Một số chính sách canh tân thời vua Bảo Đại qua di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn

Tác giả bài viết:  NGUYỄN THU HOÀI
(Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

1. Đặt vấn đề

     Lâu nay khi nhắc đến triều Nguyễn và những dấu ấn cải cách triều Nguyễn để lại người ta thường nói đến cuộc cải cách hành chính năm 1831-1832 dưới thời vua Minh Mệnh. Thực tế đây cũng là cuộc cải cách hành chính lớn và triệt để nhất của triều Nguyễn, được người đời sau so sánh với cuộc cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1466-1471 và đánh giá là một trong hai cuộc cải cách có quy mô lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên ngoài thành tựu của cuộc cải cách dưới thời vua Minh Mệnh, các vị Hoàng đế khác của nhà Nguyễn cũng thực thi một số chính sách cải tổ nhất định. Đặc biệt sau khi Pháp xâm lược, áp lực phải canh tân càng trở nên cấp thiết. Nhưng có lẽ để thay đổi một hệ tư tưởng đã ăn sâu từ ngàn đời là việc không hề dễ dàng, chưa kể những tác động ngoại cảnh của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Và vì vậy dấu ấn của những cuộc cải cách về sau đều khá mờ nhạt và hầu như rất ít thành tựu. Dù vậy không thể không nhắc đến và ghi nhận những chính sách canh tân dưới thời vua Bảo Đại, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

     Cầm quyền trong giai đoạn lịch sử cận đại đầy phức tạp, khi đất nước đã không còn quyền độc lập tự chủ, Bảo Đại có lẽ là vị vua khá đặc biệt không chỉ đối với triều Nguyễn mà còn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, là con trai duy nhất của vua Khải Định, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng phong kiến từ các đời ông cha nhưng Bảo Đại lại được học tập đào tạo gần như hoàn toàn tại Pháp, một nước văn minh khác xa nơi ông sinh ra. Lên ngôi tháng 11 năm 1925, chính thức đăng quang ngày 8 tháng 1 năm 1926, vua Bảo Đại lúc đó mới 12 tuổi, sau lễ tấn phong đã nhanh chóng quay trở lại Pháp để tiếp tục con đường học tập. Toàn bộ công việc của triều đình An Nam được giao cho Hội đồng Phụ chính điều hành. Năm 1932, trở về nước sau 10 năm học tập tại nước ngoài, chính thức nắm quyền chấp chính triều đình. Với hoài bão của một người trẻ tuổi tiến bộ, khát khao mang những điều mới mẻ từ phương tây để canh tân đất nước, vua Bảo Đại đã vấp phải không ít trở ngại không chỉ từ phía chính quyền bảo hộ Pháp mà còn ngay trong nội bộ triều đình An Nam. Tuy những chính sách canh tân mà ông thực hiện chưa thực sự để lại dấu ấn sâu đậm, thậm chí còn được cho là có bàn tay sắp đặt của người Pháp, dù vậy cũng mang đến một làn gió mới làm thay đổi ít nhiều sự tù túng lạc hậu của một triều đình phong kiến đã đến hồi suy vong.

2. Một số chính sách canh tân dưới thời vua Bảo Đại

     –  Về tổ chức bộ máy hành chính

     Sau khi vua Khải Định mất tháng 11 năm 1925, Hoàng tử Vĩnh Thụy về nước thọ tang cha sau đó chính thức lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Bảo Đại. Tháng 3 năm 1926 vua Bảo Đại tiếp tục trở lại Pháp để học tập, mọi công việc của triều đình đều giao cho Hội đồng Phụ chính nắm giữ. Tại thời điểm đó Toàn quyền Đông Dương và Hội đồng Phụ chính đã ký một bản Quy ước cho phép Hội đồng Phụ chính được quyền thay mặt nhà vua điều hành mọi công việc của triều đình. Tuy nhiên Hội đồng này chỉ được quyết định những vấn đề có liên quan đến điển lệ, ân xá, phong tặng tước hàm, chức sắc còn lại những việc khác đều thuộc quyền của nhà nước Bảo hộ. Văn bản này cũng đồng thời sáp nhập ngân sách Nam triều vào ngân sách Trung kỳ và mọi cuộc họp bàn của Hội đồng Thượng thư đều do Khâm sứ Trung kỳ chủ tọa.

