Một số nghiên cứu mới về những di tích đất đắp dạng tròn trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Tác giả bài viết: NGUYỄN KHÁNH TRUNG KIÊN
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)
PHẠM HỮU HIẾN (Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

     Di tích đất đắp dạng tròn là nơi cư trú có phòng ngự của những cộng đồng cư dân tiền sử Nam Đông Dương sinh sống cách ngày nay khoảng 4.000 – 3.000 năm, được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Việt Nam) và Kampong Cham (Campuchia). Các nghiên cứu gần đây đã làm rõ nét hơn về không gian phân bố, loại hình, đặc điểm cư trú và niên đại của những “ngôi làng tròn” thời tiền sử ở vùng này. Bài viết giới thiệu một số kết quả khảo sát thực địa nhằm xác định lại các di tích đã được phát hiện bởi Louis Malleret vào năm 1959 và cập nhật các kết quả nghiên cứu mới trong năm 2019 liên quan đến phạm vi phân bố và niên đại của một số di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước.

Từ khóa: tiền sử, di tích đất đắp dạng tròn, Bình Phước.

x
x x

1. Giới thiệu

     Trong những năm từ 1930 – 1959, Louis Malleret đã ghi nhận và có một số công bố về các “công trình đất hình tròn” (Ouverages circulaires en terre) hay “thành Mọi” (Forteresses Moï) theo cách gọi khi ấy ở khu vực Nam Đông Dương bao gồm địa bàn Bình Long, Phước Long (Việt Nam) và Kampong Cham (Campuchia) với tổng số 18 địa điểm đã được phát hiện. Qua bản đồ phân bố di tích được công bố vào năm 1959 cho thấy có 12 điểm thuộc lãnh thổ Việt Nam và 6 điểm thuộc lãnh thổ Campuchia (Malleret, 1959), trong đó các địa điểm ở Phước Long ký hiệu từ 1 đến 3, ở Bình Long ký hiệu từ 4 đến 12 và các điểm ở Kampong Cham ký hiệu từ 13 đến 18 (Bản vẽ 1), bên cạnh các di tích được ký hiệu bằng các chữ số trên bản đồ, Louis Malleret cũng gọi tên các điểm di tích này theo đơn vị hành chính gần đó (Ví dụ: Phú Miêng – di tích số 8 hay Bu Karr – di tích số 2).

     Trong giai đoạn 1980 – 2000, một số cuộc điều tra, khảo sát được các nhà khảo cổ Việt Nam tiến hành với mục đích xác định lại các di tích đã công bố trước đây và tìm kiếm các di tích mới, kết quả đã tìm được 11 trong số 12 địa điểm ở Bình Phước do Louis Malleret công bố trước đây, ngoại trừ địa điểm số 11 nằm gần di tích An Phú (số 12) thuộc huyện Bình Long cho đến nay vẫn chưa được xác định vị trí chính xác. Về sau, các di tích đất đắp dạng tròn này đã được giới khảo cổ Việt Nam thống nhất cách đặt tên theo địa phận cấp xã nơi phát hiện di tích và kèm thêm một chữ số phía sau nếu có nhiều địa điểm tìm thấy ở cùng một xã. Trong luận án tiến sĩ của Nguyễn Trung Đỗ đã tổng kết các phát hiện di tích mới, cập nhật cho đến năm 2001 và lần lượt giới thiệu từng di tích với các tên gọi cũ do Louis Malleret đặt cùng với tên gọi mới theo cách thức đã được thống nhất nói trên (Nguyễn Trung Đỗ, 2004). Trong số đó, có những di tích từng được Louis Malleret công bố nhưng chưa thể tìm ra trong giai đoạn 1980 – 2000 đã được các nhà khảo cổ Việt Nam xác định lại dựa theo phương vị tương đối trên bản vẽ công bố năm 1959 như trường hợp Bù Nho (tuy nhiên đây chính là một trong những nhầm lẫn và sẽ được đề cập chi tiết bên dưới).

     Gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và các thiết bị phụ trợ như: không ảnh (aerial photo) và định vị toàn cầu (GPS) lần lượt được áp dụng trong công tác điều tra khảo sát, các phát hiện mới trong những năm từ 2012 đến 2019 đã cho thấy mật độ của những di tích loại hình này rất dày đặc, ngay cả trên nhiều “vùng trắng” (không phát hiện di tích hay có địa hình hiểm trở) theo như nhận định của các nhà nghiên cứu trước đây (Bản vẽ 2). Trong một số chương trình nghiên cứu, nhiều di tích đất đắp dạng tròn đã được đào thám sát hay khai quật nhỏ, góp phần đem lại nhận thức mới về niên đại, chức năng và các mối quan hệ văn hóa (Lê Văn Quang, Bùi Chí Hoàng, 2013; Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phạm Hữu Hiến, 2018).

     Qua khảo sát thực địa và đo đạc, phân tích bản đồ bằng chương trình Garmin Mapsource, tác giả bài viết nhận thấy có một số nhầm lẫn trong các công bố vào những năm đầu thập niên 2000 đối với việc xác định tên gọi di tích gốc do L. Malleret từng đặt trước đây, hoặc việc gán nhầm tên của một di tích mới được phát hiện bởi chính các nhà khảo cổ Việt Nam trong giai đoạn sau này cho một địa điểm mà học giả Pháp đã công bố. Nội dung tiếp theo nhằm xác định lại tên gọi gốc của các di tích đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Louis Malleret công bố cũng như xác định lại tên các di tích bị nhầm lẫn trước đây của khảo cổ học Việt Nam do những hạn chế về phương tiện kỹ thuật và trang thiết bị trong thập niên 1990 và 2000.

2. Xác định lại một số trường hợp di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước bị nhầm lẫn

     Như đã nói trên, các di tích loại hình đất đắp dạng tròn ở Bình Phước được Louis Malleret định vị trên bản đồ phân bố với ký hiệu tăng dần từ 1 đến 12 với các tọa độ cụ thể (tuy nhiên do khác hệ quy chiếu nên cần phải chuyển đổi trước khi sử dụng với các tiêu chuẩn mới hiện nay tại Việt Nam nên không thể dễ dàng định vị). Trong luận án của Nguyễn Trung Đỗ (2004) đã xác định lại tên của 12 điểm này như sau: Thác Mơ (số 1 hay Sông Bé), Long Hà 1 (số 2 hay Bu Karr), Bù Nho (Bu Gno Bara), Tân Hưng 1 (số 4 hay Xa-co Bắc), Tân Hưng 2 (số 5 hay Xaco 2), Tân Hưng 3 (số 6 hay Xa-co Đông Nam), Tân Hưng 4 (số 7 hay Xa-co Tây Nam), An Khương (số 8 hay Phú Miêng), Thanh Phú 1 (số 9 hay Kala Hon), Tân Lợi (số 10 hay Sóc Gòn), An Phú (số 12 hay Xa-cam Tây). Riêng di tích số 11 (còn gọi Xacam Đông) được mô tả nằm cách di tích An Phú khoảng 1km về phía đông hiện nay vẫn chưa tìm thấy. Như vậy, cho đến năm 2004, các nhà khảo cổ Việt Nam đã xác định lại được 11 trong số 12 di tích do L. Malleret công bố và tìm thấy nhiều di tích mới thông qua các chương trình điều tra khảo sát gần đây, đặc biệt trong những năm 2012 – 2018 với tổng số 66 di tích ở Bình Phước (Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phạm Hữu Hiến, 2018).

     Qua khảo sát các nguồn bản vẽ của Louis Malleret công bố năm 1959, bản vẽ phân bố di tích năm 2018, không ảnh từ phần mềm máy tính Google Earth và số liệu khảo sát bằng thiết bị định vị vệ tinh (GPS) và chương trình Garmin Mapsource cho thấy hai địa điểm cụ thể dưới đây có sự nhầm lẫn tên gọi ngay từ những năm 2000:

     – Di tích Long Hà 1 từng được xác định là di tích số 2 (Bu Karr).

     – Di tích Bù Nho từng được xác định là di tích số 3 (Bu Gno Bara).

