Cây Đa và một số hiện tượng văn hóa của người Việt
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ BÙI QUANG THANH
(Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam)
Có một hình ảnh của tự nhiên- cây Đa – không biết từ bao giờ, đã gắn bó với cuộc sống, ăn nhập vào tâm tư, tình cảm và ý nghĩ của con người Việt Nam một cách thân thuộc, hồn nhiên và lắng sâu đến vậy! Bóng hình cây Đa tỏa mát đầu làng luôn là hình ảnh gợi chút tâm tình, thêu dệt trong lòng người thành một thứ “ký hiệu” văn hóa, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Để rồi, đến một lúc nào đó, giữa thế giới tâm tư con người, nó trở thành biểu tượng cho sự hiện diện của hình bóng quê hương, cội rễ tình cảm của biết bao thế hệ:
–Cây Đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ!
–Cây Đa bậc cũ lở rồi
Đò đưa bến khác, bạn ngồi chờ ai?…
Và cạnh đó, cây Đa còn là nơi trú ngụ của một thứ sức mạnh tinh thần bí ẩn, linh thiêng, nhân lên sự sùng bái trong thế giới tâm linh con người, trở thành đấng vô hình, có quyền năng chi phối niềm tin cùng hành vi con người: Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề! Từ trong tư duy tôn giáo nguyên thủy của con người thuộc mọi dân tộc, nhìn theo cội nguồn, có ba loại vật thể được coi là nơi chứa đựng sức mạnh linh thiêng, có khả năng quy tụ quyền năng vũ trụ, nối kết với quyền năng của đấng tối cao để che chở, phù hộ cho sự tồn tại của con người. Đó là cây/gỗ, đá và vật thể được chế tác từ đồng. Vì thế mà, chảy trôi theo tín ngưỡng sùng bái do con người tự “mường tượng” ra cho mình, liền xuất hiện những cây thiêng, đá thiêng, đồ đồng thiêng mỗi khi chúng được đặt trong không gian thiêng của đình, đền, miếu, chùa, gắn với đời sống tâm linh thường nhật, mang những ý nghĩa vượt ra ngoài kiếp sống bản nguyên (ý của nhà Văn hóa học Trần Lâm Biền). Trong hệ thống cây thiêng, với nào những Bồ đề, Si, Muỗm, Sung, Đại, Thông, Gạo, Trúc, Tre,… cây Đa nổi lên như một trong những cây được trồng phổ biến tại các không gian thiêng, bên cạnh những khu kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Và hơn thế, cây Đa còn luôn luôn được dành cho vị trí thoáng mát, đắc địa đầu làng, nơi đưa đón con người của một cộng đồng nhỏ sớm tối đi về, nơi xòa ra bóng mát làm con người vợi chút mệt mỏi sau một ngày lao động cực nhọc, nơi trú ngụ của đấng thánh thần, được dân làng tôn sùng vì năng lực vô hình phù hộ độ trì cho con cháu bình an làm ăn, sinh sống.
Nhìn từ phạm vi hẹp, cây Đa đã từ thế giới cây cỏ tự nhiên bước vào thế giới tâm linh, hòa nhập với tín ngưỡng cộng đồng, trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần của một xóm làng, thành nơi nương tựa tinh thần vững chắc của chúng sinh. Từ trong sự bề thế, khổng lồ về hình thức của cây Đa (thân cây, bóng cây), như một lẽ tự nhiên, các vị thần hòa quyện vô hình trong đó đã kết hợp với cây để tạo ra sự kỳ ảo về nội dung (sự linh thiêng), làm cho cây vừa thân thuộc gần gũi, vừa có uy lực chế ngự, cai quản và điều chỉnh hành vi con người trong những mối quan hệ với tự nhiên- xã hội đa dạng, phức tạp. Không phải ngẫu nhiên mà trong hàng loạt truyện cổ dân gian của người Việt, hình tượng cây Đa lại luôn xuất hiện (bên cạnh hàng loạt loại đại thụ khác, thường là loại có sức Sống dẻo dai, chịu đựng được mọi khắc nghiệt của thời tiết) và luôn gắn với sự tích hoặc thân thế, sự nghiệp của những người anh hùng dựng nước và giữ nước (huyền thoại hay lịch sử đích thực).
