 16,3% dân số toàn quốc; miền Tây Nam Bộ có 17.160.000 người, chiếm 20% dân số toàn quốc. Trong thập niên 1999-2009, miền Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ gia tăng dân số cao nhất nước: bình quân 3,2% mỗi năm, gần gấp ba lần so với tỷ lệ gia tăng dân số toàn quốc là 1,2% mỗi năm. Hiện nay miền Đông Nam Bộ, với ba trung tâm đô thị lớn là thành phố Hồ Chí Minh (7.162.864 dân), Đồng Nai (2.486.154 dân), Bà Rịa – Vũng Tàu (996.682 dân), cũng là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, với 57,1% dân số sống trong các vùng đô thị, gần gấp đôi so với tỷ lệ 30% dân số toàn quốc sống trong các vùng đô thị.
Điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng và phong phú, khiến cho các tộc người Nam Bộ đều mau chóng hình thành và phát huy nhiều sở trường văn hóa mới. Và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa sôi động đã khiến cho trong văn hóa của các tộc người Hoa, Khmer, Chăm… ở Nam Bộ đều có các yếu tố của văn hóa Việt. Người Minh Hương trước đây và một bộ phận người Hoa hiện nay đều dần dần đồng hóa tự nhiên thành người Việt. Người Khmer không còn theo chế độ mẫu hệ mà đã chuyển sang song hệ. Ngược lại, trong văn hóa của người Việt nơi đây, có sự hiện diện của các yếu tố văn hóa Chăm, Hoa, Khmer.
Đối với văn hóa Chăm, chúng ta đã thấy những ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa này đối với văn hóa Việt trên địa bàn Trung Bộ. Khi di dân Việt tiến vào Nam Bộ, những kinh nghiệm chinh phục núi rừng và biển cả được sáng tạo và tiếp biến từ người Chăm lại tiếp tục được mở rộng, phát huy trên một địa bàn có đầy đủ các loại địa hình thềm cao nguyên rộng lớn, đồng bằng châu thổ mênh mông, rừng ngập mặn bạt ngàn, và vùng biển bao la. Đồng thời, các tôn giáo, thần linh, phong tục, lễ hội gốc Việt và gốc Chăm cũng được mang theo để phù trợ cho cuộc mưu sinh của cư dân. Về văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ, những ảnh hưởng từ người Chăm cũng được họ mang theo, tiếp tục tiếp biến và sáng tạo để tạo ra một diện mạo văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ đa dạng trên địa bàn Nam Bộ [xem: Lý Tùng Hiếu, 2014c, trang 101-122].
Đối với văn hóa Hoa, sau hơn ba thế kỷ cộng cư, cộng sinh, nền văn hóa này đã tác động sâu sắc đến văn hóa Việt trên địa bàn Nam Bộ. Hầu hết các bình diện văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt Nam Bộ đều có những dấu ấn đậm nhạt khác nhau của văn hóa người Hoa. Trong văn hóa mưu sinh, các hoạt động doanh thương rất thành công của người Hoa Nam Bộ (với biểu tượng là tứ trụ thời Pháp thuộc: Hứa Bồn Hoa, Quách Đàm, Hộ Xưởng, Trần Ích), đã góp phần thay đổi quan niệm trọng nông khinh thương của người Việt Nam, và góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh thành khác ở phía nam. Trong văn hóa ẩm thực, nhiều món ăn và kỹ thuật chế biến món ăn rất cầu kỳ của người Hoa đã được người Việt Nam Bộ tiếp nhận và biến đổi, khiến cho văn hóa ẩm thực Nam Bộ trở nên phong phú nhất trong tất cả các vùng miền. Trong văn hóa tín ngưỡng, các tôn giáo dân gian và hệ thống thần thánh rất phong phú của người Hoa đã được người Việt Nam Bộ tiếp biến gần như trọn vẹn: các thần thánh được cộng đồng thờ cúng gồm Thiên Hậu Thánh Mẫu (Việt: Bà Thiên Hậu), Quan Thánh Đế Quân (Việt: Quan Công), Ngọc Hoàng (Việt: Ngọc Hoàng), Bổn Đầu Công (Việt: Ông Bổn)…; các vị thần bảo hộ gia đình: Thiên Quan Tứ Phước (Việt: Ông Thiên), Thổ Địa Bản Gia (Việt: Ông Địa), Táo Quân (Việt: Ông Táo), Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần (Việt: Thần Tài), Quan Âm Bồ Tát (Việt: Phật Bà Quan Âm), Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, tổ sư các nghề thủ công tinh xảo. Người Việt Nam Bộ tiếp thu Nho giáo và học thuật của Trung Hoa, một phần cũng là nhờ vai trò cầu nối của những trí thức Minh Hương và trí thức người Hoa Nam Bộ như Võ Trường Toản, Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh), Gia Định tam hùng (Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp), Ngô Tùng Châu, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản… Trong văn hóa phong tục, các phong tục vòng đời của người Hoa đều có ảnh hưởng ít nhiều đến phong tục vòng đời của người Việt Nam Bộ: sinh sản (đầy tháng, thôi nôi), hôn lễ, tang lễ, chăm sóc mộ phần và thờ cúng tổ tiên. Trong văn hóa lễ hội, hầu hết các lễ hội truyền thống của người Hoa Nam Bộ như tết Nguyên đán 1/1 (âm lịch), vía Ngọc Hoàng 9/1, vía Quan Công 13/1, tết Thượng nguyên 15/1, ngày Hàn thực 3/3, vía Ông Bổn 15/3, tiết Thanh minh tháng 3, vía Bà Thiên Hậu 23/3, tết Đoan ngọ 5/5, ngày cúng cô hồn 15/7, tết Trung thu 15/8, ngày Hạ nguyên 15/10… cũng là ngày lễ hoặc ngày hội của người Việt trong vùng. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất của văn hóa Hoa là ở các hoạt động thương mại, ẩm thực, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, ngôn ngữ. Những ảnh hưởng này không chỉ do giá trị và sức hấp dẫn của văn hóa người Hoa mà còn do quá trình đồng hóa tự nhiên thành người Việt của các thế hệ người Hoa. Khi trở thành người Việt, họ đã chuyển giao cho văn hóa người Việt Nam Bộ các giá trị văn hóa tộc người của tổ tiên mình.