     * Trường hợp di tích số 2 (Bu Karr)

     Qua bản đồ vị trí các khu vực đồn điền cũ từng được Louis Malleret dùng để định vị, di tích số 2 trùng khớp về vị trí, địa hình với Long Hưng 3 (được Trung tâm Khảo cổ học phát hiện vào năm 2013), di tích này nằm về phía tây của đồn điền Bu Karr (tên gọi cũ trước đây) và nằm cách Long Hà 1 khoảng 3,3km về phía bắc – tây bắc (Bản vẽ 3). Như vậy, di tích số 2 không phải là Long Hà 1 như Nguyễn Trung Đỗ từng xác định mà nó chính là di tích Long Hưng 3 vốn nằm xa hơn về phía bắc.

     * Trường hợp di tích số 3 (Bu Gno Bara)

     Qua bản vẽ của Louis Malleret, di tích số 3 nằm về phía đông nam của đồn điền cao su Bu Gno – Bara (tên gọi cũ), được Nguyễn Trung Đỗ xác định là di tích Bù Nho. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa cùng với không ảnh từ chương trình Google Earth và đo đạc phương vị cho thấy tại vị trí này chính là di tích Long Hà 3 (được tái phát hiện sau đó vào năm 2006). Di tích Long Hà 3 nằm ở phía đông của đồn điền Bu Gno – Bara và cách di tích số 2 khoảng 5km về phía nam tây nam (Bản vẽ 3). Như vậy, Bù Nho là một phát hiện hoàn toàn mới, nó không phải là di tích số 2 như công bố của Nguyễn Trung Đỗ năm 2004 mà Long Hà 3 mới chính là di tích số 3 đã từng được Louis Malleret đặt tên.

     Lý giải cho việc nhầm lẫn tên gọi trong trường hợp hai di tích số 2 và số 3 có thể do trước đây sau khi khảo sát thực địa để chấm điểm trên bản đồ, vì chưa phát hiện đầy đủ các di tích cũ mà Louis Malleret đã đề cập trong khu vực nên Nguyễn Trung Đỗ đã cho rằng Long Hà 1 chính là di tích số 2 và sau đó theo ông do “phía nam không hề thấy dấu vết đất đắp hình tròn nào nhưng về phía đông – đông nam khoảng 4km có một di tích” nên đã tiếp tục xác định Bù Nho chính là di tích số 3 (dù rằng phương vị và khoảng cách của hai di tích này không giống như trong bản đồ năm 1959 của L. Malleret).

Bảng 1. Điều chỉnh lại tên một số di tích đất đắp dạng tròn

Tên di tích

Louis Malleret

Nguyễn Trung Đỗ (2004)

Điều chỉnh 2019

1. Sông Bé

Thác Mơ

 

2. Bu Karr

Long Hà 1

Long Hưng 3

3. Bu Gno Bara

Bù Nho

Long Hà 3

4. Xa-co Bắc

Tân Hưng 1

 

5. Xa-co 2

Tân Hưng 2

 

6. Xa-co Đông Nam

Tân Hưng 3

 

7. Xa-co Tây Nam

Tân Hưng 4

 

8. Phú Miêng

An Khương

 

9. Kala Hon

Thanh Phú 1

 

10. Sóc Gòn

Tân Lợi

 

11. Xa-cam Đông

Chưa tìm thấy

 

12. Xa-cam Tây

An Phú

 

Bảng 2. Các giai đoạn phát hiện và nghiên cứu di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước

     Ghi chú:

     (a) Công bố của Louis Malleret năm 1959.

     (b) Xác định lại các tên gọi di tích cũ do Louis Malleret công bố tương ứng với tên gọi hiện tại.

     (c) Đề tài “Điều tra, thám sát và khai quật di tích đất đắp hình tròn ở Bình Phước” (1999 – 2000).

     (d) Dự án cấp Bộ “Điều tra cơ bản và hệ thống hóa tư liệu khảo cổ học vùng Nam Bộ (giai đoạn 1976 – 2005)” (2006 – 2010).

     (e) Đề tài Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Phước “Nghiên cứu, khảo sát lập bản đồ di chỉ khảo cổ học tỉnh Bình Phước” (2011 – 2012).

     (f) Đề tài cấp Bộ “Di tích đất đắp dạng tròn ở Đông Nam Bộ: nghiên cứu loại hình, chức năng và các quan hệ văn hóa” (2013 – 2014).

