Một số vấn đề về văn bản hương ước chữ Hán thế kỷ XVII – XVIII của Choson

SOME RESPECTS ABOUT VILLAGE REGULATION DOCUMENTS
IN CHOSON-CHINESE SCRIPTS OF CHOSON DYNASTY
IN THE XVII AND XVIII CENTURY

Tác giả bài viết: ĐỖ THỊ HÀ THƠ

TÓM TẮT

     Giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII, xã hội Choson rơi vào khủng hoảng nhân phẩm nghiêm trọng, đòi hỏi thiết lập trật tự xã hội dựa trên nguyên lý Nho giáo trở nên cấp thiết hơn. Trên cơ sở tiếp thu ý tưởng từ hai bản hương ước của Trung Quốc là Lam Điền Lã Thị hương ước và Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước, các nhà Nho Choson “khuôn nắn” lại theo yêu cầu xã hội đương thời, với các quy định về đức nghiệp, lễ tục, quá thất và hoạn nạn. Hương ước thế kỷ XVII có tổng cộng 3 bản, thế kỷ XVIII là 6 bản. Số lượng hương ước thế kỷ XVIII minh chứng cho vai trò cũng như tác động của hương ước đối với các vấn đề thời đại. Năm 1986, bộ sưu tập hương ước chữ Hán Choson ra đời, được đánh giá là tập đại thành tư tưởng tân tiến của tri thức Choson. Đồng thời phản ánh công cuộc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống và chiến lược xây dựng con người – xã hội Choson thời hiện đại.

Từ khóa: Hương ước, hương ước Choson, hương ước chữ Hán Choson thế kỷ XVII – XVIII, bộ sưu tập hương ước chữ Hán Choson.

ABSTRACT

     The period of the XVII and XVIII century, Choson society fell seriously in the human dignity crisis. As a result, the establishment of an order society based on the confucianist principle became more urgent. On the basis of being open to ideas from two village regulations of China, which was “Lam Dien La Thi village regulations” and “Chu Tu tang ton La Thi village regulations”, the Choson confucians “recreated” them following the requirements of contemporary society with the rules of conducts, customs, offences and troubles. Village regulations in the XVII century had three copies, and in the XVIII century had six copies. The number of village regulations in the XVIII century proved their roles as well as their effects on the era problems. In 1986, the collection of village regulations in Choson-Chinese scripts which were established and evaluated to be a big set of modern thoughts of the feudal intellectuas.. Besides that, these village regulations reflected the tasks of preserving traditional cultures and strategy of training human resources – a modern Choson society.

Keywords: Village regulations, Choson village regulations, Choson village regulations in Choson-Chinese scripts in the XVII and XVIII century, collection of Choson village regulations of ChosonChinese scripts.

x
x x

     Vương triều Choson (Triều Tiên 朝鮮)1 (1392 – 1910) được thành lập sau cuộc đảo chính gần như không đổ máu của dòng họ Lý đối với dòng họ Vương. Sự chuyển đổi triều đại đánh dấu bước chuyển đổi tư tưởng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc kiến tạo đất nước của cả vương triều. Trong đó, việc vận dụng Tân Nho giáo và hương ước được xem như cách giải quyết hữu hiệu những rạn nứt và tha hóa đạo đức xã hội. Từ cuối thế kỷ XVI trở về sau, vương triều Choson xảy ra những tranh chấp nội bộ, những biến đổi thời cuộc đã đặt các nhân sĩ trước những sự lựa chọn mới. Và quyết định thoái lui của một số sĩ đại phu tiến bộ phái Sarim (Sĩ lâm 士林)2 tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển văn hóa làng xã: giúp giải quyết những công việc hành chính nóng bỏng ở địa phương, tư vấn cho quan viên trong tổ chức Yuhyangso (Lưu Hương sở 留鄉所). Đồng thời để góp sức giáo hóa chúng dân và ổn định lòng người nơi thôn xóm, các sĩ phu Sarim (Sĩ lâm 士林) tổ chức dịch cuốn Yeossi Hyangyak (Lã Thị hương ước 呂氏鄉約) và tiến tới việc phổ biến trong toàn dân.

