Một số Ý KIẾN của BÌNH NGUYÊN LỘC về ĐẶC TÍNH của TÊN GỌI (Phần 1)
NGUYỄN THẾ TRUYỀN
(Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)
1. Vài nét về Bình Nguyên Lộc
Bình Nguyên Lộc (1915-1987), là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước năm1975. Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, nguyên quán ở Đồng Nai, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu. Sự nghiệp sáng tác của ông khá đồ sộ, tập trung ở ba lĩnh vực là: truyện ngắn, truyện dài và khảo cứu. Về truyện ngắn, tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất là Nhốt gió (1950). Về truyện dài, cuốn Đò dọc (1959) của ông được giải thưởng văn chương toàn quốc 1960 (của miền Nam). Về khảo cứu, ông có hai tác phẩm, một về dân tộc học là Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), một về ngôn ngữ học là Lột trần Việt ngữ (1972).
2. Các đặc tính của tên gọi (theo ý kiến của Bình Nguyên Lộc)
Nhân đọc hai quyển Lột trần Việt ngữ và Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam để giới thiệu quan điểm của Bình Nguyên Lộc về lịch trình tiến hoá của tiếng Việt, chúng tôi thấy nhà văn kiêm học giả này có rất nhiều ý tưởng lí thú về các đặc điểm của sự định danh (đặt tên gọi cho sự vật, con người, vùng đất, tộc người,…) của người Hoa, người Việt và nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á trong quá trình lịch sử. Vì xét thấy sự khái quát hoá các đặc điểm định danh này là rất cần thiết cho việc nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến định danh (như lịch sử tộc người, giao lưu và tiếp xúc văn hoá – ngôn ngữ,…), nên chúng tôi tạm gác ý định ban đầu lại, dành một ít thời gian hoàn thành bài viết về chủ đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người khi mà những tài liệu liên quan về vấn đề này chưa được đầy đủ (như trong [3]).
Gom góp ý tưởng của Bình Nguyên Lộc trong cả hai quyển sách vừa nêu, chúng tôi thấy nổi bật lên 7 đặc tính của tên gọi dưới đây được ông đặc biệt chú ý. Tuy những đặc tính này không được ông phát biểu thành lời nhưng chúng hàm ẩn đằng sau những diễn giải, phân tích của ông.
2.1. Đặc tính 1: Tên gọi – dấu tích của thời gian
Theo ý tưởng của Bình Nguyên Lộc, mỗi tên gọi ra đời trong một thời điểm lịch sử nào đó và chỉ trong một thời điểm lịch sử nào đó mà thôi. Sự ra đời của tên gọi là do nhu cầu giao tiếp của cộng đồng ngôn ngữ, do trình độ phát triển về văn minh, văn hoá, do tiếp xúc, v.v. Thời điểm lịch sử, bối cảnh văn hoá – lịch sử quyết định sự ra đời của một tên gọi và ngược lại tên gọi là chứng tích của một giai đoạn lịch sử của một tộc người, chứng tích của một giai đoạn tiến hoá của ngôn ngữ, chứng tích của những giai đoạn di cư nói lên nguồn gốc dân tộc.
Đặc tính này biểu hiện cụ thể ở 4 phương diện sau:
2.1.1. Một dân tộc, một chủng tộc đến một giai đoạn phát triển nào đó tất phải có những tên gọi tương ứng bắt buộc phải có của giai đoạn đó.
Đặc tính này chúng ta đã biết qua nguyên tắc bộ từ vựng cơ bản của một dân tộc do Swadesh đưa ra. Bình Nguyên Lộc là một tác giả rất tán thưởng phương pháp Ngữ thời học (Grottochronology) của Swadesh và ông vận dụng nó để giải thích rất thuyết phục những vấn đề liên quan. Chẳng hạn như trong đoạn sau, ông phản bác quan niệm vay mượn từ ngữ không đúng cách:
“Ngữ vựng của dân tộc nào cũng vay mượn lung tung. Tuy nhiên, các cuộc vay mượn còn để dấu thời gian lại. Xin giải thích rõ. Khi người Tàu đến đánh ta để trực trị ta, không lẽ hai bà Trưng và đồng bào của hai bà lại không có một danh từ để chỉ bàn tay hay sao?
Nếu phải vay mượn của Tàu thì ta chỉ vay mượn những tiếng chỉ những ý niệm phức tạp, những dụng cụ và vật dụng lạ, chớ không thế nào ta lại vay mượn một danh từ để chỉ Nước là chất mà ta uống hằng ngày và ta đã phải có tiếng gọi hàng ngàn năm rồi.”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
2.1.2. Vùng đất mà tộc người đó sinh sống và bối cảnh sinh hoạt vật chất, tinh thần làm nảy sinh những tên gọi chỉ những sự vật, hiện tượng,… đặc trưng của vùng đó, bối cảnh đó.