     (g) Các đợt khảo sát phối hợp giữa Trung tâm Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bình Phước (2017 – 2018).

     Như vậy, qua kết quả khảo sát mới, tác giả bài viết đề nghị chỉnh sửa và cập nhật tên gọi các di tích bị nhầm lẫn trước đây cũng như thời điểm phát hiện (chi tiết trong Bảng 1, Bảng 2), cụ thể như sau:

     – Di tích số 2 chính là Long Hưng 3, được L. Malleret phát hiện và định vị trên bản đồ, được Trung tâm Khảo cổ học tái phát hiện vào năm 2013 và khi ấy nhóm nghiên cứu đã cho rằng đó là một di tích mới phát hiện (vì thế cần điều chỉnh lại thông tin cả trong báo cáo tổng hợp của đề tài cấp Bộ này).

     – Di tích số 3 chính là Long Hà 3, được L. Malleret phát hiện và định vị trên bản đồ, được Nguyễn Trung Đỗ tái phát hiện vào năm 2006.

     – Hai di tích Long Hà 1 và Bù Nho là những di tích đất đắp dạng tròn hoàn toàn mới, được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và ghi nhận vào năm 2000 trong chương trình khảo sát phối hợp với tỉnh Bình Phước.

3. Phát hiện và nghiên cứu mới về di tích đất đắp dạng tròn

     3.1. Phát hiện về di tích

     Trong tháng 4/2019, Trung tâm Khảo cổ học và Bảo tàng Bình Phước đã tiến hành đợt khảo sát tại một số điểm di tích trên địa bàn tỉnh và phát hiện ba di tích mới như sau: Bình Tân 1, Phước Tân 2 (huyện Phú Riềng) và Phú Nghĩa 10 (huyện Bù Gia Mập). Ngoài ra, tại thị xã Phước Long, phía sau khu vực Dinh Tỉnh trưởng (trước đây) trong quá trình điều tra cũng đã ghi nhận vết tích còn lại của một di tích đất đắp dạng tròn nhưng do chưa có điều kiện khảo sát toàn bộ khu vực phân bố nên sẽ công bố trong thời gian sắp tới.

     – Di tích Bình Tân 1: có tọa độ 11°46’44” vĩ bắc và 106°55’12” kinh đông, thuộc xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Di tích này thuộc nhóm quy mô nhỏ với đường kính khoảng 100m, có hai lối ra vào đối xứng, hướng xuống sườn đồi. Hiện tại, khu vực di tích Bình Tân 1 bị đường nội bộ của nông trường cao su cắt ngang ở đoạn giữa.

     – Di tích Phước Tân 2: có tọa độ 11°46’20” vĩ bắc và 106°58’18” kinh đông, thuộc xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, hiện di tích bị đường giao thông cắt ngang, qua khảo sát cho thấy đường kính khu cư trú khoảng 90m, vòng đất đắp bên ngoài bị phá nhiều nên không thể đo đạc quy mô.

     – Di tích Phú Nghĩa 10: có tọa độ 11°55’37” vĩ bắc và 106°59’11” kinh đông, thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, nằm trên đỉnh một dãi đồi thấp, có dạng tròn với cấu trúc lối ra vào đơn giản, có quy mô nhỏ, đường kính khoảng 100m tương tự như di tích Bù Nho.

     Các phát hiện mới trong năm 2019 đã góp phần làm dày đặc thêm không gian phân bố của các di tích đất đắp dạng tròn, đặc biệt là khu vực phía đông của tỉnh Bình Phước. Như vậy, hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam đã có 69 di tích được xác định chính xác và hai di tích khác cần kiểm chứng (An Phú 2 hay di tích số 11 ở Bình Long và di tích mới phát hiện sau Dinh Tỉnh trưởng Phước Long cũ). Nhóm di tích mới phát hiện đều có quy mô nhỏ, cấu trúc đơn giản với hai lối ra vào đối xứng, hào không sâu hay có thể mờ nhạ như trường hợp Phú Nghĩa 10. Niên đại của nhóm di tích này cần nghiên cứu thêm, hiện nay chưa có tư liệu để nghiên cứu so sánh.

