Một số vấn đề về CÔNG BẰNG PHÂN PHỐI ở Việt Nam hiện nay: THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP
EQUAL DIVISION ISSUES IN VIETNAM: REALITY AND SOLUTIONS
LEE YUNG LUNG (Lý Vĩnh Long)
(Ph.D. Political Science, USSH, Vietnam National University of Hanoi.
Assistant Professor, International College, Providence University (Đại học Tịnh Nghi),Taiwan)
Công bằng xã hội có thể xem là mục tiêu và là chiến lược quốc gia của Việt Nam, trong đó, việc thực hiện công bằng xã hội chỉ được giải quyết triệt để khi và chỉ khi công bằng phân phối được giải quyết. Công bằng trong phân phối có thể xem là nguyên nhân căn bản để thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội. Nó phản ánh tính cân bằng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nghĩa vụ và lợi ích, giữa năng suất lao động và nhu cầu được hưởng lợi từ năng suất ấy. Do đó, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu thực trạng công bằng phân phối ở Việt Nam theo ba bình diện chính: công bằng phân phối về tư liệu sản xuất (vn), công bằng phân phối trong lưu thông hàng hoá và công bằng phân phối về phúc lợi xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những giới hạn trong việc thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam hiện nay.
1. Công bằng phân phối ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và nguyên nhân
1.1. Công bằng phân phối về tư liệu sản xuất
Tư liệu sản xuất có thể xem như là “chất liệu” nguồn vào của bất cứ loại hình sản xuất nào tạo ra của cải vật chất. Sự phân phối về tư liệu sản xuất công bằng sẽ phản ánh sự bình đẳng trong sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội. Ở Việt Nam, giai đoạn trước đổi mới, nền kinh tế phát triển theo hướng hợp tác xã nông nghiệp, thể hiện trong hai lĩnh vực kinh tế: Tập thể và Nhà nước. Theo đó, tư liệu sản xuất cũng được phân phối theo hướng “bình quân chủ nghĩa” theo các khu vực kinh tế cũng như các loại hình kinh tế. Nguồn tư liệu sản xuất chính, như: đất đai, vật tư máy móc, hạ tầng cơ sở nghiễm nhiên trở thành sở hữu “toàn dân”, dẫn đến tình trạng “vô chủ” trong việc quản lý các nguồn tư liệu sản xuất ấy. Tình trạng này đưa đến hậu quả hoang phí nguồn tài nguyên và vật tư kỹ thuật, xa rời sự giám sát của Nhà nước về tư liệu sản xuất.
Sau thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Nhà nước đã trở thành đơn vị đại diện để phân phối nguồn tư liệu sản xuất theo các khu vực kinh tế và theo các thành phần kinh tế. Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, Đảng ta đã xác định: “Đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả. Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước”1, “các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”2. Theo đó, công bằng về tư liệu sản xuất được thực hiện dựa trên sự phân phối khách quan các nguồn lực theo “khu vực” được quy hoạch về phát triển kinh tế và xã hội. Nếu như phân phối tư liệu sản xuất dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế nhấn mạnh đến chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm, với tầm nhìn bao quát về các lợi thế tự nhiên mà vùng được ưu đãi, thì quy hoạch phát triển xã hội lại nhấn mạnh đến vai trò của lao động cung ứng phù hợp với sự phát triển của vùng kinh tế. Vì vậy mà vùng kinh tế nào có lợi thế về tự nhiên và có thể giải quyết được bài toán công ăn việc làm cho người lao động tốt hơn sẽ được ưu tiên hơn trong việc phân phối nguồn tư liệu sản xuất. Điều này phản ánh tính đúng đắn trong việc giải quyết lợi thế kinh tế và xã hội theo vùng, chấm dứt tình trạng “bình quân chủ nghĩa” trong khâu phân bổ các nguồn lực sản xuất.
Trong văn kiện đại hội lần thứ 12, Đảng ta có sửa đổi bổ sung nhiều điểm đối với việc thực hiện công bằng phân phối tư liệu sản xuất, trong đó nhấn mạnh “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển”, và “các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”3. Theo tinh thần này thì tuỳ theo nhu cầu thị trường quốc doanh hoặc ngoài quốc doanh tác động đến nhu cầu sản xuất, nhà nước sẽ thực hiện phân bổ nguồn lực sản xuất theo sự tác động đó. Thực tế đã cho thấy, nhu cầu tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội của khu vực kinh tế quốc doanh từ sau đại hội 12 đã trở thành khu vực tạo ra sản phẩm chiếm tỉ trọng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2006-2010 “doanh nghiệp nhà nước chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư nhưng chỉ tạo ra 27,8% GDP, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư nhưng tạo ra 41,6% GDP”4. Đó là ở góc độ hiệu quả kinh tế, còn hiệu quả xã hội thì: “Doanh nghiệp nhà nước gần như không tạo ra việc làm mới, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 84,8% việc làm mớI”5; ở góc độ bù lỗ trong khi tái cơ cấu thì “mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước; và có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần”6.