     Vì vậy, bộ máy hành chính Nam triều giai đoạn từ năm 1926 đến năm 1932 hầu như không có gì thay đổi so với các triều đại trước vẫn gồm Lục Bộ (Binh, Công, Hình, Hộ, Lại, Lễ) và Bộ Học mới thành lập dưới thời vua Duy Tân năm 1907. Ngoài ra các cơ quan khác như Nội các, Cơ mật viện, Hàn lâm viện, Đô sát viện, Thái y viện, Tôn nhân phủ, Nội vụ phủ, Quốc tử giám, Quốc sử quán, Khâm thiên giám… hầu như vẫn giữ nguyên về mặt tổ chức. 

     Sau 10 năm theo học tại Pháp, tháng 8 năm 1932 vua Bảo Đại về nước, việc đầu tiên sau khi trở về là ban hành một đạo Dụ tuyên cáo chấp chính, đồng thời hủy bỏ bản Quy ước ngày 16 tháng 11 năm 1925 do Hội đồng Phụ chính Nam triều ký với Pháp sau khi vua Khải Định mất. Đặc biệt vua Bảo Đại bổ nhiệm ngay 5 Thượng thư mới là những học giả theo trường phái tân tiến gồm Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn thay thế các Thượng thư già yếu bảo thủ như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương Tứ Đại. Trong đó Ngô Đình Diệm thay thế Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư Bộ Lại, Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn làm Thượng thư Bộ Hình, Thái Văn Toản thay thế Vương Tứ Đại làm Thượng thư Bộ Công, Hồ Đắc Khải bổ làm Thượng thư Bộ Hộ, Phạm Quỳnh làm Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Tổng lý Ngự tiền văn phòng91.

     Cùng với việc thay đổi về nhân sự, bộ máy hành chính cũng được cải tổ rõ rệt. Năm 1932 vua Bảo Đại cho xây dựng mới một tòa nhà theo kiến trúc kiểu Pháp hiện đại với 2 tầng đổ mái bằng nằm ở phía Bắc Tử Cấm thành làm trụ sở mới cho bộ máy văn phòng giúp việc của nhà vua. Đồng thời năm 1933 đổi tên Nội các, cơ quan do vua Minh Mệnh thành lập từ năm 1829 thành Ngự tiền văn phòng. Mặc dù đổi tên nhưng chức năng của Ngự tiền văn phòng gần như không thay đổi so với Nội các trước đây, vẫn là cơ quan giúp việc trực tiếp của nhà vua, luân chuyển, tàng trữ các văn thư quan trọng của triều đình, người đứng đầu đặt cho chức danh mới là Tổng lý Ngự tiền văn phòng.

     Năm 1935 để phù hợp với xu thế mới, vua Bảo Đại cho đổi tên và thành lập mới một loạt các bộ trong hệ thống chính quyền An Nam như:

     + Bộ Học đổi tên thành Bộ Quốc gia Giáo dục (năm 1943 lại đổi thành Bộ Quốc dân Giáo dục, năm 1945 là Bộ Giáo dục Mỹ thuật);

     + Bộ Hộ bị xóa bỏ để thành lập mới các Bộ Kinh tế (năm 1943 đổi tên thành Bộ Kinh tế – Nông nghiệp) và Bộ Tài chính;

     + Bộ Công được đổi tên thành Bộ Công chánh giao thông;

     + Bộ Lễ bị xóa bỏ để thành lập mới Bộ Lễ – Công (năm 1943 đổi thành Bộ Lễ nghi Công tác);

     + Bộ Hình đổi tên thành Bộ Tư pháp;

     + Bộ Lại đổi tên thành Bộ Nội vụ.