Những ảnh hưởng của văn hóa Hoa đối với văn hóa người Việt Nam Bộ để lại dấu ấn rõ nét qua các từ ngữ gốc Hoa trong tiếng Việt Nam Bộ. Từ góc nhìn dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistic perspective), có thể thấy rằng, bộ phận từ vựng gốc Hoa này phản ánh rất trung thành những bình diện văn hóa mà người Việt Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng của người Hoa: (1) cách thức hoạt động sản xuất: nghề buôn bán…; (2) cách thức ăn, mặc, ở, đi lại: ẩm thực, phục sức, giao thông vận tải…; (3) cách thức tổ chức xã hội cổ truyền: con người, quan hệ thân tộc…; (4) tín ngưỡng, phong tục, lễ hội: các tín ngưỡng thờ cúng Bà Thiên Hậu, Quan Công, Ngọc Hoàng, Ông Bổn, Ông Thiên, Ông Địa, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, các trò cờ bạc…; (5) ngôn ngữ: cấu tạo tính từ, động từ… Đó là chưa kể các địa danh (xin xem phụ lục).
Đối với văn hóa Khmer, người Việt Nam Bộ cũng tiếp biến ít nhiều, nhất là ở miền Tây Nam Bộ. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất của văn hóa Khmer đối với người Việt Nam Bộ là văn hóa ẩm thực, tín ngưỡng và lễ hội. Các món mắm, các món canh chua… gốc Khmer từ lâu đã gia nhập vào văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Nhiều nơi ở miền Tây, người
Việt đã tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng Ne-ak Ta của người Khmer để thêm vào danh sách thần đất đai – của cải của mình một ông thần mới là Ông Tà (“Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng”), bên cạnh các thần gốc Việt-Mường, gốc Chăm, gốc Hoa đã có (Thổ Công, Thành Hoàng, Sơn Thần, Bà Chúa Xứ, Ông Địa, Thần Tài…). Các lễ hội dân gian của người Khmer, người Việt đều tham dự.
Những ảnh hưởng ấy cũng để lại dấu ấn trong bộ phận từ vựng gốc Khmer trong tiếng Việt Nam Bộ. Từ góc nhìn dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistic perspective), có thể thấy rằng, bộ phận từ vựng gốc Khmer này phản ánh rất trung thành những bình diện văn hóa người Việt Nam Bộ chịu ảnh hưởng của người Khmer: (1) cách thức hoạt động sản xuất: các địa hình, thực vật…; (2) cách thức ăn, mặc, ở, đi lại: ẩm thực, phục sức…; (3) cách thức tổ chức xã hội cổ truyền: con người, phum sóc…; (4) tín ngưỡng, phong tục, lễ hội: tín ngưỡng thờ cúng Ông Tà, các điệu múa…; (5) ngôn ngữ: cấu tạo tính từ, phó từ… Đó là chưa kể các địa danh gốc Khmer rải rác khắp địa bàn Nam Bộ (xin xem phụ lục).
