Một số nữ thần tiêu biểu trong văn hóa Veda Ấn Độ từ góc nhìn Shakti (Quyền lực nữ tính)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ THỊ THUỶ CHUNG
(Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Đặt vấn đề
Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, Ấn Độ là vùng đất của sự đa dạng về nhiều mặt: địa hình, khí hậu, hệ động thực vật, ngôn ngữ, giai cấp, tộc người, v.v…, đặc biệt là sự đa dạng được phản ánh một cách sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo. Có thể nói, văn hóa Ấn Độ là tổng hòa những yếu tố tương phản tồn tại song song và làm nổi bật lẫn nhau. Trong đời sống hàng ngày ở Ấn Độ, những người thuộc những nền văn hóa khác nhau thực hành đức tin, tập quán và nguyên tắc của cộng đồng mình, đồng thời tôn trọng truyền thống văn hóa của cộng đồng khác (ngoại trừ khi nảy sinh xung đột là hệ quả của nhiều động cơ tranh chấp kết hợp, đặc biệt là khi có sự tham gia của những động cơ tranh chấp chính trị). Chính vì tinh thần tôn trọng sự khác biệt, hay là sự “thống nhất trong đa dạng” (Unity in Diversity) này, Ấn Độ đã và đang nắm giữ một kho tàng di sản văn hóa vĩ đại và là môi trường thích hợp cho nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại và phát triển. Trong xã hội Ấn Độ, tôn giáo đóng vai trò trọng tâm và có tính quyết định bản sắc của từng cộng đồng cũng như ứng xử xã hội của cộng đồng đó.
Trong bức tranh phức tạp và tương phản của nền văn hóa Ấn Độ, vai trò của người phụ nữ là một yếu tố đặc biệt và được đề cập ở nhiều tư liệu. Vị thế của người phụ nữ Ấn Độ có nhiều thay đổi theo chiều dài lịch sử và gây ra các cuộc tranh cãi trong giới học giả: từ vị thế bình đẳng với nam giới trong thời cổ đại, trải qua thời trung đại với vai trò bị hạ thấp và trói buộc bởi nhiều định kiến xã hội, cho tới thời hiện đại sôi động khi người phụ nữ đạt tới những vị trí cao ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Pratibha Patil, cố Thủ tướng Indira Gandhi, chính trị gia nổi tiếng Sonia Gandhi, lãnh đạo một số đảng đối lập, và các học giả bậc cao. Có thể thấy, trong một thời kỳ nhất định, cách nhìn nhận vị thế người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ cũng có nhiều khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn dựa trên các cứ liệu và bối cảnh khác nhau. Ví dụ, ở thời cổ đại, trong các văn bản Ramayana và Mahabharata1, người phụ nữ có vị thế lý tưởng trong xã hội, trong khi một số văn bản như Manu Smriti2 ở giai đoạn muộn hơn lại hạn chế nhiều quyền của phụ nữ. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ cổ đại qua trung đại, vai trò của người phụ nữ trong nghệ thuật ân ái được đề cao, chẳng hạn như những câu chuyện về cô gái điếm quý tộc Amrapali ở Vaishali3, hay các luận điểm trong Kama Sutra4. Điều này có phần mâu thuẫn với quan điểm tôn vinh đức hạnh và trinh tiết của người phụ nữ như chuyện về nàng Sita trong Ramayana. Tuy nhiên, nó vẫn cho thấy một góc nhìn khác về cái gọi là “quyền lực nữ tính”. Vậy, trong một xã hội rộng lớn và nhiều thành phần phức tạp như xã hội Ấn Độ cổ đại, những yếu tố nào tác động tới quan niệm xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ khiến họ được nhìn nhận bình đẳng với nam giới và nắm giữ những vị trí cao trong xã hội? Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, trước hết, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ dựa vào những cứ liệu tôn giáo Ấn Độ cổ đại, bởi vì, như trên đã đề cập, tôn giáo đóng vai trò là linh hồn của từng cộng đồng và quyết định ứng xử của họ trong đời sống xã hội Ấn Độ.
