Một góc nhìn khác về truyền thuyết An Dương Vương

Tác giả bài viết: ĐÔNG DƯƠNG

     Kho tàng truyện cổ Việt Nam có truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa huyền bí xoay quanh câu chuyện Mỵ Châu, Trọng Thủy. Truyện đưa vào chương trình sách Giáo khoa cho học sinh bậc THCS học tham khảo. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy với nhiều góc nhìn tư duy ở các biên độ khác nhau. Tuy nhiên, chưa thấy có ý kiến nào khác ngoài chuyện ca ngợi tình yêu lứa đôi trai gái giữa Mỵ Châu – Trọng Thủy. Nếu bình tâm, bóc đi hết các lớp trầm tích của không gian và thời gian thì truyền thuyết An Dương Vương xây thành cổ Loa lại là một vấn đề hoàn toàn khác không hề có chuyện tình trai gái vợ chồng như một số ý kiến đăng đàn trong các chương trình sách giáo khoa hiện nay.

     Trước hết, xét về bình diện thể loại, thì truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa là loại thần  thoại đời sau. Một số yếu tố hoang đường kỳ ảo được lược bớt thay vào đó là những chứng cứ lịch sử (thành cổ). Theo các sử gia, thời đại An Dương Vương ra đời vào khoảng năm 208 đến 179 trước công nguyên. Thời kỳ con người vẫn còn mông muội trong cách nhìn và giải thích thế giới bằng lối tư duy trẻ thơ. Các cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc diễn ra gay gắt. Người Việt cổ đã biết thay đổi phương thức sản xuất bằng việc trồng cấy thay cho hái lượm.

     Họ sống trên các triền sông, tiến gần ra biển biết khai thác những sản vật từ nền văn minh trồng cấy (lúa nước). Biết dùng đồ trang trí, trang sức là ngọc trai kiếm được ở biển cả. An Dương Vương là sự hiện thân cao nhất đại diện cho nền văn minh đó. Cho nên, hình tượng An Dương Vương gợi cho ta thấy một cái gì đó gần gũi, gắn bó với biển, với đất, với nước. Việc làm của An Dương Vương xây thành Cổ Loa có ý nghĩa lịch sử tiến bộ rõ rệt. So với truyện Thánh Gióng thì truyền thuyết An Dương Vương có ý nghĩa bờ cõi, cương giới, lãnh thổ rõ ràng hơn. Khi giặc ngoại xâm vào xâm lược, Thánh Gióng tự vươn vai cao lớn cầm vũ khí (ngựa sắt, áo giáp sắt, gậy sắt) đứng lên đánh giặc rồi bay về trời. Còn trong truyện An Dương Vương thể hiện tinh thần tự cường dân tộc. Một vua chủ, An Dương Vương biết xây đắp thành lũy, thành Cổ Loa hình xoáy ốc nhằm ngăn chặn sự xâm lược của giặc ngoại xâm. Vì có thành cao, hào sâu lại có vũ khí lợi hại là Nỏ thần nên An Dương Vương mất cảnh giác khi giặc phương Bắc đến sát thành Cổ Loa.

     Khi giặc tràn vào thành, Nỏ thần bị đánh tráo không còn hiệu nghiệm buộc An Dương Vương cùng Mỵ Châu cưỡi ngựa chạy ra phía biển cả, một lần nữa cầu cứu Rùa vàng (Thần Kim Quy). Khi biết, chính Mỵ Châu là kẻ bị mê muội trong cuộc tình xảo trá để lợi dụng quan hệ tình cảm nhằm lấy cắp bí quyết quân sự của quốc gia (Nỏ Thần) cho Trọng Thủy con của Triệu Đà. (Đây là một mưu tính bá quyền của giặc phương Bắc đã hiện diện từ những buổi bình minh của lịch sử) Nên An Dương Vương kiên quyết dứt tình cha con rút gươm chém chết Mỵ Châu chứng tỏ An Dương Vương là một ông vua anh minh, biết phán quyết công, tội rõ ràng.