     Ngoài ra sau đó vua Bảo Đại còn thành lập thêm một số bộ mới như Bộ Thanh niên, Bộ Y tế cứu tế… trên cơ sở tách ra từ những bộ đã thành lập. Người đứng đầu các bộ theo cách gọi Nam triều là Thượng thư nhưng trong các văn bản tiếng Việt và tiếng Pháp được gọi là Bộ trưởng hoặc Ministe92.

     – Về hệ thống văn thư hành chính

     Ngay sau khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước, vua Bảo Đại đã cải cách căn bản hệ thống văn thư hành chính của triều đình. Từ chữ viết, loại hình văn bản, thể thức trình bày, con dấu, ngự phê, thậm chí cả chất liệu giấy và mực cũng hoàn toàn thay đổi.

     Cải tổ lớn nhất của vua Bảo Đại đó là sử dụng chữ Quốc ngữ làm văn tự chính thức trong hệ thống văn bản hành chính nhà nước, thay vì chữ Hán Nôm theo truyền thống của các triều đại phong kiến trước đó. Bên cạnh chữ Quốc ngữ, chữ Hán Nôm và chữ Pháp trở thành văn tự bổ trợ, tức là ngoài văn bản chính thức bằng quốc ngữ có thêm văn bản viết bằng chữ Hán Nôm và chữ Pháp trong một số trường hợp. Bảo Đại có lẽ là một trong những vị Hoàng đế đặc biệt nhất trong lịch sử khi sử dụng thành thạo và phê duyệt bằng cả ba thứ văn tự Quốc ngữ, Hán Nôm và Pháp trên các văn bản tương ứng.

     Về thể thức, khác với văn bản truyền thống trước đó viết trên giấy dó, bằng lông mực mài, viết theo chiều dọc, đọc từ phải qua trái, văn bản giai đoạn này bắt đầu có bố cục khá giống các văn bản hiện đại sau này. Tiêu đề trên bên trái là quốc hiệu, dưới là tên cơ quan ban hành; tiếp dưới có số hiệu văn bản và trích yếu nội dung. Tiêu đề trên bên phải là địa danh, ngày tháng năm theo niên đại; dòng dưới là ngày tháng năm dương lịch tương ứng. Nội dung văn bản được trình bày giữa trang chếch về bên phải, bên dưới ghi chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền. Ngoài các loại văn bản truyền thống như Dụ, Chỉ, Tấu, Tư Trình giai đoạn này một số loại hình văn bản mới như Nghị định, Báo cáo, Công văn, Điện… bắt đầu được sử dụng khá phổ biến.

     Con dấu của cơ quan ban hành văn bản trước đây thường được đóng ở cuối văn bản đè lên dòng niên đại, dấu hình vuông kích cỡ thông thường khoảng 10x10cm. Văn bản giai đoạn này dấu cơ quan ban hành văn bản được đóng ở góc phải bên dưới, dấu hình vuông kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều khoảng 3x3cm, được đóng đè lên chữ ký của người có thẩm quyền. Ngoài ra góc dưới bên trái có thêm dấu công văn đi và đến hình chữ nhật bên trong viết chữ Pháp.

     Việc ngự phê cũng có sự thay đổi khá rõ, Hoàng đế Bảo Đại phê duyệt lên văn bản bằng bút dạ đỏ thay vì viết bút lông mực son, lời phê có lúc đè lên chữ viết của văn bản. Dưới dòng châu phê nhà vua ký tắt 2 chữ BĐ (tức Bảo Đại). Tuy nhiên cũng có văn bản nhà vua không phê chỉ ký 2 chữ BĐ đồng nghĩa với việc nhà vua đã xem và phê chuẩn thay vì như trước đây là Châu điểm trên đầu văn bản. Đây là điều khá đặc biệt bởi lẽ các vị vua trước đó thường chỉ bút phê nhưng không bao giờ ký tên lên văn bản.