Như vậy, không gian văn hóa Nam Bộ là phần mở rộng của không gian văn hóa Việt Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, tộc người Việt cùng chia sẻ không gian văn hóa đồng bằng với ba tộc người thiểu số có nền văn hóa phát triển và có những thế mạnh văn hóa khác nhau: Hoa, Khmer, Chăm; chưa kể các nhóm cư dân khác đến từ mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi mà người Việt tiếp xúc thuận lợi nhất với Đông Nam Á, và là nơi văn hóa Việt tiếp xúc lâu dài nhất với văn hóa phương Tây. Tất cả đã biến Nam Bộ thành một vùng đất mà giao lưu tiếp biến văn hoá diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hệ quả là hầu như không có hiện tượng văn hóa nào ở nơi đây còn thuần chất nữa mà luôn có bóng dáng của những nền văn hóa khác, đã hội tụ nơi đây trong bốn thế kỷ qua. Nó khiến cho văn hóa Nam Bộ vừa tương đồng lại vừa khác biệt với văn hóa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn hóa Nam Bộ chỉ là con số cộng các luồng văn hóa đã hội tụ nơi đây. Trong quá trình giao lưu văn hoá, cư dân Việt nơi đây đã không tiếp thu trọn gói các nền văn hóa khác mà chỉ những yếu tố đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần để bổ sung vào hành trang văn hóa mang theo. Tiêu biểu là những sản phẩm văn hóa gốc phương Tây hoặc có ảnh hưởng của phương Tây như chữ Quốc ngữ, nhà in, báo chí, tiểu thuyết, thơ mới, trường học kiểu phương Tây, Âu phục, áo dài… Những sản phẩm ấy đều được Việt hóa trong quá trình du nhập vào Nam Bộ và phổ biến đến các vùng miền khác. Vì vậy mà có thể nói rằng, dù văn hóa Việt nơi đây ít chất thuần Việt nhưng nó vẫn không tự đánh mất mình. Đúng hơn, nó vừa tự thân biến đổi để thích ứng với các giá trị văn hóa mới mà nó thu nạp được, vừa tái tạo các giá trị văn hóa mới đó theo hướng làm cho chúng thích ứng với văn hóa Việt, với nhu cầu của người Việt trên vùng đất mới. Chúng ta sẽ xem xét sự tái tạo ấy qua những hoạt động văn hóa tiêu biểu dưới đây.
__________
1 Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
3. Hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú và những nét đặc thù của văn hóa Việt ở Nam Bộ
Người ta thường nói Nam Bộ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Đó là một cách nói có giá trị rất tương đối. Bởi vì không phải ở đâu trên vùng đồng bằng châu thổ này điều kiện tự nhiên cũng thuận lợi cho cuộc sống. Và bởi vì không phải tộc người nào cũng có thể nhìn thấy và khai thác được những tiềm năng của vùng đồng bằng châu thổ đa dạng ấy. Bằng chứng là các tộc người cư trú bên cạnh đồng bằng Nam Bộ đã từng bỏ trống đại bộ phận địa bàn này trong suốt nhiều thế kỷ từ sau khi nền văn hóa Óc Eo tàn lụi hẳn vào cuối thế kỷ thứ VIII.
Chỉ sau khi di dân Việt từ Trung Bộ rồi Bắc Bộ nối tiếp nhau tiến vào Nam Bộ, cùng nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, vùng đất hoang vu rộng lớn này mới dần dần biến thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất hôm nay. Đó là do, sau hàng ngàn năm khai phá các đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, cư dân Việt đã trở thành một cư dân nông ngư nghiệp điển hình, rất sở trường trong việc hoán cải những đồng bằng châu thổ sình lầy thành ruộng thành vườn, sở trường trong việc lấn biển và khai thác thuỷ sản gần bờ. Chỉ một cộng đồng cư dân có truyền thống văn hóa như vậy thì mới có thể tìm thấy trên vùng đất này một sự ưu đãi của thiên nhiên, tìm thấy ở nơi đây những môi trường giúp phát huy đến mức tối đa truyền thống nông nghiệp lúa nước mà họ đã khởi tạo trên đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cũng như truyền thống ngư nghiệp biển và truyền thống lâm nghiệp núi rừng mà họ đã tiếp biến và sáng tạo ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ. Những môi trường đó là vùng bán bình nguyên rộng nhất nước ở miền Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ở miền Tây Nam Bộ, và vùng biển trù phú nhất nước bao quanh ba phía. Điều kiện địa lý tự nhiên ấy vừa phát huy nền văn hóa truyền thống mà các thế hệ di dân người Việt mang theo, vừa quy định cách thức mà họ chọn lựa để thích nghi, ứng phó với tự nhiên và xã hội.
Trước hết, do điều kiện địa lý đặc thù, nên văn hóa mưu sinh của người Việt trên vùng đất phì nhiêu rộng lớn này mang đặc trưng đồng bằng sông nước rõ nét nhất, đồng thời cũng đa dạng nhất so với tất cả các vùng miền khác. Diện tích có thể trồng lúa ở hai vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Đồng Nai là lớn nhất nước và cũng phì nhiêu nhất nước. Các nhánh sông Tiền, sông Hậu lại có tốc độ dâng nước và tốc độ dòng chảy thấp, nên người ta không cần phải đắp đê ngăn lũ như ở đồng bằng sông Hồng mà ngược lại còn tận dụng nguồn nước này vào mùa lụt để đưa nước ngọt và phù sa vào ruộng, rửa phèn ở vùng trũng, đánh bắt thuỷ sản, v.v.. Nhờ đó mà ở nơi đây, truyền thống nông nghiệp lúa nước của người Việt đã được phát huy đến mức tối đa: hiện nay chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp đến 50% sản lượng lúa và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm hơn 6 triệu tấn (2009-2014) của cả nước. Nhiều thương hiệu lúa gạo của Nam Bộ rất nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, như gạo Tài Nguyên, gạo Nàng Hương Chợ Đào (Cần Đước, Long An), v.v..