     Cái chết của An Dương Vương là một bi kịch đau xót nhất trong bình minh lịch sử giữ nước của dân tộc. Đây là lỗi lầm đầu tiên trong lịch sử dựng nước hay chính là thông điệp mà tổ tiên muốn nhắn gửi đến đời sau.

     Trong kế sách dân sinh của An Dương Vương, sự sai lầm chiến lược của An Dương Vương chỉ lo phòng ngự (xây dựng lâu đài), không lo bồi dưỡng sức dân thiếu các chính sách khuyến nông chăm lo muôn dân và mất cảnh giác không dựa vào dân lợi dụng sức dân bảo vệ biên cương, lãnh thổ.

     An Dương Vương còn sai lầm trong việc giết Cao Lỗ, một mưu sỹ, người đã sáng tạo ra nỏ thần. Đây là loại vũ khí tiên tiến của thời đầu dựng nước vì nỏ ưu thế hơn nhiều so với cây cung truyền thống. Bài học lịch sử trong chiến lược xây dựng đất nước trong truyền thuyết An Dương Vương mà bất cứ bạn đọc nào cũng biết chứ không phải thuần túy câu chuyện tình yêu trai gái Mỵ Châu- Trọng Thủy.

     Xét về góc độ cách xây dựng nhân vật, truyền thuyết An Dương Vương đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của phương pháp ẩn dụ. Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Hình tượng Mỵ Châu là mẹ chúa, mẹ nàng. Dù có sai lầm nghiêm trọng nhưng các tác giả luôn giành nhiều tình cảm tốt đẹp cho nàng. Mỵ Châu là biểu tượng của một nền văn hóa mẹ. Mọi ngây thơ thể hiện sự trong trắng trong tâm hồn của nàng. Mỵ Châu chết là một bi kịch lịch sử nhưng lại là một bài học vô cùng thấm thía giữa cái lý và cái tình trong bài ca giữ nước ở buổi sơ khai.

     Đối lập với hình tượng Mỵ Châu là hình trượng Trọng Thủy. Trọng Thủy (khai nước, khai mỏ) là đại diện cho nền văn hóa phương Bắc (Triệu Đà). Nên khi Trọng Thủy chết, hắn nhảy xuống giếng chính là một cái chết phải chết cho chính nó. Hành động Trọng Thủy chết khi nhảy xuống giếng là một hành động mù quáng chứ không phải bi kịch tình yêu như một số học giả phân tích. Cái chết của y là cái chết của một kẻ thất tình, day dứt, tầm thường, thảm hại. Kết cục của kẻ luôn có tư tưởng xâm lược thì y phải lãnh hậu quả là một tất yếu lịch sử cũng là lời phán quyết công bằng của lịch sử.

     Bóc đi hết các lớp trầm tích trong Truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa trơ ra cái lõi thực là bài học truyền thống yêu nước và bài học cảnh giác giữ nước khi giặc ngoại xâm luôn nhòm ngó. Bên cạnh đó, bài học về đoàn kết nội bộ hài hòa trong ứng xử không để mất cảnh giác hoặc quá ngây thơ ngờ nghệch trước những lời đường mật ngoại giao của kẻ thù. Cũng không quá ỉ lại vũ khí (Nỏ Thần) mà phải biết lắng nghe lòng dân.

     Chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa là một bi kịch đau xót trước lời nói lạnh lùng nhưng minh triết của Rùa vàng cùng với hành động quyết liệt của An Dương Vương trước cái chết bi tráng của cha con Vua chủ đã lên án gay gắt lỗi lầm đầu tiên trong lịch sử giữ nước chống giặc ngoại xâm. Nhưng nó cũng gợi lên một tinh thần công lý sáng suốt của dân tộc, đánh giá bản chất của kẻ thù phương Bắc luôn là một thuộc tích cố hữu. Truyện An Dương Vương có kết cấu khá chặt chẽ đóng khung trong một không gian nhất định. Tuy ra đời trong buổi bình minh của nhân loại nhưng những giá trị lịch sử vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế hôm nay…

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, tháng 5/2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một góc nhìn khác về truyền thuyết An Dương Vương (Tác giả: Đông Dương)