Việc Bộ Tài chính tiếp tục ban hành các quy chế sửa đổi nhằm hướng dẫn quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước từ vốn 100% nhà nước sang hình thức cổ phần hoá dưới hình thức để các doanh nghiệp tự chủ tìm kiếm nguồn vốn và phân phối đầu ra năm 20147, cho thấy tính chất quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện công bằng phân phối về tư liệu sản xuất, từng bước vực dậy nền kinh tế sau suy thoái thị trường kể từ năm 2005.
Hiện nay tình trạng phân bổ vốn, tư liệu sản xuất được Chính phủ thực hiện chặt chẽ và minh bạch theo quy định của pháp luật, phản ánh quyết tâm thực hiện công bằng trong phân phối các nguồn lực phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những tồn tại cản bước quá trình thực hiện công bằng này.
Tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân lợi dụng kẽ hở về luật đất đai, luật tài chính đã móc nối với một số cơ quan, bộ ngành để vận động hành lang trong việc sở hữu nguồn tư liệu đất đai và vốn. Một số doanh nghiệp như FLC và Vinhome đã trở thành “những địa chủ thời hiện đại” về tài nguyên và tư liệu sản xuất, dẫn đến tao túng một phần rất lớn nguồn tư liệu sản xuất, mà đúng ra cần được minh bạch trong đấu thầu. Nhiều cư dân trong vùng dự án bị mất đất hoặc được đền bù với giá rất rẻ so với thị trường để nhường lại tư liệu sản xuất cho các doanh nghiệp tư nhân có sự “hỗ trợ” về pháp lý của nhà nước.
Ngoài ra, ở các vùng nông thôn, nhiều doanh nghiệp thành lập các khu chế xuất được các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, trong khi đó nhiều hộ kinh tế gia đình theo mô hình trang trại nông thôn thì khá “trật vật” trong việc hoàn thiện các thủ tục vay vốn ngân hàng. Tình trạng “nhiêu khê” về các thủ tục hành chính hay sự ràng buộc về nguyên tắc “thế chấp” tài sản đã tạo ra sự không minh bạch trong việc hỗ trợ “hộ gia đình nông dân” vay vốn để phát triển kinh tế. Đó là còn chưa kể, nhiều hộ kinh tế nông thôn phải “chi trả” rất nặng cho xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông dưới hình thức “phát triển nông thôn mới”.
Nhiều “doanh nghiệp ngân hàng” đã lợi dụng những kẽ hở trong luật tài chính để giải quyết tình trạng phá sản của mình bằng cách đề nghị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0đồng8, dẫn đến hậu quả thất thu ngân sách hàng trăm nghìn tỷ. Thực trạng này phản ánh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện công bằng phân phối về tư liệu sản xuất ở Việt Nam hiện nay.
1.2. Công bằng trong lưu thông hàng hoá
Bàn về công bằng lưu thông hàng hoá là bàn về sự công bằng trong cạnh tranh thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước ta định hướng rất rõ việc phát triển “một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, nói như vậy có nghĩa, Đảng và Chính phủ rất coi trọng sự bình đẳng trong việc tạo ra một thị trường không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước. Việc ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2009 có thể xem như là Quy tắc công bằng trong lưu thông hàng hoá ở nước ta. Việc một doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước tiêu thụ sản phẩm của mình như nào sẽ dựa trên mức độ bình đẳng trong việc đóng thuế cho Nhà nước. Thậm chí cá nhân tạo ra sản phẩm độc lập cũng được tạo điều kiện để lưu thông trao đổi về tiền tệ nếu như họ đóng thuế theo thu nhập cá nhân, không phân biệt họ làm việc trong khu vực nào: nhà nước hay ngoài nhà nước. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để ổn định môi trường cạnh tranh sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Tỷ trọng nhập siêu được giảm thiểu đáng kể, trong đó chủ trương xuất khẩu các mặt hàng Nông-Lâm-Thuỷ sản, được xem là thế mạnh của nước ta, được chú trọng ưu tiên.