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây của cả nước. Long An có đặc sản dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức. Bến Tre có cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, khóm, vú sữa, bưởi da xanh, trồng nhiều ở Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Châu Thành. Vĩnh Long nổi tiếng
khắp Việt Nam với đặc sản bưởi Năm Roi, v.v.. Các tỉnh miền Đông thì có sầu riêng, mít, bưởi, măng cụt, vú sữa, chôm chôm…
Nam Bộ cũng là vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất nước. Các tỉnh miền Đông có cao su, điều, đậu phộng…, với diện tích và sản lượng lớn nhất nước. Các tỉnh miền Tây có dừa, mía, đậu phộng, thuốc lá, tiêu… Long An trồng nhiều đậu phộng ở Đức Hoà, trồng mía ở Thủ Thừa. Bến Tre có gần 40.000ha dừa, cho rất nhiều trái và lượng dầu cao. Ngoài nước uống và dầu, dừa còn cho các sản phẩm khác là than dừa, vỏ dừa làm thảm dừa, dây dừa, kẹo dừa. Mía được trồng nhiều tại các vùng đất phù sa ven sông rạch tại Mỏ Cày, Giồng Trôm. Diện tích trồng thuốc lá tập trung ở Mỏ Cày, nơi có loại thuốc thơm nổi tiếng. Ngoài ra huyện Chợ Lách (Bến Tre) còn là nơi trồng các loại hoa kiểng, bonsai nổi tiếng.
Sở hữu một vùng sông nước lắm thuỷ sinh và được biển bao quanh ba phía, Nam Bộ cũng là một ngư trường giàu có nhất nước, là cơ sở để phát triển các nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp hơn 50% sản lượng thuỷ sản của cả nước. Đánh bắt thuỷ sản phát triển cả ở vùng đầu nguồn, vùng cửa sông và vùng biển. Nghề nuôi cá bè trên sông phát triển ở Đồng Nai, Châu Đốc… Nghề nuôi tôm phát triển ở Cà Mau, Bạc Liêu… Chế biến thuỷ sản rất phát triển ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nổi tiếng cả nước và quốc tế. Ngoài ra, do tôm cá dồi dào nên Nam Bộ cũng là nơi có nhiều sân chim nhất trong cả nước. Hầu như tỉnh nào ở miền Tây cũng có sân chim, trong đó nổi tiếng nhất là các sân chim ở Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi sân chim là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn chim thú hoang dại như, cò, vạc, sếu… cùng với thảm thực vật phong phú của môi trường đồng bằng và ven biển nhiệt đới gió mùa, là nguồn tài nguyên quý giá của
du lịch sinh thái.
Không chỉ thế, sông nước nơi đây còn là tiền đề phát triển các nghề buôn bán trên sông, vận tải đường sông, nuôi cá và lưới cá trên sông, v.v.. Việc giao thương của vùng đất Nam Bộ mang đặc thù đồng bằng sông nước rất rõ ràng. Từ xưa, các trung tâm giao thương lớn của vùng đều được hình thành ven bờ sông rạch, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá: Nông Nại Đại phố (cù lao Phố, Biên Hoá), Mỹ Tho Đại phố (Mỹ Tho), Bến Nghé (Sài Gòn), Sài Gòn (Chợ Lớn), Trấn Giang (Cần Thơ)… Đặc biệt ở miền Tây còn có các chợ nổi mà toàn bộ hoạt động đều diễn ra trên sông nước: chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), v.v.. Ở miền Tây, bên cạnh loại hình nhà đất cất dọc theo ven lộ, người Việt Nam Bộ còn cất nhà sàn dọc theo kinh rạch, và làm nhà nổi trên sông nước. Nhà nổi trên sông nước là nơi cư trú đồng thời là phương tiện mưu sinh của những gia đình theo nghề nuôi cá bè, vận chuyển đường sông, buôn bán ở các chợ nổi, bán sỉ và bán lẻ trên sông. Là nơi “dân thương hồ” lui tới mưu sinh, chợ nổi đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc thù của miền Tây sông nước, và được ngành du lịch khai thác như một sản phẩm du lịch độc đáo.
Các nghề thủ công truyền thống cũng khá phát triển, với sự đóng góp của di dân người Hoa. Bình Dương là nơi có nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa, các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, được xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực. Bến Tre có làng nghề chế biến các sản phẩm từ dừa và mật ong trên cồn Phụng thuộc huyện Châu Thành, v.v..