Ví dụ về trường hợp từ DỪA trong tiếng Việt, Bình Nguyên Lộc phân tích:
“Một thí dụ khả nghi hơn hết là tiếng Dừa giáo sư họ Lê [Lê Ngọc Trụ, nhà ngôn ngữ học ở miền Nam trước 1975] đã đưa ra một ngữ nguyên động trời nói Dừa do tiếng Hán Việt Da mà ra.
Bên Tàu không có cây Dừa. Nước Việt Nam là quê hương của Dừa. Thế thì tại sao người Việt Nam lại không có danh từ chỉ loại cây ấy mà lại phải vay mượn của một dân tộc không có cây dừa?”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
2.1.3. Sự di cư hay tiếp xúc làm nảy sinh những tên gọi mới do vay mượn. Tên gọi loại này là chứng tích của quá trình di cư và tiếp xúc của một tộc người.
2.1.4. Các thành tố cấu tạo của tên gọi có khi là sự ghép nối của nhiều ngôn ngữ do quá trình tiếp xúc nhiều đợt.
Về phương diện này, Bình Nguyên Lộc đưa ra các ví dụ như sau:
“Dân Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp nên dùng danh từ của cả ba thứ Lạc và cả danh từ của Âu tức Thái nữa.
Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Vú, Sữa và Núm Vú. Vú và Sữa là danh từ của Lạc bộ Mã, họ nói Sú Sú, ta biến thành Vú và Sữa.
Danh từ của chi Âu Nóm là Vú, ta nhập Nóm với Vú để tạo ra Nóm Vú chỉ cục thịt nhỏ ở đầu vú.
Tóm lại, quả thật ta lượm lung tung, đầu nầy một ít, đầu kia một ít, nhưng chỉ lượm trong đại cộng đồng Mã Lai, chớ không hề vay mượn của chủng tộc nào khác hết.
Mà các quốc gia Mã Lai khác như Thái, Cao Miên cũng thế, chớ không riêng gì là ta. Họ cũng ghép danh từ của lu bù nhóm Mã Lai để tạo danh từ riêng của họ. […]”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
2.2. Đặc tính 2: Tên gọi phiên âm: chân tướng của kẻ vay mượn
Khi cùng một sự vật mà hai hay nhiều tộc người có tên gọi gần giống nhau, khi đó nảy sinh vấn đề tranh luận “Ai mượn ai?”. Trong quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Hán thì đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Một trong những cách để giải quyết vấn đề này, theo Bình Nguyên Lộc, là xem tên gọi trong ngôn ngữ nào đặt theo kiểu phiên âm và đó là chứng cứ cho biết ngôn ngữ này vay mượn tên gọi của tộc người khác. Khi phân tích tên gọi trong tiếng Hán, chúng ta cần phân tích thêm chứng cứ tự dạng của chữ Hán để có bằng chứng thuyết phục mạnh mẽ hơn.
Bình Nguyên Lộc đã vận dụng đặc tính vừa nói trong việc phân tích hai cặp từ sau: NỎ (Việt) – NỖ (Hán) và ĐẬU (Việt) – ĐẬU (Hán).
Về cặp NỎ – NỖ, Bình Nguyên Lộc viết:
“Người Trung Hoa khi họ bày ra một tự dạng mới, họ theo những cái luật bất di bất dịch, chớ không phải viết càn. Ta thử chiết tự chữ Nỗ của họ xem sao.
Chữ ấy gồm ngữ căn [yếu tố gốc để tạo nên nghĩa của từ] Cung để tượng hình, tức chỉ nghĩa và tiếp vĩ ngữ Nô (Nô bộc), dùng chỉ giọng đọc (Hài thanh).
Theo luật tạo tự dạng của Trung Hoa thì danh từ đó là danh từ tân tạo chớ không phải là danh từ nguyên thỉ của dân tộc Tàu. Cung mới là nguyên thỉ vì không có ngữ căn và ngữ phụ gì cả trong Cung.
Mà tân tạo thì có hai loại:
1. Loại hoàn toàn nội lực. Thí dụ chữ Dẫn, gồm ngữ căn Cung để tượng hình và một sổ cũng tượng hình sự giương cung, không có ảnh hưởng ngoại lai vì cả hai yếu tố đều có nghĩa và đều là chữ Tàu.
2. Loại phiên âm ngoại ngữ thì chữ tượng hình thứ nhứt vẫn là Cung nhưng chữ tượng hình thứ nhì được thay bằng chữ hài thanh, hoàn toàn vô nghĩa đối với Trung Hoa nhưng lại chỉ được cái âm ngoại quốc mà họ phải theo.