1. Khái quát về hương thời Choson

     Đi từ cơ tầng sản xuất nông nghiệp, người dân Choson sống trong tổng hòa các mối quan hệ ở đơn vị tụ cư nhất định được gọi là hương. Có điều khái niệm hương ở Choson rất rộng. Thời Koryo 高麗 (918 – 1392) chia đất nước thành ba khu vực lớn: Donggye (Đông giới 東介), Bukgye (Bắc giới 北介) và Yanggye (Lưỡng giới 两介). Khu vực phía nam Yanggye 两介 được chia đặt thành 5 đạo 道 (tỉnh 省), dưới đạo là mục 牧, dưới mục là quận 郡, huyện 縣. Triều đình Koryo 高麗 đã cử quan Suryeong (Thủ lệnh 首令, tức Quận thủ 郡首và Huyện lệnh 縣令) cai quản cùng với các thế lực có xuất thân từ hào tộc địa phương. Ngoài ra, triều đại Koryo 高麗 còn thiết lập những khu vực hành chính đặc thù với tên gọi như sở 所, bộ khúc 部曲, hương 鄉… theo nhu cầu và điều kiện sản xuất phù hợp để cung ứng vật phẩm cần thiết cho đất nước. Chẳng hạn, dân ở sở làm thủ công nghiệp, dân ở bộ khúc và hương thì lo sản xuất nông nghiệp (Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, 2005).

     Đến vương triều Choson chia đất nước thành 8 đạo gồm: Pyeongan – do (Bình An đạo 平安道), Hwanghae – do (Hoàng Hải đạo 黄海道), Gyeonggi – do (Kinh Kỳ đạo 京畿道), Chungcheong – do (Trung Thanh đạo 忠清道), Jeolla – do (Toàn La đạo 全羅道), Gyeongsang – do (Khánh Thượng đạo 慶尙道), Gangwon – do (Giang Nguyên đạo 江源道), Hamgyeong – do (Hàm Kính đạo 咸鏡道) dưới đạo là quận 郡, huyện 縣. Cũng giống như thời kỳ Koryo 高麗, vị quan cai quản quận, huyện được gọi là Suryeong 郡首, dưới Suryeong 郡首là các Hương lại 鄉吏(Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, 2005). Các Hương lại có nhiệm vụ nhận và thực thi các chỉ thị của Suryeong 郡首 về các vấn đề hành chính, quân sự, pháp luật ở địa phương. Bên cạnh các đơn vị do nhà nước lập nên, ở từng địa phương còn lập nên những tổ chức tự quản với tên gọi Yuhyangso (Lưu Hương sở 留鄉所) do yangban (lưỡng ban 两班)3 quản lý. Những người điều hành Yuhyangso 留鄉所 có nhiệm vụ giáo hóa chúng dân và xem xét những việc làm của Suryeong 郡首.

     Nếu buổi đầu hương 鄉 chỉ co cụm trong phạm vi của những người làm nông nghiệp thì đến đây hương xuất hiện với tư cách của một đơn vị hành chính rộng lớn hơn tương đương với cấp quận 郡, cấp huyện 縣 đôi khi còn sánh ngang với một tỉnh 省. Dưới hương 鄉 là diện 面 tương đương với cấp xã 社 ở Việt Nam, dưới diện 面 là lí 里 tương đương với cấp thôn ở Việt Nam. Với một phạm trù rộng lớn như vậy, các cấp cấu thành hương được xếp đặt theo số hộ gia đình trong từng đơn vị tạo thành một guồng máy nhất định, vận hành theo cơ chế phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên. Theo kê cứu, phạm vi của hương gồm khoảng 125.000 gia đình. Trong Chu lễ 周禮 (Trung Quốc) ghi rõ cấp độ của hương như sau:

1 hương 鄉 = 5 châu 州, 1 châu 州 = 5 đảng 黨,

1 đảng 黨 = 5 tộc 族, 1 tộc 族 = 4 lư 閭,

1 lư 閭 = 5 bỉ 比, 1 bỉ 比 = 5 gia 家.

     Như vậy, phạm vi của hương 鄉 tăng theo cấp số nhân của bỉ 比, lư 閭, tộc 族, đảng 黨, châu 州. Thực hiện phép tính này thì số gia đình trong hương là 125.000. Chính vì phạm vi hương ở Choson rất rộng, không phải là đơn vị cấp cơ sở trong hệ thống hành chính ở địa phương nhưng sức mạnh pháp lý của hương mang tính đồng bộ và có sự chi phối sâu sắc về mọi mặt đến đời sống nhân dân.