Về văn hóa tổ chức cộng đồng, định cư trên vùng đất mới, người Việt Nam Bộ cũng theo truyền thống, tổ chức quần cư thành các làng quê. Tuy nhiên, cách thức tổ chức cộng đồng của họ đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên. Định cư trên vùng đất mới, để tiện việc đi lại, các làng Nam Bộ thường hình thành dọc theo kinh rạch hoặc trục lộ, không có luỹ tre làng đóng kín. Về nội dung, các làng Nam Bộ là những tập hợp cư dân đến từ nhiều vùng, nhiều họ tộc khác nhau, gắn bó với nhau chủ yếu không phải do quan hệ dòng họ mà do các quan hệ cộng cư, cộng sinh và cộng cảm. Về hình thức gia đình, người Việt trong vùng đều theo hình thức tiểu gia đình, coi trọng quan hệ láng giềng, còn quan hệ dòng họ chỉ duy trì lỏng lẻo. Rất ít dòng họ nơi đây duy trì được tộc phả, giỗ họ, nhà thờ họ. Tập hợp cư dân của mỗi làng cũng thường xuyên biến động hơn, kẻ đến người đi đổi chỗ cho nhau, nên không có sự phân biệt đáng kể giữa dân chính cư với dân ngụ cư. Do đó, các làng Nam Bộ thực chất chỉ là xóm, ấp, khác biệt căn bản về nội dung và hình thức với làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Tính cố kết cộng đồng của xóm ấp Nam Bộ vì vậy lỏng lẻo hơn rất nhiều so với làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
Về văn hóa tín ngưỡng, là một vùng đất đa tộc người, nơi đất lành chim đậu của di dân các tộc người, Nam Bộ đã trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển các tôn giáo có nguồn gốc Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc tiếp biến từ các tộc người cộng cư và từ người Pháp. Vì vậy, đây chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ bốn loại hình tôn giáo đa thần và độc thần, nội sinh và ngoại sinh. Trong đó, đặc biệt phát triển là các hình thức khác nhau của đạo Ông Bà, đạo Phật, đạo Thánh Mẫu. Do đó, đời sống tâm linh của cư dân Nam Bộ chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều tôn giáo khác nhau. Cũng từ đó, đã hình thành tâm lý “phiếm thần luận” với lối suy nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, và thái độ dung dị trong ứng xử và tiếp biến đối với các tôn giáo khác. Nói cách khác, cư dân Nam Bộ rất tin vào tôn giáo, thần linh nhưng không có thái độ độc tôn và cực đoan tôn giáo.
Các tôn giáo đa thần: bao gồm các tôn giáo thờ cúng nhiên thần: phổ biến nhất là thờ cúng Thổ Địa – Thần Tài, Táo Quân (gia đình), Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần (đình miễu trong nội địa), Cá Ông (đình miễu ven biển), Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu (đền miễu ở núi Sam, núi Bà Đen, và rải rác), Bà Thiên Hậu (chùa, miễu), Ngũ Hành Nương Nương (miễu). Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Ngọc Hoàng, Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì, Ông Thiên, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ông Tà, Hà Bá – Thuỷ Long, Mười Hai Bà Mụ, Ông Tơ Bà Nguyệt, v.v.. Khác với Thành Hoàng có nguồn gốc nhân thần ở miền Bắc và miền Trung, Thành Hoàng Bổn Cảnh ở Nam Bộ là nhiên thần, chỉ có danh hiệu chứ không có lý lịch, thần tích, và nhiều khi cũng chưa có sắc phong thần của triều đình.
Kế tiếp là các tôn giáo thờ cúng nhân thần: phổ biến nhất là thờ cúng gia tiên – tổ tiên (tang ma, đám giỗ, cúng việc lề), Quan Thánh Đế Quân (gia đình), tổ nghề nghiệp. Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Ông Bổn, Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), các danh nhân – anh hùng dân tộc: Nguyễn Hữu Kính, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Thầy Thím, liệt sĩ cách mạng (đền, miễu, dinh), v.v.. Ngoài ra, từ sau năm 1954, người Việt Bắc Bộ còn đưa vào một vài nơi ở Nam Bộ (như thành phố Hồ Chí Minh) các tôn giáo thờ cúng nhân thần: quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, v.v..
Các tôn giáo độc thần: Bao gồm các tôn giáo dân tộc: đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại Tây Ninh, kết hợp đạo Phật với đạo Lão, đạo Khổng, đạo Kitô, đạo Thánh Mẫu, có 2,4 triệu tín đồ trên cả nước (2009), tập trung nhất ở Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang. Phật giáo Hoà Hảo được thành lập năm 1939 tại An Giang, trên nền tảng Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, kết hợp đạo Phật với đạo Ông Bà, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 1999, hiện có khoảng 1,3 triệu tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung đông nhất ở An Giang. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời năm 1867 tại An Giang, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 2010, hiện có khoảng 78.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung nhất ở An Giang. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được thành lập năm 1849 ở An Giang, có khoảng 15.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ. Ngoài ra, một số người còn tin theo các giáo phái, hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo như đạo Ông Trần (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), Huỳnh Đạo (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang), v.v..
