Một số tư liệu về Quảng Bình từ trong “sử đá”
Tác giả bài viết: NGUYỄN DỊ CỔ
Quảng Bình là vùng địa đầu của quá trình Nam tiến, cũng là một trong những vùng địa linh nhân kiệt, được ghi lại nhiều trong sử sách. Lâu nay, mọi người tiếp cận Quảng Bình qua nguồn thư tịch là chủ yếu; song bên cạnh đó, còn có nguồn tư liệu văn bia – “sử đá” – lẩn khuất ở nhiều địa phương. Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Francaise d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO), từ những thập niên đầu của thế kỉ XX, đã sưu tầm nhiều tư liệu văn bia có liên quan đến vùng đất Quảng Bình, mà trong đó, hiện nay có một vài văn bia hiện vật đã không còn nữa. Trên những văn bia này, có một số ghi chép sự kiện lịch sử liên quan đến Quảng Bình, hoặc chép về những người ở địa phương khác từng đến Quảng Bình làm quan, hoặc ghi chép về những người con Quảng Bình thành danh ở nơi khác.
Văn bia xã Bồng Lai (thuộc Hà Nội ngày nay), tạo dựng trong khoảng 1850 – 1852, ghi sự tích thần Ma Lôi đại vương ở thời Hùng Nghị vương tức Hùng Vương thứ 17: “Bố ông là nhà hào phú họ Hà, mẹ là con nhà cự tộc đất Lương Chính. Năm bà 39 tuổi thì nằm mơ thấy bắt được một con gà Ma Lôi, sau đó có mang sinh ra đại vương. Đại vương có hình tướng kì dị, người bé nhỏ, mắt không có lông mi. Khi trưởng thành, có ý chí tung hoành, được cho trấn giữ đất Lãng Thượng, liền cùng vợ là Phùng Khoan xây điện ở đó. Đại vương thường giúp người tốt, cứu vớt kẻ mắc nạn. Bấy giờ có bộ chủ Ai Lao bị nước Thục xâm lược, Ma Lôi theo Nghị Vương cưú Ai Lao. Khi quân Thục bỏ chaỵ , Ma Lôi được lệnh ở lại trấn thủ đất Quảng Bình phòng ngừa quân Thục. Tại đây, Ma Lôi giáo hoá dân địa phương, cứu giúp người nghèo, dạy nghề làm nông. Năm ông ngoài 60 tuổi, vẫn chưa thấy Vua chiếu gọi về. Một hôm, đại vương đi săn bắn ở đất Lôi Dương và bỗng hoá ở đó. Vua ban phong là Uy dũng Ma Lôi đại vương và cho lập đền thờ ngài. Đền rất thiêng, các đời Đinh, Lê, Lý, Trần đều được Đại vương hiển hiện phù giúp”. (Nội dung thông tin của những văn bia trong bài này được tham khảo từ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam do Trịnh Khắc Mạnh chủ biên).
Văn bia thôn Tú Linh xã Đồng Thanh (nay thuộc Thái Bình), dựng năm Tự Đức thứ 22 (1869) chép: “Thôn Tú Linh có ngôi chùa cổ tên gọi Phúc Trinh là nơi hiển ứng linh thiêng, trải qua thời gian bị hư hỏng nhưng việc trùng tu còn phải chờ đủ điều kiện. Nay có Bùi Đại nhân làm Bố chính sứ Quảng Bình đã nghỉ hưu người thôn Đồng Bảng cùng với người vợ hai họ Lê vào năm Tự Đức thứ 7 (1854) đã quyên góp tiền nghìn xâu, đến năm Tự Đức thứ 8 ủy cho sư trụ trì hưng công tu sửa. Hai ông bà được chôn cạnh chùa sau khi mất, mộ người thân của ông cũng được an táng bên cạnh…” Bia xã Đoan Túc lập năm Tự Đức thứ 29 (1876), cũng thuộc Thái Bình hiện nay, cho biết: “Văn chỉ của xã từ cổ vốn chưa xây dựng nên hàng năm vào dịp tế xuân thu chỉ quét dọn nền đất rồi tế. Đến năm Tự Đức thứ 27, Nguyên bố chánh sứ Quảng Bình là Bùi Đại nhân đến đất này chọn đất ở phía tây đình lập văn chỉ (tọa càn hướng tốn), ở giữa phụng thờ tiên thánh, 2 bên thờ tứ phối, hàng 3 thờ 12 vị tiên triết, 4 chung quanh lợp tường, xây 1 tháng thì xong”. Ngoài ra bia thôn Thắng Cựu cùng tỉnh, lập năm Tự Đức thứ 23 (1870) do chính Bùi Đại nhân soạn, người từng giữ chức Phun g nghị đai phu, nguyên Quảng Bình đẳng xứ Đại Cương Thừa tuyên ty, Bố chánh sứ…
Văn bia xã Ôn Xá (Hưng Yên ngày nay), lập năm Tự Đức thứ 6 (1853) cho biết: “Trước kia làng có 2 văn miếu, một thờ Tiên thánh, Tiên nho do các vị khoa hoạn, hương thân chủ tế, một thờ Tiên hiền của làn g do các vị tạp lưu sắc mục chủ tế. Năm Tân Sưủ , ông Thai bộ Đỗ Giám Hồ cùng các vị hương thân dự định di dời trùng tu lại, nhưng công việc vẫn chưa hoàn thành. Sau đó 12 năm, ông Đỗ Giám Hồ từ Quảng Bình ra làm Án sát Hưng Hóa, dân làng đến xin ông tiếp tục việc tu sửa”.