Song song với việc tạo ra nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài đầu tư, mở rộng hệ thống thị trường tiêu thụ sản phẩm, chuyển dần từ mô hình chợ truyền thống, cửa hàng mang tính nhỏ lẻ sang hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, thì Chính phủ cũng chủ trương đổi mới cơ chế, kiên quyết “xoá bỏ các thể chế” là rào cản phát triển kinh tế. Việc Nhà nước và Chính phủ quyết tâm gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) cho thấy những người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến môi trường tự do trong cạnh tranh hàng hoá.
Tuy nhiên, bên cạnh những động thái cho thấy nỗ lực thực hiện công bằng trong lưu thông hàng hoá của Chính phủ, thì vẫn còn đó những hạn chế đã và đang trở thành rào cản cho những nỗ lực ấy. Cơ chế xin-cho vẫn còn tồn tại phổ biến dẫn đến sự bất bình đẳng lớn trong cạnh tranh. Một số doanh nghiệp có “quan hệ hành lang” với các bộ ngành kinh tế đã lợi dụng kẽ hở pháp lý để độc chiếm thị trường, đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tình trạng phá sản vì không thể tiêu thụ sản phẩm.
Chính sách về thuế nhập khẩu còn bất hợp lý, dẫn đến nhiều thị trường lớn ở nước ngoài vẫn chưa thể vào Việt Nam để kinh doanh lâu dài, đưa đến tình trạng thị trường nội địa trở thành thị trường chính. Song, thị trường nội địa, về mặt bản chất, như đã phân tích ở trên, vẫn chỉ mang tính độc quyền của một số nhóm lợi ích nhà nước hoặc có “quan hệ” với khối kinh tế nhà nước, đưa đến sự bất bình ổn về giá cả, từ đó kéo theo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh sản phẩm.
1.3. Công bằng trong phân phối phúc lợi xã hội
“Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, đó là định hướng công bằng trong phân phối mà chúng ta đã kiên định thực hiện từ sau Đổi mới đến nay. Tuy nhiên công bằng trong phân phối vẫn là vấn đề mà trên thực tiễn chúng ta chưa thể đạt được. Công bằng trong phân phối phúc lợi được hiểu như là các giá trị mà con người được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình lao động và thực hiện trách nhiệm công dân đối với Chính phủ, thể hiện trên một số bình diện như: được hưởng chế độ y tế, giáo dục tốt, được đảm bảo về chế độ an sinh cũng như bảo hiểm xã hội,…
Trong suốt thập niên đầu thế kỷ 21, Đảng và chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để phát triển một cách toàn diện những vấn đề phúc lợi xã hội cho công dân, như những đợt cải cách về giáo dục, cũng như chế độ thi cử cho học sinh; từng bước hiện đại hoá các cơ sở y tế theo chuẩn quốc tế, chuyển dần từ hình thức độc quyền về y tế sang hình thức cổ phần hoá hoặc tư nhân hoá toàn bộ; chính sách tiền lương không ngừng được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế. Và bước đầu chúng ta đã đạt được một số thành tựu cơ bản về y tế, như, tuổi thọ của người dân được nâng cao (75,6 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực chỉ sau Singapore9), nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại được phổ cập. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 13.511 cơ sở y tế các loại bao gồm: 1.361 cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân; 789 cơ sở thuộc hệ dự phòng tuyến trung ương, tỉnh và huyện; 77 cơ sở đào tạo y dược tuyến trung ương, tỉnh; 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã10. Số lượng người dân tham gia và được cấp bảo hiểm y tế chiếm 75,3%; đặc biệt, theo báo cáo “Tổng kết công tác y tế năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và các nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020, kế hoạch năm 2016” thì “mức đồng chi trả đã được điều chỉnh giảm đối với một số nhóm, trong đó người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5% xuống 0%, người cận nghèo từ 20% xuống còn 5%”11.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được thì chúng ta cũng thấy rõ những bất cập trong hoạt động y tế và giáo dục. Sự chênh lệch giàu nghèo đã kéo theo sự chênh lệch rất lớn trong việc giải quyết các chế độ y tế và giáo dục giữa các tầng lớp trong nội đô cũng như giữa khu vực nông thôn và khu vực thành phố. Tình trạng hối lộ, vô cảm của các y bác sĩ theo kiểu “nhất bên trọng nhất bên khinh” trong việc cấp cứu và hồi sức bệnh nhân vẫn còn phổ biến dẫn đến thực tế người dân nghèo không đủ chi trả kinh phí chữa bệnh đã phải bất lực đưa người thân về nhà tự chữa tại các phòng khám tư nhân.