Truyền thuyết về Sơn Tinh còn giữ được mẫu chuyện Tản Viên chặt cây Ngô Đồng không đổ (người Phú Thọ kể là cây Đa, cây Tùng!), chợt một vị thần hiện ra, ban cho chiếc gậy có đầu sinh, đầu tử để đừng chặt cây nữa, mà đem gậy đi đó đây chữa bệnh cứu người, ở xã Hy Cương (Lâm Thao), người dân vẫn truyền kể câu chuyên Sơn Tinh đón vợ là Ngọc Hoa về núi Tản. Khi đưa vợ về đến đầu làng Trẹo, bên một tảng đá lớn và một gốc Đa cổ thụ, nàng Ngọc Hoa không chịu đi nữa. Cảnh tượng nơi đây làm nàng nhớ đến vua Hùng, nhớ bóng dáng cây rừng thân thuộc, nhớ đến cuộc sống nơi nàng sinh ra, không thể dứt tình mà đi được. Sơn Tinh khuyên bảo không được, liền nhờ dân làng bầy ra nhiều trò chơi cho Ngọc Hoa khuây khỏa, sau đó nàng mới tiếp tục lên đường theo chồng!
Quanh vùng Sóc Sơn, nhiều người còn kể cho nhau nghe sự tích cây cởi Áo. Nguyên do là, sau khi đánh giặc xong, Thánh Gióng phi ngựa qua đây và dừng lại ngồi nghỉ, cởi áo vắt lên cành cây Đa (có người kể là cây Trám!) và hóa nhập vào cây. Mọi người biết tin đã lấy cây về tạc tượng Thánh Gióng để thờ.
Truyện Man Nương được kể ở nhiều nơi vùng Kinh Bắc, sau được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV), cũng có chi tiết gắn với cây Đa (cũng có người/tài liệu gọi là cây “Dung thụ”). Đó là chuyện một cô gái tên Man Nương, nhà nghèo khổ, mồ côi cha mẹ, đã tìm đến chùa thờ Phật ở vùng Phật Tích, dốc lòng theo học một vị đại sư Khâu Đà La đang trụ trì tại đấy. Man Nương có thai, sau sinh ra một bé gái. Vị đại sư liền gửi con gái của Man Nương cho một cây Đa cành lá xum xuê (thân cây mở ra ôm lấy đứa bé vào lòng) và trao cho Man Nương cây gậy thần có phép chống hạn. Khi Man Nương 90 tuổi, cây Đa bị đổ, trôi về bến sông trước cửa thành Luy Lâu, dân làng hò nhau kéo về tạc tượng Phật, cầu đảo linh ứng. Ngày mồng 8 tháng Tư (Âm lịch), Man Nương không bệnh mà chết, táng ở trong chùa. Dân làng lấy ngày này làm ngày sinh của Phật(!).
Xưa kia, trong hội hát Quan họ cầu đảo hàng năm, người dân làng Diềm (Bắc Ninh) và một số làng Quan họ kết nghĩa thường tổ chức các cuộc hát Quan họ có liên quan đến Phật Mẫu, cầu đảo mưa gió mỗi khi đồng đất bị hạn hán. Tại những dịp hát này, các liền anh, liền chị thường chỉ xoay quanh mấy giọng La Rằng, Tình Tang, Cây Gạo. Lời của bài hát, dù theo giọng nào, đều nhằm vào mục đích cầu mưa và xưng tụng công đức vua Bà, người sinh ra Quan họ. Chẳng hạn, một lời theo giọng Cây Gạo, với ca từ thể lục bát:
Trước đền có một cây Đa
Vương Mẫu hạ giới thực bà chúa Tiên
Trăm năm hương hỏa lưu truyền
Bởi vì hạn nắng, mở đền cầu mưa…
Đã hàng trăm năm nay, các liền anh, liền chị bao đời vẫn không hiểu sao trong Quan họ lại có giọng hát mang tên Cây Gạo(!). Và, ở lời mở đầu bài hát có gắn với hình ảnh cây Đa! Hiện nay, trước Nghè/Đền Vua Bà ở làng Diềm vẫn còn một cây Đa rất to, tương truyền dễ có tới nghìn năm tuổi. Cây Đa đó có thể từ xa xưa đã gắn với một biểu tượng thờ phụng của làng Diềm. Theo truyền tụng của người dân, sự linh thiêng của cây Đa cũng không kém gì Nghè/Đền. Trong sinh hoạt tín ngưởng của làng, cây Đa luôn hợp với Nghè/Đền thành một nhóm biểu tượng thờ phụng. Người Diềm, đã từ nhiều trăm năm rồi, mỗi lần cầu xin gì ở thần thánh, ngoài việc dâng lễ xin ở Nghè và Đình, mọi người còn đến đặt lễ và xin ở cây Đa. Tại gốc cây, người dân đến thắp nhang, dâng lễ và cúi đầu khấn vái. Điều đặc biệt là, mỗi khi có ai muốn cầu tự, người đó chỉ đến xin ở cây Đa này mà thôi!