Văn hóa Veda, nền tảng của Hindu giáo
Vedas là bộ văn bản Hindu giáo (Hinduism)5 cổ nhất và cũng là tác phẩm văn học viết bằng tiếng Sanskrit cổ nhất còn lưu truyền tới ngày nay. Mặc dù trong giới học giả Ấn Độ đương đại còn nhiều tranh cãi về cách hiểu những nội dung được ghi chép trong bộ văn bản này, nhưng một điều có thể khẳng định, đây là một trong những cứ liệu quan trọng nhất cho các công trình nghiên cứu văn hoá – tôn giáo Ấn Độ thời cổ đại, đánh dấu tư tưởng khởi nguồn của Hindu giáo. Trong tiếng Sanskrit, veda có nghĩa là “tri thức”. Bộ kinh hay còn được gọi là thánh ca này chứa đựng triết lý vũ trụ quan, nhân sinh quan và truyền thuyết về hàng trăm vị thần khởi nguyên của Hindu giáo, được coi là lời truyền dạy của các thần linh do các tu sĩ bậc cao ghi chép lại. Kinh Vedas bao gồm bốn phần: Rig Veda gồm các áng thơ ca ngợi các vị thần; Yajurveda mô tả các nghi thức hành lễ; Samaveda là giai điệu các bài ca vịnh thần chú được sử dụng trong các nghi thức hiến tế; Atharvaveda là tập hợp những câu chú yểm trừ ma quỷ, giải hạn, thể hiện khát vọng trong cuộc sống của con người trần tục, bên cạnh một số bài thánh ca có tính chất triết lý và dự đoán tương lai. Trong bốn tạng kinh trên đây, ba tạng đầu tiên được coi là ba tạng kinh kinh điển và là nguồn gốc hệ tư tưởng Hindu giáo, trong đó Rig Veda được xác định là ra đời sớm nhất. Tạng thứ tư kế thừa và phát triển ý tưởng của ba tạng trên. Một số văn bản tôn giáo ra đời muộn hơn như Brahmana, Ưpanishad, Mahabharata, Puranas, v.v… được coi là thế hệ “hậu Veda”, đã góp phần mở rộng khái niệm Kinh Veda thành Văn hóa Veda.
Văn hóa Veda bao trùm một giai đoạn lịch sử kéo dài hàng nghìn năm, bắt đầu từ sự ra đời của Rig Veda (mà nhiều học giả cho là nằm trong khoảng năm 1500 đến năm 1100 trước Công nguyên, trong khi một số học già khác cho là có thể sớm hơn – khoảng năm 3000 trước Công nguyên – cùng niên đại với nền văn minh Indus), và kết thúc vào khoảng năm 500 trước Công nguyên. Văn hóa Veda được đánh dấu bằng những tác phẩm văn học tiêu biểu của Hindu giáo… bao gồm bốn tạng kinh Veda và các tác phẩm “hậu Veda”, chủ yếu viết bằng chữ Sanskrit. Các tác phẩm này thể hiện quá trình chuyển biến tư tưởng trong Hindu giáo từ quan niệm đa thần luận tới độc thần luận, và từ độc thần luận tới triết học. Phật giáo (Buddhism) và Giaina giáo (Jainism) là hai tôn giáo lớn ra đời tại Ấn Độ vào khoảng cuối thời kỳ văn hóa Veda cũng không phủ nhận tư tưởng của bộ kinh này. Văn học Veda đôi khi cũng được đề cập trong văn bản Phật giáo và Giaina giáo, tuy nhiên, nó không được các tôn giáo này coi là triết lý tối cao như trong tư tưởng Hindu giáo.