Trong khi đó, giáo dục đã trở nên đáng báo động về sự suy giảm chất lượng; tình trạng “chạy trường, chạy lớp” phổ biến; học sinh nghèo ít có cơ hội được hưởng các chế độ giáo dục cao cấp, không được tiếp cận với các trang thiết bị học tập hiện đại,… Tất cả những vấn đề trên đã tạo ra một sự bất bình đẳng lớn.
Sự bất bình đẳng trong giáo dục thể hiện rõ nét nhất qua chế độ chi trả học phí cho các cấp học, từ cấp mầm non tới cấp trung học phổ thông. Nhiều hộ gia đình nghèo không đủ kinh phí để cho con em học tập ở môi trường tốt vì mức học phí phải chi trả quá cao. Trong khi đó, ở những nước có nền giáo dục tiến bộ thì học sinh ở các cấp tiểu học và trung học phổ thông thường được miễn học phí hoặc phải chi trả rất ít. Việc tồn tại hai mô hình giáo dục mầm non và phổ thông trung học vừa công lập vừa tư nhân, đã dẫn đến tình trạng phân biệt rõ ràng về chất lượng giáo dục. Giáo dục phổ thông ở khu vực công lập thường nặng về lý thuyết do ít được thực hành trên các phương tiện giáo dục hỗ trợ như: máy tính, phòng thí nghiệm, thiết bị công nghệ cao,… Trong khi đó, ở môi trường giáo dục phổ thông tư thục thì chất lượng giáo dục tốt hơn và toàn diện hơnc. Từ đó dẫn đến sự phân biệt hai thành phần giáo dục, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc phân phối chất lượng giáo dục đầu vào, kéo theo hệ luỵ phân biệt rõ nét đối với chất lượng đầu ra: học sinh được học trong môi trường tư thục thường có sự vượt trội hơn về các kỹ năng làm việc, còn học sinh công lập thì ngược lại.
Sự bất bình đẳng trong phân phối phúc lợi xã hội ở Việt Nam hiện nay còn thể hiện ở cơ chế tiền lương. Có một sự đối lập rất rõ giữa mức chi trả tiền lương ở hai khu vực nhà nước và bên ngoài nhà nước. Mặc dù theo thông tư mới của Chính phủ về quy định mức lương cơ bản từ 1.210.000 VND/1 tháng (quy định tại nghị định 66/2013/NĐ-CP của Chính phủ) lên 1.300.000 VND/1 tháng (theo Nghị quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội), tuy nhiên, trên thực tế mức trần cơ bản này thường chỉ áp dụng trong khu vực nhà nước, còn mức lương áp dụng cho người lao động trong các doanh nghiệp thì cao gần gấp đôi, cụ thể: 3.500.000 VND/1 tháng12. Điều này phản ánh thực tiễn giá trị công sức lao động bỏ ra của người lao động ở khu vực ngoài nhà nước cao hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước. Tình trạng cán bộ công chức “sáng cắp cặp tới cơ quan, chiều cắp cặp về” vẫn còn phổ biến, dẫn đến tính trạng “cào bằng” về tương quan chi trả lương so với công sức lao động bỏ ra; người làm việc nhiều và hiệu quả được “chi trả như nhau” so với người làm việc ít và kém hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã đề ra chủ trương tinh giản biên chế, và chuyển dần từ mô hình làm việc “giao khoán” sang mô hình “tự chủ”, chuyển dần từ “bao cấp” sang “bao cấp một phần”, thậm chí “khoán thu chi” đối với người lao động là công chức, viên chức nhà nước, song trên thực tiễn việc tinh giản này còn diễn ra chậm, nhất là trong hệ thống thiết chế chính quyền, hành chính cấp địa phương.
2. Giải pháp cho việc thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam
Trước thực trạng về công bằng phân phối trên ở Việt Nam, việc Nhà nước và Chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm điều chỉnh những giới hạn là rất cần thiết và cấp thiết. Theo đó, dựa trên tiêu chí thực tiễn phân phối ở Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất một
số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần phải ban hành và giám sát chặt chẽ luật về thuế và các quy định về tiền lương. Trên cơ sở đó góp phần bình ổn thị trường vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tạo ra động lực để khai thác tối đa khả năng của người lao động dựa trên sự công bằng về phân phối tiền lương tương xứng với kết quả làm việc.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước cần phải ban hành các chính sách, quyết sách hợp lý gắn liền tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như kích thích được nội lực kinh tế trong nước.