Ở hầu khắp các tỉnh vùng đổng bằng trung du Bắc bộ, thường có tục cúng cháo lá đa, thời gian vào mùng 3 tháng 3 hoặc Rằm tháng Bảy Âm lịch. Với ý nghĩa “xá tội vong nhân”, vào ngày đó, các gia đình thường lập đàn tế lễ ngoài sân, tại miếu hoặc nghè để cúng tế các linh hồn phiêu dạt “sống vô gia cư, chết vô địa táng”. Tại các miếu, nghè- sau này cả ở chùa, khi Phật giáo du nhập và thịnh đạt, người đến tế lễ thường góp gạo chung, nấu cháo loãng và đổ vào các bổ đài (được làm bằng lá đa), đem tế cúng tại các miếu, nghè, chùa hoặc dưới gốc Đa đại thụ, sau cắm dọc ven đường để mọi người đến lấy ăn cầu may. Trong lễ cúng tế, người cúng thường đọc các bài văn tế chúng sinh vốn được truyền lưu trong dân gian, nhiều khi lẫn cả tác phẩm văn học thành văn (chẳng hạn của Lê Thánh Tông, Nguyễn Du). Ý nghĩa của việc thờ cúng này thường là cầu mong cho các vong linh lang thang, đói khát đừng về quấy nhiễu, mà phù trợ cho người đang sống làm ăn thịnh đạt, bình an!
Cũng ở vùng đồng bằng trung du Bắc bộ, mỗi khi lập làng/xóm, người dân thường trồng ở đầu làng/xóm cây Đa, như để báo hiệu sự hiện tồn của một cộng đồng người mới đến sinh cư lập nghiệp. Vì thế, dấu hiệu hiện tồn của cây Đa là minh chứng cho “tuổi thọ” của xóm làng. Dưới gốc cây Đa thường được dựng lên một cơ ngơi thờ tự (miếu, nghè, đình, đền,…) các vị thần linh, với mong muốn được các vị phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn, sinh sống. Từ đó, sức mạnh của thần hòa nhập vào cây, tạo ra sự linh thiêng, bề thế, thành nơi quy tụ tâm linh, tín ngưỡng của dân làng. Trải theo tiến trình lịch sử, sức hút vô hình của cây Đa thiêng cùng với “cơ ngơi” thờ tự đã quy tụ vào đây nhiều lớp tín ngưỡng, nhiều lớp lang văn hóa, hòa trộn lẫn nhau một cách tự nhiên, đủ sức tạo nên biểu tượng cho niềm tin của con người cùng sự song hành của những lễ tục, tập quán vừa trừu tượng, vừa cụ thể.
Truyền thuyết về sự tích chàng Cuội cung trăng gần như là sản phẩm văn hóa chung của hai dân tộc Việt, Mường. Truyện kể một lần Cuội đi kiếm củi, nhờ có môt con hổ chỉ dẫn mà phát hiện được cây Đa thần, có khả năng “cải tử hoàn sinh”, giúp Cuội cứu sống được rất nhiều người. Sau do vợ đãng trí, làm cây Đa và Cuội bay lên cung Trăng!
Bên cạnh sự hiện diện của hình ảnh hoặc biểu tượng cây Đa trong văn hóa Việt, soi vào di sản văn hóa dân gian các dân tộc khác, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của loại “cây thần” này cùng nhiều lớp lang tín ngưỡng văn hóa phong phú và sinh động. Chẳng hạn, cây Đa trong chuyện Quậy của dân tộc Hơ- rê, chuyện chàng Ủ của dân tộc Mông, chuyện cây Đa của dân tộc Chăm,…
Từ sự giới thiệu bước đầu về cây Đa gắn với một số biểu tượng văn hóa người Việt trên đây, có thể đi đến những nhận xét có tính gợi mở sau đây:
1. Cây Đa, từ hình ảnh thực ngoài tự nhiên, theo cảm quan gần gũi của con người, đã dần dần được gắn với thần linh hoặc được nhân cách hóa để tham gia vào đời sống tâm linh và, thậm chí, cả sự sinh tồn của con người. Việc thờ cây Đa chính là dấu vết (hoặc bắt nguồn/nảy sinh) từ tín ngưỡng thờ cây vốn có trong văn hóa nguyên thủy, dần dần được người dân thu nạp thêm việc thờ cúng những nhân vật huyền thoại, những anh hùng văn hóa hoặc lịch sử gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự hòa nhập cây với thần đã tạo ra sự bề thế trừu tượng, nhân lên thế giới quan sùng bái trong lòng con người.