2. Văn bản hương ước chữ Hán Choson thế kỷ XVII – XVIII

     Theo nghiên cứu, hương ước Choson chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai bản hương ước của Trung Quốc là Lam Điền Lã Thị hương ước 藍田呂氏鄉約 thời Bắc Tống và bản Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước 朱子增損呂氏鄉約 thời Nam Tống. Việc xúc tiến triển khai hương ước ở Choson được giới nhân sĩ quan tâm sát sao mà đại biểu là Kim Nhân Phạm 金仁範, người Hàm Dương, tỉnh Khánh Thượng. Tháng 6 năm Trung Tông 12 (1516), ông dâng sớ xin áp dụng hương ước để giáo dục dân nhưng không được phê duyệt. Năm Trung Tông 13 (1517), quan Tri trung Xu phủ sự là Kim An Quốc 金安國 dâng sớ xin vua tuyển dịch hương ước và bản Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước ngạn giải 朱子增損呂氏鄉約諺解 ra đời (金仁杰,韓相權, 1986). Bản Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước ngạn giải được biên soạn với nỗ lực dịch giải bản Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước bằng chữ Hàn bên cạnh nguyên tác chữ Hán của Chu Tử. Từ đó trở đi, các bậc túc Nho Choson tiếp tục triển khai vận dụng bản Chu Tử tăng tổn Lã Thị hương ước ngạn giải đến toàn dân. Từ bản hương ước của Chu Tử, các nhà nho Choson “khuôn nắn” lại bốn điểm mấu chốt trong Lam Điền Lã Thị hương ước và soạn thảo ra những bản hương ước phù hợp với tình hình thực tế của nước mình.

     Hiện nay, hầu hết các bản hương ước của Choson đều được sưu tầm, tập hợp và xuất bản trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư 朝鮮時代社會史研究史料叢書, do hai tác giả Kim Nhân Kiệt 金仁杰 và Hàn Tướng Quyền 韓相權 biên soạn, Bảo Cảnh văn hóa xã 保景文化杜 phát hành, được in ấn và phát hành vào tháng 10 năm 1986 tại Seoul, Hàn Quốc. Nhìn chung, các văn bản hương ước dù viết ở các giai đoạn khác nhau, song tên gọi chủ yếu vẫn là hương ước. Trong Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1 có các bản hương ước sau.

Bảng 1: Số lượng văn bản hương ước chữ Hán của Choson ở các thời kỳ khác nhau trong Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1.

     Theo điều tra bước đầu của Phạm Thị Thùy Vinh có 4 văn bản thuộc địa phận Bắc Choson ngày nay là: Hải Châu hương ước, Hải Châu nhất hương ước thúc thế kỷ XVI, 2 bản Quan Bắc hương ước ở thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Và hầu hết các văn bản hương ước của Choson đều được tìm thấy trong các trước tác của các bậc túc nho khi “viết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, triết học, lịch sử như: Tú Nghiêm chí, quyển 1; Lật Cốc toàn thư, Bắc Nhai tiên sinh văn tập, tập 3; Hương lễ hợp biên, quyển 2; Tùy lục, quyển 9; Mật Châu trưng tín lục, quyển 2… Trong quá khứ có thể có những văn bản hương ước của Triều Tiên đã từng được lưu giữ trong các làng xã để xây dựng, chấn chỉnh kỷ cương, phong tục của hương thôn” (Phạm Thị Thuỳ Vinh, 2005).

     Và 09 bản hương ước thế kỷ XVII – XVIII chúng tôi khảo cứu đều trích từ Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1 do Phạm Thị Thùy Vinh ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam mang về nước sau khi kết thúc đợt nghiên cứu ở Hàn Quốc năm 2003. Chín văn bản này đều thuộc địa phận nam Choson ngày nay. Do thời gian có hạn, chúng tôi tuyển dịch, giới thiệu 7 văn bản trong số 9 văn bản hương ước Choson thời kỳ này gồm:

STTTên văn bảnSố trangNội dungNiên đại
1An Đông hương
ước
安東鄉約
6– Bốn điều mấu chốt quy định cách ứng xử: Đức nghiệp tương khuyến, Lễ tục tương giao, Quá thất tương quy, Hoạn nạn tương tuất.
– Tiêu chuẩn bầu chọn người dẫn dắt dân: Đô ước chính, Ước chính, Thượng hữu ty, Hạ hữu ty, Trực nguyệt…
– Hội hợp: ngày mồng 1 hằng tháng đọc ước pháp; ngày 16 quan Đô ước chính hợp với quan Ước chính luận việc khen, trừng cá nhân theo chuẩn 4 điều mấu chốt; lễ Giảng tín kỳ xuân thu công bố ước pháp.
Năm 1602
2Mật Dương
hương ước
蜜陽鄉約
13– Bốn điều mấu chốt quy định cách ứng xử: Đức nghiệp tương khuyến, Lễ tục tương giao, Quá thất tương quy, Hoạn nạn tương tuất.
– Năm Mậu Tý đời vua Nhân Tông: Cụ thể 4 điều mấu chốt trên và các mức phạt tương ứng, đưa ra tiêu chuẩn bầu chọn người dẫn dắt dân.
– Năm Bính Thân đời vua Hiến Tông: Quy định tiêu chuẩn tiến cử người vào các vị trí trong trường học, bầu cử các chức vụ trong hương như Thiên tổng, Hành thủ, Thủ lại, Đô sứ lệnh, Lại phòng…
– Năm Ất Sửu đời vua Cao Tông: Bốn điều mấu chốtquy định cách hành xử cá nhân; quan Trực nguyệt ghi điều tốt xấu vào sổ để răn trừng; phân vị trí chỗ ngồi, trình tự, cách dẫn dắt các cấp bậc vào hành lễ vái của quan Trực nguyệt vào kỳ hội hợp hương đảng.
– Năm Mậu Dần đời vua Cao Tông: Nội dung quy định giống như năm Ất Sửu.
– Năm Kỷ Sửu đời vua Cao Tông: Quy định giải quyết các việc trong hương đảng của quan Ước chính, Trực
Năm 1648
3Bàn Khê hương
ước
磻溪鄉約
12– Bốn điều mấu chốt quy định cách ứng xử: Đức nghiệp tương khuyến, Lễ tục tương giao, Quá thất tương quy, Hoạn nạn tương tuất.
– Phân vị trí chỗ ngồi, trình tự, cách dẫn dắt các cấp bậc vào hành lễ vái của quan Trực nguyệt vào kỳ hội hợp hương đảng.
– Tiêu chuẩn bầu chọn người dẫn dắt dân.
– Quy định về việc đổi nhiệm kỳ.
– Quy định giải quyết các việc trong hương đảng của người dẫn dắt dân.
– Khâu chuẩn bị công bố hương ước vào thượng tuần tháng 4, kỳ hội xuân thu.
– Quy định các vấn đề về tang táng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…
Cuối thế
kỷ XVII
4Thượng Châu
hương ước
尚州鄉約
5– Bốn điều mấu chốt quy định cách ứng xử: Đức nghiệp tương khuyến, Lễ tục tương giao, Quá thất tương quy, Hoạn nạn tương tuất.
– Giải quyết các việc trong hương đảng khi vị quan đứng đầu bị bệnh.
– Hợp dân công bố hương ước vào ngày mồng 1 hằng tháng và vào lễ Giảng tín kỳ Xuân thu. Khen và trừng những người có tên trong sổ Thiện tịch 善籍, Ác tịch 惡籍.
– Quy định các vấn đề về tang táng, cưới gả, trang phục của người trên kẻ dưới…
Năm 1730
5Báo Ân hương
ước điều mục
報恩鄉約條目
16– Tiêu chuẩn chọn người vào vị trí dẫn dắt dân.
Tiêu chuẩn biên tên vào sổ Thiện tịch 善籍, Ác tịch 惡籍.
– Các vấn đề về tang táng, ưu ái cho người có học.
– Phân vị trí chỗ ngồi các cấp bậc, tiến hành khen trừng những người có tên trong sổ Thiện tịch 善籍và Ác tịch 惡籍.
– Các mức phạt của Lật Cốc tiên sinh.
– 8 ghi chép về việc khuyến dụ dân
Năm 1747
6Thuận Hưng
phủ hương ước
tiết mục
順興府鄉約
節目
10– 3 điều dạy muôn dân trong Chu lễ, 4 điều mấu chốt quy định cách hành xử cá nhân trong hương ước của Chu Tử.
– Quy định của Thoái Khê tiên sinh về việc thưởng phạt những người làm được các điều tốt và phạt kẻ vi phạm.
– Phân vị trí chỗ ngồi, trình tự, cách dẫn dắt các cấp bậc vào hành lễ vái của quan Trực nguyệt vào kỳ hội hợp hương đảng.
– Các điều khoản mới lập về tiêu chuẩn chọn người giữ chức Phó chính, Trực nguyệt, Hạ hữu ty, Thôn lý, Sứ lệnh, Diện đô chính; quy định thời gian tổ chức lễ Giảng tín kỳ xuân thu; hình phạt; sắp xếp vị trí hành lễ.
Năm 1765
7Hương lễ hợp
biên
68– Lễ hương ẩm tửu: Phân vị trí, cách thức hành lễ, dâng rượu nhận rượu của chủ và khách. Bố trí bàn, chén, vò rượu, cử nhạc…
– Lễ hương xạ: Phân vị trí, cách thức tiến thoái nhận tên bắn của khách và chủ, vai trò dẫn dắt hướng lễ của quan Ty xạ.
– Hương ước: Bốn điểm mấu chốt quy định cách hành xử cá nhân; phân vị trí chỗ ngồi, trình tự, cách dẫn dắt các cấp bậc vào hành lễ vái của quan Trực nguyệt vào kỳ hội hợp hương đảng, ban bố ước pháp, khen và trừng những người có tên trong sổ Thiện tịch 善籍 và Ác tịch 惡籍.
– Lễ gia quan của kẻ sĩ: Dẫn quy định trong các sách Tư Mã Thị thư nghi 司馬氏書儀, Chu Tử gia lễ 朱子家禮, Quốc triều ngũ lễ nghi 國朝五禮儀 về phân vị trí, cách thức hành lễ của chủ và khách, người được gia quan trong lễ gia quan đối với nam; người được cài trâm trong lễ cài trâm đối với nữ.
– Lễ kết hôn của kẻ sĩ: Dẫn quy định trong các sách Tư Mã Thị thư nghi 司馬氏書儀, Chu Tử gia lễ 朱子家禮, Quốc triều ngũ lễ nghi 國朝五禮儀 về độ tuổi kết hôn; trình tự, lễ vật, cách ứng đáp của chủ nhân bên nhà nữ và khách đại diện cho người nam trong các lễ Vấn danh, Nạp cát, Nạp tệ, Thỉnh kỳ, Thân nghênh; cách lại mặt của chàng rể đối với cha mẹ vợ, cô dâu đối với cha mẹ chồng; lễ con dâu ra mắt tổ tông nhà chồng
Năm 1797