Khái niệm Shakti trong Hindu giáo
Shak theo tiếng Sanskrit có nghĩa là “khả năng”. Shakti là một khái niệm trong Hindu giáo chỉ năng lượng thiêng liêng của các vị thần, hay là năng lượng căn bản của vũ trụ, được sử dụng để tiêu diệt ma lực và lập lại sức mạnh cân bằng trong vũ trụ. Hầu hết các trường hợp shakti đều được biểu thị thông qua hiện thân của các nữ thần, đại diện cho sức mạnh sáng tạo và phồn thực. Tuy nhiên, mỗi nam thần cần có shakti riêng lệ thuộc vào một nữ thần – vị phối ngẫu. Nấu mất năng lượng shakti, một nam thần coi như mất quyền lực. Ví dụ, Lakshmi được coi là năng lượng của Vishnu, Parvati hay Shakti được coi là năng lượng của Shiva. Trong Hindu giáo, quan niệm về shakti rất đa dạng và biểu hiện thông qua nhiều dạng năng lượng khác nhau trong cơ thể sống: trí não, cơ thể, hơi thở, ý thức v.v… Hơn thế, shakti còn biểu hiện cả những dạng năng lượng của vũ trụ, siêu nhiên. Hiểu một cách ngắn gọn, shakti là khái niệm về quyền lực nữ tính và là năng lượng gốc của các vị thần.
Trong Hindu giáo, có nhiều quan điểm khác nhau của các giáo phái về bản chất và giới tính chính xác (nếu có) của vị thần tối cao, thậm chí có những giáo phái hoài nghi về sự hữu thể của các thần. Ví dụ như Shaktism tập trung sự thờ phụng nữ thần Devi là hiện thân tối cao của quyền lực, hoặc tôn thờ Shakti là khái niệm hay hiện thân của quyền lực nữ tính, hình thái nữ của thần. Giáo phái Vaishnavism thờ Lakshmi cùng với Vishnu1 và giáo phái Shaivism thờ Parvati cùng với Shiva2 ở mức độ trang trọng ngang bằng nhau (như hai mặt nam và nữ của một vị thần). Trong một số trường hợp, chẳng hạn như với nhánh Gaudiya Vaishnavism, mặt nữ của vị thần được chú trọng hơn khi thờ phụng. Như vậy, có thể nói rằng ngay từ rất sớm, Hindu giáo quan niệm thần có cả hai yếu tố nam và nữ và không phân biệt ngôi vị cao thấp do giới tính của thần. Việc sử dụng sức mạnh thiêng liêng đòi hỏi phải có sự gắn bó và phối hợp của cả hai yếu tố nam và nữ. Biểu hiện của Shakti qua một số hình tượng nữ thần tiêu biểu trong văn hóa Veda.
Mặc dù khái niệm Shakti xuất hiện muộn hơn trong tư tưởng Hindui giáo, nhưng hầu hết các học giả Ấn Độ đều thừa nhận trong kinh Veda đã thể hiện quan niệm Shakti rõ nét và mạnh mẽ, thông qua hình tượng các nữ thần với quyền lực và ảnh hưởng của họ đối với các nam thần cũng như với các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Trong Rig Veda đề cập tới ít nhất là bốn mươi nữ thần và từ shakti xuất hiện khoảng trên mười lần.1
Shakti – the realm of the Divine Mother (Shakti – lãnh địa cùa Đức Mẹ thiêng liêng) là một chuyên khảo của Mataji Vanamali, một học giả nữ người Ấn Độ, đã mô tả nhiều khía cạnh khác nhau của Shakti thông qua hơn ba mươi ứng thân của các nữ thần trong văn hóa Veda. Theo đó, Shakti được xem như một nữ thần tối cao biểu hiện qua nhiều hình tượng: Durga, Lakshmi, Parvati, và Kali. Shakti được miêu tả là sự biểu hiện phổ quát của quyền lực, bao gồm cả sự dịu dàng và dữ dội. Một số ứng thân nữ thần biểu hiện cho sức mạnh nhẹ nhàng và hòa bình (Lakshmi) trong khi có nữ thần biểu hiện cho sức mạnh hung dữ và đáng sợ (Kali), hình tượng người phụ nữ lý tưởng của gia đình (Parvati) hay chiến binh khốc liệt (Durga).