2. Cây Đa mang bóng dáng như cây Dâu Da của các dân tộc vùng Trường Sơn- Tây nguyên, cây Si của dân tộc Mường,… Tựu chung, đó là hình tượng biểu trưng cho cội nguồn, tổ tiên, nòi giống. Cây, vì thế, không còn là thứ thực vật bình thường ngoài tự nhiên, mà thường là loại cây đại thụ, khổng lồ, sống lâu cội vững. Trong không gian cư trú người Việt, cây Đa góp phần tạo nên sự cổ kính, bề thế của xóm làng, nơi định vị đắc địa cho mảnh đất làm ăn phát đạt của chúng sinh cư trú. Và, bởi vậy, con mắt trực quan của con người luôn bắt gặp bóng dáng cây Đa cao lớn, làm điểm tựa cho tâm tư, tình cảm con người mỗi khi nghĩ/nhớ về ngọn nguồn xứ sở. Trên thực tế, dưới bóng cây Đa, con người đã bao lần bộc lộ tình cảm, gần gũi nhau trong sinh hoạt làm ăn. Đấy cũng chính là địa chỉ hội tụ biết bao kỷ niệm của các thế hệ người dân giữa vô vàn các mối quan hệ vớí tự nhiên và xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà, mỗi khi đi xa, người ta thường nhớ về cây Đa như nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn với tình cảm chân thành, da diết.
Trong tiến trình lịch sử văn hóa, cây Đa, qua cảm quan con người, đã được bồi đắp xung quanh nó nhiều lớp tín ngưỡng văn hóa khác nhau, vừa cụ thể, vừa bí ẩn vô hình, vừa thân mật gần gũi, vừa mập mờ, đe dọa. Từ chỗ đơn thuần là đề cao sức mạnh của hiện tượng tự nhiên (thờ cây), đến chỗ nhập thân của thần thánh, cây Đa luôn là chỗ dựa tin cậy về mặt tinh thần cho con người. Và, đến những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử, cây Đa lại hiện ra theo tinh thần nhân đạo của người lao động. Cây Đa vừa là nơi che mưa che nắng, vừa là thứ dược liệu truyền thống đối với sức khỏe người dân. Chính vì vậy, dù trải sự chuyển hóa của quá trình bồi đắp các lớp tín ngưỡng văn hóa khác nhau, nhưng vẫn giữ nguyên/ẩn chứa trong đó lớp tín ngưỡng cổ sơ, cây Đa đã âm thầm gắn kết con người với các mối quan hệ cùng tự nhiên và xã hội, từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo sự phát triển trong nhận thức, ý thức lịch sử và quan niệm thẩm mỹ của chính những con người sáng tạo ra không gian văn hóa có sự hiện diện của thứ cây thần kỳ đó.
3. Xuất phát từ môi trường sống, sự hiện diện của cây Đa nói riêng, của các đại thụ khác nói chung, đã góp phần phản ánh cuộc sống người dân ở vùng nhiệt đới nắng nóng, mưa gió quanh năm. Tán cây, thân cây luôn luôn là chỗ chở che cho con người tránh nắng mưa, bão táp, vỏ cây làm thuốc chữa bệnh,… Do vậy, với con người, cây được coi như lực lượng phù trợ, gần gũi với cuộc sống. Và đến khi tư tưởng thần linh xuất hiện, ngự trị trong đầu óc, con người liền gán cho cây sức mạnh siêu nhiên, sức mạnh của thần linh, nhân lên sự sùng bái trong cộng đồng. Chính vì thế, cây Đa đã chuyển hóa từ sản phẩm đích thực của tự nhiên thành một thế lực kỳ ảo, từ cụ thể đến trừu tượng, dần dần chiếm vị trí trang trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Trải qua thời gian, sự sùng bái ấy ngày một phức tạp, rắc rối, gắn với đức tin vừa cụ thể, vừa kỳ ảo linh thiêng.
4. Ở nhiều nơi, cây Đa (trong hệ thống các đại thụ khác) còn được sử dụng để giải thích cho một địa danh tín ngưỡng, một vị trí địa lý hay một làng cụ thể. Đằng sau các cách giải thích đó như vẫn ẩn tàng dấu vết của tư duy thần thoại, của nguyên lý thần linh được nảy sinh từ cổ xưa. Và, mỗi khi có những đột biến của lịch sử, dấu vết thần thoại đó càng được khắc họa sâu sắc hơn, bí hiểm hơn, tạo ra ma lực vô hình đối với con người bị ràng buộc trong khoảng không gian văn hóa đó.
Xét dưới góc độ ngữ âm học lịch sử, tên gọi cây Đa- âm tiết Đa- có thể có liên quan mật thiết với một số từ ngữ cổ, hàm nghĩa chỉ những thứ biểu tượng cho cội rễ, khổng lồ. Tuy nhiên, góc độ luận suy này xinh nhờ/chờ kiến giải của các nhà ngữ âm học lịch sử./.
Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, số 3(32), năm 2010
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Cây Đa và một số hiện tượng văn hóa của người Việt (Tác giả: PGS.TS Bùi Quang Thanh) |