     Các bản hương ước thời kỳ này có số trang trích dẫn chủ yếu theo trật tự số trang trong Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1 và được trình bày theo quy cách sau:

      3 bản thế kỷ XVII: An Đông hương ước 安東鄉約 gồm 6 trang (từ trang 47 – 52); Mật Dương hương ước 蜜陽鄉約 gồm 13 trang (từ trang 53 – 65); Bàn Khê hương ước 磻溪鄉約 gồm 12 trang (từ trang 66 –77) và 3 bản thế kỷ XVIII: Báo Ân hương ước điều mục 報恩鄉約條目 gồm 16 trang (từ trang 489 – 504); Thuận Hưng phủ hương ước tiết mục 順興府鄉約節目 gồm 10 trang (từ trang 505 – 514); Hương lễ hợp biên 鄉禮合編 gồm 3 quyển, tổng cộng 68 trang (từ trang 522 – 589) được khắc in theo mô thức chung: Trên cùng một trang giấy chia làm hai phần, mỗi phần phân thành các hàng dọc để ghi nội dung văn bản và phần rốn sách. Trong nội dung văn bản, có in những chữ nhỏ xen lẫn chữ lớn, có khi một dòng chữ nhỏ được viết trong cùng một dòng chữ lớn, cũng có khi có từ hai đến ba dòng chữ nhỏ được viết trong cùng một dòng chữ lớn. Chữ nhỏ là phần minh giải và bổ sung cho phần chữ lớn.

      Bản Thượng Châu hương ước 尚州鄉約 gồm 5 trang (từ trang 484 – 488), mỗi trang chia làm bốn phần ghi nội dung văn bản.

      Bản Kim Phố diện hương ước tiết văn 金浦面鄉約節文 gồm 7 trang (từ trang 515 – 521), mỗi trang cũng chi làm hai phần, mỗi phần 8 cột, không in phần rốn sách và được viết bằng lối chữ thảo.