Thứ ba, thực hiện tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, từng bước hoàn thiện quá trình cổ phần các doanh nghiệp nhà nước dựa trên luật đấu thầu và minh bạch hoá tài chính trong quá trình cổ phần hoá. Chấm dứt tình trạng xin-cho và bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hoá ấy.
Thứ tư, Đảng và Chính phủ cần xây dựng sự đồng thuận chính trị trên cơ sở tập trung dân chủ. Muốn làm được điều đó, Đảng và Chính phủ cần thực hiện các cuộc cải cách sâu rộng ở tất cả lĩnh vực theo các tiêu chí của một nhà nước pháp quyền vững mạnh. Các cá nhân, đảng viên không ngừng tự phê bình, chống thái độ tự chuyển hoá; Đảng phải kích thích tính tự chủ của đảng viên; Chính phủ cần ban hành những cơ chế chính sách nhằm phát huy quyền tự do sáng tạo ở người lao động, mà trước hết là phát huy quyền tự do và tự chủ về khoa học của tầng lớp trí thức.
Thứ năm, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành các chính sách kinh tế và cơ chế phân phối phù hợp với thực trạng đất nước, kiên quyết ngăn chặn tình trạng độc quyền về vốn và sản phẩm, chấm dứt nhanh chóng tình trạng “sân sau” của các đơn vị nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân. Song song với việc ban hành các quyết sách trên, thì vai trò giám sát, quản lý trực tiếp của Chính phủ vào quá trình phát triển nền kinh tế được xem là đặc biệt quan trọng. Chính phủ cần ngăn chặn, chấm dứt nhanh chóng thực trạng phân cách giàu nghèo trong xã hội, thực hiện công bằng, bình đằng về quyền làm chủ của người dân, tạo ra cán cân công lý trong việc tạo ra sự bình ổn phân phối các phúc lợi xã hội.
****
Thực hiện công bằng xã hội là một trong những định hướng vững bền của Đảng và Nhà nước. Nhân dân có no ấm thì đất nước mới vững mạnh. Đó là chiến lược dài hạn, không phải là câu chuyện đưa ra bàn luận một sớm một chiều. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy thì Đảng và Nhà nước cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân một cách thực chất, chấm dứt tình trạng “khẩu hiệu hoá” trong khi ban hành và thực thi các chính sách. Chỉ khi người dân được làm chủ thực sự cuộc sống của mình, thì khi đó giá trị của công bằng phân phối mới được phát huy. Và cũng chỉ khi người dân được thực hiện đầy đủ các quyền tự do của họ thì khi ấy chúng ta mới thực sự có được công bằng và đồng thuận xã hội.
__________
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011. NXB Sự Thật, Hà Nội, tr. 207.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011. NXB Sự Thật, Hà Nội, tr. 74.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII(2016). NXB Sự Thật, Hà NộI, tr. 26-27.
4 Bùi Thị Phương Thuỳ (2016). “Thực hiện công bằng trong phân phối tư liệu sản xuất ở Việt Nam”. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7(104), tr. 48.
5 Bùi Thị Phương Thuỳ. Tlđd, tr. 48.
6 Bùi Thị Phương Thuỳ. Tlđd, tr. 48.
7 Xin xem: Thông tư số 194/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 17/12/2013 về “Hướng dẫn cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần”. Nguồn tham khảo tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-194-2013-TTBTC-tai-co-cau-DN-von-nha-nuoc-khong-du-dieu-kien-co-phan-hoa-theo-ND-59-217340.aspx
8 Xin xem:
http://nld.com.vn/kinh-te/se-kiem-toan-2-ngan-hang-duoc-mua-0-dong-20161208223605573.htm
9 Xin xem:http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/nguoi-viet-tho-75-6-tuoi-dung-thu-2-khu-vuc331532.html
10 Xin xem: http://vea.gov.vn/vn/truyenthong/tapchimt/nctd42009/Pages/Thực-trạng-và-một-số-giải-phápquản-lý-chất-thải-của-ngành-Y-tế.aspx.
11 Xin xem: moh.gov.vn/news.
12 Xin xem: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/11258/ muc-luong-toi-thieuvung-tu-nam-2016.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề
Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay,
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1154 đến trang 1160)
Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)