     3.2. Niên đại di tích qua một số kết quả phân tích mới

     Trong các cuộc khai quật quy mô nhỏ phối hợp với Bảo tàng Bình Phước và Ban Quản lý di tích Bình Phước tại hai địa điểm Bù Nho và Long Hưng 1 vào cuối năm 2017, có nhiều mẫu than gỗ được thu thập trong tầng văn hóa và gởi phân tích bằng phương pháp AMS ở Đại học Quốc gia Úc (ANU) và Đại học Bắc Kinh (PKU) để xác định niên đại và quá trình cư trú.

     Tại di tích Bù Nho có 2 mẫu than gởi ANU và 2 mẫu gởi PKU được thu thập trong hố khai quật H1 và hố thám sát TS2. Các mẫu do ANU phân tích cho kết quả như sau:

     – Mẫu ký hiệu 58706 (Bu Nho 1) được lấy trong tầng văn hóa hố khai quật H1 ở lớp 2.2 cho kết quả 14C 3555 ± 20, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 1955 – 1875 trước Công nguyên (độ tin cậy 85,6%).

     – Mẫu ký hiệu 58707 (Bu Nho 2) được lấy trong tầng văn hóa hố thám sát TS2 cho kết quả 14C 2185 ± 25, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 359 – 273 trước Công nguyên (độ tin cậy 57%).

     Các mẫu do PKU phân tích cho kết quả:

     – Mẫu ký hiệu BA180744 được lấy trong tầng văn hóa hố thám sát TS2 ở lớp 7 (sâu 206cm so với điểm chuẩn) cho kết quả 14C 1975 ± 25 cách ngày nay, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả năm 41 trước Công nguyên đến năm 74 Công nguyên (độ tin cậy 95.4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180745 được lấy trong tầng văn hóa hố khai quật H1, ở lớp 2.2 (độ sâu 90cm so với điểm chuẩn) cho kết quả 14C 3280 ± 25 cách ngày nay, sau khi hiệu chỉnh cho niên đại 1618 – 1503 trước Công nguyên (độ tin cậy 95.4%).

     Tại di tích Long Hưng 1 gần đó, trong cuộc khai quật lần này có 1 mẫu than gởi ANU và 6 mẫu gởi PKU phân tích niên đại cho kết quả như sau:

     – Mẫu ký hiệu S-ANU#39013 (14.LH1.TS1.L15) cho kết quả 3075 ± 20 BP, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 1409 – 1280 trước Công nguyên (độ tin cậy 95,4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180749 (17.LHg.TS1.L1.5) ở độ sâu +130cm cho kết quả 3030 ± 25 BP, sau hiệu chỉnh cho kết quả 1322 – 1211 trước Công nguyên (độ tin cậy 70,4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180748 (17.LHg.TS1.L2.5) ở độ sâu +93cm cho kết quả 2965 ± 30 BP sau hiệu chỉnh cho kết quả 1268 – 1056 trước Công nguyên (độ tin cậy 95,4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180747 (17.LHgTS1.L3.2) ở độ sâu +74cm cho kết quả 3045 ± 30 BP sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 1399 – 1221 trước Công nguyên (độ tin cậy 95,4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180746 (17.LHg.TS1. sinh thổ) được lấy ở độ sâu +68cm cho kết quả 3170 ± 25 BP, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 1500 – 1410 trước Công nguyên (độ tin cậy 95,4%).

     – Mẫu ký hiệu BA180751 (17.LHg.TS4.L2.8) ở độ sâu +85cm cho kết quả 3235 ± 25 BP, sau khi hiệu chỉnh cho kết quả 1561 – 1437 trước Công nguyên (độ tin cậy 87,1%).

     Kết quả nghiên cứu thực địa cho thấy hai di tích Bù Nho và Long Hưng 1 là những trường hợp điển hình của hai dạng di tích vốn có sự khác biệt về quy mô và độ phức tạp của cấu trúc. Nếu như Long Hưng 1 có quy mô lớn (đường kính khoảng 226m), vòng đất đắp bên ngoài nổi cao, hào sâu và lối ra vào có cấu tạo phức tạp thì ngược lại ở di tích Bù Nho lại có quy mô nhỏ (đường kính khoảng 140m), không có vòng đất đắp cao bên ngoài mà chỉ có hào và cấu trúc lối ra vào đơn giản. Việc có được những kết quả phân tích AMS tại hai di tích này đã góp phần nhận diện niên đại của từng loại hình cũng như quãng thời gian cư trú của cộng đồng cư dân cổ sinh sống tại đây trong quá khứ.