Kế tiếp là các tôn giáo thế giới: Phật giáo Bắc Tông, Công giáo, Tin Lành. Tiếp nối truyền thống của người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Việt Nam Bộ cũng dành ưu tiên cho đạo Phật, xây dựng chùa chiền trên khắp đồng bằng, đặc biệt là những vùng đồi núi sót. Đạo Công giáo, đạo Tin Lành cũng có đông tín đồ. Từ thế kỷ XVII, Công giáo đã được truyền vào Nam Bộ. Hiện nay, những nơi đông tín hữu nhất là An Giang và Đồng Nai, bao gồm giáo dân gốc Bắc di cư đến vào năm 1956 và giáo dân tại chỗ.
Về phong tục, người Việt đã đưa vào Nam Bộ những phong tục từ đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ. Chẳng hạn để ghi nhớ cội nguồn, một số lưu dân đã thay tục giỗ họ bằng tục cúng việc lề. Đồng thời, họ tiếp biến thêm nhiều phong tục của người Hoa, người Khmer. Chẳng hạn, hầu hết người Việt Nam Bộ vẫn giữ tập quán giẫy mã vào ngày 25 tháng Chạp trước khi làm lễ đón ông bà vào ngày 30 tháng Chạp âm lịch, nhưng một bộ phận người Việt Nam Bộ cũng theo tập quán tảo mộ vào tiết Thanh minh tháng Ba âm lịch giống như người Việt Bắc Bộ, người Hoa.
Tính cách của người Việt Nam Bộ cũng có nhiều nét khác biệt với người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ. Do điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hóa đặc thù của vùng đất Nam Bộ, văn hóa Việt cũng như văn hóa của các cư dân khác sinh tụ nơi đây đã phải tự cấu trúc lại, lược bỏ những gì không còn phù hợp, phát triển hoặc sáng tạo những thành tố mới giúp con người có thể tồn tại và phát triển trong môi trường mới. Do đó, linh động, cởi mở, phóng khoáng, bao dung, đã trở thành những nét đặc trưng trong tính cách của người Việt và các tộc người khác sinh sống trên địa bàn Nam Bộ. Những tính cách của người Việt Nam Bộ thường được giới nghiên cứu nêu lên là: cởi mở, không ưa sự ràng buộc, chuộng sự bình đẳng; trong mưu sinh thì có tinh thần mạo hiểm, bươn chải, đầu óc sáng tạo, nhanh nhạy với cái mới; trong ứng xử thì bộc trực, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài, phóng khoáng, bao dung, thích ăn chơi xả láng, v.v..
Về lễ hội, tương ứng với sự phong phú về cách thức mưu sinh và tín ngưỡng, lễ hội của người Việt Nam Bộ cũng rất đa dạng, bao gồm cả bốn loại hình lễ hội truyền thống ở Việt Nam: lễ hội nông nghiệp – ngư nghiệp; lễ hội tưởng niệm danh nhân – anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo; và hỗn hợp. Tất cả đều mang sắc thái Nam Bộ mặc dù nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Bộ. Ở các đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành hoàng Bổn cảnh, các thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ở vùng ven biển, lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa và tâm linh của cư dân. Trong ngày hội, tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung để nghinh Ông, tế lễ, vui chơi và ăn uống. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có 10 đền thờ cá voi, nhiều nhất ở miền Nam, bên cạnh lễ hội Nghinh Ông còn có lễ Lệ Cô Long Hải từ 10/2 đến 12/2 âm lịch để thờ cúng Mẫu – Nữ thần và kết hợp cúng thần biển. Ở Bến Tre, lễ hội Nghinh Ông được tiến hành vào ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại các làng ven biển thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri. Ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vàm Láng (Tiền Giang)… đều có lễ hội Nghinh Ông trọng thể hằng năm. Lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên…, và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn… đều là những lễ hội long trọng do nhân dân tổ chức, với sự bảo trợ của chính quyền địa phương. Lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo bao gồm hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen; lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam; các lễ tết cổ truyền như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ; các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Công giáo, đạo Tin Lành… Trong số đó, lớn nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ 23/4 âm lịch ở núi Sam, Châu Đốc, một địa chỉ hành hương tiêu biểu của Nam Bộ, hằng năm thu hút đến 2,9 triệu người hành hương và du khách (2008).