Durga
Durga là một trong những nữ thần dữ dội và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong thần thoại Ấn Độ. Nữ thần này là hiện thân của Đấng Tối cao, người bảo vệ trật tự đạo lý và sự công bằng. Durga trong tiếng Sanskrit có nghĩa là không thể tới gần, hoặc vó địch. Durga còn được gọi là Mẫu Thiêng, thường bảo vệ loài người khỏi tội ác, bất hạnh bằng cách tiêu diệt cái ác và thói xấu như sự ích kỷ, lòng đố kỵ, định kiến, thù hận và giận dữ.
Nghi lễ thờ cúng nữ thần Durga rất phổ biến trong những người Hindu. Nữ thần này còn được gọi bằng nhiều cái tên khác: Parvati, Ambika, và Kali. Khi là ứng thân của Parvati, bà được coi là nữ thần phối ngẫu của thần Shiva. Hình ảnh hiện thân cùa nữ thần Durga thường thấy là một người phụ nữ trong trang phục màu đỏ, có mười tám cánh tay, mỗi tay được trang bị một loại vũ khí khác nhau. Màu đỏ của trang phục tượng trưng cho chiến tranh là hoạt động điển hình của nữ thần Durga. Nữ thần thường được thể hiện ngồi trên một con hổ. Con hổ được cho là tượng trưng cho sức mạnh vô biên và hình ảnh kết hợp của nữ thần trên lưng hổ có ý nghĩa nữ thần là người sở hữu sức mạnh vô biên và sử dụng sức mạnh đó để bảo vệ đạo lý, tiêu diệt cái ác. Tám cánh tay của nữ thần và những vũ khí khác nhau trên mỗi bàn tay biểu thị các sức mạnh khác nhau tạo nên quyền lực tổng họp của nữ thần.
Sarawati
Sarawati là nữ thần phối ngẫu của Brahma1. Saravvati là nữ thần của âm nhạc, nghệ thuật, khoa học và tri thức, được các nhà giáo và học sinh, sinh viên tôn sùng. Đặc biệt, nghi lễ thờ cúng nữ thần này thường diễn ra và đầu mùa xuân. Người Hindu cho ràng, với sức mạnh tri thức của Sarasvvati, Brahma đã sáng tạo ra vũ trụ. Nữ thần Sarasvvati được coi là một yếu tố của trishakti (một biểu hiện của hình thái tam vị nhất thể) bao gồm Saraswati, Lakshmi, Pavarti (hoặc Kali). Hình thái bộ ba này cung cấp sức mạnh kết hợp hỗ trợ cho tam vị nhất thể của Brahma, Vishnu và Shiva. Hình tượng Saraswati cũng được thờ cúng khá phổ biến trong Phật giáo và Giaina giáo gắn với những truyền thuyết và tín ngưỡng khác nhau.
Ý nghĩa tên gọi và ứng thân của nữ thần Saraswati gắn với hình ảnh dòng nước chảy. Dòng nước chính là tiền thân của nữ thần (sông Sarasvvati)2, đồng thời cũng được coi là hình tượng của tri thức. Hình ảnh nữ thần Sarasvvati thường được thể hiện với vẻ đẹp quyến rũ, trang phục sari màu trắng tinh khiết, đứng hoặc ngồi trên một đóa sen trắng, hoặc một con thiên nga trắng, có bốn tay, trên tay thường có cuốn sách và cây đàn. Màu trắng đặc trưng của Saraswati hàm ý nữ thần là hiện thân của sự thật tuyệt đối và tri thức đích thực. Khác với nữ thần Lakshmi, Sarasvvati thường sử dụng những đồ trang sức đơn giản hàm ý nữ thần coi trọng trí tuệ hơn tất cả mọi thứ vật chất trên thế gian.