Văn bia châu Lưỡng Quán (thuộc Vĩnh Phúc ngày nay), dựng năm Tự Đức thứ 6 (1853), do Nguyễn Khắc Cần (1817-1876) soạn. Văn bia cho biết tác giả Nguyễn Khắc Cần từng giữ chức Thự Án sát Quảng Bình, Quang lộc Tự khanh, Bố chánh Quảng Bình. Hay tác giả Bùi Thông, người soạn văn bia tổng Mễ Trường (thuộc Hà Nam ngày nay) vào năm Tự Đức thứ 22 (1869), là người từng giữ chức Đốc học Quảng Bình.
Văn bia xã Bồ Sơn (thuộc Bắc Ninh ngày nay), lập năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ghi lại việc: “Quan Binh bộ Thượng thư Nguyễn Hiến, người xã Phù Chính huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình, tuy xuất thân là Cử nhân nhưng rất giỏi thao lược, từng giữ chức Tổng đốc 3 tỉnh Sơn – Hưng – Tuyên, thi hành chính sách dẹp giặc an dân. Nhân nằm mộng được thần nhân khuyên phải hành thiện tu phúc, ông bèn cùng người vợ lẽ là Trần Thị Chiêm đến chùa Đại Giác dâng hương lễ Phật, từ đó thực hành bát giới, tu tâm tĩnh trí, rồi bàn bạc với nhà sư trụ trì xin đứng ra xuất tiền tu sửa chùa, cùng các quan bản tỉnh lập đàn chay, sắm sửa đồ thờ đầy đủ. Sau khi ông dời đi trấn nhậm nơi khác, dân thôn cảm mộ ân đức của ông, bèn dựng tòa tháp Phổ Quang và Phổ Minh, lại tạc tượng ông và phu nhân cùng tượng nhà sư để thờ phụng”. Văn bia chùa Thiên Hòa (thuộc Thành phố Huế hiện nay), lập năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732), ghi việc: “Thôn Động Hải xã Cừ Hà mua hơn 1 mẫu đất vườn ở xã Dương Xuân huyện Hương Trà phủ Thiệu Phong để xây chùa Thiên Phúc”.
Văn bia ở chùa Thiền Quang (Hà Nội ngày nay), lập năm Duy Tân thứ 2 (1908) chép việc: “Các bà Thị Tống, Thị Ngải quê Quảng Bình quy y tại chùa Thiền Quang đã phát lòng thiên để gưi giỗ cho cha me, chôn g và ngươi thân vào bản chùa”. Văn bia ở chùa Vu Lan (thuộc Đà Nẵng ngày nay), lập năm Bảo Đại thứ 3 (1928), ghi việc: “Năm Bảo Đại 3 dân thôn Bình Thuận xây dựng chính điện, tiền đường, nhà bia ở chùa Vu Lan, còn dãy nhà phía Đông và tam quan chưa xây đựợc. Bà Trần Thị Nậy quê ở xã Thổ Ngọa, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là vợ ông Phạm Vinh Lương chánh suất đội đội tinh binh quê ở thôn Nam, xã Trà Nhiêu, tổn g Mỹ Khê huyện Duy Xuyên (thuộc Quảng Nam ngày nay – NV) đã cúng tiền để làm nốt dãy nhà phía Đông và tam quan chùa” .
Những tư liệu ghi trên văn bia ở trên đã cho thấy sự hiện diện của vùng đất Quảng Bình trong lịch sử, là những trang “sử đá” để người Quảng Bình ngày nay tự hào về quê hương xứ sở, đồng thời góp thêm tư liệu để làm dày hơn công trình địa chí tỉnh nhà. Hoặc có khi đơn giản hơn mà cũng vô cùng có ý nghĩa, đó là mọi người có thể tìm thấy tông tích họ hàng, sự nghiệp của tiền nhân trong dòng tộc “tản mát” khắp nước từ những tư liệu “sử đá” này.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Quảng Bình – Số 3, 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số tư liệu về Quảng Bình từ trong “sử đá” (Tác giả: Nguyễn Dị Cổ) |