      Bản Hương ước thông biến 鄉約通變 gồm 7 quyển tổng cộng 406 trang (từ trang 78 – 483) được viết bằng lối chữ thảo như bản Kim Phố diện hương ước tiết văn, trình bày trên cùng 1 trang từ trên xuống không chia phần và không in phần rốn sách như các văn bản trên.

     Nhìn chung, các văn bản hương ước chữ Hán Choson thời kỳ này thường gồm các yếu tố sau:

      Tên trước tác của Nho sĩ Choson.

      Nêu bốn quy định mấu chốt nhất chi phối cách ứng xử cá nhân.

      Cụ thể hóa và luận giải bốn quy định ấy để mọi người hiểu và tuân thủ.

     Về vấn đề niên đại can chi của văn bản, chúng tôi chỉ thấy trong bản Quang Châu hương ước điều mục ở thế kỷ XV với lời mở đầu cho biết: “Cảnh (Bách Tế 百濟) tiếp nhận chữ Hán của người Lương, Silla (Tân La 新羅) tiếp nhận chữ Hán của người Tề. Đến đời Đường (Trung Quốc), Silla (Tân La 新羅) dựa vào sức mạnh của nhà Đường thống nhất tam quốc. Theo đó cả nước dùng chữ Hán của người Đường. Từ thế kỷ VI, VII tiếng Hán bắt đầu được Hàn hóa, đọc theo âm Hán Hàn bây giờ. Đến thế kỷ XV, nhà Minh (Trung Quốc) soạn Hoa di dịch ngữ 華夷譯語 để ngoại giao với các nước man di song Choson đọc theo âm Hán Hàn và ở Việt Nam (hay Đại Việt khi ấy) người Việt đọc theo âm Hán Việt. Triều Tiên phát minh ra chữ Han gul vào thế kỷ XV, Việt Nam sáng tạo ra chữ Nôm vào thế kỷ X (Nguyễn Khuê, 1999. Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm. Tp. Hồ Chí Minh, tr 19 – 20), chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII nhưng chưa được sử dụng phổ biến. Do ảnh hưởng sâu sắc của chữ Hán nên khi soạn ra hương ước, người Hàn vẫn đọc theo âm Hán Hàn, người Việt đọc theo âm Hán Việt.

_________
1Choson (Triều Tiên 朝鮮): Là tên gọi chung cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc trước cuộc chiến tranh nam bắc xảy ra ở thế kỷ XX (năm 1953). Vương triều này, do tướng I Seong- gye (Lý Thành Quế) sáng lập năm 1392.

2Sarim (Sĩ lâm 士林): Đội ngũ quan lại Nho giáo trẻ tuổi.

3 Yangban (lưỡng ban 两班): Quan lại hai ban văn võ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, 2005. Lịch sử Hàn Quốc, Nxb Đại học quốc gia Seoul.

     2. Phạm Thị Thuỳ Vinh, 2005. Quang Châu hương ước điều mục – bản hương ước cổ nhất của Triều Tiên. Tạp chí Hán Nôm. Số 3: 61 – 67.

     3. Phạm Thị Thuỳ Vinh, 2006. Văn bản hương ước chữ Hán Triều Tiên thời kỳ trung cận đại, Tạp chí Hán Nôm. Số 2: 10 – 22.

     4. Phạm Thị Thuỳ Vinh, 2006. Nghiên cứu so sánh văn bản hương ước chữ Hán Triều Tiên và Việt Nam thời kỳ trung cận đại. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á. Số 2: 27 – 39.

     5. Phạm Thị Thuỳ Vinh, 2007. Những điểm tương đồng và dị biệt trong văn bản hương ước chữ Hán của Triều Tiên và Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Kỷ niệm 15 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Hội Sử học Hàn Quốc và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Hà Nội.

     6. Nguyễn Khuê, 1999. Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm. Tp. Hồ Chí Minh.

     7. Vũ Duy Mền, 2010. Sự tương đồng và khác biệt về hình thức văn bản của hương ước Việt Nam và Triều Tiên thời trung cận đại. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Số 5: 19 – 27.

     8. 金仁杰,韓相權,1986.朝鮮時代社會研究史料叢書,保景文化杜發行.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,
Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục: 34 (2014): 13-19

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số vấn đề về văn bản hương ước chữ Hán thế kỷ XVII – XVIII của Choson (Tác giả: Đỗ Thị Hà Thơ)