Kali
Cùng với hai nữ thần trên, Kali được coi là nữ thần tiêu biểu cho quyền; năng shakti. Tên gọi Kali trong tiếng Sanskrit có nghĩa là màu đen, thời gian, cái chết, v.v… Mặc dù hiện thân sớm nhất của nữ thần tượng trưng cho sự huỷ diệt, nhưng các dạng hiện thân thường gặp là bóng tối và bạo lực. Các giáo phái sùng bái quyền năng shakti thường thực hành nghi lễ thờ cúng Kali trong vai trò là nữ thần của sự thật tối thượng và được coi là nữ thần phối ngẫu của thần Shiva. Có thể thấy Kali xuất hiện thường xuyên cùng Shiva trong Purana1. Trong một số truyền thuyết, nữ thần Kali thường xuất hiện kịp thời để hỗ trợ nữ thần Durga tiêu diệt kẻ ác. Daksinakali là một truyền thuyết phổ biến trong đó kể về một trận chiến của nữ thần Kali. Khi tất cả các chiến binh đã ngã xuống, nữ thần Kali vẫn say sưa nhảy múa trong vũ điệu huỷ diệt điên cuồng. Chỉ tới khi chân của nữ thần giẫm lên mình Shiva (vị thần tượng trưng cho sức mạnh huỷ diệt và là nam thần phối ngẫu của Kali) thì nữ thần mới dừng lại và thè lưỡi biểu hiện sự hổ thẹn, một sự hổ thẹn rất nữ tính khi nhận thấy người nằm dưới chân chính là chồng mình – một vị thần quyền năng lừng lẫy. Hình ảnh nữ thần Kali giẫm trên mình Shiva được mô tả trong nhiều bức tranh thể hiện quan niệm không còn gì phải nghi ngờ năng lượng nguyên thuỷ của Kali là tối thượng. Hình tượng nữ thần Kali trong các tác phẩm nghệ thuật rất đa dạng: khi là một người phụ nữ đẹp, da trắng, có từ bốn cho tới mười cánh tay, tuy nhiên, hình ảnh phổ biến hơn là một nữ thần da đen, dáng vẻ hung dữ, tay thường cầm vũ khí hoặc đầu của nạn nhân. Đặc biệt, chi tiết hầu như nhất quán trong các bức tranh thể hiện Kali là cái lưỡi đang thè dài ra gắn với truyền thuyết được nhắc tới ở trên.
Lakshmi
Lakshmi được coi là nữ thần của cải và sắc đẹp và là nữ thần phối ngẫu của Vishnu. Ngoài vai trò là nguồn shakti của thần Vishnu, nữ thần này được tin là sẽ mang lại sự may mắn và bảo trợ các tín đồ tránh khỏi sự đói nghèo và bất hạnh. Tương ứng với việc Rama và Krishna được coi là các ứng thân của Vishnu, Sita (vợ của Rama) và Radha (người tình của Krishna) cũng được coi là các ứng thân của Lakshmi. Nữ thần này được thờ cúng hằng ngày trong các gia đỉnh Hindu và ở các địa điểm thương mại để cầu mong tài lộc. Hình tượng Lakshmi cũng xuất hiện tại nhiều đền thờ bên cạnh Vishnu.
Nữ thần Lakshmi thường được thể hiện trong trang phục màu đỏ hoặc màu vàng, tượng trưng cho sự no đủ, cùng rất nhiều trang sức vàng ngọc. Nữ thần có mái tóc dài hơi lượn sóng rất nữ tính. Nữ thần này thường có bốn cánh tay, trong đó hai tay cầm hoa, hai tay còn lại cầm hũ vàng và rắc vàng xuống đất.
Parvati/Sati
Parvati là nữ thần phối ngẫu của Shiva và được coi là tái hiện thân của Sati (hoặc Shakti) – nữ thần phối ngẫu đầu tiên và đã hy sinh sự sống của mình vì danh dự của Shiva1 . Parvati được coi là nữ thần của quyền lực, tượng trưng cho sắc đẹp quyến rũ, tình yêu chân thành tận tuỵ và tình mẫu tử thiêng liêng, và là người nắm giữ năng lượng shakti của Shiva. Gắn bó với vị thần tối cao Shiva, Parvati có vai trò vô cùng quan trọng trong việc động viên, khuyến khích nam thần này hướng tới những hoạt động tích cực. Mặt khác, khi Shiva nổi giận trong điệu múa hủy diệt, Parvati đã cố gắng xoa dịu cơn giận của chồng bằng điệu nhảy Lasya uyển chuyển, dịu dàng. Bên cạnh đó Parvati còn được coi là nữ thần ban phát sức mạnh căn bản cho toàn vũ trụ, bao gồm cả các vị thần và loài người, do đó bà được tôn vinh là Nữ thần Vĩ đại. Parvati được thể hiện ở nhiều ứng thân khác nhau, bao gồm Durga, Kali, và một số ứng thân khác.