Có lí nào mà cây Nỗ là một thứ Cung do Nô bộc hoặc Nô lệ sử dụng hay không? Không, không thể nào mà có chuyện như vậy. Nô bộc không phải là chiến sĩ, còn nô lệ có thể là chiến sĩ, nhưng không sao mà được phép sử dụng một loại khí giới quá lợi hại (của thời đó).
Vậy Nô hoàn toàn vô nghĩa và chỉ để phiên âm giọng đọc của chủ nhơn môn võ khí ấy mà thôi và Ná, Nỏ của ta không bao giờ do Nỗ của Tàu mà ra, mà trái lại chính Tàu đã vay mượn của Mã Lai Việt cả món vũ khí lẫn cái tên.
Lộ trình vay mượn có thể được hồi phục như sau đây. Sự vay mượn xảy ra khi dân Trung Hoa di cư vào đất Kinh của chủng Việt, họ vay mượn cả vật dụng lẫn lối đọc tên vật ấy. P’na biến thành Nỗ. Riêng các nhóm Mã Lai Bách Việt thì cứ tiếp tục dùng Na, Ná, Phả, Hná, Nỏ của họ. Người Tàu viết chữ, ta đọc sai là Nỗ, chớ Quan Thoại thì đọc là Nũa.”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
Về cặp ĐẬU – ĐẬU, Bình Nguyên Lộc viết:
“Chiết tự chữ Đậu, ta cũng thấy có sự lạ kì. Ngữ căn trong chữ đó chỉ là bộ Thảo đầu, còn phần dưới không dính dáng gì tới một món ăn nào hết, mà lại tượng hình một dụng cụ thờ phượng mà Pháp gọi là Compotier [đĩa sâu lòng để đựng mứt trái cây,…], Tàu dùng đựng trái để cúng trên bàn thờ mà họ gọi là cái Đậu (món đó Hán Việt và Hoa ngữ, đều đọc là Đậu). Thành thử cái phần tưởng là chánh yếu, lại chỉ để tượng thanh mà thôi, chính cái bộ Thảo đầu mới là chỉ thực vật mà chỉ như thế là chỉ tổng quát, không có nghĩa gì hết. Đó là một tự dạng vô nghĩa, kể cả phần tượng thanh lẫn tượng hình thì nó chỉ có thể là một chữ phiên âm mà thôi.”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
Vậy trong cả hai trường hợp đều có thể kết luận tiếng Việt không mượn tiếng Hán từ NỖ (弩) để biến thành NỎ và mượn ĐẬU (荳) để biến thành ĐẬU.
2.3. Đặc tính 3: Cơ cấu ngữ âm – “lò luyện kim đan” tên gọi
Một ngôn ngữ, do cơ cấu ngữ âm của mình (độc âm hay đa âm, đơn thanh hay đa thanh, có hay không có những nguyên âm, phụ âm hoặc kiểu âm tiết nào đó,…) mà cách đặt tên chịu sự chi phối mạnh mẽ của cơ cấu ngữ âm này.
Đặc tính này không những chi phối diện mạo ngữ âm của tên gọi, mà còn chi phối sự biến chuyển diện mạo của tên gọi trong tiến trình lịch sử của một ngôn ngữ, đặc biệt đối với những tên gọi du nhập từ bên ngoài vào hệ thống.
Người Việt Nam, theo Bình Nguyên Lộc, có kiểu vay mượn tên gọi “theo điệu lười” hoặc “luật làm biếng”, tức là hay bỏ bớt các thành phần cấu tạo của từ ngữ gốc (“nuốt chữ”), chỉ giữ lại một phần đơn giản nhất (người Việt thích rút gọn từ đa âm của ngôn ngữ vay mượn thành từ độc âm). Thí dụ điển hình cho trường hợp này là từ LI: người miền Nam vay mượn của của dân lưu vong nhà Minh, người Quảng Đông gọi là Pố Lí Púi (= Pha lê bôi = Chén rượu làm bằng chất pha lê), nhưng người Việt nuốt mất Pố và Púi, chỉ chừa lại LÍ bị biến thành LI. (Lột trần Việt ngữ, Phụ lục D, tr. 373)
“Luật làm biếng” này đúng cho hầu hết các trường hợp khi chúng ta mượn từ chỉ tên gọi các quốc gia: người Việt luôn có khuynh hướng độc âm hoá các tên gọi đa âm cho phù hợp với đặc tính đơn âm của bản ngữ, như: Anh-cát-lợi -> Anh, Nga-ta-lư -> Nga, Pháp-lãng-sa -> Pháp, Bun-ga-ri -> Bun (Khẩu ngữ), Hung-ga-ri -> Hung (Khẩu ngữ),…
Từ ngữ của tiếng Nhật thường có khuynh hướng “mọc đuôi” (từ dùng của Bình Nguyên Lộc), tức là thêm nguyên âm cho những âm tiết kết thúc bằng phụ âm (vì tiếng Nhật không có loại âm tiết kết thúc bằng phụ âm), hoặc thêm nguyên âm để đa âm hoá những từ đơn âm.