     Về chất liệu, văn bản viết bằng chữ Pháp và quốc ngữ được gõ bằng máy chữ trên giấy pơ-luya hoặc giấy công nghiệp, khác hoàn toàn với việc dùng bút lông viết tay trên giấy dó trước đây. Ngoài ra có một số ít văn bản được viết tay bằng bút sắt.

     Năm 1943, nhận thấy các tài liệu hình thành trong hoạt động của bộ máy chính quyền triều Nguyễn không được quản lý thống nhất dẫn đến một số tài liệu, thư tịch bị hư hỏng mất mát. Vua Bảo Đại với sự tham vấn của ông Ngô Đình Nhu, đương thời là Cố vấn Văn thư viện đã ban hành một đạo Dụ thành lập cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều. Đây là cơ quan đầu tiên của triều Nguyễn quản lý thống nhất cả văn thư và thư tịch của triều đình gồm văn thư của Nội các, Viện cơ mật, các Bộ, cơ quan ở kinh đô và các tỉnh cùng thư tịch, sử liệu của Sử quán, Tàng thư lâu, Thư viện Bảo Đại93.

     – Một số chính sách mới

     Sau khi chấp chính, vua Bảo Đại cho thay đổi ngay một số nghi thức trong triều như cho phép thần dân không phải rập đầu cúi lạy khi gặp xa giá nhà vua mà có thể ngước nhìn long diện, quan lại không phải quỳ lạy khi vào chầu, quan Tây được phép bắt tay nhà vua khi chào hỏi; xóa bỏ những lễ tiết cổ hủ xa hoa, giảm bớt các vật dụng bày biện rườm rà trong Hoàng cung…

     Ngoài việc cải tiến các nghi thức hủ tục trong nội bộ triều đình, vua Bảo Đại còn ban hành một số quy định hoặc chính sách mới lần đầu tiên được thực thi như:

     + Cho phép mở cửa Đại nội trở thành điểm thăm quan du lịch. Năm 1938 theo đề nghị của Bộ Lễ – Công, vua Bảo Đại cho phép mở cửa Đại nội suốt năm trừ 3 ngày Tết để du khách có thể vào thăm quan, chiêm ngắm các công trình trong Hoàng thành như: lầu Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Thế Miếu, Cửu đỉnh94;

     + Cho phép sử dụng công văn, châu bản, bản đồ, tranh ảnh, thư họa và các tài liệu, hiện vật tại điện Càn Thành và Nội các để trưng bày triển lãm95. Đây là lần đầu tiên các văn thư quan trọng của triều đình như châu bản, bản đồ trước đây quản lý rất nghiêm mật được đưa ra trưng bày rộng rãi.

     + Cho phép lấy tên danh nhân người Việt đặt tên cho các đường phố96. Tháng 6 năm 1945, theo đề nghị của Bộ Nội vụ tên các đường phố, công viên tại các thành phố, thị xã tỉnh lị trước đây đều do Toàn quyền dùng tên người Pháp đặt, xét thấy đến lúc không hợp thời nữa. Vì vậy vua Bảo Đại quyết định giao cho Thủ hiến, Đốc lý các tỉnh, thành phố lựa chọn tên các danh nhân người Việt để thay thế, khuyến khích địa phương nào chọn tên danh nhân người địa phương đó.

     + Cho phép người Lao động An Nam được nghỉ ngày Quốc tế Lao động 1.597. Bản Dụ năm 1941 của vua Bảo Đại lần đầu tiên áp dụng quyền lợi ngày nghỉ lễ Lao động đối với người dân An Nam. Ngày đó người lao động bản xứ làm việc trong các công sở của Pháp và An Nam được nghỉ không phải làm việc mà vẫn được hưởng lương.

     + Cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ làm việc tại các ngành nghề độc hại nguy hiểm98;

     + Bắt buộc các công trường lao động phải có phương tiện cứu hộ và nhân viên y tế chuyên trách99.