Hình ảnh của nữ thần Parvati được thể hiện là một phụ nữ xinh đẹp, thường đứng bên cạnh Shiva, hoặc cùng ngồi trên lưng bò thần Nandi, đôi khi đang trong tư thế bế Ganesh – thần voi, con trai của nữ thần và Shiva.
Kết luận
Các nhà triết học Ấn Độ cổ đại đã xây dựng lý thuyết về Shakti cơ bản ‘dựa trên thuyết nhị nguyên về Prakriti và Purusha. Đây được coi là hai nguyên lý cơ bản trong quá trình sáng tạo nên vũ trụ: vật chất (Parkriti) và tinh thần (Purusha). Parkriti được xem là sức mạnh, là tiềm năng thiên nhiên vô tri, tồn tại ngay cả ừước khi vũ trụ hình thành. Chỉ khi Parkriti tiếp xúc với Purusha thì sự chuyển hoá mới diễn ra bao gồm sự kết họp chặt chẽ giữa nguyên lý vật chất và tinh thần. Dựa trên lý thuyết này, shakti được tin là tác nhân quyết định quá trình chuyển hoá của sức mạnh. Tuy nhiên, năng lượng này không thể tồn tại độc lập trong vũ trụ mà phải gắn với một tiền đề vật chất là một nam thần. Đẻ phát huy hiệu lực của nguồn năng lượng này, sự gắn kết giữa shakti với tiền đề vật chất được thể hiện qua quan hệ phối ngẫu giữa nữ thần nắm giữ shakti với nam thần tương ứng. Mối quan hệ này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết lý cộng sinh trong vũ trụ với quan hệ phối ngẫu trong đời sống, trong đó chứa đựng đầy đù sắc thái của sự bổ sung, phối hợp, gắn kết, hy sinh, mâu thuẫn và đấu tranh, v.v… Những sắc thái này được biểu hiện rất phong phú và nhiều màu sắc thông qua các truyền thuyết về đời sống các vị thần trong Hindu giáo.
Nhìn chung, trong Hindu giáo, shakti được cho là sức mạnh độc quyền của nữ giới. Trong cuộc sống, giữa xã hội to lớn và chứa đựng nhiều mâu thuẫn này, con người, đặc biệt là các tín đồ nữ, còn coi shakti như là cứu cánh và cầu viện mỗi khi gặp bế tắc, ví dụ như khi không có con, gặp dịch bệnh hay bị ngược đãi, v.v… Vượt ra khỏi các ranh giới thời gian trong lịch sử, shakti luôn tồn tại trong văn hóa Ấn Độ như một nguồn lực tinh thần mạnh mẽ.
__________
1. Hai sử thi Ấn Độ cổ đại viết bằng tiếng Sanskrit.
2. Tác phẩm thơ bàn về các quy tắc đạo đức và lối sống.
3. Truyền thuyết Ấn Độ kể về Amrapali như một nhân vật có thực. Cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cùng với sự thông minh và can đảm, đã ngăn được chiến tranh, đồ máu, và cuối đời trở thành một tín đồ nổi tiếng của đức Phật.
4. Kama Sutra là một tác phẩm viết bằng tiếng Sanskrit, biên khảo những luận bàn của người Ấn cổ đại về nghệ thuật tình dục, về bản chất của tình yêu, và các giá trị khác liên quan tới sự viên mãn trong đời sống gia đình. Có thể tạm hiểu Sutra là “châm ngôn”, còn Kama là “khoái lạc”.
5. Trong bài viết này, Hinduỉsm được đùng để chỉ Hindu giáo, là tôn giáo ra đời sớm nhất ở Ấn Độ thời cổ đại, bao gồm nhiều giáo phái lớn nhỏ khác nhau. Theo kết quả điều tra năm 2002 của chính phủ Ấn Độ, có tới 80% dân số Ấn Độ thực hành Hindu giáo. Có nhiều tranh cãi giữa các học giả về cách sử dụng thuật ngữ này, tuy nhiên, khuôn khổ bài viết không cho phép bàn vấn đề này ở đây.