Nam Bộ cũng có một kho tàng văn học, văn nghệ dân gian phong phú. Đó là kho tàng ca dao và dân ca với các điệu hò, điệu lý, các bài hát huê tình, hát ru em, hát đồng dao, hát sắc bùa, hát thài, hát rối, v.v.. Bên cạnh đó, Nam Bộ còn có một số thể loại văn học dân gian đặc sắc khác là nói vè, nói tuồng, nói thơ, những thể loại tự sự dân gian, thông tin nhanh những nỗi niềm, tâm sự. Trong đó, vè chiếm vị trí quan trọng, với những bài vè tiêu biểu như vè Chàng Lía, vè Trịnh Hâm, vè thầy Thông Chánh… Truyện thơ và hình thức diễn xướng nói thơ cũng là một hoạt động văn nghệ dân gian phổ biến tại Nam Bộ, với các truyện thơ nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Phạm Công – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thạch Sanh – Lý Thông, Dương Ngọc, Hoàng Trừu, Tấm Cám, Hậu Vân Tiên… Hình thức văn xuôi thì có các truyện dân gian phản ánh sự nghiệp khai phá đất đai, gắn liền với những danh thắng, di tích và nhân vật lịch sử. Các thể loại và tác phẩm văn học này đáp ứng rất tốt nhu cầu của người bình dân Nam Bộ ít chữ nghĩa trong buổi đầu khai hoang lập ấp.
Cuối thế kỷ XIX, loại hình đờn ca tài tử có nguồn gốc từ nhạc lễ và ca Huế, đã phát sinh ở Gia Định rồi lan khắp Nam Kỳ, thu hút hàng ngàn nghệ sĩ, nghệ nhân, người mộ điệu. Cuối năm 2013, đờn ca tài tử Nam Bộ, với phạm vi phổ biến lên đến 21 tỉnh thành Nam Bộ và lân cận, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đờn ca tài tử, loại hình ca ra bộ hình thành, và từ đó phát sinh loại hình sân khấu cải lương ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở khai thác đặc điểm ngữ âm Nam Bộ và những thành tựu của ca nhạc, sân khấu dân gian và đờn ca tài tử Nam Bộ, cùng với sự tiếp biến loại hình sân khấu kịch nói phương Tây, cải lương đã nhanh chóng trở thành một trong ba loại hình sân khấu dân tộc phổ biến ở Việt Nam. Hát bội từ miền Trung đưa vào Nam Bộ cũng tìm được đất diễn là các lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Nghinh Ông.
Bên cạnh đó, từ thế kỷ XVIII, văn hóa bác học ở Nam Bộ đã bắt đầu phát triển với Tao đàn Chiêu Anh Các, Bình Dương Thi xã, Bạch Mai Thi xã, trường tư thục của Gia Định Xử sĩ Võ Trường Toản ở Hoà Hưng… Tao đàn Chiêu Anh Các còn để lại tác phẩm Hà Tiên thập vịnh. “Gia Định tam gia” gồm Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh là tác giả các công trình biên khảo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Gia Định Thành thông chí… Tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ là Phan Thanh Giản là Tổng tài biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Trong thời kỳ cận đại, do Nam Kỳ tiếp nhận văn hóa Pháp sớm nhất, nên các thể loại văn học, truyền thông hiện đại như tiểu thuyết, truyện ngắn, báo chí cũng ra đời sớm nhất Việt Nam. Năm 1865, tờ Gia Định Báo viết bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán, đã ra số đầu tiên. Năm 1887, Nam Kỳ có cuốn tiểu thuyết đầu tiên là Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, do nhà J. Linage, LibraireÉditeur (đường Catinat, Sài Gòn) xuất bản. Truyện được viết bằng chữ Quốc ngữ, dài hơn 50 trang, có cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết phương Tây, với nhiều chi tiết và nhân vật Công giáo. Tiếp đó là các tác gia tiểu thuyết: Trần Chánh Chiếu với Hoàng Tố Anh hàm oan, Trương Duy Toản với Phan Yên ngoại sử, và đặc biệt là Hồ Biểu Chánh với một văn nghiệp cự phách: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, 12 vở kịch và ca kịch, 5 tập tản văn và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu và phê bình… Bằng một thứ ngôn ngữ Nam Bộ thuần thục của những năm đầu thế kỷ XX, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã phản ánh sâu sắc đời sống văn hoá, phong tục tập quán và tâm lý, tính cách của con người Nam Bộ. Bên cạnh đó còn có những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng khác, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thông, Trần Chánh Chiếu, Sương Nguyệt Ánh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, v.v..
Là vùng đất mới nhưng Nam Bộ cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử – văn hoá. Trước hết là các cơ sở thờ tự như đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh; chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương; đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai; lăng Ông Lê Văn Duyệt, chùa Ông, chùa Bà ở thành phố Hồ Chí Minh; lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, lăng Tứ Kiệt ở Tiền Giang; Văn Miếu ở Vĩnh Long; lăng và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, miễu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc; đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá… Kế tiếp là các di tích quân sự như Rạch Gầm – Xoài Mút, luỹ Pháo Đài, Ấp Bắc ở Tiền Giang, v.v.. Gần đây, một số địa phương ở Nam Bộ đã tiến hành phục dựng, trùng tu các di tích này để tôn vinh những người có công đối với lịch sử và văn hóa của vùng đất phương nam.