Còn tiếng Hoa thì vì không có phụ âm R nên tên gọi của họ không thể có phụ âm R được và khi vay mượn tên gọi của các tộc người khác họ có khuynh hướng nuốt âm R hoặc biến đổi âm R thành một âm tương ứng.
Đặc tính “lò luyện kim đan” này của Bình Nguyên Lộc có ý nghĩa giải thích cho đặc trưng ngữ âm của tên gọi và những hiện tượng biến đổi về ngữ âm của tên gọi như “nuốt âm”, “rụng âm”, “mọc đầu, mọc đuôi”,… rất li kì trong lịch sử một ngôn ngữ.
2.4. Đặc tính 4: Khác biệt về sắc thái giữa các tên gọi là do khác biệt về thân phận
Khi một sự vật, hiện tượng,… có nhiều tên gọi thì giữa chúng có sự khác biệt về sắc thái biểu cảm, màu sắc phong cách, phạm vi sử dụng. Theo Bình Nguyên Lộc, một trong những nguyên nhân làm cho các tên gọi đó khác nhau về ý nghĩa xấu hay đẹp là do sự khác nhau về nguồn gốc của các từ (từ đang xét là từ của tộc người nào và sự khác nhau về trình độ văn hoá, sự phát triển về nhân chủng giữa các tộc người đó dẫn đến sự khác nhau về sắc thái ý nghĩa):
“Ta có thể lập ra cái luật văn phạm nầy mà rất ít vấp ngoại lệ:
A) Khi Việt ngữ có hai từ đồng nghĩa, thì luôn luôn từ thứ hai bị lép vế và chắc chắn từ đó là vay mượn của một nhóm Mã Lai khác.
Xơi (đợt I) sang hơn Ăn (đợt II) Cầy (đợt I) – Chó (đợt II)
Chó (Lạc đợt I) – Chó má (chi Âu)
Ngỗng (Lạc bộ Trãi) – Ngan (Lạc bộ Chuy) Chơn (đợt I) – Cẳng (đợt II)
Cẳng (đợt II) – Giò (Chủng Mê-la-nê)
B) Khi Việt ngữ có ba từ đồng nghĩa thì từ thứ ba có một nghĩa xấu tệ và đó là vay mượn của một chủng kém hơn hoặc của một chi khác hơn là chi Lạc.
Cầy sang hơn chó, mà chó thì sang hơn chó má, chỉ dùng để chưởi, vì Má, Mã là danh từ của chi Âu tức Thái, chớ không phải của chi Lạc [của chính người Việt], mặc dầu trong chi Âu, nó chỉ có nghĩa là chó chớ không có gì là kém cỏi hết.
Sở dĩ người Mường (đợt II) cho Cầy có một nghĩa sang trọng vì thấm nhuần cái luật đó. Họ chỉ là khách trọ của Hùng Vương, tức chỉ là Mã Lai đợt II ở trọ với Mã Lai đợt I. Họ đã phải thần phục vua Hùng Vương [Mã Lai đợt I] về mọi mặt, […].
Trong xã hội Việt Nam còn có một danh từ nữa là danh từ Giò thấy trong tự điển Anh-Mê- la-nê có ghi. Vì đó là danh từ của một chủng kém cỏi, nên trong ngôn ngữ Việt Nam, danh từ đó chiếm hạng ba. Người ta nói giò gà, giò lợn, tướng học trò, giò ăn cướp.”
(Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương 5)
Thuyết của Bình Nguyên Lộc là một ý tưởng hay cho người nghiên cứu phong cách ngôn ngữ. Thuyết của ông đúng khi các từ Hán Việt vay mượn của người Trung Quốc (tức là vay mượn qua tiếng Quan Thoại, Bắc Kinh) đều có ý nghĩa trang trọng hoặc cổ kính, nhưng những từ vay mượn từ người địa phương Triều Châu, Phúc Kiến,… (như: hia = anh, tía = cha, ý = dì, lạp-xưởng = ruột heo nhồi thịt rồi phơi hoặc sấy khô, xì-dầu = nước tương, thèo lèo = kẹo mè thập cẩm, xường xám = áo dài Trung Quốc,…) thì lại có ý nghĩa bình thường, chỉ dùng trong khẩu ngữ.
Những từ vay mượn từ các nguồn khác cần được chúng ta kiểm chứng theo giả thuyết này, nhưng chú ý chỉ kiểm nghiệm khi chúng có ít nhất một từ ngữ đồng nghĩa.
Còn tiếp:
Mời xem: Một số Ý KIẾN của BÌNH NGUYÊN LỘC về ĐẶC TÍNH của TÊN GỌI (Phần 2)