1. Là một trong ba vị thần phổ biến nhất trong Hindu giáo, được tôn thờ là Đấng Tối cao, tượng trưng cho sức mạnh “bảo tồn vũ trụ”.
2. Vị thần chủ yếu và được thờ cúng rộng rãi nhất trong Hindu giáo, tượng trưng cho sức
mạnh “huỷ diệt” hoặc “biến đổi”, cần lưu ý, triết lý trong Hindu giáo cho ràng sự huỷ diệt
là khởi nguồn của một chu trình mới. Do đó, Shiva mang theo sức mạnh đáng sợ nhất đồng thời lại hứa hẹn nhiều hy vọng nhất.
1. Theo Frank Gaetano Morales, Khái niệm shakti: Hindu giáo – động lực tự do cho phụ nữ, Darma Central (2000). Web.
1. Một trong ba vị thần phổ biến nhất trong Hindu giáo, biểu thị quyền lực “sáng tạo” và được thờ cúng khá phổ biển trong thời kỳ Veda. Tuy nhiên, ngày nay nghi lễ thờ cúng Brahma không còn được thực hành rộng rãi do nhiều giáo phái kết hợp quyền lực của vị thần này với Shiva.
2. Theo Rig Veda.
1. Một tác phẩm văn học tôn giáo được xếp vào giai đoạn “hậu Veda”.
1. Quan niệm về sati – sự hy sinh của người phụ nữ là một trong những yếu tố đặc biệt trong văn hoá Ấn Độ cổ đại. Truyền thống sati, trong đó goá phụ thường tự nguyện (hoặc buộc phải “tự nguyện”) bước lên giàn thiêu cùng với xác người chồng vừa qua đời để chứng tỏ tiết hạnh và sự chung thủy. Tập tục này còn rải rác được duy trì cho tới ngày nay và gây ra nhiều xung đột xã hội xung quanh vấn đề giá trị đức hạnh hay tính chất man rợ của nó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mataji Vanamali (2008), Shakti – the realm of the divine mother (Shakti – lãnh địa của Đức Mẹ thiêng liêng). Nhà Xuất bản Inner Traditions, Rochester, Vermont, New England, U.S.A.
2. Avari, Burjor (2007), India: The Ancient Past (Ấn Độ: Dĩ vãng thời cổ đại/ Nhà Xuất bản Routledge, London, England.
3. T.N. Saraswati và cộng sự (2005), Epic Characters of Puranas (Các nhân vật sử thi Purana), Nhà Xuất bản Bharatha Samskruthi Prakashana, Bangaiore, India.
4. Cyril Veliath (2002), The Mother Goddess in Indian sculpture (Các Mẫu thần trong điêu khắc Ấn Độ). Bản tin Khoa Nghiên cứu nước ngoài, Đại học Sophia, Tokyo, Japan.
5. Clarisse Bader (2001), Women in Ancient India (Phụ nữ Ấn Độ thời cổ đại). Nhà Xuất bản Routledge, London, England.
6. Frank Morales (1998), The concept of Shakti: Hinduism as a Liberating Force for Women (Khái niệm Shakti trong Hindu giáo – một động lực tự do cho phụ nữ). Dharmacentral.com
7. Flood, Gavin (1996), An Introduction to Hinduism Bước đầu tìm hiểu Hindu giáo). Nhà in Đại học Cambridge, Cambridge, England.
8. Pushpendra Kumar (1974), Sakti Cult in Ancient India. Nhà Xuất bản Bhartiya, Varanasi, Uttar Pradesh, India.
Trích tệp PDF từ: Thư viện số Đại học Quốc gia Hà Nội
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số nữ thần tiêu biểu trong văn hóa Veda Ấn Độ từ góc nhìn Shakti (Quyền lực nữ tính) – Tác giả: Phạm Thị Thuỷ Chung |