4. Kết luận
Qua những điều phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, hai nhân tố địa lý tự nhiên và giao lưu văn hóa đã phối hợp chặt chẽ để vừa phát huy, vừa biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trên địa bàn Nam Bộ. Nó buộc văn hóa Việt cũng như văn hóa của các cư dân khác sinh tụ nơi đây phải tự cấu trúc lại, lược bỏ những giá trị không còn phù hợp, sáng tạo và tiếp biến những giá trị mới giúp con người có thể tồn tại và phát triển trong môi trường mới.
Điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng, phối hợp với ảnh hưởng chi phối của văn hóa Việt, đã làm phát triển ở nơi đây một truyền thống văn hóa đồng bằng song hành với văn hóa biển. Đây là một truyền thống kế tục truyền thống của vùng văn hóa đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ. Nhưng trong điều kiện đồng bằng châu thổ rộng lớn có biển bao quanh của địa bàn Nam Bộ, cả hai truyền thống văn hóa đồng bằng và văn hóa biển của di dân người Việt đã được phát huy đến mức tối đa, tạo nên sự khác biệt đáng kể so với vùng văn hóa đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ.
Điều kiện giao lưu văn hóa sôi động đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa của tất cả các tộc người nơi đây, kể cả văn hóa Việt. Nam Bộ là nơi duy nhất ở Việt Nam mà tộc người Việt cùng chia sẻ không gian văn hóa đồng bằng với ba tộc người thiểu số có nền văn hóa phát triển: Hoa, Khmer, Chăm; chưa kể các nhóm cư dân khác. Đây cũng là nơi mà người Việt
tiếp xúc thuận lợi nhất với Đông Nam Á, và là nơi văn hóa Việt tiếp xúc lâu dài nhất với văn hóa phương Tây. Chính vì vậy, mặc dù các vùng văn hóa đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đều có tiếp biến văn hóa của các tộc người khác nhau, nhưng chỉ ở Nam Bộ văn hóa các tộc người thiểu số cộng cư và văn hóa nước ngoài mới đủ sức khúc xạ văn hóa của cư dân Việt trong vùng đến mức làm cho nó trở nên vừa quen vừa lạ đối với chính người Việt đến từ miền Bắc, miền Trung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đinh Thị Dung (2008), Địa văn hoá và các vùng văn hoá Việt Nam, bài giảng lớp Cao học văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
[2]. Hoàng Phê chủ biên (1998), Từ điển tiếngViệt, in lần thứ 6, NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học.
[3]. Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội.
[4]. Lê Trung Hoa (2003), Văn hoá Nam Bộ, bài giảng lớp Cao học văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
[5]. Lý Tùng Hiếu (2009), “Văn hoá Nam Bộ: phiên bản mới của văn hoá truyền thống Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập, do UBND tỉnh Đồng Nai, BCN Chương trình KX.03/06-10 và Khoa Văn hoá học Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG-HCM tổ chức, Biên Hoà, 17-19/9/2009.
[6]. Lý Tùng Hiếu (2012a), Ngôn ngữ – văn hoá vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ, ISBN: 9786045804193, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
[7]. Lý Tùng Hiếu (2012b), “Diện mạo văn hoá đa dân tộc – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã”, Tập san Khoa học Xã hội & Nhân văn (Annals of USSH), số 56 (9/2012), trang 25-40; http://tapsan.hcmussh.edu.vn, 1/11/2012.
[8]. Lý Tùng Hiếu (2012c), “Văn hoá và hệ thống văn hoá”, Tạp chí Khoa học Văn hoá và Du lịch, số 7 (61), 11/2012, trang 19-28; http://tapsan.hcmussh.edu.vn, 12/12/2012.
[9]. Lý Tùng Hiếu & Lê Trung Hoa (2013), Văn hoá Việt Nam qua ngôn ngữ, giáo trình đại học, Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
[10]. Lý Tùng Hiếu (2014a),“Tôn giáo của cư dân Nam Bộ: Cái nhìn tổng quan”, Thời sự Thần học, chủ đề Phụng vụ & lòng đạo đức bình dân, số 64, tháng 5/2014, Trung tâm Học vấn Đa Minh, TP. Hồ Chí Minh, trang 187-211.
[11]. Lý Tùng Hiếu (2014b), Các vùng văn hoá Việt Nam, giáo trình đại học, Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.
[12]. Lý Tùng Hiếu (2014c), “Những ảnh hưởng của văn hoá Chăm đối với văn hoá Việt và dấu ấn trong ngôn ngữ”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, ISSN: 1859-0128, tập 17, số X3-2014, tháng 1/2015, trang 101-122.
[13]. Nguyễn Cẩm Thuý chủ biên (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ (từ thế kỷ XVII đến năm 1945), NXB Khoa học Xã hội.
[14]. Thái Văn Chải (1997), Tiếng Khmer (ngữ âm – từ vựng – ngữ pháp), NXB Khoa học Xã hội.
—–> Click để xem chi tiết bản PHỤ LỤC
Nguồn: Tạp chí Phát Triển KH&CN, tập 18, số x4-2015
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)