3. Kết luận

     Trong 20 năm ở ngôi vị Hoàng đế, vua Bảo Đại thực tế ngồi trên ngai vàng rất ít, thời gian ông dành cho công việc triều chính cũng không nhiều. Dù vậy không có nghĩa ông là vị vua vô dụng, ông ấp ủ nhiều dự định cải cách nhưng có lẽ mong muốn lớn lao đó khó thành công khi mà bản thân ông và cả triều đình ông làm chủ bị phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây. Về thực chất kể cả khi đã chính thức chấp chính, vua Bảo Đại cũng hầu như không có thực quyền, mọi quyền hành đều nằm trong tay Chính phủ bảo hộ Pháp. Bản thân ông cũng chịu rất nhiều áp lực và đầy mâu thuẫn, bởi lẽ những người theo trường phái tân tiến thì kỳ vọng những chính sách canh tân của một vị vua trẻ Tây học, những người theo trường phái bảo thủ thì chỉ trích sự lố lăng, lai căng mà ông mang lại.

     Đánh giá những điều vua Bảo Đại làm được trong thời gian chính thức nắm quyền khó để nói đó là những chính sách cải cách đích thực nhưng cũng không thể phủ nhận đó là sự canh tân hữu ích. Những thay đổi trong nội bộ triều đình hay bên ngoài xã hội giai đoạn ông trị vì, dù là chủ đích hay do người Pháp dẫn dắt cũng là một bước ngoặt quan trọng đối với nền chính trị nhà Nguyễn. Đồng thời góp phần làm biến chuyển xã hội Việt Nam ngày càng tiệm cận với dòng chảy chung của văn minh thế giới./.

__________
91 Sự kiện này đã được Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn một nhà thơ đương thời mô tả rất thú vị như sau:
Năm cụ khi không rớt cái ình
Đất trời sấm dậy thảy đều kinh
Bài không đeo nữa xin dâng Lại
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình
Liệu thế không xong Binh chẳng được
Liêm đành giữ tiếng Lễ đừng rinh
Công danh thôi thế là hưu hỉ
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.

     Trong đó nói về 5 cụ tức Nguyễn Hữu Bài Thượng thư Bộ Lại, Tôn Thất Đàn Thượng thư Bộ Hình, Phạm Liệu Thượng thư Bộ Binh,Võ Liêm Thượng thư Bộ Lễ, Vương Tứ Đại Thượng thư Bộ Công.

92 Tổng hợp từ hệ thống văn bản hành chính (Châu bản) thời vua Bảo Đại tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

93 Bản Dụ ngày 11/8/1943 của vua Bảo Đại (Châu bản triều Bảo Đại, tập 34, tờ 182)

94 Châu bản triều Bảo Đại, tập 33, tờ 25; 47.

95 Năm 1943 chuẩn bị cho lễ khánh thành Bảo tàng lịch sử đặt tại Di Luân đường, Bộ Quốc dân Giáo dục đã đề nghị vua Bảo Đại cho phép ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn Văn thư viện được mượn các văn bản tài liệu, hiện vật tại Nội các và điện Càn Thành để đem trưng bày (Châu bản triều Bảo Đại, tập 47, tờ 81).

96 Châu bản triều Bảo Đại, tập 45, tờ 32, 80, 83.

97 Bản Dụ ngày 30/10/1941 của vua Bảo Đại (Châu bản triều Bảo Đại, tập 36, tờ 164).

98 Bản Dụ ngày 29/5/1938 của vua Bảo Đại (Châu bản triều Bảo Đại, tập 36, tờ 41-48).

99 Bản Dụ ngày 7/4/1938 của vua Bảo Đại (Châu bản triều Bảo Đại, tập 36, tờ 38-39).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu.

2. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

4. Nguyễn Thế Anh (2017), Việt Nam thời Pháp đô hộ, (tái bản theo bản in Lửa Thiêng năm 1970), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Nguồn: Hội thảo khoa học Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn – Giá trị lịch sử và đương đại
Hà Nội, 12 tháng 10 năm 2018

Download file (PDF): Một số chính sách canh tân thời vua Bảo Đại qua di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Thu Hoài)