     Qua 4 mẫu phân tích niên đại tại Bù Nho do hai cơ quan nghiên cứu khác nhau phân tích cho thấy có hai nhóm niên đại tương ứng khoảng 3.900 – 3.500 năm cách ngày nay và một kết quả muộn hơn rất nhiều (khoảng 1 – 2 thế kỷ trước và sau Công nguyên và niên đại này không tương thích với tổ hợp di vật tìm thấy, khả năng mẫu gỗ giai đoạn sau bị lẫn vào tầng văn hóa).

     Các mẫu than ở Long Hưng 1 trước đây cho thấy niên đại di tích này vào khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay. Đặc biệt có 4 mẫu than được lấy theo diễn biến các lớp trong tầng văn hóa của hố thám sát TS1 đã cho thấy quá trình cư trú tại đây kéo dài liên tục trong khoảng 500 năm (Bảng 3), khoảng niên đại của quá trình cư trú này cũng tương thích với loại hình đồ gốm và công cụ đá tìm thấy trong di tích.

Tên di tích

Vị trí

Ký hiệu

Lớp

Độ sâu

Niên đại 14C

Niên đại (cal. BC)

Long Hưng 1

TS1

BA180749

L1.5

+ 130cm

3030 ± 25 BP

1322 – 1211 (70,4%)

Long Hưng 1

TS1

BA180748

L2.5

+ 93cm

2965 ± 30 BP

1268 – 1056 (95,4%)

Long Hưng 1

TS1

BA180747

L3.2

+ 74cm

3045 ± 30 BP

1399 – 1221 (95,4%)

Long Hưng 1

TS1

BA180746

Bề mặt sinh thổ

+ 68cm

3170 ± 25 BP

1500 – 1410 (95,4%)

     Như vậy, qua kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp AMS có thể nhận thấy Bù Nho và nhóm di tích gần đó, có cùng loại hình đơn giản, quy mô nhỏ như Long Tân 1, nhóm di tích Nghĩa Trung, Phú Nghĩa nhiều khả năng có niên đại sớm hơn các di tích quy mô lớn hơn như Long Hưng 1, Thuận Lợi 1 và Lộc Tấn 2. Cư dân cổ Bù Nho là một trong những nhóm định cư tại vùng này từ rất sớm trong bối cảnh tiền sử Đông Nam Bộ, vào khoảng 3.800 – 3.500 năm cách ngày nay. Giai đoạn sau đó (khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay) xuất hiện hàng loạt di tích cùng loại hình phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau.

     Qua các kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp AMS ở di tích Long Hưng 1 được thu thập theo trật tự trong tầng văn hóa từ sớm đến muộn đã cho thấy thời gian cư trú của người cổ tại đây diễn ra trong khoảng 500 năm, tương ứng với độ dày của tầng văn hóa khoảng 0,5 – 1,0m. Thực sự để tạo dựng nên một di tích cư trú có phòng ngự với tường đất đắp bên ngoài và hào sâu bên trong đòi hỏi tiêu tốn nhiều nhân lực, do đó một khi đã lựa chọn nơi cư trú phù hợp thì các cộng đồng này nhất định phải cư trú trong thời gian lâu dài trước khi chuyển sang khu vực khác có thể do sự cạn kiệt nguồn lợi từ thiên nhiên. Các kết quả phân tích về niên đại cho những di tích đất đắp dạng tròn ngày càng nhiều đã góp phần củng cố thêm niên đại khởi đầu cho những cộng đồng cư dân cổ, khi chủ nhân của những “làng tròn” chiếm lĩnh vùng đất đỏ basalt vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Kể từ thời điểm đó kéo dài suốt hơn một ngàn năm tiếp theo, hàng trăm ngôi làng đã được tạo lập ở khu vực Nam Đông Dương, với cùng tập quán cư trú kết hợp phòng thủ trong một không gian khép kín độc đáo dạng hình tròn trên những mõm đồi cao ven những dòng suối – bưng nước được bảo lưu bền vững như một truyền thống văn hóa. Số lượng di tích đã phát hiện rất nhiều cùng với tính nhất quán trong việc tạo lập khu cư trú dạng tròn của những cộng đồng cổ nơi đây là những tín hiệu ban đầu cho thấy sự tập trung “quyền lực” trong những thủ lĩnh địa phương đã tương đối cao, là tiền đề để những cộng đồng nơi đây từng bước thiết lập nên những tổ chức “nhà nước sơ khai” đã có nền móng văn hóa bản địa vững chắc trước khi tiếp nhận các yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài trong vài thế kỷ sau đó.

4. Thảo luận

     Kết quả nghiên cứu thực địa kết hợp với các phương tiện, kỹ thuật và thiết bị định vị chính xác đã cho thấy có sự nhầm lẫn tên gọi một số di tích đất đắp dạng tròn được L. Malleret phát hiện và các nhà khảo cổ Việt Nam tái phát hiện sau 1975. Theo đó, di tích số 2 của L. Malleret chính là Long Hưng 3 được phát hiện năm 2013 và di tích số 3 chính là Long Hà 3, từng được phát hiện vào năm 2006. Vì vậy, Bù Nho và Long Hà 1 chính là những phát hiện di tích mới của khảo cổ học Việt Nam trong cuộc khảo sát năm 2000. Các kết quả khảo sát trong thời gian ngắn trong năm 2019 cho thấy các di tích đất đắp dạng tròn vẫn còn nhiều tiềm năng phát hiện và nghiên cứu, dù rằng chúng phân bố rất gần với các khu vực đã từng ghi nhận có di tích trước đây. Vì thế, rất cần thiết phải triển khai tiếp tục nhiều chương trình điều tra khảo sát thực địa để định vị, nghiên cứu và lập hồ sơ nhằm bảo vệ di tích trước những tác động không mong muốn của quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

     Một số di tích mới khai quật gần đây, được phân tích niên đại cho thấy khả năng trật tự niên đại sớm – muộn có liên quan đến quy mô và độ phức tạp của cấu trúc các di tích đất đắp dạng tròn. Các di tích quy mô nhỏ, cấu trúc đơn giản có niên đại sớm (khoảng gần 4.000 năm cách ngày nay) vì thế cần triển khai thêm nhiều mẫu phân tích AMS cho nhiều di tích tiêu biểu để có thể nhận diện rõ hơn diễn tiến loại hình các di tích đất đắp dạng tròn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên. 2014. Báo cáo tổng hợp: “Di tích đất đắp dạng tròn ở Đông Nam Bộ: nghiên cứu loại hình, chức năng và các quan hệ văn hóa”. Đề tài cấp Bộ (2013 – 2014). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     2. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên. 2018. “Di tích đất đắp dạng tròn ở Bình
Phước: phát hiện mới và vấn đề nghiên cứu”. Tạp chí Khảo cổ học, số 5.

     3. Lê Văn Quang, Bùi Chí Hoàng. 2013. Báo cáo tổng hợp: “Nghiên cứu, khảo sát lập bản đồ di chỉ khảo cổ học tỉnh Bình Phước”. Đề tài Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Phước (2011 – 2012).

     4. Louis Malleret. 1959. “Ouvrages circulaires en terre dans l’indochine méridionale”. BEFEO 49: 409-434.

     5. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phạm Hữu Hiến. 2018. Báo cáo điều tra khảo sát các di tích đất đắp dạng tròn trên địa bàn tỉnh Bình Phước (2017 – 2018). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     6. Nguyễn Trung Đỗ. 2004. Di tích đất đắp hình tròn ở Bình Phước. Luận án tiến sĩ Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội tại TPHCM.

     Ghi chú:

Các bảng vẽ trong bài viếtKính mời Quý độc giả xem các bảng vẽ ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11 (255), 2019

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số nghiên cứu mới về những di tích đất đắp dạng tròn trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Tác giả: Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phạm Hữu Hiến)